Những chuyện buồn đối với Pháp Luân Công, hay những phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc, tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng hay Đài Loan, đối kháng với thành phần lãnh đạo Bắc Kinh tại Trung Quốc, thì không bút mực nào tả hết.
Học viên Pháp Luân Công tọa thiền. Hình minh họa.
Nơi tôi ở đang là mùa xuân lạnh lẽo, buốt giá. Cái lạnh ở đây không phải vì nhiệt độ. Thỉnh thoảng nó mới xuống 0 độ, hoặc vài độ âm. Không thấm gì so với những nơi lạnh lẽo khác. Nhưng cái lạnh đến từ khí trời, và gió, cho tôi có cảm tưởng nó thấm từ trong ra ngoài.
Năm nay mùa đông đã làm gia tăng số người bệnh Covid và bệnh cảm cúm đến độ bệnh viện và khâu khẩn cấp nơi tôi ở không đủ khả năng để đối phó.
Dù sao chỉ còn một tuần nữa thì mùa đông chấm dứt, và mùa xuân lại đến. Xuân đến, khí hậu mát mẽ dễ chịu hơn. Hoa mộc lan, hoa anh đào, và bao nhiêu loại hoa khác, kể cả không phải cây hoa, cũng sẽ trổ hoa. Cũng cho ra hương phấn, và kết nhuỵ, thành hoa quả.
Xuân đến, rồi xuân đi. Hạ đến rồi hạ đi. Thu đến rồi thu đi. Đông đến rồi đông đi. Sự tuần hoàn của giòng thời gian. Của trái đất. Của vũ trụ.
Thế sao lại gọi "Mùa xuân vĩnh cửu !" ? (Eternal Spring)
Đây là bộ phim rất đặc biệt, về nội dung, hình thức và kỹ thuật thực hiện. Bộ phim xoay quanh nhân vật Daxiong, một họa sĩ người Hoa từng theo Pháp Luân Công (Falun Gong or Falun Dafa). Daxiong đã từng vẽ cho các phim Disney như Justice League, Star Wars.
Pháp Luân Công, đượchình thành đầu thập niên 1990, và đến năm 1999 thì được nhiều người theo và vang tiếng khắp thế giới. Ước đoán có đến 70 triệu tín đồ. Từ giữa thập niên 1990 trở đi, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân lúc đó, cảm thấy Pháp Luân Công trở thành mối đe dọa vì : một, số lượng người theo ; hai, tính độc lập ; và ba, triết lý dạy mang tính tôn giáo. Không thể để Pháp Luân Công ngày càng ảnh hưởng và đe dọa, Đảng cộng sản Trung Quốc bắt đầu tung những chiêu độc hại với giáo phái này, gọi là tà giáo (evil cult), và dùng mọi phương tiện truyền thông nhà nước, và tuyên truyền, để bôi nhọ đả phá và kết tội Pháp Luân Công. Ngày 25/4/1999, hơn 10 ngàn tín đồ Pháp Luân Công biểu tình trong im lặng gần tòa nhà chính quyền Bắc Kinh. Sau đó họ bị liệt kê là tà giáo, là gây xáo trộn ổn định và trật tự xã hội, và bị cấm hoạt động hoàn toàn. Từ giữa năm 1999 trở đi, nhà nước Trung Quốc bắt đầu mở những cuộc b ắt bớ, đàn áp thẳng tay với những người biểu tình hay những ai lên tiếng bênh vực Pháp Luân Công.
Một nhóm tín đồ Pháp Luân Công, đa số trẻ, cảm thấy bất công và bất mãn. Những gì họ thực tập chủ yếu là sự chân thật, lòng trắc ẩn và tính kiên nhẫn (hay chân, thiện và nhẫn), nhưng nhà nước thì bẻ cong sự thật này. Nhóm này, và tất nhiên nhiều tín đồ khác, đều thấy những tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc thuần túy một chiều và bóp méo. Do đó mục đích của nhóm Pháp Luân Công trẻ này là chỉ muốn trình bày cho người dân biết những gì người ta không hoàn toàn nghe hay thấy trên truyền thông nhà nước hay không gian công cộng. Ban đầu, họ sử dụng nhiều hình thức rất sáng tạo, như bỏ truyền đơn của Pháp Luân Công vào trong bong bóng bay rồi thả ra, bay lên các nóc nhà cư dân. Khi cảnh sát hay nhân viên công quyền đục thủng bong bóng thì truyền đơn tung bay khắp nơi. Dần dần, họ thực hiện các phim ảnh dạng CD để phổ biến theo mạng lưới cá nhân. Nhưng số người tiếp cận cũng giới hạn. Sau đó, táo bạo hơn, họ muốn đột nhập vào những phương tiện truyền thông nhà nước để phá t hình từ những đài này. Thế là họ họp mặt nhau kín đáo, vạch ra kế hoạch, và quyết tâm tiến hành.
Ngày 5/3/2002 là kế hoạch lớn xảy ra. Trước đó cũng có từng chiếm đoạt vài đài ngắn hạn. Ngày hôm đó nhóm này chiếm đoạt (hijack) cùng lúc tám kênh có 300.000 người đăng ký cáp trong thành phố Changchun để phát hai video có tên "Tự thiêu hay đánh lừa ?" và "Pháp Luân Công truyền bá trên toàn thế giới" vào giờ cao điểm 7g15 tối. Trong lúc thực hiện thì bị khám phá. Có người bị bắt ngay lúc đó. Thật ra trước đó, người chủ mưu và thủ lãnh của nhóm, Liang Zhenxing, đã bị an ninh bắt. Nhưng dù bị tra tấn dã man, anh đã quyết tâm không khai, để không bị ảnh hưởng đến kế hoạch hành động của nhóm.
Sau sự kiện này, cảnh sát và an ninh Trung Quốc đã truy lùng và bắt nhốt khoảng 2.000 người, mặc dầu chỉ có 18 người liên quan trực tiếp đến kế hoạch này. Một vài người đã bị hành hạ và chết trong tù vài ngày sau đó. Liang bị biệt giam và tra tấn liên tục nhưng kiên trì không khai và không nhận tội. Anh chết vào tháng 5/2010, 46 tuổi.
Những nhân vật đầy khẳng khái khác như Big Truck, có tên nệm như thế vì dáng người vạm vỡ, cũng bị hành hạ và chết trong tù không lâu sau đó. Mr White là nhân vật quan trọng trong kế hoạch này, người duy nhất may mắn sống sốt và hiện đang sống ở Seoul, Nam Hàn. Người cô của một người hoạt động trong nhóm này đã bị án 20 năm tù, nghĩa là năm nay được trả tự do.
Trước sự kiện này xảy ra, những người theo Pháp Luân Công tuy đã bị đàn áp và trù dập nặng nề, nhưng sau sự kiện này họ còn bị sách nhiễu khủng bố liên tục. Daxiong là một trong những người này. Anh phải tìm cách lánh nạn và bỏ nước ra đi vào năm 2002. Anh theo Pháp Luân Công, nhưng không tán thành kế hoạch chiếm đoạt đài và phát sóng như thế để rồi mọi thành viên khác đều bị ảnh hưởng. Cho đến khi anh đi nghiên cứu tìm hiểu từng nhân vật trong câu chuyện, vẽ từng nét mặt, cử chỉ, phong thái, và tính cách của họ, anh hiểu được họ nhiều hơn.
Từ hình vẽ của Daxiong, cuộn phim tài liệu này được dựng thành phim hoạt hình ba chiều, 3D Animation. Cách dựng phim và đạo diễn của Jason Loftus rất mới lạ. Có những lúc nói chuyện với nhân vật còn sống thì như phim tài liệu, trong đó nhân vật được phỏng vấn. Đa số phần phim còn lại được tái tạo câu chuyện xảy ra, đặc biệt với những nhân vật không còn nữa, bằng hoạt hình. Bằng hoạt hình nhưng rất sống động, tạo cảm giác như đang xem phim thật, nhân vật thật. Bộ phim đã thành công trong việc phát họa ra tính cách riêng của từng nhân vật trong đó.
Cái khí tiết của Liang, của Big Truck, của Mr White, của những người có niềm tin mãnh liệt và không hề sợ hãi, dù đe dọa bóng tối và bạo lực luôn bao trùm họ, đã làm cho tất cả những người xem phim ngưỡng mộ, truyền cảm hứng và cảm động vì họ đã dám hy sinh cho những gì cao cả.
Trong lúc thời tiết khét nghiệt nhất của mùa đông buốt giá, vẫn có nơi hoa nở. Mùa hoa mận (plum blossom or Meihua) tượng tưng cho ý nghĩa rằng ngay cả khi gặp khó khăn hay đau khổ, mùa xuân sẽ không còn lâu lắm ; mùa xuân rồi sẽ đến. Nó cho ta hy vọng. Những tinh thần bất khuất của Liang, Big Truck hay bao lòng dũng cảm khác là hy vọng cho sự đổi mới sẽ đến. Đây là lời chia sẻ củaJason Loftus, đạo diễn bộ phim tài liệu Eternal Spring, Mùa xuân Vĩnh Cửu, được trình chiếu năm nay, đánh dấu 20 năm sự kiện trên đã xảy ra. Chỉ trong vòng vài tháng, tuy bộ phim chỉ được chiếu rất giới hạn tại một số rạp chiếu phim chọn lọc, những người phê bình phim đã đánh giá rất cao về phim này. Phim này cho đến đã đoạt được nhiều giải thưởng.
Những chuyện buồn đối với Pháp Luân Công, hay những phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Trung Quốc, tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng hay Đài Loan, đối kháng với thành phần lãnh đạo Bắc Kinh tại Trung Quốc, thì không bút mực nào tả hết. Dù sao coi xong phim này, nó cũng cho tôi niềm tin mãnh liệt rằng ở đâu cũng có những người thật can trường. Không dễ gì bẻ gây h ọ. Họ luôn là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho chúng ta.
Tôi cũng mong rằng một ngày nào đó, những câu chuyện của Việt Nam, những nhân vật đã đi vào lịch sử, tuy không thành công mà đã thành nhân, sẽ được dựng lại trên màn ảnh để thế hệ hôm nay và mai sau biết sự thật về họ. Không phải những dối trá từ chế độ cầm quyền hiện nay hay bất cứ thế lực chính trị nào muốn bẻ cong sự thật.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 25/08/2022
Du khách Châu Âu đến Đà Lạt, ngoài việc cảm nhận "hương vị Pháp" trong quy hoạch đô thị, tổ chức cảnh quan và phong cách kiến trúc của thành phố này, sẽ nhận ra một thiếu vắng quan trọng.
Sân golf Đồi Cù. (Hình : Lê Sơn)
Nằm trong số mười đô thị trên thế giới được mệnh danh là "Thành phố có Mùa Xuân Vĩnh Cửu" nhờ cảnh quan miền núi thơ mộng, khí hậu ôn đới dễ chịu và hệ thực vật phong phú đa dạng, tuy nhiên ngày nay, Đà Lạt không sở hữu một công viên công cộng nào.
Cổng chính vào Thung Lũng Tình Yêu. (Hình : Lê Sơn)
Trước đó, ra đời từ nhu cầu nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, nên ngoài khí hậu, vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên có vai trò chính trong việc chọn lựa vị trí xây dựng và thiết kế các đồ án quy hoạch cho thành phố này. Đà Lạt, như vậy trước hết là một đô thị cảnh quan miền núiduy nhất ở Việt Nam, và các không gian xanh tự nhiên lớn như Đồi Cù (sân golf và vườn hoa công cộng, 65 ha), khu vực Valley d’Amour (Thung lũng Tình yêu và hồ Đa Thiện, 137 ha) hay Lac des Soupirs (Hồ Than thở và trường Võ bị Đà Lạt, 39 ha)… ra đời cùng thành phố đã góp phần quan trọng định hình bản sắc và giá trị của đô thị này.
Công viên (parc / park) là một khu vực tự nhiên được xác định giới hạn, với hệ sinh thái trong đó được giữ lại toàn bộ (mục tiêu là bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên), hoặc giữ một phần và kết hợp với cảnh quan nhân tạo (mục tiêu là thêm vào các hạng mục giải trí). Còn vườn (jardin / garden) là không gian đô thị được tự nhiên hóa toàn bộ thông qua nghệ thuật cảnh quan và bố trí cây xanh. Về qui mô, thông thường công viên lớn hơn vườn, chẳng hạn Central Park (New York) có diện tích là 341 ha, Tiergarten (Berlin) là 210 ha. Thuộc sở hữu công, quản lý và bảo trì bởi chính quyền, mở cửa miễn phí, công viên và vườn công cộng giữ vai trò quan trọng trong đô thị hiện đại. Không chỉ về mặt cảnh quan, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh vai trò quan trọng của không gian xanh đối với sức khỏe tinh thần của cư dân, như vấn đề stress của xã hội công nghiệp. Ngoài việc vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, thư dãn, công viên còn cung cấp không gian tự nhiên để tập luyện sức khỏe với phí tổn tối thiểu và thời gian linh hoạt tùy từng đối tượng.
Khác với "trạm nghỉ dưỡng" Bà Nà hay Sa Pa, Đà Lạt là một đô thị đúng nghĩa, từng được định hướng là thủ đô của Đông Dương thuộc Pháp, sự tồn tại công viên công cộng lớn gắn với hệ sinh thái tự nhiên là quan trọng cho cả dân cư địa phương và du khách, vì đây là sản phẩm không thể tìm thấy ở nơi khác và mang lại các lợi ích kinh tế ngầm cho thành phố. Một ví dụ điển hình : du khách, sau khi tham quan miễn phí Vườn thượng uyển (830 ha) của Lâu đài Versailles, sẽ chi tiêu vào mua sắm, ẩm thực, khách sạn, di chuyển,... Ban Mê Thuột hay Pleiku, dù có vị trí chiến lược quan trọng hơn Đà Lạt trong chuỗi đô thị miền núi Tây Nguyên, là các thành phố nhỏ được hình thành tương đối tự phát trong thời Pháp, và hiện tại vẫn đang ở tình trạng "ngủ đông" dù nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã xây dựng xong.
Sân golf Đồi Cù bên kia Hồ Xuân Hương, nhìn từ Quảng Trường Lâm Viên. (Hình : Lê Sơn)
Cho đến những đầu những năm 1990, các không gian xanh Đồi Cù, Thung Lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, vẫn giữ được thuộc tính "công cộng", cả về sở hữu, công năng và đối tượng sử dụng, được xác định bằng luật từ thời Pháp. Từ khi Việt Nam mở cửa, tương tự như ở những thành phố khác, mà trường hợp TP. Hồ Chí Minh và Xưởng đóng tàu Ba Son là ví dụ cụ thể, quá trình tư hữu hóa tài sản công thiếu minh bạch đã biến ba công viên này thành tài sản của các công ty tư nhân Việt Nam, trở thành cỗ máy kiếm tiền, công cụ giữ đất, phát triển dự án bất động sản. Tất cả mọi người phải mua vé vào cửa, để rồi nhận thấy cảnh quan thiên nhiên đẹp lãng mạn bị thay thế bằng chuỗi tiểu cảnh nhân tạo rất giới hạn về thẩm mỹ và chiều sâu ý tưởng, hơn nữa còn bị phá vỡ bởi vô số cửa hàng, quán ăn, dịch vụ... Đồ án mới về quy hoạch chi tiết khu trung tâm Đà Lạt (2019) tiếp tục lô-gic này với việc xóa bỏ Dinh tỉnh trưởng cũ (từng là Bảo tàng Lâm Đồng) và tư hữu hóa toàn bộ khu đồi (hiện còn 4,4 ha) ở trung tâm lịch sử của Đà Lạt. Cần nhắc lại là hai khách sạn di sản, Palace và Du Parc, cùng toàn bộ vườn cảnh mênh mông nay cũng đã thuộc về sở hữu tư nhân.
Không gian xanh mở chủ yếu hiện nay của Đà Lạt là mặt nước Hồ Xuân Hương, đóng khung bởi tuyến đường nhỏ hẹp bọc quanh ven hồ với vỉa hè ít chăm sóc, được kết nối bởi một số vườn cảnh công cộng, thiếu bản sắc và sự hấp dẫn. Trong khi đó, Vườn Hoa Thành Phố cũng được thương mại hóa, còn Quảng trường Lâm Viên đối diện với Đồi Cù là một mảng bê tông lớn vô hồn, hoàn toàn không có cây xanh.
Khách sạn Palace. (Hình : Lê Sơn)
Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng, kể cả trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc. Toàn bộ công viên và vườn cảnh lộng lẫy cho đến trước thời điểm đó thuộc sở hữu tư và chỉ dành cho giới thượng lưu hay lãnh đạo tôn giáo. Thay đổi xã hội nói trên đã đặt nền móng cho sự hình thành công viên và vườn công cộng, thông qua việc nhiều tài sản loại này được chuyển thành sở hữu công và mở cửa tự do cho tất cả. Tiếp theo, khái niệm công viên công cộng được giới thiệu chính thức lần đầu năm 1830 bởi nhà thực vật học người Anh John Claudius Loudon, gắn liền với tư tưởng tiến bộ. Ông khẳng định xây dựng hệ thống công viên và vườn công cộng đô thị là công cụ để cải cách xã hội. Tư tưởng này nằm trong trào lưu quy hoạch đô thị lớn hơn đang diễn ra ở toàn Châu Âu lúc đó : cung cấp môi trường sống sạch sẽ, chất lượng cao về sức khỏe vật chất và tinh thần, phòng bệnh hơn chữa bệnh, bảo đảm bình đẳng về xã hội, nhằm sửa chữa những mặt trái của đô thị phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa.
Việt Nam ngày nay dường như đang đi ngược với trào lưu tiến bộ chung của thế giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị.
Liệu Đà Lạt, người dân địa phương và du khách, ngày nào đó sẽ nhận lại tất cả các công viên công cộng huyền thoại của mình ?
Lê Sơn
Nguồn : VOA, 12/07/2019