Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vừa lo thiếu điện, vừa đảm bảo tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể thực thi mục tiêu kép ?

than1

Miền Nam và miền Bắc Việt Nam đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng đầu tiên trong năm nay. Cảnh một người nông dân ở tỉnh Bến Tre đi trên cánh đồng khô cằn của mình vào ngày 19/3/2024.

Tháng 5 và 6 thường là cao điểm xả thải liên quan đến sản xuất điện ở Việt Nam, do nhu cầu máy điều hòa không khí tăng lên mức cao nhất. Năm nay, khí thải tăng cao đột biến vào đầu năm cho thấy những tháng tới sẽ còn tăng nữa và tổng mức cả năm sẽ phá vỡ các kỷ lục trước đây.

Các nhà máy nhiệt than của Việt Nam đã thải ra 11 triệu tấn CO2, chỉ tính riêng trong tháng 1/2024, theo số liệu từ cơ quan năng lượng Ember.

Hiện Việt Nam đang gia tăng sản xuất điện để tránh nguy cơ mất điện nghiêm trọng như vào thời gian cao điểm nắng nóng như năm ngoái , nhằm trấn an các tập đoàn nước ngoài.

Việt Nam đã gia tăng gần gấp đôi lượng than nhập khẩu trong năm nay so với cùng kỳ năm 2023 vì mục tiêu không để thiếu điện vào mùa khô.

Việt Nam là quốc gia tiêu thụ than đá lớn thứ 10 thế giới . Việc sản lượng nhập khẩu than đá gia tăng như vậy được cho sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch và nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường.

Lượng CO2 phát thải trong tháng 1 đã vượt gần 70% lượng khí thải của cùng kỳ năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Điều này cho thấy sản xuất điện năng đang có xu hướng tăng rõ rệt so với năm trước.

Trong tháng 1, lượng điện năng từ các nhà máy nhiệt điện than tạo ra đạt 12,75 terawatt-giờ (TWh), cao hơn 68% so với tháng 1/2023 và là mức tính theo tháng cao nhất kể từ tháng 7/2023.

Nhiệt điện than chiếm 55% tổng sản lượng điện năng trong tháng 1/2024, tăng từ mức trung bình 46% của cả năm 2023.

Tổng điện năng từ tất cả các nguồn đạt 23,35 terawatt-giờ (TWh), cao hơn 30% so với tháng 1/2023.

Hồi năm ngoái, lượng CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt than của Việt Nam đạt kỷ lục là 110 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức 90 triệu tấn của năm 2022.

Nếu tốc độ này được duy trì trong năm 2024, dự kiến lượng CO2 thải ra cả năm của Việt Nam sẽ vào khoảng hơn 130 triệu tấn.

Trấn an nhà đầu tư nước ngoài

than2

CO2 phát thải ra trong tháng 1 đã vượt gần 70% so với cùng kỳ vào năm 2023 và tăng hơn 30% so với mức trung bình của tháng 1, tính trong 5 năm gần nhất. Ảnh : Nhà máy nhiệt điện Phả Lại tại tỉnh Hải Dương, ảnh chụp ngày 14/10/2022.

Ngày 19/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã trấn an các nhà đầu tư nước ngoài về nguồn cung năng lượng.

Báo Lao Động dẫn lời ông Chính : "Chúng tôi cam kết không để thiếu điện, tổng nguồn không thiếu, nhưng do điều hành không tốt nên thiếu. Các bạn yên tâm sẽ đủ điện, theo hướng tăng trưởng xanh".

Hai quan chức nước ngoài tham dự buổi gặp với ông Phạm Minh Chính nói với Reuters rằng những cam kết của Thủ tướng Việt Nam mang tính trấn an, nhưng "không rõ ràng" biện pháp nào sẽ được sử dụng để đạt được mục tiêu đó.

Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.

Năm 2023, nắng nóng và cúp điện không chỉ ảnh hưởng đến người dân ở ba miền đất nước mà còn tác động tới các "đại bàng" FDI.

Hồi tháng 6-7/2023, việc cúp điện đột ngột ở miền Bắc như tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp có vốn FDI như Samsung, Canon, Peony... hàng triệu đô la.

Sự hiện diện của nhà máy và dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Canon... đang gia tăng áp lực cho Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung ứng điện liên tục trong năm nay.

Thậm chí đã có cảnh báo rằng việc mất điện có thể dẫn tới mất luôn "đại bàng" trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc đáng kể vào FDI.

Năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Samsung hiện đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam và mới đây tuyên bố muốn duy trì vị thế này trong vòng 30 đến 40 năm nữa.

Theo báo Vietnamnet, ông Phạm Minh Chính đã yêu cầu dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Hưng Yên "phải được hoàn thành, đóng điện" vào tháng 6 tới. Đường dây này đi qua các tỉnh chịu cúp điện đột ngột vào năm ngoái và hiện tượng thời tiết El Niño đang làm gia tăng rủi ro trong năm nay.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hôm 19/3, đại diện Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nói rằng "hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến [các doanh nghiệp Hàn Quốc] chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư".

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cũng cho rằng "tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng".

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) trong khuôn khổ VBF đã "khuyến nghị Chính phủ (Việt Nam) xem xét điều chỉnh các Thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức Tài chính Phát triển cho vay các dự án lớn về Chuyển đổi Năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo", theo tường thuật của báo Nhân Dân.

than3

Nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50% sản lượng điện của Việt Nam, phải "gánh" cả thủy điện (xếp thứ nhì với khoảng 30%) do tình hình khô hạn khiến các đập thủy điện thiếu nước, theo số liệu thống kê hồi năm 2023.

Hồi tháng 1, thủy điện chỉ chiếm khoảng 20,5% tổng lượng điện năng vì hạn hán khiến hồ thủy điện bị thiếu nước nghiêm trọng.

Nếu trong những tháng tới, lượng mưa tăng thì lượng điện năng từ thủy điện có thể tăng đáng kể và giúp giảm lượng điện từ nhiệt điện than.

Trong khi đó, lượng điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm 13,6% tổng lượng điện năng của Việt Nam trong năm 2023. Các nguồn điện này có thể đối mặt với những khó khăn liên quan đến những quan ngại về mức độ sinh lời do đó khó tăng tỷ trọng trong ngắn hạn.

Điều này đồng nghĩa, trong một tương lai gần, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều về nhiệt điện than và có thể khiến mức khí thải CO2 tăng lên những nấc cao hơn trong vài năm tiếp theo.

Tháng 5/2023, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việt Nam đã khẳng định sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2030 để đảm bảo giảm phát thải carbon và đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 về trung hòa carbon, theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu hồi tháng 11/2021 mà Việt Nam cùng gần 150 nước đã ký kết.

Đàn áp giới hoạt động môi trường

Cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero emission) vào 2050.

Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 - sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu - cho phép Việt Nam sản xuất gần một nửa sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo.

Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam cho bỏ tù các nhà hoạt động môi trường hàng đầu - những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này.

Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, hiện một số nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang ngồi tù, như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), là người mới nhất bị bắt giữ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi Việt Nam sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất.

Trong một phân tích được đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung từ Đức hôm 10/3, Tiến sĩ Jörg Wischermann từ Viện GIGA Institute for Asian Studies (Viện GIGA nghiên cứu về Châu Á) chỉ ra rằng, trong "Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP" dài hơn 200 trang mà Việt Nam công bố hồi tháng 12/2023 thì "NGO" (Tổ chức phi chính phủ) chỉ xuất hiện có một lần.

Ông nhận định, trên thực tế, các NGO đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Các vụ bắt bớ và truy tố, theo ông, cho thấy "sự tương phản sâu sắc" với những cam kết trong thỏa thuận JETP với phía Việt Nam về cơ chế ''tham vấn". Theo đó, các NGO và những tổ chức dân sự đã được định rõ sẽ được tham khảo ý kiến trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo ghi chép không công khai của quan chức Anh mà trang Politico tiếp cận được hồi tháng 12/2023, các nhà ngoại giao Anh đánh giá rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam "yếu về mặt chính trị". Các bộ khác thì thường xuyên "chây ì", "trì trệ", "cản trở và quan liêu" trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng.

Nguồn : BBC, 01/04/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Biến đổi khí hậu : Lời nói và hành động của Trung Quốc không đi đôi với nhau

Trọng Nghĩa, RFI, 03/11/2021

Tại hội nghị COP26, vào lúc cả thế giới đang cố tìm cách cứu hành tinh khỏi thảm họa khí hậu được cho là tất yếu nếu các nước không nhanh chóng giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, Trung Quốc, nước thải khí nhiều nhất hiện nay, đã bị tố cáo là chỉ hứa suông, thâm chí việc làm thực tế lại đi ngược với những cam kết. 

cop261

Ảnh chụp từ trên không mỏ than lộ thiên tại Ejin Horo Banner, Ordos, Vùng tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 19/10/2021 via Reuters – China Daily

Như tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 02/11/2021 đã nhấn mạnh, việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không đích thân đến dự hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow là một bằng chứng cho thấy thái độ thiếu quan tâm đến nhu cầu chống biến đổi khí hậu. Với việc chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến Glasgow, dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ không thể đưa ra được những cam kết giảm khí thải nào mới, so với những gì đã đề nghị trước đây, những đề nghị vốn đã vấp phải những phản ứng hoài nghi. 

Chủ tịch Trung Quốc quả thực là đã có lời phát biểu tại hội nghị, thông qua một văn bản viết gởi đến COP26, nhưng theo giới phân tích, đây là một thông điệp ngắn ngủi và mơ hồ, với cam kết chung chung là "đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và ít các-bon, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, quy hoạch và xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời lớn".

Điều mà thế giới quan tâm nhất nhân hội nghị COP26 là chiều hướng Trung Quốc giảm bớt việc dùng than trong sản xuất năng lượng, thế nhưng trong bài viết của mình ông Tập chỉ đề cập đến nguyên liệu này than một lần duy nhất.

Trước đó, trong phát biểu trực tuyến với Thượng Đỉnh G20 tại Roma, lãnh đạo Trung Quốc đã khoe rằng "trong 10 năm qua, Trung Quốc đã loại bỏ 120 triệu kilowatt điện than do các cơ sở sản xuất lỗi thời làm ra". Và cũng trong một diễn văn trực tuyến trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 2020, ông đã khẳng định Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia không carbon vào năm 2060, và cam kết là Bắc Kinh sẽ không xây dựng các dự án điện than mới ở nước ngoài. 

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là lời nói và hành động của Trung Quốc không khớp với nhau.

Trên vấn đề giảm bớt sử dụng than, đúng vào lúc thế giới đang vất vả tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, hãng tin Pháp AFP vào hôm qua 02/11/2021 đã ghi nhận thực tế là Trung Quốc đã quyết định tăng mức sản xuất than thêm hơn 1 triệu tấn mỗi ngày để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng. 

Nhật báo Mỹ The New York Times đưa tin chi tiết hơn : "Trung Quốc đang mở rộng các mỏ để sản xuất thêm 220 triệu tấn than mỗi năm, tăng gần 6% so với năm ngoái". Các hoạt động khai thác than lớn và nhỏ đang được hồi sinh trên khắp vùng Nội Mông và Thiểm Tây, nơi có khoảng 170 mỏ được lệnh tăng công suất. 

Trên vấn đề chấm dứt xây dựng các nhà máy điện than ở ngoại quốc, một chuyên gia cao cấp về khí hậu và chính sách năng lượng thuộc văn phòng tổ chức sinh thái Green Peace khu vực Đông Á đã tỏ ý nghi ngờ. 

Trả lời báo mạng Ấn Độ The Print, nhân vật này cho rằng nếu không có sự tham gia của quốc tế, Trung Quốc sẽ không vội cắt giảm một lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận ở nước ngoài của họ. 

Từ khi chính quyền tổng thống Biden quyết định gia nhập trở lại Hiệp Định Khí hậu Paris, Hoa Kỳ đã nhiều lần liên hệ với Trung Quốc để tìm cách kéo Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán về khí hậu. Đặc phái viên khí hậu của tổng thống Biden là ông John Kerry đã đến thăm Trung Quốc hai lần với hy vọng thuyết phục được Bắc Kinh. 

Theo các nhà quan sát, nỗ lực của Mỹ không hề được đáp ứng, chuyến thăm của ông Kerry đến Thượng Hải đã thu được rất ít kết quả và chuyến thăm thứ hai đến Thiên Tân bị coi như thất bại, nhất là khi Trung Quốc đã gắn liền hồ sơ khí hậu với những vấn đề khác. 

Nhìn chung, sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại Glasgow và sự tập trung mới vào việc dùng than cho thấy Trung Quốc đang làm ngược lại những cam kết về khí hậu táo bạo của họ. 

Trọng Nghĩa

*****************

Trung Quốc vẫn gia tăng sản xuất than mặc dù đã cam kết đạt trung hòa carbon

Thanh Phương, RFI, 02/11/2021

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đích thân đến dự hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow. Nếu có mặt ở hội nghị, hôm nay chắc là ông sẽ bị vặn hỏi : Vì sao đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc vẫn cứ gia tăng sản xuất than đá, nguồn năng lượng "bẩn" nhất ? 

cop262

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Bao Đầu vùng Nội Mông, Trung Quốc, ngày 31/10/2010.  Reuters - David Gray

Theo hãng tin AFP, đúng vào lúc các lãnh đạo thế giới đang nỗ lực tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu để tránh một thảm họa cho hành tinh của chúng ta, Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, lại tăng mức sản xuất than thêm hơn một triệu tấn mỗi ngày. 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục dần dần từ cơn đại dịch Covid-19, cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc đang phải đối đầu với tình trạng giá nguyên liệu tăng vọt, nhất là than đá, chiếm đến 60% các nguồn nghiên liệu cung cấp cho những nhà máy nhiệt điện của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới. 

Tình trạng này khiến các nhà máy điện phải hoạt động cầm chừng, trong khi nhu cầu điện năng ở Trung Quốc lại đang tăng cao, khiến chính phủ Bắc Kinh đã buộc khống chế lượng điện tiêu thụ. Giá nguyên liệu tăng cao còn làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Để giảm nhẹ áp lực đó, chính quyền Trung Quốc trong những tuần qua đã cho phép mở lại các mỏ than, một quyết định trái ngược với cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình là nước này sẽ bắt đầu giảm lượng khí phát thải CO2 trước năm 2030. 

Kể từ giữa tháng 10, sản lượng than trung bình mỗi ngày của Trung Quốc đã vượt quá 11,5 triệu tấn, theo số liệu chính thức do Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, tức là tăng 1,1 triệu tấn so với cuối tháng 9. Vào tháng trước, ủy ban này cũng đã tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp để làm giảm giá than xuống mức "hợp lý", nhưng không nói rõ sẽ làm cách nào.

Theo nhà nghiên cứu Francis Perrin, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, được trang TV5Monde trích dẫn ngày 11/08/2021, phải tính đến trọng lượng của than đá trong sự cân đối kinh tế của Trung Quốc. Ông Perrin cho biết, năm ngoái, than đá đã chiếm tới 56% tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và đóng góp đến 63% khối lượng nguyên liệu dùng trong sản xuất điện. Với một tỷ trọng lớn như vậy, rất khó cho các lãnh đạo của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới chuyển ngay sang một nguồn năng lượng khác. 

Là nước sản xuất than hàng đầu thế giới và là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, tuy vậy Trung Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào việc phát triển các năng lượng sạch. Nhưng vấn đề đang được đặt ra đó là Bắc Kinh phải đưa ra những cam kết cụ thể về việc nâng tỷ trọng của các năng lượng sạch trong sản xuất điện. 

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nếu muốn đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, từ đây đến năm 2050, thì 90% sản xuất năng lượng của Trung Quốc phải từ hạt nhân và các nguồn năng lượng sạch, nhưng hiện giờ tỷ lệ này chỉ mới là 15%. 

Chính vì vậy mà trước khi diễn ra hội nghị COP26, thủ tướng Boris Johnson của nước chủ nhà Anh Quốc đã thúc giục chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cần phải có những biện pháp cụ thể để giảm lượng khí phát thải cũng như đẩy nhanh việc chuyển tiếp sang các năng lượng sạch, nhất là qua việc từ bỏ dần dần sử dụng than đá. 

Thanh Phương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á

Bất chấp những quan ngại về ô nhiễm môi trường, Trung Quốc tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiệt điện than ở Đông Nam Á

Trong khi than đang bị dần loại bỏ ở thế giới phát triển vì những quan ngại về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, loại nhiên liệu này hiện vẫn là một lựa chọn năng lượng đang ngày một gia tăng ở nhiều nơi tại Đông Nam Á với vốn đầu tư từ Trung Quốc.

than1

Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Hình chụp hôm 23/4/2019 - AFP

Trong khi nhiều thị trường, bao gồm Mỹ, Châu Âu và Đông Á, đang tránh sử dụng than, các ngân hàng, các công ty xây dựng và năng lượng của Hoa Lục vẫn tiếp tục cam kết cung cấp tài chính và xây dựng hàng chục nhà máy chạy than ở Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Lào.

Điều này diễn ra bất chấp những quan ngại về sự xuống cấp của môi trường, mức cung về điện vượt quá mức cầu, và ô nhiễm không khí. Than hiện được nhiều nơi xem là nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất cho việc phát điện, với việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất, cộng thêm là các vấn đề về chất lượng đất, nước và không khí rộng khắp do việc khai thác, đốt và chất thải từ than.

than2

Bầu trời Hà Nội bao phủ bởi khói bụi hôm 27/9/2019. Hình AFP

"Rõ ràng là Trung Quốc là nhà đầu tư chính cho than ở Đông Nam Á", Isabella Suarez, một nhà phân tích ở Philippines thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) nói. "Nếu bạn nhìn vào hồ sơ đầu tư ở nước ngoài của than Trung Quốc, thì Indonesia, Việt Nam đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới".

Nhiệt điện than chiếm 56% năng lượng điện của Indonesia, 34,3% ở Việt Nam và 29,3% ở Campuchia.

Trung Quốc thống trị than ở nước ngoài

Trung Quốc là nước duy nhất ngày càng tích cực trong việc theo đuổi việc đầu tư vào các dự án than. Các tổ chức tài chính của Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, ICBC, và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc được xếp vào những tổ chức đứng đầu danh sách 11 tổ chức cung cấp tài chính cho nhiệt điện than và top 10 tổ chức cung cấp tài chính cho việc khai thác than. Đó là kết quả theo báo cáo có tựa Banking on Climate Chaos được công bố vào cuối tháng ba của một liên minh các tổ chức NGO quốc tế bao gồm Rainforest Action Network (Mạng lưới Hành động bảo vệ rừng), Sierra Club, và Oil Change International.

Báo cáo cho thấy trong tổng số vốn đầu tư, các ngân hàng Trung Quốc chiếm tới 244,7 tỷ đô la đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến than kể từ năm 2016, nhiều hơn các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada cộng lại.

Các dự án do Trung Quốc tài trợ ở Đông Nam Á bao gồm cơ sở 8 của trạm phát điện Baten Suralaya với công suất 625 MW và các nhà máy Bangko Tengah Sumsel 8 với công suất 1.200 MW ở Indonesia ; nhà máy điện Vĩnh tân 3 với công suất 1.980 MW ở Việt Nam ; trạm phát điện Botum Sakor 700 MW ở Campuchia ; và trạm phát điện Dinginin 668 MW ở Philippines.

Các cộng đồng cư dân địa phương tích cực phản đối các dự án này vì ảnh hưởng lên môi trường và xã hội. Nhà máy Sumsel 8 ở Indonesia là một dự án đặc biệt gây quan ngại vì cơ sở khai thác than lộ thiên mà gần đó nhà máy nhiệt điện than được xây dựng.

"Khi các nhà máy này hoạt động, cộng đồng dân cư gần đó sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng kép", chuyên gia Pius Ginting - Giám đốc điều hành của tổ chức Akssi Ecologi Dan Energi Rakyat (AEER) ở Jakarta nói. Đây là tổ chức lên tiếng phản đối các dự án than của Trung Quốc. "Một là ô nhiễm nước và không khí từ nhà máy than, thứ hai là từ việc khai thác than, vì mỏ than cũng nằm cùng nơi".

AEER (Năng lượng của người dân và hành động sinh thái) hôi đầu năm 2021 đã gửi một bức thư bày tỏ quan ngại đến nhà cung cấp tài chính chính là Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, công ty đi đầu trong việc xây dựng dự án nhiệt điện này tại Indonesia, Tập đoàn Huadian của Trung Quốc, và Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta. AEER vẫn chưa nhận được phản hồi nào.

Bên cạnh những tác động về môi trường, chuyên gia Ginting lo ngại là việc tài trợ từ Trung Quốc cho các dự án than sẽ khiến Indonesia khó có thể đầu tư vào năng lượng tái tạo.

than3

Một tàu chở than ở sông Mahakam ở Samarinda, Indonesia hôm 2/3/2016. Reuters

Lo ngại ô nhiễm và tài chính

Một mối lo ngại nữa là ô nhiễm không khí. Các thành phố ở Đông Nam Á bao gồm Jakarta và Hà Nội thường xuyên bị xếp vào các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, và than là tác nhân gây ra tình trạng này do sự hiện diện của các nhà máy than do Trung Quốc tài trợ.

Theo một báo cáo vào năm 2020 của CREA, ô nhiễm qua biên giới từ các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh láng giềng, như nhà máy do Trung Quốc tài trợ ở Baten, có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sức khoẻ cao một cách đáng kể ở Jakarta. Tương tự, một phân tích vào tháng ba năm 2021 ở Việt Nam cho thấy 24 nhà máy nhiệt điện than đã được lên kế hoạch, phần lớn được Trung Quốc đầu tư, có thể khiến 70.000 người chết sớm.

Một nhân tố lớn là thiếu tiêu chuẩn về kiểm soát ô nhiễm.

"Các nhà máy than đang được xây dựng ở nước ngoài nhìn chung gây ô nhiễm nhiều hơn và ít hiệu quả hơn so với các nhà máy được xây dựng ở trong Trung Quốc", Chuyên gia Suarez cho biết.

Một quan ngại nữa là những thoả thuận này đặt gánh nặng tài chính trong thời gian dài lên nước nhận đầu tư, bằng cách khóa chặt họ vào điều khoản thanh toán dài hạn ngay kể cả nếu như nhà máy đó không còn cần thiết nữa. Khi xem xét tuổi đời rất lâu của các nhà máy điện chạy than – lên đến 50 năm – các nước như Indonesia, Việt Nam, Campuchia có thể sẽ phải trả cho Trung Quốc vì năng lượng bẩn trong nhiều thập kỷ.

"Đối với Trung Quốc, đó là một trò chơi dễ dàng. Cung cấp vốn lưu động, xây dựng một nhà máy với lực lượng lao động của chính họ, rồi sau đó phía bên kia sẽ trả lại tiền, và thế là tôi đòi lại được tiền cho vay của mình", chuyên gia Ghee Peh, một nhà phân tích tài chính năng lượng than ở Hong Kong thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), cho biết. Theo IEEFA, phần lớn các tài trợ than của Trung Quốc ở nước ngoài tận dụng nguồn lao động Trung Quốc là chủ yếu, bao gồm các nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi nền kinh tế địa phương thực sự được lợi bao nhiều từ các thoả thuận này.

than4

Những dự án nhiệt điện than do Trung Quốc tài trợ tại Đông Nam Á - Hình : RFA

Chờ đợi các lời hứa xanh từ Trung Quốc

Trong năm qua, những nhà cung cấp tài chính lớn thứ hai và thứ ba cho các dự án nhiệt điện than ở Đông Nam Á là Nam Hàn và Nhật Bản đã công bố kế hoạch giảm dần các khoản đầu tư vào than. Sau đó, vào đầu năm nay, Ngân hàng CIMB ở Malaysia tuyên bố ngân hàng này cũng loại bỏ than khỏi hồ sơ đầu tư chậm nhất đến năm 2040. Đây là ngân hàng đầu tiên ở Đông Nam Á làm như vậy.

Đã có nỗ lực nhằm đưa các nguyên tắc xanh và bền vững vào Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), một chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở do chính phủ Trung Quốc đầu tư đưa ra vào năm 2013 nhằm đầu tư vào gần 70 quốc gia khắp thế giới. Cũng đã có hy vọng rằng việc Trung Quốc thêm điều khoản "Văn minh sinh thái" vào năm 2018 là một phần của chương trình phát triển kinh tế bền vững sẽ đồng nghĩa với việc ít đầu tư hơn cho than.

Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ theo các nước láng giềng và ngừng xuất khẩu cũng như tài trợ rộng rãi cho công nghệ than gây ô nhiễm trong khu vực.

"Cho đến khi có được những hướng dẫn chính sách cho các tổ chức đầu tư, chúng tôi sẽ không nhìn thấy thay đổi nào, và đó là lý do một Sáng kiến Vành đai Con đường xanh vẫn chưa thực sự xảy ra", chuyên gia Suarez nói. "Việc đầu tư ra nước ngoài thì tốt cho các tổ chức nội địa của họ (Trung Quốc) và giúp cho nền kinh tế của chính họ"

Nithin Coca

Nguồn : RFA, 02/05/2021

Additional Info

  • Author Nithin Coca
Published in Diễn đàn

Ngày Môi trường Thế giới 5/6 : Than Trung Quốc giá mắc đến mấy thì Việt Nam cũng phải mua

Than Trung Quốc nhập về cho các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam giá bao giờ cũng cao hơn so với giá bình quân của các loại than trên thế giới.

than1

Một nhà máy trong cụm Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải có xả khói đen ngòm. Ảnh : Trung Thanh - Nguồn : Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam).

Trong các báo cáo công khaithì Việt Nam hiện nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện từ Indonesia, Úc và Nga.

So với 3 quốc gia nói trên, thì giá than cho nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam nếu chọn nhập về từ Trung Quốc, giá bao giờ cũng cao hơn so với giá bình quân của các loại than trên thế giới. Tuy nhiên dù có mắc đến đâu thì nhiều dự án nhiệt điện than ở Việt Nam bắt buộc phải chọn mua.

Theo con số thống kê của Bộ Công thương, hiện có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, trong đó nhiều dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử như Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được thành lập bởi 3 đơn vị là China Souther Power Grid Co. Ltd, China Power International Holding Limited (CPIH) và Tổng công ty Điện lực TKV với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD (TKV chỉ chiếm 5% vốn). Dự án này đã đi vào vận hành sớm theo tiến độ trước 7 tháng.

Đáng chú ý là trong lĩnh vực nhiệt điện, các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ trực tiếp rót vốn vào dự án BOT mà còn đóng vai trò nhà thầu xây dựng, như ở hàng loạt nhà máy : nhiệt điện Duyên Hải 3, nhiệt điện Hải Dương, nhiệt điện Cẩm Phả, nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Vĩnh Tân 2…

Có một giải thích cho chuyện vì sao Trung Quốc đổ mạnh tiền bạc vào các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam, đó là hiện nay, tại nhiều vùng như Shanxi của Trung Quốc, ngành than vẫn chiếm tới hơn 50% tổng số việc làm và 80% nguồn năng lượng cho cả vùng. Bởi vậy việc ngừng hoặc giới hạn khai thác than là điều vô cùng khó, nếu Trung Quốc còn muốn giữ tốc độ tăng trưởng.

Hầu hết tài trợ cho nhiệt điện than bên ngoài Trung Quốc, đang được cung cấp bởi các ngân hàng quốc Trung Quốc, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc xây dựng các nhà máy với lực lượng lao động chủ yếu là người Trung Quốc.

Cập nhật thông tin cho biết trong lĩnh vực năng lượng, có thể kể đến dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) với công suất 1.240 MW, tổng mức đầu tư 1,755 tỉ USD. Dự án này hiện đã thuộc sở hữu của Công ty lưới điện Phương Nam Trung Quốc (chiếm 55% vốn), Công ty điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) 40%, trong khi Tổng công ty điện lực (Vinacomin) chỉ nắm giữ có 5%.

Tại Hà Tĩnh, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 có tổng mức đầu tư 2,187 tỷ USD, công suất 1.200 MW, cũng đã rơi vào tay Công ty One Energy Asia (Hồng Kông), sau khi công ty này thâu tóm lại cổ phần của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) 23%. Chưa dừng lại ở đó, tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), Công ty One Energy cũng rót 55% vốn để kiểm soát, còn EVN nắm 29% và Tập đoàn Thái Bình Dương nắm 16% vốn.

Và ở tất cả các dự án nhiệt điện có liên quan đến Trung Quốc thì đều phải chấp nhận nhập khẩu than từ Trung Quốc. Ngoài ra, ở một số khu công nghiệp, khu luyện cán thép như Formosa đều có những nhà máy nhiệt điện chạy công suất nhỏ, thay vì nhập than từ trong nước, các doanh nghiệp này đã tiến hành nhập than từ Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế tiếp tục đặt dấu hỏi về hiện tượng đó có phải là một hình thức của chuyển giá hay không, bởi nếu nhập than Trung Quốc, với mức giá không hề cạnh tranh so mặt bằng giá chung, doanh nghiệp sẽ không có lãi.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 05/06/2020

Additional Info

  • Author Lâm Viên
Published in Diễn đàn

Ngược đời đề nghị của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam : không được phản đối nhiệt điện than !

Ngược xu thế giảm phát thải !

Một số tỉnh phía Nam không được phản đối các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương là đề nghị từ Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành công thương hôm 27/12/2019 vừa qua.

dienthan1

Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị các tỉnh không nên phản đối các dự án nhiệt điện than Courtesy of Zingvn- RFA edited

Đề nghị được đưa ra vào khi yêu cầu giảm thiểu, hạn chế hoặc bỏ hẳn nhiệt điện than được nhắc lại một cách nghiêm túc hơn tại Hội nghị COP25 về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hiệp Quốc chủ trì diễn ra tại Chile vào tháng 12/2019. Yêu cầu này cũng trở nên cấp thiết khi mà không khí khu vực miền Bắc, nhất là Hà Nội, suốt thời gian qua bị ô nhiễm nặng đến mức nguy hại.

Đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi khiến dư luận cho rằng đây là quan điểm trái chiều với xu thế sử dụng năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường.

Từ Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc chủ xướng, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990, và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính, trong đó nhiều phần đến từ nhiệt điện than.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ, cho rằng đề nghị chỉ đạo các tỉnh không phản đối nhiệt điện than là một kiến nghị vô lý :

"Bởi vì các tỉnh có quyền đồng ý hay không đồng ý đặt nhà máy như vậy tại địa phương của mình, cái đó nằm trong Luật rồi. Khi làm dự án như vậy phải có sự tham khảo cộng đồng và ý kiến của chính quyền địa phương. Khi cộng đồng không đồng ý thì phải tìm cách điều chỉnh thế nào chứ không thể bắt buộc người ta đồng ý vì như vậy là trái Luật".

"Cái thứ hai, có nhiều bài học ở Việt Nam cho thấy chỗ nào có xây dựng nhà máy nhiệt điện, dù cho là có áp dụng công nghệ mới thì ô nhiễm vẫn xảy ra. Đó là lý do tại sao nhiều tỉnh bây giờ nhận thấy khi mà đem nhiệt điện than vào địa phương thì họ gặp rất nhiều khó khăn, người dân sản xuất không được, bệnh tật gia tăng… Họ đề nghị đổi qua những dạng khác ít ô nhiễm hơn. Như điện chạy bằng khí hóa lỏng chẳng hạn, ít phát tán và không có chất thải nhiều. Hoặc là khuyến khích sự phát triển năng lượng tái tạo ở các khu vực phía Nam này rất phù hợp".

Thiếu điện dự phòng

Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng là lý do ông Trần Viết Ngãi đưa ra. Ông nói các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí… giữ vai trò chủ lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng điện trong một thập niên tới, thế nhưng việc cung cấp than, khí… cho việc phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Về mặt nguyên vật liệu trong sản xuất nhiệt điện than, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết trong khi khả năng cung cấp trong nước chỉ đáp ứng được chừng 30 đến 35 triệu tấn thì dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn, năm 2025 cần khoảng 70 triệu tấn và đến năm 2030 phải là 100 triệu tấn.

Điều này cho thấy, vẫn theo ông Trần Viết Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu ngày càng cấp bách hơn, bên cạnh đó thì nguồn khí cũng đang suy giảm dần trong thời gian tới, vì thế tiến độ triển khai tại các dự án dầu khí như Lô B, Cá Voi Xanh bị chậm hẳn lại. Ông còn cảnh báo là hầu hết các dự án nhiệt điện than, trong Quy Hoạch Điện VII điều chỉnh, đều chậm tiến độ trong vòng 2 đến 4 năm, dẫn đến tỷ lệ 20% nguồn điện dự phòng 2015-2017 trở thành không còn dự phòng, tức thiếu hụt, bước sang giai đoạn 2021-2025.

Phản biện !

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho hay ông không hoàn toàn đồng ý với nguyên nhân thiếu hụt điện dự phòng mà ông Trần Viết Ngãi nêu ra :

"Nói là đang thiếu nhưng thực sự theo tôi đánh giá là đôi khi Việt Nam mình sử dụng điện không hiệu quả, sự lãng phí điện có rất nhiều, hoặc là tập trung cho những ngành công nghiệp tiêu thụ điện nhiều mà sinh lợi không cao và còn gây ô nhiễm nữa".

Đồng ý rằng than có giá rẻ hơn các nguyên vật liệu khác, tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, nhưng thực tế cái giá phải trả cho vấn đề môi trường và vấn đề sức khỏe thì so ra đắt hơn những dạng năng lượng khác.

Ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam đã bị một số khoa học gia, chuyên gia phản đối. Về mặt nhu cầu thỉ có vẻ hợp lý nhưng về mặt môi trường thì không thể chấp nhận được, là quan điểm của phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung tâm Công nghiệp Môi trường Việt Nam :

"Nhu cầu điện của Việt Nam tăng hàng năm khoảng 10%. Trong Qui hoạch Điện VII thì điện than đóng vai trò rất quan trọng. Gần đây do Chính phủ có một số qui định hỗ trợ giá điện, rồi sau khi thấy qui hoạch điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh thì Việt Nam đang tính tới hướng là hạn chế điện than đi".

"Tuy điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh nhưng mà lại không đồng bộ vì đườn dẫn, đường truyền tải điện không có, phát triển xong rồi cũng không phát, không đưa lên lưới được. Chắc là nghĩ rằng sợ thiếu điện cung cấp cho phát triển nên ông ấy phát biểu thế. Tiếc rằng về mặt môi trường thì ý kiến đó không hợp lý"

"Tôi nghĩ định hướng chung của Chính phủ vẫn là không phát triển điện than, thậm chí Thủ tướng Chính phủ có lần nói rằng trừ những dự án nào đã đưa vào qui hoạch rồi, đang xây dựng dở rồi thì tiếp tục phát triển, còn dự án nào đang nằm trong qui hoạch mà chưa động thổ, chưa có nguồn vốn thì có lẽ cũng không nên phát triển tiếp vì hiện có những nguồn điện khác thay thế rồi chứ không nhất thiết phải phát nhiệt điện than".

Được biết điện từ nhiên liệu hóa thạch bao gồm than ở Việt Nam hiện chiếm trên 60% tổng lượng điện tiêu thụ. Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ nói tiếp :

"Điện than, điện dầu, điện đốt từ các nhiên liệu hóa thạch chiếm 60 đến 70%. Điện gió mặt trời trong qui hoạch khoảng độ 5-7% thôi nhưng bây giờ đang phát triển vượt bậc. Tôi ước đoán là 10-15% rồi chứ không phải 5-7% như qui hoạch đâu".

"Việt Nam đang dần dần hạn chế sử dụng điện than bằng nhiều hình thức để cho tỷ trọng các nguồn điện khác nó tăng lên và điện than ngày càng giảm đi. Còn nói bỏ ngay thì tôi nghĩ cũng khó, tương lai chắc một hai ba chục năm nữa mới bỏ được" .

Trở lại đề nghị mà Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng để chỉ đạo các tỉnh, đặc biệt một số tỉnh phía Nam, không được phản đối nhiệt điện than, báo Dân Trí trích dẫn câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng "Tiếp tục phát triển nhiệt điện than thì dư luận không đồng tình".

Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Họhc, Công nghệ và Môi trường, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ sẽ không cấm các địa phương phản đối nhiệt điện than như đề nghị của bên Hiệp hội Năng lượng Việt Nam :

"Cũng hơi khó đấy, nhưng theo tôi nghĩ bằng cách nào chứ cách mà phát triển điện than để bù vào năng lượng thiếu hụt thì không hay lắm đâu. Cái dấu ấn để lại là khi đã ô nhiễm như vậy thì không bao giờ khắc phục được đâu. Ấn Độ và Trung Quốc đã bị ô nhiễm không khí nặng như vậy mà khả năng khắc phục thì hết sức khó khăn".

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28/12/2019 đưa tin Diễn Đàn EST12 do Bộ Giao thông và vận tải, phối hợp cùng các Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng, UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm Phát triển vùng Liên Hiệp Quốc, đồng tổ chức từ ngày 28 đến ngày 30/12/2019 tại Hà Nội.

Đây là diễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước Châu Á về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải, xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn hơn, tốt đẹp hơn và bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả.

Tại Diễn đàn, Bản Tuyên bố Hà Nội, đề cao nhận thức và bảo vệ môi trường, đã được công bố. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biển đổi khí hậu, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại hHọc Cần Thơ, cho biết đây là hy vọng đối với kế hoạch giảm thiểu điện than gây ô nhiễm không khí và bệnh hô hấp không lây nhiễm mà Bản Tuyên bố Hà Nội đã đề cập tới.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 03/01/2019

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn

Ngày 28, tháng 2, 2018

Dẫn nhập

Tăng thuế vào xăng ai phải gánh ?

Giữ nguyên thuế cho than ai hưởng lợi ?

Và những nghị quyết không thi hành ai chịu trách nhiệm ?

Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 (2014) với những quy định "ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu"nhưng quy hoạch điện và thuế môi trường hoàn toàn đi ngược các quy định kể trên.

nhietdien1

Hình 1. Biểu đồ quy hoạch điện VII chưa điều chỉnh (dựa vào ADB). Courtesy of Phạm Phan Long

Tuy Nghị quyết bảo vệ môi trường 41-Nghị quyết/TW (2004) đề ra những mục tiêu và quan điểm "bảo đảm sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghệ hiện đại" nhưng thực tế luật thuế bảo vệ môi trường (Luật số : 57/2010/QH12) đánh thuế vào xăng/dân 153 lần nặng hơn vào than/chủ nhiệt điện. Nhiệt điện than là công nghệ lỗi thời, thải ô nhiễm hủy hoại môi trường và có tác hại sức khỏe cư dân nhiều nhất.

Ngoài ra Nghị quyết phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu 120/Nghị quyết-CP (2017) đề ra "tầm nhìn dài hạn, phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên" và "phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển" nhưng Quy hoạch Điện VII không điều chỉnh theo, vẫn bám chặt vào nhiệt điện than như hệ thống lãnh đạo bị khống chế bởi một lời nguyền.

Thảo luận

Bộ Tài chánh lại đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít xăng (thay vì lên đến 8.000 đồng/lít) nhưng vẫn giữ nguyên thuế ở mức 30 đồng/kg cho than. Nếu dựa vào cùng lượng khí thải ra từ hai nguồn nhiên liệu này để so sánh, người tiêu thụ xăng hiện trả 115 lần và sắp phải trả 153 lần nhiều hơn nhiệt điện than (1).

Nếu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho nhiệt điện than dựa vào khí thải CO2 như xăng, nhiệt điện than sẽ phải trả 4608 đồng/kg than, tương đương 2072 đồng/kWh điện năng.

Chi phí thực sự cho điện than do đó phải kể là 2.271 VND (giá điện EVN công tơ trả bằng thẻ) + 2.072 VND (thuế bảo vệ môi trường) = 4.343 VND/kWh.

hưng chưa hết, dân cư (hay xã hội) đang âm thầm phải trả thêm vào chi phí ngoại vi, external cost dưới hình thức tiền thuốc men, giảm tuổi thọ, ô nhiễm môi sinh, biến đổi khí hậu vào khoảng 1.589 VND/kW, do người viết đã tường trình.

Tổng chi phí do đó là : 4.343 VND +1.294 VND = 5.637 VND/kWh, hay 25 cents USD/kWh.

Dân thực thụ phải trả 150% chồng trên tiền trả cho EVN có lẽ không ngờ ? Làm sao nhà nước giải thích cho dân giá điện thực thụ đó, khi các nước như Canada, Chile, Hoa Kỳ v.v. có thể mua năng lượng tái tạo xanh và sạch với chi phí bình quân dưới 5 cents USD/kWh.

Đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường vào xăng lần này của Bộ Tài chánh tuy đã hạ từ 8.000 đồng xuống 4.000 đồng/lít xăng vẫn là ưu đãi nhiệt điện than không thể lý giải ; 90 triệu dân không thể chấp nhận cưu mang điện than và gánh chịu ô nhiễm như thế nữa.

Nghị quyết bảo vệ môi trường 41-Nghị quyết/TW (2004) dường như không ai đọc

Nếu đọc Nghị quyết 41 ta sẽ thấy cách đánh thuế bảo vệ môi trường xăng và than từ không tuân theo một quan điểm hay mục tiêu nào trong Nghị quyết này cả.

Kiểm điểm năm quan điểm trong Nghị quyết 41

1. Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại ; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân ; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Nhiệt điện than đi ngược xu hướng nhân loại, nhiên liệu than phần lớn phải nhập cảng từ bên ngoài sẽ đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình huống bấp bênh và an toàn sức khoẻ dân cư sống dưới đe doạ của khói bụi than.

2. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Nhiệt điện than bẩn, công nghệ cận tới hạn lỗi thời và là than là nguồn năng lượng kém hiệu quả kinh tế nhất, đáng lý phải xoá bỏ than khỏi quy hoạch điện từ Nghị quyết 41. Nhưng than vẫn chiếm lĩnh phần rất lớn trong Quy hoạch Điện VII theo Hình 1, ngay khi điều chỉnh rồi vẫn cho xây thêm 42 GW nhiệt điện than (thay vì 62 GW) trong khi Trung Quốc chuyển hướng từ nay sẽ không xây thêm một nhà máy nhiệt điện than nào theo Hình 2.

3. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của cha ông ta.

Điều khoản này viết rất hay, nhưng xem kỹ văn bản nghĩa vụ này là của tất cả xã hội nhưng không phải của… nhà nước.

4. Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên ; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế ; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.

Quy hoạch Điện VII không hạn chế ô nguồn ô nhiễm điện than mà kết hợp đầu tư, huy động nguồn lực đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế (nhất là Trung Quốc) ; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống xã hội tăng công suất điện than và ô nhiễm lên 400%.

5. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Nhà nước nếu thật tình cần trân trọng lắng nghe khuyến cáo của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, ngân hàng ADB, WWF-OXFAM, các NGO trí thức chuyên gia độc lập và nhất là dân cư chung quanh các trung tâm nhiệt điện.

Kiểm điểm ba mục tiêu của Nghị quyết 41

1. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

2. Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

3. Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

Toàn bộ cả ba mục tiêu cũng như năm quan điểm trên đều bị Bộ Công thương gạt bỏ khỏi Quy hoạch Điện VII và luật thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chánh đánh ngược lại.

Nghị quyết 120-CP ký năm 2017 chưa thực hiện

Quy hoạch Điện VII phần lớn dùng than và luật thuế bảo vệ môi trường đánh thuế bảo vệ môi trường nhiều nhất vào xăng ít nhất vào than, hoàn toàn đi ngược với Nghị quyết 120, nhất là hai điều khoản có tính bức phá cấp tiến nhất sau đây :

Điều 3c : Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên ; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống, đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt ; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Điều 4c : Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Kết luận và giải pháp

- Tăng thuế bảo vệ môi trường vào xăng ai phải gánh ?

Thuế bảo vệ môi trường đã giúp ngụy tạo cho điện than ở giá 2.271 VND/kWh, thực ra dân phải trả đến 5.647 VND/kWh hay 150% nhiều hơn vì thuế và ô nhiễm.

- Giữ nguyên thuế bảo vệ môi trường cho than ai hưởng lợi ?

Nhiệt điện than hưởng lợi, năng lượng tái tạo rõ ràng không được chào đón vào Việt Nam. Quy hoạch Điện VII xếp cho họ ngồi tại manh chiếu dưới cùng với thủy điện so với tấm chiếu trên to gấp năm lần để dành biệt đãi điện than. Giới đầu tư vào năng lượng tái tạo mất tin tưởng đầu tư vào một thị trường kỳ thị họ như vậy, và nếu họ cần có bảo đảm và sẽ đánh lãi xuất cao dự phòng rủi ro vào các dự án ở Việt Nam.

(Chú thích : Giá bán vào lưới điện, FiT cho năng lượng tái tạo tuy đã nâng lên 7,8 cents đến 9,3 cents USD/kWh nhưng vẫn không thể cạnh tranh với điện than trong quy hoạch hiện thời).

- Những nghị quyết không thi hành ai chịu trách nhiệm ?

Các bộ công thương, tài nguyên môi trường và các tập đoàn EVN, Vinacomin có quyền lực quyết định nên có trách nhiệm tìm nguồn điện tối ưu kinh tế và môi sinh đáp ứng nhu cầu quốc gia.

Xã hội dân sự cần lên tiếng yêu cầu nhà nước điều chỉnh mức thuế và tháo gỡ lời nguyền điện than ra cho cả nước.

Lời giải vốn nằm sẵn trong các luật đã có nêu trên và sau đây là những phương án không xa lạ, có thể trích ra từ những khuyến cáo quy hoạch trong nước và quốc tế :

Quốc hội luật hóa các nghị quyết và điều chỉnh dần luật thuế bảo vệ môi trường dù tăng giá điện nhưng giảm thuế xăng.

1. Tiết kiệm tiêu thụ điện năng có thể giảm nhu cầu 15% là ưu tiên cao nhất.

2. Chuyển điện than sang nhiệt điện khí tất cả nhà máy đã có theo độ khả thi từng trường hợp như Hoa Kỳ.

3. Ngưng đóng hồ sơ đang có không xét dự án nhiệt điện than nào trừ khi chuyển sang nhiệt điện khí.

4. Không duyệt xét thêm nhiệt điện than nào chưa xây như Trung Quốc.

5. Tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo lên tối đa ít nhất ngang hàng Trung Quốc.

Thực hiện cần có những bảo đảm cốt yếu sau :

Phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược tích hợp cho toàn bộ trung tâm nhiệt điện không chỉ làm độc lập cho từng dự án.

1. Nhiệt điện than chiến lược phải do chuyên gia độc lập thực hiện có bảo đảm trách nhiệm nếu sai lầm.

2. Tham vấn công khai với dân cư và trí thức.

Đề nghị tăng thêm thuế xăng lần này của Bộ Tài chánh sẽ tiếp tục ưu đãi nhiệt điện than phải bị bác bỏ. 90 triệu dân không thể chấp nhận cưu mang điện than và gánh chịu ô nhiễm như thế nữa.

Phạm Phan Long

(Viet Ecology Foundation)

Nguồn : RFA, 01/03/2018

Ghi nhận

Người viết trân trọng cám ơn những thân hữu đã giúp duyệt xét, thảo luận, tu bổ bài khảo luận này và chia sẻ mối quan tâm chung.

Tài liệu tham khảo :

[1] Thuế bảo vệ môi trường 1

Thuê bảo vệ môi trường 2

[2] Giá điện Việt Nam

[3] Chi phí ngoại vi

[4] Quy hoạch Điện VII

[5] Quy hoạch Điện VII điều chỉnh

[6] FiT-in Tariff

[7] ADB ALTERNATIVES FOR POWER GENERATION IN THE GREATER MEKONG SUB-REGION

[8] Quy hoạch điện Trung Quốc

[9] Tăng ô nhiễm điện than Việt Nam

[10] Nghị quyết bảo vệ môi trường 41-Nghị quyết/TW

[11] Nghị quyết BV ĐBSCL 120/Nghị quyết-CP

(1) Phụ lục về tính toán cho con số 153 :

So sánh thuế bảo vệ môi trường xăng và than

  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dân chúng tiêu thụ là 4000 đồng/lít, hay 5194 đồng/kg.
  • Xăng phát thải 3,08 kg CO2/kg, như vậy dân phải trả 1685 đồng/kg CO2 khi tiêu thụ xăng.
  • Thuế bảo vệ môi trường đánh vào than là 30 đồng/kg.
  • Than phát thải 2,73 kg CO2/kg, như vậy than trả 11 đồng/kg CO2 đốt than.
  • Như thế, dân chúng đang bị trừng phạt nặng nề, họ phải trả thuế bảo vệ môi trường cho xăng 1685/11=153 lần nặng hơn so với nhiệt điện than.

Chú thích :TS Nguyễn Đức Thắng nhận định thuế môi trường đúng ra cần đánh vào các ô nhiễm khác không chỉ CO2. Nếu tính thêm thuế cho CH4, N2O, thuỷ ngân, SO2, NOx, tỉ lệ 153 có lẽ sẽ còn cao hơn nữa.

Published in Diễn đàn

Ngành năng lượng Việt Nam đang phát triển ngược chiều với thế giới. Trong khi thế giới hướng đến sử dụng nhiều hơn những nguồn năng lượng sạch thì Việt Nam lại chú trọng phát triển nhiệt điện than.

than1

Tác hại của nhiệt điện than đến sinh kế của người dân ven biển khôn lường. Ảnh : CHANGE.

Số liệu năm 2015 của EVN cho thấy thủy điện chiếm 43,2% công suất lắp đặt và 34,15% sản lượng điện của toàn ngành điện. Xếp thứ hai là nhiệt điện than, chiếm 33,7% công suất lắp đặt và 34,37% sản lượng.

Chiến lược phát triển ngành điện theo Quy hoạch điện VII, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, sản lượng nhiệt điện than chiếm 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025. Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than (xem bản đồ), công suất tổng cộng 55.300 MW, cho sản lượng 304 tỉ KWh, chiếm 53,2% tổng sản lượng điện, tiêu thụ 129 triệu tấn than.

"Thành tựu tăng trưởng và công cuộc giảm đói nghèo trong hai thập kỷ qua ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng phần nào bởi việc sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng không tái tạo. Với nhu cầu năng lượng dự tính tăng 10% mỗi năm trong vòng 15 năm tới, việc thảo luận về các lựa chọn sản xuất điện là hết sức cần thiết, mọi người cần phải cân nhắc các chi phí môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu", ngài Tổng lãnh sự Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh Richard Bale nhận xét tại cuộc tọa đàm "Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân" do tổ chức phi chính phủ CHANGE (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) phối hợp với Chính phủ Canada và Phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org tổ chức sáng nay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí, nước, đất, các bệnh đường hô hấp, ung thư, là nguồn phát các chất nguy hại như thủy ngân, selen, asen, chì, cadmi, kim loại nặng, phát tro bụi, gây mưa axit phá hủy nền nông nghiệp, ngư nghiệp, phát khí thải nhà kính, làm trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu… Các tổ chức quốc tế đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ.

Một điều ít được nhắc đến là nhiệt điện than dự phần rất lớn vào việc hủy hoại môi trường biển. Vì nhiệt điện than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát nên các nhà máy có xu hướng đặt ven biển. Bên cạnh đó, các nhà máy đặt gần biển để thuận lợi cho việc nhập khẩu than.

Theo số liệu được tổ chức CHANGE thu thập, trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước đủ để chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic (2.500 m3) để làm mát hệ thống. Sau đó nước được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C khiến môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô… bị ảnh hưởng nặng.

Việc hút nước vào hệ thống làm mát giết chết rất nhiều cá, cá bị nghiền nát và luộc chín trong các màng lọc hệ thống. Ở Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm, nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ.

than2

Vị trí các nhà máy nhiệt điện than và các khu bảo tồn biển.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), một trong 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch của Việt Nam, là trường hợp được đưa ra phân tích tại cuộc tọa đàm, đang bị đe dọa bởi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ngay sát đó. Hiện mới có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I hoạt động, theo Quy hoạch điện VII, vào năm 2030, ở đó sẽ có bốn nhà máy nhiệt điện hoạt động tại đây.

So với các khu bảo tồn biển khác khác, Hòn Cau là khu bảo tồn biển đa dạng bậc nhất Việt Nam với 234 loại san hô tạo rạn, 324 loại cá rạn san hô, 119 loại thân mềm, 32 loại da gai. Nhưng khu bảo tồn biển này đang bị đe dọa bởi các hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân I, bởi hàm lượng các chất lơ lửng, bùn cát, bởi hệ thống làm mát của nhà máy nhiệt điện…

Theo tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn từ Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam), những hệ sinh thái rạn san hô như ở Hòn Cau là nơi dự trữ sinh học đa dạng, mang lại các giá trị kinh tế rất lớn, là sinh kế cho hàng triệu người từ các nguồn đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch thiên nhiên, vật liệu xây dựng (cát, đá, cây…), buôn bán cá cảnh và các sản phẩm lưu niệm. 

Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2007 tính toán rằng mỗi km2 rạn san hô mang lại 600.000 đô la Mỹ lợi tức chỉ từ du lịch mỗi năm. Trong khi đó, chi phí quản lý các khu bảo tồn biển chỉ 775 đô la Mỹ/km2 mỗi năm. Nhưng nếu đánh mất thì chi phí khôi phục rất cao, như Maldives tiêu tốn 10 triệu đô la Mỹ/km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy.

Đinh Hiệp

Nguồn : TBKTSG, 17/02/2017

**************

Di dời 10.000 cụm san hô để làm nhiệt điện Vĩnh Tân

Ông Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết đơn vị này vừa hoàn thành việc di dời 10.000 cụm và khối san hô vùng biển ven bờ đến vùng biển khác nhằm phục vụ công tác nạo vét luồng, lạch để xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

than3

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận

Phát biểu tại buổi tọa đàm về tác động của nhiệt điện đến môi trường biển diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng nay (17/2/2017), ông Tuấn cho biết việc di dời này được thực hiện trong khoảng sáu tháng và toàn bộ 10.000 tập đoàn san hô (cụm, khối san hô) được di dời về vùng biển Khu bảo tồn Hòn Cau cách đó chừng hơn 5 km để san hô tiếp tục sinh trưởng.

"San hô sau khi được di dời về khu bảo tồn Hòn Cau đang sinh trưởng khá tốt", ông Tuấn thông tin.

Tuy nhiên, một số chuyên gia bảo tồn sinh vật biển cho rằng việc di dời san hô sẽ kéo theo hệ lụy về môi trường biển, hạn chế khả năng sinh sản của nhiều loại cá vùng này, tác động đến nguồn lợi đánh bắt ngư dân địa phương.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Toàn Công Lập, Đội trưởng Đội bảo tồn thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho rằng : san hô vùng nhiệt điện Vĩnh Tân được di dời ra Hòn Cau sẽ làm mất môi trường sinh sản tự nhiên của nhiều loài khu vực biển này, nhiều loài cá sẽ không còn quay về khi mất đi rạn san hô làm nơi sinh sản, các loài cá di cư như cá cơm, cá trích cũng không còn nơi trú ẩn trên đường di chuyển hàng năm nữa... và điều này làm giảm nguồn thu nhập của ngư dân. 

Một số chuyên gia môi trường lo ngại sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện than vùng biển Bình Thuận đang đưa các hệ sinh thái biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau, đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các tác động xả thải, nạo vét, dẫn đến các loài sinh vật biển mất môi trường sống, các ran san hô bị thu hẹp, nghề muối, nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và du lịch bị tác động tiêu cực.

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được xây dựng ven vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận gồm năm nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất thiết kế 6.225 MW đang được thi công và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2020. Trong đó, nhà máy Vĩnh Tân 2 hoạt động từ năm 2014 và Vĩnh Tân 4 sẽ hoạt động trong năm nay.

Ông Võ Sĩ Tuấn cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất là việc đánh giá tác động môi trường của dự án nhiệt điện tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân lâu nay được thực hiện cho từng nhà máy riêng lẻ. Đến khi tất cả các nhà máy hoạt động thì cần có một đánh giá tác động môi trường tích lũy của cả năm nhà máy và có giải pháp để khắc phục các hệ lụy đến môi trường dựa trên các cơ sở khoa học. 

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho rằng tính chung tổng lượng xả thải trong cả vòng đời các dự án nhà máy nhiệt điện khu Vĩnh Tân thì tác động cộng hưởng, tích lũy theo thời gian bao phủ lên cả hệ sinh thái biển, là vấn đề lớn cần tính tới.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan, đặc biệt là nhà đầu tư trả lời cho địa phương, những cơ quan quản lý về môi trường những tác động tích lũy lên môi trường biển nói trên", ông Hồi nói

 Văn Nam

(TBKTSG Online)

Additional Info

  • Author Đinh Hiệp
Published in Diễn đàn

An ninh ngăn chặn Linh mục Phan Văn Lợi đi dâng lễ (RFA, 02/02/2017)

Linh mục Phan Văn Lợi tại Huế hôm nay bị lực lượng an ninh thường phục chặn không cho đi dâng lễ với một số linh mục khác trong địa phận Huế.

vn1 - Copie

Linh mục Phan Văn Lợi. File photo

Bản thân linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông tiếp tục bị ngăn chặn trở lại sau 5 ngày tết vắng mặt lực lượng an ninh canh quanh nhà ông như lâu nay, nhất là trong hai tháng vừa qua.

Khi những người không mặc sắc phục cản trở việc đi lại của ông, linh mục Phan Văn Lợi có những yêu cầu và tranh luận cùng họ như sau :

Tôi nói tôi đi làm lễ tại sao lại chặn tôi ; các anh có phải công an không ? Dĩ nhiên tôi biết họ là công an vì những tay này tôi từng thấy mặt trước đây rồi. Tôi yêu cầu đưa giấy tờ nhưng một tay ‘to xác’ nói chúng tôi đâu phải công an. Nhưng tôi nói lại các anh dù mặc thường phục nhưng là quân của thượng tá Trần Hồng Lam thuộc Công an Thừa Thiên- Huế. Ông này là sĩ quan công an lo về Công giáo tại Huế.

Theo nhận định của linh mục Phan Văn Lợi việc ông tiếp tục bị chặn có thể vì gần đây ông tiếp xúc với Đan Viện Thiên An, nơi đất đai của dòng tu này bị trưng dụng sau năm 1975 nhưng đến nay vẫn không được trả lại mà còn bị thu thêm. Bên cạnh đó nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền gồm ba linh mục tại Huế ngoài ông còn hai linh mục Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Hữu Giải đang ở tại Tòa Giám mục nên có thể cơ quan chức năng quan ngại nhóm gặp nhau.

Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng biện pháp ngăn chặn công dân như ông của lực lượng chức năng là vi phạm không chỉ luật pháp Việt Nam mà cả luật pháp quốc tế.

***************************

Tai nạn giao thông và đánh nhau tăng trong dịp Tết (RFA, 02/02/2017)

vn2 - Copie

Giao thông tại Hà Nội chụp hôm 23/9/2015. AFP photo

Tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là công bố do Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an đưa ra hôm nay.

Thống kê trong 7 ngày nghỉ lễ tết, từ 26 tháng Giêng đến ngày một tháng 2, cho thấy có tổng cộng gần 370 vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, làm chết 203 người, bị thương 417 người.

Theo Cục cảnh sát giao thông, so với cùng kỳ của Tết Bính Thân 2016, tai nạn giao thông tăng 29,5% , số người chết tăng 11,5% và số người bị thương tăng 48%.

Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ công an nhận định nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do người điểu khiển phương tiện lưu thông sử dụng bia rượu cao, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.

*******************

Gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp (RFA, 02/02/2017)

vn3 - Copie

Nông dân với con trâu trên một cánh đồng ở miền Bắc hôm 21/10/2015. AFP photo

Tăng hỗ trợ tín dụng cho đầu tư nông nghiệp từ 60 ngàn tỷ đồng lên 100 ngàn tỷ đồng, đó là quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong ngày làm việc đầu tiên sau tết Nguyên đán.

Cổng thông tin chính phủ cho biết là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Ngân hàng nhà nước thực hiện việc vận động các ngân hàng khác có gói tín dụng hỗ trợ cho quyết định trên.

Cũng từ nguồn tin này tường thuật lời của thủ tướng Phúc khẳng định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh, theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là rau quả và chăn nuôi. Phương pháp thủ công ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’ phải được cải thiện bằng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm rằng bài toán nông nghiệp Việt Nam chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp.

Ông khẳng định bản thân thủ tướng chính phủ sẽ sát cánh với các ngành để giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới.

********************

Việt Nam : Năng lượng than sẽ gây nhiều tác hại môi trường (RFI, 02/02/2017)

vn4 - Copie

Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Việt Nam phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Reuters

Việt Nam gia tăng số nhà máy điện chạy bằng than bất chấp những lời báo động về tác hại nặng nề lên môi trường. Đó là nội dung một bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 25/01/2017. Tác giả là ông Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Havard.

Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại rằng, ngày 12/01 vừa qua, tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường đã công bố một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, tổ chức Greenpeace, và Đại học Colorado Boulder có tiêu đề "Gánh nặng bệnh tật do việc tăng lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đông Nam Á".

Dựa trên các dữ liệu chính thức về các dự án nhà máy điện chạy than tương lai ở khu vực Đông Nam Á và dựa trên mô hình hóa sự di chuyển của các khối không khí, nhóm nghiên cứu đã trình bày một bức tranh ảm đạm về ô nhiễm không khí trong khu vực do khí phát thải từ các nhà máy nói trên.

Theo công trình nghiên cứu này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khối ASEAN bởi tình trạng ô nhiễm do than, tính về tỷ lệ tử vong sớm do khí phát thải từ nhà máy điện chạy than, với số người chết thêm là 188,8 trên một triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ của quốc gia bị ảnh hưởng thứ nhì, Indonesia (85,4 trên một triệu dân)

Tính tổng số, người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2030 tại Việt Nam do ô nhiễm than, tức là cao gấp năm lần con số đưa ra vào năm 2011 (thêm 4.252 ca tử vong). Đây là con số rất lớn nếu ta biết rằng tai nạn giao thông, vốn là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên hàng đầu ở Việt Nam, chỉ gây ra tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 106 trường hợp tử vong trên một triệu người trong vòng 5 năm qua.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, bên cạnh những phát hiện đáng báo động đó, thời điểm ra báo cáo của Harvard-Greenpeace-Colorado cũng đáng chú ý, bởi vì chính phủ Việt Nam vừa công bố quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy hạt nhân với những lý do chính là không có nhu cầu và các khó khăn tài chính.

Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các nhà máy hạt nhân sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch than và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo dự kiến, than sẽ thay thế thủy điện thành nguồn điện năng chính tại Việt Nam vào đầu những năm 2020, và đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ tạo ra hơn một nửa tổng lượng điện của Việt Nam.

Để trấn an công luận về các tác động có thể có của ô nhiễm than, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng công ty này phải chú ý đến các khía cạnh môi trường của những dự án nhà máy điện mới và áp dụng những bài học rút ra từ các vụ ô nhiễm công nghiệp gần đây.

Theo tác giả bài viết, ngoài các hóa chất gây ô nhiễm biển từ công ty Đài Loan Formosa, còn phải kể đến vụ ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển từ các nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân, nằm không xa địa điểm trước đây được dự trù xây các nhà các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Các chuyên gia Việt Nam cũng đã lên tiếng quan ngại về việc nhiều nhà máy điện chạy than đã được trang bị những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả và gây ô nhiễm của Trung Quốc, có thể là đầu tư giá rẻ trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng địa phương và môi trường trong tương lai.

Với sản lượng suy giảm của thủy điện và khả năng hạn chế về năng lượng tái tạo trong một đất nước có mật độ dân số cao và mạng lưới điện đang rất "căng", chính phủ Việt Nam, mà hiện có ngân sách rất eo hẹp, thực sự không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài than và khí tự nhiên cho kế hoạch phát triển năng lượng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, cho dù nguồn lực nhà nước có hạn chế như thế nào, cũng phải dành ưu tiên cho phúc lợi của người dân, sẽ là những người đầu tiên gánh chịu những ảnh hưởng, đã được giới nghiên cứu chứng minh, của ô nhiễm than.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương kết luận : "Muộn còn hơn không, như người ta vẫn nói, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam loại bỏ các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm và nghiên cứu các phương án "sạch" hơn cho sản xuất điện. phát điện. Trong số các phương án này, năng lượng hạt nhân không có khí phát thải nên được xem xét lại, mặc dù trong ngắn hạn, chưa thể quay trở lại năng lượng hạt nhân, do những yếu tố chính trị và kinh tế.

Cũng về nhà máy điện chạy bằng than ở Việt Nam, trang Forbes (forbes.com) ngày 31/01 vừa qua có đăng ý kiến của tác giả Nish Chugh.

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại rằng vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sáu năm sau, Việt Nam dường như đang trên đường biến dự đoán đó thành hiện thực. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến nông nghiệp và môi trường của Việt Nam, vào lúc mà nước này đang phục hồi ngành than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua đã tăng trung bình hàng năm 6%, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc nhu cầu năng lượng trong nước tăng 10% mỗi năm.

Sau khi bỏ dự án điện hạt nhân, Việt Nam đã quay trở lại với cái đã có sẳn, đó là than. Vừa miễn phí, vừa dồi dào. Thế nhưng, theo tác giả Nish Chugh, chọn các nhiên liệu hóa thạch giá rẻ sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược được trong dài hạn. Thật không may là những tác hại đó đã bắt đầu xảy ra.

Theo ước tính của Công ty Điện lực Việt Nam, tiêu thụ điện năng hàng năm của cả nước là khoảng 162 tỷ kWh. Hiện nay, Việt Nam có tới 20 nhà máy điện chạy bằng than và có kế hoạch tăng số nhà máy này lên 32 vào năm 2020 và lên 51 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là vào năm 2020 các nhà máy than của Việt Nam sẽ sản xuất 49% sản lượng điện bằng cách đốt 63 triệu tấn than. Khi có đến 51 nhà máy hoạt động, khối lượng than được đốt sẽ lên tới 129 triệu tấn.

Theo tác giả Nish Chugh, đối với Việt Nam đó là một con dao hai lưỡi. Mặc dù việc xây dựng các nhà máy than mới có thể giúp Việt Nam xóa bỏ dần những nhà máy than không hiệu quả và gây nhiều ô nhiễm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước với chi phí phải chăng, các chuyên gia tin rằng đó không phải là lựa chọn duy nhất.

Ngân hàng Thế giới đã xác định được một tiềm năng lớn về năng lượng gió ở khu vực phía nam các vùng miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp thêm khoảng 513 MW. Tương tự, năng lượng mặt trời cũng có nhiều hứa hẹn tại một quốc gia có đến 2500 giờ nắng mỗi năm. Một báo cáo từ công ty tư vấn Duanne Morris nhấn mạnh là nên dùng khí thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn so với than cho một kết hợp năng lượng xanh hơn. Các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có thể tìm nguồn tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn dể hơn là cho các nhà máy điện chạy than.

Tác giả Nish Chugh cũng cho rằng Việt Nam nên xem xét lại cơ cấu năng lượng của nước này trước khi quá muộn và cần phải quyết định xem chuyển sang than hiện nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày mai có thực sự mang tính kinh tế trong dài hạn hay không.

Thanh Phương

Published in Việt Nam