Báo Thanh Niên ra ngày 8/4/2023 có bài "Thanh Lam : 'Phá nát' hay 'phá cách' nhạc Trịnh ?" [1] của nhà báo Long Phạm. Trong bài báo này, ca sĩ Thanh Lam được gọi "một ca sĩ lớn của nền nhạc nhẹ Việt Nam" (!). Vậy, hãy nghe thử "ca sĩ lớn" trình bày nhạc phẩm "Phượng Yêu" [2]. Nếu đủ kiên nhẫn nghe ca sĩ Thanh Lam "hát", tại sao không đọc một số nhận xét của khán giả ở phía dưới bài hát (?!).
Tác giả Long Phạm còn cho biết, Thanh Lam là ca sĩ "sáng tạo, tiên phong cho cái mới". Có thể là như thế, nhưng "mới", "sáng tạo" gì đi nữa, người ca sĩ nên hiểu, họ có quyền truyền tải mọi cảm xúc đến cho khán giả, nhưng nhất định không bao giờ được truyền nỗi sợ hãi cho người xem (nghe), đó là điều tối kỵ, vì âm nhạc không phải là phim kinh dị, dù phim kinh dị vẫn cần "cầu viện" âm thanh và đôi khi cả âm nhạc để đạt hiệu quả. Âm thanh không phải là âm nhạc.
Với phục trang áo dài màu tối, cô Thanh Lam đứng dang chân, lắc lư, gồng mình, vung tay, nhăn mặt và tru tréo hơn là bày tỏ nỗi thất vọng về tình yêu, dù đó là một tình yêu thiết tha, chung thủy và bị bội phản. Cô như đang điểm mặt và đe dọa người đã bỏ rơi cô bằng cách gào lên : "Tôi yêu anh đấy ! Anh có yêu tôi không thì bảo (!)". Nếu cô hóa trang thêm bằng một mái tóc giả dài lòa xòa, để biểu diễn bài hát này, khi cô cất giọng tới đoạn "yêu như loài ma quái", nhất định cô phải được thừa nhận "đỉnh của đỉnh" về nghệ thuật rùng rợn có một không hai mà nhạc sĩ Phạm Duy nên bật dậy để "lóng tai" "thưởng thức" (!). Dù sao cũng phải công nhận giọng cô trầm nhưng ồm, làn hơi đầy và dài, kỹ thuật thanh nhạc quá tốt, âm vực rộng, nếu như cô đừng khoe giọng như cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng phàn nàn thì "đỡ" hơn biết bao nhiêu.
Càng ê chề hơn với những khái niệm rất phổ biến mà các "diva", "ông hoàng", "bà chúa" nhạc Việt ngày nay hay dùng : "Giọng ca đầy nội lực". À ra thế ! Chỉ xin nhắc các vị, âm nhạc cần "nội tâm" chứ không cần khỏe như vâm, dùng cổ họng, dùng dây thanh đới để "sỉ vả nhau" hay "hét vào tai nhau", vì các vị đang hát, đang truyền cảm xúc cho khán giả, chứ không phải hù dọa, đe nẹt hay đuổi khán giả "chạy có cờ" ! Hơi dài thì tốt, nhưng các vị đang hát chứ không phải thổi bong bóng ! Giọng người ca sĩ thường được ví như chim, nhưng người đời cần : họa mi, sơn ca hay hoàng oanh chứ không cần đại bàng, kền kền hay diều hâu, mặc dù chúng cũng thuộc họ chim ! Người nghe cần thánh thót chứ không cần lảnh lót ; người nghe cần trầm ấm chứ không cần ầm oàm như tiếng đại bác ; người nghe cần nghe tiếng saxophone, trumpet chứ không cần nghe còi xe cứu thương, xe chữa cháy (!).
Có phải "nhạc trẻ" và cái gọi là "làm mới" như cô Thanh Lam đã góp thêm điều cần lý giải trong "tình yêu" ngày nay của lớp trẻ ?
Tại sao họ yêu nhau thật "dễ", tại sao họ có thể đâm chém nhau một cách "thoải mái" rồi khóc hu hu, tại sao họ có thể "sống thử", có thể rủ nhau tự tử dễ dàng, có thể tạt acid vào nhau, có thể phá thai như phá một mụn cóc, có thể vứt lăn lóc những trẻ sơ sinh như vứt một bọc rác, có thể rủ bạn bè bề hội đồng ngay chính người mà họ gọi là "người yêu" (!), có thể vừa âu yếm làm tình xong thì giết ngay, có thể rủ nhau cùng buôn ma túy, có thể rủ nhau cùng giết người phi tang, có thể rủ nhau cùng cướp của ngay chính cha mẹ họ v.v. Họ là "sản phẩm" của "dây chuyền sản xuất" nào đây ? ! Chẳng lẽ "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần có con người xã hội chủ nghĩa" là thế này ?
Ông Nguyễn Phú Trọng chê trách tuổi trẻ Việt Nam [3] "phai nhạt lý tưởng, thờ ơ với thời cuộc, thích sống hưởng thụ, đua đòi", nhưng ông ta không biết hay cố tình phớt lờ, không dám nhận và chỉ ra, ở đó, còn có cả một vũng lầy tội ác ngập ngụa trong tuổi trẻ, đi kèm với tính nhẫn tâm và đầy "máu lạnh" trước nỗi đau của ngay chính người thân ruột thịt !
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hình như chưa bao giờ chịu chiêm nghiệm, đúc kết và rút ra những bài học cay đắng, khi nhiều năm sau "giải phóng" họ đã xem rất nhẹ vai trò văn chương mà chỉ chú tâm và "lèo lái" nó đi vào "con đường trụy lạc" mang tên "chính trị".
Cao hơn, cái thứ "văn chương" sau "giải phóng" đã lần hồi làm tha hóa tâm hồn người Việt và nô dịch cho "lý tưởng cộng sản" - một loại lý tưởng không tưởng, mơ hồ, phi nhân tính.
Thế hệ trẻ ra đời, lớn lên, tiếp nối "tiền bối" cộng sản bằng những tâm hồn xơ cứng, khô cằn, đua chen, đố kỵ, giành giựt chỗ đứng trong "làng nhạc" và họ đầy hận thù, nhỏ nhen, bẩn chật thông qua nhiều "nhà văn", "nhà thơ", nhiều "nhạc sĩ", "ca sĩ", "diễn viên", "đạo diễn" sống trong sự "nuôi nấng" và "chăm sóc" từ "vòng tay đảng ta" (!).
Giá như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của văn chương, vốn ảnh hưởng không chỉ trong âm nhạc mà nó còn tác động mãnh liệt đến thế hệ trẻ hiện nay ra sao, thông qua cái gọi là... "văn mẫu" (!). Thật khốn khổ cho nhi đồng, đến cả thanh thiếu niên ngày nay với vị "cứu tinh" - "văn mẫu" cho nền văn học nước Việt (!).
Không thể có một áng văn hay, không thể có một lời nhạc bay bổng mà thiếu tự do trong đó. Nhiều bậc phụ huynh chắc không khỏi thở dài, khi cùng nhắc thêm... "tính định hướng" trong viết văn, viết nhạc. Đó là sự thật, chí ít gần nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày "đảng đã cho em cuộc đời mới" (!).
Chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bóp nát tâm hồn và tính sáng tạo của tuổi trẻ ngay từ những bài học đầu đời, trước khi họ trở thành một nhà soạn nhạc tự do đúng nghĩa. Trong số các nhạc sĩ, ca sĩ hiện nay, quá khó để tìm ra một người nghệ sĩ của nhân dân, chứ không phải loại "nghệ sĩ nhân dân" của tư tưởng bố thí !
Những dẫn giải nói trên, có phải góp thêm - để lý giải - tại sao hiếm có nhạc sĩ trẻ ngày nay viết lên những lời nhạc đậm đà chất thơ, đẹp như một bức tranh, so với Nhạc Vàng trước 1975, dù các nhạc sĩ "thời Ngụy" cũng đang tuổi xuân thì ?
Dòng "Nhạc Đỏ" giờ còn có dịp trình diễn không nhỉ ?! Có đấy ! Trong những lễ lạc - tết nhứt vẫn còn, để phục vụ cho tuyên truyền và mị dân mà ca sĩ Vy Oanh [4] hát "Xuân Chiến Khu" chào năm mới Nhân Dần - 2022. Tuy nhiên, mới đây, trên mạng lan truyền đoạn clip nữ ca sĩ xinh đẹp này đang khẩn khoản [5] yêu cầu luật sư riêng của mình, can thiệp với chánh phủ Hoa Kỳ để được đi Mỹ, vì ở Việt Nam cô đã bị cấm xuất cảnh trong vụ án với nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng...
Nhạc Đỏ còn giúp gì được cho ca sĩ Vy Oanh trong tiếng kêu cứu khẩn thiết (?)
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 08/04/2023
[1] https://thanhnien.vn/thanh-lam-pha-nat-hay-pha-cach-nhac-trinh-185230408...
[2] https://www.youtube.com/watch?v=giDIWVdQAAI (Phượng Yêu - Thanh Lam)
[3] https://tuoitre.vn/tn-phai-co-tam-trong-tri-sang-hoai-bao-lon-524574.htm...
Phạm vi bài viết không đề cập đến tình cảm yêu ghét cá nhân đối với sự việc 3 ca sĩ hải ngoại : Chế Linh - Hương Lan - Tuấn Vũ đồng loạt bị bịnh (gì không biết), buộc phải hủy bỏ show diễn - tại xứ ngàn năm văn vật - vào trung tuần tháng 11/2022. Bài cũng không đề cập về nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đã vong quốc gần nửa thế kỷ.
Từ hồi chưa có internet, băng dĩa hải ngoại đã từng bước, từng bước thầm, rồi như làn sóng ngầm, bỗng chốc ồ ạt trào dâng về trong nước. Dĩ nhiên, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đầu tiên cho "nhập khẩu" loại hàng hóa "bơ thừa sữa cặn", mà sau 1975, đều phải mang đi đốt bỏ cùng hàng triệu sách báo - tiểu thuyết - phim ảnh.
Ba tên tuổi ca sĩ hải ngoại nêu trên, không hề xa lạ với giới mộ điệu âm nhạc nói chung và điệu nhạc Bolero nói riêng. Cả ba ca sĩ nêu trên đều có giọng hát đặc biệt (nghĩa là có âm sắc riêng, để khi cất giọng, không tài nào lẫn lộn với bất cứ một ca sĩ nào khác, trong tai nghe của khán giả). Dù là vậy, giọng hát của các "lão niên ca sĩ" vẫn không thoát khỏi bàn tay của thần Thời Gian - ít nhiều, đã bị mài mòn theo năm tháng.
Do đó, hai câu hỏi cần đặt ra :
1. Tại sao khán giả vẫn thích thưởng thức trực tiếp ?
2. Tại sao cả ba ca sĩ đã qua thời vàng son mà họ vẫn đủ tự tin nhận lời trình diễn, khi Vượng Râu đứng ra tổ chức show diễn, ngay thủ đô Hà Nội - nơi xuất phát chủ trương của Nghị quyết 36, ra đời gần 20 năm về trước ?
Thời buổi này, cứ lên youtube và các trang mạng xã hội khác, tha hồ coi - nghe miễn phí suốt ngày. Nghe - coi cả những bản nhạc VÀNG bất hủ với thời gian, từ chính 3 giọng ca nói trên, khi họ vẫn còn trẻ trung ! Âm nhạc là nghệ thuật. Đá banh cũng là nghệ thuật. Người thưởng ngoạn, có đủ thời gian và đủ tiền vẫn thích thưởng lãm trực tiếp các ngôi sao nghề nghiệp, vốn đã có chỗ đứng riêng và vững chãi trong lòng khán giả - Có thể gọi là "hàng hiệu" cũng được. Đó là câu trả lời giản dị nhưng thật đáng để Ban Tuyên giáo trung ương đau đầu suy ngẫm - bởi danh ca Chế Linh đã thẳng thừng cho biết, việc hủy buổi diễn là do Ban Tuyên giáo trung ương ra "lịnh miệng" cho nghệ sĩ Vượng Râu - theo BBC [2].
Bolero - một điệu nhạc bị cho là "sến" nhưng thật kỳ lạ, ngay cả những ca sĩ xuất thân từ cái nôi xã hội chủ nghĩa như : Lệ Quyên và hiếm hoi như ca sĩ Lan Anh, họ vẫn dùng điệu nhạc này để kiếm sống. Tại sao kỳ lạ vậy ? Tại sao những tên tuổi trong giới chuyên nghiệp, như : Thanh Lam từng tuyên bố : "Miền Nam có nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông", Tùng Dương từng rất hỗn láo "Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi", Trung Kiên - một thầy giáo thanh nhạc Opera và nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa chê bai "Tôi không ủng hộ và nghĩ không nên phát triển mạnh nhạc Bolero", vậy mà thiên hạ vẫn đam mê điệu nhạc này ? Hãy chú ý, cả ba phát ngôn của [3] Tùng Dương (21/08/2017) - [4] Trung Kiên (23/08/2017) - [5] Thanh Lam (24/10/2017), đều là những ca sĩ nói giọng Bắc, vốn không thể nào hát được điệu nhạc Bolero (để kiếm tiền). Hãy nhớ lại : Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Khánh Hà, Ý Lan (cũng là những người sinh trưởng ở miền Bắc và nói giọng Bắc) v.v. hầu như không ai hát điệu Bolero với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp (nghĩa là để kiếm tiền từ khán giả), chứ không chỉ ca sĩ miền Bắc (sau 1975). Ngay cả những ca sĩ thành danh và đứng vững trong lòng khán giả sau 1975, như : Cẩm Vân, cô cũng chưa bao giờ dám làm việc gọi là "thử sức" với điệu nhạc Bolero ? Tại sao ? Đơn giản, vì khán giả không chấp nhận. Bởi âm nhạc nói chung cũng như điệu Bolero nói riêng là hàng hóa. Khách hàng (tức là khán giả) quyết định hàng bán chạy hay bán ế, thậm chí hàng hóa bị tẩy chay không ai mua là điều đương nhiên.
11111111111111111111111
Tư duy lệnh miệng - Ảnh minh họa Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương khóa 12
Trước khi sự việc Chế Linh - Hương Lan - Tuấn Vũ không thể hát tại Hà Nội vì "lịnh miệng" của Ban Tuyên giáo trung ương, ca sĩ Như Quỳnh đã tổ chức đêm diễn hoành tráng và công phu nhưng diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh - Nhà hát Hòa Bình vào hôm 12/11/2022. Cũng cần nhấn mạnh, Như Quỳnh không còn quốc tịch Việt Nam từ lâu, như ba ca sĩ đàn anh - đàn chị nói trên. Không thể nào nói Ban Tuyên giáo trung ương không hay biết đêm diễn quy mô với đông đảo ca sĩ tên tuổi cùng tham gia với ca sĩ Như Quỳnh [6].
Đài BBC cho biết thêm, trích : "Chế Linh tin rằng sự việc do một cá nhân nào đó trong bộ máy gây nên chứ không phải chủ trương của Nhà nước. Vì thế Chế Linh thấy mấy ông còn dung túng những thành phần như thế này. Mặc dầu Ban Tuyên giáo đi chăng nữa thì cũng phải trừng trị, không phải chuyện đơn giản..." (hết trích).
Chủ trương "văn hóa vận" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, từ nghị quyết của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam với khái niệm "khúc ruột ngàn dặm" - hầu như ai cũng đã từng nghe. Cũng từ đó, nhiều nghệ sĩ hải ngoại đã lần lượt trở về Việt Nam trình diễn. Do đó, khi danh ca Chế Linh gọi cho ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước và cho đài BBC biết : "Là Chủ tịch nước, ông nên coi lại một số việc không đúng trong chủ trương của Nhà nước. Chúng tôi là văn nghệ sĩ. Chúng tôi đi ra khỏi nước không có nghĩa là ngoảnh mặt với quê hương. Chúng tôi đi ra khỏi nước mà trở về với đất nước là chúng tôi đã sai trong tinh thần của những người tị nạn cộng sản rồi. Nhưng chúng tôi bắt buộc phải về bởi, vì đây là chủ trương của Nhà nước muốn kêu gọi mọi thành phần về xây dựng quê hương đất nước, mà chúng tôi là văn nghệ sĩ có trách nhiệm và bổn phận, nghĩa vụ phải về trước. Vì thế chúng tôi đã về được mười mấy năm nay và hát rất bình thường, rất đẹp đẽ trên toàn thể đất nước. Nhưng nay có sự việc này, mong ông coi lại cái hồ sơ này…". Dù vậy, đêm diễn vẫn không thể diễn ra.
Hóa ra, Ban Tuyên giáo trung ương, chỉ bằng "CÁI LỆNH MIỆNG" đã đạp đổ ngay cả chủ trương của cả Đảng cộng sản Việt Nam chăng ?
Thật đáng lên án cho những kẻ nào đã "truyền lệnh miệng". Bởi "di họa" để lại từ "lệnh miệng" là không tài nào quy nổi trách nhiệm mà vốn buộc phải có những con người cụ thể nhận lãnh hình phạt, dù nặng hay nhẹ !
Cũng thật đáng chê trách "tư duy lệnh miệng", bởi nó biến con người trở thành những cỗ máy vô tri vô giác, trước vấn đề DANH DỰ của tất cả đảng viên già - trẻ - trai - gái, mà hơn 5 triệu đảng viên đó - dĩ nhiên - đều là những con người có VĂN HÓA CAO SANG (!), bởi nếu không có "văn hóa cao sang" làm sao được chọn lựa kỹ càng, rồi qua trui rèn đủ kiểu, mới chính thức trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam ? Làm sao có thể tin những đảng viên có VĂN HÓA CAO SANG lại gây ra một việc phản văn hóa - phi nguồn cội và chống lại chủ trương "khúc ruột ngàn dặm" của Bộ Chính trị ? Làm sao có thể tin những đảng viên có VĂN HÓA CAO SANG, lại sinh sống ngay tại Hà Nội - vốn là "Niềm tin và Hy vọng" của cả quốc gia, lại để cho buổi diễn của Chế Linh - Hương Lan - Tuấn Vũ và hàng chục ca sĩ - nghệ sĩ khác (trong đó có cả những ca sĩ - nghệ sĩ đang sinh sống tại Hà Nội), "tự nhiên" tắt phụt và rơi tõm vào màn đêm tăm tối của cái thuở "văn hóa đồi trụy phản động" được coi như "rác rưởi" cần phải quét sạch ?
"Tư duy lệnh miệng" đã và đang làm cho biết bao vụ án "kinh thiên động địa" rơi vào ngõ cụt, kể từ khi người cộng sản Việt Nam "cướp chính quyền" và áp đặt ách cai trị bạo ngược lên toàn cõi Việt Nam. "Tư duy lệnh miệng" biến con người trở nên đớn hèn, bạc nhược, vong thân, vong bản và từ đó dẫn đến vong quốc !
Kẻ thích "tư duy lệnh miệng" là những kẻ vô học, vô trách nhiệm, chà đạp luật pháp và các chuẩn mực văn minh của loài người. Kẻ yêu chuộng "tư duy lệnh miệng" là những con người tôn thờ "bạo quyền" và chúng hằng tin "bạo quyền" là phương cách duy nhất hiệu quả để quản trị quốc gia, trong khi không thấy được những tác hại khôn lường do "tư duy lệnh miệng" gây ra !
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 21/11/2022
Nhạc Vàng mà sự thịnh hành của nó gắn liền với miền Nam Việt Nam trước 1975 giúp cho khán thính giả ngày nay sống lại thời Việt Nam Cộng Hòa và có thể được xem là di sản có sức sống nhất của chế độ đã qua, các nhà nghiên cứu nhận định tại một hội thảo mới đây ở tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.
Graphic - Nhac Vang
Nhạc Vàng là tên thường gọi của thể loại nhạc được sáng tác và trình diễn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài tên gọi này, một phần của nó còn được gọi là ‘nhạc sến’ hay ‘nhạc boléro’, dựa trên thể điệu và lời ca.
U sầu, hoài niệm
"Nhạc Vàng là một trong những phương tiện giữ cho ký ức của nền Cộng hòa sống mãi", ông Vinh Phạm, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về Văn học đối chiếu tại Đại học Cornell, nhận định tại hội thảo về nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa Việt Nam tại Đại học Oregon, Eugene, hôm 15/10.
Điều này thấy rõ trong các chương trình ca nhạc và nhạc hội được tổ chức ở hải ngoại để người gốc Việt tôn vinh nền văn hóa của họ vốn thường trình diễn những bài hát có nội dung về Việt Nam Cộng Hòa, ông nói.
Ông Vinh đưa ra dẫn chứng là có giai thoại về ‘ba thứ không thể thiếu’ trong các gia đình người Việt ở Mỹ, trong đó có những đĩa nhạc của Paris by Night hay Asia, hai nhà sản xuất băng đĩa hàng đầu của người Việt ở hải ngoại, bên cạnh... chai nước mắm và tô phở.
"Những bài hát như thế này thường được xem là để gợi nhớ về thời kỳ trước năm 1975", ông nói.
Ông Vinh cho biết thể loại nhạc này thường bị các nhà phê bình ngày nay đóng khung là ‘âu sầu, áo não’ (melancholy).
Theo ông Vinh, sự u sầu này có nghĩa là ‘mất đi một thứ gì đó’ và ‘ít nhất trong phạm vi văn học và âm nhạc sự mất mát đó chính là mất mát thật sự nền Việt Nam Cộng Hòa’.
"Nói cách khác, vật bị mất (gây ra cảm giác u sầu) ở đây không nằm trong phạm vi vô thức mà trái lại được đóng khung và định danh rõ ràng là một đất nước".
Ông dẫn chứng là trong các chương trình ca nhạc của người Việt ở Mỹ, ngày 30/4 năm 1975 được gọi là ‘Ngày Mất nước’. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và những công dân của quốc gia này sống lưu vong thì âm nhạc của chế độ cũ giúp họ nhận thức rõ về sự mất mát này, ông nói.
Trong khi đó, cách mô tả Nhạc Vàng là ‘hoài niệm’ (nostalgic) về thời xa xưa có ý nghĩa là ‘chấp nhận quá khứ là chuyện đã qua và chấp nhận thực tại’, ông nói.
"Với những gì mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vốn tích cực tham gia chính trị, đã phản đối (chính quyền trong nước) lâu nay và cái cách mà Nhạc Vàng được sử dụng để củng cố tinh thần quốc gia của họ thì không thể nói là có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy họ chấp nhận quá khứ mà thay vào đó đó là sự phản đối Đảng cộng sản", ông nhận định.
"Cách dùng những từ như hoài niệm, u sầu lâu nay để phê bình Nhạc Vàng đã bỏ qua mục đích thật sự của những bài nhạc này", ông nói.
Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền trong nước có một thời kỳ cấm đoán gắt gao thể loại âm nhạc này vì cho rằng nó ‘quá diễm tình, yếu đuối và thể hiện nền văn hóa yếu ớt của miền Nam’. Thậm chí nó còn được miêu tả là ‘độc hại và phản động’.
Có hợp với giới trẻ ?
Trao đổi với VOA bên lề buổi hội thảo về lý do tại sao Nhạc Vàng có sự trở lại ngoạn mục ở trong nước hiện nay, ông Vinh nêu lên các lý do là ‘làm ra tiền’, ‘dễ tiếp cận hơn trước’, ‘dễ nhớ dễ thuộc’ và ‘kết nối với thế hệ đi trước’.
"Anh có thể kiếm tiền bằng Nhạc Vàng dựa trên số lượt người xem hay nghe trên YouTube. Một số kênh về Nhạc Vàng trên YouTube có hàng triệu lượt xem mỗi mục đăng tải", ông giải thích.
"Một lý do nữa là khán giả Việt Nam hiện nay có nhiều cách tiếp cận các sản phẩm văn hóa hơn. Vào những năm 1990, các băng đĩa Nhạc Vàng mà họ có được hoặc là sao chép lậu hoặc do người thân của họ mang từ nước ngoài về", ông nói thêm. "Giờ đây mọi người chỉ cần rút điện thoại thông minh từ trong túi ra là có thể nghe Nhạc Vàng".
"Mặc dù một số bài hát vẫn bị cấm nhưng khán giả có thể dễ dàng tiếp cận được".
Ngoài ra, tính chất lãng mạn (poetic) của thể loại nhạc này khiến khán giả dễ dàng ghi nhớ và thuộc bài hát.
"Có những thanh niên có ông bà cha mẹ vẫn còn nghe Nhạc Vàng cho nên nó là một hình thức để họ kết nối với thế hệ đi trước", ông Vinh nói thêm.
Trả lời câu hỏi liệu Nhạc Vàng có phù hợp với thị hiếu của các khán giả trẻ ở trong nước hiện nay, ông Vinh nói rằng giới trẻ ‘quan tâm đến nhiều thể loại âm nhạc khác nhau chứ họ không quan tâm đến duy nhất một thứ’ cho nên ‘không thể gom các khán giả trẻ thành một khối duy nhất’.
Tuy nhiên, theo những gì ông quan sát, ông cho rằng giới trẻ trong nước hiện nay hướng đến âm nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc và nhạc Mỹ, trong đó nhạc Hàn rất được giới trẻ ưa chuộng.
Về vấn đề liệu sự hồi sinh của Nhạc Vàng có làm sống lại sự quan tâm và tìm hiểu về Việt Nam Cộng Hòa và các giá trị của nó hay không, ông Vinh trả lời rằng ‘mặc dù những bài Nhạc Vàng có thể gợi lại những tình cảm thân thiết với Việt Nam Cộng Hòa nhưng ở trong nước chúng đã được đưa ra khỏi bối cảnh ban đầu’.
"Những người hát Nhạc Vàng vì họ yêu giai điệu bài hát (không phải lời hát). Tôi không cho rằng có sự gắn bó cá nhân rõ ràng (với nội dung các bài hát)", ông nói thêm. "Một số bài hát cơ quan kiểm duyệt còn sửa một số chữ trong lời hát".
Ông cho rằng các khán giả ở Việt Nam khi hát Nhạc Vàng họ ‘ít quan tâm đến chính trị’ và Nhạc Vàng chỉ đơn thuần là ‘một mặt hàng mới’ phục vụ người tiêu dùng.
Chính vì những lý do đó mà ông cho rằng Nhạc Vàng hiện nay ‘không còn là mối đe dọa chính trị’ đối với chính quyền trong nước.
Ông đưa ra dẫn chứng là có hiện tượng ‘trong nước trình diễn lại màn trình diễn ở nước ngoài’ (performing the performance), tức là tái hiện lại y chang khung cảnh sân khấu của các bài hát dàn dựng ở hải ngoại mặc dù họ đang ở Việt Nam trong khi những bài hát này vì không tiếp cận được bối cảnh ở Việt Nam nên phải dựng cảnh giả.
Cách làm đó đã cho thấy khán giả trong nước ‘phi chính trị hóa Nhạc Vàng’ – tức họ là trình diễn âm nhạc chứ ‘không truyền tải thông điệp chính trị’, ông Vinh phân tích.
Tuyển tập nhạc vàng nhạc xưa trước 1975 - nhạc vàng pre 75 tuyển chọn - Courtesy of Audiophile NbR Music
Di sản có sức sống nhất ?
Trong phần trình bày của mình, ông Jason Gibbs, một nhà nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam và hiện đang làm việc cho Thư viện Công tại San Francisco, cho rằng ‘có lẽ di sản về Việt Nam Cộng Hòa có sức sống nhất ở Việt Nam ngày nay là âm nhạc’.
"Những bài hát vẫn còn sống mãi từ thời điểm đó tập trung vào tình cảm con người và những cảm xúc sâu thẳm trong lòng người", ông nói.
Theo ông Gibbs thì sở dĩ âm nhạc phát triển mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam vì ‘có thị trường’ cho sản phẩm âm nhạc mang tính thương mại mà nhờ vào đó các nhạc sỹ có rất nhiều cơ hội kiếm tiền từ các sáng tác của họ và có được mức sống cao.
"Trong một thị trường sơ khai còn hỗn loạn, những nhà sáng tác và khán giả tìm kiếm âm nhạc mới mẻ giàu cảm xúc và phù hợp với giá trị chung của một bộ phận đáng kể dân chúng", ông nói và cho rằng thị trường âm nhạc miền Nam lúc đó ‘hoàn toàn bản địa’ vì ‘không có hãng đĩa nước ngoài nào tranh thủ được thị trường’.
Ông giải thích rằng nhạc thị trường là một ‘điều mới mẻ’ ở miền Nam Việt Nam lúc đó vì nó không tồn tại dưới thời thuộc địa và ở miền Bắc.
"Âm nhạc của Việt Nam Cộng Hòa hoạt động trong mối quan hệ của ba yếu tố : chính sách của chính quyền, động cơ lợi nhuận và tình cảm chung của người dân", ông cho biết.
Ông nói thêm chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó do muốn tách bạch khỏi hệ tư tưởng và cách cai trị ở miền Bắc nên không thể ra lệnh cho các văn nghệ sỹ và người dân tuyệt đối tuân theo lệnh của chính quyền.
Tuy nhiên, ‘tâm lý chiến cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình công việc sáng tạo của các nhạc sỹ và có ảnh hưởng lên các tác phẩm âm nhạc được đưa ra thị trường’. Mặc dù vậy, khi nhạc thương mại chiếm lĩnh thị trường, trên sóng phát thanh và sóng truyền hình thì ảnh hưởng của chính quyền trở nên bị giới hạn.
Sau năm 1975, Nhạc Vàng mặc dù bị cấm đoán quyết liệt ở miền Bắc nhưng nó vẫn được cộng đồng người Việt ở hải ngoại gìn giữ và ngày nay đã được một bộ phận dân chúng miền Bắc, vốn trước giờ lạ lẫm với dòng nhạc này, chấp nhận, ông Gibbs cho biết.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng dòng nhạc tâm lý chiến có giống như nhạc tuyên truyền cổ động chiến đấu ở miền Bắc hay không, ông Gibbs nói : "Tôi phải thừa nhận rằng với những gì mà tôi đã nghe thì (nhạc miền Nam) cũng có yếu tố tuyên truyền".
"Ý tưởng tuyên truyền là nhấn mạnh vào hành động xấu xa của đối phương", ông nói.
Cũng theo nhận định của ông, Nhạc Vàng ‘chắc chắn mang tính cổ động quân đội’ vì nó ‘bày tỏ sự cảm thông cho người lính, cho những người dân bị chiến tranh chia cắt’.
"Một số bài hát còn hướng đến thu phục những người bên ngoài chế độ (sống ở miền Bắc)", ông nói và cho biết những bài hát này nằm trong chương trình chiêu hồi (open arms) của chính quyền và có thể đi sâu vào phía đối phương.
"Tuy nhiên, họ biết rằng họ không thể sáng tác những bài hát mang tính chất quân sự mạnh mẽ bởi vì những bài hát như thế không có sức hút (đối với thị trường)", ông nói thêm.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 31/10/2019
Sau 30 tháng Tư cả nước rơi vào tình trạng khó thể tả trong vài trang viết. Sụp đổ, tan tác, vui mừng, trốn chạy, tuyệt vọng, sợ hãi, hận thù, ngạo nghễ, nước mắt, sum họp và chia lìa….
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhạc vàng tuy ít có bài mới, hay và gắn bó người nghe như thời kỳ trước năm 75 nhưng bù lại, dòng nhạc này đã là người bạn chân tình vuốt ve cảm nhận đến tận cùng của sự rung cảm.
Bên cạnh những cách nói xa lạ từ Bắc tràn vào, người miền Nam được nghe những ca khúc lạ lẫm trên đài Tiếng Nói Việt Nam phát từ những chiếc loa phường hàng ngày rồi quen dần, chai dần với những khó chịu ban đầu. Giai điệu chiến tranh vẫn đầy dẫy trong các nhạc phẩm ca ngợi hòa bình, ca ngợi chiến thắng. Những ca từ mang sắc tố đỏ chói làm cho không ít người gục đầu nuối tiếc một thời chữ nghĩa của miền Nam. Cái thời mà người ta yêu nhau không dám đặt mạnh chân trên con đường hò hẹn vì sợ nó đau dưới gót chân mình. Người ta gọi đó là lãng mạn, có người xem đó là văn chương, nhưng đông hơn cả là sự cảm nhận với cách diễn đạt nỗi niềm đầy tính người trong ngôn ngữ.
Miền Bắc có dòng nhạc chiến đấu trong khi đó mặc dù thời kỳ chiến tranh nhưng miền Nam thiếu vắng những bước chân rầm rập, những ngọn lưỡi lê căm thù chĩa vào đối phương, những tiếng hô xung phong đầy máu lửa. Thay vì phanh thây uống máu quân thù thì miền Nam lại :
"Anh ! Anh ! Nhớ anh trời làm cơn bão
Anh ! Anh ! Tiếc anh chiều rừng thay áo
Ôi ! Vết đau nào đưa anh đến
Ngàn đời của nhớ thương
Hỡi bức chân dung trên công viên buồn"
trong nhạc phẩm Người ở lại Charlie, kể lại câu chuyện của Đại tá Nguyễn Đình Bảo tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 nhảy dù tử trận năm 1972 trên đồi Charlie. Mặc dù cả miền Nam lúc ấy ngưỡng mộ sự hy sinh của ông nhưng câu chữ viết về sự hy sinh ấy chỉ gói gọn trong hai chữ "tiếc thương" và "buồn", rồi thôi.
Mặc dù ai cũng dễ dàng chấp nhận "anh nằm xuống cho hàng ngàn người đứng lên" là phải đạo, hợp lý, nhưng hầu hết tác giả miền nam lại từ chối sự hợp lý ấy và chọn cho mình niềm thương tiếc, vốn khó thể chấp nhận trong hoàn cảnh chiến tranh. Thay vì trả thù, người ta lại ca tụng sự hy sinh. Thay vì miêu tả sự hy sinh lẫm liệt đến tàn khốc của ông thì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh vẽ lại hình ảnh sự hy sinh ấy bằng chiều rừng thay áo, bằng vết đau, bằng nhớ thương của người ở lại và cuối cùng là bức chân dung trên công viên buồn !
Yếu đuối và tang thương quá.
Nhưng chính cái yếu đuối mang dấu ấn tang thương ấy đã làm cho nhạc phẩm tranh sống với thời gian. Nó lay động sự tỉnh thức của con người rằng không gì quý bằng sinh mạng chính nó. Một cái chết không thể đánh đổi bằng hàng chục cái chết khác để trả lại món nợ chiến tranh. Chân lý này khó thể biện minh trong khi chiến tranh xảy ra vì nó phản lại với sức chiến đấu, thế nhưng nó vĩnh cữu. Chiến tranh dù lớn cách nào cũng phải kết thúc và thời gian qua đi người ta có khuynh hướng tìm về với bản ngã và quay lưng với những lời lẽ tuyên truyền sắt máu.
Bolero xuất hiện giữa Sài gòn kéo theo cơn sốt hát và nghe trên mọi hệ thống truyền thông của nhà nước.
Người miền Nam không gọi nhạc bên này vĩ tuyến là "nhạc vàng" như người miền Bắc. Hai chữ "nhạc vàng" có lẽ chỉ xuất hiện sau năm 1968 tại Hà Nội khi vụ án của ông Nguyễn Văn Lộc và nhóm bạn của ông vì đam mê các nhạc phẩm tiền chiến cả trong Nam ngoài lẫn Bắc trước năm 1954 đã lén lút hát với nhau và bị bắt, bị kết án tù nặng nề như những tội phạm chính trị nguy hiểm. Ông Lộc hát "nhạc vàng" nên thành danh với cái tên Lộc Vàng từ đó.
Không riêng ông Lộc vàng hát trong các buổi sinh hoạt bạn bè, hàng ngàn người dân miền Bắc đã biết âm thầm nghe và hát dòng nhạc này trong khi họ sống và chiến đấu với dòng nhạc đỏ kế cận. Từ trong chiến tranh, những chiếc radio nho nhỏ mang theo tiếng hát trữ tình từ miền Nam phát ra đã chinh phục một số không nhỏ người miền Bắc. Rồi chiến tranh kết thúc, người bộ đội vào Nam mang về những tiện nghi cần thiết trong đó không thiếu những bản nhạc còn sót lại của miền Nam trước ngày giải phóng.
Những bản nhạc ấy từ đó sống cùng với đồng bào miền Bắc. Sống và chia sẻ với đồng bào của mình những gì đã xảy ra qua các ca khúc vượt thời gian, vượt ngôn ngữ vùng miền và nhất là vượt cả ý thức hệ một thời họ từng mang nặng.
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhạc vàng tuy ít có bài mới, hay và gắn bó người nghe như thời kỳ trước năm 75 nhưng bù lại, thời gian giống như một trợ thủ cho dòng nhạc này vì khả năng thẩm thấu của giai điệu, rung động của ca từ đã làm nó tái sinh trong lòng người nghe. Nó như người bạn chân tình vuốt ve cảm nhận người thưởng thức nó đến tận cùng của sự rung cảm. Giống như Lộc vàng trước đây, người ta nghe : Gửi gió cho mây ngàn bay hoặc Tà áo xanh của Đoàn Chuẩn - Từ Linh ; Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong ; Biệt ly của Doãn Mẫn ; Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương ; Cô láng giềng của Hoàng Quý ; Buồn tàn thu hay Bến Xuân của Văn Cao ; Bên cầu biên giới của Phạm Duy hay Ngàn thu áo tím của Hoàng Trọng…
Nhưng chưa đủ nếu không nhắc tới một thể loại khác trong dòng nhạc vàng của miền Nam : Bolero.
Nửa bình dân, nửa trau chuốt, Bolero xuất hiện giữa Sài gòn kéo theo cơn sốt hát và nghe trên mọi hệ thống truyền thông của nhà nước. Những cuộc thi hát Bolero được tổ chức rầm rộ trên đài truyền hình quốc gia. Ca sĩ hát nhạc Bolero từ hải ngoại về có giá cát xê ngất ngưỡng làm các ca sĩ "cách mạng" cũng chạy theo thị trường âm nhạc bất ngờ này.
Câu chuyện Bolero hot đến nỗi báo Nhân Dân phải có bài viết về nó. Bài "Ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Bolero" có đoạn : "Từ khi Bolero trở thành một trào lưu trong đời sống âm nhạc nước nhà, nhiều giọng ca từng định danh và tạo dựng dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng với đa dạng phong cách (từ thính phòng, dân ca, cách mạng đến đương đại, nhạc trẻ...) đều đã lần lượt chọn ngã rẽ "nhạc trữ tình", như một cách làm mới bản thân. Dù đánh giá dưới góc độ nào thì cũng phải ghi nhận một điều, họ đều rất bản lĩnh, khi chọn chinh phục khán giả bằng dòng nhạc vốn được coi là "sở đoản".
Người dân cả nước không cần "bản lĩnh" như các ca sĩ mà báo Nhân Dân nhắc tới. Họ chỉ cần có "tâm trạng" là Bolero lập tức đáp ứng, chia sẻ.
Rất nhiều bài viết phân tích hiện tượng Bolero trong những năm qua trên báo chí nhà nước, trong đó cho rằng sở dĩ nó nổi tiếng vì tính chất kể chuyện dễ làm người nghe rung động, tính chất tự sự và đơn giản trong cách diễn tả đã khiến Bolero chinh phục gần như mọi giai cấp xã hội.
Nhưng có một điều báo chí không nhắc tới đó là yếu tố chiến tranh và kỷ niệm của người miền Nam đã làm cho dòng nhạc này sống dai dẳng trong lòng người nghe đến vậy.
Chiến tranh tất có chia lìa, đau thương và nhất là chết chóc. Nhiều ca khúc trong thời kỳ chiến tranh được viết trên căn bản của ba nguồn cảm hứng này, tuy nhiên Bolero là thể loại được nhiều nhạc sĩ miền Nam dùng để chuyên chở ý tưởng của mình và sự sáng tạo của họ thành công khi luôn luôn xem trọng yếu tố tình yêu đôi lứa trên từng nốt nhạc.
Nhạc phẩm Con Đường Xưa Em Đi của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương.
Trong bài Con đường xưa em đi của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương ca từ thật mộc mạc và đơn giản nhưng phía sau những con chữ ấy chứa đựng tâm sự của một lớp trai thời chinh chiến. Bản phác họa đơn giản ấy có thể đại diện cho một thời kỳ chiến tranh tuy khốc liệt ngoài mặt trận nhưng hậu phương vẫn lãng mạn trong lúc chia lìa :
"Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe...
Hỏi còn ai cố tri ?"
Cũng có những cuộc chia ly nhưng không tan vỡ. Họ là những đôi tình nhân, thậm chí là vợ chồng trong thời chiến vợ tiễn chồng lên đường ra chiến trường với hình ảnh tuyệt đẹp của một đêm không trăng sao. Tạ từ trong đêm là một ca khúc có ý nghĩa ấy :
"Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về
Mang lời thề lên miền sơn khê
từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không ?"
Vô số chuyện tình với đủ sắc màu được dòng nhạc Bolero chuyển tải để lại cho người nghe những cảm xúc đặc biệt mà trước đó họ không tìm thấy được trong dòng nhạc cách mạng. Sau năm 75 có nhiều gia đình mất tất cả. Miền Bắc mất chồng mất con, miền Nam mất con người, của cải lẫn tương lai… những cái mất ấy được đền bù phần nào trong dòng nhạc vàng mà trước đó hàng ngàn người đã sáng tạo, bồi đắp bằng kinh nghiệm, nỗi đau, mất mát của chính họ với một nhãn quan nhân bản lấy cảm xúc thật làm gốc cho tác phẩm của mình.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 29/04/2019
Việc cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975, cùng với nhiều qui định khác như phạt tiền nếu hát những bài nhạc bị cấm cho dù là trên mạng xã hội nhận lại phản ứng thế nào từ các bạn trẻ ?
Học sinh đạp xe trên đường phố Buôn Mê Thuột. Ảnh chụp hôm 7/12/2006. AFP photo
Càng cấm, càng tìm đến
Cuối cùng, sau gần một tháng từ khi tạm dừng lưu hành năm ca khúc trước 1975, bao gồm Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) với lý do cần xem lại ca từ và tên tác giả, ngày thứ Ba, 4 tháng Tư vừa qua, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thông báo quyết định cấm lưu hành vĩnh viễn năm ca khúc trên.
Lời giải thích được đưa ra là do các bài hát bị thể hiện sai lời so với bản gốc. Cũng cần phải nói thêm rằng tuyệt nhiên không một tờ báo trong nước nào trưng ra bản gốc của năm ca khúc bị cấm, ngoại trừ trang bìa của ca khúc "Con đường xưa em đi", tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.
Trang Nguyễn, bạn trẻ ở Sài Gòn nêu ra câu hỏi về lý do cấm năm ca khúc trước 75 này :
"Làm sao họ biết được bản nào là bản gốc ? Tác giả của những ca khúc đó đâu còn nữa ?"
Đến với những ca khúc bolero, nhạc vàng từ thời là sinh viên vì yêu cái giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, Thái Minh Hải, từ Hà Nội chia sẻ anh tìm thấy cả tính triết lý trong ấy.
"Chính vì họ cấm những bài hát đó mà tụi em có cơ hội được tiếp cận những thông tin có những bài hát hay như vậy. Tụi em sẽ tìm hiểu tại sao bài bị cấm ? Sau khi tìm hiểu thì thấy những bài hát đó là những bài hát rất bình thường, nhưng họ cấm vì hoàn cảnh sáng tác những bài đó và nội dung nói lên sự thật của không gian thời gian lúc đó".
Chính vì vậy khi khi nhà nước càng cấm, họ càng tò mò tìm kiếm. Tìm được rồi, họ hát với tất cả sự thích thú và trân quí.
Kể lại câu chuyện về chương trình liveshow của ca sĩ Lộc Vàng được tổ chức ở Sài Gòn tuần qua phải ngưng đột ngột với lý do "chưa có giấy phé", Thái Minh Hải nói rằng vì vì đọc được bài báo ấy mà anh "tò mò" tìm hiểu Lộc Vàng là ai ?
"Nhờ thông tin đó mà em biết đến chú Lộc Vàng vì em khá đam mê nhạc, nhất là những chương trình có chiều sâu như thế, em rất muốn đến và tìm hiểu. Em không biết phải miêu tả cảm xúc của mình thế nào nhưng thật sự khi tiếp xúc được với chú thì em nhận ra được rất nhiều điều. ví dụ muốn hát được nhạc vàng tốt, người ca sĩ muốn toát lên được cái tâm hồn, tâm trạng của bài hát thì phải tìm hiểu được hoàn cảnh lịch sử, hoặc không gian thời gian sáng tác, vùng miền nữa thì mới thả hồn được vào bài hát đó".
Chỉ một lần nghe ca sĩ Lộc Vàng trình bày ca khúc Gửi người em gái miền Nam, thì Thái Minh Hải đã đi tìm hiểu về lịch sử ra đời cũng như lịch sử của đất nước.
Một cách nhìn khác trong việc cấm các ca khúc nhạc vàng, nhạc bolero mà cụ thể là năm ca khúc nêu ở đây, Trang Nguyễn nhận thấy :
"Nhà nước không quản lý được thì phải cấm. Rất nhiều sự việc tương tự rồi. Nhưng may là bây giờ có Facebook, nên tất cả ai cũng biết sự thật. Mà người ta càng biết thì càng bất bình. Càng bất bình thì càng phản kháng. Một trong những cách phản kháng là hát thật nhiều".
Cộng đồng mạng thời gian gần đây "dậy sóng" với những ca khúc nhạc lính, nhạc vàng. Rất nhiều bạn trẻ dùng lời ca của mình như một vũ khí cho phong trào đấu tranh dân chủ.
Với Thái Minh Hải, việc cấm các ca khúc trước 1975 là rất vô lý.
"Giới trẻ bọn em thì không công nhận điều đó. Tụi em muốn tự do hát hò, tự do thể hiện những bài hát đó. Đó cũng là một trong những quyền mà phong trào đấu tranh dân chủ cần".
Sợ sự thật ?
Trung tâm thành phố Sài Gòn chụp tháng 12/1963. AFP photo
Hôm 16/3, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu có lời phát biểu trên trang báo mạng của VTC, cho rằng 5 bài hát này "có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng". Ông Lưu nói thêm : "Những bài hát viết về người lính Cộng hòa sẽ khiến cho một bộ phận giới trẻ phân tâm, lo lắng. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, liệu con đường mình đang bước đi có đúng không, hay cái kia mới đúng".
Phát ngôn của ông Nguyễn Lưu sau đó nhận được rất nhiều những phản ứng bất bình từ người thưởng nhạc cho đến các nhà văn hoá.
Và đặc biệt, cộng đồng mạng xã hội bùng phát phong trào hát nhạc bolero, nhiều nhất là bài Con đường xưa em đi, ca khúc có câu hát bị nhà nước Việt Nam đặt nghi vấn sau hơn 40 năm lưu hành : "chiến trường anh bước đi là chiến trường nào ?" ; phiên gác canh dài là phiên gác của cuộc chiến nào ?
Thật ra, điều ông Nguyễn Lưu lo lắng cũng không sai. Vì các ca khúc bolero ra đời trước 1975 phần lớn là những ca khúc về cuộc chiến, về người lính, về tình yêu đôi lứa giữa người con gái hậu phương và người nơi chiến tuyến.
Và đó cũng chính là tâm trạng của Trang khi nghe những ca khúc đó, cô nói :
"Em không hiểu vì sao khi em nghe nhạc Bolero thì em thường nghĩ đến thời gian những năm trước 1975".
Thập niên 50, 60, người dân miền Bắc Việt Nam phải trải qua cuộc di tản thứ nhất. Theo lời kể lại của một nhạc sĩ lão thành hiện sống ở California, nhiều người trong giới văn nghệ từ Hải Phòng, vượt qua con sông Bến Hải để tìm đến vùng đất mới. Ông nhớ lại theo ký ức của mình, đó là những năm tháng khó khăn, "cái nghèo nó ám ảnh cả trong giấc ngủ. Người nhạc sĩ miền Bắc, miền Nam chia nhau điếu thuốc". Rồi nỗi nhớ quê hương bên kia bờ Bến Hải làm cho các nhạc sĩ di cư càng mang nhiều tâm sự. Nhưng đó cũng là lúc mà sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở đỉnh cao nhất. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời thời gian ấy.
Giờ đây, thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam đang tìm đến những ca khúc đó. Họ tìm đến để nghe, và để biết về lịch sử và sự thật của lịch sử, theo cách nói của Thái Minh Hải.
"Họ đã cấm những bài hát một cách rất vu vơ, ngay cả trong bài hát do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác là Gửi người em gái miền Nam, trong hình ảnh bài đó nói lên được hình ảnh trong Nam là một nơi kim tiền, miền Bắc là một nơi nghèo khó. Đó là điều rất bất lợi cho hình ảnh tuyên truyền của nhà nước Đảng Cộng sản".
Xoá bỏ văn hoá ?
Sài Gòn ngày 1/2/1961. AFP photo
Không chỉ năm ca khúc nổi tiếng từ trước năm 1975 bị cấm lưu hành vĩnh viễn, danh sách của Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh còn có các sáng tác khác như : Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh - Hoài Linh), Câu chuyện đầu năm (Hoài An), Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Gạo trắng trăng thanh (Hoàng Thi Thơ) và Hoa trinh nữ (Trần Thiện Thanh) đang bị tạm đình chỉ lưu hành.
Ca khúc Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương) từng được cấp phép nhưng sau đó bị thu hồi.
Lời ca, giai điệu trong những ca khúc ấy đối với Trang Nguyễn hoàn toàn là tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước. Nghe những ca khúc này, cô, cũng như những người khác có thể hình dung ra một đất nước của thế hệ cha ông ngày trước như thế nào. Và cũng để thấy rằng :
"Sài Gòn bây giờ không còn là Sài Gòn nữa. Mất bùng binh chợ Bến Thành, bùng binh Lê Lợi. Thế hệ trẻ chỉ còn có thể tìm hiểu lịch sử Sài Gòn qua các ca khúc trước 1975. Giờ đây cũng cấm luôn. Không biết có phải họ đang muốn xoá bỏ hoàn toàn một nền văn hoá hay không ?"
Thái Minh Hải đưa ra câu trả lời của anh.
"Em nghĩ họ muốn xoá bỏ đi dấu vết của một thời kỳ thịnh vượng của miền Nam Việt Nam, xoá bỏ đi thời kỳ phát triển rực rỡ của các dòng văn hoá như ca nhạc, kiến trúc, tô lên đó một nếp son mới để giới trẻ không thể nào tìm hiểu được những nguồn gốc xa xưa, không tìm hiểu được những điều tốt đẹp đã từng có, không so sánh được bên này tốt hay bên kia tốt".
Không biết sẽ còn bao nhiêu ca khúc được sáng tác trước 1975 bị cấm lưu hành, nhưng với tinh thần và phản ứng của thế hệ những người trẻ ở Việt Nam ngày nay, thì có thể nhận ra một điều : hoàn toàn không khó khăn để họ tìm đến những ca khúc đã được không gian và thời gian khắc sâu vào lịch sử.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 07/04/2017