Bắt cựu đội trưởng & phó công an huyện dùng nhục hình với nghi phạm
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa khởi tố, bắt tạm giam cựu Đội trưởng và Đội phó Đội Cảnh sát hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, về tội "dùng nhục hình" theo quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ông B lúc đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - Courtesy of Lao động/NNCC
Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 10/11 đồng thời nêu rõ hai người bị bắt tạm giam là Phạm Quang Hùng - cựu Đội trưởng và Trịnh Thanh Hùng - cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Công an Thái Bình cho biết hai người bị bắt do liên quan đến việc một nam nghi phạm tên viết tắt là B.V.B sinh năm 1974, trú tại xã Trung An, huyện Vũ Thư chết bất thường tại nhà tạm giữ công an huyện Vũ Thư hồi cuối tháng 2/2022.
Sự việc được phát giác khi vợ ông B là bà B.T.L đã gửi đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan tố tụng Trung ương, tỉnh Thái Bình về việc chồng bà là người đang bị tạm giam đã chết bất thường tại Công an huyện Vũ Thư. Trong đơn, theo nguồn Lao động trích đăng, bà L. cho biết vào ngày 19/9/2021, Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đến nhà và yêu cầu hai vợ chồng bà đến trụ sở để điều tra về việc chồng bà L. có dấu hiệu của tội môi giới mại dâm.
Tuy nhiên, vẫn theo nội dung bức thư, bà L. cho hay sau khi lấy lời khai thì bà được cho về nhưng ông B bị giữ lại cho đến tháng 2/2022. Trong suốt sáu tháng bị tạm giữ tại đồn công an, gia đình bà không được gặp ông B. lần nào. Đến ngày 20/2/2022 bà L. nhận được cuộc gọi từ Công an xã Trung An và được người này chuyển cho số điện thoại của một cán bộ Công an huyện Vũ Thư.
"Anh ấy bảo tôi gọi đến số điện thoại đó để trao đổi công việc. Sau khi tôi gọi đến số điện thoại nêu trên, người này tự xưng là Công an huyện Vũ Thư, nói chồng tôi từ qua đến nay bỏ ăn và bị ngất xỉu, công an đã đưa anh B đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư để cấp cứu, nói tôi đến bệnh viện để chăm sóc" - bà L kể lại sự việc trên tờ Lao động.
Bà L. ngay lập tức đến bệnh viện nhưng nhận được tin chồng bà đã tử vong. Trong đơn bà L. viết "Trên người anh B có rất nhiều vết thương, bầm tím, xước xát trên vùng mặt, chân, tay và toàn bộ cơ thể, có những vết thương đã đóng vảy và có cả những vết thương mới, có dấu vết máu đã khô ở vùng mặt. Tôi được bác sĩ ở đây cho biết, chồng tôi đã chết trước khi được đưa đến bệnh viện".
Bà L. sau đó đã làm đơn tố giác tội phạm gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của chồng bà. Sau đó, cơ quan điều tra –Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã vào cuộc điều tra và đến 10/11/2022, hai công an huyện Vũ Thư đã bị khởi tố, bắt tạm giam như đã nêu ở trên.
Được biết, trước khi bị khởi tố, bắt giam, cả hai ông Hùng đã bị thi hành kỷ luật, tước quân tịch công an nhân dân.
Cũng tại huyện Vũ Thư, vào tháng 5/2022, năm nguyên cán bộ công an và Viện KSND huyện Vũ Thư đã bị khởi tố và tuyên án từ 12 tháng đến 24 tháng tù giam trong vụ án "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội".
Nhóm bị cáo tuổi vị thành niên trong vụ án ‘Cướp tài sản’ ở Vĩnh Long khai trước tòa bị công an nắm tóc giật, khai sai một ý tát một cái. Nhưng những lời khai của các bị cáo và luật sư đã bị đại diện viện kiểm sát bác bỏ.
Ngày 26/11, Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, Vĩnh Long đưa vụ án "Cướp tài sản" ra xét xử. Các bị cáo gồm : Nguyễn Chí Hải (19 tuổi), Nguyễn Minh Khang ; Trần Thành Dinh (cùng 15 tuổi) và Nguyễn Hữu Nhân (17 tuổi), cùng ngụ xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, Hải và Nhân bị khởi tố, bắt tạm giam. Khang và Dinh bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú. Tại phiên xét xử, bị cáo Hải và Nhân không thể tự đứng, cần đến sự hỗ trợ của cán bộ công an.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2021 đến ngày 20/4/2021, Hải và đồng phạm đã đe dọa, thực hiện 6 lần cướp tài sản của em P.N.P.L. (12 tuổi) với tổng số tiền 14 triệu đồng. Trong đó, có một lần bị hại L. tự mang tiền đến tận nhà cho nhóm bị cáo. Theo Viện Kiểm sát nhân dân, hành vi trên của Hải cùng đồng phạm gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, truy tố các bị can về tội "cướp tài sản" theo khoản 2, điều 168 Bộ luật hình sự.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Khang, Dinh và Hải thừa nhận có chặn đường đe dọa để lấy tổng cộng 14 triệu đồng của em P.N.P.L.. Tuy nhiên, Nhân liên tục nói không biết hành vi của các bị cáo khác và kêu oan. Bị cáo Nhân khẳng định mình bị đe dọa trong quá trình viết bản tường trình nhận tội vào ngày 29/4/2021 và không có cha mẹ đi cùng. Bị cáo Khang, Dinh cũng khai tận mắt thấy trưởng Công an xã Tân Lược, huyện Bình Tân nắm tóc Nhân giật ngược ra phía sau lúc mời lên viết tường trình.
Ngoài ra, bị cáo Nhân, Hải còn khai có thời điểm bị điều tra viên ghi lời khai vào ban đêm và kết thúc hỏi cung lúc 24g khuya nhưng không có cha mẹ hay luật sư.
"Có lúc bị cáo chỉ làm việc với điều tra viên, anh này bắt khai theo ý. Khai sai ý sẽ bị tát một cái" – bị cáo Hải khai tại tòa.
Đại diện viện kiểm sát cho rằng việc mời lấy lời khai các bị cáo như trên là đúng, không trái luật. "Do thời điểm đó dịch bệnh phức tạp, lực lượng công an phải xử lý tố giác tội phạm nên không thể chờ. Còn việc nắm tóc giật là quá trình sử dụng ‘nghiệp vụ điều tra’, đâu phải lúc nào người phạm tội cũng nhận tội" – đại diện viện kiểm sát nói.
‘Nghiệp vụ điều tra’ tát vào mặt, nắm tóc giật ngược ra sau theo lời biện minh của đại diện viện kiểm sát, thật ra là dấu hiệu của tội "Bức cung" và "Dùng nhục hình" trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Về cấu thành cơ bản, thứ nhất, Bộ luật hình sự năm 2015 sử dụng thuật ngữ "trong hoạt động tố tụng" thay thế cho thuật ngữ "tiến hành điều tra, truy tố, xét xử".
Như vậy, diện đối tượng phạm tội bức cung đã được mở rộng hơn, bởi lẽ "người nào trong hoạt động tố tụng" đã bao trùm "người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử". Điểm mới này đã khắc phục thiếu sót trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 trong những trường hợp người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng nhưng không phải là người tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ hai, Bộ luật hình sự 2015 sử dụng thuật ngữ "người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung" thay thế cho thuật ngữ "người bị thẩm vấn", phù hợp với nội dung quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại…
Thứ ba, theo quy định Điều 299 Bộ luật hình sự 1999, chỉ khi thực hiện hành vi ép buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội phạm bức cung.
Nhưng theo quy định tại Điều 374 Bộ luật hình sự 2015, thì chỉ cần thực hiện hành vi ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì đã cấu thành tội bức cung mà không bắt buộc thông tin đó là sai sự thật. Điểm mới này nhằm đảm bảo quyền con người và hạn chế việc bức cung của những người có thẩm quyền tố tụng.
Tiếc là quyền con người ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhạt nhòa lắm, đặc biệt là với những vị công tố đang nhân danh pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Nói thêm với những trẻ vị thành niên ở trên, Bộ luật hình sự 2015 đã mở rộng diện đối tượng phạm tội dùng nhục hình so với Bộ luật hình sự 1999, ngoài những người trong hoạt động tố tụng, thi hành án thì còn có người thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (các biện pháp tư pháp) cũng là đối tượng phạm tội dùng nhục hình.
Bộ luật hình sự 2015 bổ sung hành vi "đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào" là dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản của Tội dùng nhục hình.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 28/11/2021
Ngư dân Việt bị nhốt 'như nô lệ' ở Đài Loan (VOA, 20/09/2017)
Các công tố viên Đài Loan ngày 18/9 buộc tội 19 người về tội giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài, trong đó có ngư dân Việt, và bắt họ làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt.
Lao động nước ngoài tham gia biểu tình đòi tăng lương và đối xử tốt hơn tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 1/5/2012.
Cáo trạng nói các chủ lao động đã bắt các công nhân nước ngoài làm việc quá nhiều giờ nhưng lại trả lương cho họ thấp hơn mức lương tối thiểu, nhốt họ trong các căn phòng chật hẹp không có cửa sổ và không cho họ đi ra khỏi đó.
Các công tố viên cho biết các ngư dân thường phải làm việc 10 giờ mỗi ngày, đôi khi làm liên tục 48 tiếng trên biển, với mức lương chỉ 300 – 500 đôla/tháng.
Luật lao động Đài Loan quy định một ngày làm việc tối đa 8 giờ và mức lương tối thiểu vào khoảng 930 đôla.
19 cá nhân trên bị buộc tội buôn người và vi phạm tự do cá nhân. Họ có thể phải chịu án tù đến 7 năm nếu bị kết án.
Các công tố viên cũng tịch thu gần 123.000 đôla từ các chủ lao động để trả lương bù cho công nhân.
Giới hữu trách thành phố Cao Hùng, Đài Loan, phát hiện ra sự việc hồi năm ngoái, sau khi nhận được tố cáo từ một nhân viên xã hội đại diện cho các ngư dân.
Nhà chức trách sau đó đã đột kích vào hai địa điểm mà các ngư dân Việt Nam, Indonesia, Philippines, Tanzania bị giam giữ và giải cứu họ.
Vụ án được đưa ra xét xử sau khi dư luận Đài Loan lên tiếng về vụ một viên cảnh sát Đài Loan đã bắn chết một công nhân Việt Nam không vũ trang hồi tháng trước.
Theo các nhóm quyền, tình trạng áp bức lao động di dân khá phổ biến ở Đài Loan, nơi có khoảng 600.000 lao động nước ngoài đến làm các công việc như hộ lý, đánh cá, xây dựng và trong các nhà máy.
*******************
Phản đối trạm thu phí BOT ở Quảng Ninh (RFA, 20/09/2017)
Hàng trăm người dân phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 20 tháng 9 tiếp tục tập trung phản đối trạm thu phí đường bộ (gọi tắt là BOT theo tiếng Anh) của công ty Đại Dương đặt trên quốc lộ 18 đi qua địa phương này.
Người dân nêu kiến nghị với chủ đầu tư BOT Đại Dương vào chiều 20/9 - screen shot of Thanh Niên online
Người dân nói là trạm này thu phí quá đắt với giá là 30 ngàn đồng một lượt đối với xe dưới 12 chổ. Họ đề nghị giảm giá đối với trạm này. Và đây là lần thứ hai dân chúng phường Đại Yên phản đối trạm BOT Đại Dương.
Phó Giám đốc của công ty BOT Đại Dương trả lời báo chí rằng họ đã ghi nhận và gửi kiến nghị của người dân lên cấp trên, nhưng cần phải có thời gian để có thể ra quyết định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, kiến nghị chính phủ Hà Nội hai trạm thu phí BOT trên đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng.
Lý do được ông Thanh đưa ra là các doanh nghiệp vận tải Việt Nam hiện nay đã phải chịu phí đường bộ rất nặng nề.
Ông Thanh đưa ra đề nghị này trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu vào ngày 19 tháng 9.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đồng ý với ông Thanh và nói rằng phí cầu đường làm cho doanh nghiệp của hiệp hội hoạt động rất khó khăn.
Tổ công tác của chính phủ nói rằng đã ghi nhận các ý kiến này để chuyển sang cho Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý các dự án BOT để giải quyết.
**********************
Việt Nam đình chỉ 5 công an nghi dùng nhục hình ở tỉnh Ninh Thuận (VOA, 20/09/2017)
Gia đình làm đám tang cho ông Võ Tấn Minh ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh chụp từ báo Tuổi trẻ)
Việt Nam khởi tố vụ án, đình chỉ công tác 5 công an có liên quan đến vụ một bị can chết trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Ninh Thuận.
Báo Tuổi trẻ trích lời đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, tối ngày 19-9 cho biết đã tạm đình chỉ công tác 5 công an. Ông chỉ nêu tên 3 người là Hồ Bá Đồng, Vũ Trọng Trường, và Ngô Văn Sáng.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội dùng nhục hình theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự, để điều tra cái chết của nghi phạm Võ Tấn Minh xảy ra tại nhà tạm giam của Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn, người quan tâm đến các vụ án công an dùng nhục hình, nói với VOA-Việt ngữ :
"Viện Kiểm sát Tối cao, theo quy định, đã vào cuộc và đã khởi tố vụ án. Điều này có nghĩa là sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng đã điều tra ban đầu và đã xác định ai là người gây ra cái chết cho nạn nhân, cho nên họ đã khởi tố vụ án, sau đó sẽ khởi tố từng bị can. Những người bị đình chỉ đương nhiên đã có liên quan đến vụ án".
Ông Võ Tấn Minh, 25 tuổi, trước đó bị khởi tố về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Truyền thông trong nước dẫn lời gia đình nạn nhân nói rằng ông Minh bị công an bắt giữ ngày 28/4 do phát hiện trong người có mang theo ma túy. Đến chiều ngày 8/9, công an tỉnh Ninh Thuận thông báo cho gia đình biết ông Minh đã chết.
Báo Tuổi trẻ hôm 19/9 nói rằng căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các chứng cứ, tài liệu thu thập đã xác định được một số cán bộ nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang -Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có hành vi dùng nhục hình đối với Võ Tấn Minh, và có dấu hiệu của tội "dùng nhục hình".
Trước đó, trả lời báo chí về cái chết của nạn nhân, chiều 10/9, ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận, bước đầu xác định là có xảy ra một vụ đánh nhau vào chiều 8/9. Theo đó, ông Minh đã bị 1 trong 3 người cùng phòng giam đánh và Minh có đánh lại.
Ngay lúc đó có 4 cán bộ quản giáo vào dẫn Minh ra khỏi phòng giam rồi dẫn vào phòng làm việc. Sau đó Minh được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và tử vong.
Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, (gọi tắt là UNCAT) của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013, Quốc hội đã phê chuẩn công ước này một năm sau đó.
Nhận định về việc công an dùng nhục hình, luật sư Võ An Đôn nói :
"Tuy Việt Nam đã tham gia Công ước chống tra tấn, nhưng trình trạng công an dùng nhục hình cũng như nạn nhân chết trong đồn công an diễn ra rất nhiều và thường xuyên".
Vào đầu năm nay, một dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi công ước UNCAT mà Bộ Công an công bố, trong vòng 5 năm có 10 vụ án với 26 bị cáo đã được thụ lý và xét xử về tội dùng nhục hình.
Blogger Tuấn Khanh viết trên Facebook : "Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người trong trại tạm giam".
Riêng nhà tạm giam tạm giữ ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận gần đây đã xảy ra 2 vụ chết người trong vòng 2 tháng. Tại đây, trước đó vào tháng 7, ông Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, được cho là đã thắt cổ tự tử bằng chiếc áo dài tay, sau khi bị tạm giữ vì "cố ý gây thương tích".
Các tổ chức quốc tế thường xuyên kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy hành động để chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công, tra tấn, bạo hành và truy cứu trách nhiệm những người liên quan.
Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng "không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình". Và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được "xử lý nghiêm minh".
***********************
Hủy hơn 17 ngàn visa có đường lưỡi bò (RFA, 20/09/2017)
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tại địa phận tỉnh Tây Ninh đóng dấu hủy bỏ hơn 17 ngàn visa rời trên hộ chiếu của người Trung Quốc có in bản đồ đường "lưỡi bò" trong 8 tháng đầu năm 2017.
screenshot hộ chiếu và visa của Trung Quốc từ trang southseaconversation.wordpress.com - people.com.cn
Với tổng số gần 2 triệu người và hơn 35 ngàn phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài tính từ đầu năm 2017, nhân viên tại đó đã phát hiện 17.313 người Trung Quốc mang hộ chiếu có in hình bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn, hay còn gọi là đường "lưỡi bò" ở Biển Đông.
Những visa rời trên hộ chiếu này được nhân viên tại cửa khẩu Mộc Bài đóng dấu hủy bỏ và cấp lại visa mới theo quy định của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhân viên tại cửa khẩu Mộc Bài cũng phát hiện và xử lý 112 người có hành vi vi phạm các quy định xuất nhập cảnh qua biên giới, như hộ chiếu hết hạn sử dụng hay hộ chiếu đóng dấu kiểm chứng giả mạo…