Ngư dân Việt bị nhốt 'như nô lệ' ở Đài Loan (VOA, 20/09/2017)
Các công tố viên Đài Loan ngày 18/9 buộc tội 19 người về tội giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài, trong đó có ngư dân Việt, và bắt họ làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt.
Lao động nước ngoài tham gia biểu tình đòi tăng lương và đối xử tốt hơn tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 1/5/2012.
Cáo trạng nói các chủ lao động đã bắt các công nhân nước ngoài làm việc quá nhiều giờ nhưng lại trả lương cho họ thấp hơn mức lương tối thiểu, nhốt họ trong các căn phòng chật hẹp không có cửa sổ và không cho họ đi ra khỏi đó.
Các công tố viên cho biết các ngư dân thường phải làm việc 10 giờ mỗi ngày, đôi khi làm liên tục 48 tiếng trên biển, với mức lương chỉ 300 – 500 đôla/tháng.
Luật lao động Đài Loan quy định một ngày làm việc tối đa 8 giờ và mức lương tối thiểu vào khoảng 930 đôla.
19 cá nhân trên bị buộc tội buôn người và vi phạm tự do cá nhân. Họ có thể phải chịu án tù đến 7 năm nếu bị kết án.
Các công tố viên cũng tịch thu gần 123.000 đôla từ các chủ lao động để trả lương bù cho công nhân.
Giới hữu trách thành phố Cao Hùng, Đài Loan, phát hiện ra sự việc hồi năm ngoái, sau khi nhận được tố cáo từ một nhân viên xã hội đại diện cho các ngư dân.
Nhà chức trách sau đó đã đột kích vào hai địa điểm mà các ngư dân Việt Nam, Indonesia, Philippines, Tanzania bị giam giữ và giải cứu họ.
Vụ án được đưa ra xét xử sau khi dư luận Đài Loan lên tiếng về vụ một viên cảnh sát Đài Loan đã bắn chết một công nhân Việt Nam không vũ trang hồi tháng trước.
Theo các nhóm quyền, tình trạng áp bức lao động di dân khá phổ biến ở Đài Loan, nơi có khoảng 600.000 lao động nước ngoài đến làm các công việc như hộ lý, đánh cá, xây dựng và trong các nhà máy.
*******************
Phản đối trạm thu phí BOT ở Quảng Ninh (RFA, 20/09/2017)
Hàng trăm người dân phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 20 tháng 9 tiếp tục tập trung phản đối trạm thu phí đường bộ (gọi tắt là BOT theo tiếng Anh) của công ty Đại Dương đặt trên quốc lộ 18 đi qua địa phương này.
Người dân nêu kiến nghị với chủ đầu tư BOT Đại Dương vào chiều 20/9 - screen shot of Thanh Niên online
Người dân nói là trạm này thu phí quá đắt với giá là 30 ngàn đồng một lượt đối với xe dưới 12 chổ. Họ đề nghị giảm giá đối với trạm này. Và đây là lần thứ hai dân chúng phường Đại Yên phản đối trạm BOT Đại Dương.
Phó Giám đốc của công ty BOT Đại Dương trả lời báo chí rằng họ đã ghi nhận và gửi kiến nghị của người dân lên cấp trên, nhưng cần phải có thời gian để có thể ra quyết định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, kiến nghị chính phủ Hà Nội hai trạm thu phí BOT trên đường số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng.
Lý do được ông Thanh đưa ra là các doanh nghiệp vận tải Việt Nam hiện nay đã phải chịu phí đường bộ rất nặng nề.
Ông Thanh đưa ra đề nghị này trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu vào ngày 19 tháng 9.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đồng ý với ông Thanh và nói rằng phí cầu đường làm cho doanh nghiệp của hiệp hội hoạt động rất khó khăn.
Tổ công tác của chính phủ nói rằng đã ghi nhận các ý kiến này để chuyển sang cho Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý các dự án BOT để giải quyết.
**********************
Việt Nam đình chỉ 5 công an nghi dùng nhục hình ở tỉnh Ninh Thuận (VOA, 20/09/2017)
Gia đình làm đám tang cho ông Võ Tấn Minh ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh chụp từ báo Tuổi trẻ)
Việt Nam khởi tố vụ án, đình chỉ công tác 5 công an có liên quan đến vụ một bị can chết trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Ninh Thuận.
Báo Tuổi trẻ trích lời đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, tối ngày 19-9 cho biết đã tạm đình chỉ công tác 5 công an. Ông chỉ nêu tên 3 người là Hồ Bá Đồng, Vũ Trọng Trường, và Ngô Văn Sáng.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội dùng nhục hình theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự, để điều tra cái chết của nghi phạm Võ Tấn Minh xảy ra tại nhà tạm giam của Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn, người quan tâm đến các vụ án công an dùng nhục hình, nói với VOA-Việt ngữ :
"Viện Kiểm sát Tối cao, theo quy định, đã vào cuộc và đã khởi tố vụ án. Điều này có nghĩa là sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng đã điều tra ban đầu và đã xác định ai là người gây ra cái chết cho nạn nhân, cho nên họ đã khởi tố vụ án, sau đó sẽ khởi tố từng bị can. Những người bị đình chỉ đương nhiên đã có liên quan đến vụ án".
Ông Võ Tấn Minh, 25 tuổi, trước đó bị khởi tố về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Truyền thông trong nước dẫn lời gia đình nạn nhân nói rằng ông Minh bị công an bắt giữ ngày 28/4 do phát hiện trong người có mang theo ma túy. Đến chiều ngày 8/9, công an tỉnh Ninh Thuận thông báo cho gia đình biết ông Minh đã chết.
Báo Tuổi trẻ hôm 19/9 nói rằng căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các chứng cứ, tài liệu thu thập đã xác định được một số cán bộ nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang -Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có hành vi dùng nhục hình đối với Võ Tấn Minh, và có dấu hiệu của tội "dùng nhục hình".
Trước đó, trả lời báo chí về cái chết của nạn nhân, chiều 10/9, ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận, bước đầu xác định là có xảy ra một vụ đánh nhau vào chiều 8/9. Theo đó, ông Minh đã bị 1 trong 3 người cùng phòng giam đánh và Minh có đánh lại.
Ngay lúc đó có 4 cán bộ quản giáo vào dẫn Minh ra khỏi phòng giam rồi dẫn vào phòng làm việc. Sau đó Minh được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và tử vong.
Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, (gọi tắt là UNCAT) của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013, Quốc hội đã phê chuẩn công ước này một năm sau đó.
Nhận định về việc công an dùng nhục hình, luật sư Võ An Đôn nói :
"Tuy Việt Nam đã tham gia Công ước chống tra tấn, nhưng trình trạng công an dùng nhục hình cũng như nạn nhân chết trong đồn công an diễn ra rất nhiều và thường xuyên".
Vào đầu năm nay, một dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi công ước UNCAT mà Bộ Công an công bố, trong vòng 5 năm có 10 vụ án với 26 bị cáo đã được thụ lý và xét xử về tội dùng nhục hình.
Blogger Tuấn Khanh viết trên Facebook : "Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người trong trại tạm giam".
Riêng nhà tạm giam tạm giữ ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận gần đây đã xảy ra 2 vụ chết người trong vòng 2 tháng. Tại đây, trước đó vào tháng 7, ông Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, được cho là đã thắt cổ tự tử bằng chiếc áo dài tay, sau khi bị tạm giữ vì "cố ý gây thương tích".
Các tổ chức quốc tế thường xuyên kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy hành động để chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công, tra tấn, bạo hành và truy cứu trách nhiệm những người liên quan.
Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng "không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình". Và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được "xử lý nghiêm minh".
***********************
Hủy hơn 17 ngàn visa có đường lưỡi bò (RFA, 20/09/2017)
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tại địa phận tỉnh Tây Ninh đóng dấu hủy bỏ hơn 17 ngàn visa rời trên hộ chiếu của người Trung Quốc có in bản đồ đường "lưỡi bò" trong 8 tháng đầu năm 2017.
screenshot hộ chiếu và visa của Trung Quốc từ trang southseaconversation.wordpress.com - people.com.cn
Với tổng số gần 2 triệu người và hơn 35 ngàn phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài tính từ đầu năm 2017, nhân viên tại đó đã phát hiện 17.313 người Trung Quốc mang hộ chiếu có in hình bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn, hay còn gọi là đường "lưỡi bò" ở Biển Đông.
Những visa rời trên hộ chiếu này được nhân viên tại cửa khẩu Mộc Bài đóng dấu hủy bỏ và cấp lại visa mới theo quy định của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhân viên tại cửa khẩu Mộc Bài cũng phát hiện và xử lý 112 người có hành vi vi phạm các quy định xuất nhập cảnh qua biên giới, như hộ chiếu hết hạn sử dụng hay hộ chiếu đóng dấu kiểm chứng giả mạo…