Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nông sản Ukraine trong tầm ngắm của nông dân Châu Âu : Nga thắng lớn

Sébastien Abis, Thanh Hà, RFI, 26/03/2024

Nông dân tại nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu, những đồng minh gắn bó với Kiev, phẫn nộ vì nông phẩm rẻ Ukraine phá giá thị trường. Trong khi đó lúa mì, ngô và ngũ cốc của Nga dễ dàng được nhiều nước trong Liên Âu "mở rộng vòng tay chào đón" mà không bị cáo buộc "cạnh tranh bất bình đẳng" với nông phẩm của Châu Âu. Đây là một "thắng lợi quan trọng về nhiều mặt" đối với Moskva từ khi Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine.

nongsan1

Lúa mì tại Nikolaev, miền nam Ukraine. Ảnh chụp ngày 13/07/2013. © Reuters/Vincent Mundy

25 tháng sau khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang biên giới Ukraine, mãi đến hôm 22/03/2024 Ủy Ban Châu Âu mới đề nghị tăng thuế đánh vào ngũ cốc, dầu ăn của Nga. Một công đôi việc : vừa ngăn chận nông phẩm rẻ khuynh đảo thị trường Châu Âu (qua đó xoa dịu nỗi công phẫn trong giới nông gia trước bầu cử Nghị Viện Châu Âu), vừa ngừng tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin.

Tại sao phải mất hơn 2 năm, Liên Âu mới nhắm tới đến nông phẩm của Nga ? Sau nhiều tháng "khủng hoảng", nông dân Ba Lan, Solvakia hay các nước vùng Baltic, chận xe tải chở lương thực, thực phẩm Ukraine ở các đường biên giới, sau việc 5 nước thành viên Liên Âu đầu mùa thu 2023 tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, Bruxelles mới đề nghị tăng thuế nhập khẩu đánh vào nông phẩm của Nga (ngũ cốc, ngô, lúa mì, dầu thực vật và các sản phẩm chế biến từ dầu…) bán trực tiếp cho Liên Âu. Biện pháp đề xuất đó không liên quan đến nông phẩm của Nga chỉ trung chuyển qua khối này để xuất khẩu sang một thị trường khác như Châu Phi, hay Trung Đông …

Chiến tranh Ukraine, nông dân Nga hưởng lợi

Thống kê của Châu Âu cho thấy từ tháng 7/2023 đến tháng 1/2024, Liên Âu hàng tháng nhập khẩu ngũ cốc từ Nga cao hơn "gấp 5 lần so với mức trung bình của 5 năm gần đây".

Ý và Tây Ban Nha là hai nước mua vào nhiều nhất ngũ cốc của Nga. Lúa mì của Nga bán cho Ý tăng 82 % trong chưa đầy một năm, đạt 423.000 tấn hồi 2023.

Theo giới quan sát, điện Kremlin có nhiều lý do để vẫn yên tâm "trên mặt trận nông nghiệp" vào lúc mà Bruxelles đòi đánh thuế nông phẩm Nga. Thứ nhất, đây mới chỉ là một đề xuất được Liên Hiệp Châu Âu đưa ra trong phiên hôm 22/03/2024, mà ai cũng biết là về bất cứ một vất đề gì, 27 thành viên Liên Âu luôn cần "thảo luận, đàm phán" rất nhiều trước khi tìm được đồng thuận và thực sự áp dụng chính sách đã đề ra.

Điểm thứ nhì là đành rằng do tác động chiến tranh Ukraine và Châu Âu vẫn để ngỏ cửa cho hàng của Nga thâm nhập, nhưng chỉ riêng về ngũ cốc, nhập khẩu của Liên Âu (mà Nga chỉ là một trong số các đối tác) tính ra chưa đầy 0,56 % so với khối lượng ngũ cốc mà khối này bán ra cho toàn thế giới. Nói cách khác, đánh thuế nông phẩm của Nga chỉ mang tính tượng trưng chứ không ảnh hưởng gì đến nông dân Nga, đến các hoạt động xuất khẩu nông phẩm của Nga.

Điểm thứ ba là vào lúc Liên Âu bàn thảo về khả năng tăng thuế nhập khẩu đối với nông phẩm Nga thì Bruxelles, vì bảo vệ lợi ích cho nông dân khối Châu Âu, cũng trở nên ích kỷ hơn và ít đoàn kết hơn với nông dân Ukraine.

Hầu như mỗi ngày các phương tiện truyền thông của Pháp, Đức hay Ba Lan, Slovakia đều điểm danh thịt gà, trứng, đường, ngô, dầu ăn… của Ukraine nhân gây xáo trộn trên thị trường lương thực thực phẩm của Liên Hiệp Châu Âu, gây thiệt hại cho giới chăn nuôi của khối này.

Nông gia Châu Âu có lợi cho Putin tịch thu một công cụ kháng chiến của Kiev

Châu Âu càng đau đầu vì nông phẩm Ukraine, Nga càng mừng. Hình ảnh nông dân Ba Lan (mà Warszawa là điểm tựa trung thành và vững chắc của chính quyền Kiev ngay từ những ngày đầu chiến tranh), đổ nông phẩm Ukraine xuống đường, cũng đủ để thách thức tính đoàn kết của quốc gia đông Âu này với Ukraine. Đó là một thắng lợi về mặt tâm lý mà Moskva không phải tốn đến một xu !

Hơn thế nữa, từ khi nổ ra chiến tranh, nếu như tổng thống Nga Vladimir Putin trông cậy vào năng lượng để tài trợ "chiến dịch quân sự đặc biệt", thì nông phẩm đối với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenski, cũng là một công cụ kháng chiến.

Trong một chương trình về địa chính trị, do giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Pascal Boniface điều hành, nhà nghiên cứu về lương thực, thực phẩm Sébastien Abis, giám đốc Câu Lạc Bộ Club Déméter phân tích :

Sébastien Abis : Trong trường hợp cụ thể của Ukraine, một cường quốc nông nghiệp trên thế giới, bị ngăn cản xuất khẩu qua ngả Biển Đen cho nên chính quyền Kiev đã phải tìm những giải pháp thay thế, bằng đường sông, đường bộ. Tuy nhiên, sau hai năm chiến tranh, Ukraine đã có khả năng thích nghi, xuất khẩu trở lại qua Biển Đen. Từ một vài tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu lương thực, thực phẩm của quốc gia này đã trở lại ngang bằng với thời kỳ trước khi bị Nga xâm chiếm. Đối với Ukraine thì xuất khẩu nông phẩm mang yếu tố sống còn. Đây là một trong những cột trụ của kinh tế Ukraine trong giai đọan chiến tranh. Nhờ xuất khẩu nông phẩm mà Kiev có phương tiện kháng cự trước sức mạnh quân sự của Nga.

Cũng chính hồ sơ nông nghiệp đã đẩy căng thẳng giữa Kiev và Warszawa lên cao đến mức, vào tháng 9/2023, vài tuần trước bầu cử Quốc hội, Ba Lan tuyên bố "ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine". Ba Lan là cửa ngõ chính đưa viện trợ vũ khí của phương Tây vào Ukraine.

Tuyên bố cuả thủ tướng khi đó là ông Mateusz Morawiecki, (với lâp trường bảo thủ) đã gây chấn động đến nỗi tổng thống Ba Lan cùng phe với Morawiecki đã vội vàng giải thích đấy là một sự "hiểu nhầm".

Sau bầu cử Quốc hội Ba Lan, tân chính phủ do thủ tướng Donald Tusk, một người có lập trường cởi mở với Châu Âu đứng đầu, nhưng nông dân Ba Lan vẫn bất mãn vì bị nông phẩm rẻ của Ukraine cạnh tranh.

Sự phẫn nộ đó dễ hiểu do : từ đầu chiến tranh Ukraine, Bruxelles mở cửa cho Kiev tự do xuất khẩu từ lúa mì đến ngũ cốc vào Liên Âu bằng đường bộ. Liên Hiệp Châu Âu không áp dụng các hàng rào quan thuế, cũng không quy định hạn ngạch quota.

Trên nguyên tắc, khối lượng thực phẩm đó sẽ tiếp tục được chuyển tới một thị trường ở ngoài khối Châu Âu. Thực tế có phần khác. Thống kê của Liên Hiệp Châu Âu Eurostat cho thấy : lượng lúa mì Ukraine tràn vào Liên Âu trong hai năm đã được "nhân cao lên tới 17 lần so với trước chiến tranh". Cùng thời kỳ, giá một tấn lúa mì trên thị trường quốc tế đang từ 430 euro nay đã giảm xuống còn chưa đầy 200 euro/tấn. Giới chăn nuôi trong Liên Hiệp Châu Âu nói đến một "sự sụp đổ trên thị trường" và lên án Ukraine "cạnh tranh bất bình đẳng".

Về phía Kiev, tổng thống Zelensky hoàn toàn ý thức được là "già néo đứt dây" nên đã liên tục tỏ thiện chí trên hồ sơ nông nghiệp. Gần đây nhất, hôm 25/03/2024, Ukraine khẳng định sẵn sàng "kiểm soát các luồng xuất khẩu liên quan đến 4 loại ngũ cốc" sang Ba Lan và đã có những thỏa thuận tương tự với một số quốc gia khác như Rumani hay Bulgari.

Lòng tốt của Liên Âu có hạn

Chuyên gia về tầm mức địa chính trị của lương thực, thực phẩm Sébastien Abis cũng trong chương trình của Viện IRIS phân tích thêm :

Sébastien Abis : Vấn đề Ukraine rất tế nhị bởi ở đây bao hàm tất cả những mâu thuẫn giữa tầm nhìn đôi khi thiển cận của Liên Âu. Ở đây đặt ra hai vấn đề : một là chính sách nông nghiệp chung Châu Âu PAC mà trên thực tế trong thời gian gần đây, mỗi thành viên đều chủ động đưa ra một số biện pháp riêng lẻ để bảo vệ nông dân của mình. Tình thần cộng hưởng của chính sách nông nghiệp chung Châu Âu trong một chừng mực nào đó đã bị một số thành viên xé rào từ 2023. Điểm thứ nhì là trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, thì ngay từ những ngày đầu, Liên Hiệp Châu Âu đã rất đoàn kết với Ukraine và đã giúp đỡ Kiev về mọi mặt, kể cả trong việc tìm cách đưa lúa mì, ngũ cốc … của Ukraine ra khỏi các vùng chiến sự để bán được cho nước ngoài. Cũng ngay từ những ngay đầu cuộc chiến, Bruxelles đã lập tức cắt giảm các hàng rào thuế quan đánh vào nông phẩm của Ukraine. Liên Âu thực sự đứng về phía Ukraine và nhấn mạnh đến vị trí của quốc gia này trong khối Châu Âu. Song Ukraine như vừa nói là một cường quốc nông nghiệp, mà mại không phải tuân thủ các chuẩn mực hay quy định nghiêm ngặt của Liên Hiệp Châu Âu về môi trường, về sinh thái, về các điều khoản vệ sinh, y tế… Lao động của Ukraine rẻ hơn nhiều so với trong khối 27 nước thành viên Liên Âu. Thành thử nhiều lĩnh vực nông nghiệp của Châu Âu cạnh tranh không lại với nông phẩm Ukraine. Thí dụ như ban đầu ngũ cốc của Ukraine đánh bại hàng từ phía các nước đông Âu, rồi tới gà Ukraine rẻ hơn so với của các nước Tây Âu, thế rồi đường, lúa mì của Ukraine rẻ hơn so với giá thành ở Pháp… Đến một lúc nào đó, nông gia Châu Âu phẫn nộ…

Phòng Nông Nghiệp Pháp ghi nhận : Năm 2022, hơn 50 % trứng gà Ukraine bán ra cho thế giới bán sang Liên Hiệp Châu Âu. Xuất khẩu của Ukraine sang thị trường Châu Âu trên mặt hàng này đã nhân lên gấp 10 trong vòng một năm. Trước khi Nga xâm lược Ukraine, chỉ có 20% đường cát sản xuất tại Ukraine được dành để bán sang Liên Âu. Dưới tác động chiến tranh, tỷ lệ đó tăng lên tới 74%

Điều khiến nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu bất bình là sau hai năm chiến tranh, Ukraine đã thích nghi với tình huống, giao thương hàng hải ở Biển Đen không còn bị đứt quãng như trong nửa đầu năm 2022. Lạm phát vẫn tồn tại và giá nhu yếu phẩm tại một số quốc gia vẫn còn cao, nhưng giá một tấn lúa mì giờ đây đã giảm đi hơn 50% so với những tháng đầu cuộc chiến. Thậm chí, các hoạt động ở những bến cảng Ukraine chung quanh Biển Đen đã phục hồi và tìm lại được "nhịp độ như trước tháng 2/2022".

Do vậy, Kiev khó chỉ trích Bruxelles ích kỷ khi mà Ủy Ban Châu Âu "điều chỉnh lại" các biện pháp hỗ trợ nông nghiệp cho Ukraine. Đó là chưa kể bài toán của Liên Âu càng thêm khó hơn hai tháng trước bầu cử Nghị Viện. Khuynh hướng chung là các đảng cực tả và cực hữu khai thác phẫn nộ của nông dân Châu Âu để kiếm phiếu. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 26/03/2024

***************************

Ukraine chấp nhận kiểm soát xuất khẩu ngũ cốc để giảm căng thẳng với Ba Lan

Minh Anh, RFI, 26/03/2024

Ngày 25/03/2024, Ukraine cho biết sẵn sàng thiết lập một hệ thống cấp phép quản lý xuất khẩu nông sản, đưa ra các bảo đảm với Ba Lan. Chính quyền Kiev cũng bày tỏ "thất vọng" về những hạn chế mà Liên Hiệp Châu Âu áp đặt đối với nhiều loại sản phẩm của Ukraine.

nongsan2

Nông dân Ba Lan tuần hành với xe máy kéo để phản đối Thỏa thuận xanh của Liên Hiệp Châu Âu và việc nhập khẩu nông sản Ukraine, Zakret, gần Warszawa, ngày 2003/2024. Reuters - Aleksandra Szmigiel

Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine, Mykola Solsky, cho biết Ukraine "sẵn sàng chấp nhận một hệ thống cấp phép xuất khẩu" đối với nhiều loại sản phẩm xuất khẩu sang Ba Lan, "nhưng chỉ đối với bốn loại ngũ cốc. Ukraine đã có một hệ thống tương tự với Romania và Bulgaria".

Từ tháng 2 năm nay, nông dân Ba Lan chặn nhiều chốt biên phòng với Ukraine để phản đối cạnh tranh "không lành mạnh" của nhiều loại thực phẩm ồ ạt đến từ nước láng giềng đang có chiến tranh và được Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế nhập khẩu từ năm 2022. Ba Lan yêu cầu áp mức trần đối với ngũ cốc Ukraine, sau khi đã đơn phương áp đặt lệnh cấm vận trong năm 2023.

Hiện hai nước láng giềng tìm kiếm một lối thoát cho khủng hoảng. Theo ông Solsky, các tổ chức nông nghiệp của Ukraine và Ba Lan sẽ có một cuộc họp vào thứ Tư 27/3 trước kỳ họp chung của hai chính phủ vào thứ Năm 28/3.

AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn PAP của Ba Lan cho biết, bộ trưởng Phát triển và Công nghệ Ba Lan, Krzysztof Hetman, hôm qua, trấn an rằng các cuộc thương lượng với Kiev "có những tiến bộ, và đang ở giai đoạn thiết lập các dòng sản phẩm nhạy cảm", đối tượng cấp phép. Ông hy vọng có thể đúc kết một thỏa thuận vào cuối tuần này.

Về phần mình, bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine tỏ ra thận trọng khi cho biết không thể dự đoán trước điều gì có thể sẽ diễn ra ở Warszawa.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Sébastien Abis, Thanh Hà
Published in Diễn đàn

Khi xuất khẩu nông sản Ukraine đe dọa nông nghiệp Châu Âu

Thời sự được các báo Pháp chú ý nhiều trong ngày 20/03/2024 liên quan đến các vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu và xung quanh cuộc chiến tại Ukraine cũng như ở Trung Đông.

nongsan1

Nông dân Ba Lan sát biên giới với Ukraine nổi giận vì bị cạnh tranh bất bình đẳng. Ảnh ngày 09/02/2024. Agencja Wyborcza.pl via Reuters - Jakub Orzechowski/Agencja Wyborc

Nhật báo Le Figaro báo động xu hướng chính trị ở Châu Âu liên quan đến cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào ngày 09/06, với hàng tựa trang nhất : "Ở các nước Châu Âu, sự trỗi dậy của các quyền tự chủ". Tờ báo cho hay, theo một thăm dò dư luận của viện IPSOS ở 18 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, những đảng có xu hướng cực đoan, cực hữu ở khắp nơi đang lên mạnh và có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần này.

Dự báo các đảng cực hữu hay cánh hữu cực đoan, chủ trương đòi quyền tự chủ của quốc gia, chống lại chính sách chung của Liên Hiệp sẽ có ảnh hưởng lớn ở Nghị Viện Châu Âu mới. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các đảng này cũng chưa đủ mạnh để làm thay đổi cân bằng chính trị tại Nghị Viện. Cuộc đua vào Nghị Viện Châu Âu ở các nước thành viên hứa hẹn sẽ rất gay cấn và có những bất ngờ.

Vào thời điểm các chính đảng khắp Liên Hiệp Châu Âu đang hối hả vận động tranh cử. Tại Bruxelles, bắt đầu từ 19/03, các nghị sĩ Châu Âu họp bàn về nông sản Ukraine, gần đây được cho là một trong những nguyên nhân châm ngòi khủng hoảng nông nghiệp ở hàng loạt quốc gia trong Liên Âu.

Trang kinh tế báo Le Figaro với bài viết "Hướng tới các hạn chế ngũ cốc Ukraine" cho biết, hàng nhập khẩu từ Ukraine vẫn tiếp tục khiến Châu Âu đau đầu. Sau trứng gà, đường, gia cầm, các nghị sĩ Châu Âu muốn đặt giới hạn cho việc mua ngũ cốc của Ukraine. Các tổ chức nông nghiệp của Liên Âu từ nhiều tháng nay đã lên tiếng đòi phải có các biện pháp khẩn cấp và hiện giờ các cấp cơ quan khác nhau của Liên Âu đang bắt đầu phải hành động. Nhất là khi cuộc bầu cử Nghị Viện đang tới gần, thì ưu tiên của Bruxelles là làm dịu nỗi phẫn nộ của nông dân nhiều nước trong Liên Âu, vẫn kêu ca không thể cạnh tranh với các nông sản từ Ukraine, đã nhiều, giá thấp và lại còn được hưởng ưu đãi thuế quan, không phải tuân theo các chuẩn mực gắt gao của Châu Âu.

Theo Le Figaro, xuất khẩu của Ukraine sang Liên Âu đã tăng 176% trong khoảng thời gian từ 2021-2023. Nhà nông, nhất là ở những nước ở sát cạnh Ukraine như Ba Lan, đã bị đẩy vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, hệ quả là họ bị thất thu, làm ăn đình đốn. Đầu tháng Hai vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một số biện pháp hạn chế trong nỗ lực cứu nông nghiệp các nước thành viên liên quan nhưng vẫn bị đánh giá là hời hợt và chưa đủ.

Tờ báo giải thích thêm, việc sản phẩm nông nghiệp nói chung và ngũ cốc nói riêng của Ukraine được hưởng những ưu đãi của Liên Âu là vì các nước Châu Âu muốn đáp trả chiến lược của Nga dùng lúa mì như là một vũ khí chiến tranh. "Bằng cách chặn cửa ra cho hàng xuất khẩu Ukraine trên Biển Đen, Nga đã chiếm thêm thị phần. Với lý do chống đói họ viện trợ ngũ cốc cho Châu Phi để mua chuộc, lôi kéo các quốc gia ủng hộ họ. Nga giờ có thể thao túng thị trường xuất khẩu ngũ cốc trên thế giới".

Cũng về vấn đề này, nhật báo Les Echos nhận định : "Vấn đề nông nghiệp Ukraine gây thêm náo động ở Bruxelles". Tờ báo phân tích các biện pháp được các nghị sĩ Châu Âu thảo luận tại Bruxelles ngay từ giờ đã gây chia rẽ các nước thành viên theo các nhóm : Nhóm thứ nhất gồm các nước kế bên Ukraine như Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria, Slovakia, thiên về lập trường của Nghị Viện. Nhóm thứ hai gồm các nước Baltic và Bắc Âu ủng hộ Ủy Ban Châu Âu với các giải pháp mềm dẻo cho hàng xuất khẩu Ukraine. Ở giữa hai nhóm trên là các nước gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha hay Hy Lạp.

Nga-Ukraine phối hợp tránh tai họa hạt nhân.

Liên quan đến chiến tranh Ukraine, nhật báo Le Monde có bài phóng sự mang tiêu đề : "Tại Zaporijia, Ukraine và Nga buộc phải phối hợp với nhau". Đó là phối hợp để quản lý nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu tại Zaporijia, vùng đất hiện do Nga chiếm đóng và lâu nay vẫn là khu vực chiến sự. Nga và Ukraine thường xuyên đổ lỗi cho nhau là gây nguy hiểm cho trung tâm hạt nhân này. Bài phóng sự của Le Monde cho thấy tình hình ở Zaporijia hết sức rất phức tạp, từ quản lý vận hành an toàn nhà máy, đến bảo đảm an ninh, nhất là khi mà cuộc chiến tại Ukraine ngày càng diễn biến khó lường. Các nhân viên, kỹ sư người Ukraine vẫn cho các lò phản ứng hạt nhân vận hành, nhưng dưới sức ép ghê gớm của cuộc xung đột. Le Monde cho hay "giữa chiến tranh, Kiev và Moskva đạt thỏa thuận trao đổi thông tin để bảo trì nhà máy hạt nhân Châu Âu, giờ là lãnh thổ bị chiếm đóng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế được coi như là trung gian đối thoại duy nhất".

Bom bay Nga, mối đe dọa lớn với Ukraine

Vẫn liên quan đến chiến tranh Ukraine, nhật báo Les Echos có bài "Chiến tranh Ukraine : Bom bay, thành phần chủ chốt trong kho vũ khí của Nga". Bài phóng sự cho thấy, trong lúc Ukraine đang thiếu đạn dược từ nhiều tháng qua, thường dân và binh sĩ Ukraine giờ đây lại chịu thêm mối đe dọa từ loại bom bay, một thứ vũ khí có sức hủy diệt ghê gớm và khó vô hiệu hóa.

Bom bay được thả từ máy bay đã bắt đầu được xuất hiện từ Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và đã được quân đội Đức hoàn thiện hơn trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, được dùng để tấn công quân đồng minh. Ngay từ năm 1954, Liên Xô đã trang bị cho quân đội loại bom bay "FAB-500" có gắn đầu nổ cực mạnh, nặng 500 kg. Bom được thiết kế chủ yếu để tấn công các mục tiêu chiến lược, như cầu đường, hay các cơ sở công nghiệp.

Theo tờ báo, những tháng qua, quân đội Nga đã hiện đại hóa loại bom bay bằng cách gắn thêm hệ thống dẫn đường và đưa vào sử dụng thường xuyên để tấn công các mục tiêu cả dân sự lẫn quân sự của Ukraine. Bom bay có thể đã đóng vai trò chủ lực trong cuộc tấn công đánh chiếm Avdiivka hồi giữa tháng Hai, một thắng lợi quan trọng của Nga trên chiến trường Ukraine.

Để ngăn chặn loại bom bay này, Ukraine phải bắn hạ các chiến đấu cơ của Nga, cho nên cần có chiến đấu cơ F-16 và rất nhiều hệ thống phòng không, những thứ vũ khí mà Kiev đang mong đợi từng ngày.

Estonia cấm dạy tiếng Nga

Chuyển sang khu vực vùng Baltic, Libérarion chú ý đến đối thoại ở Estonia với những người nói tiếng Nga bị phá vỡ. Tờ báo ghi nhận một thực tế: Cộng đồng người nói tiếng Nga ở Estonia vẫn còn rất đông nhưng bị chia rẻ. Từ khi cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra, cộng đồng đồng này bị ngờ vực, dè chừng, bị coi như đội quân thứ 5 của Nga. Thực tế thì ở những nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, người nói tiếng Nga đã không ít lần được dùng như là một lá bài của Kremlin để gây áp lực, thậm chí là tấn công quân sự.

Chính phủ Estonia mới đây đã tiến hành cải cách giáo dục, xóa bỏ hoàn toàn việc giảng dạy tiếng Nga, mục tiêu là để các cộng đồng dân cư đoàn kết trong sự đồng nhất ngôn ngữ. Nhưng dường như chủ trương này càng làm tăng thêm các bất đồng ở nước này.

Cuba : Đảo tự do ngày càng kham khổ

Nhìn sang khu vực Châu Mỹ, nhật báo Le Monde trở lại các cuộc biểu tình phản kháng của người dân Cuba mới bùng lên cách đây ít ngày. Tờ báo có bài : "Ở Cuba, thiếu thốn kiệt quệ, nỗi giận dữ của người dân với chế độ lớn dần".

Theo Le Monde, trong nhiều tuần nay, tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trong xã hội Cuba. Dân chúng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa nghiêm trọng. Từ tháng Hai, một số thành phố đã cảnh báo người dân rằng khẩu phần sữa, được cung cấp theo sổ phân phối thực phẩm (libretas) tối thiểu với giá rất thấp cho người dân, chỉ còn đủ để cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi.

Còn lại, gạo, thịt gà, bột mì hay đường, những sản phẩm cơ bản, ngày càng khan hiếm, phải đợi nhiều ngày và xếp hàng dài vô tận để có cơ hội nhận được. Trên thị trường chợ đen, mức lương tối thiểu của người Cuba là 2.100 peso (khoảng 80 euro) thậm chí không đủ để mua một hộp trứng. Cuối tháng 2, Chính phủ Cuba đã phải cầu cứu Chương trình Lương thực Thế giới để đảm bảo cung cấp sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Sống lay lất như vậy, người dân Cuba lại phải chịu thêm cảnh mất điện thường xuyên, giá xăng dầu tăng vọt. Vì thế họ đã xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ hôm Chủ nhật vừa rồi.

Tờ báo ghi nhận : "Các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật phản ánh sự tuyệt vọng của nhiều người dân Cuba, xuống đường bất chấp đàn áp. Không ai trên đảo quên được hàng nghìn vụ bắt giữ sau các cuộc biểu tình ngày 11/07/2021 tại La Havana và ở khoảng 50 thành phố. Ba năm sau, hàng trăm người vẫn đang phải chịu mức án rất nặng nề, lên tới 25 năm tù".

Phần lớn giới trẻ đã tìm đường ra nước ngoài. Theo số liệu từ Hoa Kỳ, gần 500.000 người Cuba đã rời "hòn đảo tự do" sang Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, chưa kể những người đã đến Châu Âu, tức gần 5% dân số.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế