Đằng sau phản ứng của các nước dịp kỉ niệm 5 năm Phán quyết Biển Đông
5 năm sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết lịch sử về Biển Đông nghiêng về phía Philippines, Mỹ và một số quôc gia đã ra tuyên bố ủng hộ Phán quyết. Những tuyên bố này có những điểm chung, điểm riêng và cả những khác biệt so với tuyên bố của chính những nước này 5 năm trước. Điều này thể hiện những bước chuyển chính sách rõ rệt trong vấn đề Biển Đông.
Hàng loạt tuyên bố kỉ niệm 5 năm
Mỹ khá nhanh nhạy khi Ngoại trưởng Blinken ra tuyên bố trước ngày kỉ niệm một ngày (11/7/2021), khẳng định kết quả của Phán quyết là ràng buộc và yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, Mỹ nhấn mạnh nghĩa vụ bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung nếu lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông bị tấn công, đồng thời kêu gọi Trung Quốc ngừng các động thái khiêu khích.
Cùng ngày với Mỹ, tuyên bố của Canada yêu cầu các bên liên quan tuân thủ Phán quyết, nhấn mạnh Canada "đặc biệt lo ngại" trước các hành động "leo thang và gây bất ổn" của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông như quân sự hóa các thực thể tranh chấp hay sử dụng tàu hải quân, tuần duyên và dân quân biển để đe dọa tàu các nước khác. Canada cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước tuân thủ theo Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) giống như năm 2016.
Đúng vào ngày kỉ niệm, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhắc lại kết luận của Phán quyết rằng yêu sách theo "quyền lịch sử" của Trung Quốc là trái với UNCLOS, kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết. Úc sẽ tiếp tục ủng hộ quyền giải quyết hòa bình tranh chấp của mọi quốc gia và luôn hành động nhất quán theo UNCLOS.
Nhật Bản , ngoài khẳng định kết luận của Phán quyết, nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận Phán quyết đi ngược lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và làm suy yếu thượng tôn pháp luật với tư cách là giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Nhật nhắc lại tính phổ biến và toàn diện của UNCLOS và phản đối các yêu sách Biển Đông không phù hợp với UNCLOS…
Ngoài ra, Phái đoàn Châu Âu (EU) tại Philippines phát biểu trên Twitter vào ngày kỉ niệm rằng những gì xảy ra tại Biển Đông quan trọng với EU và toàn thế giới. EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và thúc đẩy hòa bình, quyền tự do hàng hải - hàng không tại Biển Đông cũng như nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế và UNCLOS. Cũng theo Phái đoàn, điều này đã được quan chức cấp cao EU và ASEAN thống nhất trong cuộc họp SOM trước đó (8/7/2021). Sau đó, Đại sứ Đức Anke Reiffenstuel và Đại sứ Pháp Michele Boccoz tại Philippines đã đăng lại tuyên bố này trên Twitter cá nhân.
Những điểm đáng chú ý
Các tuyên bố của Mỹ và các quốc gia nói trên dịp kỉ niệm 5 năm Phán quyết (cho đến thời điểm này) có một số điểm giống và khác nhau. Về điểm giống, thứ nhất, các nước nhất quán ủng hộ Phán quyết, coi đây là văn bản có giá trị ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc. Riêng Nhật Bản và Úc khẳng định thêm kết luận của Phán quyết là chung thẩm. Một số nước mô tả Phán quyết bằng các ngôn từ như "cột mốc quan trọng" (Canada) hay "Philippines đã viết nên lịch sử" với Phán quyết (Đại sứ Đức). Thứ hai, tất cả các tuyên bố đều đề cao tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông. Thứ ba, các nước đưa ra tuyên bố rất kịp thời và qua kênh Bộ Ngoại giao. Canada, nước phản ứng chậm nhất trong số các nước trên 5 năm trước, còn ra tuyên bố trước ngày kỉ niệm.
Mặt khác, tuyên bố của EU và Úc chỉ ủng hộ UNCLOS và luật quốc tế nói chung và không "chỉ điểm" một quốc gia nào. Ngược lại, tuyên bố của Mỹ, Nhật và Canada lại nhắc đích danh Trung Quốc, mô tả hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông với những ngôn từ mang ý chỉ trích như "cưỡng bức" và "dọa nạt" (Mỹ), "trái nguyên tắc" (Nhật) hay "leo thang và gây bất ổn" (Canada). Nhật còn là nước duy nhất trực tiếp đề cập việc Trung Quốc không chấp nhận Phán quyết. Đặc biệt hơn, khi so sánh với các tuyên bố của chính những quốc gia này năm 2016, ta có thể thấy bước chuyển rõ rệt trong chính sách : trước đây, các nước này chỉ khẳng định ủng hộ và kêu gọi thực thi Phán quyết một cách chung chung và không hề nhắc đến Trung Quốc.
Trường hợp của Mỹ cũng rất đáng chú ý. Phát biểu của Ngoại trưởng Blinken có một nội dung Mỹ chưa từng nhắc đến : không ở đâu trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe dọa lớn hơn ở Biển Đông. Song song với tuyên bố, hải quân Mỹ còn điều tàu chiến tới Hoàng Sa để thi hành các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) đúng vào ngày kỉ niệm. Đây có thể là động thái nhằm chuyển tải thông điệp rằng Mỹ "nói đi đôi với làm" trong cam kết với Biển Đông nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung, bất chấp việc Trung Quốc có phản ứng thế nào đi chăng nữa.
Tuy nhiên, còn nhiều quốc gia có quan tâm nhưng chưa đưa ra tuyên bố như Ấn Độ, Hàn Quốc hay Singapore (dù Ấn Độ và Singapore năm 2016 không trực tiếp nhắc đến Phán quyết khi ra các tuyên bố liên quan)… EU lần này cũng chưa có tuyên bố từ cơ quan trung ương mà chỉ có bài đăng mạng xã hội của Phái đoàn tại Philippines.
Lý giải nguyên nhân
Trường hợp của Mỹ và Nhật là dễ đoán. Trong bối cảnh trọng tâm địa-chính trị chuyển dịch về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc có các động thái mạnh mẽ trên thực địa, bao gồm tại Biển Đông và Hoa Đông, các nước này trong 5 năm qua đã dần thể hiện lập trường cụ thể hơn trong vấn đề Biển Đông, điển hình là qua Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7/2020 hay Công hàm gửi Liên hợp quốc của Nhật ngày 19/1/2021. Nhật cũng liên tục bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 trong các tuyên bố đơn, song và đa phương, ví dụ như tuyên bố G7 ngày 19/2, tuyên bố sau Thượng đỉnh Quad (Bộ Tứ) ngày 12/3, tuyên bố chung với Mỹ ngày 16/4…
Canada trong thời gian gần đây cũng có dấu hiệu bày tỏ sự cứng rắn với Trung Quốc, không "né tránh" vấn đề Biển Đông như trước kia : tháng 4/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Singh Sajjan tuyên bố Canada phản đối việc cải tạo xây dựng các tiền đồn quân sự tại các khu tranh chấp trên Biển Đông ; trong sự việc tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu, Đại sứ Canada tại Philippines nhấn mạnh rằng Canada phản đối hành động ngoài khơi của Philippines… Thay đổi này có thể là tổng hòa của nhiều yếu tố : hành xử của Trung Quốc ; tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực ; mâu thuẫn Trung Quốc - Canada trong các lĩnh vực khác (kinh tế, giá trị dân chủ và nhân quyền...) ; tác động của tập hợp lực lượng từ phía Mỹ…
Trường hợp của EU (không có tuyên bố chính thức kỉ niệm Phán quyết) có thể gây bất ngờ vì nhiều lý do. Thứ nhất, EU gần đây có nhiều thay đổi cho thấy thái độ mạnh dạn hơn về Biển Đông và TQ, ví dụ như việc EU ra tuyên bố ngày 24/4 về tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu làm ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định khu vực hay tuyên bố cấp cao EU – Nhật và EU – Mỹ bày tỏ quan ngại về Biển Đông và Hoa Đông... Thứ hai, EU từ trước tới nay vẫn được coi là 1 "thành trì" bảo vệ thượng tôn pháp luật. Tòa án đưa ra Phán quyết cũng nằm tại Châu Âu. Có thể, EU chưa ra tuyên bố chính thức do cơ chế đồng thuận nội khối. Đây là quy trình cần thời gian vì EU có 27 nước thành viên, nhất là khi nhiều thành viên EU có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Quy trình ra tuyên bố của riêng Phái đoàn EU tại một nước sẽ nhanh hơn, đặc biệt là nếu đó chỉ là bài đăng trên Twitter.
Nhìn tổng thể, tuyên bố của Mỹ và một số nước dịp kỉ niệm 5 năm Phán quyết Biển Đông là diễn biến tích cực vì điều này cho thấy Phán quyết Biển Đông không bị lãng quên, giá trị của Phán quyết không bị xói mòn.
Đỗ Hoàng – Lê Long, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.
Biển Đông là cửa ngõ quan trọng nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và có quan hệ mật thiết với các nước ASEAN nên việc duy trì môi trường hòa bình ở các vùng biển này là rất quan trọng đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các quốc gia ở khu vực Biển đông đang phải đối mặt với thách thức xung đột từ các hành động nguy hiểm của Trung Quốc.
Hình vệ tinh chụp một thực thể do Philippines kiểm soát ở Trường Sa hôm 21/4/2017 - AFP
Năm 2013, Philippines đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi chính thức khởi kiện Trung Quốc ra trước một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Sau 3 năm nghị án, Toà trọng tài đã ra Phán quyết vào ngày 12/7/2016. Cho đến nay, năm năm đã trôi qua kể từ khi Phán quyết được ban hành. Tuy nhiên, tình hình biển Đông vẫn còn đầy biến động với các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã bồi lấp và quân sự hoá các thực thể biển mà họ đã chiếm đóng. Họ cũng liên tiếp tập trận và đe doạ, ngăn cản các quốc gia khai thác tại vùng EEZ, mặc dù Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc - UNCLOS quy định Trung Quốc không có các quyền này.
Chỉ tính riêng năm 2021, đầu năm, Trung Quốc đã thông qua Luật Cảnh sát biển, trong đó cho phép Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc được phép nổ súng vào các tàu của các quốc gia khác nếu xâm phạm "vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc". Vấn đề là Trung Quốc lại không giải thích rõ ràng "vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc" là vùng nào ? Có lẽ cả thế giới đều không lạ gì việc Trung Quốc yêu sách hơn 80% toàn bộ biển Đông với cái gọi là "đường chín đoạn". Phải chăng Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát biển của họ để tấn công và đe doạ các tàu của các quốc gia khác trên toàn bộ vùng biển bên trong "đường chín đoạn" này ? Cho dù Phán quyết đã khẳng định cái gọi là "yêu sách quyền lịch sử" bên trong đường chín đoạn là không có cơ sở pháp lý và vi phạm tới các quy định trong UNCLOS.
Hồi đầu tháng 3, Trung Quốc đã triển khai 220 tàu cá xung quanh khu vực Đá Ba Đầu, khiến Philippines phải lên tiếng tố cáo Trung Quốc trước công luận thế giới.
Tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 27/3/2021. AFP
Mặc dù Trung Quốc không chấp nhận và tuân thủ Phán quyết nhưng không có nghĩa các quốc gia khác cũng làm như vậy. Các phán quyết của các Toà án và Trọng tài quốc tế nói chung luôn cần đến thái độ "thiện chí" của các quốc gia liên quan trong việc tôn trọng các quyết định này.
Đối với Philippines, nhờ sức mạnh của Phán quyết, Duterte đã có thể "thương lượng" được với Trung Quốc, trong khi năm 2012, mọi nỗ lực để "thương lượng" của chính quyền Aquino với Trung Quốc về vấn đề Scarborough đều không có kết quả.
Đối với cộng đồng quốc tế, năm 2020 là một năm đặc biệt với Phán quyết. Khởi đầu với Đệ trình thềm lục địa mở rộng của Malaysia tháng 12/2019, hàng loạt quốc gia đã trình các công hàm lên Liên Hợp Quốc về vấn đề biển Đông, trong đó, nhiều quốc gia đã trực tiếp hoặc gián tiếp viện dẫn Phán quyết.
Các quốc gia đã trực tiếp viện dẫn Phán quyết, bao gồm : Anh ; Australia ; Pháp ; Đức ; Indonesia ; Nhật Bản ; Philippines ; Hoa Kỳ. Các quốc gia gián tiếp viện dẫn Phán quyết bao gồm : Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.
Ngày 11/7/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định sự ủng hộ đối với lập trường của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cụ thể là tuyên bố ngày 13/7/2020, về việc ủng hộ Phán quyết Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông và phản đối các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc nằm ngoài các khu vực được thừa nhận bởi quốc tế. Ông Blinken nhắc lại tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự trên biển dựa trên luật lệ, cáo buộc Trung Quốc "uy hiếp và đe doạ các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe doạ tự do hàng hải ở tuyến đường biển tối quan trọng này". Ông cũng khẳng định rằng, một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ và máy bay của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Phi. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài theo UNCLOS, vì đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên.
Đối với các quốc gia liên quan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia không phải là các bên có nghĩa vụ ràng buộc trong Phán quyết, nhưng việc bác bỏ "quyền lịch sử" bên trong "đường lưỡi bò" thì các quốc gia này đều có lợi, bởi vì cái gọi là "đường lưỡi bò" này xâm phạm tới các vùng EEZ của họ.
Phán quyết đã tạo ra những giải thích cho một số vấn đề cho luật biển quốc tế. Ngoài việc giải thích rõ mối quan hệ giữa "quyền lịch sử" và UNCLOS, Phán quyết còn giúp làm rõ hơn các vấn đề bỏ ngỏ trước đây liên quan đến điều 121 UNCLOS. Những giải thích này sẽ đóng một vai trò quan trọng cho việc giải thích trong các trường hợp tương tự.
Vào ngày 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện quan điểm : "Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Vào ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi một Công hàm tới Toà trọng tài, theo đó, Việt Nam tuyên bố "Toà Trọng tài có thẩm quyền đối với tranh chấp này là không có gì phải bàn cãi", và "ủng hộ thẩm quyền của Toà trọng tài trong việc giải thích các điều 60, 80, 194(5), 206, 293(1) và 300 của Công ước Luật biển". Như vậy, mặc dù không nêu một cách trực tiếp, nhưng có thể coi là Việt Nam đã tán thành và công nhận thẩm quyền của Toà trọng tài trong tranh chấp này, và cũng có thể coi là Việt Nam ủng hộ Phán quyết.
Trước các hành động đe doạ của Trung Quốc, Việt Nam cũng đang cân nhắc khả năng sẽ nối tiếp Philippines để đưa Trung Quốc ra một Hội đồng trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS hoặc có thể Việt Nam sẽ xin ý kiến tư vấn từ ITLOS hoặc ICJ để trả lời cho một số vấn đề mà Trung Quốc thường đưa ra lập luận sai trái.
Đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vấn đề Biển Đông đã gây chia rẽ giữa một số thành viên. Trước tình hình phức tạp do các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất và giữ vai trò trung tâm, những giá trị cơ bản đã, đang và sẽ tiếp tục đảm bảo thành công của ASEAN. Hiệp hội này đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng thực sự hướng về con người thông qua việc thúc đẩy hội nhập ASEAN sâu rộng hơn, thực hiện hiệu quả các kế hoạch hợp tác nhằm mang lại lợi ích và tác động đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Do đó, nếu vấn đề Biển Đông không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức này trong tương lai.
ASEAN và Trung Quốc phải ngay lập tức đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc, thực chất, toàn diện và có ý nghĩa, trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên biển.
Hoàng Việt
Nguồn : RFA, 12/07/2021
Đã tròn 3 năm kể từ ngày tòa án quốc tế ra phán quyết nói rằng cái gọi là ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc đối với vùng biển trong đường chín đoạn trên Biển Đông là ‘không có cơ sở pháp lý’, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 12/7 có bài viết nhìn lại kết quả Trung Quốc có hay không tuân thủ phán quyết này sau ba năm.
ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye đã đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Manila chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Vào ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye đã đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Manila chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Được triệu tập trong khuôn khổ các điều khoản giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), năm trọng tài của tòa đã ra phán quyết áp đảo ủng hộ Philippines. Bắc Kinh từ chối tham gia vào vụ kiện này và bác bỏ phán quyết. Trong khi đó, Tổng thống mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã làm ngơ thắng lợi này của nước ông với hy vọng thuyết phục được Trung Quốc hướng tới một chính sách hòa giải hơn và do đó, áp lực quốc tế buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết đã tan biến.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát hy vọng rằng khi thời gian trôi qua, Trung Quốc có thể tìm ra những cách giữ thể diện về mặt chính trị để đưa các đòi hỏi chủ quyền và hành vi của họ phù hợp với nội dung của phán quyết, ngay cả khi họ bác bỏ phiên tòa này.
Nhìn chung, theo đánh giá của AMTI, Trung Quốc chỉ tuân thủ 2 trong số 11 nội dung của phán quyết, trong khi một nội dung khác của phán quyết thì mọi thứ vẫn chưa rõ ràng để có thể đánh giá.
1. Trung Quốc không thể yêu sách ‘chủ quyền lịch sử’ hoặc các quyền khác trong phạm vi đường chín đoạn vốn vượt khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được mà Trung Quốc được UNCLOS cho phép.
Kết quả : không tuân thủ
Tuy nhiên, một ngày sau khi phán quyết của trọng tài được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng khẳng định rằng : "Ngoài vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Trung Quốc còn có quyền lịch sử trong Biển Đông". Trong ba năm qua, các quan chức Trung Quốc đã ít đề cập hơn về đường chín đoạn như là cơ sở cho yêu sách của họ đối với Biển Đông, nhưng Trung Quốc tiếp tục tuyên bố có chủ quyền lịch sử vốn không rõ ràng đối với hầu hết các vùng biển và đáy biển ở Biển Đông. Chính vì dựa trên cơ sở này mà ngư dân Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Indonesia. Đó cũng là cơ sở mà Bắc Kinh phản đối tất cả các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong đường chín đoạn, bất kể chúng nằm cách các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền bao xa.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Hải quân Trung Quốc trong một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự trên Biển Đông hồi cuối năm 2018.
2. Bãi cạn Scarborough và các thực thể thủy triều cao ở quần đảo Trường Sa có lãnh hải nhưng không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Kết quả : chưa xác định được
Đây là điểm quan trọng thứ hai trong phán quyết. Theo đó, cả bãi cạn Scarborough cũng như bất kỳ thực thể thủy triều cao nào ở quần đảo Trường Sa đều không có khả năng là nơi lưu trú của con người hoặc duy trì đời sống kinh tế riêng. Do đó những thực thể này chỉ có được lãnh hải rộng 12 hải lý chứ không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý hay thềm lục địa rộng 350 hải lý.
Cộng với việc bác bỏ chủ quyền lịch sử trong đường chín đoạn, thì phán quyết không cho các thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ được hưởng các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa này đã làm giảm đáng kể vùng biển có thể tranh chấp về mặt pháp lý.
Kết hợp với sự từ chối của tòa án đối với yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử trong suốt đường chín đoạn, điều này làm giảm các khu vực tranh chấp hợp pháp xung quanh các đảo và các rạn san hô sau đây :
Nhiều người tin rằng Trung Quốc đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho bãi cạn Scarborough và nhiều thực thể khác, nếu không phải là tất cả, của Trường Sa. Tuy nhiên, điều này không được nêu công khai trong luật pháp hoặc tuyên bố công khai của Trung Quốc. Sách Trắng năm 2016 của Bắc Kinh khẳng định rằng Trung Quốc, dựa trên ‘các hòn đảo ở Nam Hải (Biển Đông) được hưởng vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.’ Nhưng có thể cho rằng tuyên bố này chỉ có nghĩa là một số hòn đảo, đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa, mới tạo ra các quyền lợi này.
Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trong các vùng đặc quyền kinh tế các của nước láng giềng có thể được giải thích bởi nhu cầu liên tục của nước này phải đòi quyền lịch sử và do đó không phải là bằng chứng cho yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Tuy nhiên nếu trong tương lai Bắc Kinh công bố đường cơ sở (để từ đó tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) xung quanh các thực thể họ đòi chủ quyền ở Trường Sa, thì khi đó sự không tuân thủ phán quyết của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn, nhưng hiện tại các tuyên bố của Bắc Kinh vẫn còn mơ hồ để có thể đánh giá rõ ràng.
3. Bãi Cỏ Mây thứ hai (Second Thomas Shoal) và vùng biển xung quanh nó là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Kết quả : không tuân thủ
Tòa án cho thấy Bãi Cỏ Mây, vốn bị chiếm đóng từ năm 1999, nằm dưới mặt nước khi thủy triều lên và do đó không tạo ra vùng biển được sở hữu nào. Bãi Cỏ Mây nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển Philippines và do đó thuộc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Bất chấp phán quyết này, các tàu tuần duyên của Trung Quốc tiếp tục tuần tra gần Bãi Cỏ Mây thường xuyên và vào tháng 5 năm 2018, một máy bay trực thăng của Hải quân của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc đã quấy rối một cách nguy hiểm một đoàn tàu tiếp tế của Philippines tới Sierra Madre.
4. Trung Quốc chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn nằm trong thềm lục địa của Philippines.
Kết quả : không tuân thủ
Giống như Bãi Cỏ Mây, hội đồng trọng tài phán quyết rằng Đá Vành Khăn là thực thể thủy triều thấp vốn nằm trong tạo vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Hơn nữa, các trọng tài nhận thấy rằng, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt tại Đá Vành Khăn mà không có sự cho phép của Philippines. Đây có lẽ là phần khó nhất trong phán quyết mà có thể nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ bởi vì nếu tuân thủ họ sẽ phải từ bỏ căn cứ hải quân và không quân của mình tại Đá Vành Khăn hoặc cần phải có sự cho phép của Philippines thì mới tiếp tục chiếm đóng. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ chiếm giữ rạn san hô mà dường như vẫn tiếp tục đòi quyền lợi về biển xung quanh nó mà bằng chứng là sự phản đối của họ đối với hoạt động tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn.
5. Trung Quốc ngăn chặn bất hợp pháp Philippines khai thác tài nguyên trong thềm lục địa của họ.
Kết quả : không tuân thủ
Phán quyết của trọng tài đã kết luận rằng Bãi Cỏ Rong, hoàn toàn dưới nước và nằm trong phạm vi 200 hải lý của Philippines, là một phần của thềm lục địa của nước này và cho rằng Trung Quốc đã vi phạm Công ước khi tàu thực thi pháp luật của họ ngăn chặn hoạt động của tàu khảo sát Philippines.
Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn Philippines khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong bất chấp phán quyết. Vào tháng 11 năm 2018, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ có thể mở đường cho sự hợp tác cùng khai thác tại Bãi Cỏ Rong. Các chi tiết chưa được bàn thảo và có thể thỏa thuận này có thể mở đường cho Trung Quốc tuân thủ phán quyết về mặt kỹ thuật. Nếu Bắc Kinh đồng ý cho một công ty Trung Quốc đầu tư dưới dạng hợp đồng của Philippines dưới sự giám sát của Manila, thỏa thuận này sẽ phù hợp với phán quyết. Nhưng nếu Trung Quốc khăng khăng thỏa thuận hợp tác cùng khai thác nằm ngoài quyền tài phán của Philippines, đó sẽ là không tuân thủ.
6. Trung Quốc đã vi phạm quyền đánh cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Kết quả : không tuân thủ
Toà án cho thấy Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines đối với tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, đặc biệt là bằng cách ban hành lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông hồi năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm bao gồm phần lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam. Lệnh cấm gần đây nhất đã gây ra phản ứng giận dữ từ văn phòng của tổng thống Philippines.
7. Trung Quốc không ngăn chặn ngư dân của họ hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Kết quả : không tuân thủ
Các trọng tài xác định rằng Trung Quốc đã ‘không thể hiện sự tôn trọng quyền chủ quyền của Philippines đối với hoạt động đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của họ’.
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Lực lượng Tuần dương Trung Quốc tại Bãi Vành Khăn và trên khắp Trường Sa mỗi ngày, mặc dù các tàu này dành nhiều làm lực lượng dân quân trên biển hơn là đánh bắt cá. Vào tháng 6, một tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Bãi Cỏ Rong đã đâm chìm một tàu cá Philippines, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
8. Trung Quốc chặn trái phép hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough.
Kết quả : tuân thủ
Tại bãi cạn Scarborough, tòa án kết luận rằng cả ngư dân Trung Quốc và Philippines đều có quyền tham gia đánh bắt như truyền thống bất kể nước nào có chủ quyền đối với bãi cạn này. Nhưng các trọng tài phán quyết rằng ‘Trung Quốc thông qua hoạt động của các tàu chính thức của họ tại Bãi cạn Scarborough từ tháng 5 năm 2012 trở đi đã ngăn chặn một cách bất hợp pháp ngư dân Philippines tham gia đánh bắt cá truyền thống’.
Cho đến cuối năm 2016, trong một cử chỉ rõ ràng là thiện chí với chính phủ của ông Duterte, các tàu tuần dương Trung Quốc đóng tại bãi cạn này đã bắt đầu cho phép các tàu cá Philippines hoạt động dọc theo bên ngoài rạn bãi cạn, mặc dù họ không được phép đánh cá bên trong đầm phá. Cho đến giờ vẫn vậy. Đó vẫn là trường hợp ngày hôm nay, mặc dù tình hình vẫn căng thẳng trong các ngư dân Philippines báo cáo thường xuyên về việc bị các nhân viên thực thi pháp luật Trung Quốc quấy rối và đe dọa.
Tuy nhiên, đây là một khía cạnh của phán quyết trọng tài mà Trung Quốc tuân thủ rõ ràng nhất. Và điều đó rất quan trọng về mặt chính trị đối với chính quyền của ông Duterte. Ông Duterte đã từng nói rằng ông đã có một thỏa thuận miệng bí mật với Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2016 mà theo đó ông mắt làm ngơ trước việc đánh bắt cá của Trung Quốc tại thềm lục địa của Philippines để đổi lấy quyền đánh cá của người Philippines tại bãi cạn Scarborough.
9. Trung Quốc cho phép ngư dân khai thác trái phép các loài có nguy cơ tuyệt chủng bằng cách biện pháp tàn phá môi trường
Kết quả : không tuân thủ
Phán quyết kết luận rằng Trung Quốc ‘đã dung túng và bảo vệ cũng như không ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc tham gia vào các hoạt động khai thác có hại các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại Bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây và thực thể khác ở Quần đảo Trường Sa’. Trung Quốc có hoạt động khai thác quy mô lớn loài sò tai tượng trong diện khẩn nguy vốn đã phá hủy nghiêm trọng một diện tích lớn san hô từ năm 2012 cho đến 2016, thường là dưới sự theo dõi của các tàu chấp pháp Trung Quốc.
Sau khi giảm mạnh hoạt động đánh bắt này sau năm 2016, những ngư dân bắt sò Trung Quốc đã quay trở lại hoạt động phá hoại của họ tại Bãi cạn Scarborough và khắp quần đảo Hoàng Sa mà thường hành động dưới sự chứng kiến rõ ràng của Lực lượng Tuần dương Trung Quốc.
10. Trung Quốc đã phá hủy trái phép môi trường biển thông qua việc xây đắp đảo.
Kết quả : không tuân thủ
Toà án nhận ra rằng từ cuối năm 2013, các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm UNCLOS vốn bắt buộc các nước ký kết phải bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Trung Quốc đã hoàn thành công việc nạo vét và chôn lấp tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016. Có thể lập luận rằng một số hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra, chẳng hạn như việc lắp đặt các trạm giám sát trên các rạn san hô ở Hoàng Sa, vẫn đang hủy hoại môi trường sống dưới biển mà không có đánh giá tác động môi trường phù hợp. Nhưng một khi đã hết chỗ để bồi đắp đảo thêm nữa thì có thể nói rằng Trung Quốc hiện đang tuân thủ về mặt kỹ thuật phần lớn nội dung này của phán quyết. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu Trung Quốc triển khai công việc nạo vét hoặc bồi đắp mới tại bãi cạn Scarborough hoặc các nơi khác.
11. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về chống va chạm bằng cách tạo ra nguy cơ va chạm và gây nguy hiểm cho các tàu của Philippines.
Kết quả : không tuân thủ
Cuối cùng, các trọng tài phán quyết rằng trong thời gian đối đầu hồi năm 2012 xung quanh bãi cạn Scarborough, các tàu thực thi pháp luật Trung Quốc đã ‘tạo ra nguy cơ va chạm nguy hiểm nghiêm trọng cho các tàu và nhân viên của Philippines’.
Mặc dù không có sự cố nào xảy ra một lần nữa ở bãi cạn Scarborough do chính quyền Philippines giữ khoảng cách, Cảnh sát biển Trung Quốc, Hải quân nước này và các tàu dân quân hàng hải tiếp tục thường xuyên có các hành vi vi phạm tương tự và tạo ra nguy cơ va chạm đối với tàu nước ngoài ở Biển Đông. Vụ quấy rối tàu tiếp tế của Philippines gần Bãi Cỏ Mây vào tháng 5 năm 2018 là một ví dụ. Các hành động nguy hiểm của một tàu Hải quân Trung Quốc đối với sứ mạng tuần tra vì tự do hàng hải của tàu Mỹ USS Decatur ở Hoàng Sa hồi tháng 10 năm 2018 là một ví dụ nữa.
(Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á-AMTI)