Cái gọi là "Chống tham nhũng" mà đảng khua chiêng, gõ mõ từ mấy chục năm nay chừng như đã đến mức nhàm chán chẳng mấy ai quan tâm. Mấy năm trước, năm 2014, Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ còn hớn hở báo cáo trước Quốc hội về nạn tham nhũng rằng : "Trong 3 năm qua, chúng ta không tụt, không tăng, nghĩa là có tính ổn định" thì nay, con số đã cho thấy nó không còn ổn định nữa.
Kết quả phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 - TTXVN
Mặc dù dịch bệnh, dù đất nước điêu đứng với chính sách "chống dịch như chống giặc", với "truy vết", với "thần tốc"… với hàng chục ngàn hoặc có thể là cả trăm ngàn người dân đã chết, cũng như hàng loạt những đoàn người chạy nạn từ các trung tâm công nghiệp, từ Sài Gòn tỏa ra các tỉnh với bao thảm cảnh… thì tham nhũng vẫn cứ phát triển vượt bậc và có tính cách bền vững.
Mới đây, trong cái gọi là Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 30/6/2022 mới đây, nhiều con số được nêu ra khiến người ta giật mình.
Theo số liệu mà cái Hội nghị này đưa ra, thì 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có tám Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm ; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất ; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.
Cũng trong 10 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế ; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Và số tiền thu hồi được từ các vụ án tham nhũng là 61.000 tỉ đồng.
Đó được coi là những thành tích của cái gọi là "Phòng chống tham nhũng của đảng" thời gian qua.
Điều đó được đưa ra để ca ngợi, để tự hào, để hãnh diện rằng đảng đang chống tham nhũng một cách tích cực, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Cho dù đảng có huy động cả hệ thống tuyên truyền hùng hậu từ trung ương đến địa phương với cả ngàn tờ báo, đài, tivi…và hàng trăm ngàn dư luận viên để ca ngợi, để tán dương những thành tích này của đảng, thì với tư cách là một người dân, những người là chủ nhân của đống xương máu, tiền bạc mà đảng đang ra sức tham nhũng, phá phách để rồi chống tham nhũng kia, chúng ta thây điều gì ?
Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, tham nhũng chính là việc ăn cắp, ăn cướp một cách bât nhân, bất hợp pháp, vô lương nhất với những tài sản, tiền của không phải là của mình, do mình làm ra hoặc thụ hưởng một cách chính đáng. Tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
Vậy tham nhũng từ đâu ra ?
Như đã định nghĩa trên đây, tham nhũng, tham ô, chỉ được thực hiện bởi những kẻ có chức vụ quyền hạn. Còn những kẻ có chức vụ quyền hạn trong nhà nước độc tài cộng sản, thì chỉ là những đảng viên cộng sản mà thôi.
Bởi nguyên tắc cộng sản là "không chia sẻ quyền lực cho bất cứ giai cấp nào ngoài giai cấp vô sản mà đảng là đội quân tiên phong".
Cũng do vậy, tham nhũng, tham ô tại Việt Nam, chỉ là những đảng viên cộng sản mới có cơ hội, có điều kiện và có đủ khả năng để tham nhũng và thậm chí là giải quyết hậu quả tham nhũng theo cách của đảng và các đảng viên.
Nên nhớ rằng, con số 168.000 đảng viên bị kỷ luât này chỉ là con số do đảng đưa ra. Và trong thực tế, thì vẫn là có 10, đảng chỉ xử lý may ra 1, có nghĩa là 168.000 đảng viên, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Nhưng, ở đây chúng ta cứ tạm lấy con số do đảng đưa ra. Chúng ta thấy điều gì ?
Con số 168.000 đảng viên bị kỷ luật được nêu ra trong Hội nghị phòng chống tham nhũng làm người ta giật mình. Bởi từ xưa đến nay trong tất cả mọi văn bản, lời nói, diễn văn và miệng lưỡi quan chức cộng sản, các đảng viên cũng như các Dư luận viên của đảng thì vẫn luôn luôn là "đảng trong sạch, vững mạnh, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân"… Các đảng viên, là những kẻ đã phấn đấu, đã giơ tay thề nguyền và những lời thề nguyền của 168.000 đảng viên đã đi theo gió bụi, theo đường của "cá trê chui ống".
Hãy xem con số này có ý nghĩa gì ?
168.000 đảng viên bị kỷ luật, có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Một đảng viên, ủy viên Trung ương là Đinh La Thăng, trong bốn vụ án được lôi ra tòa, thì số tiền bị phá hoại đã là hàng ngàn tỷ đồng và phải bồi thường 830 tỷ đồng. Chỉ 1 đảng viên, một ủy viên Trung ương như Đinh La Thăng đã kéo theo hàng ngàn tỷ đồng tiền dân trôi ra biển, đi theo mây khói.
Đó là chưa kể đến những vụ án khủng khiếp khác mất đi hàng chục ngàn tỷ đồng khác như vụ "Đầu tư khai thác dầu khí ở Venezuela với số tiền 1,6 tỷ đola, tức là 36.800 tỷ đồng mất trắng. Tuy nhiên vụ này Đinh La Thăng đã nói thẳng : Đầu tư mất trắng mấy chục ngàn tỷ này là do ý kiến Bộ Chính trị.
Và vậy là thôi. Đã là bộ Chính trị thì có mất cả giang sơn, lãnh thổ như Hiệp định Biên giới Việt – Trung, như Công hàm Phạm Văn Đồng đi nữa, thì cũng phải câm chứ nói gì đến mấy chụ ngàn tỷ đồng.
Vậy thì với con số 170 cán bộ cao cấp trung ương quản lý, 33 Ủy viên Trung ương nói trên, con số tài sản quốc gia, tiền xương máu của dân đã bị cướp phá là bao nhiêu ?
Và con số 168.000 đảng viên kia, khối lượng tài sản, tiền bạc, xương máu của nhân dân bị các đảng viên của đảng đốt và cướp là con số khổng lồ nào ?
Còn hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật, một số bị bỏ tù… Họ là ai, đã làm nên những gì ?
Hãy xem Nguyễn Văn Hiến, Đô đốc Hải Quân, chỉ trong một vụ án đã làm thất thoát cả ngàn tỷ đồng và 7.000 mét vuông đất vàng của Quân chủng Hải Quân. Còn Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, chỉ hai tướng công an, đã là tội phạm của vụ đánh bạc chục ngàn tỷ đồng.
Vậy thì các tướng còn lại đã bị lộ và chưa bị lộ, số tiền sẽ là bao nhiêu đã được các tướng đem xài chùa và phá hoại ? Thậm chí cả "bầu đoàn thê tử" từ đảng cho đến chính quyền, quân đội trong lực lượng Cảnh sát Biển đã bị kỷ luật kia, biết bao nhiêu tài sản của dân bị phá hoại và cướp bóc ?
Đó là các cấp tướng, còn cấp tá, chỉ một Đinh Ngọc Hệ, Thượng tá, đã làm chao đảo cả hệ thống bằng những vụ án lừng danh mà con số tiền của là cả ngàn tỷ và chục ngàn tỷ… Và còn những thuộc cấp khác "đông như quân Nguyên".
Bản báo cáo cũng cho biết số tiền đã thu hồi ở các vụ án tham nhũng là 61.000 tỉ đồng. Xin đừng nghĩ rằng đây là thành tích đáng mừng, trái lại nên nhớ rằng : Theo tổng kết của cơ quan phòng chống tham nhũng và thi hành án, thì các vụ án tham nhũng, số tiền thu hồi được chỉ có từ 4 đến 6% số tiền phải thu hồi. Chẳng hạn như Đinh La Thăng phải đền bù 830 tỷ đồng thì chỉ nộp được 2 tỷ.
Điều đó cũng có nghĩa là con số của những vụ án kia, theo tỷ lệ đó là 1 triệu 200 ngàn tỷ đồng.
Và đó cũng chỉ là con số phần nổi của tảng băng chìm bởi nạn tham nhũng do đảng và đảng viên của đảng gây ra mà thôi.
Những con số đó, nói lên tính chất hệ thống, đặc thù và là đặc tính riêng có của chế độ độc tài.
Bởi chẳng ai có thể hiểu được điều này : tại sao có một dân tộc, một đất nước bỗng dưng để cho một băng đảng, phe nhóm đến cướp lấy chính quyền, tự xưng là đầy tớ nhân dân, giành quyền "Phục vụ nhân dân" rồi thề nguyền sẽ tận tụy và trung thành nhất.
Thế rồi băng đảng đó, thối rữa, mục nát và không thể giấu diếm bản chất cướp bóc của mình trước thiên hạ.
Rồi cũng chính băng đảng đó, hô hào "chống tham nhũng, chống lãng phí" và thanh trừng nội bộ mấy chục năm nay. Nhưng càng chống, thì tham nhũng càng trầm trọng và nặng nề, bởi bản chất của đảng là tham nhũng và cướp bóc.
Rồi những con số đảng tự thanh trừng và đưa ra kia, là những con số mà ẩn giấu đằng sau đó là sự kinh hoàng về thực chất nạn cướp và tham nhũng của đảng với tiền dân. Nhưng, oái oăm thay, đảng lại nghiễm nhiên coi những con số đó là công lao của đảng, là thành tích của đảng với dân chúng khi đảng tự phơi bày bản chất của mình.
Và nếu người Việt Nam có chút bình tĩnh, để suy nghĩ sâu hơn, thì những con số 168.000 đảng viên bị kỷ luật kia nói lên rất nhiều điều về bản chất của đảng.
Ở đó, điều lớn nhất đã được chứng minh là bản chất dối trá của đảng không thể che dậy.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 22/08/2022 (nguyenhuuvinh's blog)
Lời giới thiệu : Tình trạng tham nhũng ở VN tính đến nay đã trở thành trung tâm sự chú ý của tất cả mọi người dân và cũng là mối bận tâm lớn nhất của Đảng và nhà nước. Tham nhũng đã trở thành quốc bệnh quan hệ đến tồn vong của chế đô thì chống tham nhũng đương nhiên cũng phải được coi là quốc sách hàng đầu, cần đến sự nổ lực đồng bộ của toàn đảng toàn dân. Từ 20 năm nay, nhiều luật lệ, chỉ thị về phòng chống tham nhũng đã được ban hành, cùng với biết bao tiếng nói đóng góp của các vị nhân sĩ trí thức, nhưng thực tế quốc bênh tham nhũng chẳng được đẩy lùi mà còn có biểu hiện ngày càng tăng năng đến mức vô phương cứu chửa.
Tình trạng các giải pháp đã đưa ra hoặc đã thực thi đều tỏ ra vô hiệu kể cả việc "đốt lò", chúng tôi thiết tha mong muốn xã hội ổn định, nền kinh tế đất nước phát triển nhân dân được hạnh phúc, xin nêu ra sau đây một số quan điểm và giải pháp phòng chống tham nhũng bằng một lộ trình hết sức thực tế và có tính khả thi.
Những ý kiến nêu ra trong bản kiến nghị này có khả năng gây tranh luận, nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn nêu lên để rộng đường tham khảo.
Viet-studies
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh minh họa
***********************
Quan điểm về cải cách chính trị thông qua công cuộc phòng chống tham nhũng
Tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn là một thực tế hiển nhiên bất khả tranh luận mà ai ai cũng phải thừa nhận. Càng đáng ngại hơn khi kết quả của những nỗ lực chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước phát động ít nhất từ gần nửa thế kỷ nay cho thấy rất hạn chế nếu chưa muốn nói hoàn toàn vô hiệu : tham nhũng chẳng những không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ phổ biến, biểu hiện một cách tinh vi thiên hình vạn trạng vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hệ thống chính trị, dẫn đến thực tế số cán bộ tham nhũng từ trung ương đến địa phương bị phát hiện vào tù ngày càng đông đảo, không kể những trường hợp "chưa bị lộ", đã khiến cho dân chúng ban đầu càng hi vọng bao nhiêu thì về sau lại càng thất vọng bấy nhiêu, kể cả chiến dịch "đốt lò" mô phỏng theo mô hình "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc !
Ở nước ta cũng như tại một số nước Châu Á đang phát triển, ngoài "tham nhũng đất đai", "tham nhũng dự án" rất phổ biến và nổi trội, với những mối lợi cực kỳ hấp dẫn, còn có nạn "tham nhũng quyền lực", "tham nhũng chính trị", mua quan bán chức, điều kiện để thiểu số nhóm lợi ích thủ đắc các quyền lợi vật chất béo bở, với những khối tài sản của chìm của nổi kếch xù và có cuộc sống còn hơn cả đế vương thời phong kiến. Tình trạng này đặc biệt đúng với trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có thể chế chính trị gần giống hệt như nhau.
Trong thực tại Việt Nam, nhìn đâu cũng thấy có nạn tham nhũng, từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt, "ăn không từ một thứ gì" (lời bà nguyên phó chủ tịch nước NTD). Tình trạng ác hóa đến nỗi, có lần cố Tổng bí thư Đỗ Mười phải than : "Như hiện nay, xin đi học, hay vào bệnh viện đều phải có... tí phong bì". Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về hiện tượng thoái hóa của một số cán bộ nhà nước : "Nếu có phát hiện thì... hi sinh đời bố, củng cố đời con!"... Cho nên có thể nói, tham nhũng đã và đang trở thành tập tính của toàn thể giới cán bộ đảng viên đang nắm giữ các chức quyền ở mọi ngành hoạt động trong bộ máy Đảng-Nhà nước, diễn ra khắp các cơ quan đoàn thể từ hành chính sự nghiệp đến công an, bộ đội, tư pháp, các ngành hoạt động tri thức về văn hóa-giáo dục-y tế-xuất bản, thâm nhập cả vào trong các hội từ thiện, các chốn chùa chiền, và không loại trừ kể cả những cơ quan trung ương chuyên biệt được đặt ra để phòng chống tham nhũng, … vì thế có khả năng lan tỏa sâu rộng vào quảng đại quần chúng trở thành một hiện tượng quen thuộc hầu như có thể gọi là tập tính của xã hội người Việt.
Tham nhũng tràn lan không chỉ làm mất lòng tin của dân chúng vào các nhà đương cuộc và chế độ chính trị, mà còn làm cho nhân dân điêu đứng, dân khí bại hoại, quốc lực hao mòn, bộ máy hành chính trở nên tê liệt, mất kiểm soát và bất lực, trên bảo dưới không nghe, mọi ý đồ tốt đẹp của quốc gia về kinh tế-xã hội đều bị phá sản, dẫn tới hậu quả tình trạng phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, các tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, lừa đảo cũng gia tăng theo; đạo đức xã hội suy thoái, quan hệ giữa người và người bớt lành mạnh đi, niềm tin vào tương lai cuộc sống của dân chúng bị xói mòn đến mức gần như cạn kiệt.
Với tình trạng quốc bệnh tham nhũng trầm trọng và càng chống càng tăng như hiện nay, nước Việt Nam mà đại diện chịu trách nhiệm là bộ máy cầm quyền hiện hữu, đang giống hệt một con bệnh trầm kha tìm cách kéo dài sinh mệnh bằng thuốc để chờ ngày kết thúc sự sống khi thuốc uống đã không còn hiệu lực. Nói theo cách diễn đạt đông y, phải dùng cả thuốc "bổ" lẫn thuốc "tả", và những vị thuốc trung tính : thuốc bổ là những lời động viên học tập theo lời dạy đạo đức của lãnh tụ tiền bối, đã tỏ ra hoàn toàn vô hiệu trước một cơ địa đã rệu rã không còn khả năng tiếp nhận ; thuốc trung tính có thể ví như những đạo luật, nghị định, chỉ thị về phòng chống tham nhũng, kiểm kê tài sản hoặc những bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công nhân viên chức các cấp mà trên thực tế đã trở thành những mớ giấy lộn không thể áp dụng vì cũng không hợp cơ địa ; thuốc "tả" có tính công phạt mạnh mang nhiều độc chất để cứu mạng bệnh nhân vào giờ chót, tương đương với biện pháp bắt bớ "đốt lò" trên diện rộng, nhưng lại là con dao hai lưỡi, có khả năng dẫn người bệnh càng đi nhanh đến chỗ tử vong.
Trong cơn thập tử nhất sinh, cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc đều trở nên mất bình tĩnh, tối mắt không còn thấy con đường chữa trị hợp lý và có thể sẽ làm liều bằng cách cho thuốc ẩu, nếu so sánh với hành động chính quyền của nhà cầm quyền hiện tại thì đó chính là cách họ dùng lực lượng công an và hệ thống tòa án để trấn áp, cầm tù những người dân khiếu kiện nạn tham nhũng đất đai, như đã áp dụng trong trường hợp huy động lực lượng cả ngàn quân công an trấn áp và tiêu diệt công dân/đảng viên 84 tuổi đời 56 tuổi đảng Lê Đình Kình trong vụ án Đồng Tâm hiện vẫn còn đang gây chấn động dư luận cả trong lẫn ngoài nước. Một cái cách thô bạo chà đạp dân chủ dân quyền, đứng trên luật pháp và công luận mà người ta cho rằng chính là biểu hiện cơn giãy chết của một chế độ chính trị đang suy tàn tự đào mộ chôn mình vì nó đã dám chống lại nhân dân trong nước cùng tất cả những người yêu chuộng công bằng trên toàn thế giới.
Trên thực tế hiện nay, "đốt lò" đã tỏ ra không hiệu quả, vì muốn đốt lò bắt buộc phải dùng các lực lượng công an, thanh tra, kiểm tra, viện kiểm sát, tòa án… trong khi chính những lực lượng này do Đảng cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị chỉ đạo đứng trên luật pháp trong một nền tư pháp không độc lập lại là những ổ vi trùng tham nhũng đôi khi còn nặng hơn cả những đối tượng tham nhũng mà nó muốn tiêu diệt, biến công cuộc chống tham nhũng trở thành cái cớ hoặc để tự nâng cao uy tín cá nhân của người chỉ huy trước một đám quần chúng hãy còn hồn nhiên cả tin, hoặc để thanh trừng nội bộ trong cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt hình thành cục diện chính trị quả đầu thu tóm quyền lực vào tay một số ít người hoặc nhóm người trong giới chóp bu để chia quyền tham nhũng, điều đặc biệt lộ rõ từ Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam năm 2016 và nhất là trước thềm Đại hội XIII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau, 2021.
Chống tham nhũng luôn vướng phải cái vòng luẩn quẩn : muốn làm được hiệu quả cần phải có một chính phủ trong sạch lành mạnh, trong khi chính phủ đó đã và đang bị nghiền nát do chính bệnh tham nhũng, trở nên mất kiểm soát và thụ động bất lực. Khá đông trong thành phần cán bộ đảng viên có chức có quyền thật ra họ chẳng muốn cho tình trạng hỗn loạn về luật pháp, hành chính sớm được chấm dứt, để đục nước béo cò, trong chừng mực cho phép là Đảng và chính phủ đó của họ vẫn chưa bị sụp đổ trước khi họ còn có thể kiếm chác được, như thực tế trong vài chục năm nay đã từng chứng tỏ. Chống tham nhũng rốt cuộc vì thế chỉ trở thành khẩu hiệu suông để tuyên truyền chính trị, vì thực tế từ khi "đổi mới" năm 1986 với Đại hội Đảng VI trở đi, tham nhũng trở thành đại dịch, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, theo sự xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2019, Việt Nam đạt vị trí số 2 trong 5 quốc gia tham nhũng nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ.
Nguyên nhân chủ yếu của quốc nạn tham nhũng, người ta đã phân tích nhiều và ai cũng biết, đó là do lỗi hệ thống, trong điều kiện Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền toàn trị, triệt tiêu dân chủ.
Vì không có dân chủ nên thực tế cho thấy, công an, tòa án, quốc hội, các ban thanh tra (Đảng, Chính phủ), nhà tù… đều không chống được tham nhũng, do tất cả các định chế/tổ chức này đều một giuộc như nhau, không ai độc lập với ai, và đều nằm dưới sự kiểm soát chỉ đạo của một đảng chính trị độc quyền : Tuy Điều 4 Hiến pháp 2013 có nêu rõ "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" nhưng thực tế Đảng lại đứng trên cả nhân dân và luật pháp, làm méo mó công lý, như hàng chục vụ xét xử tham nhũng lớn đã từng chứng tỏ.
Trước tình trạng bi thảm luẩn quẩn tiến thối lưỡng nan này của đất nước, rất nhiều người bức xúc nhưng bi quan cho rằng như thế thì đã hỏng bét tuyệt đối, chống tham nhũng là "kế bất khả thi", chỉ còn cách duy nhất kiên nhẫn chịu đựng chờ cho Đảng cộng sản toàn trị ở Việt Nam sụp đổ, và nếu cứ khư khư không chịu sửa đổi thì trước sau gì nó cũng sẽ sụp đổ, vấn đề chỉ còn là thời gian. Đây là một loại ý kiến rất đáng được chú ý, không thể bỏ qua, và dường như không ít đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã mường tượng ra cái kết quả bi thảm tương tự trong tương lai, nên họ nhắc nhở nhau phải đề cao cảnh giác nguy cơ, tìm cách cứu Đảng (viết ra trong các bài báo trên Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng…, hoặc nói chuyện trong các buổi sinh hoạt cán bộ chủ chốt…), và một số người trong họ khi có điều kiện cũng đã cho con em đi học nước ngoài (dặn ở luôn bên đó đừng về…), gởi tiền ngân hàng nước ngoài, mua nhà nước ngoài, mua quốc tịch nước ngoài…, dợm chân tháo chạy một khi Đảng cộng sản thật sự sụp đổ.
Quan điểm của chúng tôi không phủ nhận hoàn toàn loại ý kiến như vừa nêu trên, nhưng có một hướng nghĩ và niềm tin khác. Căn cứ vào thực tế lịch sử, nền chính trị và thực tiễn xã hội đặc thù Việt Nam, chúng tôi cho rằng công cuộc chống tham nhũng để mở đường cho đất nước tiến lên là còn có tính khả thi và vẫn phải do Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại thống nhất giềng mối chủ trì thực hiện, với hi vọng thành công rất lớn, và với điều kiện phải có một quyết tâm chính trị lớn tương đương, bằng con đường cải cách thể chế (gọi tắt "cải chế") theo hướng dân chủ hóa đời sống xã hội.
Trong bản tuyên bố quan điểm này, chúng tôi thấy không cần mất thì giờ đưa ra những giải pháp chống tham nhũng cụ thể, vì những giải pháp như vậy đã được bàn thảo quá đầy đủ trên báo chí, trong bài viết của các vị nhân sĩ trí thức tâm huyết, trong các cuộc hội thảo ở các cơ quan báo chí, trường đại học, viện nghiên cứu, và nhất là tại diễn đàn Quốc hội, từ suốt mấy chục năm nay, mà các nội dung cơ bản cũng đã được thể hiện phần lớn trong Luật phòng chống tham nhũng 2018, trong các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị liên quan vấn đề do Đảng-Nhà nước ban hành rồi. Vấn đề cốt lõi và có tính quyết định là làm sao phải thực hiện cho đúng những điều đã ghi trong các loại văn bản kể trên, mà chúng tôi dù có cố nghĩ thêm cũng không hơn được. Nếu cần, chúng ta có thể tham khảo thêm kinh nghiệm phòng chống tham nhũng có sẵn rất hiệu quả của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là được, và tài liệu tham khảo thì có đầy, không phải mất công kiếm đâu xa.
Tựu trung và đại khái cũng chỉ là : Những người lãnh đạo đất nước phải trong sạch, gương mẫu, bởi một lẽ đơn giản gói gọn trong chân lý bất di bất dịch "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", "Thượng chính, hạ nghiêm" ; thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ; khi phát hiện các vụ việc tham nhũng phải tập trung xử lý và xử lý nghiêm khắc, trừng trị thích đáng kẻ tham nhũng ; chống tham nhũng từ trên xuống, từ trong ra và không có vùng cấm.
Điều chúng tôi sắp trình bày thậm chí cũng không muốn lặp lại ngay cả những điều vừa ghi lại ở trên, đã quá nhàm, vì điều kiện tiên quyết thứ nhất ("thượng chính, hạ nghiêm") là đúng tuyệt đối, nhưng điều kiện tiên quyết này, chúng ta phải thừa nhận một thực tế cay đắng và đau lòng, là đất nước chúng ta, ít nhất cũng trong hiện tại, hầu như không còn có "Thượng chính" nữa rồi, sau 45 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu như đã làm dưới chế độ độc đảng toàn trị dung túng cho các phần tử đặc quyền, vốn là căn nguyên của tham nhũng. Lý do : Các nhà lãnh đạo cấp cao phần lớn tay đều đã "nhúng chàm", ở những mức độ khác nhau ; kẻ liêm chính, ngay thẳng, nhiều lý tưởng ít thủ đoạn và có đủ tài đức nếu không chịu quy ẩn nghỉ hưu sớm thì cũng không thể nào trèo lên đến vị trí chỉ huy cao có đầy đủ thực quyền ; thảng hoặc có vị nào liêm khiết được đưa vào các tổ chức chống tham nhũng thì trước sau cũng phải từ chức hoặc bị loại trừ… Một số người ban đầu rất lý tưởng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi tham gia lâu vào bộ máy độc quyền đạt địa vị cao thì cũng trở nên biến chất thành quan tham, thụ động hoặc tích cực. Đây là một thực tế hùng hồn sinh động, mà nếu không can đảm thừa nhận, mọi giải pháp đưa ra để phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trong điều kiện độc đảng cầm quyền đều trở thành lý thuyết suông, vô vọng.
Điều nhận định như trên được nêu ra có nghĩa rằng, chúng ta tạm thời không đòi hỏi điều kiện lý tưởng phải có những nhà lãnh đạo cấp cao đều trong sạch, vì đây là điều không thể có được trong một bộ máy cầm quyền đã và đang bị thối nát gần như tột độ. Cũng có nghĩa rằng chúng ta tạm thời chấp nhận một số kẻ xấu cầm quyền không trong sạch đã được ăn no, giàu có lên nhờ tham nhũng trong hàng ngũ "tứ trụ" và trong một số cấp trung gian từ chức bộ trưởng trở xuống, miễn tất cả họ đồng loạt nhận thức ra được tình hình mới, rằng từ nay trở đi họ không chỉ phải dừng hành vi tham nhũng lại mà còn phải ra tay điều trị quốc bệnh tham nhũng, chẳng cần bằng sáng kiến gì mới mà chỉ cần bằng cách nghiêm minh thực thi những luật pháp do chính Đảng của họ đặt ra, bởi nếu không thì bản thân họ cũng sẽ bị nhân dân nguyền rủa lật đổ cùng với Đảng độc tài của họ. Người dân Việt Nam giờ đây đòi hỏi sự "cải chế" cũng do chính Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại lãnh đạo, bằng con đường dân chủ hóa đời sống xã hội, thực thi đúng những điều Hiến pháp 2013 quy định cho phép, trong đó có : Điều 4 nêu rõ "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" ; Điều 7 : "Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ bỏ phiếu kín" ; Điều 25 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"…
Một trong những giải pháp được đưa ra để chống tham nhũng từ lâu và hiện nay là kiểm kê tài sản cán bộ (mới nhất là Nghị định 130/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/10/2020), thì việc này, tuy không thể không làm, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cũng lại không khả thi và không thể được coi là giải pháp cơ bản. Bởi một lẽ đơn giản, trong điều kiện Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, bất cứ người đầy tớ nào của nhân dân trở nên giàu có cũng đều nhờ tham nhũng ít nhiều, chứ không bằng đồng lương, thể hiện dưới mọi hình thức từ tinh vi đến trắng trợn, nên bảo họ kê khai tài sản trung thực là điều hầu như không thể được. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội hồi tháng 12/2004 : "Khi đề bạt cán bộ thì bắt khai tài sản, nhưng họ rất khôn khi để cho con đứng tên, vợ đứng tên... Thành ra đặt vấn đề thu hồi tài sản bất chính là rất khó". Nguyên Phó thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng khi đó cũng nói : "Nếu bây giờ kê khai, nhiều công chức đang có sẽ hóa ra không có tài sản, vì họ đã ‘gửi’ cho cháu chắt hết rồi".
Cho đến hiện nay, cả khi tội phạm tham nhũng bị phát hiện và đã bị đem ra xét xử trừng trị, người phạm tội bị phạt tù vài tháng hoặc vài năm, thì những quyền lợi mà dân chúng bị mất về hành vi tham nhũng do họ gây ra trên thực tế cũng không lấy lại được, nên chỉ còn lại chuyện ở tù trừ ; hoặc một số cấp dưới liên quan vụ việc đứng ra ở tù đại diện cho cấp trên để chuẩn bị cho một chiến thuật hạ cánh an toàn tập thể trong một nền tư pháp thiếu hẳn sự độc lập trong các khâu điều tra, xét xử.
Với những tình trạng được miêu tả như trên, phải thẳng thắn nhận định rằng, nếu vẫn cứ tiếp tục bằng những biện pháp cũ truyền thống như học tập nghị quyết, cổ động nêu gương lãnh tụ, phê bình kiểm điểm, thanh tra kiểm tra, cảnh cáo kỷ luật, đình chỉ công tác, thậm chí bắt bớ bỏ tù..., nạn tham nhũng vẫn khó bị đẩy lùi, nếu như cái điều căn bản là toàn bộ hệ thống chính trị-kinh tế do đặc điểm và những khuyết tật bên trong của nó mà tệ nạn tham nhũng phát sinh, không được điều chỉnh một cách đúng mức cần thiết.
Về sự bất lực của hệ thống, rất nhiều quan chức hiện nay đã công khai thừa nhận, như chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây khi vừa rời khỏi chính trường cũng có lần phát biểu trả lời phỏng vấn trước Quốc hội: "Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề, cần phải cải cách, chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, chống cho được tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu...".
Cùng một ý như trên nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì lại có lối nói thực tế dễ hiểu hơn : "Chỉ trừng phạt thôi thì người này đổ, người khác sẽ lên. Cơ chế nếu không thay đổi thì người mới lên sẽ... tệ không kém, thậm chí còn ‘cáo’ hơn anh trước".
Xét bối cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam, từ hoàn cảnh chiến tranh, bao cấp, ăn độn, thiếu thốn mọi bề trong một nền kinh tế khép kín nay chuyển sang kinh tế thị trường, vậy nên hiện tượng tham nhũng-đặc quyền lan rộng trong tầng lớp cán bộ (vốn cũng là những con người bằng xương bằng thịt và biết tham lam chứ chẳng phải thánh nhân) tuy thể không phê phán và tìm cách ngăn chận nhưng cũng cần được nhìn nhận lại một cách khoan dung, nhân bản, khách quan và chân thật hơn, như một tất yếu lịch sử, và như một hiện tượng mà thực tế sinh động của đời sống không cho phép tránh khỏi, phủ nhận, chứ không phải chỉ có một mặt tiêu cực như mọi người thường nghĩ. Nói cách khác, trong điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam thời cận-hiện đại, trải qua hai đợt chiến tranh, không xuất hiện quốc bệnh tham nhũng mới là chuyện lạ !
Theo cách nhìn nhận của chúng tôi, lịch sử "trùng trùng duyên khởi", nhân này tạo ra quả nọ thành một chuỗi diễn biến liên tục và khách quan đôi khi vượt khỏi quyền kiểm soát của con người. Lũ "âm binh" được tạo ra lập được thành tích trong thời kỳ chiến tranh giờ đây được sống trong thời bình, chuyển sang kinh tế thị trường, họ đã biết đòi quyền được hưởng thụ các điều kiện vật chất, là một thực tế khách quan cận nhân tình, trong điều kiện quản lý lỏng lẻo của bộ máy nhà nước, vừa do thiếu tri thức khoa học lãnh đạo vừa có sự cố ý dung túng của Đảng cộng sản Việt Nam tập trung quyền lợi cho các đảng viên đồng chí của mình, vì thế họ khó thể không xâm phạm đến lợi ích của quần chúng nhân dân dưới dạng tham nhũng tham ô đủ kiểu. Tuy nhiên, xét cho cùng, vẫn có thể coi tài sản tích lũy do tham nhũng trong điều kiện chuyển đổi lịch sử khách quan như trên là gần giống với giai đoạn tích luỹ tư bản ban đầu bằng phương thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản man rợ (capitalisme sauvage), tuy được chiếm hữu vô kỷ luật vì không tôn trọng khế ước chung xã hội nhưng khách quan nó sẽ trở thành đồng vốn được tái đầu tư vào trong xã hội, để phát triển kinh tế, mang lại lợi ích và công ăn việc làm cho người lao động. Thời gian bóc lột man rợ của tầng lớp đặc quyền "tư sản đỏ" này ở Việt Nam đã kéo dài ít nhất 45 năm, (từ 30.4.1975), tính ra đã đủ, và như có người đã nói, người cộng sản của bên thắng cuộc "không thể cứ mài mãi lịch sử ra để mà sống" ; họ phải biết khôn và biết chỗ dừng lại đúng lúc, nếu muốn được tồn tại yên ổn, được sự chấp nhận lâu dài của người dân. Kết quả là đến lúc này, tất cả những tài sản tích luỹ được không kể nguồn gốc của bất kỳ ai, của con cháu cán bộ nhà nước hay của nhà doanh nghiệp, đều tất nhiên sẽ được phân tán trở lại vào các công trình đầu tư hợp pháp được tổ chức lại trên những nền tảng hoàn toàn mới của thể chế kinh tế-chính trị sẽ được tái cấu trúc hợp lý hơn theo hướng tư nhân hóa các hoạt động kinh tế hầu có thể xoá dần tệ nạn tham nhũng một cách căn cơ và lâu dài.
Từ những thực tế sinh động và trên cơ sở nhận thức vấn đề một cách khách quan như trên, chúng tôi mạnh dạn đề nghị thực hiện các gợi ý như sau đây, chúng tôi xin thử nêu ra chỉ với tính cách tham khảo : Đối với một số người "lỡ" đang bị ngồi tù về tội tham nhũng, cần động viên gia đình họ nộp bớt lại một phần tài sản cho quốc gia dưới hình thức nhà cửa hoặc tiền mặt để chuộc tội và để được phóng thích. Số tài sản quốc gia nhận lại được sẽ được công khai minh bạch cho dân biết, rồi giao cho một ủy ban đặc trách của chính phủ quản lý, với người đứng đầu trong sạch, từ đó phân bổ ra để cung ứng cho các chương trình thuộc an sinh xã hội phục vụ người nghèo. Đối với một số "đại gia" giàu sụ nhờ tham nhũng mà vì lý do nào đó chưa bị xử án vào tù, cũng sẽ không truy tố mà áp dụng biện pháp động viên tương tự, tạo điều kiện để họ dùng tiền vào công việc từ thiện, cấp học bổng cho học sinh nghèo, hoặc tài trợ, đầu tư cho các công trình phúc lợi như xây cất bệnh viện, trường học, cầu cống, chùa chiền, trại nuôi trẻ mồ côi… Các loại đối tượng này, mặc dù không truy tố nhưng vẫn phải nắm. hồ sơ lý lịch tham nhũng của họ; trong thời gian nhất định, cấm họ không được ra nước ngoài định cư để giữ lại nguồn tiền tiêu dùng và nguồn vốn đầu tư trong nước ; nếu họ không "cải hóa tự tân" hướng thiện, tiếp tục vi phạm luật pháp để trục lợi bất chính, lúc đó sẽ ra tay trừng trị nặng theo đúng luật mới dành cho tội phạm tham nhũng, cũng chưa muộn.
Do hoàn cảnh đặc biệt riêng của mỗi nước, chúng ta nhất định không rập khuôn theo phương châm "đả hổ diệt ruồi" kiểu Trung Quốc, mà áp dụng chính sách nhân hậu "tiên lễ hậu binh", trước thuyết phục sau cưỡng chế, trước động viên sau mới dùng tòa án, bỏ qua lỗi cũ và chỉ tính tội mới, chính là để ổn định nhân tâm và dung hòa lợi ích giữa các bên, trong đó người dân cũng được lợi theo, và ta sẽ lấy quyền lợi của nhân dân làm luật pháp tối thượng.
Vì công cuộc phòng chống quốc bệnh tham nhũng vốn không thể tách rời khỏi việc cải chế, nên cần thiết phải tính toán đến những bước đi ôn hòa, tiệm tiến và có tính hiện thực khả thi về mặt chính trị, tránh trường hợp có thể gây nên tình trạng động loạn mới, dẫn đến mất kiểm soát kiểu mới. Tại đây, xin được nhắc lại bằng cách tóm tắt ý chính một số đề nghị đã nêu trong bản tuyên bố quan điểm của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hồi cuối tháng 10/2020 vừa qua, đó là việc cần phải gấp rút cải chế về đất đai và về tư pháp.
Theo chúng tôi, một trong những nội dung cải chế có tính đột phá khẩu để ổn định tình hình chính trị hiện nay và phòng chống được tham nhũng là cần khởi đầu từ việc sửa đổi chính sách sở hữu về đất đai, vì đây là một trong những trung tâm điểm của những vụ tham nhũng phổ biến gây nên tình trạng động loạn xã hội uy hiếp sự tồn tại của chế độ từ trước tới nay. Quy định "Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 2003 (Điều 5) cần được xem xét sửa chữa. Đây cũng là một ý quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong phiên họp Quốc hội ngày 10/11/2020 vừa qua, nói trúng vào thực chất vấn đề mà chúng tôi hết sức hoan nghênh ủng hộ.
Vấn đề cốt lõi thứ hai, đó là việc tiến hành cải cách tư pháp, bằng cách để cho tư pháp độc lập với chính quyền, vì hoạt động xét xử của tòa án phải công minh, đúng pháp luật, không có sự can thiệp tùy tiện của Đảng thì mới chống được nạn đặc quyền và trừ được quốc bệnh tham nhũng một cách hiệu quả. Với tình trạng thiếu tính độc lập của ngành tư pháp như trước nay, nạn tham nhũng chẳng những không bị trừng trị đích đáng theo đúng pháp luật mà còn phát triển ngày càng tăng nặng cả về số lượng lẫn quy mô vụ án. Trong khi chưa tiện nói đến đa nguyên đa đảng và tam quyền phân lập một cách rạch ròi, chúng tôi coi việc cải cách tư pháp theo hướng nêu trên như một động thái mở đầu tương đối nhẹ nhàng của quá trình cải chế, theo hướng đi từ cái cụ thể đến cái tổng quát, để dần được mở rộng thêm.
Để đảm bảo cải cách tư pháp hiệu quả, cần phát động một phong trào toàn Đảng toàn dân thực thi hiến pháp, vì chỉ có thông qua con đường thực thi đúng các điều khoản đã ghi trong hiến pháp, quốc gia mới được trị yên theo pháp luật và nhờ thế các quyền công dân mới được bảo vệ, các giá trị dân chủ mới được nảy nở, điều kiện chủ yếu để khắc phục quốc bệnh tham nhũng thúc đẩy đất nước và xã hội tiến lên.
Công việc tiếp theo là phải tu chính hiến pháp, bầu lại Quốc hội theo thể thức thật sự dân chủ (không có nạn cơ cấu, hiệp thương… như một thể thức xếp đặt sẵn trước), sửa lại một số điều luật trong những luật sẵn có, soạn thêm một vài luật mới cho phù hợp với đường hướng cải chế, đổi mới chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa lần thứ hai cũng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngoài ra, để khống chế quốc bệnh tham nhũng, chúng tôi xin đề nghị thêm một số việc cần làm, cụ thể như sau:
- Thực hiện đầy đủ và trên thực chất các quyền tự do của công dân như Hiến pháp 2013 đã ghi, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, biểu tình, lập hội... (Điều 25 Hiến pháp). Cho phép tư nhân ra báo và ra nhà xuất bản, hoạt động theo khuôn khổ của Luật Báo chí và Luật Xuất bản ; đặc biệt coi báo chí là "đệ tứ quyền", một công cụ hữu hiệu để phản biện, điều chỉnh các hành vi chính quyền, trong đó có việc phát hiện, tố cáo và bài trừ tham nhũng, như tất cả các nước văn minh đã làm rất thành công. Để cho báo chí thật sự được tự do, đề nghị sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương vào Bộ Thông tin và truyền thông, biên chế nhân sự của Ban Tuyên giáo cũng được gộp chung vào Bộ này, hình thành đội ngũ hùng hậu và chất lượng cao để tập trung lo phát triển các sự nghiệp đích thực về văn hóa (chứ không chỉ làm những việc tuyên truyền giả dối không còn ai tin như từ trước tới nay…).
- Về kinh tế, phải tiếp tục thực hiện quá trình phi quốc doanh hóa, tiến tới một nền kinh tế cơ bản là tư nhân, để mỗi tài sản đều có chủ hẳn hoi, hầu tránh được nạn ăn cắp và lãng phí.
- Giảm hẳn một số hạng mục dự án công trình thuộc loại chưa cấp bách (thà ít mà tốt !), trừ trường hợp đối với trường học, bệnh viện (đang thiếu). Trước mắt cấm tuyệt một số loại công trình vô ích như xây dựng các tượng đài, cổng chào… ở các địa phương tỉnh, huyện, xã… Việc làm này vừa để tránh nạn tham nhũng xen vào xà xẻo của công, vừa để tập trung vào quỹ lương nhằm tăng lương đáng kể cho đội ngũ cán bộ công chức từ nhân viên cấp phường xã đến chủ tịch nước... Tăng lương là một trong những giải pháp cơ bản nhất mà mọi quốc gia văn minh đều đã áp dụng để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người công chức nhà nước, góp phần hạn chế được nạn tham nhũng. Đối lại, hạn chế được quốc bệnh tham nhũng thì ngân sách nhà nước được bảo vệ, quỹ lương cũng sẽ được tăng lên, nhờ vậy mà việc tăng lương phổ biến cho cán bộ công nhân viên là có tính khả thi.
- Tùy theo tình hình thực tế cho phép, giải thể dần dưới hình thức bán lại cho tư nhân những tổ chức kinh doanh thuộc các cơ quan đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, để giữ được tính khách quan và bình đẳng giửa các thành phần kinh tế. Ngành Công an chỉ chuyên lo trật tự an ninh, ngành Quốc phòng chỉ chuyên lo Bảo vệ tổ quốc.
- Mở các đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi từ các cơ quan, trường học xuống tận tổ dân phố các phường xã trên toàn quốc về phòng chống tham nhũng.
- Giảm bớt tối đa các khẩu hiệu/bích chương/panô vô ích tốn kém, thay vào đó là khẩu hiệu "Toàn Đảng toàn dân kiên quyết phòng chống tham nhũng… dán các nơi công cộng, trong phòng làm việc thuộc các cơ quan Đảng, nhà nước.
Ngày 27 tháng 11 năm 2020
Trân trọng
Lê Thân
(Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng)
"Phe ta" là một khái niệm chính trị học mới toanh xuất phát từ dân gian đương đại, hàm ý nhắm đến giới quan chức các ngành, các địa phương và ở các cấp có mối quan hệ "tư bản thân hữu" với "phe đốt lò" – cũng là một khái niệm dân gian dành cho "người đốt lò vĩ đại" cùng những quan chức cận thần của ông.
Võ Kim Cự (phải), thủ phạm mang Fomosa vào Hà Tĩnh, người được cho là thuộc "phe ta" của Nguyễn Phú Trọng. (Hình : Getty Images)
Bất chấp chiến dịch tấn công "phe củi" thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng," hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ? Hay ông Trọng chỉ "chống tham nhũng một bên" nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta ?
Bởi tới nay vẫn còn khá nhiều dư luận cho rằng những kẻ đã phải tra tay vào còng như đại gia Trầm Bê, cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng là những người gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và do đó ông Trọng chỉ "chống tham nhũng thời kỳ trước," tức "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng," hay "chống tham nhũng một bên."
Nhưng lại có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho việc ông Trọng "chống tham nhũng cả phe ta."
Tham nhũng ‘phe ta’
Cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả ; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh và Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa ; Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là "cánh hẩu" với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Bất chấp vụ "trảm" Đinh La Thăng đã phần nào gây được tiếng vang trong công luận, lôi kéo được sự ủng hộ của một số người dân và khiến nhiều người thỏa mãn tâm lý "cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột," vẫn còn nhiều dư luận chê trách Nguyễn Phú Trọng về thái độ nể nang và thỏa hiệp của ông ta đối với giới quan chức "phe ta."
Một trong những dẫn chứng mang tính bằng chứng được dư luận trưng ra là vào cuối năm 2017, Thứ trưởng công an Lê Quý Vương đã nói thẳng với báo chí là "chống tham nhũng thời kỳ trước" – mà được dư luận hiểu là chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng" mà không phải là "thời kỳ này." Thêm một lần nữa, ông Trọng mất điểm trong con mắt đánh giá khách quan và công tâm của người dân.
‘Chống tham nhũng công bằng’ ?
Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 mới hé lộ vài dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng dường như muốn phát đi thông điệp "chống tham nhũng công bằng," thay cho "chống tham nhũng một bên" trước đây.
Tháng Ba và tháng Tư, 2018, ông Trọng chỉ đạo vụ bắt Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – cựu cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ công an, Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Bộ công an và Trung tướng Phan Hữu Tuấn – cựu tổng cục phó Tổng Cục tình báo Bộ công an, thông báo công khai ngay sau đó cho báo chí.
Cuối tháng Ba, 2018, Cục Quản lý dược, Bộ y tế có cục trưởng mới là ông Vũ Tuấn Cường, thay cho ông Trương Quốc Cường. Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường trước đó kiêm luôn chức cục trưởng Cục Quản lý dược.
Từ vài năm qua và đặc biệt trong năm 2017, Thứ Trưởng y tế Trương Quốc Cường có nhiều dấu hiệu dính trực tiếp đến đường dây nhập khẩu thuốc ung thư giả mà khiến nhiều bệnh nhân ung thư rước phải "cái chết thứ hai." Rất nhiều dư luận đòi hỏi ông Cường phải từ chức và phải bị truy tố về vụ việc quá nhẫn tâm này…
Một chi tiết đáng chú ý khác là trước khi được đề bạt lên cấp cao hơn ở Bộ y tế, ông Vũ Tuấn Cường là phó giám đốc Sở y tế Quảng Ninh. Quảng Ninh lại là "cái nôi cách mạng" của nhân vật hiện đang chấp nhiệm vai trò ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương – ông Phạm Minh Chính.
Nhưng bằng chứng hiển lộ nhất để cho thấy ông Trọng có chống tham nhũng cả "phe ta" hay không là trường hợp Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn. Vào tháng Ba, 2018, đã nổ ra vụ "Mobifone mua AVG," đặc biệt liên đới trách nhiệm của Trương Minh Tuấn – nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016. Với bản kết luận thanh tra khá rõ ràng về mối liên đới của Trương Minh Tuấn khi ký phê duyệt chủ trương mua bán giữa Mobifone mua AVG, trách nhiệm hình sự của Trương Minh Tuấn là rõ ràng không kém. Nhưng nếu Trương Minh Tuấn được cho "hạ cánh an toàn" trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho "phe ta."
Mối họa cát cứ của ‘phe ta’
Ngoài tình trạng tham nhũng chất chồng như núi trong "phe địch" lẫn "phe ta" ở Việt Nam, còn một nguồn cơn khác, không kém nguy biến, khiến Nguyễn Phú Trọng ngày càng lo lắng và tìm cách gia tăng cơ chế "kiểm soát quyền lực" đối với cả "phe ta" : Nạn cát cứ quyền lực.
Từ cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không chỉ là nạn tham nhũng hoành hành từ Bắc chí Nam, "thế lực thù địch" hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.
Vào năm 2016 và 2017, đã rộ lên phong trào "đánh nhau lớn" ở Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng và "đánh nhau nhỏ" ở nhiều tỉnh thành khác.
Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng bí thư Trọng đã phần nào "trấn" được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Những bóng ma mới đang mau chóng thay thế những bóng ma cũ. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai. Khái niệm "vua tập thể" mà cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ví von trước đây 10 năm đã trở nên quá lạc hậu. Giờ đây, quyền hành và lợi ích nhóm không còn là đặc quyền của cấp bộ chính trị mà còn ăn sâu xuống các ủy viên trung ương là người đứng đầu tỉnh thành.
Theo đà tiến công liên tục để thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm quyền lực và lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực và lợi ích cũ, cùng não trạng "kiêu ngạo cộng sản thời kỳ cuối" dẫn đến nạn kiêu binh trở về thời phong kiến dã man, một tương lai rất có thể xảy đến là sẽ xuất hiện những "lãnh chúa" tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa phương mình một "lực lượng vũ trang riêng," bao gồm vừa công an vừa quân đội.
Vào năm 2017, hiện tượng một số trạm thu phí BOT huy động lực lượng cảnh sát cơ động có cả súng ống như một cách khủng bố tinh thần lẫn trấn áp cánh lái xe phản đối tình trạng lạm thu là một minh họa điển hình cho những dấu hiệu bắt đầu manh nha "lực lượng vũ trang riêng" ở một số tỉnh thành, trong đó tiêu biểu là Đồng Nai của Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh.
Trong bối cảnh hỗn tạp tranh giành ăn uống và "phép vua thua lệ làng" như thế, chủ trương "nhất thể hóa" của ông Trọng lại đang đi vào quỹ đạo thực hiện và nhiều nhân sự cao cấp đang nhấp nhổm để tranh đoạt chiếm ghế của nhau. Khung cảnh này khiến chẳng mấy chốc, ông Trọng sẽ phải chứng kiến những "đồng chí ưu tú" mà ông đã luân chuyển và ưu ái cho nắm vai trò bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và có thể cả chủ tịch hội đồng nhân dân bị biến thái và trở thành những lãnh chúa địa phương, tạo ra một nhóm lợi ích riêng và tích tụ cả quyền lực riêng, để chỉ ngày trước ngày sau là sẽ quên phắt cái đảng "còn đảng thì còn mình," cũng quên luôn cả ai đã bổ nhiệm họ, theo một tư duy không thể thức thời hơn : không phải đảng, mà tiền mới mua được tất cả.
Đó là lý do chắc chắn để không còn cách nào khác, trong ít ra vài năm tới ông Trọng phải xử cả "phe ta" nhằm "kiểm soát quyền lực" và củng cố chế độ "trung ương tập quyền."
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 06/05/2018
Ông bà người Việt đã dạy : "nói lời thì giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay", đằng này Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chẳng những cứ nuốt như uống nước mà còn nói mãi "cái lò đã nóng lên rồi", nhưng rừng cây tham nhũng thì vẫn bạt ngàn xanh tươi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 29-11 - Ảnh: CTV
Vì vậy mà ông Trọng đã bị cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội quay như con dế trong buổi tiếp xúc ngày 29/11/2017.
Từ chuyện "tinh giản biên chế mà cứ phìn to ra mãi" cho đến "không thu được tài sản tham nhũng" và "kẻ bị kỷ luật lại được thuyên chuyển đi nơi khác an toàn" là những vấn đề cử tri chất vấn ông Trọng. Nhưng tất cả thắc mắc và than phiền lần này vẫn không mới mà chỉ được lập lại như hàng chục lần ông Trọng tiếp xúc với dân trong mấy năm qua. Điệp khúc tham nhũng quen thuộc của lãnh đạo cộng sản từ trên xuống dưới là khi nào cũng "vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi" nên năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Tại sao ? Theo cử tri thì chứng bệnh trầm kha trên bảo dưới không nghe vẫn tồn tại tự nhiên như người Hà Nội nên tình hình chống tham nhũng vẫn trơ ra như đá, hay "trên nóng dưới lạnh". Trong khi nhiều kẻ tham nhũng tuy chịu phạt nhưng tài sản tham nhũng không mất nên vẫn sẵn sàng "hy sinh đời bố để củng cố đời con", theo nhận xét của cử tri Hà Nội.
Cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (Tây Hồ) nói với ông Trọng rẳng : "Nguyên nhân sâu xa là sự tha hóa biến chất của cán bộ".. Ông yêu cầu nhà nước"cần loại bỏ nạn mua quan bán chức".
Trong khi cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ) nêu bức xúc sau khi biết kết quả thanh tra những vấn đề liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Yên Bái.
Ông nói : "Nhân dân cảm thấy không thuyết phục, ông Quý danh hiệu đảng viên vẫn còn, tài sản vẫn còn nguyên vẹn, việc kiểm tra xử lý còn chùn bước. Nhân dân chúng tôi đặt câu hỏi, trong phòng chống tham nhũng không có vùng cấm nhưng liệu còn có vùng nể, vùng tránh hay không ?" (Zing.vn, ngày 29/11/2017).
Trả lời cử tri, theo Zing.vn : " Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định các ý kiến được nêu ra đều "không cãi vào đâu được". Tham nhũng là thực trạng nghiêm trọng".
Ông nói : "Không kỳ tiếp xúc nào cử tri không nói đến và kỳ họp nào Quốc hội cũng bàn. Người dân đồng thuận, Trung ương có thế để làm.Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, đồng lòng".
Nhưng chuyện "không cãi vào đâu được" đã có từ thời ông Trọng chưa làm Tổng bí thư cơ mà. Tại sao cứ tồn tại mãi hả Bác Trọng ? Chả nhẽ ông nói như thế chỉ để cho lỗ tai dân bớt ngứa để ông có thể kéo dài thời gian đối đầu với tham nhũng mà không bị lên án nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu ?
Chẳng thế mà ông đã đẻ ra chiến thuật "chậm mà chắc", dù thật sự ông đã hết khả năng chống tham nhũng sau hơn 6 năm cầm quyền.
Ông nói : "Phòng, chống tham nhũng phải làm bài bản, chắc chắn, các đối tượng tâm phục, khẩu phục… Việc điều tra các vụ án ở lĩnh vực này cần phải nêu được chứng cứ rõ ràng, tội phạm phải chịu nhưng không vì thế mà trì hoãn, cho chìm xuồng… Đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên trì, không nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ được ổn định. Không phải thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà cốt là đánh thức người ta dậy để đừng vi phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công…. ở đường cho người ta tiến mới là thành công" (vietnamnet, 29/11/2017).
Vậy ra chống tham nhũng theo chiến thuật Nguyễn Phú Trọng là "vẽ đường cho hươu chạy", hay bắt chuột mà chớ làm vỡ bình thì chống hay che ?
Tài sản không cánh mà bay
Báo chí Việt Nam cũng đưa tin : "Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Tổng bí thư thừa nhận đang là khâu yếu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì tội phạm biết cải tà quy chính, tình nguyện trả lại tài sản sẽ được giảm hình phạt".
Ông tung mồi câu : "Cụ thể, từ đầu năm 2018, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân".
Đấy là ông Trọng kỳ vọng được như thế. Nhưng nếu căn cứ vào quá khứ thu hồi thì ông Trọng hãy nghe Phó Giám đốc Công an Thành phồ Hồ Chí Minh kiêm Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, phát hiện, chống tham nhũng không thể nói ít hay nhiều. Ông nói :
"Phát hiện thiệt hại vụ sau lớn hơn trước, do nhiều cơ chế, trong đó tài sản tích tụ của nhà nước giao cho cá nhân chịu trách nhiệm nhiều. Để xảy ra hệ quả, thường là phát hiện chậm, hành vi tham nhũng xảy ra phải đến 10 năm sau mới phát hiện, tỉ lệ thu hồi thấp, việc tẩu tán tiêu thụ đã hoàn thành".
Bài viết của vietnamnet ngày 8/3/ dẫn lời Thiếu tướng Phan Anh Minh nói rằng : "Việc kê khai tài sản là một giải pháp "ảo", không mang lại tác dụng răn đe, chỉ có tác dụng "đút ngăn kéo", còn kê khai đúng không thì không ai biết".
Ông Phan Anh Minh cho hay, có một số vụ án dù được sự đồng tình của Thường vụ Thành ủy thành phồ Hồ Chí Minh nhưng công an thành phố vẫn không tiếp cận được bản kê khai tài sản của cán bộ vi phạm. Ông nói : "Như thế bản kê khai để hộc bàn không ý nghĩa gì cả".
Bằng chứng như tại buổi điều trần trước Quốc hội ngày 28/2/2016, cả nguyên Tổng thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cho biết : "Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm".
Vì vậy, chính phủ cũng nhìn nhận bất lực trong báo cáo với Quốc hội. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thì : "Trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219 ha đất, tức là chỉ trên dưới 10% (VTC News, ngày 21/11/2017).
Lý do chỉ thu được duới 10% vì, theo bà Thủy : "Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp dịung kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ".
Bà Nguyễn Thị Thủy nói : "Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án".
Như vậy thì khi ông Trọng thừa nhận trước cư tri ngày 29/11/2017 rằng "việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đang là khâu yếu" mà không nói đến trách nhiệm của đảng và nhà nước gây ra, vì "chưa có cơ chế để xử lý" thì lỗi này không phải của ông Trọng, người có quyền lực bao trùm cao nhất thì của ai ?
Ngày cả Bộ trưởng công an Tô Lâm cũng nhìn nhận điều tra các vụ án tham nhũng rất khó, vì : "Người tham nhũng thường có quan hệ, có thủ đoạn và giỏi che giấu hành vi" (VTC News, 18/11/2017).
Trả lời cho thắc mắc tại sao nhiều vụ án khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc ? Ông Lâm đáp : "Trước hết chủ thể rất đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che dấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm nhất định.
Ngoài ra, khó khăn do việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài liên quan tới hoạt động tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, công tác giám định còn nhiều hạn chế. Có tình trạng một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định cố tình kéo dài thời gian giám định dẫn đến việc án tham nhũng không thể xử lý".
Thêm vào đó có nhiều "vụ án tham nhũng phải trả hồ sơ bổ sung", vì theo Bộ trưởng công an : "Các vụ án này thường xảy ra lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy, đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu".
Như thế là hòa cả làng. Còn chống với chế gì nữa ông Trọng ? Bởi lẽ chỉ là đảng viên và viên chức có chức có quyền mới có thể tham nhũng và ăn no béo mập. Luật phòng, chống tham nhũng cũng do đảng viết rồi trao cho Quốc hội của đảng chấp thuận thì "ai trồng khoai đất này" ?
Nhân dân chỉ có cái khố đeo thân thì có muốn tham nhũng cũng chả ma nào cho. Như vậy thì câu tuyên truyền nhảm nhí "ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác" mới được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng lập lại ngày 27/11/2017, tại buổi tiếp xúc với cử tri Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có nghĩa lý gì không ?
Tại cuộc tiếp xúc, khi nói đến quốc nạn tham nhũng, ông Thưởng cho biết : "Tham nhũng thì nước nào cũng có, nhưng ở nước ta nhiều hơn, có lẽ do việc phòng chưa tốt nên việc chống tham nhũng sẽ ngày càng được xử lý triệt để, khắc phục tình trạng nặng dưới nhẹ trên".
Tại sao lại "có lẽ do việc phòng chưa tốt" nên tham nhũng ở Việt Nam nhiều hơn nước khác ? Ở địa vị như ông Thưởng, cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng, mà còn ngại không dám nói toặc móng heo ra lý do "chưa tốt" vì tham nhũng đã nắm đầu nhiều lãnh đạo chủ chốt từ khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được nói là cha ruột của ông Thưởng, còn tại chức cơ mà ?
Giảm mà cứ tăng
Chẳng hạn như chuyện giảm biên chế, tức số viên chức, cán bộ ăn lương của dân mà nhà nước muốn cắt bớt từ chục năm nay, có làm nổi đâu !
Tài liệu chính thức phổ biến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6 liên quan đến biên chế ngày 29/11/2017 cho thấy : "Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17/4/2015) của Bộ chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người".
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương nhìn nhận : "Bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu".
Ông Chính đã đưa ra nhiều con số "lạm phát nhân viên" đến chóng mặt. Ông nói : "Cả nước có 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011 ; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7% ; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011 ; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6% ; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.
Số liệu này chưa kể quân đội và công an. Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21% ; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4% ;...
Từ năm 2011 đến năm 2015, chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên đều tăng. Năm 2014 là 704.000 tỷ ; năm 2015 : 777.000 tỷ tăng 10,3% so 2014 ; năm 2016 : 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015 ; dự toán chi năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25 so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế). Trong chi thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm 53%)".
Nhưng tại sao lại thu vào nhiều người như thế mà đảng không làm gì được ? Tại vì hầu hết là con ông cháu cha, chỗ quen thân và có ăn chia, đóng hụi với nhau giữa các nhóm lợi ích lãnh đạo nên đã nhận vào thì khó mà thải ra sợ chạm đến quyền lợi của nhau.
Vì vậy, ông Phạm Minh Chính mới nói huỵch toẹt ra : "Số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp Huyện.
Cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng".
Ông nói : "Chúng ta đang lạm phát cấp phó, đây là việc rất rõ. Mỗi bộ có từ 5-6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề".
Vì vậy mà một số thống kê cho thấy có đến trên 30 phầm trăm cán bộ, viên chức không có việc làm mà vẫn ăn lương để rủ nhau đi nhậu mỗi ngày và manh mối tư lợi thì ngân sách nào chịu cho thấu ở một nước nghèo như Việt Nam ?
Nhưng chưa hết, vẫn theo những con số phổ biến bởi ông Phạm Minh Chính thì : "Về đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số".
Nói cách khác, các quan chức cứ tự ý vẽ ra việc và xẻ thịt các huyện và xã ra nhiều mảnh để lập ra các khu vực hành chính để tuyển nhân viên lấy tiền đút túi.
Vậy mà từ bao nhiêu năm nay, tính từ thời Tổng bí thư khóa đảng VI Nguyễn Văn Linh năm 1986 cho đến thời ông Trọng, khóa XII năm 2016, tổng cộng 30 năm mà không ai làm nổi việc tinh giản biên chế và phòng, chống tham nhũng để bớt hành dân thì cái đảng cầm quyền độc tài và chuyên chế cộng sản Việt Nam có còn xứng đáng tồn tại không ?
Phạm Trần
(30/11/2017)
Sau hàng loạt vụ lùm xùm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi để cho đàn em cùng thân quyến mặc sức làm mưa làm gió, đua nhau xâu xé nền kinh tế, "ăn của dân không từ một thứ gì", Hội nghị trung ương 5 khóa XI diễn ra vào trung tuần tháng 5/2012 đã quyết nghị việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay thế vị trí Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng của một "đồng chí X" đầy tai tiếng.
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội.
Dưới sự chỉ đạo của ngài tân Trưởng ban, hoạt động của bộ máy phòng chống tham nhũng ban đầu cũng có đôi chút "khởi sắc", nhưng rồi mọi chuyện lại sớm "đâu trở về đấy". Lời khẳng định "Tham nhũng ở Việt Nam 3 năm qua ổn định" của Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại buổi tọa đàm "Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển do Thanh tra Chính phủ và UNDP tổ chức ngày 9/12/2014 ngay lập tức trở thành trò đàm tiếu của thiên hạ.
Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu thay đổi sau Đại hội XII, đặc biệt là từ khi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng (nhân vật được coi là "cánh tay phải" của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam) trở về sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9/2016.
Và sau câu phát ngôn hùng hồn "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 31/7, chiến dịch "đốt lò" do ngài Tổng bí thư phát động xem ra đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Thực tâm chống tham nhũng ?
Trong bài "Vòng luẩn quẩn hay tầm nhìn của ngài Tổng bí thư ", chúng tôi đã phân tích là nếu không cải cách chính trị, thiết lập một hệ thống thể chế tam quyền phân lập thì Việt Nam không thể nào chống được tham nhũng. Với một hệ thống vận hành dựa trên tham nhũng thì nếu không cải cách toàn diện và triệt để, cái gọi là "chống tham nhũng" chỉ là trò bịp bợm của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Điều này càng thể hiện rõ qua cái cách mà ngài Tổng bí thư chọn "củi" để tống vào "lò". Những vụ việc tai tiếng khiến công chúng bức xúc, phẫn nộ nhưFormosa Hà Tĩnh , thảm nạn BOT giao thông , VN Pharma, "biệt phủ Yên Bái"… đều không được ngài ngó ngàng đến chứ đừng nói là lên tiếng chỉ đạo giải quyết. Thậm chí, để tránh bị dư luận "hiểu nhầm", Chánh Văn phòng trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên còn phải thanh minh với báo chí, bác bỏ thông tin Tổng bí thư "có ý kiến" vụ VN Pharma. Lý do thật dễ hiểu : "tác giả" của những vụ tham nhũng, tiêu cực đó đều là đồng minh chính trị của ngài Tổng bí thư.
Với cái ô to đùng như thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mới đây quý bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn ngang ngược đến mức nhân danh Bộ Y tế phát công văn yêu cầu xử lý bác sỹ Hoàng Công Truyện, chỉ vì ông đã "dám" đăng một bài trên trang Facebook cá nhân "khuyên" Bộ trưởng Y tế nghỉ việc do yếu kém về công tác tham mưu, vấn đề an ninh ở bệnh viện.
Hai lần "ngoại lệ"
Đại hội XI Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra đầu năm 2011 khi Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, quá 2 tuổi so với giới hạn 60 tuổi cho ủy viên Bộ Chính trị mới tham gia cơ quan quyền lực tối cao lần đầu và 65 cho người tái cử. Tuy nhiên, do trúng cử Tổng bí thư nên việc quá tuổi của ông ta được xem là trường hợp "ngoại lệ".
Năm năm sau, tại Đại hội XII, mặc dù đã quá giới hạn tuổi đến 7 năm, song vì các phe phái trong đảng không tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn nhân sự Tổng bí thư nào khác ngoài Nguyễn Phú Trọng, nên một lần nữa ngài giáo sư tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng" lại được "chọn mặt gửi vàng" như một "ngoại lệ", với cam kết là sẽ chỉ tại vị trong nửa nhiệm kỳ.
Thực ra lúc đó Nguyễn Phú Trọng là giải pháp tình thếtrong một nỗ lực tập thể nhằm loại trừ Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã vạch mặt chỉ tên là "điệp viên hoàn hảo " của Trung Quốc (dù chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với tất cả những luận điểm của Luật sư Cù Huy Hà Vũ).
Mưu tính gì ?
Sau Đại hội XII, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh là hai ứng cử viên sáng giá nhất để tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư khi Nguyễn Phú Trọng chia tay khu nhà 1A Hùng Vương vào giữa nhiệm kỳ như cam kết. Và suốt một năm rưỡi, người ta cứ ngỡ cuộc đua vào ngôi vị số 1 chỉ diễn ra giữa Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh, với ưu thế nghiêng về phía ngài cựu Bộ trưởng Công an.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng im hơi lặng tiếng kể từ hồi tháng Năm, cái tên Đinh Thế Huynh xuất hiện trở lại trên truyền thông nhà nước vào ngày 1/8, khi Bộ Chính trị thông báo là ngài Thường trực Ban bí thư đang "điều trị bệnh", còn chiếc ghế của ông ta thì được tạm giao cho Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, người được coi là một Vương Kỳ Sơn của Việt Nam. Và từ đó đến nay, mọi thông tin về nhân vật đứng thứ 5 trong hệ thống phẩm trật cộng sản Việt Nam vẫn chìm trong màn bí ẩn.
Trong khi đó, kể từ khi "tái xuất" vào ngày 28/7, sau hơn một tháng biến mất một cách bí hiểm ngay giữa lúc vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin trở thành chủ đề bàn tán râm ran của công chúng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hầu nhưchỉ còn sắm vai "ông phỗng" trên sân khấu chính trị do liên quan đến cuộc đào thoát khỏi Việt Nam của viên cựu Phó chủ tịch Hậu Giang.
Hai ứng cử viên nặng ký nhất đã bị loại, còn các ứng cử viên khác thì sao ?
Xin thưa, chiến dịch "đốt lò" do Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cùng Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 lúc này đã trở thành "lưỡi gươm Damocles" sẵn sàng bổ vào đầu bất cứ kẻ nào dám cả gan thách thức quyền lực của ngài Tổng bí thư khả kính.
Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-24/10 trong bầu không khí mà nhiều nhà quan sát nhận định là không còn căng thẳng và bất đồng nội bộ, bởi Tập Cận Bình đã "xử lý" hết các đối thủ, cả công khai lần tiềm tàng, qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông ta là người vừa viết kịch bản vừa "chỉ đạo nghệ thuật" thông qua trợ thủ Vương Kỳ Sơn.
Như chúng tôi đã trình bày trong bài "Ai có thể chặn được Nguyễn Phú Trọng ?", đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là một nhân vật "thân Tàu" mà nguy hiểm hơn thế, qua cả lời nói lẫn hành động, ông ta còn cho thấy mình là một tay sai đắc lực của các ông chủ Trung Nam Hải.
Sau hai lần giành chiến thắng trong cuộc chiến giành ngôi vị tối cao như một trường hợp "ngoại lệ", việc ngài Tổng bí thư một lần nữa trở thành "ngoại lệ" tại Đại hội XIII là một khả năng không thể loại trừ, bởi với Đảng cộng sản Việt Nam thì điều gì cũng có thể xẩy ra, khi không một luật lệ nào đủ sức ràng buộc họ.
Không còn nghi ngờ gì, Nguyễn Phú Trọng đang làm tất cả những gì có thể để không chỉ bước vào Hội nghị trung ương 7 (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018) mà cả Đại hội XIII (đầu năm 2021) với vị thế của một Tập Cận Bình "made in Vietnam".
Trong bối cảnh hai ứng cử viên tiềm tàng đã bị loại, còn các đối thủ có khả năng thách thức quyền lực khác thì nơm nớp dè chừng thanh bảo kiếm mang tên "Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng", Nguyễn Phú Trọng sẽ không chỉ bảo toàn được ngôi vị số 1 của mình mà còn thoải mái xếp đặt nhân sự theo ý chỉ của Bắc Kinh.
Tóm lại, nếu không kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ lại bị cuốn vào một vòng xoáy "Hán hoá" mới ngay cả khi ngài Tổng bí thư buộc phải trở về "làm người tử tế" sau Hội nghị trung ương 7 hay sau Đại hội XIII.
Tương lai đất nước đang thực sự nhuốm màu u ám.
Nguồn : VOA, 23/10/2017
Sau phát ngôn hùng hồn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 31/7, "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy", công chúng Việt Nam dường như ngày càng nhận ra một thực tế : Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu đang mặc sức "làm mưa làm gió" trên chính trường. Và đến các vụ bắt bớ gần đây nhất tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thì có lẽ ít ai còn nghi ngờ về điều đó.
Hoàng Trung Hải (trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà độc tài sắt máu
Nếu cái "lò" của ngài Tổng bí thư kiêm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng "đốt" tất cả các loại "củi" sẵn có thì không nói làm gì.
Vấn đề ở đây là ông ta lại cố tình "né" một số loại "củi" tưởng chừng như rất "khô" và đặc biệt là đang khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ, chẳng hạn nhưthảm nạn BOT giao thông, vụ VN Pharma, hay vụ "biệt phủ Yên Bái", v.v.
Song song với các vụ bắt bớ trong chiến dịch "đốt lò" của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam là cao trào đàn áp nhằm vào những người lên tiếng vì một Việt Nam tốt đẹp hơn : sau bản án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế dành cho nhà hoạt động Trần Thúy Nga (bà mẹ của hai đứa con thơ dại) ngày 25/7 là một loạt vụ bắt bớ dồn dập (các nhà hoạt động Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Viết Dũng), chưa kể một bản án phi pháp, nặng nề dành cho cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ngày 18/9, cùng hàng loạt vụ khủng bố, sách nhiễu khác.
Đợt trấn áp giới bất đồng chính kiến lần này được xem là khốc liệt nhất trong vòng một thập niên qua.
Kết cục tất yếu
Năm năm trước, trong bài "Cái giá của tự do là sự cảnh giác thường trực", chúng tôi từng cảnh báo về nguy cơ Nguyễn Phú Trọng trở thành một nhà độc tài sau khi ông ta ngồi lên chiếc ghế Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng : "Chưa ai dám chắc là tham nhũng có bị đẩy lùi như kỳ vọng của 175 vị ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng kia hay không song điều mà có lẽ ai cũng nhìn thấy rõ là nguy cơ lạm dụng quyền lực của Tổng Bí thư kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương (một người vốn đã có quyền lực bao trùm nay lại còn được trao thêm quyền chỉ đạo trực tiếp cả lực lượng công an lẫn bộ máy tư pháp), nhất là trong bối cảnh Đảng cộng sản Việt Nam cũng như các chức danh lãnh đạo của nó từ trung ương tới địa phương không phải chịu sự điều chỉnh của bất kỳ một đạo luật cụ thể nào".
Trong bài "Hot Girl Xứ Thanh và sự kiểm soát quyền lực của cộng sản", chúng tôi đã chỉ ra rằng, khi quyền lực nhà nước cũng như các quyền lực xã hội bị Đảng Cộng sản thao túng, khống chế hoặc vô hiệu hoá, sự cạnh tranh, đấu đá giữa các phe nhóm trong đảng gần như là cơ chế hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực trong tay họ.
Sau Đại hội XII, hai đối thủ lớn nhất của Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trần Đại Quang thì hầu nhưchỉ còn sắm vai "ông phỗng" trên sân khấu chính trị kể từ khi "tái xuất" ngày 28/7, sau đúng 1 tháng 3 ngày biến mất trong màn bí ẩn giữa lúc vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin rộ lên trên báo chí Tiếng Việt cũng như truyền thông quốc tế. Trong khi đó, Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 vẫn như "lưỡi gươm Damocles" lơ lửng trên đầu Nguyễn Xuân Phúc.
Pháp luật Việt Nam vốn dĩ đã như trò hề kể từ khi cộng sản "cướp chính quyền" năm 1945 ; sự cân bằng quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng cũng bị phá vỡ sau khi hai đối thủ lớn nhất của ngài Tổng bí thư người thì bị vô hiệu hoá, người thì nơm nớp trong tình cảnh "kiến trong miệng chén".
Và giờ đây, với "bảo bối" là chiến dịch "đốt lò" cùng thanh bảo kiếm mang tên "Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng" (vốn càng thêm sắc bén sau khi ngài Tổng bí thư tự chỉ định mình vào Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương từ ngày 21/9/2016), Nguyễn Phú Trọng bỗng chốc trở thành nhà độc tài vô đối trên sân khấu chính trị Việt Nam, có thể ném vào "lò" bất kỳ "khúc củi" nào mà ngài cảm thấy không vừa mắt.
Ai có thể ngăn chặn nhà độc tài ?
Xuất thân từ một nhà lý luận bảo thủ và giáo điều, hoạn lộ thênh thang và bằng phẳng của ngài Tổng Bí thư trước hết là nhờ vào "bí quyết" : tụng niệm những tín điều cổ hủ của Marx-Lenin mọi lúc, mọi nơi. Đối với ông ta, cải cách là một khái niệm lạ lẫm ; đơn giản, thế giới quan bảo thủ cùng mớ kiến thức kinh viện Mác Lê không thể giúp ông ta làm chủ được cuộc chơi cải cách. Và để duy trì đường lối bảo thủ, việc ông ta bám chặt vào Bắc Kinh là điều tất yếu.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là Nguyễn Phú Trọng không chỉ thuần túy "thân Tàu", điều vốn dĩ đã rất nguy hiểm cho tiền đồ dân tộc. Nguy hiểm hơn thế, ông ta thậm chí còn chẳng thèm giấu giếm thân phận làm tay sai cho Tàu, qua những phát ngôn công khai của mình ("Tình hình Biển Đông không có gì mới" ; hay "[…] Trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị ‘Tây hóa’ […]", v.v.), cũng như qua việc đến tận bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, điều mà Philippines đã thực hiện và thành công.
Như chúng tôi đã phân tích trong bài "Formosa Hà Tĩnh : tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng", con đường "phản dân, hại nước" của ngài đương kim Tổng bí thư bắt đầu ít nhất kể từ khi Quốc hội khoá XII do ông ta làm Chủ tịch phê chuẩn "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế vào ngày 2/8/2007, bất chấp thực tế là ngày 7/5/2007, một số đảng viên cao cấp đã gửi Tâm Huyết Thư đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các ủy viên trung ương Đảng khác.
Tiếp theo, trước Đại hội XI vào đầu năm 2011, để chống lại một Trương Tấn Sang đang tràn trề cơ hội tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư của Nông Đức Mạnh hoặc ít nhất là thay thế vị trí của Nguyễn Tấn Dũng sau một nhiệm kỳ Thủ tướng đầy thất vọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chính thức gia nhập liên minh Hoàng Trung Hải - Nguyễn Tấn Dũng - Nông Đức Mạnh, những kẻ lúc bấy giờ đang bị tố cáo những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng từ năm 2008. Và sự che chắn của Nguyễn Phú Trọng chính là lý do khiến vụ tố cáo đến nay vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật.
Như vậy, có thể nói, Hoàng Trung Hải vừa là sức mạnh (sau lưng ông ta là Bắc Kinh) vừa là "gót chân Achilles" của Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài bức Tâm Huyết Thư nói trên, những vấn đề nhức nhối, khiến dư luận phẫn nộ tại Việt Nam suốt mấy năm qua đều chung một "tác giả" là Hoàng Trung Hải : 90% dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia cùng hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn biên giới rơi vào tay (doanh nghiệp) Trung Quốc ; đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường Formosa Hà Tĩnh ; hàng loạt vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng bị Trung Quốc chiếm lĩnh thông qua các dự án kinh tế trá hình ; quy hoạch Hà Nội bị băm nát ; hiểm hoạDiscovery Complex II tại 8B Lê Trực (Hà Nội) ; thảm nạn BOT giao thông trên cả nước, cũng như tình trạng tệ hại của hạ tầng giao thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong khi giao thông các tỉnh biên giới phía bắc phát triển rất nhanh, các hướng tấn công xâm lược của Trung Quốc năm 1979 đều đã hoặc sắp có đường cao tốc nối từ biên giới về Hà Nội ; nguy cơ ô nhiễm môi trường và an ninh năng lượng do công nghệ nhiệt điện than của Trung Quốc ; tình trạng biển Bình Thuận bị đầu độc ; vấn nạn "chảy máu khoáng sản" cũng như việc xuất khẩu than giá rẻ sang Trung Quốc, để rồi giờ lại phải nhập than giá đắt cũng từ Trung Quốc ; v.v và v.v.
Bất chấp tất cả, ngài cựu Phó Thủ tướng không những vẫn "bình chân như vại" mà còn đường hoàng bước vào Bộ Chính trị rồi được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao phó trọng trách thống lĩnh cả bộ máy dân sự và quân sự của một Hà Nội "ngàn năm văn hiến".
Tóm lại, "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải chính là tấm gương soi rọi bộ mặt buôn dân bán nước của ngài Tổng bí thư khả kính. Muốn ngăn chặn nhà độc tài sắt máu Nguyễn Phú Trọng ư ? Hãy nhằm vào "tử huyệt" Hoàng Trung Hải của ông ta !
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 05/10/2017