Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/11/2020

Quan điểm về cải cách chính trị thông qua công cuộc phòng chống tham nhũng

Lê Thân

Lời giới thiệu : Tình trạng tham nhũng ở VN tính đến nay đã trở thành trung tâm sự chú ý của tất cả mọi người dân và cũng là mối bận tâm lớn nhất của Đảng và nhà nước. Tham nhũng đã trở thành quốc bệnh quan hệ đến tồn vong của chế đô thì chống tham nhũng đương nhiên cũng phải được coi là quốc sách hàng đầu, cần đến sự nổ lực đồng bộ của toàn đảng toàn dân. Từ 20 năm nay, nhiều luật lệ, chỉ thị về phòng chống tham nhũng đã được ban hành, cùng với biết bao tiếng nói đóng góp của các vị nhân sĩ trí thức, nhưng thực tế quốc bênh tham nhũng chẳng được đẩy lùi mà còn có biểu hiện ngày càng tăng năng đến mức vô phương cứu chửa.

Tình trạng các giải pháp đã đưa ra hoặc đã thực thi đều tỏ ra vô hiệu kể cả việc "đốt lò", chúng tôi thiết tha mong muốn xã hội ổn định, nền kinh tế đất nước phát triển nhân dân được hạnh phúc, xin nêu ra sau đây một số quan điểm và giải pháp phòng chống tham nhũng bằng một lộ trình hết sức thực tế và có tính khả thi.

Những ý kiến nêu ra trong bản kiến nghị này có khả năng gây tranh luận, nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn nêu lên để rộng đường tham khảo.

Viet-studies

caicach1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh minh họa

***********************

Quan điểm về cải cách chính trị thông qua công cuộc phòng chống tham nhũng

Tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn là một thực tế hiển nhiên bất khả tranh luận mà ai ai cũng phải thừa nhận. Càng đáng ngại hơn khi kết quả của những nỗ lực chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước phát động ít nhất từ gần nửa thế kỷ nay cho thấy rất hạn chế nếu chưa muốn nói hoàn toàn vô hiệu : tham nhũng chẳng những không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ phổ biến, biểu hiện một cách tinh vi thiên hình vạn trạng vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hệ thống chính trị, dẫn đến thực tế số cán bộ tham nhũng từ trung ương đến địa phương bị phát hiện vào tù ngày càng đông đảo, không kể những trường hợp "chưa bị lộ", đã khiến cho dân chúng ban đầu càng hi vọng bao nhiêu thì về sau lại càng thất vọng bấy nhiêu, kể cả chiến dịch "đốt lò" mô phỏng theo mô hình "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc ! 

Ở nước ta cũng như tại một số nước Châu Á đang phát triển, ngoài "tham nhũng đất đai", "tham nhũng dự án" rất phổ biến và nổi trội, với những mối lợi cực kỳ hấp dẫn, còn có nạn "tham nhũng quyền lực", "tham nhũng chính trị", mua quan bán chức, điều kiện để thiểu số nhóm lợi ích thủ đắc các quyền lợi vật chất béo bở, với những khối tài sản của chìm của nổi kếch xù và có cuộc sống còn hơn cả đế vương thời phong kiến. Tình trạng này đặc biệt đúng với trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có thể chế chính trị gần giống hệt như nhau.

Trong thực tại Việt Nam, nhìn đâu cũng thấy có nạn tham nhũng, từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt, "ăn không từ một thứ gì" (lời bà nguyên phó chủ tịch nước NTD). Tình trạng ác hóa đến nỗi, có lần cố Tổng bí thư Đỗ Mười phải than : "Như hiện nay, xin đi học, hay vào bệnh viện đều phải có... tí phong bì". Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về hiện tượng thoái hóa của một số cán bộ nhà nước : "Nếu có phát hiện thì... hi sinh đời bố, củng cố đời con!"... Cho nên có thể nói, tham nhũng đã và đang trở thành tập tính của toàn thể giới cán bộ đảng viên đang nắm giữ các chức quyền ở mọi ngành hoạt động trong bộ máy Đảng-Nhà nước, diễn ra khắp các cơ quan đoàn thể từ hành chính sự nghiệp đến công an, bộ đội, tư pháp, các ngành hoạt động tri thức về văn hóa-giáo dục-y tế-xuất bản, thâm nhập cả vào trong các hội từ thiện, các chốn chùa chiền, và không loại trừ kể cả những cơ quan trung ương chuyên biệt được đặt ra để phòng chống tham nhũng, … vì thế có khả năng lan tỏa sâu rộng vào quảng đại quần chúng trở thành một hiện tượng quen thuộc hầu như có thể gọi là tập tính của xã hội người Việt.

Tham nhũng tràn lan không chỉ làm mất lòng tin của dân chúng vào các nhà đương cuộc và chế độ chính trị, mà còn làm cho nhân dân điêu đứng, dân khí bại hoại, quốc lực hao mòn, bộ máy hành chính trở nên tê liệt, mất kiểm soát và bất lực, trên bảo dưới không nghe, mọi ý đồ tốt đẹp của quốc gia về kinh tế-xã hội đều bị phá sản, dẫn tới hậu quả tình trạng phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, các tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, lừa đảo cũng gia tăng theo; đạo đức xã hội suy thoái, quan hệ giữa người và người bớt lành mạnh đi, niềm tin vào tương lai cuộc sống của dân chúng bị xói mòn đến mức gần như cạn kiệt.

Với tình trạng quốc bệnh tham nhũng trầm trọng và càng chống càng tăng như hiện nay, nước Việt Nam mà đại diện chịu trách nhiệm là bộ máy cầm quyền hiện hữu, đang giống hệt một con bệnh trầm kha tìm cách kéo dài sinh mệnh bằng thuốc để chờ ngày kết thúc sự sống khi thuốc uống đã không còn hiệu lực. Nói theo cách diễn đạt đông y, phải dùng cả thuốc "bổ" lẫn thuốc "tả", và những vị thuốc trung tính : thuốc bổ là những lời động viên học tập theo lời dạy đạo đức của lãnh tụ tiền bối, đã tỏ ra hoàn toàn vô hiệu trước một cơ địa đã rệu rã không còn khả năng tiếp nhận ; thuốc trung tính có thể ví như những đạo luật, nghị định, chỉ thị về phòng chống tham nhũng, kiểm kê tài sản hoặc những bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công nhân viên chức các cấp mà trên thực tế đã trở thành những mớ giấy lộn không thể áp dụng vì cũng không hợp cơ địa ; thuốc "tả" có tính công phạt mạnh mang nhiều độc chất để cứu mạng bệnh nhân vào giờ chót, tương đương với biện pháp bắt bớ "đốt lò" trên diện rộng, nhưng lại là con dao hai lưỡi, có khả năng dẫn người bệnh càng đi nhanh đến chỗ tử vong.

Trong cơn thập tử nhất sinh, cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc đều trở nên mất bình tĩnh, tối mắt không còn thấy con đường chữa trị hợp lý và có thể sẽ làm liều bằng cách cho thuốc ẩu, nếu so sánh với hành động chính quyền của nhà cầm quyền hiện tại thì đó chính là cách họ dùng lực lượng công an và hệ thống tòa án để trấn áp, cầm tù những người dân khiếu kiện nạn tham nhũng đất đai, như đã áp dụng trong trường hợp huy động lực lượng cả ngàn quân công an trấn áp và tiêu diệt công dân/đảng viên 84 tuổi đời 56 tuổi đảng Lê Đình Kình trong vụ án Đồng Tâm hiện vẫn còn đang gây chấn động dư luận cả trong lẫn ngoài nước. Một cái cách thô bạo chà đạp dân chủ dân quyền, đứng trên luật pháp và công luận mà người ta cho rằng chính là biểu hiện cơn giãy chết của một chế độ chính trị đang suy tàn tự đào mộ chôn mình vì nó đã dám chống lại nhân dân trong nước cùng tất cả những người yêu chuộng công bằng trên toàn thế giới.

Trên thực tế hiện nay, "đốt lò" đã tỏ ra không hiệu quả, vì muốn đốt lò bắt buộc phải dùng các lực lượng công an, thanh tra, kiểm tra, viện kiểm sát, tòa án… trong khi chính những lực lượng này do Đảng cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị chỉ đạo đứng trên luật pháp trong một nền tư pháp không độc lập lại là những ổ vi trùng tham nhũng đôi khi còn nặng hơn cả những đối tượng tham nhũng mà nó muốn tiêu diệt, biến công cuộc chống tham nhũng trở thành cái cớ hoặc để tự nâng cao uy tín cá nhân của người chỉ huy trước một đám quần chúng hãy còn hồn nhiên cả tin, hoặc để thanh trừng nội bộ trong cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt hình thành cục diện chính trị quả đầu thu tóm quyền lực vào tay một số ít người hoặc nhóm người trong giới chóp bu để chia quyền tham nhũng, điều đặc biệt lộ rõ từ Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam năm 2016 và nhất là trước thềm Đại hội XIII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau, 2021.

Chống tham nhũng luôn vướng phải cái vòng luẩn quẩn : muốn làm được hiệu quả cần phải có một chính phủ trong sạch lành mạnh, trong khi chính phủ đó đã và đang bị nghiền nát do chính bệnh tham nhũng, trở nên mất kiểm soát và thụ động bất lực. Khá đông trong thành phần cán bộ đảng viên có chức có quyền thật ra họ chẳng muốn cho tình trạng hỗn loạn về luật pháp, hành chính sớm được chấm dứt, để đục nước béo cò, trong chừng mực cho phép là Đảng và chính phủ đó của họ vẫn chưa bị sụp đổ trước khi họ còn có thể kiếm chác được, như thực tế trong vài chục năm nay đã từng chứng tỏ. Chống tham nhũng rốt cuộc vì thế chỉ trở thành khẩu hiệu suông để tuyên truyền chính trị, vì thực tế từ khi "đổi mới" năm 1986 với Đại hội Đảng VI trở đi, tham nhũng trở thành đại dịch, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, theo sự xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2019, Việt Nam đạt vị trí số 2 trong 5 quốc gia tham nhũng nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ.

Nguyên nhân chủ yếu của quốc nạn tham nhũng, người ta đã phân tích nhiều và ai cũng biết, đó là do lỗi hệ thống, trong điều kiện Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền toàn trị, triệt tiêu dân chủ.

Vì không có dân chủ nên thực tế cho thấy, công an, tòa án, quốc hội, các ban thanh tra (Đảng, Chính phủ), nhà tù… đều không chống được tham nhũng, do tất cả các định chế/tổ chức này đều một giuộc như nhau, không ai độc lập với ai, và đều nằm dưới sự kiểm soát chỉ đạo của một đảng chính trị độc quyền : Tuy Điều 4 Hiến pháp 2013 có nêu rõ "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" nhưng thực tế Đảng lại đứng trên cả nhân dân và luật pháp, làm méo mó công lý, như hàng chục vụ xét xử tham nhũng lớn đã từng chứng tỏ.

Trước tình trạng bi thảm luẩn quẩn tiến thối lưỡng nan này của đất nước, rất nhiều người bức xúc nhưng bi quan cho rằng như thế thì đã hỏng bét tuyệt đối, chống tham nhũng là "kế bất khả thi", chỉ còn cách duy nhất kiên nhẫn chịu đựng chờ cho Đảng cộng sản toàn trị ở Việt Nam sụp đổ, và nếu cứ khư khư không chịu sửa đổi thì trước sau gì nó cũng sẽ sụp đổ, vấn đề chỉ còn là thời gian. Đây là một loại ý kiến rất đáng được chú ý, không thể bỏ qua, và dường như không ít đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã mường tượng ra cái kết quả bi thảm tương tự trong tương lai, nên họ nhắc nhở nhau phải đề cao cảnh giác nguy cơ, tìm cách cứu Đảng (viết ra trong các bài báo trên Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng…, hoặc nói chuyện trong các buổi sinh hoạt cán bộ chủ chốt…), và một số người trong họ khi có điều kiện cũng đã cho con em đi học nước ngoài (dặn ở luôn bên đó đừng về…), gởi tiền ngân hàng nước ngoài, mua nhà nước ngoài, mua quốc tịch nước ngoài…, dợm chân tháo chạy một khi Đảng cộng sản thật sự sụp đổ. 

Quan điểm của chúng tôi không phủ nhận hoàn toàn loại ý kiến như vừa nêu trên, nhưng có một hướng nghĩ và niềm tin khác. Căn cứ vào thực tế lịch sử, nền chính trị và thực tiễn xã hội đặc thù Việt Nam, chúng tôi cho rằng công cuộc chống tham nhũng để mở đường cho đất nước tiến lên là còn có tính khả thi và vẫn phải do Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại thống nhất giềng mối chủ trì thực hiện, với hi vọng thành công rất lớn, và với điều kiện phải có một quyết tâm chính trị lớn tương đương, bằng con đường cải cách thể chế (gọi tắt "cải chế") theo hướng dân chủ hóa đời sống xã hội.

Trong bản tuyên bố quan điểm này, chúng tôi thấy không cần mất thì giờ đưa ra những giải pháp chống tham nhũng cụ thể, vì những giải pháp như vậy đã được bàn thảo quá đầy đủ trên báo chí, trong bài viết của các vị nhân sĩ trí thức tâm huyết, trong các cuộc hội thảo ở các cơ quan báo chí, trường đại học, viện nghiên cứu, và nhất là tại diễn đàn Quốc hội, từ suốt mấy chục năm nay, mà các nội dung cơ bản cũng đã được thể hiện phần lớn trong Luật phòng chống tham nhũng 2018, trong các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị liên quan vấn đề do Đảng-Nhà nước ban hành rồi. Vấn đề cốt lõi và có tính quyết định là làm sao phải thực hiện cho đúng những điều đã ghi trong các loại văn bản kể trên, mà chúng tôi dù có cố nghĩ thêm cũng không hơn được. Nếu cần, chúng ta có thể tham khảo thêm kinh nghiệm phòng chống tham nhũng có sẵn rất hiệu quả của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là được, và tài liệu tham khảo thì có đầy, không phải mất công kiếm đâu xa.

Tựu trung và đại khái cũng chỉ là : Những người lãnh đạo đất nước phải trong sạch, gương mẫu, bởi một lẽ đơn giản gói gọn trong chân lý bất di bất dịch "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", "Thượng chính, hạ nghiêm" ; thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ; khi phát hiện các vụ việc tham nhũng phải tập trung xử lý và xử lý nghiêm khắc, trừng trị thích đáng kẻ tham nhũng ; chống tham nhũng từ trên xuống, từ trong ra và không có vùng cấm.

Điều chúng tôi sắp trình bày thậm chí cũng không muốn lặp lại ngay cả những điều vừa ghi lại ở trên, đã quá nhàm, vì điều kiện tiên quyết thứ nhất ("thượng chính, hạ nghiêm") là đúng tuyệt đối, nhưng điều kiện tiên quyết này, chúng ta phải thừa nhận một thực tế cay đắng và đau lòng, là đất nước chúng ta, ít nhất cũng trong hiện tại, hầu như không còn có "Thượng chính" nữa rồi, sau 45 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu như đã làm dưới chế độ độc đảng toàn trị dung túng cho các phần tử đặc quyền, vốn là căn nguyên của tham nhũng. Lý do : Các nhà lãnh đạo cấp cao phần lớn tay đều đã "nhúng chàm", ở những mức độ khác nhau ; kẻ liêm chính, ngay thẳng, nhiều lý tưởng ít thủ đoạn và có đủ tài đức nếu không chịu quy ẩn nghỉ hưu sớm thì cũng không thể nào trèo lên đến vị trí chỉ huy cao có đầy đủ thực quyền ; thảng hoặc có vị nào liêm khiết được đưa vào các tổ chức chống tham nhũng thì trước sau cũng phải từ chức hoặc bị loại trừ… Một số người ban đầu rất lý tưởng muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi tham gia lâu vào bộ máy độc quyền đạt địa vị cao thì cũng trở nên biến chất thành quan tham, thụ động hoặc tích cực. Đây là một thực tế hùng hồn sinh động, mà nếu không can đảm thừa nhận, mọi giải pháp đưa ra để phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trong điều kiện độc đảng cầm quyền đều trở thành lý thuyết suông, vô vọng.

Điều nhận định như trên được nêu ra có nghĩa rằng, chúng ta tạm thời không đòi hỏi điều kiện lý tưởng phải có những nhà lãnh đạo cấp cao đều trong sạch, vì đây là điều không thể có được trong một bộ máy cầm quyền đã và đang bị thối nát gần như tột độ. Cũng có nghĩa rằng chúng ta tạm thời chấp nhận một số kẻ xấu cầm quyền không trong sạch đã được ăn no, giàu có lên nhờ tham nhũng trong hàng ngũ "tứ trụ" và trong một số cấp trung gian từ chức bộ trưởng trở xuống, miễn tất cả họ đồng loạt nhận thức ra được tình hình mới, rằng từ nay trở đi họ không chỉ phải dừng hành vi tham nhũng lại mà còn phải ra tay điều trị quốc bệnh tham nhũng, chẳng cần bằng sáng kiến gì mới mà chỉ cần bằng cách nghiêm minh thực thi những luật pháp do chính Đảng của họ đặt ra, bởi nếu không thì bản thân họ cũng sẽ bị nhân dân nguyền rủa lật đổ cùng với Đảng độc tài của họ. Người dân Việt Nam giờ đây đòi hỏi sự "cải chế" cũng do chính Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại lãnh đạo, bằng con đường dân chủ hóa đời sống xã hội, thực thi đúng những điều Hiến pháp 2013 quy định cho phép, trong đó có : Điều 4 nêu rõ "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" ; Điều 7 : "Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ bỏ phiếu kín" ; Điều 25 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"…

Một trong những giải pháp được đưa ra để chống tham nhũng từ lâu và hiện nay là kiểm kê tài sản cán bộ (mới nhất là Nghị định 130/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/10/2020), thì việc này, tuy không thể không làm, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cũng lại không khả thi và không thể được coi là giải pháp cơ bản. Bởi một lẽ đơn giản, trong điều kiện Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, bất cứ người đầy tớ nào của nhân dân trở nên giàu có cũng đều nhờ tham nhũng ít nhiều, chứ không bằng đồng lương, thể hiện dưới mọi hình thức từ tinh vi đến trắng trợn, nên bảo họ kê khai tài sản trung thực là điều hầu như không thể được. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội hồi tháng 12/2004 : "Khi đề bạt cán bộ thì bắt khai tài sản, nhưng họ rất khôn khi để cho con đứng tên, vợ đứng tên... Thành ra đặt vấn đề thu hồi tài sản bất chính là rất khó". Nguyên Phó thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng khi đó cũng nói : "Nếu bây giờ kê khai, nhiều công chức đang có sẽ hóa ra không có tài sản, vì họ đã ‘gửi’ cho cháu chắt hết rồi". 

Cho đến hiện nay, cả khi tội phạm tham nhũng bị phát hiện và đã bị đem ra xét xử trừng trị, người phạm tội bị phạt tù vài tháng hoặc vài năm, thì những quyền lợi mà dân chúng bị mất về hành vi tham nhũng do họ gây ra trên thực tế cũng không lấy lại được, nên chỉ còn lại chuyện ở tù trừ ; hoặc một số cấp dưới liên quan vụ việc đứng ra ở tù đại diện cho cấp trên để chuẩn bị cho một chiến thuật hạ cánh an toàn tập thể trong một nền tư pháp thiếu hẳn sự độc lập trong các khâu điều tra, xét xử. 

Với những tình trạng được miêu tả như trên, phải thẳng thắn nhận định rằng, nếu vẫn cứ tiếp tục bằng những biện pháp cũ truyền thống như học tập nghị quyết, cổ động nêu gương lãnh tụ, phê bình kiểm điểm, thanh tra kiểm tra, cảnh cáo kỷ luật, đình chỉ công tác, thậm chí bắt bớ bỏ tù..., nạn tham nhũng vẫn khó bị đẩy lùi, nếu như cái điều căn bản là toàn bộ hệ thống chính trị-kinh tế do đặc điểm và những khuyết tật bên trong của nó mà tệ nạn tham nhũng phát sinh, không được điều chỉnh một cách đúng mức cần thiết. 

Về sự bất lực của hệ thống, rất nhiều quan chức hiện nay đã công khai thừa nhận, như chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây khi vừa rời khỏi chính trường cũng có lần phát biểu trả lời phỏng vấn trước Quốc hội: "Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề, cần phải cải cách, chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, chống cho được tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu...".

Cùng một ý như trên nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì lại có lối nói thực tế dễ hiểu hơn : "Chỉ trừng phạt thôi thì người này đổ, người khác sẽ lên. Cơ chế nếu không thay đổi thì người mới lên sẽ... tệ không kém, thậm chí còn ‘cáo’ hơn anh trước". 

Xét bối cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam, từ hoàn cảnh chiến tranh, bao cấp, ăn độn, thiếu thốn mọi bề trong một nền kinh tế khép kín nay chuyển sang kinh tế thị trường, vậy nên hiện tượng tham nhũng-đặc quyền lan rộng trong tầng lớp cán bộ (vốn cũng là những con người bằng xương bằng thịt và biết tham lam chứ chẳng phải thánh nhân) tuy thể không phê phán và tìm cách ngăn chận nhưng cũng cần được nhìn nhận lại một cách khoan dung, nhân bản, khách quan và chân thật hơn, như một tất yếu lịch sử, và như một hiện tượng mà thực tế sinh động của đời sống không cho phép tránh khỏi, phủ nhận, chứ không phải chỉ có một mặt tiêu cực như mọi người thường nghĩ. Nói cách khác, trong điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam thời cận-hiện đại, trải qua hai đợt chiến tranh, không xuất hiện quốc bệnh tham nhũng mới là chuyện lạ !

Theo cách nhìn nhận của chúng tôi, lịch sử "trùng trùng duyên khởi", nhân này tạo ra quả nọ thành một chuỗi diễn biến liên tục và khách quan đôi khi vượt khỏi quyền kiểm soát của con người. Lũ "âm binh" được tạo ra lập được thành tích trong thời kỳ chiến tranh giờ đây được sống trong thời bình, chuyển sang kinh tế thị trường, họ đã biết đòi quyền được hưởng thụ các điều kiện vật chất, là một thực tế khách quan cận nhân tình, trong điều kiện quản lý lỏng lẻo của bộ máy nhà nước, vừa do thiếu tri thức khoa học lãnh đạo vừa có sự cố ý dung túng của Đảng cộng sản Việt Nam tập trung quyền lợi cho các đảng viên đồng chí của mình, vì thế họ khó thể không xâm phạm đến lợi ích của quần chúng nhân dân dưới dạng tham nhũng tham ô đủ kiểu. Tuy nhiên, xét cho cùng, vẫn có thể coi tài sản tích lũy do tham nhũng trong điều kiện chuyển đổi lịch sử khách quan như trên là gần giống với giai đoạn tích luỹ tư bản ban đầu bằng phương thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản man rợ (capitalisme sauvage), tuy được chiếm hữu vô kỷ luật vì không tôn trọng khế ước chung xã hội nhưng khách quan nó sẽ trở thành đồng vốn được tái đầu tư vào trong xã hội, để phát triển kinh tế, mang lại lợi ích và công ăn việc làm cho người lao động. Thời gian bóc lột man rợ của tầng lớp đặc quyền "tư sản đỏ" này ở Việt Nam đã kéo dài ít nhất 45 năm, (từ 30.4.1975), tính ra đã đủ, và như có người đã nói, người cộng sản của bên thắng cuộc "không thể cứ mài mãi lịch sử ra để mà sống" ; họ phải biết khôn và biết chỗ dừng lại đúng lúc, nếu muốn được tồn tại yên ổn, được sự chấp nhận lâu dài của người dân. Kết quả là đến lúc này, tất cả những tài sản tích luỹ được không kể nguồn gốc của bất kỳ ai, của con cháu cán bộ nhà nước hay của nhà doanh nghiệp, đều tất nhiên sẽ được phân tán trở lại vào các công trình đầu tư hợp pháp được tổ chức lại trên những nền tảng hoàn toàn mới của thể chế kinh tế-chính trị sẽ được tái cấu trúc hợp lý hơn theo hướng tư nhân hóa các hoạt động kinh tế hầu có thể xoá dần tệ nạn tham nhũng một cách căn cơ và lâu dài.

Từ những thực tế sinh động và trên cơ sở nhận thức vấn đề một cách khách quan như trên, chúng tôi mạnh dạn đề nghị thực hiện các gợi ý như sau đây, chúng tôi xin thử nêu ra chỉ với tính cách tham khảo : Đối với một số người "lỡ" đang bị ngồi tù về tội tham nhũng, cần động viên gia đình họ nộp bớt lại một phần tài sản cho quốc gia dưới hình thức nhà cửa hoặc tiền mặt để chuộc tội và để được phóng thích. Số tài sản quốc gia nhận lại được sẽ được công khai minh bạch cho dân biết, rồi giao cho một ủy ban đặc trách của chính phủ quản lý, với người đứng đầu trong sạch, từ đó phân bổ ra để cung ứng cho các chương trình thuộc an sinh xã hội phục vụ người nghèo. Đối với một số "đại gia" giàu sụ nhờ tham nhũng mà vì lý do nào đó chưa bị xử án vào tù, cũng sẽ không truy tố mà áp dụng biện pháp động viên tương tự, tạo điều kiện để họ dùng tiền vào công việc từ thiện, cấp học bổng cho học sinh nghèo, hoặc tài trợ, đầu tư cho các công trình phúc lợi như xây cất bệnh viện, trường học, cầu cống, chùa chiền, trại nuôi trẻ mồ côi… Các loại đối tượng này, mặc dù không truy tố nhưng vẫn phải nắm. hồ sơ lý lịch tham nhũng của họ; trong thời gian nhất định, cấm họ không được ra nước ngoài định cư để giữ lại nguồn tiền tiêu dùng và nguồn vốn đầu tư trong nước ; nếu họ không "cải hóa tự tân" hướng thiện, tiếp tục vi phạm luật pháp để trục lợi bất chính, lúc đó sẽ ra tay trừng trị nặng theo đúng luật mới dành cho tội phạm tham nhũng, cũng chưa muộn.

Do hoàn cảnh đặc biệt riêng của mỗi nước, chúng ta nhất định không rập khuôn theo phương châm "đả hổ diệt ruồi" kiểu Trung Quốc, mà áp dụng chính sách nhân hậu "tiên lễ hậu binh", trước thuyết phục sau cưỡng chế, trước động viên sau mới dùng tòa án, bỏ qua lỗi cũ và chỉ tính tội mới, chính là để ổn định nhân tâm và dung hòa lợi ích giữa các bên, trong đó người dân cũng được lợi theo, và ta sẽ lấy quyền lợi của nhân dân làm luật pháp tối thượng. 

Vì công cuộc phòng chống quốc bệnh tham nhũng vốn không thể tách rời khỏi việc cải chế, nên cần thiết phải tính toán đến những bước đi ôn hòa, tiệm tiến và có tính hiện thực khả thi về mặt chính trị, tránh trường hợp có thể gây nên tình trạng động loạn mới, dẫn đến mất kiểm soát kiểu mới. Tại đây, xin được nhắc lại bằng cách tóm tắt ý chính một số đề nghị đã nêu trong bản tuyên bố quan điểm của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hồi cuối tháng 10/2020 vừa qua, đó là việc cần phải gấp rút cải chế về đất đai và về tư pháp.

Theo chúng tôi, một trong những nội dung cải chế có tính đột phá khẩu để ổn định tình hình chính trị hiện nay và phòng chống được tham nhũng là cần khởi đầu từ việc sửa đổi chính sách sở hữu về đất đai, vì đây là một trong những trung tâm điểm của những vụ tham nhũng phổ biến gây nên tình trạng động loạn xã hội uy hiếp sự tồn tại của chế độ từ trước tới nay. Quy định "Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 2003 (Điều 5) cần được xem xét sửa chữa. Đây cũng là một ý quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong phiên họp Quốc hội ngày 10/11/2020 vừa qua, nói trúng vào thực chất vấn đề mà chúng tôi hết sức hoan nghênh ủng hộ.

Vấn đề cốt lõi thứ hai, đó là việc tiến hành cải cách tư pháp, bằng cách để cho tư pháp độc lập với chính quyền, vì hoạt động xét xử của tòa án phải công minh, đúng pháp luật, không có sự can thiệp tùy tiện của Đảng thì mới chống được nạn đặc quyền và trừ được quốc bệnh tham nhũng một cách hiệu quả. Với tình trạng thiếu tính độc lập của ngành tư pháp như trước nay, nạn tham nhũng chẳng những không bị trừng trị đích đáng theo đúng pháp luật mà còn phát triển ngày càng tăng nặng cả về số lượng lẫn quy mô vụ án. Trong khi chưa tiện nói đến đa nguyên đa đảng và tam quyền phân lập một cách rạch ròi, chúng tôi coi việc cải cách tư pháp theo hướng nêu trên như một động thái mở đầu tương đối nhẹ nhàng của quá trình cải chế, theo hướng đi từ cái cụ thể đến cái tổng quát, để dần được mở rộng thêm. 

Để đảm bảo cải cách tư pháp hiệu quả, cần phát động một phong trào toàn Đảng toàn dân thực thi hiến pháp, vì chỉ có thông qua con đường thực thi đúng các điều khoản đã ghi trong hiến pháp, quốc gia mới được trị yên theo pháp luật và nhờ thế các quyền công dân mới được bảo vệ, các giá trị dân chủ mới được nảy nở, điều kiện chủ yếu để khắc phục quốc bệnh tham nhũng thúc đẩy đất nước và xã hội tiến lên.

Công việc tiếp theo là phải tu chính hiến pháp, bầu lại Quốc hội theo thể thức thật sự dân chủ (không có nạn cơ cấu, hiệp thương… như một thể thức xếp đặt sẵn trước), sửa lại một số điều luật trong những luật sẵn có, soạn thêm một vài luật mới cho phù hợp với đường hướng cải chế, đổi mới chủ nghĩa xã hội, thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa lần thứ hai cũng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ngoài ra, để khống chế quốc bệnh tham nhũng, chúng tôi xin đề nghị thêm một số việc cần làm, cụ thể như sau:

- Thực hiện đầy đủ và trên thực chất các quyền tự do của công dân như Hiến pháp 2013 đã ghi, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, biểu tình, lập hội... (Điều 25 Hiến pháp). Cho phép tư nhân ra báo và ra nhà xuất bản, hoạt động theo khuôn khổ của Luật Báo chí và Luật Xuất bản ; đặc biệt coi báo chí là "đệ tứ quyền", một công cụ hữu hiệu để phản biện, điều chỉnh các hành vi chính quyền, trong đó có việc phát hiện, tố cáo và bài trừ tham nhũng, như tất cả các nước văn minh đã làm rất thành công. Để cho báo chí thật sự được tự do, đề nghị sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương vào Bộ Thông tin và truyền thông, biên chế nhân sự của Ban Tuyên giáo cũng được gộp chung vào Bộ này, hình thành đội ngũ hùng hậu và chất lượng cao để tập trung lo phát triển các sự nghiệp đích thực về văn hóa (chứ không chỉ làm những việc tuyên truyền giả dối không còn ai tin như từ trước tới nay…).

- Về kinh tế, phải tiếp tục thực hiện quá trình phi quốc doanh hóa, tiến tới một nền kinh tế cơ bản là tư nhân, để mỗi tài sản đều có chủ hẳn hoi, hầu tránh được nạn ăn cắp và lãng phí.

- Giảm hẳn một số hạng mục dự án công trình thuộc loại chưa cấp bách (thà ít mà tốt !), trừ trường hợp đối với trường học, bệnh viện (đang thiếu). Trước mắt cấm tuyệt một số loại công trình vô ích như xây dựng các tượng đài, cổng chào… ở các địa phương tỉnh, huyện, xã… Việc làm này vừa để tránh nạn tham nhũng xen vào xà xẻo của công, vừa để tập trung vào quỹ lương nhằm tăng lương đáng kể cho đội ngũ cán bộ công chức từ nhân viên cấp phường xã đến chủ tịch nước... Tăng lương là một trong những giải pháp cơ bản nhất mà mọi quốc gia văn minh đều đã áp dụng để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người công chức nhà nước, góp phần hạn chế được nạn tham nhũng. Đối lại, hạn chế được quốc bệnh tham nhũng thì ngân sách nhà nước được bảo vệ, quỹ lương cũng sẽ được tăng lên, nhờ vậy mà việc tăng lương phổ biến cho cán bộ công nhân viên là có tính khả thi.

- Tùy theo tình hình thực tế cho phép, giải thể dần dưới hình thức bán lại cho tư nhân những tổ chức kinh doanh thuộc các cơ quan đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, để giữ được tính khách quan và bình đẳng giửa các thành phần kinh tế. Ngành Công an chỉ chuyên lo trật tự an ninh, ngành Quốc phòng chỉ chuyên lo Bảo vệ tổ quốc.

- Mở các đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi từ các cơ quan, trường học xuống tận tổ dân phố các phường xã trên toàn quốc về phòng chống tham nhũng.

- Giảm bớt tối đa các khẩu hiệu/bích chương/panô vô ích tốn kém, thay vào đó là khẩu hiệu "Toàn Đảng toàn dân kiên quyết phòng chống tham nhũng… dán các nơi công cộng, trong phòng làm việc thuộc các cơ quan Đảng, nhà nước.

Ngày 27 tháng 11 năm 2020

Trân trọng

Lê Thân

(Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Thân
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)