Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/11/2020

Nhìn lại RCEP : Những ẩn ý với Mỹ và Việt Nam

Nguyễn Quang Dy

Tám năm qua, RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership-Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) là ván cờ của Trung Quốc để đối trọng lại TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement-Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), nay là CPTPP (Comprehensive Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership-Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) do Mỹ cầm đầu. Việc Donald Trump rời bỏ TPP vào đầu năm 2017 là cơ hội vàng cho Trung Quốc. Mấy tháng qua, Mỹ và thế giới đã bị lôi cuốn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ quá nhiều nên sao nhãng các vấn đề khác, trong đó có Hiệp định RCEP.

rcep1

Sơ đồ những quốc gia gia nhập CPTPP và RCEP

Khi Trump và Biden tranh giành quyết liệt để xác định ai là chủ Nhà Trắng thì đó là thời điểm không thể tốt hơn để Trung Quốc thúc đẩy việc ký kết RCEP tại Hà Nội ngày 15/11. Trong khi Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán RCEP năm ngoái vì lý do riêng thì 10 nước ASEAN và 5 đối tác Thái Bình Dương (Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, và New Zealand) không thể cưỡng lại RCEP vì tổn thương do đại dịch.

Thời điểm này là tốt nhất cho Trung Quốc vì họ đang rất cần RCEP để xoay chuyển tình thế với Mỹ. Nhiều nước vẫn còn giận Bắc Kinh đã che giấu khi đại dịch bắt đầu bùng phát và tiếp tục đòi chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc đã đỡ đầu cho RCEP và được ASEAN và các đối tác khu vực tham gia, nên đây là thắng lợi lớn của Bắc Kinh về tuyên truyền.

rcep2

Sơ đồ những quốc gia ASEAN tham gia vào RCRP và CPTPP

Các nước RCEP chiếm 30% dân số và 29% GDP của thế giới. Vì RCEP còn lớn hơn cả Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada và Mỹ-EU cộng lại, nên rõ ràng Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ RCEP, nhất là khi họ theo đuổi chiến lược "hai thị trường song hành" gồm thị trường trong nước và khu vực. Tuy một số nước ASEAN và đối tác cũng có lợi khi tham gia RCEP vì suy thoái do đại dịch, nhưng Việt Nam là câu chuyện khác.

Việc ký RCEP làm nhiều người Việt bất ngờ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan "lo nhiều hơn vui" vì RCEP sẽ làm Việt Nam càng lệ thuộc vào Trung Quốc trong khi lẽ ra phải đa dạng hóa nguồn đầu tư bằng tăng cường hợp tác với các nước khác thông qua CPTPP và EVFTA. Vũ Quang Việt (cựu chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc) lo ngại RCEP với các tiêu chí thấp về môi trường và bảo vệ lao động sẽ làm cho Việt Nam càng tụt hậu.

RCEP là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên mà Trung Quốc ký nhằm loại Mỹ khỏi khu vực. Trung Quốc đang lấp lỗ trống quyền lực mà Mỹ để lại sau khi bỏ rơi TPP, nhưng chưa rõ liệu Mỹ có muốn tái gia nhập CPTPP hay không. Dù thế nào đi nữa, Việt Nam vẫn mắc kẹt vào tranh chấp Mỹ-Trung ở khu vực. RCEP gửi đi một thông điệp về kinh tế và ngoại giao rằng đây là "biến số lớn đối với Trung Quốc".

Những ẩn ý với Mỹ và Việt Nam  

Trung Quốc là nước có lợi nhất vì RCEP, nên hiệp định này là một thắng lợi quan trọng về địa chính trị đối với Bắc Kinh, góp phần biến "giấc mơ Châu Á" của Tập Cận Bình thành hiện thực. Một khi RCEP đã thành "chuyện đã rồi" thì các nước ASEAN không thể chống lại Trung Quốc, nhất là khi Mỹ không sẵn sàng bảo vệ họ. Các nhà phân tích cho rằng RCEP là "tiếng chuông cảnh tỉnh" và là thách thức mới đối với Washington khi họ định "tách rời" (decoupling) về kinh tế với Trung Quốc và lập "mặt trận thống nhất" ở khu vực để chống lại nước này.

Trong hai tháng tới, quan hệ Mỹ-Trung mà Joe Biden tiếp quản từ Donald Trump có khả năng còn xấu hơn nữa vì Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mới và trói tay chính quyền Biden. Biden khó lòng thay đổi các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Trung Quốc của Trump, nên trở ngại lớn nhất để ổn định quan hệ Mỹ-Trung là chiến tranh thương mại, vì vậy Mỹ cần một thỏa thuận toàn diện mới cho giai đoạn hai.

Theo Derek Grossman (chuyên gia phân tích chiến lược tại RAND), "Việt Nam là một nhân tố tuyệt vời bổ sung cho Bộ tứ Mở rộng để đối phó với Trung Quốc. Việc mở rộng Bộ tứ bao gồm một nước Đông Nam Á sẽ làm suy yếu lập luận của Bắc Kinh cho rằng Bộ tứ chỉ là một nhóm nước ngoài khu vực để ngăn chặn Trung Quốc". Nếu không có bất ngờ, Biden chắc sẽ tăng cường ủng hộ Bộ tứ và Bộ tứ Mở rộng, bao gồm các cuộc tập trận hợp đồng chiến đấu không chỉ có Úc, Ấn Độ, Nhật Bản mà còn gồm các nước khác như Việt Nam.

Kent Calder (giám đốc Trung Tâm CEAS tại Johns Hopkins) tin rằng Biden sẽ tăng cường quan hệ với Việt Nam và ủng hộ ý tưởng "Bộ tứ Mở rộng" vì tầm nhìn Indo-Pacific, và sẽ bao gồm cả hợp tác an ninh hàng hải. Để tăng cường hợp tác thương mại đa phương, sẽ có nhiều công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc.

Theo giáo sư Carl Thayer (University of New South Wales), "Các lợi ích cơ bản của Mỹ sẽ không thay đổi khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46".  RCEP sẽ là động lực mới để Washington xây dựng lại quan hệ đồng minh, vì ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên khi họ dùng hiệp định kinh tế đầy hứa hẹn này để đẩy Mỹ ra rìa. RCEP có thể trở thành công cụ để Bắc Kinh xây dựng trật tự kinh tế mới ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Viện Gallup, "79% người Mỹ cho rằng thương mại là cơ hội để phát triển" (tăng từ 45% cách đây một thập kỷ). Theo Lowy Institute, "75% người Úc phản đối Trump rút khỏi TPP. Nay RCEP đã được ký, Mỹ cần một kế hoạch mới về thương mại và đầu tư, nhưng vẫn chưa rõ liệu khi nào Biden có thể vận động chấp thuận một TPP sửa đổi. Nhiều người vẫn hoài nghi chừng nào chưa thấy Mỹ có nguồn lực bổ sung cho lời nói. Nếu Trung Quốc tiếp tục "làm nhiều hơn với nguồn lực lớn hơn", thì Mỹ không thể "làm nhiều hơn với ít hơn".

Andrew Scobell (tác giả cuốn "Đại Chiến lược của Trung Quốc" do RAND xuất bản) nhận xét :  "Nói thẳng ra, Mỹ là bên thua cuộc. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh để Mỹ chú trọng hơn đến khu vực Indo-Pacific, và tham gia vào lĩnh vực hợp tác kinh tế. RCEP là một ví dụ điển hình về "củ cà rốt" mà Trung Quốc dành cho các nước láng giềng ASEAN. Eswar Prasad (chuyên gia kinh tế tại đại học Cornell) nói "hiệp định thương mại này sẽ buộc chặt vận mệnh kinh tế các nước thành viên vào Trung Quốc, và qua thời gian sẽ theo quỹ đạo Trung Quốc.

Trở về tương lai, lần nữa  

Để đáp lại RCEP, Joe Biden nói "Chúng ta chiếm 25% thương mại và kinh tế thế giới. Chúng ta cần liên kết với các nền dân chủ khác – 25% nữa hoặc nhiều hơn – để có thể quyết định luật chơi cho thương mại. Nếu không thì Trung Quốc và các nước khác sẽ quyết định kết cục vì đó là trò chơi duy nhất". Tuy Biden không nói cụ thể là Mỹ có định tái nhập TPP hay không, nhưng ông gợi ý, "Tôi hứa là sẽ có một kế hoạch cụ thể để công bố ngày 21/1".

Anthony Blinken (ngoại trưởng dự kiến của chính quyền Biden) cam kết chính quyền mới "sẽ có mặt và cộng tác với ASEAN về các vấn đề thiết yếu mà hai hai bên cùng quan tâm". Theo Michèle Flournoy (có thể trở thành bộ trưởng quốc phòng), "Washington vẫn chưa thực hiện lời hứa xoay trục sang Châu Á".  Nay Biden có "cơ hội" để điều chỉnh xu thế mới ở Châu Á. Washington cần đối ngoại khéo léo để tăng cường hợp tác khu vực và cơ chế an ninh như "Bộ tứ".

Tuy không gọi chiến lược Châu Á của Biden là "Xoay trục 2.0", nhưng người Châu Á vẫn nghĩ vậy. Hầu hết các đồng minh và đối tác đều lo ngại : một là liệu Mỹ có quá quan tâm đến các ưu tiên trong nước mà sao nhãng các vấn đề khu vực ; hai là liệu Mỹ có thể tăng cường đầu tư và thương mại ở khu vực hay không ; và ba là liệu Mỹ có thể răn đe Trung Quốc và trấn an đồng minh hay đối tác khu vực với nguồn lực hạn chế hay không ?

Đại sứ Úc John McCarthy cũng khuyên, "nếu Mỹ muốn quản trị hiệu quả các tác động tiêu cực của Trung Quốc trỗi dậy thì họ phải chú trọng đến khu vực Đông Nam Á". Một là Biden cần có mặt tại các cuộc gặp cấp cao của khu vực. Hai là vì Trump đã rút khỏi TPP, Biden phải sửa lại quyết định này. Ba là Mỹ cần điều chỉnh chính sách với các nước Đông Nam Á. Bốn là Mỹ phải cân bằng giữa việc đáp ứng các yêu cầu về an ninh và kinh tế với đòi hỏi phải có một chính sách ngoại giao dựa trên các giá trị.

Hiện nay có ba nhân tố đang tác động tiêu cực đến Mỹ. Một là nhiều người Châu Á cho rằng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Mỹ đang suy giảm. Hai là thấy Mỹ đang quay vào trong nước và hoài nghi các giá trị chung. Ba là lo ngại về chủ nghĩa Trump và tâm trạng "nước Mỹ trên hết". Việc giải quyết các nhân tố đó là thiết yếu để chính quyền Biden răn đe đối phương, trấn an đồng minh và đối tác về năng lực, cam kết, và độ tin cậy của Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien đến thăm Việt Nam vào phút chót (30/10 và 20/11) trước khi nhóm chuyển giao của Biden bắt đầu làm việc (24/11). Theo tin báo chí, Robert O’Brien đã khuyên lãnh đạo Việt Nam chặn hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc trung chuyển qua Việt Nam, và nhập thêm hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại (55,7 tỷ USD năm 2019 so với39,4 tỷ USD năm 2018). Chính quyền Biden cũng có thể cứng rắn như chính quyền Trump về cáo buộc thao túng tiền tệ và gian lận thương mại. Tuy Hà Nội muốn trao đổi với nhóm của Biden nhưng không muốn làm Trump mất lòng, nên chắc sẽ phải cẩn trọng trong hai tháng tới.

Hai chuyến thăm vào phút chót của các quan chức Mỹ nhằm định vị di sản của Trump về tầm nhìn Indo-Pacific, và biến nó thành "chuyện đã rồi" đối với chính quyền Biden. Đó có thể là lý do làm Hà Nội chưa chúc mừng Joe Biden. Trong khi Robert O’Brien nhấn mạnh đến "nguy cơ kép ở Biển Đông và sông Mekong", ông đã khẳng định với Hà Nội là Mỹ sẽ chống lại các hành động cưỡng chế và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông và đe dọa ở lưu vực sông Mekong, với cam kết của Mỹ trong "Bộ tứ" mà Mỹ muốn Việt Nam tham gia.

Năm 2020 là bước ngoặt đặc biệt đối với nhiều nước khi bị lúng túng tại ngã ba đường. Dù ai lên cầm quyền ở Washington hay Hà Nội thì tương lai vẫn còn bất định, và trò chơi chính trị vẫn còn bấp bênh, làm hầu hết các nước phải đặt cược vào ván cờ thế.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quang Dy
Read 1052 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)