Sau hàng loạt vụ lùm xùm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi để cho đàn em cùng thân quyến mặc sức làm mưa làm gió, đua nhau xâu xé nền kinh tế, "ăn của dân không từ một thứ gì", Hội nghị trung ương 5 khóa XI diễn ra vào trung tuần tháng 5/2012 đã quyết nghị việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay thế vị trí Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng của một "đồng chí X" đầy tai tiếng.
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội.
Dưới sự chỉ đạo của ngài tân Trưởng ban, hoạt động của bộ máy phòng chống tham nhũng ban đầu cũng có đôi chút "khởi sắc", nhưng rồi mọi chuyện lại sớm "đâu trở về đấy". Lời khẳng định "Tham nhũng ở Việt Nam 3 năm qua ổn định" của Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại buổi tọa đàm "Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển do Thanh tra Chính phủ và UNDP tổ chức ngày 9/12/2014 ngay lập tức trở thành trò đàm tiếu của thiên hạ.
Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu thay đổi sau Đại hội XII, đặc biệt là từ khi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng (nhân vật được coi là "cánh tay phải" của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam) trở về sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9/2016.
Và sau câu phát ngôn hùng hồn "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 31/7, chiến dịch "đốt lò" do ngài Tổng bí thư phát động xem ra đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Thực tâm chống tham nhũng ?
Trong bài "Vòng luẩn quẩn hay tầm nhìn của ngài Tổng bí thư ", chúng tôi đã phân tích là nếu không cải cách chính trị, thiết lập một hệ thống thể chế tam quyền phân lập thì Việt Nam không thể nào chống được tham nhũng. Với một hệ thống vận hành dựa trên tham nhũng thì nếu không cải cách toàn diện và triệt để, cái gọi là "chống tham nhũng" chỉ là trò bịp bợm của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Điều này càng thể hiện rõ qua cái cách mà ngài Tổng bí thư chọn "củi" để tống vào "lò". Những vụ việc tai tiếng khiến công chúng bức xúc, phẫn nộ nhưFormosa Hà Tĩnh , thảm nạn BOT giao thông , VN Pharma, "biệt phủ Yên Bái"… đều không được ngài ngó ngàng đến chứ đừng nói là lên tiếng chỉ đạo giải quyết. Thậm chí, để tránh bị dư luận "hiểu nhầm", Chánh Văn phòng trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên còn phải thanh minh với báo chí, bác bỏ thông tin Tổng bí thư "có ý kiến" vụ VN Pharma. Lý do thật dễ hiểu : "tác giả" của những vụ tham nhũng, tiêu cực đó đều là đồng minh chính trị của ngài Tổng bí thư.
Với cái ô to đùng như thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mới đây quý bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn ngang ngược đến mức nhân danh Bộ Y tế phát công văn yêu cầu xử lý bác sỹ Hoàng Công Truyện, chỉ vì ông đã "dám" đăng một bài trên trang Facebook cá nhân "khuyên" Bộ trưởng Y tế nghỉ việc do yếu kém về công tác tham mưu, vấn đề an ninh ở bệnh viện.
Hai lần "ngoại lệ"
Đại hội XI Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra đầu năm 2011 khi Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, quá 2 tuổi so với giới hạn 60 tuổi cho ủy viên Bộ Chính trị mới tham gia cơ quan quyền lực tối cao lần đầu và 65 cho người tái cử. Tuy nhiên, do trúng cử Tổng bí thư nên việc quá tuổi của ông ta được xem là trường hợp "ngoại lệ".
Năm năm sau, tại Đại hội XII, mặc dù đã quá giới hạn tuổi đến 7 năm, song vì các phe phái trong đảng không tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn nhân sự Tổng bí thư nào khác ngoài Nguyễn Phú Trọng, nên một lần nữa ngài giáo sư tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng đảng" lại được "chọn mặt gửi vàng" như một "ngoại lệ", với cam kết là sẽ chỉ tại vị trong nửa nhiệm kỳ.
Thực ra lúc đó Nguyễn Phú Trọng là giải pháp tình thếtrong một nỗ lực tập thể nhằm loại trừ Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã vạch mặt chỉ tên là "điệp viên hoàn hảo " của Trung Quốc (dù chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với tất cả những luận điểm của Luật sư Cù Huy Hà Vũ).
Mưu tính gì ?
Sau Đại hội XII, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh là hai ứng cử viên sáng giá nhất để tiếp quản chiếc ghế Tổng bí thư khi Nguyễn Phú Trọng chia tay khu nhà 1A Hùng Vương vào giữa nhiệm kỳ như cam kết. Và suốt một năm rưỡi, người ta cứ ngỡ cuộc đua vào ngôi vị số 1 chỉ diễn ra giữa Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh, với ưu thế nghiêng về phía ngài cựu Bộ trưởng Công an.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng im hơi lặng tiếng kể từ hồi tháng Năm, cái tên Đinh Thế Huynh xuất hiện trở lại trên truyền thông nhà nước vào ngày 1/8, khi Bộ Chính trị thông báo là ngài Thường trực Ban bí thư đang "điều trị bệnh", còn chiếc ghế của ông ta thì được tạm giao cho Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, người được coi là một Vương Kỳ Sơn của Việt Nam. Và từ đó đến nay, mọi thông tin về nhân vật đứng thứ 5 trong hệ thống phẩm trật cộng sản Việt Nam vẫn chìm trong màn bí ẩn.
Trong khi đó, kể từ khi "tái xuất" vào ngày 28/7, sau hơn một tháng biến mất một cách bí hiểm ngay giữa lúc vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin trở thành chủ đề bàn tán râm ran của công chúng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hầu nhưchỉ còn sắm vai "ông phỗng" trên sân khấu chính trị do liên quan đến cuộc đào thoát khỏi Việt Nam của viên cựu Phó chủ tịch Hậu Giang.
Hai ứng cử viên nặng ký nhất đã bị loại, còn các ứng cử viên khác thì sao ?
Xin thưa, chiến dịch "đốt lò" do Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cùng Quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của 1.000 cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 lúc này đã trở thành "lưỡi gươm Damocles" sẵn sàng bổ vào đầu bất cứ kẻ nào dám cả gan thách thức quyền lực của ngài Tổng bí thư khả kính.
Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-24/10 trong bầu không khí mà nhiều nhà quan sát nhận định là không còn căng thẳng và bất đồng nội bộ, bởi Tập Cận Bình đã "xử lý" hết các đối thủ, cả công khai lần tiềm tàng, qua chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông ta là người vừa viết kịch bản vừa "chỉ đạo nghệ thuật" thông qua trợ thủ Vương Kỳ Sơn.
Như chúng tôi đã trình bày trong bài "Ai có thể chặn được Nguyễn Phú Trọng ?", đương kim Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là một nhân vật "thân Tàu" mà nguy hiểm hơn thế, qua cả lời nói lẫn hành động, ông ta còn cho thấy mình là một tay sai đắc lực của các ông chủ Trung Nam Hải.
Sau hai lần giành chiến thắng trong cuộc chiến giành ngôi vị tối cao như một trường hợp "ngoại lệ", việc ngài Tổng bí thư một lần nữa trở thành "ngoại lệ" tại Đại hội XIII là một khả năng không thể loại trừ, bởi với Đảng cộng sản Việt Nam thì điều gì cũng có thể xẩy ra, khi không một luật lệ nào đủ sức ràng buộc họ.
Không còn nghi ngờ gì, Nguyễn Phú Trọng đang làm tất cả những gì có thể để không chỉ bước vào Hội nghị trung ương 7 (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018) mà cả Đại hội XIII (đầu năm 2021) với vị thế của một Tập Cận Bình "made in Vietnam".
Trong bối cảnh hai ứng cử viên tiềm tàng đã bị loại, còn các đối thủ có khả năng thách thức quyền lực khác thì nơm nớp dè chừng thanh bảo kiếm mang tên "Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng", Nguyễn Phú Trọng sẽ không chỉ bảo toàn được ngôi vị số 1 của mình mà còn thoải mái xếp đặt nhân sự theo ý chỉ của Bắc Kinh.
Tóm lại, nếu không kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ lại bị cuốn vào một vòng xoáy "Hán hoá" mới ngay cả khi ngài Tổng bí thư buộc phải trở về "làm người tử tế" sau Hội nghị trung ương 7 hay sau Đại hội XIII.
Tương lai đất nước đang thực sự nhuốm màu u ám.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 23/10/2017