Hai điểm quan trọng nổi bật mà quan hệ Mỹ - Việt đạt được qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken
Có hai điểm quan trọng mà quan hệ bang giao Mỹ - Việt đạt được qua chuyến thăm tới Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (14-16/3/2023), theo một nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao Mỹ - Việt từ Đại học Leiden, Hà Lan.
AFP
"Thứ nhất là nó nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối với Việt Nam và Mỹ cho dài hạn. Và điều này chúng ta thấy rất rõ là Mỹ đang thực hiện quá trình xây dựng một Tòa Đại sứ quán mà sẽ có hơn nghìn người Mỹ làm ở đó. Điều đó phản ánh một mối quan hệ toàn diện và đa lĩnh vực, điều đó rất là rõ"- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jonathan London, học giả người Mỹ nêu nhận định hôm 18/4/2023.
"Thứ hai là mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đối với vấn đề ở Biển Đông cũng rất là rõ nét. Đó là Mỹ và Việt Nam có một điều rất thú vị là chưa có hai đất nước nào mà có vấn đề cụ thể về an ninh trong khu vực Đông Nam Á gần hơn với Mỹ và Việt Nam. Bởi vì lãnh đạo của cả hai nước này đều nhấn mạnh phải có một trật tự trong khu vực mà tuân theo luật pháp quốc tế về biển".
Điều này theo ông Jonathan London đã đáp ứng yêu cầu của một mối quan hệ song phương lâu dài và củng cố tình hình an ninh và trật tự trên Biển Đông, một vấn đề có tầm quan trọng cho hai bên.
Theo học giả này người Mỹ này, việc Ngoại trưởng Mỹ tiếp xúc với hai trong số bốn nhà lãnh đạo quan trọng nằm trong "tứ trụ" của Việt Nam, mà trong đó có gặp người lãnh đạo Đảng cộng sản bên cạnh người đứng đầu Chính phủ, cho thấy một mô hình bình thường hóa quan hệ được định hình trong tiếp xúc, trao đổi cấp cao song phương.
Ông Jonathan London nói : "Việc Antony Blinken không chỉ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà cũng gặp ông Nguyễn Phú Trọng nói đến quá trình bình thường hóa việc chính khách cấp cao của Mỹ gặp trực tiếp Tổng Bí thư Đảng cộng sản. Như ai cũng đều biết là trước thời của Tổng thống Obama, một người trong chính phủ Mỹ mà gặp trực tiếp người trong Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam là điều gần như không có".
Còn hiện nay, vẫn theo nhà nghiên cứu này, điều này đã trở thành một yếu tố "rất là bình thường", trong khi các quan chức của Mỹ sang Việt Nam có thể qua đó trao đổi rất thẳng thắn với phía chủ nhà, và đây là điểm đáng lưu ý qua chuyến thăm.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người trong giới quan sát chính trị và bang giao song phương Mỹ - Việt, với những ý kiến, góc nhìn, đánh giá khác nhau, một trong các ý kiến trong dịp này mà chúng tôi tiếp cận được, là của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc.
Từ New York, Hoa Kỳ, nhà quan sát này nêu quan điểm cá nhân của ông về quan hệ Mỹ - Việt nói chung, và đưa ra một số lưu ý với Việt Nam, trong bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực khá phức tạp hiện nay, trong đó có tính tới các vấn đề như quan hệ với Trung Quốc, tình hình Đài Loan, v.v… để các bên quan tâm có thể tham khảo :
"Về ngoại giao với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership) là ‘chuyện bình thường ở huyện’, và nên làm, vì làm thế cũng chỉ nâng Mỹ lên ngang hàng Ấn Độ, Trung Quốc, Nga... mà thôi. Nhất là khi cả khối ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp này từ tháng 11 năm ngoái rồi, tại sao Việt Nam lại để chậm thế ?
"Mỹ luôn nhắm vào Việt Nam để đẩy vào "rọ" gần như đồng minh, nhưng không phải đồng minh vì không có treaty (hiệp ước) để được đối xử như thành viên của NATO".
"Về Đài Loan, còn tệ hơn thế vì Mỹ đã tuyên bố trước đây coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Có lẽ Trung Quốc áp lực kinh tế và quân sự để dọa già Đài Loan, chứ động binh chiếm thì họ phải nghĩ rất kỹ vì họ sẽ phải hy sinh rất nhiều. Chắc họ sẽ không như Mỹ sẵn sàng đem binh đi khắp nơi, áp đặt "dân chủ" và "giá trị Mỹ", không xong thì bỏ chạy".
Vẫn ý kiến của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, trên quan điểm cá nhân của ông, lưu ý :
"Nên để ý là GDP năm 2022 của Trung Quốc đã là 18 nghìn tỷ USD, so với Mỹ là 23 nghìn tỷ USD và họ đã vượt khối EU. Cho nên không thể bỏ qua sức mạnh kinh tế và quân sự của họ nhất là ở trong khu vực Đông Nam Á".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 15/4/2023. AFP
"Chưa là đồng minh, nhưng có niềm hy vọng chung"
Đưa ra bình luận gián tiếp về quan điểm này, Phó Giáo sư Jonathan London nói :
"Thực ra, theo tôi hiểu Việt Nam không muốn có mối quan hệ gọi là đồng minh, Việt Nam rất là rõ ràng trong điều này và việc Việt Nam muốn giữ một vị trí độc lập, thì điều này tôi nghĩ là có thể hiểu được".
"Còn đối với kinh tế của Trung Quốc, thì nền kinh tế này đến nay đã là nền kinh tế lớn hàng bậc nhất rôi, nhưng hiện nay Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới, và không chỉ về vấn đề thương mại và an ninh, mà còn những chuyện khác, thì Việt Nam có rất nhiều lý do để ‘nuôi’ mối quan hệ này".
"Nên tôi không chờ đợi ngày Việt Nam và Mỹ sẽ thành hai nước đồng minh, vì những điều kiện cụ thể của Việt Nam chưa cho phép, hơn nữa, trong những năm gần đây, tôi thấy nhịp độ, tiến độ của Việt Nam đối vấn đề mà dần dần trở thành một đất nước mà thực sự phản ánh những nguyện vọng dân chủ của người Việt Nam".
Ông Jonathan London nói ông không đề cập vấn đề thể chế một đảng hay đa đảng ở Việt Nam, mà muốn nhấn mạnh về một môi trường mà theo ông là thực sự xứng đáng với tinh thần của người Việt Nam, như ông giải thích thêm về tinh thần này :
"Đó là một đất nước mà có pháp quyền, một đất nước mà tiếng nói của con người trong các bộ phận đều được tôn trọng v.v., thì điều đó rõ ràng là chưa có, nên tôi thấy nhiều người cả ở Mỹ và ở Việt Nam hy vọng là trong một tương lai không xa, hai đất nước này, hai xã hội này dần dần có điều kiện để mối quan hệ phát triển sâu hơn nữa. :
"Và khá là rõ rằng điều kiện ở Việt Nam hiện nay chưa cho phép hoàn toàn để có những thay đổi như thế".
"Chuyện làm quân cờ của ai, và tầm nhìn về một cơ hội vàng"
Vẫn trong dịp này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt từ New York đưa ra quan điểm riêng về việc Việt Nam cần quan tâm điều gì khi hợp tác với Mỹ, ông lưu ý :
"Về mặt khoa học kỹ thuật, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới và còn lâu mới có nước thay thế. Mỹ hơn hẳn Trung Quốc về thu hút chất xám vì xã hội họ mở và tiếng Anh là tiếng quốc tế.
"Việt Nam cần hợp tác với Mỹ để học hỏi và du nhập chất xám của Mỹ, và do đó không nên gây thù oán với họ, nhưng cũng không nên làm con cờ để Mỹ dùng chống Trung Quốc".
Bình luận về quan điểm trên, Phó Giáo sư Jonathan London nói :
"Tôi thấy rằng không có một khoảng cách xa giữa quan điểm vừa mới nói trên với lập trường từ phía Việt Nam, trong đó nói rằng ‘Việt Nam phải hết sức cẩn thận trong vấn đề (quan hệ) này, bởi vì Mỹ làm gì, thì Mỹ cũng vẫn xa, Trung Quốc thì luôn luôn bên cạnh, nên Việt Nam phải hết sức cẩn thận".
"Nhưng tôi nghĩ từ trước đến giờ, dù sao, tôi đánh giá rất là cao những gì Việt Nam đã làm để tiếp tục mối quan hệ (Việt – Mỹ) này, bởi vì nếu mà nhìn lại lịch sử phát triển thực sự của Việt Nam trong 30 hay 40 năm gần đây, tôi biết là người Việt Nam rất thích (nói về) một cơ hội vàng.
"Mà thực sự Việt Nam đã có một giai đoạn cửa sổ, một thời điểm không phải là dài quá, có thể là 10 năm, hoặc có thể là 20 năm tới, để nắm được một cơ hội cực lớn trên toàn khu vực Đông Á, đó là gì ? Đó là mô hình của Trung Quốc sau một thời gian, chẳng ai còn thấy thực sự là hấp dẫn nữa, và những điều kiện đầu tư, chi phí đầu tư ở Trung Quốc cũng làm khó khăn cho nhiều công ty quốc tế ở Trung Quốc.
"Nên Việt Nam phải cố gắng hết sức mình để thực sự trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với thế giới để đầu tư một cách lâu dài".
Những thách thức của Việt Nam và khả năng giúp đỡ của Mỹ
Phó Giáo sư Jonathan London chia sẻ thêm rằng cũng như nhiều nhà quan sát khác, ông nhận thấy trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có một số trục trặc, tắc nghẽn như là tắc cổ chai (bottlenecks), mà Việt Nam cần cố gắng tháo gỡ, giải quyết sớm, coi đây như những thách thức, cũng như kỳ vọng, và ông nói thêm :
"Cho nên, bên cạnh chiến dịch chống tham nhũng mà đã có một số tiến bộ nhất định, hơn nữa phải có những cải cách về hành chính và luật pháp thực sự toàn diện và hiệu quả, thì hơn bao giờ hết Việt Nam cũng phải sớm giải quyết những trục trặc trong nền kinh tế, để Việt Nam đóng một vai trò, bởi vì tôi không nói phóng đại, nhưng có thể nói rằng thế giới đang chờ xem liệu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế của nền kinh tế trong nước hay không".
"Rồi liệu Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, có thể nâng cấp hệ thống điện (năng lượng) chẳng hạn, có thể nâng cao hơn nữa khối lượng lao động có kỹ năng cao ở Việt Nam hay là không ?"
"Đây là những vấn đề mà Việt Nam phải đề cập và phải giải quyết cho được trong một thời gian trong vòng mười năm".
"Còn nếu không, tôi thấy là Việt Nam sẽ mất một cơ hội để thực hiện được tiềm năng, trong đó vai trò của Mỹ gần như là chìa khóa để giúp đỡ Việt Nam về đầu tư vào khoa học công nghệ, về hợp tác giáo dục, về tiếp cận thị trường. Đây là những vấn đề mà Mỹ khá là duy nhất trong lĩnh vực này".
Trên khía cạnh hợp tác an ninh, từ New York, Tiến sĩ Vũ Quang Việt nêu thêm góc nhìn của mình :
"Quan điểm của Việt Nam hiện nay tôi nghĩ là đúng, đó là có chính sách thân thiện, hợp tác và hòa bình với mọi nước, và nếu được, đóng góp vào vai trò hòa giải các tranh chấp trên thế giới. Nó không phải là cây tre. Nó có thể có nhận định sai trái về các vấn đề, nhưng không đứng vào phe này chống phe kia".
"Với Trung Quốc, tôi vẫn luôn nghĩ là Việt Nam nên kêu gọi các nước, đặc biệt là các nước khu vực, thiết lập một cơ chế quốc tế đặc biệt nhằm bảo vệ hòa bình và quyền tự do đi lại ở Biển Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc".
Bình luận gián tiếp thêm về ý kiến này, Phó Giáo sư Jonathan London nói :
"Thực ra chính quyền Việt Nam cũng đã nói rằng họ không muốn có một quan hệ để sử dụng nó để cho một nước khác, lập trường đó thì khá là rõ".
"Nhưng mà tôi thấy rằng không thể nói về một tổ chức nào, hoặc là một nỗ lực đối với vấn đề an ninh, trật tự trên Biển Đông, mà trong đó có một đất nước mà nhất quyết không chấp nhận tuân theo luật pháp quốc tế".
"Và nếu Trung Quốc là nước đó, thì bằng chứng là những gì mà họ đã thể hiện, coi thường và không có ý định tuân theo những nguyên tắc về luật pháp quốc tế, thì tôi thấy họ không có một vai trò có tính xây dựng nào".
"Chính vì thế, dù Việt Nam chưa phải là một đồng minh của Mỹ và có thể là sẽ khác so với mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, với Philippines, với Nhật Bản, Hàn Quốc v.v…, và không chỉ về vấn đề thể chế, về nhân quyền và những chuyện khác nữa, mà bởi vì vị trí của Việt Nam là như thế".
"Nên tôi thấy Việt Nam sẽ giữ được một vị trí đặc biệt mà nó nói lên đặc điểm của Việt Nam ở trong khu vực và điều đó sẽ cho phép Việt Nam làm những gì cần làm để bảo vệ chủ quyền ở trên biển, mà trong khi vẫn nhìn rõ vấn đề mối quan hệ với Trung Quốc thì phải quản lý thế nào," ông Jonathan London chia sẻ từ Đại học London, Hà Lan hôm 18/4/2023.
Xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken vào trung tuần tháng tư mới đây, báo chí và truyền thông chính thống của Nhà nước Việt Nam đã có nhiều bài vở nêu kỳ vọng hoặc có đánh giá được cho là "tích cực".
Trong số đó, báo Quốc tế, cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, có một bài nhận định mang tựa đề "Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken thể hiện sự coi trọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ", trong đó nhận định :
"Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho thấy thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam".
Một báo khác, tờ Dân Trí dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken tại Hà Nội, nói "Việt-Mỹ sát cánh trong giai đoạn cần hỗ trợ nhau nhất".
Còn trên RFA Tiếng Việt hôm 17/4, một bài báo mà tác giả gửi đến từ California, Hoa Kỳ, gợi ý rằng đã thể có một số đột phá trong chuyến thăm của ông Blinken, mà theo đó có thể thấy như sau :
"Những biến cố và sự kiện được cho là đột phá trong chuyến công du Hà Nội đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken có thể là : i) Lễ động thổ Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỷ USD ; ii) Tuyên bố của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ về thời điểm được cho là chín muồi đối với việc nâng cấp quan hệ song phương Việt – Mỹ ; và iii) Tái cam kết về các cuộc đàm phán IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) do Mỹ dẫn đầu".
Quốc Phương
Giới quan sát đã nhiều lần đề cập đến hình ảnh Việt Nam bắt tay với Mỹ nhưng mắt vẫn nhìn về phía Bắc Kinh. Trong hai tháng liên tiếp, bộ trưởng quốc phòng rồi phó tổng thống Hoa Kỳ đã công du Việt Nam. Washington và có lẽ là Hà Nội đều muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức "đối tác chiến lược", nhưng yếu tố Trung Quốc vẫn cản trở việc này.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 25/08/2021. Reuters - Pool
Trước giờ tiếp nhân vật số 2 trong chính quyền Mỹ, thủ tướng Việt Nam đã có một buổi làm việc với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy một số giới hạn trong bang giao Việt - Mỹ và phản ánh thế khó xử của Hà Nội trên bàn cờ ngoại giao ?
Trả lời trang mạng nghiencuuquocte.org hôm 23/08/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore lưu ý bang giao Việt Mỹ "chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay" và bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vế an ninh quốc phòng và chiến lược ngày càng thu hút chú ý của đôi bên. Vẫn theo ông Lê Hồng Hiệp, chính việc có cùng những lợi ích về chiến lược, đặc biệt là "trên Biển Đông" đang thúc đẩy "hai nước xích lại gần nhau hơn".
Hà Nội và Washington đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. Từ năm 2015, bộ quốc phòng Mỹ đã cho phép xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự sang Việt Nam và cũng từ 2018, hàng năm, lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn dành thời gian đến Hà Nội.
Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông đã nóng lên, Việt Nam tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mỹ về chiến lược an ninh biển. Dù vậy, về mặt chính thức, đến nay Việt Nam vẫn xem Hoa Kỳ là "một đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại" và tránh né cụm từ "đối tác chiến lược" khi nói về quan hệ với Mỹ. Thái độ thận trọng đó phần nào cho thấy Hà Nội không được thoải mái giữa một nước cựu thù là Hoa Kỳ và một nước láng giềng quá lớn là Trung Quốc.
Trong bài viết trên báo The Diplomat hôm 21/0/2021, Alexander L. Vuvinh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye - Hawai, nhấn mạnh "quan hệ Mỹ Việt là một trong những mối bang giao tế nhị nhất và tinh tế nhất", chẳng những do quá khứ lịch sử, mà còn chủ yếu là vì "yếu tố Trung Quốc". Điều này đã được chứng minh qua nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ : Năm 1978, tổng thống Jimmy Carter từng muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nhưng đã không đạt đến đích, vì tránh làm phật lòng Trung Quốc. Năm 2010, lần đầu tiên ngoại trưởng Hillary Clinton đề nghị "nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên thành mối đối tác chiến lược", nhưng rồi cũng lại yếu tố Trung Quốc khiến đôi bên phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Từ đó tới nay, tình hình ở Biển Đông đã bị khuấy động. Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng biến vùng biển này thành ao nhà, chà đạp chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước liên quan… Ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, tổng thống Biden khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia mà Nhà Trắng muốn "tập trung nỗ lực đẩy mạnh quan hệ đối tác, thúc đẩy một số mục tiêu chung". Vậy có còn trở ngại nào nữa hay không để hai nước cựu thù xem nhau là "đối tác chiến lược" ? Chuyên gia Alexander L.Vuving hy vọng là không, vì theo ông, mối liên minh chiến lược sẽ là hồi kết hiển nhiên, vào lúc Việt Nam và Hoa Kỳ có cùng quan điểm trên khá nhiều chủ đề, từ việc duy trì tự do hàng hải dựa trên luật quốc tế, đến việc giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc của các dây chuyền sản xuất trên thế giới.
Chuyên gia Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng Việt Nam và Mỹ mà thiết lập quan hệ chiến lược là điều "hết sức bình thường như Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước, trong đó có Trung Quốc". Đối tác chiến lược sẽ là một cơ sở cho mọi hoạt động hợp tác song phương, đồng thời "thể hiện sự coi trọng mà hai nước dành cho nhau", đồng thời bao hàm ý nghĩa là "Việt Nam luôn bảo vệ và đề cao sự tự chủ chiến lược của mình (…) không chấp nhập sức ép, can thiệp của các nước khác", bất luận đó là ai, khi mà điều đó "đi ngược lại lợi ích quốc gia của Việt Nam".
Vấn đề còn lại là Trung Quốc chấp nhận để Việt Nam liên kết với một siêu cường khác tới mức độ nào. Lịch sử trong thế kỷ 20 đã nhiều lần cho thấy Bắc Kinh khó chấp nhận để Việt Nam có một điểm tựa mạnh mẽ, bất luận đó là Mỹ hay Liên Xô. Nhìn xa hơn nữa, có thể là không riêng gì với Việt Nam, Trung Quốc đã tìm cách ly gián các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á, chọc gậy bánh xe vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington, như ghi nhận của nhà nghiên cứu Khang Vũ, đại học Boston, Hoa Kỳ, trên báo The Diplomat ngày 25/08/2021.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 26/08/2021
Nếu đi thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ đến một nước Mỹ đang có cuộc 'đọ găng' kinh tế và địa chính trị với Trung Quốc.
Việt Nam bị tác động từ hai cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ
Vì Việt Nam được cho là đang 'hưởng lợi' từ thương chiến Mỹ - Trung, đây là dịp nhìn nhận các kỳ vọng trong và ngoài từ một chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ sau khi Hà Nội đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí từ Hoa Kỳ về chủ đề này.
BBC : Trang Nikkei Asian Review trong bài mới đây của Tomoya Onishi cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều từ thương chiến Mỹ - Trung, với xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh, vậy thực chất câu chuyện là gì thưa ông ?
Phạm Đỗ Chí : Như tôi đã nêu lên cùng điểm này trước đây, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ thương chiến đó từ giữa năm 2018, không phải chỉ từ xuất khẩu tăng sang Mỹ thay các mặt hàng Trung quốc bị áp thuế suất, nhưng đáng kể hơn nữa là tác động lên một số doanh nghiệp ngoại quốc dời trụ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là thành phố Sài Gòn.
Lượng đầu tư FDI tiếp tục dâng cao, số doanh nhân và công nhân ngoại quốc, nhất là Nhật Bản, đã gây ảnh hưởng đáng kể lên nhu cầu tìm văn phòng và nhà ở tại các thành phố lớn. Mức sống vốn đã lên cao ở các thành phố vì giới trung lưu trong nước nay lại tăng thêm do mãi lực từ người nước ngoài, và là động lực cho tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng duy trì ở mức 7% của năm ngoái.
BBC : Hoa Kỳ rộng tay hơn cho hàng hóa Việt Nam trong khi đang ngăn chặn hàng Trung Quốc ? Hay đây chỉ là một ý kiến từ Nhật Bản, nước đối thủ của Trung Quốc từ lâu muốn 'hướng Nam' và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để 'san sẻ rủi ro' khi đầu tư vào Trung Quốc ?
Hoa Kỳ thực chất không muốn "rộng tay" hơn với hàng Việt Nam, như Tổng thống Trump đã tuyên bố trước đây là cần giảm mức nhập siêu từ Việt Nam và có lẽ ông sẽ nêu quan điểm này với Chủ tịch Nước Việt Nam. Tuy nhiên rõ ràng là Nhật Bản đã tiên liệu trước đầu tư và sản xuất quốc tế sẽ chạy bớt khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam, là nước cũng được dự đoán sẽ mong thiết lập thế "đối tác chiến lược" với Mỹ và nhờ đó sẽ được xuất hàng sang dễ dàng hơn.
Tất nhiên phải kể đến chiến lược lâu dài của Nhật là bớt tập trung đầu tư vào một chỗ như Trung Quốc và đặt thêm đầu cầu ở Việt Nam (thay vì Thái Lan được coi có tình trạng chính trị bất ổn) như một đối tác chiến lược mới trong lâu dài, bên cạnh mối lo an ninh quân sự ở Biển Đông như các nước trong khối Ấn Độ- Thái Bình Dương.
BBC : Tình hình Hoa Kỳ hiện ra sao ? Tổng thống Donald Trump đã 'thoát hiểm chính trị' sau vụ điều tra của Robert Mueller hay chưa ?
Biểu tình chống ông Trump ở Washington
Phạm Đỗ Chí : Tình hình nước Mỹ nói chung vẫn ở vị thế ổn định của cường quốc đứng đầu với kinh tế tăng trưởng mạnh ở mức 3%, thất nghiệp mức thấp kỷ lục, lạm phát cũng chưa bật lại cao như nhiều quan sát viên lo ngại sau chuỗi kinh tế phục hồi kéo dài 10 năm và thị trường chứng khoán vẫn quanh mức cao kỷ lục.
Nhưng tình hình chính trị ở thủ đô Washington vẫn là "mối bòng bong" quanh cá nhân Tổng thống Trump, với các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đảng Dân Chủ vẫn nhăm nhe "ăn sống nuốt tươi" ông này nếu có thể được, dù Bản Tóm tắt của Báo cáo Mueller do Bộ Tư Pháp soạn đã chỉ ra là Tổng thống Trump không "đi đêm" với Nga để thắng cuộc bầu cử tháng 11/2016.
Các quan chức và phe chống đối ông Trump tiếp tục nhằm vào hai điểm chính sau :
- Không thỏa mãn với "Bản Tóm Tắt" (theo nguyên tắc phải lược bớt các bí mật liên quan đến an ninh quốc phòng Mỹ), đòi xem nguyên văn bản chính.
- Đòi ông Trump tiết lộ bản khai thuế cá nhân trong 7 năm qua theo thói quen của các vị tổng thống tân cử trước, mặc dù mỗi cá nhân người Mỹ được quyền giữ kín các bản này theo Hiến pháp.
Có thể tiên đoán Tổng thống Trump sẽ tiếp tục điên đầu với các nguồn dư luận liên hệ, nhưng thực tế mà nói ông không còn chịu mối đe dọa phải rời Nhà Trắng do luận tội (impeachment) vì kết án đi đêm với Nga hay cá nhân ông Putin. Vả lại, đảng Cộng Hòa vẫn nắm giữ Thượng viện, chuyện đó không thể xảy ra dù với đồng ý của Hạ viện do đảng Dân Chủ nắm giữ.
Một chi tiết đáng để ý khác là tiếng nói đang lên của một nhóm nhỏ trong đảng Dân Chủ như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay thành viên Hạ viện trẻ tuổi Alexandria Ocasio-Cortez, đòi áp dụng một số chính sách kinh tế của Chủ nghĩa Xã hội cho chính Hoa Kỳ, nước tư bản cầm đầu thế giới.
Họ đang hô hào chuyện tăng bội chi ngân sách để áp dụng một số dịch vụ miễn phí quan trọng trong giáo dục và y tế, là hai điểm "huyết mạch" trong bất kỳ xã hội nào. Một số tờ báo lớn khuynh tả có ảnh hưởng cũng kêu gọi ủng hộ các nghị trình này.
Đáng kể nữa là có cả một giáo sư của Stony Brook University ở New York, bà Stephanie Kelton, lên tiếng ủng hộ nhóm Dân Chủ này với các chi tiêu xã hội sẽ rất lớn nêu trên dù có làm bội chi ngân sách nhảy vọt.
Hai ông Kim Jong-un và Donald Trump hôm 27/02 ở Sofitel Legend Metropole, Hà Nội
Bà đã nêu ra một 'Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại' (Modern Monetary Theory—MMT), theo đó bội chi ngân sách của Mỹ dù khổng lồ chăng nữa cũng "không còn là mối lo" và Mỹ có khả năng vay nhiều hơn nữa. Trong khi giới kinh tế gia dòng chính vẫn lo tác động của các chính sách này lên lạm phát và giá trị của đồng đô la Mỹ, do vay mượn quá sức.
Tóm lại, lúc này ai nói gì cũng được vì "lời nói không bị đánh thuế". Nhưng vào giữa năm tới 2020 lúc mùa tranh cử Tổng thống Mỹ trở lại, lời phán đoán cuối cùng cho Chủ nghĩa Xã hội của người dân Mỹ mới có thể biết được, và ông Trump nếu còn sức khỏe ra tranh cử sẽ gặp may mắn bất ngờ nếu có chống đối lớn với vấn đề không mới này.
BBC : Trở lại với thương chiến Mỹ - Trung ? Tình hình hiện đang ở đâu ?
Phạm Đỗ Chí : Trái với dự đoán rộng rãi của giới truyền thông vào cuối tháng Hai, cuộc gặp 'chốn thân tình' của ông Trump đã hẹn với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago, Floriday đã không xảy ra cuối tháng Ba 2019.
Lý do chính nêu ra phía Mỹ là Trung Quốc chưa sẵn sàng để đạt đến một bản thương thảo quy mô, theo đòi hỏi của năm phái đoàn Mỹ liên tiếp lúc họp ở cả hai nước, xứng đáng để hai ông ký trong một kỳ họp thượng đỉnh.
Mặt khác theo nguồn tin hành lang không chính thức từ Washington, có thể Tổng thống Trump đã học được bài 'chua cay' từ cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un của Triều Tiên, là không để đối tác lợi dụng tên tuổi của mình (Trump) nhằm quảng cáo nâng cao uy tín riêng trong nước của họ. Đi họp khi đối tác chưa sẵn sàng cũng vô ích.
Ngoài ra còn có nhận định ngoài lề là ông Kim Jong-un có thể đã có tin tức sai lạc từ nguồn nào đó và đánh giá sai thế chính trị nội bộ của ông Trump buổi họp cuối hôm 28/2/19 ở Hà Nội - cả đêm trước ông Trump phải ngồi khách sạn xem tin các Nghị sĩ Hạ viện thuộc Đảng Dân Chủ vạch tội mình qua kết án của người luật sư cũ là ông Cohen - nên nghĩ là ông Trump đang ở "thế yếu" ở thủ đô Mỹ và cần một 'good deal ở Hà Nội' bằng bất cứ giá nào. Và Bình Nhưỡng đã đòi Mỹ phải bỏ hết cấm vận, như điều kiện để Triều Tiên tiến tới các bước phi hạt nhân hóa. Kết quả là gì ? Tổng thống Trump đã bỏ tiệc trưa đi về ngay Mỹ ở thế mạnh.
Ý kiến cho rằng Việt Nam hưởng lợi từ bối cảnh Thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra và chưa đàm phán xong
Từ các kinh nghiệm trên, phái đoàn Mỹ đang thương thảo lần 6 ở ngay thủ đô Hoa Kỳ và hy vọng là lần cuối cùng với đoàn cấp cao Trung Quốc do ông Lưu Hạc dẫn đầu. Nội dung xoay quanh bốn vấn đề chính :
- Phải có một chương trình tổng thể trong 5 năm gồm cải cách thể chế kinh tế thị trường thật sự ở Trung Quốc, nhằm tăng gia mạnh các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ một cách qui mô, chứ không phải chỉ tuyên bố mua thêm vài chục chiếc Boeing hay bớt thuế lên xe Mỹ, hay mua nông sản từ vài bang Mỹ…
- Trong khi chờ đợi mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng Mỹ chính, việc áp dụng các áp thuế vẫn tiếp tục và theo thời khóa biểu của từng mặt hàng được vào. Và riêng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn đòi thêm thỏa ước khắt khe là sau khi Mỹ bỏ thuế nhập, nếu Trung Quốc trở mặt đặt lại hạn chế hay thêm rào cản thương mại, Mỹ có quyền tái áp dụng tariff đã gỡ bỏ, mà Trung Quốc không có quyền làm tương tự lên hàng Mỹ.
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho Hoa Kỳ, và đặc biệt là cho phép các hãng Mỹ lập ở Trung Quốc mà không đòi hỏi chuyển giao các công nghệ cao và mật.
- Chuyện gián điệp trong công nghệ và viễn thông cũng sẽ được thỏa thuận một cách chính thức, khi hai công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei vẫn là ám ảnh của Mỹ và nhiều nước Tây Âu.
BBC : Nếu xảy ra chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ tới đây, thì kỳ vọng từ các bên mà ông ghi nhận cho chuyến thăm Mỹ như vậy là gì ? Nhà Trắng mong đợi gì và có kỳ vọng quá cao vào một vai trò của Việt Nam trong khu vực hay không ?
Phạm Đỗ Chí : Việc mời Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ phần nào thể hiện nhã ý cám ơn của Tổng thống Trump với việc Việt Nam giúp tổ chức chu đáo kỳ họp thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội như nêu trên. Phần khác, Hoa Kỳ cũng muốn khuyến khích và nêu cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, và trông chờ Việt Nam hỗ trợ chiến lược mới của Tổng thống Trump trong việc thành lập liên minh 'Ấn Độ-Thái Bình Dương' được đề cập rộng rãi trong giới truyền thông, như đối trọng với Chiến lược 'Vành Đai và Con Đường' của Trung Quốc và nhất là ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Về phần Việt Nam, chắc chắn Chính phủ Việt Nam sẽ nhân dịp này nâng cao thế đứng của đất nước mình trên trường quốc tế, và thiết lập thế đối tác chiến lược với Hoa kỳ - ả về thương mại và an ninh quân sự. Dù kỳ vọng này có thể là tế nhị trong thế ngoại giao với Trung Quốc ; tuy nhiên với thành tích lịch sử về "đu dây chính trị", Việt Nam hy vọng sẽ có thể vượt qua các trở ngại về mặt này mà sẵn sàng thương thảo với Mỹ.
Riêng nhân dân Việt Nam, theo ý riêng của tôi, cũng sẽ đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến đi này của ông Trọng, khi mà nhiều ý kiến tin rằng có không ít người dân Việt Nam vẫn ủng hộ nồng nhiệt ông Trump, với các chính sách nội bộ làm cho "nước Mỹ mạnh" và chiến lược cương quyết đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, và là hy vọng bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tương lai.
Người dân cũng mong mỏi ông Trọng sẽ đem đến thông điệp của một Việt Nam tương lai sẵn sàng cải cách thể chế theo hướng dân chủ, dẫn dắt nền kinh tế theo hướng thị trường thật sự để trở thành một đối tác chiến lược xứng đáng của Mỹ ở Á Châu.
Nếu các mong ước thiết tha này của cả dân tộc Việt Nam gồm gần 100 triệu người, tính cả cộng đồng hải ngoại gồm 4 triệu người, được Chủ tịch Trọng và chính phủ của ông thực hiện, các kỳ vọng nêu trên của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải là không khả thi.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 05/04/2019
Mỹ và Việt Nam tổng kết dự án giúp Hà Nội nâng cao năng lực quản trị Nhà nước (RFA, 06/11/2018)
Hội nghị tổng kết Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) do cơ quan Phát Triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho Việt Nam diễn ra tại Hà Nội hôm 6/11/2018. Đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đến tham dự.
Một góc Hà Nội từ trên cao vào ngày 27/6/2018. Reuters
Dự án trị giá 42 triệu đô la này là sự tiếp nối những thành công của chương trình hỗ trợ quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế của USAID tại Việt Nam.
Mục tiêu của dự án từ năm 2014 được cho biết nhằm giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện quy trình hoạch định chính sách qua việc tăng cường nguồn thông tin và sự tham gia của người dân, đồng thời minh bạch hóa để phát triển toàn diện.
Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội là các cơ quan đối tác cùng phối hợp thực hiện dự án với USAID, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản.
Trong 5 năm qua, dự án GIG đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để cùng với các cơ quan đối tác của Việt Nam thực hiện hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quy trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của hệ thống pháp luật ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước ; và tăng cường sự tham gia toàn diện của các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng vào một số nhóm yếu thế trong xã hội, bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.
****************
Anh phát hiện 15 trẻ em Việt trên xe đông lạnh từ Pháp (VOA, 07/11/2018)
21 người, trong đó có trẻ em chỉ 12 tuổi, đã bị phát hiện bên trong một xe tải đông lạnh chở hàng.
Nhóm người Việt trốn trong các thùng nước trên xe và họ bị giữ tại cảng Newhaven ở Sussex, Anh, hôm 1/11.
Một vụ bắt giữ người Việt vào Anh trái phép.
Nhưng theo BBC, chi tiết về vụ bắt giữ này chỉ mới được thông báo, và một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành.
Một tài xế Romania 29 tuổi đã bị truy tố tội hỗ trợ người vào Anh trái phép. Người đàn ông này đã phải ra tòa hôm 3/11, theo tờ Guardian.
Chiếc xe tải bị chặn sau hành trình từ Pháp. Trên xe có 15 trẻ em và sáu người lớn.
Những em nhỏ bị lạnh nhưng không cần được chăm sóc y tế. Các em sau đó đã được trao cho cơ quan bảo trợ xã hội địa phương.
Một nam thanh niên 18 tuổi và một phụ nữ 27 tuổi đã bị trục xuất khỏi Anh.
Bốn người lớn còn lại đang bị giữ tại trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép.
Trước đây, nhiều vụ đưa người Việt vào Anh trái phép cũng đã bị chặn bắt.
**********************
Hội đồng Liên tôn Việt Nam kêu gọi Mỹ tăng áp lực nhân quyền (Người Việt, 06/11/2018)
Hội đồng Liên tôn Việt Nam kêu gọi Mỹ tăng áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để dân "được tự do hành đạo, các công nhân được tôn trọng nhân quyền, và toàn dân được hưởng tự do, dân chủ".
Hòa thượng Thích Không Tánh phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn ngoại giao Mỹ chiều 5 Tháng Mười Một, 2018, tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn. (Hình : Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất)
Hôm thứ Hai, 5 tháng Mười Một, 2018, phái đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đến gặp các đại diện trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức quần chúng độc lập, tại chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để hiểu biết những diễn biến mới nhất về tình hình nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng tại Việt Nam, không qua những lời tuyên truyền của nhà cầm quyền.
Theo bản tin tường thuật về cuộc tiếp xúc được thuật lại trên trang mạng của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (ghpgvntn.net), phái đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đoàn công tác Văn phòng Tự do Tôn giáo quốc tế thuộc Cục Dân Chủ, Nhân Quyền, Lao Động, Bộ Ngoại giao Mỹ, với ông Khashayar M Ghashyhai – phó giám đốc, và bà Mariah J Mercer – trưởng Bộ phận phụ trách Thái Bình Dương và Đông Á. Bên cạnh đó còn có bà Pamela Pontius thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Phái đoàn Liên tôn gồm Hòa thượng Thích Không Tánh (Phật giáo), Chánh trị sự Hứa Phi, Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân, Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng và Chánh trị sự Lê Thị Nho (Cao đài), ông Lê Quang Hiển, ông Lê Văn Sóc (Phật giáo Hòa Hảo), Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (Tin lành) và Linh mục Lê Xuân Lộc (Công giáo).
Trong cuộc gặp, bản tin ghpgvntn.net cho hay : "Hòa thượng Thích Không Tánh đại diện các chức sắc trình bày tình hình chung về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hòa thượng nói lên khát vọng của Hội đồng Liên tôn cũng như 90 triệu người dân Việt (trừ các đảng viên cộng sản) là Việt Nam sớm thoát ách độc tài toàn trị cộng sản ; mong Việt Nam có được tự do dân chủ, đa đảng đa nguyên ; mong Hoa Kỳ và các nước trên thế giới giúp Việt Nam được bảo toàn lãnh thổ lãnh hải, không trở thành thuộc địa của Trung Quốc trong tương lai".
Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam phát biểu trong cuộc họp với phái đoàn ngoại giao Mỹ chiều 5 tháng Mười Một, 2018, tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn. (Hình : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất)
"Các đại diện các tôn giáo cũng lần lượt trình bày về những bách hại cũng như những vi phạm tự do tôn giáo mà nhà cầm quyền Việt Nam đang thực hiện đối với mỗi tôn giáo, với từng trường hợp cụ thể", bản tin ghpgvntn.net viết, và ông Khashayar – đại diện phái đoàn Hoa Kỳ – "mong muốn Hội đồng Liên tôn Việt Nam cập nhật thường xuyên những vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam cho Hoa Kỳ qua đại diện là viên chức chính trị của Tổng Lãnh sự quán tại Sài Gòn".
Theo nguồn tin trên Hội đồng Liên tôn Việt Nam kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ luôn đặt điều kiện về nhân quyền, khi bang giao với nhà nước Việt Nam dù trên phương diện kinh tế, văn hóa, thương mại, quân sự… ; và sẵn sàng có những biện pháp chế tài (danh sách CPC tại Hoa Kỳ chẳng hạn) khi Hà Nội có những vi phạm nhân quyền liên tục và nghiêm trọng.
"Thực ra thì đã có quá nhiều rồi. Đặc biệt, xin theo dõi xem Hà Nội có cho công đoàn độc lập được hoạt động tại Việt Nam hay không sau khi Việt Nam gia nhập CPTPP", theo bản tin.
Hội đồng Liên tôn Việt Nam thúc giục : "Quý vị giúp cho Phong trào Dân chủ Nhân quyền trên đất nước chúng tôi được thành công để các tín đồ được tự do hành đạo, các công nhân được tôn trọng nhân quyền, và toàn dân được hưởng tự do, dân chủ như quý quốc".
Cuộc họp giữa phái đoàn Hội đồng Liên tôn Việt Nam với phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ diễn ra trong lúc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang sửa soạn cưỡng chế phá hủy chùa An Cư, một chùa trong hệ thống Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Hành động không ngoài chủ trương triệt hạ từ từ các cơ sở của khối Phật giáo không nằm trong hệ thống "quốc doanh".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 29 tháng Năm, 2018, công bố "Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017", trong phần đề cập đến Việt Nam nói rằng chế độ Hà Nội tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước dù hiến pháp của chế độ công nhận quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân.
Chế độ Hà Nội luôn luôn phủ nhận các cáo buộc đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam bất chấp những bằng chứng cụ thể với người thật việc thật. (TN)
*******************
Lộ diện Vingroup là nhà đăng cai cuộc đua Công thức 1 ở Hà Nội (VOA, 07/11/2018)
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã ký hợp đồng đưa giải đua Công thức 1 thế giới Grand Prix tới đường phố Hà Nội trong "nhiều năm".
Đường đua Công thức 1 trên phố ở Azerbaijan. Hà Nội đã trở thành thành phố thứ 4 trên thế giới sẽ tổ chức cuộc đua F1 trên phố.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc giải đua Công thức 1 thế giới Formula 1 (F1), Chase Carey, chính thức công bố hôm 7/11 rằng Hà Nội sẽ là thành phố đăng cai một giải đua của Formular 1 Grand Prix và Vingroup chính là nhà tài trợ của hợp đồng giữa F1 và Việt Nam.
Tuy nhiên giá trị hợp đồng không được tiết lộ.
Người đứng đầu F1 cho biết tại buổi họp báo tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long hôm 7/11 rằng giải đua ở Hà Nội sẽ đem lại chất lượng tuyệt vời cho Giải đua xe công thức 1 và thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, theo cổng thông tin điện tử TP Hà Nội. Cũng theo ông Carey, việc tổ chức F1 tại thủ đô Việt Nam cũng nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn tại Châu Á.
Công bố Hà Nội nhận quyền đăng cai Giải đua F1, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói thành phố tự hào được đăng cai Formula 1 Vietnam Grand Prix để cho thế giới thấy vẻ đẹp kết hợp giữa cổ kính và hiện đại của Hà Nội, theo trang web www.formula1.com.
Trang web chính thức của F1 trích lời Phó chủ tịch và CEO của tập đoàn Vingroup, Nguyễn Việt Quang, nói rằng ngoài việc quảng bá hình ảnh thành phố thủ đô của Việt Nam, Giải đua công thức 1 sẽ là cơ hội để Vingroup chính thức công bố với thế giới ô tô đầu tiên của Việt Nam do tập đoàn này sản xuất.
Đầu tháng trước, Vingroup đã cho ra mắt Vinfast, ô tô đầu tiên mang nhãn hiệu made-in-Vietnam, tại triển lãm ô tô thế giới ở Paris.
Để có thể giành quyền đăng cai giải đua F1, Vingroup đã thành lập Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix với số vốn 1.000 tỷ đồng và sở hữu 100% doanh nghiệp này vào tháng 8 vừa qua, theo thông tin từ VNExpress.
Tin cho hay, giải F1 tạo ra doanh thu còn cao hơn cả Liên đoàn Bóng đá Thế giới, FIFA, và Ủy ban Olympic Quốc tế.
Theo AP, tổ chức đăng cai giải đua sẽ phải trả phí khoảng từ 50 tới 60 triệu USD một năm, và giám đốc thương mại của F1 từng cho biết rằng 19 trong số 21 cuộc đua được chính phủ tài trợ đăng cai.
Vingroup hiện đang mở rộng hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, từ các mảng sinh lời cho tới phi lợi nhuận, theo VNExpress.
Cũng theo ông Quang, với việc đưa giải đua F1 đến Hà Nội, Vingroup muốn tạo ra những lợi ích chung cho xã hội gồm việc làm, cơ sở hạ tầng của thủ đô sẽ được nâng cấp và các sự kiện lớn hơn của thế giới sẽ được tổ chức ở Việt Nam.
Đường đua ở Hà Nội sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua F1 vô địch thế giới và là đường đua thứ 4 trên phố, sau Monaco, Singapore và Azerbaijan, theo The Guardian. Đường đua có tổng chiều dài 5,565km sẽ nằm ở phía tây của trung tâm thành phố Hà Nội.
Chế độ Hà Nội chuẩn bị lập ra một "tổ chức đại diện người lao động" như một thứ "bung xung" để giật dây, qua mặt các nước khác khi ký Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một cuộc đình công của công nhân đòi tăng lương tại Việt Nam. (Hình : AFP/Getty Images)
Hôm Thứ Hai, 5 Tháng Mười Một, 2018, Quốc hội cộng sản Việt Nam thảo luận chiếu lệ để thông qua Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Hà Nội đã ký với 10 nước khác gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore hôm 8 Tháng Ba, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 30 Tháng Mười Hai tới đây khi đã có 50% các nước đối tác thông qua.
CPTPP là chữ viết tắt của Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership. Một trong những điều khoản của hiệp định là buộc các nước thành viên phải để cho giới công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn, một điều khó nuốt cho một chế độ độc tài đảng trị như tại Việt Nam. Nhưng vì nhu cầu cần giao thương để cứu sống chế độ, Hà Nội đành phải chấp nhận và tìm cách qua mặt như từng qua mặt tất cả các cam kết quốc tế khác đã ký từ trước đến nay.
CPTPP nguyên thủy là Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước được thỏa thuận nguyên tắc khi Tổng Thống Barack Obama còn đương quyền. Tuy nhiên khi ông Donald Trump lên cầm quyền thì tuyên bố nước Mỹ rút ra, 11 nước còn lại lập một hiệp ước khác thay thế, gọi là CPTPP.
Tại Việt Nam hiện đang có một tổ chức nghiệp đoàn lao động duy nhất gọi là "Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam". Tổ chức này do đảng cộng sản Việt Nam lập ra và do các đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu, phục vụ nhu cầu chính trị của đảng nên đi ngược lại quyền lợi của giới công nhân.
Từ khi chế độ Hà Nội bắt đầu "đổi mới" để cứu sống chế độ, hàng ngàn cuộc đình công đã diễn ra khắp nơi nhưng không hề có cuộc đình công nào do "Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam" cầm đầu. Tất cả đều bị gán cho là "bất hợp pháp" do giới công nhân đứng lên đòi tăng lương và chống lại những quy định tàn ác, bất nhân của giới chủ nhân, đặc biệt là giới chủ nhân ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật cuộc họp ở Quốc hội ngày 5 Tháng Mười Một, 2018 : "Về việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong dự thảo Bộ Luật Lao Động, chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn. Đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị".
Thông Tấn Xã Việt Nam và hệ thống báo đài của chế độ tránh né những từ ngữ như "tự do nghiệp đoàn" vốn rất nhạy cảm mà Hà Nội không muốn để xảy ra vì biết rất nguy hiểm cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam. Hãng tin này thuật lại lời đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, cũng là phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, "thừa nhận sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn khiến công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ".
Bởi vì, "theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, sau khi các điều khoản về lao động có hiệu lực, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính".
Lo bị cạnh tranh và sợ tổ chức công đoàn độc lập biến thành các tổ chức chính trị đối lập là mối lo gan ruột của đảng cộng sản Việt Nam nên một thứ tự do nghiệp đoàn tại Việt Nam khó lòng xuất hiện suôn sẻ. Dù vậy, chế độ Hà Nội vẫn phải sửa lại Bộ Luật Lao Động để thỏa mãn điều kiện của hiệp định CPTPP. Còn những quy định về nghiệp đoàn, về đình công sẽ được sửa đổi, "luồn lách" thế nào vẫn còn nằm trong sự toan tính của đảng.
Một số bạn trẻ tại Việt Nam vận động và hậu thuẫn cho phong trào tự do nghiệp đoàn tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bỏ tù như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đoàn Quốc Hùng, Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Hiện nay Quốc Hùng và Minh Mẫn còn đang bị tù, Đoàn Huy Chương thì phải trốn ở nước ngoài.
Trong cuộc biểu tình chống "Luật Đặc Khu" và "Luật An ninh mạng" hồi Tháng Sáu vừa qua, cũng có sự tham dự của hàng ngàn công nhân ở Sài Gòn, một số ít ở Biên Hòa, Tây Ninh, còn ở Bình Dương, Cần Thơ thì bị dập tắt trong trứng nước. Một số công nhân bị cho là cầm đầu đã bị bỏ tù. (TN)
Bộ trưởng Mỹ vẫn đi Việt Nam, dù chính phủ đóng cửa (VOA, 22/01/2018)
Lầu Năm Góc mới ra tuyên bố cho biết rằng chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Châu Á vẫn diễn ra, dù chính phủ đóng cửa vì không có ngân sách.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Pentagone ngày 7/8/2017.
Reuters đưa tin rằng ông Mattis vẫn tới Indonesia và Việt Nam vào tuần tới như dự kiến "vì nó cần thiết cho an ninh quốc gia và quan hệ với nước ngoài".
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ tới thăm từ ngày 24 tới 26/1.
Năm ngoái, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tới Hoa Kỳ theo lời mời của ông Mattis.
Tin cho hay, trong chuyến đi đó, đôi bên đã "trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển", và "thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thời gian tới", theo VnExpress.
Ông James Mattis đón Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Pentagone ngày 7/8/2017.
Trả lời báo chí hôm 19/1, ít giờ trước khi chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa, ông Mattis nói rằng việc đó ảnh hưởng tới các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ, trong đó có huấn luyện, bảo trì và hoạt động tình báo.
Tuy nhiên, theo Reuters, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng việc đóng cửa chính phủ không ảnh hưởng tới sự tham gia của Mỹ trong chiến dịch ở Afghanistan cũng như các hoạt động chống các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Khoản ngân sách dành cho các cơ quan liên bang đã hết hôm 20/1 trong khi các nhà lập pháp Cộng hòa tại Thượng viện ở thế đối đầu với phe Dân chủ về vấn đề di dân bất hợp pháp được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ.
*******************
Vì sao ông Trump thăm hai thành phố Việt Nam ? (VOA, 21/01/2018)
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ mới lên tiếng tiết lộ lý do vì sao Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại thăm Hà Nội và Đà Nẵng trong chuyến công du Việt Nam năm ngoái.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội tháng 11 năm ngoái.
Trao đổi với các phóng viên báo chí ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương qua điện thoại, ông Brian Hook, cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nói : "Tôi hy vọng rằng mọi người hiểu rằng thời gian của tổng thống rất hạn hẹp, và khi tổng thống thăm hai thành phố cùng một nước thì đó là một biểu tượng của tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với chúng tôi".
Ông Hook hôm 8/1 cũng nói thêm rằng chuyến đi của ông Trump tới Đà Nẵng để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và sau đó là thăm chính thức Hà Nội đã "làm sâu đậm mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ".
Đây được coi là lần đầu tiên trong đầu năm nay một cố vấn đối ngoại của Mỹ lên tiếng tiết lộ về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cựu Tổng thống Barack Obama tại Hà Nội hồi giữa năm 2016.
Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump, cũng tới hai thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong chuyến công du Việt Nam giữa năm 2016.
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam như thế nào trong năm 2018, quan chức ngoại giao này nhắc tới việc Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần tra, và coi đó là "một cột mốc sẽ chỉ làm sâu đậm thêm mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam".
"Và chúng tôi muốn giúp Việt Nam tăng cường và gia tăng năng lực hàng hải", ông Hook nói.
"Trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Việt Nam được xác định cụ thể là nước mà chúng tôi muốn tăng cường thêm nữa mối liên minh. Việt Nam đã được đề cập một số lần về cả an ninh lẫn gia tăng hợp tác kinh tế. Và chúng tôi rất hài lòng rằng sự chuyển dịch chính sách của chúng tôi về Việt Nam sẽ giúp nước này được chú ý hơn".
Liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam với nhiều nước trong đó có Trung Quốc, ông Hook nói rằng "hành động quân sự hóa đầy khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại luật pháp quốc tế".
"Họ [Trung Quốc] đang thúc ép các nước nhỏ hơn, gây căng thẳng hệ thống toàn cầu và các hành động của họ cũng làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền mà chúng tôi rất chú trọng", ông nói.
Một góc Biển Đông.
Nhắc lại các tuyên bố trước đây của các quan chức Mỹ, ông Hook nói rằng Hoa Kỳ sẽ "cho máy bay và tàu bè hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", dù Trung Quốc từng nhiều lần chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Ông nói thêm : "Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng với Trung Quốc rằng chúng tôi không chấp nhận các hành động đơn phương của các nước tuyên bố chủ quyền nhằm thay đổi hiện trạng trong khi các vấn đề về chủ quyền vẫn chưa được giải quyết".
Cố vấn chính sách của ngoại trưởng Mỹ nói rằng "quyền lợi quốc gia của chúng tôi là hợp tác với tất cả các đồng minh và đối tác nhằm bảo đảm rằng khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một nơi hòa bình, ổn định và thịnh vượng" và rằng "nó không thể trở thành một khu vực bất ổn và xung đột".
Viễn Đông