Thế khó của Mỹ trong việc tìm ra chính sách phù hợp để đối phó Trung Quốc
Tại sao Tổng thống Mỹ tiếp theo nên hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn với Trung Quốc?
Người dân nhìn ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trưng bày trên một góc đường tại Bắc Kinh, tháng 11/2021
Carlos Garcia Rawlins / ReutersWashington đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng vì theo đuổi một cuộc cạnh tranh mở với Trung Quốc mà không xác định rõ thành công sẽ như thế nào. Khi khả năng cưỡng chế và hành vi đe dọa của Trung Quốc khiến Mỹ tập trung sự chú ý vào những rủi ro đối với lợi ích của mình, việc thiếu một thước đo thành công rõ ràng đã mở ra cánh cửa cho những lời chỉ trích đảng phái về cách tiếp cận của chính quyền Biden. Trong khi đó, những người bảo vệ chính quyền bác bỏ những chỉ trích này bằng cách chỉ ra rằng các chính sách của chính quyền phù hợp với sự đồng thuận rộng rãi về thách thức mà Trung Quốc đặt ra, và các bước cần thiết để chống lại thách thức đó.
Chắc chắn, các chính trị gia Dân chủ và Cộng hòa đều đang sử dụng chiêu trò vận động tranh cử điển hình là tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Trong cuộc tranh luận gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump bán rẻ lợi ích của nước Mỹ và nịnh bợ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, còn Trump đã tuyên bố sai rằng "Trung Quốc đã trả cho chúng ta hàng trăm tỷ đô la" nhờ chính sách thuế quan của chính quyền ông (mà chính quyền Biden đã mở rộng). Trong khi đó, các lập luận bị phóng đại và các phiên điều trần của quốc hội về mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra đã làm mờ ranh giới giữa các hoạt động thương mại, khoa học, và giáo dục hợp pháp liên quan đến các thực thể Trung Quốc với những hoạt động gây ra rủi ro an ninh không thể chấp nhận được hoặc tạo ra các lỗ hổng khác. Lo sợ rằng những gì được hoan nghênh ngày hôm qua có thể bị xem là không trung thành ngày hôm nay, các công ty, nhà nghiên cứu, và sinh viên đã rút lui khỏi nhiều hoạt động từng là động lực cho khả năng lãnh đạo kinh tế và khoa học của Mỹ.
Tuy nhiên, bên dưới bầu khí căng thẳng này, vẫn còn nhiều không gian cho tranh luận và phân định. Sự đồng thuận của Mỹ về Trung Quốc nông cạn và dễ lung lay hơn chúng ta tưởng. Trong môi trường nhiều biến động này, có một cơ hội để chính quyền tổng thống tiếp theo phát triển một cách tiếp cận tích cực hơn, bình tĩnh hơn, một cách tiếp cận có thể hạ nhiệt và tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, trong khi vẫn bảo tồn những lợi ích của mạng lưới quan hệ rộng lớn kết nối Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tìm kiếm một cơ sở bền vững hơn để cùng chung sống, cẩn trọng tạo ra một cân bằng để đảm bảo rằng các nỗ lực giải quyết các mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc không làm suy yếu các giá trị và lợi ích mà các nỗ lực này muốn bảo vệ. Chỉ có thể đạt được khả năng răn đe, đặc biệt là ở Eo biển Đài Loan, khi có sự hiện diện của ngoại giao cứng rắn, kết hợp các mối đe dọa đáng tin cậy và các trấn an đáng tin cậy. Cả răn đe và thịnh vượng đều đòi hỏi một mức độ hội nhập kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau về công nghệ. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ quá chú trọng vào cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, rủi ro sẽ vượt xa việc làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh và gây nguy hiểm cho các nỗ lực giải quyết nhiều thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa cả Mỹ và Trung Quốc. Họ cũng có nguy cơ đưa nước Mỹ vào con đường của một chiến thắng phải trả giá đắt, trong đó người Mỹ buộc phải làm suy yếu các lợi ích và giá trị lâu dài của chính mình để ngăn chặn đối thủ.
Phản ứng thù địch
Một số nhân vật nổi bật của phe Cộng hòa đã cáo buộc chính quyền Biden làm suy yếu vị thế nước Mỹ bằng cách ưu tiên can dự ngoại giao hơn các biện pháp đối đầu vốn được thiết kế để làm suy yếu chính phủ Trung Quốc. Họ mô tả Trung Quốc là mối đe dọa sống còn, đồng thời tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự mở rộng và các biện pháp đối đầu hơn của Mỹ bằng cách nào đó sẽ khiến Bắc Kinh đầu hàng trước sức mạnh của Mỹ. Nhưng cách tiếp cận này thậm chí còn ít có khả năng thành công hơn so với cách tiếp cận hiện tại. Suốt những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã áp dụng một lập trường thù địch, công khai kêu gọi người dân Trung Quốc lựa chọn một hình thức chính phủ khác, tiến hành các chiến dịch bí mật nhằm làm suy yếu Đảng Cộng sản Trung Quốc, và loại bỏ các chuẩn mực tương tác không chính thức giữa Đài Bắc và Washington, từ đó làm gia tăng căng thẳng trên Eo biển Đài Loan đến mức chính phủ Trung Quốc phải bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Mỹ. Ngày nay, việc tiếp tục một chính sách đối đầu tương tự như vậy sẽ chỉ làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến nóng với Trung Quốc và dẫn đến sự xa lánh của những đồng minh mà Mỹ muốn sát cánh cùng mình trên chiến trường.
Ngược lại, chính quyền Biden đã đúng khi khơi dậy ý thức về mục đích chung, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ một trật tự quốc tế nơi sức mạnh không tạo nên lẽ phải, đồng thời hợp tác với các chính phủ có quan điểm khác biệt để giải quyết các vấn đề không liên quan đến đường biên giới hay các bức tường.
Nhưng trong các cuộc thảo luận trong công chúng và giới chính sách rộng hơn ở Mỹ, phản ứng ngăn chặn Trung Quốc thường lấn át những nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung và thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Những lập luận về việc giành chiến thắng trong thế kỷ 21 củng cố ý tưởng rằng cạnh tranh là một cuộc chơi có tổng bằng không, khiến cả hai bên bờ Thái Bình Dương phải vội vã chuẩn bị cho xung đột và khiến những người chỉ trích ở cả hai xã hội chế giễu những hình thức tương tác ngoại giao, thương mại, và khoa học thông thường là ngây thơ, và nặng hơn là xoa dịu.
Cả hai quốc gia đều đang tập trung chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất. Các bước đi của Bắc Kinh và Washington nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc với các hoạt động cưỡng chế và xâm nhập đang chi phối các cuộc thảo luận trong công chúng và giới chính sách, theo đó thu hẹp không gian cho các nỗ lực xem xét các giới hạn cạnh tranh có thể giúp hai bên chung sống ổn định và hiệu quả hơn. Bất kỳ sự chung sống nào cũng là không dễ dàng, và nó sẽ được xây dựng không phải từ sự tin tưởng mà từ những lời đe dọa và trấn an đáng tin cậy – nghĩa là răn đe kết hợp với các bước nhằm tiến tới một dàn xếp để hai nước và người dân của họ có thể chung sống và phát triển thịnh vượng.
Thật không may, các chính sách hiện tại ở Bắc Kinh và Washington đang đi theo hướng ngược lại. Dù kênh ngoại giao đã được hồi sinh, và dù các quan chức Mỹ có kỷ luật đang kiềm chế không sử dụng thuật ngữ "đối thủ" hoặc "kẻ thù" để gọi Trung Quốc, nhưng việc mô tả Bắc Kinh như là một đối thủ cạnh tranh mà Washington cần phải đánh bại vẫn lan rộng vào hầu hết mọi lĩnh vực của quan hệ song phương. Các quan chức, nhà nghiên cứu, và doanh nghiệp Mỹ có lý do chính đáng để tương tác với các đối tác Trung Quốc của họ, chí ít là để hiểu sâu hơn về những gì các nhà khoa học và những nhà đổi mới khác của Trung Quốc đang làm. Tuy nhiên, ngay cả những cuộc trao đổi có lợi cho cả hai bên cũng trở nên khó biện minh khi Mỹ xác định Trung Quốc là thách thức chính đối với lợi ích quốc gia của mình (và Trung Quốc cũng đã làm điều tương tự với Mỹ). Và những đánh giá thực dụng về cái giá của thuế quan lên túi tiền của người dân Mỹ, hoặc cách các hạn chế kinh doanh với các công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc làm giảm khả năng tiếp cận các loại thuốc cứu người, đã chẳng thể ngăn cản những đề xuất như vậy phát triển.
Ở Trung Quốc, tình hình còn tệ hơn. Tập Cận Bình đã nói về việc ổn định quan hệ và thúc đẩy quan hệ giữa người dân hai nước, nhưng các luận điệu về "chiến thắng tương lai" và vượt qua Mỹ để thống trị các công nghệ tiên tiến đã củng cố nhận thức về ý định thực sự của Bắc Kinh, đồng thời làm suy yếu lời trấn an của họ rằng Trung Quốc không tìm cách thay thế Mỹ. Các hành động của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm những nỗi sợ này. Để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ, Trung Quốc đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu công nghệ quan trọng, tạo ra các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, mở rộng kho vũ khí hạt nhân, và củng cố quan hệ với Nga – tất cả đều làm sâu sắc thêm vòng xoáy thù địch và nghi ngờ. Trong khi đó, lệnh cấm xuất cảnh của Bắc Kinh (ngăn các thành viên gia đình của những cá nhân có liên quan đến tranh chấp pháp lý rời khỏi đất nước), những hạn chế rườm rà đối với các cuộc trao đổi và các chuyến thăm quốc tế, cũng như các hạn chế đối với các nhà báo và tổ chức truyền thông nước ngoài đã cản trở các tương tác thông thường giữa người dân Mỹ và Trung Quốc.
Quan điểm cạnh tranh có tổng bằng không và quá trình chuẩn bị cho xung đột ở cả Mỹ và Trung Quốc đang khiến hai bên dần trở nên thù địch và xa lánh, củng cố nỗi sợ về một kịch bản tồi tệ nhất và làm suy yếu độ tin cậy của các trấn an chiến thuật. Việc khôi phục các cuộc tiếp xúc và hội nghị thượng đỉnh cấp cao là cần thiết nhưng không đủ để ngăn quan hệ trượt dốc, đặc biệt là khi có sự thay đổi lãnh đạo sắp xảy ra ở Mỹ. Ngoại giao có thể giúp sửa chữa những nhận thức sai lầm bị phóng đại, nhưng nó chẳng thể làm gì để ổn định quan hệ nếu hai bên không chịu đầu tư nhiều hơn vào sự chung sống có nguyên tắc.
Mặt tích cực của hội nhập
Để ngăn chặn vòng xoáy này, Bắc Kinh và Washington sẽ cần xác định những kết quả mà họ muốn được thấy, theo đó tránh các biện pháp xem thành công là làm chậm lại hoặc vượt lên trên đối phương. Theo đuổi khả năng phục hồi và răn đe, chứ không phải ưu thế hay bá quyền, sẽ đưa họ vào một lộ trình ổn định hơn. Tình trạng đơn cực của Mỹ trong chính trị toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh là ngoại lệ, chứ không phải quy luật. Ngày nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể khao khát thống trị trên mọi lĩnh vực và mọi công nghệ.
Bản chất của sự phát triển công nghệ khiến chúng ta không thể dự đoán chính xác cách thức các công nghệ mới và mới nổi sẽ định hình lại cuộc sống hàng ngày cũng như định hình chiến trường. Do đó, điều bắt buộc là Trung Quốc và Mỹ phải duy trì một mức độ hội nhập nhất định nhằm phát hiện và học hỏi từ những tiến bộ mới. Nếu những người dẫn đầu công nghệ trong một lĩnh vực nào đó là người Trung Quốc, thì Washington nên muốn các công ty Mỹ có quyền truy cập vào những cải tiến mới nhất này. Hiện tại, các nhà sản xuất Trung Quốc đang đi trước rất xa trong sản xuất năng lượng mặt trời, pin, và xe điện. Chẳng hạn, việc cấp phép sử dụng công nghệ Trung Quốc để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ sẽ giúp phát triển chuyên môn trong nước của Mỹ và giúp các nhà sản xuất xe hơi Mỹ chuyển đổi nhanh hơn nhờ các công nghệ hàng đầu. Việc phản đối những động thái như vậy với lý do không có căn cứ – rằng công nghệ tái tạo có thể là con ngựa thành Troy cho ảnh hưởng của cộng sản – vừa sai lầm vừa phản tác dụng đối với lợi ích của Mỹ.
Đa dạng hóa là một điều tốt, nhưng Mỹ cần thiết lập các giới hạn đối với phân tách và cắt giảm rủi ro. Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng quốc tế sẽ đi kèm với lạm phát chi phí. Washington cũng thu được lợi ích chiến lược từ hội nhập kinh tế. Sự gắn kết của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc của nước này vào công nghệ, đầu tư, và thị trường quốc tế là những cơ sở răn đe quan trọng đối với hành vi xâm lược, vì chúng cho thấy rõ Bắc Kinh sẽ mất gì nếu xảy ra xung đột quân sự. Và những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của các công ty Trung Quốc có thể phản tác dụng. Các biện pháp này có thể cản trở khả năng đổi mới và duy trì khả năng cạnh tranh của các công ty ở các nền dân chủ phát triển, cũng như khuyến khích các công ty Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào chính phủ và các nhà cung cấp trong nước – đây chính là sự kết hợp có thể tạo ra loại sức mạnh mà các biện pháp ban đầu được thiết kế để ngăn chặn.
Cân bằng giữa rủi ro và lợi ích của hội nhập kinh tế và công nghệ là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, một nhiệm vụ đã và đang được tiến hành trong lúc chính quyền Biden đánh giá và cập nhật các thông số của chính sách "sân nhỏ, hàng rào cao" của mình. Kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác có thể bảo vệ các lĩnh vực chiến lược, nhưng chúng cũng có thể làm chậm tiến trình phát triển công nghệ. Do đó, quá trình hiệu chỉnh các công cụ này đòi hỏi phải đánh giá sát sao những sự đánh đổi. Bằng cách tham khảo quan điểm từ các ngành công nghiệp và cộng đồng nghiên cứu, chính phủ Mỹ có thể dự báo tốt hơn tác động lâu dài của các biện pháp hạn chế đối với khả năng đổi mới và sức sống kinh tế của Mỹ.
Đạt được sự cân bằng
Các lực lượng mang tính cấu trúc đang tác động đến động lực quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng tương lai vẫn chưa được viết ra, và phần lớn phụ thuộc vào các lựa chọn được đưa ra ở Bắc Kinh và Washington. Việc ngăn chặn hai bên rơi vào xung đột dường như là điều không thể dưới thời lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, nhưng mối bận tâm của Bắc Kinh với sự ổn định kinh tế và chính trị khiến họ có lý do để tìm cách xoa dịu căng thẳng. Đồng thời, không có điểm nào trong quá trình điều chỉnh cách tiếp cận của Washington cho rằng ý định của Bắc Kinh là vô hại hoặc không đe dọa. Các lợi ích và giá trị được nêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng đang xung đột với rất nhiều – dù không phải tất cả – những gì Mỹ tìm kiếm trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích và hoạch định chính sách Mỹ không nên tự động cho rằng các mục tiêu của Trung Quốc là tối đa và không thể thay đổi mà không có sự xem xét và tranh luận thấu đáo.
Một số mục tiêu, chẳng hạn như tham vọng của Bắc Kinh về sáp nhập hoặc "thống nhất" với Đài Loan, là bất biến. Nhưng thời gian và cách thức hành động – hòa bình hay không hòa bình – để hiện thực hóa mục tiêu đó thì không bất biến. Không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Tập đã đặt ra một thời hạn để giải quyết tình hình một lần và mãi mãi. Dù một số tiếng nói diều hâu ở Trung Quốc đang háo hức mong đợi việc sử dụng vũ lực, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng Tập vẫn xem xung đột quân sự ở Đài Loan là một cuộc khủng hoảng cần tránh hơn là một cơ hội để khai thác.
Điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận mọi thứ một cách thụ động. Ngược lại, để đạt được một dàn xếp có lợi, Mỹ sẽ cần phải cải thiện khả năng răn đe, và việc đó sẽ liên quan đến nhiều thứ hơn là chỉ đe dọa và tăng cường năng lực quân sự. Như Bonnie Glaser, Thomas Christensen, và tôi đã viết trên Foreign Affairs hồi năm ngoái, Mỹ có thể và nên làm rõ rằng lời đe dọa của họ là tùy vào các hành vi của Trung Quốc, chứ không phải là nỗ lực thay đổi nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan. Những lời trấn an như vậy không phải là sự nhượng bộ. Trấn an sẽ làm rõ các lựa chọn của Bắc Kinh bằng cách truyền đạt ý định rằng Washington sẽ chỉ hành động nếu Trung Quốc chọn leo thang thay vì kiềm chế. Trong khi đó, những nhượng bộ đơn phương, chẳng hạn như gợi ý của Trump rằng Mỹ sẽ giữ một vai trò nhỏ hơn ở Eo biển Đài Loan, sẽ có nguy cơ mời gọi chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc.
Nhiều người ở Washington đã kết luận rằng thay vì cố gắng làm Trung Quốc chậm lại, Mỹ nên chạy nhanh hơn. Như nhà khoa học chính trị Amy Zegart đã viết, "chỉ đơn thuần cản trở Trung Quốc sẽ không thể thúc đẩy sự đổi mới dài hạn mà Mỹ cần để đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong tương lai." Để duy trì vị thế của đất nước như một trung tâm của nhân tài và đổi mới toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên khuyến khích các sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế – bao gồm cả những người từ Trung Quốc – đến, ở lại, và đóng góp vào tiến bộ khoa học tại Mỹ. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn các nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ bị sử dụng để phá hoại an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ phải được điều chỉnh cẩn thận để tránh bóp nghẹt chính tài sản mà họ muốn bảo vệ. Chẳng hạn, các hướng dẫn do Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của chính quyền Biden ban hành hồi tháng 7 đã nêu ra nhu cầu cân bằng giữa an ninh nghiên cứu với "duy trì sự cởi mở mà từ lâu đã cho phép Mỹ lãnh đạo R&D trên toàn thế giới và không làm trầm trọng thêm tình trạng bài ngoại, định kiến, hoặc phân biệt đối xử".
Giải quyết đúng vấn đề Trung Quốc
Chuyển giao quyền lực sang một chính quyền tổng thống mới sẽ tạo cơ hội cho một sự hiệu chỉnh cần thiết để đưa quan hệ Mỹ-Trung Quốc hướng tới một nền tảng ổn định và hiệu quả hơn. Các đối tác và đồng minh của Mỹ sẽ hoan nghênh sự thay đổi này, vì hầu hết trong số họ đều đang tìm kiếm quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc và không muốn đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài ra, phần lớn người Mỹ thuộc cả hai đảng được tổ chức phi lợi nhuận Hành động An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại vì Nước Mỹ khảo sát vào năm 2023 đã nói rằng tránh chiến tranh và giảm căng thẳng với Trung Quốc là một mục tiêu rất quan trọng – quan trọng hơn cả việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng. Các cuộc thăm dò này cho thấy rằng vẫn có không gian chính trị để tranh luận và tinh chỉnh các chính sách đối với Trung Quốc. Cái giá chính trị dự kiến của việc tỏ ra mềm mỏng trước Trung Quốc thường không trở thành hiện thực. Việc Trump khen ngợi phong cách quản lý của Tập và cam kết "cứu TikTok" (vốn thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc) khỏi nỗ lực cấm của một số chính trị gia Mỹ đã không làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với ông. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ đã không mang lại những lợi ích chính trị như mong đợi. Lãnh đạo của Teamsters, một trong những công đoàn lao động lớn nhất nước Mỹ, đã tham gia Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa dù chính quyền Biden đã mở rộng thuế quan thời Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Và chiến dịch tranh cử của Trump đã có những lập trường mâu thuẫn với nhau về đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đầu tiên là hoan nghênh và sau đó là phản đối, nhưng không đe dọa một hậu quả rõ ràng.
Viễn cảnh về một cuộc chuyển giao chính trị và sự vắng mặt của một thái độ công chúng vững chắc tại Mỹ tạo ra cơ hội để các nhà hoạch định chính sách tinh chỉnh các giả định của họ về động lực thúc đẩy các hoạt động của Trung Quốc, cũng như mức độ đe dọa mà các hoạt động đó gây ra cho lợi ích của Mỹ, và các phản ứng nào là hợp lý. Nếu họ chỉ dựa vào nỗi sợ hãi và sự thuận tiện, họ sẽ trở thành nạn nhân của kiểu tư duy nhị phân xem ngoại giao là xoa dịu và sự hiện diện của những cá nhân người Trung Quốc sinh ra tại Mỹ (hoặc người Mỹ tại Trung Quốc) là gian xảo. Tâm lý đó rất nguy hiểm và sẽ khiến người ta tự chuốc lấy thất bại. Ngoại giao không phải là xoa dịu; nó là một công cụ không thể thiếu để truyền đạt các mối đe dọa và trấn an cần thiết cho sự răn đe hiệu quả. Và việc chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng quyền kiểm soát ngoài lãnh thổ của họ là rất quan trọng để bảo vệ các quyền tự do của Mỹ. Nhưng những người sinh ra tại Trung Quốc hoặc có nguồn gốc Trung Quốc không nên bị xem là "đội quân thứ năm" ở Mỹ; cộng đồng người Hoa lưu vong đã trở thành một ổ kháng cự, và đó chính xác là lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại quyết tâm theo dõi và đe dọa họ. Nếu Mỹ đi xa đến mức ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế thị thực dựa trên quốc tịch, thì nó sẽ chỉ làm tổn hại đến các nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật vốn là hiện thân của lý tưởng Mỹ.
Nước Mỹ đang đối mặt với những thách thức thực sự trong việc giải quyết hoạt động gián điệp, tấn công mạng, và các hoạt động phi pháp và phi thị trường khác của Trung Quốc. Nhưng các chính sách chống lại những mối đe dọa này không được làm suy yếu sức mạnh mà chúng đáng lẽ phải bảo vệ. Hiện tại, phần lớn các cuộc thảo luận trong công chúng và giới chính sách Mỹ đều đang tập trung vào cách chống lại Trung Quốc và bảo vệ người lao động, cơ sở hạ tầng, công nghệ, và sở hữu trí tuệ của Mỹ trước các mối đe dọa từ nước ngoài. Trọng tâm này đã hạ thấp tác hại mà các biện pháp có mục đích rõ ràng là nhằm tăng cường an ninh quốc gia Mỹ có thể gây ra cho sức khỏe và sự năng động của nền dân chủ, xã hội, và hệ sinh thái đổi mới của Mỹ. Việc giải quyết đúng vấn đề Trung Quốc là rất quan trọng đối với thành công của Mỹ, cả dưới thời tổng thống tiếp theo và trong nhiều năm sau đó.
Jessica Chen Weiss
Nguyên tác : "The Case Against the China Consensus," Foreign Affairs, 16/09/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/09/2024
Jessica Chen Weiss là giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, và là cựu thành viên Ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Xử lý "có trách nhiệm" các tranh chấp là trọng tâm
Hôm 02/04/2024, lần đầu tiên kể từ thượng đỉnh tháng 11/2023, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm. Cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ đồng hồ là dịp để hai bên điểm lại một số lĩnh vực hợp tác song phương hiếm hoi, và đặc biệt là tìm cách xử lý các cạnh tranh "một cách có trách nhiệm", tránh để xung đột bùng phát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp bên lề thượng đỉnh APEC, tại Woodside, California, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. Reuters - Kevin Lamarque
Hoa Kỳ kêu gọi "hòa bình và ổn định" tại eo biển Đài Loan, trong lúc Trung Quốc coi việc ủng hộ Đài Loan "độc lập" là điều không thể chấp nhận được, "lằn ranh đỏ quan trọng nhất" trong quan hệ Mỹ - Trung. Ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tân tiến đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, các hoạt động Trung Quốc đe dọa "quyền tự do hàng hải ở Biển Đông" cũng như việc Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ "cỗ máy chiến tranh Nga", là các hồ sơ nóng khác.
Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm chi tiết :
"Đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng" là cách mà các nhà ngoại giao dùng để mô tả về những cuộc họp mà ở đó các đồng thuận thừa nhận về những bất đồng. Cuộc điện đàm kéo dài gần hai tiếng đồng hồ giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc đã diễn ra trên tinh thần đó.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên kể từ cuộc thượng đỉnh tháng 11 năm ngoái, gần San Francisco, với kết quả là hai bên cam kết duy trì liên lạc và quản lý một cách có trách nhiệm các cạnh tranh. Trước cuộc thượng đỉnh tháng 11 nói trên, đây không phải là điều luôn diễn ra, đặc biệt là các liên lạc giữa giới quân sự hai nước trước đó đã bị gián đoạn trong một thời gian dài.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden đã điểm lại các lĩnh vực hợp tác song phương hiếm hoi trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy, chống biến đổi khí hậu, những rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo và việc duy trì các đường dây liên lạc.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ sớm đến Trung Quốc. Họ sẽ có thể thảo luận với phía Trung Quốc về tất cả những gì mà Washington đang chỉ trích Bắc Kinh, như các hoạt động thương mại bị coi là "bất chính", áp lực của Bắc Kinh đối với Đài Loan, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ngày càng trở thành mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, các nỗ lực can thiệp vào năm bầu cử Mỹ đang diễn ra, việc Trung Quốc hậu thuẫn cỗ máy chiến tranh của Nga ở Ukraine, và những nỗ lực nhằm chiếm lĩnh các công nghệ tiên tiến mà Hoa Kỳ đang làm mọi cách để ngăn chặn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc ngày mai, 04/04, lần thứ hai kể từ 8 tháng nay. Theo AFP, trong chuyến công du kéo dài đến ngày 09/04, lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ tập trung thảo luận với phía Trung Quốc về "các hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu của việc Trung Quốc sản xuất hàng hóa quá mức cần thiết", cũng như giá cả hàng hóa quá thấp trong các lĩnh vực như xe ô tô điện, bình điện lithium - ion, pin mặt trời, cản trở sự trỗi dậy của công nghiệp Mỹ về các mặt này.
Báo chí Nhà nước Trung Quốc tỏ thái độ thiện cảm với bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Nhật báo China Daily, trong một bài viết hồi tuần trước, đặt hy vọng vào chuyến công du của bộ trưởng Tài chính Mỹ, người vốn được tiếng là "có lập trường thực tiễn và cởi mở", và được nhiều đối tác Trung Quốc tin cậy. Tuy nhiên, theo chuyên gia Patricia Kim, viện Brookings Institution, ít tháng cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Mỹ, "cả hai bên đều không dự kiến khởi động các đàm phán và các sáng kiến song phương nào".
Trọng Thành
"Mọi sự so sánh đều khập khiễng", nhưng chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ gợi nhớ lại các cuộc mật đàm "tan băng" Trung - Mỹ cách đây 52 năm.
Năm 1971 Kissinger đã hai lần bí mật sang Bắc Kinh gặp blg Đảng cộng sản Trung Quốc để thiết lập mối quan hệ ngoại giao và dẫn đến chuyến thăm Trung Quốc của Nixon mùa hè cùng năm - Ảnh minh họa Kissinger và Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai (giữa)
Các cuộc đàm phán của Henry Kissinger với Thủ tướng Chu Ân Lai từng được ghi vào sách giáo khoa.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc mới đây nói, nếu Mỹ và Trung Quốc lâm chiến, thế giới sẽ không thể nào "gánh nổi" chi phí.
Chính lúc này mới là lúc cần đến các nhà ngoại giao.
Thế giới nay với nhiều điểm nóng, không kể Ukraine còn có Châu Phi, vùng giáp Moldova, các vùng biển xa gần, không khác gì 'đêm trước' thời Xuân thu Chiến Quốc (The Warring States, 476-221 trước công nguyên), hàng chục nước đánh lẫn nhau, liên kết tung hoành.
Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa kết thúc lúc 17g09 ngày 19/6 tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng ra thông cáo. Năm năm nay mới có một cuộc gặp tầm cỡ này. Dù chỉ gặp trong vòng nửa giờ. Năm năm là bấy nhiều ngày ? Cho nên có thể hiểu được phần nào cái động thái dang rộng hai cánh tay của ông Blinken khi tiến về phía "Tập Hoàng đế".
So sánh khập khiễng nhưng hữu lý
Năm mươi hai năm trước, Mỹ và Trung Quốc cũng đã lặng lẽ tiến hành các cuộc đàm phán để cải thiện bang giao, trong bối cảnh chính sách của Liên Xô ngày càng hiếu chiến. Năm 1971 Kissinger đã hai lần bí mật sang Bắc Kinh để thiết lập mối quan hệ ngoại giao và dẫn đến chuyến thăm Trung Quốc của Nixon mùa hè cùng năm. Và sau đó là đến lượt với Liên Xô.
Năm 1972 : Richard Nixon và Chu Ân Lai nâng ly cho quan hệ 'không còn là kẻ thù'
Báo đài Hà Nội từng có lúc tố cáo hai quốc gia đàn anh là những kẻ "cơ hội chủ nghĩa". Nghe các bài xã luận bốc lửa, với các metaphor chủ nghĩa anh hùng cách mạng "đầy hoa thơm cỏ lạ", chủ nghĩa cơ hội là "vũng bùn hôi tanh", để mạt sát hai ông anh, thấy sướng cái bụng. Nhưng đối với người am tường, biết là mấy ông anh sắp "bán đứng" mình.
Thân phận nước nhỏ trong bang giao quốc tế thật truân chuyên !
Năm mươi hai năm sau, giờ liệu có xảy ra chuyện tương tự ? Lần này, không phải một mình Việt Nam thấp thỏm. Một nước khác, thuở nào từng cùng chiến hào với ta, đất nước của Tổng thống Zelensky, đang trong đà tổng phản công quyết liệt, chắc chắn mắt cũng đang hướng về các cuộc mật đàm giữa hai cường quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bắt tay trước cuộc gặp tại Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh ngày 18/6. Ảnh : AFP
Ông Blinken với ông Tần Cương đàm phán với nhau bảy tiếng rưỡi đồng hồ.
Theo CNN, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết các cuộc hội đàm giữa ông với Tần Ngoại trưởng dĩ nhiên có đề cập đến Ukraine... Ông Blinken đồng thời nêu lên các mối quan ngại của Hoa Kỳ "được chia sẻ bởi ngày càng nhiều quốc gia về các hành động khiêu khích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Eo biển Đài Loan, cũng như trên Biển Đông và Biển Hoa Đông".
Bản tin láy đi láy lại điệp khúc Biển Đông khiến người Việt Nam không khỏi chột dạ…
Bãi Tư Chính trong những ngày này thật tội nghiệp, nó đang "trần trụi giữa bầy sói".
Trung Quốc tăng hơn gấp đôi số tàu cảnh sát biển tuần tra trên các vùng mỏ dầu khí của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong năm 2022, nâng từ con số 142 ngày vào năm 2020 lên 310 ngày vào năm 2022, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (The Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI).
"Mục tiêu của Trung Quốc trong việc tuần tra tại những khu vực này là để thiết lập cái gọi là "quyền lịch sử" đối với tuyên bố đường chín đoạn. Trung Quốc đã liên tục gia tăng sự hiện diện của mình trong những năm qua với sự phản đối công khai rất ít ỏi từ Hà Nội", ông Raymond M. Powell bình luận.
Liệu lợi ích quốc gia có cho phép Mỹ kiên định vấn đề "an ninh hàng hải" được mãi trước sức ép của Trung Quốc ? Ở đây không chỉ có một mình Việt Nam, nên Bắc Kinh không dễ gì "tự tung tự tác" trên Biển Đông. Chỉ đáng tiếc là Việt Nam tự trói tay mình bằng "bốn không", nên dù có đến hai "Bộ tứ" trong không gian FOIP, Hà Nội cũng không kết hợp được sức mạnh của mình với các đồng minh "ruột" của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đã là các "đối tác chiến lược" của Việt Nam.
Về cuộc chiến ở Ukraine, ông Blinken cho biết, Trung Quốc đảm bảo với Mỹ và các nước khác rằng họ sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga và bản thân người Mỹ hiện cũng chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào mâu thuẫn với những điều Trung Quốc vừa bảo đảm. Ông Blinken lưu ý rằng, sự đảm bảo này của Trung Quốc phù hợp với các tuyên bố Bắc Kinh lặp đi lặp lại trong những tuần gần đây.
"Tuy nhiên, điều mà chúng tôi đang lo ngại là các công ty Trung Quốc, những công ty có thể đang cung cấp công nghệ mà Nga có thể sử dụng để thúc đẩy cuộc xâm lược của mình ở Ukraine. Và chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc hết sức cảnh giác về điều đó", ông Blinken cho biết thêm.
Nhưng còn sự hợp tác "không giới hạn" giữa Trung Quốc và Nga thì sao ?
Liệu "cầu nối" Bắc Kinh có bắc qua được Moscow ? Còn tiếng nói của Mỹ với Liên Âu, những người đang cam kết hỗ trợ sự nghiệp của quân và dân Ukraine, chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Sau hai ngày mật đàm, tới đây, Mỹ mời ông Vương Nghị và ông Tần Cương sang Washington để bàn tiếp các câu chuyện họ đang trao đổi dở với nhau, sau bảy tiếng rưỡi đồng hồ. Bảy giờ rưỡi với Tần Cương và khoảng ba giờ đồng hồ với Vương Nghị.
Trung, Mỹ đều điều hướng dư luận
Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đang điều hướng các cuộc đàm phán khởi động giữa hai ngoại trưởng đối với "khán giả" trong nước, tương ứng với mỗi bên. Sau cuộc gặp chiều 19/6 với ông Tập, Blinken cho biết Trung Quốc chưa sẵn sàng nối lại các liên hệ giữa hai quân đội với nhau, điều mà Hoa Kỳ coi là rất quan trọng để tránh tính toán sai lầm và xung đột, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
Một nhà ngoại giao của Trung Quốc tại Tây Bán cầu, Yang Tao, cho biết ông nghĩ chuyến thăm của Blinken tới Trung Quốc "đánh dấu một khởi đầu mới". Ông nói : "Phía Hoa Kỳ chắc chắn nhận thức được lý do tại sao có khó khăn trong việc trao đổi giữa hai quân đội", ông nói, đồng thời đổ lỗi thẳng thắn vấn đề này cho các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, mà Blinken cho rằng hoàn toàn xoay quanh các mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ.
Hai ông Blinken lẫn Tập Chủ tịch tuyên bố họ hài lòng với những tiến bộ đạt được trong hai ngày đàm phán, nhưng không hề chỉ ra các lĩnh vực thỏa thuận cụ thể, ngoài quyết định chung là quay trở lại một chương trình nghị sự rộng lớn về hợp tác và cạnh tranh đã được Tập Chủ tịch và Tổng thống Joe Biden thông qua vào năm ngoái tại một cuộc họp hội nghị thượng đỉnh ở Bali.
Ở Mỹ hiện nay, cao trào chống lại Trung Quốc mạnh mẽ và lấn át đến mức đã trở thành chủ đề tranh luận chính trị sôi nổi, với việc một số nhà lập pháp chỉ trích chính quyền Biden, chưa gì đã vội vã ngồi xuống với Bắc Kinh.
Còn ở Trung Quốc, ngược lại, coi Washington đang tìm mọi cách cách cản trở sự "trỗi dậy" của họ, và Bắc Kinh cũng nhận thức rất rõ rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị bước vào chu kỳ bầu cử Tổng thống, nơi những luận điệu diều hâu chống lại Bắc Kinh còn có thể tiếp tục gia tăng.
Theo Reuters, ngay cả đối với Tổng thống Joe Biden, dù ông ấy nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai nước đang đi đúng hướng và dù rằng, ông ấy được thông báo liên tục về các tiến triển đạt được trong chuyến công du Bắc Kinh của Blinken, nhưng Tổng thống vẫn lưỡng lự.
"Chúng ta đang đi đúng hướng !", Biden nói về quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng khi được các phóng viên hỏi trong chuyến đi tới California, liệu Tổng thống có cảm thấy tiến bộ đã đạt được rõ rệt hay không, thì ông lại tự mâu thuẫn : "Tôi không cảm thấy lắm !". "Nhưng quý vị biết đấy, các bước tiến đã và đang được thực thi ! Blinken đang làm rất tốt công việc của ông ấy !".
Liệu có sự hiểu nhầm nào liên quan đến việc Tập Chủ tịch tiếp Ngoại trưởng Blinken vào cuối buổi chiều 19/6 ? Cuộc tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, chỉ được công khai thông báo khoảng một giờ trước khi nó diễn ra. Và cũng chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, bắt đầu lúc 4g34 chiều (giờ địa phương) và kết thúc lúc 5g09 chiều. Điều này hơi ngược với thông lệ xưa nay, cuộc chào xã giao lãnh đạo cao nhất bao giờ cũng được lên lịch từ trước.
Tại sao được ông Tập tiếp được xem là quan trọng ?
Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 30 phút ấy có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden vào cuối năm nay. Biden và Tập gặp nhau lần gần đây nhất là bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11/2022. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết liên lạc thường xuyên hơn, dù quan hệ kể từ đó đã xấu đi, vì vấn đề Đài Loan, vì các cáo buộc gián điệp và nhiều quan ngại khác.
Cuộc gặp 19/06 tại Bắc Kinh : Ngoại trưởng Anthony Blinken bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong Đại lễ đường Nhân dân
"Hai bên cũng đã đạt được tiến bộ và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể. Điều này rất tốt", ông Tập nói với ông Blinken trong cuộc hội kiến. Ông Blinken đáp lại rằng hai nước "có nghĩa vụ và trách nhiệm" trong việc quản lý mối quan hệ của họ và Mỹ "cam kết thực hiện điều đó".
Hiện còn quá sớm để xem những giao tiếp Trung - Mỹ này có thực sự là một "khởi đầu mới" hay không ? Và mới thì là mới ở chỗ nào ? Nhưng điều dễ thấy là cả hai bên đều còn cần nhau, ít là để dàn xếp tránh những căng thẳng do chưa định vị được đối thủ mà dễ gây ra đổ vỡ lớn.
Với Việt Nam, bất cứ động thái nào của Washington và Bắc Kinh trong cuộc đối đầu dài hơi rồi cũng sẽ có tác động đến Biển Đông, đến kinh tế, đến quan hệ với Nga, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ở Hà Nội có cái nhìn dài hạn, thay vì xoay theo bên này bên kia, trong khi "lẽ phải" không bao giờ tồn tại trong bang giao quốc tế.
Trước đây, Trung Quốc từng "dụ" Mỹ "chia đôi" Tây Thái Bình Dương. Mỹ đã khước từ. Nay, với tham vọng lớn hơn, Tập hàm ý nói với Blinken, Trung Quốc "rủ" Mỹ cùng làm bá chủ thế giới !
Nhưng trước khi rời Bắc Kinh, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói với người dẫn chương trình Leila Fadel của kênh phát thanh Mỹ NPR Morning Edition rằng, rõ ràng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc là "chưa ổn định" trong các cuộc hội đàm.
"Tham gia trực tiếp, liên lạc bền vững ở cấp cao, là cách tốt nhất để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ của chúng ta", ông nói.
Trước mắt, mọi người sẽ chờ xem cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào. Tránh được thế Chiến Quốc thời mới - hỗn chiến giữa các tiểu quốc vì các đại cường không điều khiển nổi "đàn em" - thì cũng "vài hồi sau" nữa, thế trận "Tam quốc" của thế kỷ 21 mới được định hình.
Đinh Hoàng Thắng
(nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan)
Nguồn : RFA, 20/06/2023
Xem thêm :
Bỏ phiếu về Nga : 'Việt Nam đã gần Trung Quốc hơn là ASEAN '
Francis Fukuyama : 'Việt Nam làm khác Trung Quốc'
Báo Mỹ nói khinh khí cầu Trung Quốc 'do thám' cả Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nước khác
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, hôm 08/05/2023, khẳng định điều cấp bách hiện nay là phải ổn định quan hệ Trung-Mỹ, sau một loạt các "phát biểu và hành động sai lệch" khiến quan hệ hai nước đóng băng trở lại.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21/04/2023. © AP - Ng Han Guan
Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc gặp đại sứ Mỹ Nicholas Burns tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc đã đặc biệt nhấn mạnh Hoa Kỳ phải sửa chữa cách xử lý vấn đề Đài Loan, không vượt ra ngoài nguyên tắc "một nước Trung Quốc duy nhất".
Reuters dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, ông Tần Cương đã nói với đại sứ Nicholas Burn : "Hàng loạt những phát ngôn sai lầm từ phía Hoa Kỳ đã làm tổn hại đến động lực tích cực mà phải khó khăn lắm mới có được trong quan hệ Mỹ Trung", cụ thể là, "lịch trình đối thoại, hợp tác được hai bên nhất trí đã bị đảo lộn và quan hệ hai nước bị đóng băng trở lại".
Ông Tần Cương nhấn mạnh : "Ưu tiên hàng đầu là ổn định quan hệ Trung-Mỹ, tránh đi xuống và ngăn chặn bất kỳ sự cố nào giữa Trung Quốc và Mỹ".
Những dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng cũng xuất hiện từ Washington gần đây. Tuần trước, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trên nhật báo Washington Post rằng điều quan trọng là tái lập lại các kênh liên lạc thường xuyên giữa hai nước ở mọi cấp.
Bên cạnh các cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, Đài Loan vẫn là một vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ -Trung. Tháng trước, Trung Quốc đã tổ chức tập trận quy mô lớn xung quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ.
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xuống mức thấp nhất vào tháng 8 năm ngoái, khi chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận. Để đáp trả, Trung Quốc đã cắt đứt các kênh liên lạc chính thức với Mỹ, trong đó có kênh liên lạc giữa quân đội của hai nước.
Anh Vũ
Mỹ - Trung cùng nhượng bộ nhau tại G20
Hôm 16/11/2022, báo chí Pháp quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Xã luận nhật báo Le Monde đề cập đến phản ứng của Hoa Kỳ và Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia. "Căng thẳng" là từ để mô tả cuộc gặp đầu tiên giữa các cố vấn của Joe Biden và của Tập Cận Bình vào tháng 3/2021 tại Anchorage, Alaska.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon
Do vậy, cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh G20, cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống, rất được mọi người quan tâm chú ý. Hơn nữa, cuộc hội đàm này diễn ra sau một mùa hè hết sức căng thẳng sau chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, đi kèm với một loạt các hành động trả đũa của Trung Quốc, như việc gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo.
Tại Bali, hai nhà lãnh đạo đã quyết định xuống thang căng thẳng, tránh sử dụng những lời lẽ hiếu chiến không cần thiết, nhưng vẫn đề cao cảnh giác đối phương. Một ví dụ khác cho sự xuống thang này là cuộc gặp đầu tiên sau 5 năm giữa chủ tịch Trung Quốc và một lãnh đạo Úc.
Đây là những tín hiệu tốt. Tình trạng bất ổn quốc tế, bắt đầu từ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, đủ gây căng thẳng để thế giới tránh bằng mọi giá một cuộc "chiến tranh lạnh" giữa hai cường quốc thống trị thế giới. Khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, cũng là những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác khăng khít giữa hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh.
Mặc dù vậy, các chủ đề gây tranh cãi giữa hai bên vẫn còn đó : như tình hình Đài Loan hay xung đột ở Ukraine khi tình bạn "không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moskva đang đi ngược lại những quy tắc mà Washington duy trì từ nhiều thập kỷ qua.
Về phần Hoa Kỳ, Washington quyết tâm bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đến cùng, không có ý định xuống thang trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh do Donald Trump phát động. Mỹ thậm chí còn tăng cường các rào cản để duy trì vị trí dẫn đầu về mặt công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Do vậy, sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế và Châu Âu nên lưu ý đến điều này và tự bảo vệ những quyền lợi của mình.
Chiến tranh Ukraine không có hồi kết ?
Về tình hình Ukraine, trang nhất và xã luận nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến việc Ukraine khi nào sẽ có hòa bình trở lại ? Đó là câu hỏi được đặt ra kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Thất bại trong việc ngăn chặn chiến tranh, phương Tây đang tìm mọi cách để nhanh chóng kết thúc. Tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát và chi phí cắt cổ của cuộc xung đột đang làm gia tăng lạm phát và giá năng lượng tăng cao, đe dọa gây bất ổn cho các nền dân chủ Châu Âu. Vậy làm thế nào để tìm ra một giải pháp hợp lý ?
Sau khi bị Putin "ru ngủ" trong vòng 20 năm, phương Tây dường như đang ngây thơ cho rằng Tập Cận Bình sẽ có thể giúp họ nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Dĩ nhiên, việc ngăn không cho cuộc chiến hạt nhân xảy ra có lợi cho chính bản thân ông Tập, tuy nhiên, phương Tây thực sự ảo tưởng khi tin rằng ông Tập sẽ gây áp lực đủ mạnh với ông Putin để buộc tổng thống Nga phải đàm phán với các nền dân chủ tự do.
Le Figaro nhận định rằng, cách duy nhất để Nga bị khuất phục là hứng chịu thêm những thất bại trên chiến trường, giống như ở Kherson. Bất kỳ một sự thỏa hiệp nào cho phép Putin nghĩ rằng đã chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ củng cố quyền lực của ông và như vậy, ông có thể sẽ phát động chiến tranh với những quốc gia khác, chẳng hạn như Moldova hay những nước khác trong khối Liên Xô cũ. Do vậy, đây chưa phải là thời điểm để đàm phán.
Thế giới lo lắng trước việc Elon Musk điều khiển Twitter
Trang nhất và xã luận nhật báo công giáo La Croix thì dành sự chú ý đến thương vụ mua Twitter của tỷ phú Elon Musk. Trong 20 năm qua, Elon Musk đã tự khẳng định mình là người đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực tiên tiến, như xe chạy bằng điện (Tesla), tàu không gian (SpaceX và Starlink), cấy ghép não (NBIC). Với khả năng kinh tế dồi dào của mình, tỷ phú người Mỹ thực sự có khả năng gây ảnh hưởng đến địa chính trị thế giới, và điều đó khiến cho chính Hoa Kỳ cảm thấy "khó chịu". Ông Musk đã đạt được tham vọng mua lại Twitter vào cuối tháng 10 với số tiền 44 tỷ đô la, với mong muốn thúc đẩy quyền tự do ngôn luận nhiều hơn trên mạng xã hội, đặc biệt bằng cách giảm bớt các biện pháp kiểm duyệt nội dung…
Việc ông Musk tiếp quản Twitter đe dọa đến hoạt động chuẩn mực của nền dân chủ. La Croix nhận định rằng, sự hợp nhất giữa kinh tế và công nghệ cho phép những người giàu có, thông qua các công ty mà họ sở hữu, áp đặt tầm nhìn của họ về thế giới và buộc mọi người phải theo. Giờ đây, sự điều tiết của không gian kỹ thuật số phụ thuộc vào sự thống nhất hợp tác liên quốc gia.
Khả năng sinh sản của nam giới giảm mạnh
Về mặt y tế, trang nhất Le Monde chú ý đến sự sụt giảm nhanh chóng về khả năng sinh sản của nam giới không chỉ ảnh hưởng đến các nước phát triển mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đó là nội dung một nghiên cứu được đăng hôm 15/11 trên tạp chí Human Reproductive Update.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là chủ đề của các nghiên cứu trong 20 năm qua, chỉ ra các yếu tố liên quan đến lối sống của đàn ông (hút thuốc, ít vận động, chế độ ăn uống, béo phì, uống nhiều rượu, hay bị căng thẳng…) và các nguyên nhân môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí và sự hiện diện của một số hóa chất trong môi trường và thức ăn (chẳng hạn như các chất gây rối loạn nội tiết hay thuốc trừ sâu).
Các nhà dịch tễ học Hagai Levine (đại học quốc gia ở Jerusalem), Shanna Swan (trường Y khoa Mount-Sinai ở New York) và các đồng nghiệp của họ đã tổng hợp kết quả của tất cả các nghiên cứu về chủ đề này. Họ đã xác định dữ liệu có sẵn ở hơn 50 quốc gia, giai đoạn 1973-2018. Theo thống kê, trong 46 năm này, nồng độ giao tử trung bình trong tinh trùng của nam giới đã giảm từ 101 triệu trên mililit (M/ml) xuống 49 M/ml, tương đương với số liệu của một người đàn ông "yếu sinh lý". Chuyên gia Levine khẳng định rằng đàn ông ở Pháp cũng không phải là ngoại lệ. "Ở Pháp, nhờ có những dữ liệu rất đáng tin cậy, chúng tôi chắc chắn rằng có một sự sụt giảm mạnh mẽ về sinh sản giống như những nơi khác trên thế giới".
Tuy nhiên, giờ đây, ngay cả những nước kém phát triển cũng phải đối mặt với hiện tượng này. Nghiên cứu nói trên lần đầu chỉ ra rằng sự sụt giảm này được ghi nhận ở các nước Châu Phi và Nam Mỹ.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã công bố các ước tính tương tự cho giai đoạn 1973-2011 vào năm 2017, nhưng vào thời điểm đó, họ chỉ có thể thu thập những dữ liệu ở Châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand và Úc. Theo các chuyên gia, các nghiên cứu được công bố về tình hình ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ đã xác nhận rằng sự sụt giảm này ảnh hưởng đến đàn ông trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chất lượng tinh trùng sụt giảm chỉ là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng khả năng thụ thai của các cặp đôi bị giảm. Nhà dịch tễ học Rémy Slama, người đứng đầu viện Y tế Inserm cho biết : "Sự sụt giảm chất lượng tinh trùng có liên quan đến các hiện tượng khác, chẳng hạn tỷ lệ mắc ung thư tinh hoàn gia tăng và tần suất dị tật của bộ phận sinh dục nam".
Đồng thời, chuyên gia Swan nhấn mạnh rằng chất lượng tinh trùng sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nam giới mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Swan cho biết thêm, sở dĩ khả năng sinh sản của phụ nữ ít được nhắc đến bởi một lý do đơn giản : "Phân tích số lượng trứng khó hơn rất nhiều so với phân tích số lượng tinh trùng".
Amazon - chủ đề then chốt trong chính sách đối ngoại của Lula
Về chủ đề môi trường, La Croix có bài viết nói về việc tân tổng thống Brazil Lula sẽ quan tâm đến việc bảo tồn rừng Amazon. Chưa chính thức nhậm chức, nhưng ông đã được tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi mời một ngày sau khi đắc cử. Ông Lula đang có sự trở lại mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Cựu bộ trưởng Môi trường Brazil Rubens Ricupero giải thích rằng điều này cho thấy rừng Amazon và môi trường sẽ thực sự là một chủ đề then chốt trong chính sách đối ngoại của Brazil. Trong hai nhiệm kỳ trước của ông Lula, vấn đề môi trường không chiếm vị trí trọng tâm trong chính sách của ông. Nhưng giờ đây, chủ đề này có tầm quan trọng vô cùng lớn và làm lu mờ tất cả những chủ đề khác.
Rodrigo Castro, nhà hoạt động của Liên minh Khí hậu Brazil, nhận định sự hiện diện của Lula ở Ai Cập đồng nghĩa với việc Brazil "trở lại cuộc đàm phán về khí hậu". Điều này chứng tỏ Brazil có trách nhiệm và có thể đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực môi trường.
Trong 8 năm cầm quyền của tổng thống Lula (2003-2010), tỷ lệ tàn phá rừng Amazon đã giảm 72%. Dưới thời tổng thống Jair Bolsonaro, tỷ lệ này đã tăng 30% và thậm chí là 50% vào cuối năm nay, theo số liệu mới nhất. Đối với những nhà hoạt động môi trường, việc ông Lula trở lại nắm quyền mang lại nhiều hy vọng trong lĩnh vực này. Ông Lula dự kiến sẽ nộp đơn xin đăng cai COP30 vào năm 2025.
Phan Minh
Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ thời Donald Trump, căng thẳng Mỹ - Trung dâng lên ngày càng cao. Nguy cơ một "Chiến tranh Lạnh mới" treo lơ lửng, và thậm chí xung đột Mỹ - Trung có thể bùng phát, nhất là tại eo biển Đài Loan, hay Biển Đông. Năm đầu tiên dưới thời tổng thống Joe Biden (2021), căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp tục theo chiều hướng này. Tuy nhiên, từ ít tháng gần đây, căng thẳng Washington – Bắc Kinh dường như có phần lắng dịu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 15/11/2021. AP - Susan Walsh
Có nhiều dấu hiệu cho thấy hai chính quyền Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm một cơ chế để kiểm soát, tránh để căng thẳng tăng vọt, bùng phát thành xung đột. Vì sao Mỹ, Trung phải nhanh chóng tìm kiếm cơ chế tránh xung đột ? Chính trị gia Úc Kevin Rudd, trong bài phân tích mới đây trên tạp chí nghiên cứu chính trị quốc tế Foreign Affairs (*), đã nêu bật những thách thức gay gắt trong nội bộ cả về phía Trung Quốc và phía Hoa Kỳ, như một nguyên nhân căn bản buộc hai bên phải nhanh chóng tìm ra cơ chế để "kiểm soát cạnh tranh", bên cạnh những thách thức căn bản về môi trường an ninh và cạnh tranh chiến lược toàn cầu.
Ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc, chủ tịch viện tư vấn Asia Society (cơ sở có sứ mạng cổ vũ quan hệ Châu Á - Hoa Kỳ) cũng là tác giả cuốn "The Avoidable War : The Dangers of a Catastrophic Conflict between the US and Xi Jinping’s China" (Những nguy cơ xung đột thảm khốc giữa Mỹ và nước Trung Hoa của Tập Cận Bình : Cuộc chiến tranh có thể tránh), vừa ra mắt đầu năm nay 2022. RFI xin giới thiệu một số nét chính.
***
1. Tác giả Kevin Rudd nhìn nhận ra sao về quan hệ Mỹ - Trung thời gian gần đây ?
Bài phân tích của cựu thủ tướng Úc mở đầu với việc mô tả đường hướng chung của quan hệ với Trung Quốc, kể từ khi tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, từ một năm rưỡi nay. Tổng thống Biden đã tiếp nối về căn bản chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Và xu thế hiện nay cho thấy hai đại cường đang hướng đến "một giai đoạn đối đầu chiến lược kéo dài, rất căng thẳng và nguy hiểm về mặt quân sự". Nhà phân tích Kevin Rudd cũng ghi nhận việc đánh giá được chính xác "thực trạng quan hệ song phương" Mỹ - Trung quả thực không phải là dễ, bởi một trong những lý do chính là "khó lòng phân tách được giữa những phát ngôn chính thức của bên này về bên kia – thường xuyên vì mục tiêu chính trị đối nội – với những gì mà mỗi bên hành động thực sự trong hậu trường".
Về phương diện này, Kevin Rudd khẳng định, bên cạnh những lời lẽ rất cứng rắn nhắm vào đối phương, đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu hướng đến hòa dịu, kể cả một số tín hiệu dè dặt về việc tái lập một dạng đối thoại về chính trị và an ninh song phương, nhằm kiểm soát căng thẳng. Cuộc hội kiến 5 giờ đồng hồ giữa hai ngoại trưởng Antony Blinken – Vương Nghị bên lề G20 ở Indonesia đầu tháng 6, hay cuộc điện đàm cũng 5 giờ đồng hồ giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan và ủy viên Bộ Chính Trị Dương Khiết Trì, lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc, hồi giữa tháng 6, là một số dấu hiệu cụ thể. Và trước đó phải kể đến các cuộc gặp của thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng 7/2021, và cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên Biden – Tập ít tháng sau.
Việc "bình ổn" quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ không dẫn đến việc "bình thường hóa" quan hệ song phương, như trong quá khứ, với chính sách hợp tác mật thiết Mỹ - Trung về nhiều mặt, được mở màn từ thập niên 70. Kevin Rudd nhấn mạnh : vấn đề căn bản hiện tại đối với Mỹ - Trung là hai bên phải tìm cách hướng đến việc "cạnh tranh có kiểm soát" với hệ thống các biện pháp cảnh giới (guardrails), thay vì tình trạng "cạnh tranh không được kiểm soát" như hiện nay. Tác giả hy vọng là Washington và Bắc Kinh có thể mò mẫm tìm đường, để xác lập được "các cơ chế bình ổn", cho phép giới hạn nguy cơ căng thẳng leo thang bất ngờ, cho dù không thể loại trừ hẳn. Việc xác lập được hay không các cơ chế như vậy hiển nhiên sẽ có nhiều tác động đến các khu vực, hay quốc gia đang nằm ở tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
2. Những nguyên nhân nào khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ phải nhanh chóng tìm cơ chế tránh xung đột ?
Trước hết về phần Trung Quốc, theo Kevin Rudd, điểm đáng chú ý đầu tiên là quan điểm chính thống về tương quan lực lượng Trung – Mỹ trong nội bộ Đảng cộng sản đang có xu hướng xét lại căn bản. Trong vòng 5 năm gần đây, trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc phổ biến rộng rãi một niềm tin vững chắc : "Sức mạnh quốc gia tổng hợp" (Zonghe Guoli - Tổng Hợp Quốc Lực) của Trung Quốc, bao gồm các phương diện quân sự, kinh tế, công nghệ, cũng như uy thế quốc tế so với Hoa Kỳ, đang ở thế đi lên. Cán cân ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc và xu thể này là "không thể đảo ngược".
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Chính quyền Trung Quốc đã bất ngờ trước việc nhóm Bộ Tứ (Mỹ - Nhật - Ấn – Úc) Ấn Độ - Thái Bình Dương siết chặt và nâng cấp quan hệ nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc gia tăng. Hay việc hình thành cơ chế đối tác về an ninh bộ ba Mỹ - Anh – Úc (nhóm AUKUS) vào cuối năm 2021, và việc Úc quyết định phát triển tàu ngầm hạt nhân. Cũng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Biden, Nhật Bản lần đầu tiên đưa an ninh Đài Loan vào chiến lược an ninh quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, trong thời gian tranh cử, cũng đặt mục tiêu tham gia nhóm Bộ Tứ. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh siết chặt quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" với Nga, ngay trước khi Nga tấn công Ukraine, đã khiến uy tín của Trung Quốc đối với Châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Đông đảo các nước Châu Âu ngày càng nghi ngờ "tham vọng chiến lược" của Bắc Kinh.
Bên cạnh tương quan thế lực trên trường quốc tế thay đổi, uy tín của chế độ Bắc Kinh trong nội bộ cũng bị tác động đáng kể bởi chính sách kinh tế "thiên tả" của lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Việc Đảng cộng sản ưu tiên khu vực kinh tế công, can thiệp mạnh vào lĩnh vực tư, các ngành công nghệ, tài chính, bất động sản bị ảnh hưởng xấu, chưa kể đến các biện pháp siết chặt quá mức đối với nhiều thành phố lớn với chính sách "zero Covid", và gần đây nhất là cuộc chiến tranh Nga chống Ukraine gây tác hại mạnh đến kinh tế Trung Quốc vốn dựa nhiều vào xuất khẩu. Trong nội bộ xã hội Trung Quốc, phổ biến nỗi lo âu trước viễn cảnh tăng trưởng bị chựng hẳn lại : Khả năng Trung Quốc vượt Mỹ không còn được coi là điều tất yếu.
Chủ thuyết của Tập Cận Bình hiện tại đang gặp nhiều "làn gió ngược dữ dội" trước mắt và trung hạn. Khẩu hiệu "Phương Đông lớn mạnh, Phương Tây suy tàn" không còn được xướng lên mạnh mẽ như trước. Thách thức trực tiếp nhất với ông Tập Cận Bình là lèo lái được con tàu chế độ vào dịp Đại hội 20 vào tháng 11 tới. Cho dù Tập Cận Bình sẽ không mấy khó khăn để có thêm quyền lãnh đạo trong nhiệm kỳ thứ ba, nhưng thách thức hàng đầu là đưa được các nhân vật thân cận vào những vị trí lãnh đạo kinh tế, bao gồm chức thủ tướng. Theo Kevin Rudd, chính vì vậy mà Tập Cận Bình muốn tránh "những diễn biến bất ngờ" trong thời gian từ đây cuối năm, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ. Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh thay đổi chiến lược dài hạn, nhưng chấp nhận phải có những thay đổi về chiến thuật.
Tương tự về phía Hoa Kỳ, theo cựu thủ tướng Úc, chính quyền Biden đứng trước các thách thức lớn. Ví dụ như thất bại trong việc thông qua nhiều luật liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc tế của nước Mỹ, hay kỳ bầu cử Quốc hội giữa kỳ, cùng các hệ quả đối với cuộc tranh cử tổng thống 2024. Bất cứ điều chỉnh nào của chính quyền Biden về "Chính sách Trung Quốc" cũng có thể coi là sự mềm yếu, dễ dàng bị phe Cộng Hòa tấn công. Tình hình càng thêm khó khăn, khi nhiều đối tác, thậm chí đồng minh nghi ngở cam kết chiến lược và quyết tâm của chính quyền Mỹ khẳng định tiếp tục vai trò siêu cường.
Theo Kevin Rudd, trong bối cảnh này (và đặc biệt trong lúc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine), cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không muốn một xung đột bất ngờ bùng phát. Việc phi cơ quân sự Úc hoạt động tại Biển Đông gặp tai nạn bất ngờ do can thiệp của Trung Quốc chẳng hạn, có thể dẫn đến can thiệp quân sự của Mỹ ngay lập tức bảo vệ đồng minh Úc theo Hiệp ước an ninh song phương 1951, dẫn đến những hệ quả khó lường.
3. Làm thế nào xác lập được một cơ chế tránh xung đột bùng phát, hay cơ chế "cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát ?
Theo Keven Rudd, khái niệm hay cơ chế "cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát" (managed strategic competition) là vấn đề có ý nghĩa thực tế, tức là có thể đưa ra áp dụng. Có "bốn yếu tố căn bản" giúp cho việc xác lập cơ chế này. Việc thứ nhất cần làm là Hoa Kỳ và Trung Quốc xác lập rõ "những lằn ranh đỏ cứng rắn và mang tính chiến lược" của mỗi bên, để tránh đụng độ do tính toán lầm, cụ thể như với Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên hay, tin học hay không gian. Hiểu rõ "lằn ranh đỏ" của nhau không đồng nghĩa với việc chấp nhận, nhưng đây là điều cho phép xác lập các biện pháp cảnh giới, báo động, đặc biệt với việc thiết lập đối thoại cấp cao, cho phép kiểm soát việc thực thi các cơ chế "cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát" được xác lập.
Việc thứ hai cần làm, theo chính trị gia Úc, là Mỹ - Trung cần xác lập các lĩnh vực "cạnh tranh chiến lược không sát thương", chuyển cuộc chạy đua đối đầu vào các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, ảnh hưởng chính trị quốc tế, và kể cả năng lực quân sự… Cuộc cạnh tranh này có mục tiêu hướng đến việc xây dựng một "hệ thống quốc tế của tương lai", xem ai hơn ai, bên nào giỏi hơn, chứ không phải bên nào có khả năng hủy diệt được bên nào.
Bên cạnh các hoạt động mang tính cạnh tranh, đối đầu, việc thứ ba là xác lập một "không gian chính trị" cho phép các bên hợp tác, nơi mà lợi ích của các bên có thể gặp nhau, như biến đổi khí hậu, y tế, ổn định tài chính quốc tế, chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc thứ ba, hay yếu tố căn bản thứ ba, phụ thuộc vào việc Mỹ - Trung có thực hiện được hai việc đầu tiên hay không.
Điểm thứ tư căn bản trong việc xác lập cơ chế "cạnh tranh chiến lược dưới sự kiểm soát" là việc tạo lập điều kiện cho sự thành công của cơ chế này cần đến sự phối hợp mang tính "ổn định" và được thực thi một cách "cẩn trọng" bởi một đội ngũ chuyên gia của mỗi bên, bất chấp các bối cảnh bất ổn quốc gia hay quốc tế.
Ông Keven Rudd nhấn mạnh đến bài học trong quan hệ Mỹ - Liên Xô hơn nửa thế kỷ trước, khởi đầu với nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong vụ khủng hoảng tên lửa Cuba 1962. Mỹ - Xô đã đạt được các thỏa thuận Helsinki năm 1975, cho phép hai đại cường duy trì quan hệ "cạnh tranh chiến lược dữ dội" trong hàng thập niên, nhưng không biến thành một "cuộc chiến tranh tổng lực".
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung không nhất thiết phải dẫn đến đụng độ. Cạnh tranh có thể nằm trong vòng kiểm soát. Nhưng để làm được điều đó, bản thân chính quyền Trung Quốc trước hết phải thay đổi quan điểm chính thức hiện nay. Theo Kevin Rudd, bất chấp thực tế căng thẳng gia tăng nhiều khi gần đi đến xung đột, chính quyền Bắc Kinh vẫn chính thức phủ nhận khái niệm "cạnh tranh chiến lược" với Mỹ.
Dù sao, theo tác giả cuốn "Nguy cơ xung đột thảm khốc giữa Mỹ và nước Trung Hoa của Tập Cận Bình : Cuộc chiến tranh có thể tránh", có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh bắt đầu chấp nhận "cạnh tranh chiến lược có kiểm soát". Những thách thức nội bộ gay gắt khiến chính quyền Tập Cận Bình tạm thời phải xuống thang. Kevin Rudd nhấn mạnh : "Nếu Bắc Kinh và Washington trong thời gian tới tìm thấy ích lợi của một cơ chế (cạnh tranh) được kiểm soát như vậy, giúp cho hai bên vượt qua được giai đoạn khó khăn trước mắt, thì họ có thể kết luận là điều này có ích về dài hạn".
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 25/07/2022
Ghi chú :
(*) Bài "Rivals Within Reason ? U.S.-Chinese Competition Is Getting Sharper — but Doesn't Necessarily Have to Get More Dangerous", Foreign Affairs, ngày 20/07/2022.
VOA, 22/02/2021
Hôm 22/2, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể cùng nhau hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 nếu hai bên củng cố mối quan hệ song phương bị tổn hại, theo Reuters.
Ông Vương Nghị, ủy viên Quốc vụ viện và Ngoại trưởng Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẵn sàng mở lại đối thoại mang tính xây dựng với Washington sau khi quan hệ giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Vương kêu gọi Washington dỡ bỏ thuế quan đối với ang hóa Trung Quốc và từ bỏ những gì ông nói là "đàn áp phi lý" đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, các bước mà theo ông sẽ tạo ra "điều kiện cần thiết" để hợp tác.
Ông Vương hối thúc Washington tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngừng "bôi nhọ" Đảng cộng sản cầm quyền, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh, và ngừng "thông đồng" với các lực lượng ly khai tranh đấu cho nền độc lập của Đài Loan.
Ông Vương nói : "Trong vài năm qua, Hoa Kỳ về cơ bản đã cắt đứt đối thoại song phương ở tất cả các cấp".
"Chúng tôi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Hoa Kỳ và tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề".
Ông Vương chỉ ra rằng cuộc điện đàm gần đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden là một bước đi tích cực.
Tuy nhiên, về phía Mỹ, từ khi lên nắm quyền cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Biden báo hiệu rằng họ sẽ duy trì áp lực lên Bắc Kinh. Ông Biden bày tỏ lo ngại về các hoạt động thương mại "cưỡng bức và không công bằng" của Bắc Kinh và ủng hộ chính sách của chính quyền Trump đối với việc Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng ở Tân Cương.
Mặc dù vậy, ông Biden cũng cam kết thực hiện một cách tiếp cận đa phương hơn và mong muốn hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
**************************
Ông Vương Nghị kêu gọi khôi phục quan hệ Trung - Mỹ dưới thời ông Biden
Anh Thư, Tuổi Trẻ Online, 22/02/2021
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hợp tác với Bắc Kinh nhằm mở lại đối thoại giữa hai nước, khôi phục mối quan hệ bị tổn hại nặng dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh : Reuters
"Trong vài năm qua, Mỹ căn bản đã cắt đứt đối thoại song phương ở tất cả các cấp. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Mỹ và tham gia các cuộc đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề" - ông Vương Nghị phát biểu tại Bắc Kinh ngày 22/2.
Ông Vương Nghị cho biết các hành động của chính quyền ông Trump nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc đã gây ra các tác hại khôn lường, theo Hãng tin Reuters.
Đồng thời, ngoại trưởng Trung Quốc cũng kêu gọi chính quyền Washington dỡ bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và dừng cái ông Vương Nghị gọi là việc đàn áp phi lý đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Vương Nghị cũng thúc giục Washington tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh và ngừng "thông đồng" với các lực lượng ly khai vì nền độc lập của Đài Loan.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói cuộc điện đàm gần đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden là một bước đi tích cực. Phát biểu của ông Vương Nghị đưa ra trong thời điểm mối quan hệ song phương Trung - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã xuống dốc chưa từng thấy do leo thang căng thẳng về thương mại, công nghệ, Biển Đông cũng như các động thái của Trung Quốc ở Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã báo hiệu rằng họ sẽ duy trì áp lực lên Bắc Kinh. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên trên cương vị tổng thống với ông Tập Cận Bình, ông Biden đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động thương mại "cưỡng bức và không công bằng" của Trung Quốc cũng như tình trạng vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.
Cùng ngày, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Trung Quốc và Mỹ phải có hiểu biết chính xác về ý định chiến lược của đôi bên, theo Reuters. Cụ thể, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh các vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là những "lằn ranh đỏ" với Bắc Kinh.
Anh Thư
Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng (RFI, 01/06/2017)
Nhân chuyến công du nước Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày hôm 31/05/2017, Washington và Hà Nội đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải tại Biển Đông, chống mọi hành vi quân sự hóa khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) bắt tay thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Dấu hiệu rõ ràng nhất về quyết tâm tăng cường và phát triển quan hệ quốc phòng và quân sự song phương được thể hiện trong Tuyên Bố Chung về Tăng Cường Đối Tác Toàn Diện Việt Nam - Hoa Kỳ, được công bố sau cuộc hội đàm giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Nhà Trắng, Washington.
Trong bản tuyên bố chung, hai lãnh đạo Việt-Mỹ đã nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ quốc phòng, quân sự, theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ. Thông cáo chung nêu rõ : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển".
Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng Việt Nam và "các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước".
Một đề nghị khác từ phía Hoa Kỳ đối với Việt Nam lần này đã được hai bên chính thức thúc đẩy : Đó là việc Việt Nam cho quân đội Mỹ lưu trữ những thiết bị vật tư trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng ngay khi cần thiết, trước mắt là về các thiết bị nhân đạo.
Bản tuyên bố chung nói rõ : "Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký Bản Ghi Nhớ thành lập nhóm làm việc về Sáng Kiến Hợp Tác Lưu Trữ vật tư y tế và hợp tác nhân đạo, đồng thời nhất trí khẩn trương triển khai thỏa thuận này".
Riêng về Biển Đông, tổng thống Donald Trump nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, và phản đối mọi hoạt động nhằm quân sự hóa khu vực.
Hai bên đã nhấn mạnh trở lại "tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác", đồng thời bày tỏ quan ngại về những "tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".
Phần tuyên bố chung liên quan đến Biển Đông tái khẳng định lập trường phản đối các hoạt động quân sự hóa khu vực : "Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Dù không chỉ đích danh nước nào, nhưng nội dung hai lãnh đạo Mỹ-Việt nêu lên trong bản tuyên bố chung đều ám chỉ các hành vi của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
************************
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận về cơ hội và thách thức về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển diễn ra tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ chiều ngày 31/5. Screen capture
Việt Nam ủng hộ sự tham gia của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hoà bình và tuân thủ luật quốc tế.
Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi thảo luận về cơ hội và thách thức về hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển diễn ra tại Quỹ Di sản Hoa Kỳ chiều ngày 31/5.
Chúng tôi hoan nghênh các quốc gia và đối tác trong đó có cả Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguyên tắc an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chúng tôi đánh giá cao việc chính phủ, các tầng lớp chính khách, học giả của Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không thay đổi nguyên trạng quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên biển Đông DOC và sớm đạt được bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông COC.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông cần dựa trên sự hợp tác giữa các nước chứ không chỉ vì quyền lợi ích kỷ của riêng một quốc gia nào.
Trung Quốc hiện đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực biển Đông trong phạm vi đường đứt khúc 9 đoạn Trung Quốc tự vạch ra. Hiện biển Đông cũng là khu vực tranh chấp giữa các quốc gia Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan. Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự hóa khu vực này bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ những lợi ích từ an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương và cho đó là cơ sở để Hoa Kỳ hợp tác gìn giữ hòa bình khu vực này.
Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu những giá trị hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng chung trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng trên phương diện địa chiến lược Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác cùng chia sẻ các giá trị và nguyên tắc làm nền tảng và cơ sở quan trọng cho gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Nói về tình hình an ninh khu vực và quan hệ Mỹ-Trung, vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hy vọng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ luôn ổn định :
Chúng tôi mong muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ phát triển ổn định, phù hợp với lợi ích của hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực.
Hai ông lớn mà làm căng chúng ta cũng gay go. Việt Nam có câu "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết".
Về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quan hệ thương mại giữa hai nước bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh vì Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng công nghệ cao còn Việt Nam cung cấp cho Mỹ những sản phẩm nông nghiệp, giầy dép, may mặc...
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt khoảng 52 tỷ đô la vào năm 2016.
Ông Phúc cũng nhắc lại những hợp đồng thương mại trị giá 15 tỷ đô la Việt Nam mới ký với Mỹ trong chuyến thăm này. Phần lớn những hợp đồng này là nhập thiết bị của Mỹ.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào chiều ngày 31/5, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rằng hai bên đã bàn thảo thành công về các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp hai nước kinh doanh và tạo việc làm. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng nói rằng ông hoan nghênh những hợp đồng trị giá hàng tỷ đô với Việt Nam để tạo việc làm cho người Mỹ và giúp Việt Nam vấn đề thiết bị.
Về giáo dục, Thủ tướng Việt Nam đề cập đến các dự án giáo dục chung với Mỹ ở Việt Nam như trường Full Bright và khoảng 21.000 du học sinh Việt tại Mỹ đã giúp mối quan hệ giáo dục giữa hai nước thêm gắn kết.
Trong phần trả lời câu hỏi, vị lãnh đạo Việt Nam đề cập đến tình hình lưu vực sông Mekong bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn. Ông cho biết Việt Nam đã làm việc với ủy hội sông Mekong và các nước liên quan để giảm thiểu tác động đến đời sống người dân. Đồng thời Thủ tướng Việt Nam cũng gửi lời cám ơn tới Hoa Kỳ vì đã lên tiếng với các nước có liên quan để bảo vệ đời sống người dân khu vực này.
Lan Hương, phóng viên RFA
********************
Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thăm Việt Nam (RFA, 01/06/2017)
Ủy ban Quân vụ thượng Viện Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ John Mc Cain dẫn đầu vào ngày 1 tháng 6 có cuộc gặp với chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Vào chiều ngày 31 tháng 5, phái đoàn Ủy ban Quân vụ thượng Viện Hoa Kỳ cũng có cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Courtesy mod.gov.vn
Cuộc gặp diễn ra tại Nhà Quốc hội Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp với thượng nghị sĩ John McCain rằng chuyến thăm của Ủy ban Quân vụ thượng viện Hoa Kỳ vào dịp này góp phần tăng cường quan hệ hai nước trong bối cảnh hợp tác toàn diện giữa đôi bên đang phát triển tốt.
Bà Ngân nhắc lại phát triển nhanh trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước từ mức chừng 300 triệu đô la Mỹ năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho đến trên 53 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái.
Hiện nay có hơn 21 ngàn sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Vào chiều ngày 31 tháng 5, phái đoàn Ủy ban Quân vụ thượng Viện Hoa Kỳ cũng có cuộc làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhắc đến sự hiểu biết về Việt Nam của chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ là ông John McCain, một cựu phi công Mỹ từng bị giam giữ ở Hỏa Lò Hà Nội.
Theo Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thì chính ông John Mc Cain đóng góp quan trọng trong thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì thượng nghị sĩ John McCain cho biết sau chuyến thăm Việt Nam kỳ này về lại Hoa Kỳ ông sẽ đề xuất với quốc hội và chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án gồm xử lý môi trường ô nhiễm bởi chất da cam/dioxin ; khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải…
Tin còn cho hay trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Ủy ban Quân vụ thượng viện Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ John McCain sẽ đến thăm tàu USS John S. McCain đang được bảo dưỡng, sửa chữa tại Cảng Quốc tế Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.
*******************
Chuyên gia Mỹ : Trump không nên chỉ rập khuôn theo Obama về Biển Đông (RFI, 01/06/2017)
Vào lúc thủ tướng Việt Nam công du Washington với thông điệp là yêu cầu Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện tại Biển Đông, một chuyên gia Mỹ về khu vực đã không ngần ngại cho rằng tân chính quyền Hoa Kỳ đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi phản ứng yếu ớt theo kiểu chính quyền Obama tiền nhiệm, mặc nhiên để yên cho Trung Quốc tự do tung hoành trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017. ©REUTERS/Jonathan Ernst
Trong bài phân tích công bố ngày 31/05/2017 trên trang mạng tập san Anh Quốc The Week, giáo sư Harry J. Kazianis, chuyên gia về quốc phòng tại trung tâm nghiên cứu Mỹ Center for The National Interest, đã nêu bật nguy cơ Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất vùng Châu Á, trở thành điểm nóng của thế giới. Nguyên nhân là Trung Quốc phô trương uy lực nhằm biến nơi này thành "ao nhà", bất chấp luật lệ quốc tế và phản đối của nước khác.
Vấn đề là Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất có khả năng ngăn chặn tham vọng quá đáng của Bắc Kinh lại không có đối sách thích hợp. Mỹ đã từng tìm cách phản ứng dưới thời tổng thống Obama, nhưng thiếu hiệu quả, trong khi tân chính quyền Donald Trump lại có dấu hiệu đặt nặng ưu tiên cho vấn đề Bắc Triều Tiên, mà lơ là Biển Đông. Và đó là một sai lầm lớn.
Theo giáo sư Kazianis, Hoa Kỳ không thể cho phép Trung Quốc thiết lập quyền thống trị trên tuyến đường thủy quan trọng này. Bắc Kinh đã bồi đắp bảy rạn san hô thành đảo nhân tạo để xây dựng bến cảng, sân bay và căn cứ quân sự. Trung Quốc sẽ sớm có khả năng bố trí thường trực một số lượng lớn tàu ngầm, máy bay ném bom và chiến đấu cơ trong khu vực.
Và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn : Trung Quốc đang giành quyền kiểm soát phần dưới mặt nước ở Biển Đông bằng cách xây dựng một mạng lưới radar ngầm, có thể phát hiện các tàu ngầm tàng hình của Mỹ hoạt động trong khu vực. Trong khi Washington chỉ du ngoạn trên Biển Đông, Bắc Kinh đã đẩy mạnh cài đặt các thiết bị quân sự cực kỳ tiên tiến - bên trên và dưới nước. Các hòn đảo và thiết bị mới của Bắc Kinh là những cơ sở thường trực trong khi các chuyến du ngoạn hải quân của Mỹ chỉ là tạm thời.
Thế nhưng, khi bị vấn đề Biển Đông khuấy động trở lại, ê kíp của tổng thống Trump lại không biết làm gì khác ngoài việc sử dụng lại phương thức cố hữu của chính quyền Obama : cho chiến hạm Mỹ xâm nhập vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc để biểu lộ thái độ phản đối. Theo ông Kazianis, các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải đã hoàn toàn vô hiệu vào thời Obama và cũng sẽ vô hiệu ở thời Trump.
Trong tình hình đó, chuyên gia Mỹ cho rằng chính quyền Trump đang có cơ hội để xoay chuyển tình thế với chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam. Hà Nội luôn tìm kiếm hỗ trợ từ Washington để kháng lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Do đó, việc tổng thống Trump tuyên bố Biển Đông là một vấn đề quan trọng và yêu cầu Việt Nam cho phép tàu Hải Quân Mỹ ghé cảng một cách thường xuyên hơn sẽ chứng minh Mỹ không lùi bước trước áp lực của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn rất nhiều điều mà chính quyền Mỹ có thể làm. Điều hiển nhiên nhất là chính quyền Trump cần phát triển một chiến lược toàn diện để đảm bảo sao cho Trung Quốc không thể biến Biển Đông thành ao nhà, điều mà chính quyền Obama đã thất bại.
Để làm thế, Washington có thể nói thẳng thắn với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không thể chiếm Scarborough Shoal - một trong những vị trí chiến lược nhất trong khu vực. Thêm vào đó, nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục thay đổi hiện trạng, Mỹ có thể nhắc nhở rằng Mỹ cũng có cách thay đổi hiện trạng, chẳng hạn cung cấp một lượng vũ khí quan trọng cho Đài Loan, điều mà Đài Bắc luôn yêu cầu, và quyết định của Mỹ chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh chấn động.
Giáo sư Kazianis kết luận : Rõ ràng là Washington có nhiều cách để chống lại các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng đó không hề là việc đi thuyền vòng quanh một hòn đảo rồi quay về nhà.
Trọng Nghĩa