Mỹ - Trung cùng nhượng bộ nhau tại G20
Hôm 16/11/2022, báo chí Pháp quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Xã luận nhật báo Le Monde đề cập đến phản ứng của Hoa Kỳ và Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia. "Căng thẳng" là từ để mô tả cuộc gặp đầu tiên giữa các cố vấn của Joe Biden và của Tập Cận Bình vào tháng 3/2021 tại Anchorage, Alaska.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon
Do vậy, cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh G20, cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống, rất được mọi người quan tâm chú ý. Hơn nữa, cuộc hội đàm này diễn ra sau một mùa hè hết sức căng thẳng sau chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, đi kèm với một loạt các hành động trả đũa của Trung Quốc, như việc gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo.
Tại Bali, hai nhà lãnh đạo đã quyết định xuống thang căng thẳng, tránh sử dụng những lời lẽ hiếu chiến không cần thiết, nhưng vẫn đề cao cảnh giác đối phương. Một ví dụ khác cho sự xuống thang này là cuộc gặp đầu tiên sau 5 năm giữa chủ tịch Trung Quốc và một lãnh đạo Úc.
Đây là những tín hiệu tốt. Tình trạng bất ổn quốc tế, bắt đầu từ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, đủ gây căng thẳng để thế giới tránh bằng mọi giá một cuộc "chiến tranh lạnh" giữa hai cường quốc thống trị thế giới. Khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, cũng là những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác khăng khít giữa hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh.
Mặc dù vậy, các chủ đề gây tranh cãi giữa hai bên vẫn còn đó : như tình hình Đài Loan hay xung đột ở Ukraine khi tình bạn "không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moskva đang đi ngược lại những quy tắc mà Washington duy trì từ nhiều thập kỷ qua.
Về phần Hoa Kỳ, Washington quyết tâm bảo vệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đến cùng, không có ý định xuống thang trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh do Donald Trump phát động. Mỹ thậm chí còn tăng cường các rào cản để duy trì vị trí dẫn đầu về mặt công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Do vậy, sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế và Châu Âu nên lưu ý đến điều này và tự bảo vệ những quyền lợi của mình.
Chiến tranh Ukraine không có hồi kết ?
Về tình hình Ukraine, trang nhất và xã luận nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến việc Ukraine khi nào sẽ có hòa bình trở lại ? Đó là câu hỏi được đặt ra kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Thất bại trong việc ngăn chặn chiến tranh, phương Tây đang tìm mọi cách để nhanh chóng kết thúc. Tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát và chi phí cắt cổ của cuộc xung đột đang làm gia tăng lạm phát và giá năng lượng tăng cao, đe dọa gây bất ổn cho các nền dân chủ Châu Âu. Vậy làm thế nào để tìm ra một giải pháp hợp lý ?
Sau khi bị Putin "ru ngủ" trong vòng 20 năm, phương Tây dường như đang ngây thơ cho rằng Tập Cận Bình sẽ có thể giúp họ nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Dĩ nhiên, việc ngăn không cho cuộc chiến hạt nhân xảy ra có lợi cho chính bản thân ông Tập, tuy nhiên, phương Tây thực sự ảo tưởng khi tin rằng ông Tập sẽ gây áp lực đủ mạnh với ông Putin để buộc tổng thống Nga phải đàm phán với các nền dân chủ tự do.
Le Figaro nhận định rằng, cách duy nhất để Nga bị khuất phục là hứng chịu thêm những thất bại trên chiến trường, giống như ở Kherson. Bất kỳ một sự thỏa hiệp nào cho phép Putin nghĩ rằng đã chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ củng cố quyền lực của ông và như vậy, ông có thể sẽ phát động chiến tranh với những quốc gia khác, chẳng hạn như Moldova hay những nước khác trong khối Liên Xô cũ. Do vậy, đây chưa phải là thời điểm để đàm phán.
Thế giới lo lắng trước việc Elon Musk điều khiển Twitter
Trang nhất và xã luận nhật báo công giáo La Croix thì dành sự chú ý đến thương vụ mua Twitter của tỷ phú Elon Musk. Trong 20 năm qua, Elon Musk đã tự khẳng định mình là người đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực tiên tiến, như xe chạy bằng điện (Tesla), tàu không gian (SpaceX và Starlink), cấy ghép não (NBIC). Với khả năng kinh tế dồi dào của mình, tỷ phú người Mỹ thực sự có khả năng gây ảnh hưởng đến địa chính trị thế giới, và điều đó khiến cho chính Hoa Kỳ cảm thấy "khó chịu". Ông Musk đã đạt được tham vọng mua lại Twitter vào cuối tháng 10 với số tiền 44 tỷ đô la, với mong muốn thúc đẩy quyền tự do ngôn luận nhiều hơn trên mạng xã hội, đặc biệt bằng cách giảm bớt các biện pháp kiểm duyệt nội dung…
Việc ông Musk tiếp quản Twitter đe dọa đến hoạt động chuẩn mực của nền dân chủ. La Croix nhận định rằng, sự hợp nhất giữa kinh tế và công nghệ cho phép những người giàu có, thông qua các công ty mà họ sở hữu, áp đặt tầm nhìn của họ về thế giới và buộc mọi người phải theo. Giờ đây, sự điều tiết của không gian kỹ thuật số phụ thuộc vào sự thống nhất hợp tác liên quốc gia.
Khả năng sinh sản của nam giới giảm mạnh
Về mặt y tế, trang nhất Le Monde chú ý đến sự sụt giảm nhanh chóng về khả năng sinh sản của nam giới không chỉ ảnh hưởng đến các nước phát triển mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đó là nội dung một nghiên cứu được đăng hôm 15/11 trên tạp chí Human Reproductive Update.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là chủ đề của các nghiên cứu trong 20 năm qua, chỉ ra các yếu tố liên quan đến lối sống của đàn ông (hút thuốc, ít vận động, chế độ ăn uống, béo phì, uống nhiều rượu, hay bị căng thẳng…) và các nguyên nhân môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí và sự hiện diện của một số hóa chất trong môi trường và thức ăn (chẳng hạn như các chất gây rối loạn nội tiết hay thuốc trừ sâu).
Các nhà dịch tễ học Hagai Levine (đại học quốc gia ở Jerusalem), Shanna Swan (trường Y khoa Mount-Sinai ở New York) và các đồng nghiệp của họ đã tổng hợp kết quả của tất cả các nghiên cứu về chủ đề này. Họ đã xác định dữ liệu có sẵn ở hơn 50 quốc gia, giai đoạn 1973-2018. Theo thống kê, trong 46 năm này, nồng độ giao tử trung bình trong tinh trùng của nam giới đã giảm từ 101 triệu trên mililit (M/ml) xuống 49 M/ml, tương đương với số liệu của một người đàn ông "yếu sinh lý". Chuyên gia Levine khẳng định rằng đàn ông ở Pháp cũng không phải là ngoại lệ. "Ở Pháp, nhờ có những dữ liệu rất đáng tin cậy, chúng tôi chắc chắn rằng có một sự sụt giảm mạnh mẽ về sinh sản giống như những nơi khác trên thế giới".
Tuy nhiên, giờ đây, ngay cả những nước kém phát triển cũng phải đối mặt với hiện tượng này. Nghiên cứu nói trên lần đầu chỉ ra rằng sự sụt giảm này được ghi nhận ở các nước Châu Phi và Nam Mỹ.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã công bố các ước tính tương tự cho giai đoạn 1973-2011 vào năm 2017, nhưng vào thời điểm đó, họ chỉ có thể thu thập những dữ liệu ở Châu Âu, Bắc Mỹ, New Zealand và Úc. Theo các chuyên gia, các nghiên cứu được công bố về tình hình ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ đã xác nhận rằng sự sụt giảm này ảnh hưởng đến đàn ông trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chất lượng tinh trùng sụt giảm chỉ là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng khả năng thụ thai của các cặp đôi bị giảm. Nhà dịch tễ học Rémy Slama, người đứng đầu viện Y tế Inserm cho biết : "Sự sụt giảm chất lượng tinh trùng có liên quan đến các hiện tượng khác, chẳng hạn tỷ lệ mắc ung thư tinh hoàn gia tăng và tần suất dị tật của bộ phận sinh dục nam".
Đồng thời, chuyên gia Swan nhấn mạnh rằng chất lượng tinh trùng sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nam giới mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Swan cho biết thêm, sở dĩ khả năng sinh sản của phụ nữ ít được nhắc đến bởi một lý do đơn giản : "Phân tích số lượng trứng khó hơn rất nhiều so với phân tích số lượng tinh trùng".
Amazon - chủ đề then chốt trong chính sách đối ngoại của Lula
Về chủ đề môi trường, La Croix có bài viết nói về việc tân tổng thống Brazil Lula sẽ quan tâm đến việc bảo tồn rừng Amazon. Chưa chính thức nhậm chức, nhưng ông đã được tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi mời một ngày sau khi đắc cử. Ông Lula đang có sự trở lại mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Cựu bộ trưởng Môi trường Brazil Rubens Ricupero giải thích rằng điều này cho thấy rừng Amazon và môi trường sẽ thực sự là một chủ đề then chốt trong chính sách đối ngoại của Brazil. Trong hai nhiệm kỳ trước của ông Lula, vấn đề môi trường không chiếm vị trí trọng tâm trong chính sách của ông. Nhưng giờ đây, chủ đề này có tầm quan trọng vô cùng lớn và làm lu mờ tất cả những chủ đề khác.
Rodrigo Castro, nhà hoạt động của Liên minh Khí hậu Brazil, nhận định sự hiện diện của Lula ở Ai Cập đồng nghĩa với việc Brazil "trở lại cuộc đàm phán về khí hậu". Điều này chứng tỏ Brazil có trách nhiệm và có thể đóng vai trò hàng đầu trong lĩnh vực môi trường.
Trong 8 năm cầm quyền của tổng thống Lula (2003-2010), tỷ lệ tàn phá rừng Amazon đã giảm 72%. Dưới thời tổng thống Jair Bolsonaro, tỷ lệ này đã tăng 30% và thậm chí là 50% vào cuối năm nay, theo số liệu mới nhất. Đối với những nhà hoạt động môi trường, việc ông Lula trở lại nắm quyền mang lại nhiều hy vọng trong lĩnh vực này. Ông Lula dự kiến sẽ nộp đơn xin đăng cai COP30 vào năm 2025.
Phan Minh