Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/11/2022

Chiến tranh Ukraine : Pháp hoài công đóng vai trò "trung gian"

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Pháp hoài công kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò "trung gian"

Họp báo tại Bali kết thúc thượng đỉnh G20 chiều ngày 16/11/2022, tổng thống Pháp đã một lần nữa mong muốn Trung Quốc "đóng vai trò trung gian quan trọng hơn" để giải quyết chiến tranh Ukraine. Nhưng giới quan sát báo trước thất bại của Paris, vì tới nay Trung Quốc chưa bao giờ lên án Nga xâm chiếm Ukraine, tránh sử dụng hai chữ "chiến tranh" mà chỉ nói tới một cuộc "khủng hoảng" mà phương Tây, NATO phải chịu trách nhiệm.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 15/11/2022. AFP – Ludovic Marin

Trước khi rời Bali, Indonesia đến Bangkok dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC với tư cách khách mời và sẽ gặp lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Macron nhấn mạnh đến khả năng "trong những tháng tới đây, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trung gian" tránh để "xung đột trở nên khốc liệt hơn". Paris tin vào một sự đồng thuận nào đó giữa các nước phương Tây với các nền kinh tế đang trỗi dậy như Ấn Độ và Trung Quốc để "thúc đẩy Nga hạ nhiệt tình hình" Ukraine. Paris đồng thời nêu lên khả năng tổng thống Macron công du Trung Quốc vào đầu 2023.

Emmanuel Macron kêu gọi Bắc Kinh can thiệp và thuyết phục Moskva ngừng cỗ máy chiến tranh, đúng vào lúc hơn 85 tên lửa của Nga dội xuống Ukraine trong một ngày, nhưng mọi mọi chú ý lại dồn về quả tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, sát biên giới với Ukraine.

Trước mắt, giới quan sát đồng loạt cho rằng Pháp sẽ hoài công trong nỗ lực ngoại giao. Đến nay Trung Quốc vẫn không lên án Nga xâm chiếm Ukraine, không ban hành lệnh cấm vận kinh tế Nga.

Trên tạp chí chuyên đề về Chính trị quốc tế, số ra mùa thu năm 2022, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp Antoine Bondaz giải thích : Liên quan đến hồ sơ Ukraine, Bắc Kinh "không tìm cách bảo vệ Nga, mà đây là cơ hội để Trung Quốc khẳng định vị trí đối đầu với Mỹ".

Trung Quốc "muốn khai thác" cuộc chiến đang diễn ra trên lãnh thổ Châu Âu như một công cụ tấn công vào "uy tín của Hoa Kỳ, của phương Tây, của mô hình dân chủ tự do" đồng thời để bảo đảm cho sự tồn tại của chính chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Cũng ông Bondaz nhắc lại Trung Quốc không lên án Moskva xâm chiếm Ukraine chẳng phải vì "một sự gần gũi về mặt ý thức hệ" với nước Nga của ông Vladimir Putin.

Bắc Kinh và Moskva dễ dàng xích lại gần nhau, bởi đôi bên đều không xem đối phương là một mối đe dọa trực tiếp. Dù vậy những tính toán cả về chính trị lẫn lợi ích của Nga và Trung Quốc quá khác xa với nhau để có thể kết luận rằng đây là một "liên minh". Thái độ của giới lãnh đạo Bắc Kinh từ tháng 02/2022 tới nay phản ánh những tính toán rất "thực tiễn" và mang tính "cơ hội chủ nghĩa".

Dưới áp lực của phương Tây, ông Tập Cận Bình chỉ tìm cách dung hòa hai mục tiêu : một là không lên án Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine để hưởng lợi kinh tế với đối tác Nga, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng "ngừng lại đúng lúc" tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động đến quyền lợi của các tập đoàn Trung Quốc.

Mục tiêu thứ nhì của Bắc Kinh, như Antoine Bondaz đã giải thích, đó là "tìm cách gây phương hại đến uy tín và lợi ích" của Âu, Mỹ.

Do vậy, ngay cả sau cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm Thứ hai 14/11/2022, cũng chẳng một ai cho rằng đây là điểm khởi đầu của một sự "tan băng" giữa Bắc Kinh với Washignton. Về phần tổng thống Macron, ông không có được "hào quang" như đồng nhiệm Mỹ, cho nên nghĩ rằng Paris đủ sức thuyết phục Bắc Kinh "can gián" Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh, hay "bỏ rơi" nước Nga là điều không tưởng.

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, cho rằng Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng cần ý thức được rằng, điểm gắn kết hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình là cả hai đều đấu tranh vì sự tồn tại của chế độ, cả hai cùng xem "mô hình dân chủ, tự do" là mối đe dọa chính.

Về phần tổng thống Emmanuel Macron, ông kêu gọi Bắc Kinh giúp cộng đồng quốc tế làm "hạ nhiệt" hồ sơ Ukraine, không lẽ Paris từ gần một năm qua, không trông thấy rằng trên hồ sơ này, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ một sáng kiến nào để ngăn chặn cỗ máy chiến tranh ? Bắc Kinh đã có sáng kiến nào để bảo đảm an ninh lượng thực cho thế giới ?

Marc Julienne, Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI, thì cho rằng Tập Cận Bình đến dự đỉnh G20 vừa qua tại Bali và diễn đàn APEC ở Bangkok trong hai ngày sắp tới chẳng qua chỉ nhằm gửi đi một thông điệp chính : Trung Quốc không để cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh độc quyền mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Riêng về thái độ của tổng thống Macron muốn thuyết phục Bắc Kinh gây sức ép với Nga vì quyền lợi của Trung Quốc, Marc Julienne cho rằng Paris quả là "ngây thơ" và thậm chí là "trịch thượng", bởi Đảng cộng sản Trung Quốc biết rất rõ "đâu là những lợi ích" của quốc gia này và từ đầu cuộc chiến Ukraine tới nay, ông Tập Cận Bình luôn giữ nguyên lập trường với nước Nga.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 175 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)