Sau gần 40 năm Đổi mới, nay Hà Nội yêu cầu Mỹ không gắn nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ đối với Việt Nam. Điều này có đồng nghĩa với sự công nhận ngầm thất bại đối với nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ?
Chơi bạo : Đại sứ Việt Nam Việt Nam hăm dọa Hoa Kỳ - Ảnh minh họa.
Hơn hai thập niên trước đây (năm 2003), trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đã đăng đàn tại một Hội thảo lý luận giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc với chủ đề về kinh tế thị trường (Kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam).
Bài phát biểu dài 7.600 chữ được đăng lại 4 năm sau đó trên Tạp chí Cộng sản, chắc là sau khi ‘được giải mật’ (1). Từ đó đến nay, bài viết ‘gan ruột’ này của Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng không rõ được quảng bá đến đâu.Nhưng có một câu chuyện thời sự đang diễn ra, liên quan đến nội dung cốt lõi của bài viết ấy. Đó là ngày 23/01/2024, trong một Hội thảo về quan hệ Mỹ – Việt được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ), Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tại Hoa Kỳ đã kêu gọi Washington hãy chấm dứt việc gắn nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ (Non Market Economy - NME) đối với Hà Nội. Đại sứ Việt Nam cảnh báo rằng, việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn (2).
Hẳn ông Đại sứ biết rất rõ, các nhà tư bản không căn cứ vào ‘quan hệ thân thiết’ hay ‘quan hệ sơ giao’ để đầu tư, mà họ căn cứ trước hết vào khả năng sinh lời (tức là vào lợi nhuận). Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản thời hiện đại đã có những điều chỉnh lớn so với trước đây. Họ không kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Đó là lý do tại sao kinh tế thị trường phải đi kềm theo một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa và một xã hội dân sự lành mạnh. Đó cũng là lý do tại sao Liên Âu (EU) sau khi ký Hiệp định khung EVFTA với Việt Nam, mỗi thành viên EU đều rất coi trọng Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), vừa bảo vệ quyền lợi cho cả giới chủ lẫn người lao động. Nếu chính quyền không có cơ chế đảm bảo tính minh bạch (transperency), bao hàm sự cởi mở, giao tiếp chuẩn mực và trách nhiệm giải trình (credibility), thì không nhà tư bản nào dám đầu tư.
Kinh tế thị trường là tổng hòa của nhiều mối quan hệ. Nếu không có tư pháp và quốc hội độc lập, không có hệ thống bầu cử khả tín, thì ‘bói đâu ra’ nền kinh tế tự do (sở hữu tư nhân, luật pháp nhất quán, rõ ràng…) Nếu nền kinh tế không được quản trị bởi ‘tam quyền phân lập’, chính phủ do dân bầu, với một xã hội dân sự đàng hoàng, một nền báo chí công khai, thì không một nhà tư bản nào dám nhảy sang con thuyền mà Việt Nam vừa cam kết ‘chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Tại diễn đàn Bắc Kinh 20 năm trước, ông Trọng khẳng định, sự hình thành kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình trong thực tiễn của Việt Nam, là quá trình tất yếu phù hợp với quy luật của thời đại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước (3).
Kết luận này của ông Trọng đã đưa hết thảy những ai quan tâm đến thực tiễn Việt Nam từ bấy tới nay, đều cập bến ‘bên kia bờ ảo vọng’. Bởi vì, nếu thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trở thành ‘mô hình trong thực tiễn’ thì Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không phải chỉ thị cho Đại sứ Việt Nam ở Mỹ yêu cầu (hay thúc giục) Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam có thị trường tự do. Đòi hỏi của ông Đại sứ phải chăng là một sự công nhận ngầm thất bại đối với mô hình ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ ?Vì sao ? Thị trường tự do và thị trường xã hội chủ nghĩa chẳng khác gì hai con thuyền trên một dòng sông. Hiển nhiên là ‘kinh tế thị trường tự do’ đã và đang tiến về phía trước, mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, bỏ xa con thuyền ‘kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’, chỉ còn vài thực thể đi sau. Mà Việt Nam hiện đang ‘tròng trành’ trên con thuyền thuộc thiểu số này, cùng với những người năm ngoái Hà Nội cam kết ‘chia sẻ tương lai chung’ (4).
Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng vượt cấp quan hệ lên ‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’ (CSP) trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden (10/9/2023). Cũng năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chấm dứt việc gắn nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ (NME).
Trong hội thảo tại CSIS năm nay ở Whashington, phía Hoa Kỳ đã có những động thái ngoại giao khả tín. Bà Lindsey W. Ford, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách Nam và Đông Nam Á, đánh giá rằng, tuy là một chuyên gia quốc phòng, song bà lưu ý mối quan hệ Mỹ – Việt còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau (5). Thứ trưởng Ngoại giao Fernandez cũng muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về thương mại, năng lượng, chip, bán dẫn trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm, song song với việc duy trì sự bền vững về môi trường (6). Nhưng Mỹ, Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới vẫn liên tục bày tỏ quan ngại việc Việt Nam tăng cường bắt giam các nhà hoạt động môi trường trong năm qua (7).
Kinh tế thị trường tự do có quy luật riêng, không có Tổng thống hay đảng phái nào ‘chỉ huy’ được sự vận hành khách quan của nó, kể cả quan hệ ngoại giao thân thiết hơn mà ông Đại sứ nhắc nhở ở trên. Dân chủ nhân quyền luôn là những trụ cột không bao giờ Mỹ bỏ qua trong quan hệ với Việt Nam. Tùy lúc, tùy nơi, các mục tiêu này có thể tạm thời xếp sau ưu tiên địa-chính trị. Nhưng ‘bàn tay vô hình’ mới là khả năng của cơ chế thị trường đưa ra quyết định về quan hệ độc lập giữa nhà đầu tư với đối tác. Không khắc phục những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế chỉ huy, tên gọi khác của thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì không bao giờ có thể giải quyết được các ách tắc về hệ thống của toàn thể xã hội. Cho dù chính phủ đóng vai trò quan trọng trong các quy định về luật lệ để điều tiết đời sống kinh tế, nhưng không bao giờ có chuyện công an có thể đóng dấu ‘tuyệt mật’ lên các giao dịch kinh tế.
Kinh tế ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ vốn là đường lối ‘hạt nhân’ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng sau các đòn thảm bại của ‘các quả đấm thép’ từ các tập đoàn nhà nước, đặc biệt với tình hình khó khăn hiện nay, Việt Nam đang phải tính lại nhiều chuyện (8). Gần nửa năm qua, Hà Nội không bỏ sót bất cứ một cơ hội nào, ‘giục’ Hoa Kỳ sớm hoàn thành công nhận quy chế kinh tế thị trường. Từ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, đến các Bộ trưởng, các chính khách… tất cả đều vào cuộc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/11/2023 còn ban hành Quyết định 1335/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về đợt vận động này (9). Nhưng kể cả khi Mỹ thôi ‘gắn nhãn nền kinh tế phi thị trường’, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh công cuộc tái các cấu trúc chính trị, như quyền sở hữu, cải cách hệ thống luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh, để nâng cao khả năng giao dịch thương mại, tạo được nền tảng của phát triển. Chừng nào còn duy trì các thuộc tính ‘phi thị trường’ của kinh tế công hữu, không chịu thừa nhận tư hữu (Luật đất đai mới nhất cũng chưa công nhận quyền sở hữu của người dân).
Chừng nào vẫn kiên trì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên trì nhà nước cảnh sát (án bỏ túi, họp án giữa các cơ quan tư pháp) và xã hội toàn trị (hiếm có nước nào lực lượng công an đông đến thế, ngân sách gấp 14 lần cho giáo dục)… Với ‘tam vị nhất thể’ ấy, thì chính Việt Nam tự dán nhãn cho mình, chứ sao lại ‘đổ vạ’ cho Mỹ ?
Đinh Hoàng Thắng
Nguồn : VOA, 26/01/2024
Tham khảo :
(4) https://onthisinhvien.com/so-sanh-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-va-dinh-huong-tbcn
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ghé cảng Đà Nẵng từ ngày 25 đến ngày 30/6/2023. Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội ba ngày trước khi tàu sân bay này đến Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng phát biểu, đây là hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường vì hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.
AFP
Điều đáng nói là ngay trong ngày chiếc USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng, VTV đã có một chương trình truyền hình trực tiếp với tên "Mở Đường Ra Biển" dài hơn một tiếng đồng hồ vào giờ vàng, nói về Hải quân Việt Nam chống "đế quốc Mỹ" thời những năm 1960, 1970 và gọi Mỹ là "chúng".
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từng làm Phó trưởng ban Kế hoạch - Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV, mục đích của live show nhằm củng cố tinh thần cho quân đội nói riêng và cho toàn dân nói chung nhưng điều đó không đạt hiệu quả. Ông phân tích :
"Bên cạnh phần văn nghệ khô khan toàn nhạc đỏ thì phần khách mời với rất nhiều chi tiết lịch sử không thể kiểm chứng. Tôi gọi đó là cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng. Thứ hai, chương trình này cũng như nhiều chương trình truyền hình vẫn gọi tên "đế quốc Mỹ" thì tôi cho rằng đây là một sự xấu xí về ngôn ngữ báo chí, truyền hình và một sự thô bạo về ngôn ngữ ngoại giao. Bởi khi vẫn còn duy trì cách gọi "đế quốc Mỹ" tức là đang chống lại chủ trương làm bạn với thế giới cùng với chính sách "bốn không" và ngoại giao cây tre của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Thứ ba, chương trình này rõ ràng bộc lộ sự mất đoàn kết ngay trong nội bộ của nhà cầm quyền đặt trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến loạn và tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng. Do đó, theo tôi, chương trình hơn một tiếng đồng hồ họ làm đã không đạt được điều quan trọng nhất mà ĐCSVN luôn mưu cầu từ nhiều chục năm qua, đó là chính sách đại đoàn kết".
Không chỉ dừng lại ở chương trình trên, ngày hôm sau (tức 26/6), Quân chủng Hải quân Việt Nam phối hợp với Viện Lịch sử quân sự đồng chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề "Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc 1967-1973, Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm", tại trụ sở Bộ tư lệnh Hải quân (Thành phố Hải Phòng).
Sang đến sáng 27/6, cũng tại cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân chủng Hải quân lại tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (27/6/1973 - 27/6/2023).
Cách hành xử của hệ thống truyền thông Việt Nam về sự kiện trên bị một số người cho là không đúng về mặt ngoại giao, đồng thời so sánh với sự kiện trước đó khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc sang thăm Việt Nam, chưa bao giờ thấy VTV hay HTV dám công chiếu những bộ phim như "Thị xã trong tầm tay" ; "Đất mẹ" ; "Người bạn ấy" ; "Việt Nam 1979", là những bộ phim về đề tài chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979.
Cho RFA hay quan điểm của mình về sự việc trên, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc tối 27/6/2023, nói :
"Tại sao không làm trước đó hoặc sau khi hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan rời Việt Nam ? Thời điểm rất là quan trọng. Chúng ta muốn truyền thông điệp cho ai ? Cho Mỹ hay cho Trung Quốc ?
Các phương tiện truyền thông của Việt Nam nhắc đi nhắc lại việc học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng những gì Hồ Chí Minh nói thì họ không nghe. Họ cố lờ đi. Họ không làm. Hồ Chí Minh đã từng nói : Viết cái gì ? Tại sao viết ? Viết lúc nào ? Viết cho ai ? Để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị gì ?"
Là người nghiên cứu và dạy lịch sử Việt Nam, tôi quan niệm lịch sử là câu chuyện đã qua. Bất cứ lịch sử dân tộc nào cũng dạy cho con cháu dân tộc đó không được quên cội nguồn, không được quên tiến trình lịch sử của mình. Vấn đề nhắc lại lịch sử tôi thấy là chuyện rất bình thường. Thí dụ đến ngày 30/4 ; ngày 20/7 ; ngày 2/9… các đài truyền hình hay báo chí Việt Nam có lên án tội ác của đế quốc Mỹ trong thời kỳ cuộc chiến tranh Việt Nam thì tôi không phê phán.
Tôi không phê phán mục đích chính trị ở đây. Điều tôi muốn nói là hành xử sao cho có tính văn hóa. Cách hành xử của VTV như thế phải dùng từ "mất dạy" mới đúng. Không thể nào văn hóa hiếu khách của người Việt Nam thể hiện như vậy. Và tôi cũng muốn nhà nước Việt Nam phải rút kinh nghiệm trong việc hành xử của mình trong bang giao quốc tế".
Ông Đinh Kim Phúc còn cho biết ông lo ngại, với cách hành xử của VTV, thì sau này, nếu môi trường hòa bình và an ninh của Việt Nam bị đe dọa ; sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa thì liệu có quốc gia nào trên thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam ?
Đây không phải là lần đầu Việt Nam có hành động bị coi là "chống Mỹ" như thế. Hồi tháng 7/2021, chỉ một ngày sau khi nhận hai triệu liều vắc-xin Moderna do Hoa Kỳ chuyển thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới, trang Facebook Trung Đoàn 47 đăng bài phủ nhận việc Hoa Kỳ gửi vắc-xin cho Việt Nam là hành động viện trợ. Thay vào đó, bài viết cho rằng số vắc-xin này là "nghĩa vụ của chính phủ Mỹ trong việc thực hiện cam kết của một thành viên tham gia COVAX".
Luật sư Vũ Đức Khanh, một người quan tâm đến tình hình chính trị trong nước nêu quan điểm của ông với RFA :
"Hiện tại ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, cũng không có tự do báo chí. Tất cả các cơ quan truyền thông của Việt Nam hiện tại điều nằm trong tay đảng cộng sản Việt Nam. Cho nên tất cả những thước phim tài liệu hay những bản tin lịch sử trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cách đây hơn 50 năm mà họ phát đều có chủ đích rõ ràng. Họ muốn chuyển thông điệp rõ ràng.
Đối với Trung Quốc, họ (chính phủ Việt Nam - PV) có những mối quan hệ rất là đặc biệt. Họ ở trong tâm thế sợ Trung Quốc nhiều hơn. Họ sẽ không bao giờ có hành động nào làm phật lòng Trung Quốc. Họ lúc nào cũng sẵn sàng chịu thế yếu kém đối với Trung Quốc. Còn đối với Mỹ và Phương Tây, họ biết được rằng họ có một giá trị về mặt chính trị và địa lý trong giai đoạn hiện tại. Họ muốn sử dụng cái thế đó một cách tối đa.
Họ bất chấp quyền lợi của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Họ chỉ bảo vệ quyền lợi của đảng cộng sản mà thôi. Đó là cái chủ đích của họ".
Cách đây ba năm, tháng 10/2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong ba ngày. Ngày cuối, khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga còn chưa rời Hà Nội, thì VTV1 cho chiếu bộ phim tài liệu "Tiếng Trống Kim Sơn". Nội dung phim được cho là tố cáo phát xít Nhật tàn sát người Việt Nam trong cuộc khởi nghĩa chống Nhật vào năm 1945.
Theo lẽ thường, để thể hiện lòng hiếu khách, nhất là trong quan hệ ngoại giao, thì nước chủ nhà phải làm những điều để vui lòng khách. Thế nhưng VTV, một cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước lại hành xử như thế.
Chủ tịch Phúc gặp Phó Tổng thống Mỹ Harris, khẳng định Hoa Kỳ ‘là đối tác quan trọng hàng đầu’
Hôm 18/11, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris có cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan, Nhà Trắng và truyền thông Việt Nam cho biết.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris có cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan, ngày 18/11/2022. Photo VOV.vn
Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Harris nhắc lại chuyến thăm Hà Nội vào tháng 8/2021 và "tái khẳng định cam kết của chúng tôi nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ".
Hai bên thảo luận về mối quan song phương nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và cởi mở, đồng thời ủng hộ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế", Nhà Trắng cho biết thêm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định : "Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở các nguyên tắc căn bản", theo Văn phòng Chủ tịch nước.
Lãnh đạo Việt Nam cảm ơn Hoa Kỳ đã tài trợ một lượng lớn vaccine Covid-19, giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh. Ông Phúc chúc mừng Hoa Kỳ đảm nhận vai trò chủ nhà năm APEC 2023 và khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Hoa Kỳ để bảo đảm một năm APEC 2023 thành công, truyền thông Việt Nam loan tin.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời mời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp. Ông Phúc cũng hoan nghênh việc trước đó Tổng thống Biden đề nghị có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đề nghị hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc điện đàm này.
Nguồn : VOA, 18/11/2022
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Mark Thomas Esper đang có chuyến thăm ba ngày, từ 19-21 tháng Mười Một, tới Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á của ông, theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Việt Nam tại Hà Nội ngày 20/11/2019
Đây là chuyến thăm thứ hai tới Châu Á nhưng là lần đầu tiên tới Việt Nam của ông Mark Esper sau khi đảm nhiệm cương vị mới là lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ từ ngày 23/7/2019.
Đây là một phần chuyến thăm Châu Á của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, bắt đầu từ ngày 13/11, thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
"Đại tướng Ngô Xuân Lịch chào mừng ngài Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam trên cương vị mới. Hai bên đã chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển ; đưa quan hệ quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần tích cực vào khuôn khổ Đối tác toàn diện giữa hai nước", báo Quân đội Nhân dân thuộc bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin hôm 20/11/2019.
"Hai bộ trưởng đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện ; đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước".
Về triển vọng hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt, tờ báo cũng thuộc Quân ủy Trung ương của quân đội Việt Nam cho hay :
"Thời gian tới, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hợp tác đã xác định trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015 và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2018 - 2020 ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực : Trao đổi đoàn cấp cao ; tăng cường cơ chế tham vấn, đối thoại, hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh…
"Trước mắt, hai bên tập trung phối hợp triển khai Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa ; tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo ; an ninh biển, quân y, đào tạo tiếng Anh ; nghiên cứu nhu cầu hợp tác về công nghiệp quốc phòng và gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc".
Kỳ vọng của Việt Nam
Bình luận và nêu kỳ vọng từ Việt Nam về chuyến thăm này, hôm thứ Tư, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt :
"Trong tình hình hiện nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển, quan hệ đó tôi nghĩ có lợi không những cho Việt Nam, cho Hoa Kỳ, mà lợi cho khu vực và quốc tế nữa. Trong quan hệ đó, không chỉ là quan hệ về ngoại giao, kinh tế, mà vấn đề an ninh quốc phòng là một trong những kênh mà quan hệ đã được đặt ra từ khi hai nước đã có quan hệ toàn diện.
"Tôi nghĩ chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng lần này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất là có ý nghĩa. Tất nhiên, việc đó sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh cho phía Việt Nam để có thể bảo vệ một cách đầy đủ và hiệu quả, trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những hoạt động của Trung Quốc xâm phạm đến các vùng biển và thềm lục địa thuộc các quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam như chúng ta đã biết.
"Việc đó chắc chắn sẽ có đề cập đến và đặc biệt là vấn đề tăng cường hơn nữa giúp Việt Nam về phương diện pháp lý, kể cả sức mạnh quân sự, thì tôi nghĩ đấy cũng là một câu chuyện mà tôi cho rằng là giúp cho Việt Nam có khả năng tự vệ để chống lại tất cả những vi phạm có thể xảy ra trong hiện tại và cũng như trong tương lai", ông Trần Công Trục nêu quan điểm từ Hà Nội.
Cuộc họp giữa hai phía tại Hà Nội ngày 20/11/2019
Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore), nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cùng ngày thứ Tư, bình luận :
"Chuyến thăm này là chuyến thăm đã được thu xếp từ trước, nhưng nó bị chậm lại do việc ở bên Mỹ, ông Patrick M. Shanahan (quyền Bộ trưởng Quốc phòng) từ chức, và vì thế mà Tổng thống Mỹ đề xuất bổ nhiệm ông Mark T. Esper. Ông Esper đã chậm mất một vài tháng làm các thủ tục để tiếp nhận Bộ Quốc phòng và đến bây giờ việc ấy mới xảy ra được đối với Việt Nam, và đối với cả khu vực, các đối tác và các đồng minh của Mỹ.
"Thì bây giờ là thời gian thích hợp để Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ đi Châu Á. Đây là chuyến đi thứ hai của ông ấy, nhưng là chuyến đầu tiên đi Việt Nam".
Về mục tiêu và trọng tâm của chuyến công du Châu Á và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Esper, nhà phân tích chính trị này bình luận :
"Trước hết ở Châu Á, nước Mỹ vẫn khẳng định quan hệ với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, và củng cố các mối quan hệ bạn bè và đối tác với Singapore, Việt Nam, Thailand, Philippines. Lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không thăm Singapore mà ông tập trung vào Philippines, Việt Nam.
"Đó là quan hệ đối tác, còn đương nhiên, ông đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc và nếu so sánh thời gian phân bổ thì ông Mark Esper đến Việt Nam là lâu nhất, tức là gồm có ba ngày. Và trong ba ngày đó, chính phủ Mỹ nói rất rõ là Chính phủ Mỹ cũng như Bộ Quốc phòng Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong quan hệ quốc phòng đối với Việt Nam và ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, giúp ích cho an ninh quốc tế và an ninh khu vực".
'Đối tác đang nổi lên'
Trước đó, hôm 18/11, trang The Diplomat đăng bài của tác giả Ankit Panda về chuyến đi Châu Á của bộ trưởng Mỹ.
Bài báo gọi Việt Nam là một "đối tác đang nổi lên" của Hoa Kỳ, có đoạn :
"Chuyến đi của Bộ trưởng sẽ đưa ông đến Đông Nam Á tiếp theo - một khu vực gần đây đã thấy bằng chứng trực tiếp về sự không quan tâm của Hoa Kỳ bất chấp những gì mà các văn kiện chiến lược về Ấn -Thái Dương từ chính quyền đã tuyên bố.
"Việc ông Trump không tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay của Asean đã tạo không gian cho Trung Quốc.
"Esper dừng chân ở Thái Lan tham dự cuộc Họp Bộ trưởng Quốc phòng Asean cộng, và các điểm dừng của ông tại Philippines - một đồng minh của Hoa Kỳ - và Việt Nam - một đối tác mới nổi - cung cấp cơ hội để khắc phục một số thiệt hại.
"Nhưng sau tất cả những gì được nói và làm, "phần mềm" vận hành đằng sau các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Á đang gặp trục trặc sâu sắc.
"Nếu Hoa Kỳ giữ được vai trò và ảnh hưởng lịch sử của mình trong khu vực, thì nên hy vọng rằng những gì đã mất hôm nay có thể lấy lại được vào ngày mai", biên tập viên cao cấp tại The Diplomat và giám đốc nghiên cứu của Diplomat Risk Intelligence nêu quan điểm.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 20/11/2019
Ngoại trưởng Mỹ : Vành đai con đường và đảo nhân tạo của Trung Quốc là giống nhau (RFA, 29/03/2019)
Dự án gọi là ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ của Trung Quốc giống hệt chuyện họ bồi lấp xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Hà Nội, 2/2019. AFP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu như vậy vào hôm thứ năm 28/3 tại Washington DC.
Ông nhấn mạnh rằng người Trung Quốc xây đảo nhân tạo chẳng phải vì họ muốn tự do hàng hải, họ nổ lực xây dựng các cảng khắp thế giới chẳng phải để trở thành nhà đóng tàu bè giỏi phục vụ các tuyến đường biển, mà tất cả cũng để triển khai chiến lược an ninh quốc gia của họ thôi.
Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá, rạn san hô tại vùng quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo và trên đó xây dựng đường băng quân sự, các căn cứ hậu cần, hải quân… trong mấy năm qua.
Vùng này là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei.
Đại dự án ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ của Trung Quốc đưa ra những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển, từ Trung Quốc sang Châu Âu và Châu Phi, với hơn 80 quốc gia có can dự vào.
Trên ‘Vành đai- Con đường’ này, Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự tại hải ngoại đầu tiên của họ tại Djibouti vùng Đông Châu Phi.
Nước mới nhất hứa sẽ tham gia là nước Ý, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, vốn là đồng minh của Mỹ.
Ông Pompeo lập lại cáo buộc rằng Bắc Kinh đã cho các quốc gia trên dự án ‘Vành đai- Con đường’ mượn tiền để tạo nên một cái bẫy nợ cho những nước này.
Hồi năm ngoái, Sri Lanka vì nợ nần chồng chất với Trung Quốc đã giao cảng nước sâu của nước này cho Bắc Kinh sử dụng.
***********************
Việt Nam lặp lại phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 28/03/2019)
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam. AFP
Việt Nam lặp lại phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động gần đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều hôm nay 28 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Bà Lê Thị Thu Hằng, lặp lại với báo giới tham dự rằng Hà Nội đã gặp và trao công hàm phản đối Bắc Kinh về cuộc tập trận tại quần đảo Hoàng Sa từ ngày 22 đến 24 tháng 3 và về công bố kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, Duy Mộng, đảo Cây thành thành phố, căn cứ hậu cần chiến lược.
Như lâu nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Do đó các hoạt động của Trung Quốc như vừa nêu đi ngược các thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết những vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
Trung Quốc hiện đang quản lý toàn bộ Hoàng Sa sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm quần đảo này từ phía Việt Nam Cộng Hòa vào tháng giêng năm 1974.
Hiện nay, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn do họ tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế-PCA ở La Haye ra phán quyết vô hiệu hồi ngày 12 tháng 7 năm 2016 theo đơn kiện từ phía Philippines.
*****************
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 10 (RFA, 28/03/2019)
Hôm 25/3/2019, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng thường niên Việt- Mỹ lần thứ 10 tại Thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson. Courtesy nhandan.org
Tin cho biết tại vòng đối thoại hai bên tiến hành đánh giá về những tiến triển trong quan hệ với các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân Thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội vào tháng trước. Bên cạnh đó là những tiến triển về hợp tác quốc phòng, nổi bật là việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam hai lần trong năm 2018 ; tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1975 ; hoàn thành dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Hai nước cam kết tiếp tục các lĩnh vực hợp tác theo Bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015, cụ thể trên các lĩnh vực an ninh biển, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, sớm khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hoà và tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin, tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Về hợp tác an ninh, hai bên chia sẻ quan điểm hài lòng về hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía Mỹ trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống buôn người, buôn bán ma tuý, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hoa Kỳ khẳng định lại lập trường ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, tự do thương mại, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ; kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (CoC).
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng lần thứ 11 được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020.
Một ngày sau Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ 10, vào ngày 26/3/2019, hội thảo với chủ đề "Khắc phục hậu quả chiến tranh : Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" do Bộ Quốc phòng của Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington D.C.
****************
Việt Nam sắp đạt thương vụ mua thiết bị quân sự của Mỹ (VOA, 29/03/2019)
Boeing đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận bán máy bay trinh sát không người lái cho Việt Nam, theo một quan chức của công ty Mỹ được tạp chí an ninh Jane’s trích lời cho biết.
Máy bay trinh sát không người lái ScanEagle của Boeing trên bệ phóng ở Căn cứ không quân Villamor ở ngoại ô Thành phố Pasay, đông nam Manila của Philippines. Boeing cho biết sắp đạt thỏa thuận bán loại UAV này cho cảnh sát biển Việt Nam.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam mua thiết bị quân sự đáng chú ý nhất của Mỹ kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2016.
Tại sự kiện LIMA 2019 ở Malaysia, Giám đốc marketing mảng thiết bị quốc phòng của Boeing ở Đông Nam Á, Yeong Tae Pak, hôm 27/3 cho biết thương vụ cung cấp máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm xa ScanEagle đang được hỗ trợ từ Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ. Jane’s trích lời ông Pak nói rằng nơi tiếp nhận là Cảnh sát biển Việt Nam.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận ScanEagle", ông Pak được tuần san của Anh trích lời nói. "Thương vụ này đang được tiến hành".
Cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông tới Hà Nội hồi tháng 5/2016.
ScanEagle là một loại UAV cỡ nhỏ do Boeing Insitu, một công ty con của Boeing, thiết kết cho nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất và trên biển từ trên không. Theo mô tả của Boeing về thiết bị này, nó có thể bay trên độ cao 4.572m và có thời gian hoạt động lên tới 24 tiếng. ScanEagle, nằm trong hệ thống máy bay không người lái của Boeing, có chiều dài 1,5m và sải cánh 3m.
Năm 2004, ScanEagle được đưa tới Iraq để trợ giúp các lực lượng của Mỹ tại đây. Vào năm 2005, Hải quân Mỹ ký một hợp đồng trị giá 14.5 triệu USD với Boeing để mua thiết bị này. ScanEagle cũng đã được trang bị cho một số tàu của Tuần duyên Hoa Kỳ.
Đơn giá một hệ thống (gồm 4 chiếc UAV) vào năm 2006 ước tính 3,2 triệu USD, theo dữ liệu từ trang web chính thức của Không lực Hoa Kỳ.
Tổng số tiền của thương vụ giữa Boeing và Việt Nam không được tiết lộ.
Ngoài Việt Nam, Boeing đã cung cấp UAV trinh sát ScanEagle cho một số nước ASEAN khác như Singagpore, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Ông Park, lưu ý rằng việc bán máy bay không người lái ScanEagle là chiến lược của Boeing nhắm vào các thị trường mới trong khu vực như Việt Nam và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Boeing trong việc cung cấp các sản phẩm hàng không thương mại, theo Jane’s.
"An ninh hàng hải là một trọng tâm đối với nhiều nước ở Đông Nam Á", ông Park nhận định. "ScanEagle tuy là sản phẩm cấp thấp nhưng rất hiệu quả trong việc trinh sát và thu thập dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin".
Hồi tháng 2, Đô đốc Philip Davidson tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ. Theo vị chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam sẽ mua ScanEagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 cùng một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.
Vào tháng 8 năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Tháng 3 năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ, USS Carl Vinson, cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm lịch sử kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Sứ quán Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ đã giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam để chống "những người xấu" trên vùng Biển Đông.
Ông Nguyễn Phú Trọng sắp có chuyến thăm Hoa Kỳ (Người Việt, 12/03/2019)
Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ và cuộc thăm viếng đang được "tích cực chuẩn bị", theo lời ông Hà Kim Ngọc, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn của báo điện tử VnExpress hôm thứ Ba, 12 tháng Ba 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp ông Nguyễn Phú Trọng khi đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hôm 27 tháng Hai 2019. (Hình : Getty Images)
"Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với Phủ tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Quốc hội, hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của Mỹ, tích cực chuẩn bị để đảm bảo chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành công".
Ông Hà Kim Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ cách đây một năm, nói với VnExpress.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng đến thủ đô Washington DC hồi đầu tháng Bảy 2015 dưới thời tổng thống Barack Obama trong tư cách tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Trong chuyến thăm sắp tới, vốn chưa có loan báo chính thức về ngày tháng, ông Trọng còn kiêm thêm chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời hồi tháng 9 năm ngoái.
Khi đến Hà Nội cuối tháng Hai vừa qua để họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Yong-un, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ mà ông Hà Kim Ngọc lập lại lời của ông Trump khi chia tay ông Trọng tại phủ chủ tịch trưa 27 tháng Hai rằng : "Tôi trông đợi được đón tiếp Ngài tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng".
Cả chuyến đi Mỹ lần trước của ông Trọng cũng như các đời chủ tịch nước, thủ tướng trước, phần lớn đều đến thăm Mỹ giữa khoảng tháng Sáu, tháng Bảy. Cho nên, ông Trọng rất có thể cũng đến Hoa Kỳ vào dịp hè năm nay.
"Đây là chuyến thăm rất quan trọng, là trọng tâm của quan hệ Việt – Mỹ trong năm 2019", lời ông Hà Kim Ngọc trong cuộc phỏng vấn của VnExpress.
"Ưu tiên hàng đầu của tôi là tổ chức tốt các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ, hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020".
Chuyến đi Hoa Kỳ sắp diễn ra của ông Nguyễn Phú Trọng vào thời gian Việt Nam cần sự hiện diện quân sự của lực lượng Mỹ trên Biển Đông hơn lúc nào hết để đối phó với một Trung Quốc ngày càng lộ rõ hơn tham vọng bá quyền bành trướng khi biến các đảo và các đảo nhân tạo thành những cơ sở quân sự quy mô mà Hà Nội bó tay.
Các cuộc đàm phán để hoàn thành Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) hầu tránh xung đột võ trang trên Biển Đông vẫn nhích nhích từng chút rất chậm chạp và có thể cũng không biết có ngăn được chiến tranh hay không khi không có ràng buộc pháp lý.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, thương mại hàng hóa Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng gấp 3 lần, từ mức tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 18,01 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 60,28 tỷ USD trong năm 2018. Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Khi ông Trump vừa lên làm tổng thống đầu năm 2016, ông đã tuyên bố rút ra khỏi Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước trong đó có Việt Nam. Điều này đã làm Hà Nội vô cùng thất vọng vì vuột mất một cơ hội vàng giúp tăng trưởng kinh tế nhanh.
Việt Nam ký Thỏa hiệp Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ từ cuối tháng Bảy 2013 khi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Tòa Bạch Ốc họp với tổng thống Obama. Khi đến Hà Nội tháng Năm 2016, ông Obama đã tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho Hà Nội mua các trang bị võ khí tối tân của các công ty Mỹ.
Nhưng đến nay, vẫn chỉ thấy Việt Nam mua một số lượng rất nhỏ của Mỹ so với hàng tỉ đô la trị giá võ khí mua của Nga từ tàu ngầm, tàu mặt nước, chiến xa đến máy bay chiến đấu.
Giữa tháng Hai vừa qua, trong trong bản điều trần tại Ủy ban Quân Vụ Thượng viện, đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn độ -Thái Bình Dương, nêu ra một số điểm nổi bật trong mối quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng phát triển giữa Washington và Hà Nội.
Ông cho hay Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ Scan Eagle UAV, phi cơ huấn luyện phi công tác chiến T-6 Texan II không thấy nêu số lượng và một chiếc tàu tuần tra biển thứ nhì, lớp Hamilton, theo bản điều trần liệt kê.
Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam một tàu cảnh sát biển hơn 3,000 tấn và một số lượng tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ. (TN)
****************
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 11/3 ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước "tậu" nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.
Theo SIPRI, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.
Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, ba quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam là Nga (78%), Israel (9,1%) và Belarus (4,1%).
Trên toàn cầu, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 36% trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, bỏ xa Nga ở vị trí thứ hai với 21%.
Trung Quốc cũng góp mặt trong top 10 nước bán khí tài nhiều nhất, ở vị trí thứ 5, chiếm 5,2%.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng "Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017".
Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng "chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".
Bà Hằng nói tiếp : "Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên".
Viễn Đông