Ông Nguyễn Phú Trọng sắp có chuyến thăm Hoa Kỳ (Người Việt, 12/03/2019)
Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ và cuộc thăm viếng đang được "tích cực chuẩn bị", theo lời ông Hà Kim Ngọc, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn của báo điện tử VnExpress hôm thứ Ba, 12 tháng Ba 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp ông Nguyễn Phú Trọng khi đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hôm 27 tháng Hai 2019. (Hình : Getty Images)
"Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với Phủ tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Quốc hội, hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của Mỹ, tích cực chuẩn bị để đảm bảo chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành công".
Ông Hà Kim Ngọc, nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ cách đây một năm, nói với VnExpress.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng đến thủ đô Washington DC hồi đầu tháng Bảy 2015 dưới thời tổng thống Barack Obama trong tư cách tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Trong chuyến thăm sắp tới, vốn chưa có loan báo chính thức về ngày tháng, ông Trọng còn kiêm thêm chức chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời hồi tháng 9 năm ngoái.
Khi đến Hà Nội cuối tháng Hai vừa qua để họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Yong-un, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ mà ông Hà Kim Ngọc lập lại lời của ông Trump khi chia tay ông Trọng tại phủ chủ tịch trưa 27 tháng Hai rằng : "Tôi trông đợi được đón tiếp Ngài tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng".
Cả chuyến đi Mỹ lần trước của ông Trọng cũng như các đời chủ tịch nước, thủ tướng trước, phần lớn đều đến thăm Mỹ giữa khoảng tháng Sáu, tháng Bảy. Cho nên, ông Trọng rất có thể cũng đến Hoa Kỳ vào dịp hè năm nay.
"Đây là chuyến thăm rất quan trọng, là trọng tâm của quan hệ Việt – Mỹ trong năm 2019", lời ông Hà Kim Ngọc trong cuộc phỏng vấn của VnExpress.
"Ưu tiên hàng đầu của tôi là tổ chức tốt các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ, hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020".
Chuyến đi Hoa Kỳ sắp diễn ra của ông Nguyễn Phú Trọng vào thời gian Việt Nam cần sự hiện diện quân sự của lực lượng Mỹ trên Biển Đông hơn lúc nào hết để đối phó với một Trung Quốc ngày càng lộ rõ hơn tham vọng bá quyền bành trướng khi biến các đảo và các đảo nhân tạo thành những cơ sở quân sự quy mô mà Hà Nội bó tay.
Các cuộc đàm phán để hoàn thành Bộ Qui Tắc Ứng Xử (COC) hầu tránh xung đột võ trang trên Biển Đông vẫn nhích nhích từng chút rất chậm chạp và có thể cũng không biết có ngăn được chiến tranh hay không khi không có ràng buộc pháp lý.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, thương mại hàng hóa Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng gấp 3 lần, từ mức tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 18,01 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 60,28 tỷ USD trong năm 2018. Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Khi ông Trump vừa lên làm tổng thống đầu năm 2016, ông đã tuyên bố rút ra khỏi Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước trong đó có Việt Nam. Điều này đã làm Hà Nội vô cùng thất vọng vì vuột mất một cơ hội vàng giúp tăng trưởng kinh tế nhanh.
Việt Nam ký Thỏa hiệp Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ từ cuối tháng Bảy 2013 khi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Tòa Bạch Ốc họp với tổng thống Obama. Khi đến Hà Nội tháng Năm 2016, ông Obama đã tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho Hà Nội mua các trang bị võ khí tối tân của các công ty Mỹ.
Nhưng đến nay, vẫn chỉ thấy Việt Nam mua một số lượng rất nhỏ của Mỹ so với hàng tỉ đô la trị giá võ khí mua của Nga từ tàu ngầm, tàu mặt nước, chiến xa đến máy bay chiến đấu.
Giữa tháng Hai vừa qua, trong trong bản điều trần tại Ủy ban Quân Vụ Thượng viện, đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn độ -Thái Bình Dương, nêu ra một số điểm nổi bật trong mối quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng phát triển giữa Washington và Hà Nội.
Ông cho hay Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ Scan Eagle UAV, phi cơ huấn luyện phi công tác chiến T-6 Texan II không thấy nêu số lượng và một chiếc tàu tuần tra biển thứ nhì, lớp Hamilton, theo bản điều trần liệt kê.
Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam một tàu cảnh sát biển hơn 3,000 tấn và một số lượng tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ. (TN)
****************
Việt Nam trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới (VOA, 12/03/2019)
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 11/3 ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước "tậu" nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.
Theo SIPRI, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.
Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, ba quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam là Nga (78%), Israel (9,1%) và Belarus (4,1%).
Trên toàn cầu, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 36% trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, bỏ xa Nga ở vị trí thứ hai với 21%.
Trung Quốc cũng góp mặt trong top 10 nước bán khí tài nhiều nhất, ở vị trí thứ 5, chiếm 5,2%.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng "Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017".
Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng "chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".
Bà Hằng nói tiếp : "Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên".
Viễn Đông