Đã có rất nhiều nghiên cứu chi tiết về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, và trong một bài báo nhỏ này không thể nêu hết được. Tuy nhiên, nhân dịp các bên đang thảo luận, và nay có tin tức 2 bên sẽ có ký kết, về việc "nâng cấp quan hệ", chúng ta có thể điểm qua một số nét xác định "duyên" giữa 2 quốc gia.
Quốc kỳ khổ rộng của Mỹ và Việt Nam trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan khi tàu này đến thăm Đà Nẵng, 26/6/2023.
Những cơ hội bị bỏ lỡ
Vào năm 1787, vị tổng thống nổi tiếng thứ 3 của Hoa Kỳ, khi đang làm đại sứ Mỹ tại Phápđã gặp hoàng tử Cảnh của Việt Nam. Ông đã ngỏ ý ghé thăm để xin giống lúa nước ở Việt Nam đưa về trồng ở trang trại ở Bang Virginia. Tuy nhiên, do thời thế thay đổi, Vua Nguyễn Phúc Cảnh mất sớm nên việc gặp gỡ bang giao đã bị bỏ lỡ.
Thương thuyền Frame của Hoa Kỳ là con tàu đầu tiên cập cảng Đà Nẵng vào tháng 5/1803 để rồi sau đó có hàng loạt chuyến thuyền khác đến tìm kiếm và trao đổi hàng hóa nông sản với Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực ký kết Hiệp định thương mại và bang giao giữa hai nước vào năm 1832 đã không thành công vì chính sách "bế quan tỏa cảng" của Nhà Nguyễn. Một cơ hội quan trọng nữa đã qua đi.
Vào năm 1945, nhờ vào sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của mình,Hồ Chí Minh đã trực tiếp sang tận Côn Minh (TQ) trao trả phi công William Shaw cho tướng Clare Chennault, qua đó thiết lập mối quan hê giữa Việt Minh và OSS (tiền thân là CIA). Toán đặc nhiệm "Con Nai" thuộc cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ đã ra đời, giúp đỡ Việt Minh rất nhiều, cả vũ khí và thông tin, đặc biệt tình hình chiến tranh và việc Nhật đầu hàng Mỹ, qua đó khởi nghĩa để "cướp chính quyền".
Tiếc rằng sau đó người Mỹ đã thấy chất "cộng sản" trong Việt Minh nên hàng loạt thư và điện mà Hồ Chí Minh gửi cho tổng thống Mỹ Harry Truman đã không được hồi âm. Cơ hội làm bạn đã không còn mà 2 bên trở thành kẻ thù trong cuộc chiến khốc liệt nhất của loài người nửa sau thế kỷ 20.
Cấp bậc ngoại giao nào hướng tới ?
20 năm sau khi kết thúc chiến tranh,Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Vào năm 2000, Tổng thống Clinton lần đầu tiên thăm Việt Nam từ sau 1975 và 13 năm sau đó, Tổng thống Barack Obama và chủ tịch nước Trương Tấn Sang công bố "Xác lập quan hệ Đối tác toàn diện". Sau 10 năm là đối tác toàn diện, giờ đây các bên đang bàn về việc "nâng cấp quan hệ" trong chuyến thăm sắp tới của tổng thống Joe Biden.
Vậy các cấp bậc quan hệ trong ngoại giao là như thế nào ?
Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu bàn về quan hệ ngoại giao giữa các nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về các khái niệm. Tại Việt Nam, sau gần 20 năm nghiên cứu phát triển, vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng với các nội hàm cụ thể về "Đối tác chiến lược", "Đối tác toàn diện" và "Đối tác chiến lược toàn diện". Tất cả các khái niệm này là do 2 phía thảo luận, đặt ra và được hình thành qua sự công bố của các lãnh đạo mà không có một quy chuẩn học thuật giống nhau.
Theo tác giả Nguyễn Thị Thìn, Học viện Ngoại giao, thì cho đến tháng 4 năm 2023, Việt Nam đã có quan hệ "Đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện" với 17 quốc gia trên thế giới.
Trong đó : Đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước là Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ân Độ (2016) và Hàn Quốc (2022) ; quan hệ Đối tác Chiến lược với 12 quốc gia. Có quan hệ "đặc biệt" với 3 nước là : Lào, Campuchia và Cuba. Các khái niệm này là do các bên tự xây dựng nội hàm để giải quyết trong quan hệ cụ thể với từng nước.
Đối với Trung Quốc là 16 chữ vàng :"Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai" và 4 tốt :"Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt". Đối với Nga là "Độ tin cậy cao ; tiếp xúc cấp cao thường xuyên, hợp tác quốc phòng, an ninh sâu sắc, kinh tế thương mại năng động, toàn diện" ; Đối với Hàn Quốc thì :"Trao đổi chính trị cấp cao, thương mại cố đạt 100 tỷ, Đầu tư nhiều và ODA cao, giao lưu nhân dân sâu rộng…"
Đối với Mỹ có lẽ là quốc gia cựu thù và có quan hệ "Hợp tác toàn diện" muộn nhất, nhưng Việt Nam thực sự đã được hưởng lợi nhiều nhất từ mối quan hệ này. Về chính trị thường xuyên có các cuộc gặp cấp cao, thậm chí tổng thống Hoa Kỳ đã đón tiếp "tổng bí thư" như một nguyên thủ quốc gia mà rõ ràng chỉ là đảng trưởng của một đảng phái chính trị.
Về kinh tế, quốc phòng và an ninh… đều có những hợp tác sâu đậm. Mỹ là nước nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa của Việt Nam, đồng thời lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế chấm dứt các hành động "gây hấn đơn phương" khi tàu 981 xâm phạm lãnh hải của Việt Nam.
Tên gọi là quan trọng, nội hàm là rất quan trọng nhưng hành động thực chất mới cực kỳ quan trọng. Có nhiều tên gọi khác nhau mà bản chất giống nhau, có nhiều việc tên gọi giống nhau nhưng nội hàm khác nhau. Có việc cả tên gọi và nội hàm giống nhau nhưng thực chất hành xử lại khác nhau. Ví dụ trong vụ tàu 981, Trung Quốc có tên gọi quan hệ ngoại giao cao nhất thì đi gây sự, Nga thì im lặng, trong khi Hoa Kỳ chỉ là "đối tác toàn diện" thì lên tiếng.
Điều đáng lưu ý là đối tác chiến lược, mặc dù được thiết lập song phương nhưng nội hàm luôn bao gồm cả những vấn đề đa phương để các bên thể hiện ra giữa "bàn dân thiên hạ" là "tôi đi với người này" nhằm góp phần thể hiện uy tín và tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Rõ ràng có được đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là một điều tốt đẹp cho cả chính quyền và nhân dân Việt Nam.
Có sự ngờ vực trong "niềm tin chiến lược" ?
"Niềm tin chiến lược – Strategic Trust" được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại cuộc đối thoại Shangri-la vào năm 2013. Về mặt ngôn ngữ lý thuyết bài phát biểu được đánh giá cao trong đó khẳng định :"Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành". Tuy nhiên, sử dụng sáo ngữ cũng là một vấn đề của lãnh đạo Việt Nam trong suốt nhiều năm. "Lời" là vô cùng quan trọng nhưng "đưa ra" dễ hơn và sức nặng cũng ít hơn hành động rất rất nhiều.
Việt Nam và Mỹ đã thực sự chân thành với nhau chưa ?. Nói thẳng ra, về mặt chủ nghĩa lý thuyết thì hai bên hoàn toàn ngược nhau. Mỹ là nước tư bản còn Việt Nam là nước cộng sản. Mỹ đa nguyên, Việt Nam một đảng. Đó là chưa nói đến hàng loạt vấn đề về tổ chức chính quyền, văn hóa và nhân chủng khác nhau.
Đồng thời, do những cơ hội bị bỏ lỡ và những uẩn khúc trong quá khứ, như những vết thương chưa lành trong tâm trí của nhiều người. Nhiều lãnh đạo Việt Nam vẫn coi Hoa Kỳ là không đáng tin cậy. Ngược lại người Mỹ cũng rất thận trọng với một quốc gia "cộng sản", và điều này là hợp lý cả về cảm xúc và lý trí.
Nước Mỹ thường phản ứng nhanh và mạnh trong các chuyển động chính trị thế giới nhưng họ ít kiên nhẫn để chờ đợi cho những mục tiêu mờ nhạt, thậm chí cố gắng rút ra nhanh nhất trong bất cứ sự can thiệp nào nếu cảm thấy nó bị sa lầy. Việt Nam thì mềm dẻo và kiên nhẫn hơn trong rất nhiều việc, có nhiều lúc rất "cố đấm ăn xôi".
Có không việc "Bây giờ hoặc không bao giờ" ?
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng của Úc, trong cuộctrả lời phỏng vấn với RFA đã cho rằng "việc nâng cấp với quan hệ với Hoa Kỳ : "bây giờ hoặc không bao giờ". Cho nên, nếu Việt Nam dám quyết định thì đây là thời điểm tốt nhất để ít nhất có 3 mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với cả 3 thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc".
Với vị thế đó "cây tre" có ngả nghiêng thì cũng không thể một kẻ nào dám nhổ bật gốc ; Với vị thế đó cô gái xinh đẹp có thể "lả lơi" nhưng cũng không chàng nào đưa ra các tiêu chuẩn về lòng chung thuỷ mà chia tay.
Phía Mỹ có vẻ đã sẵn sàng. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đặt quyền lợi dân tộc lên trên "ý thức hệ", trên "tình hữu nghị viển vông" và trên quyền lợi của Đảng cộng sản hay không ? Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 20/08/2023
Trong các chuyến công du của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris từ 12 đến 19/11/2022 tại Đông Nam Á, không có hoạt động nào sẽ diễn ra ở Việt Nam như mong muốn của Hà Nội. Điều gì đã dẫn đến tình trạng này và tương lai quan hệ Việt – Mỹ rồi sẽ "trôi" về đâu ?
Reuters
___________________
Tổng thống Mỹ có mặt ở Campuchia từ thứ bảy đến chủ nhật tới (12 – 13/11) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Hoa Kỳ – ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á, nơi ông sẽ tập trung bàn về các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Từ chủ nhật (13/11) tới thứ tư tuần sau (16/11), ông Biden sẽ thăm Indonesia để dự Cuộc gặp Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20. Tại cuộc họp này, Tổng thống Biden sẽ lên tiếng bảo vệ Ukraine và lên án Nga xâm lược. Muộn hơn một chút, từ 18 đến 19/11 bà Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tới Bangkok của Thái Lan để dự cuộc họp với các lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Sau đó bà Harris cũng sẽ bay tới Manila (Philippines) để gặp các lãnh đạo chính phủ và đại diện các tổ chức xã hội.
Vậy là giữa hàng loạt các tiếp xúc ngoại giao tấp nập của Mỹ với các đồng minh và các đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á như trên, một chuyến thăm chóng vánh tại Hà Nội từng được cả hai phía, cả Mỹ lẫn Việt Nam, lobby từ đầu năm nay, sẽ thật sự không xảy ra (1 ). Việc đình hoãn, thậm chí là bãi bỏ chuyến thăm của một Nguyên thủ quốc gia, trong trường hợp ở đây là của Tổng thống Mỹ Biden đến Việt Nam, một đối tác mới nổi trong cộng đồng Indo-Pacific của "Bộ Tứ", là câu chuyện không bình thường chút nào. Thậm chí có thể nói không quá, đấy là một thất bại lớn đối với nền ngoại giao "cây tre" của Việt Nam. Đối với những người ngoài cuộc có thể tự an ủi, Tổng thống Mỹ không thăm được Hà Nội thời điểm hiện nay thì hai Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt sẽ thu xếp vào một thời gian thích hợp sau này. Tuy nhiên, đối với người trong cuộc, việc "tiêu hóa" được thất bại này hoàn toàn không đơn giản như thế.
Nói không đơn giản là vì, từ cả hai phía, cả Hà Nội lẫn Whashington, biết rất rõ rằng, sẽ thật khó mà thu xếp được một không – thời gian thích hợp hơn để Tổng thống Biden thăm Việt Nam như dịp trung tuần tháng 11 này. "Noel một năm chỉ đến có một lần…". Thậm chí giới phân tích chính trị quốc tế cho đến trước khi chuyên cơ của Tổng thống Biden cất cánh, vẫn dành 5% để đánh cược rằng, Tổng thống Biden vẫn có thể ghé qua Hà Nội dịp này. Tại sao giới quan sát cả quốc tế lẫn quốc nội cứ "đoán già đoàn non" về chuyến ghé thăm Hà Nội được mong đợi ? Câu trả lời ở đây khá đơn giản : Vì quan hệ Việt – Mỹ vừa qua bị giáng một "đòn củi chỏ" không phải từ "Muay Thái", mà là từ món "chưởng Tàu – Bắc Kinh". Chuyến "triều cống" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 30/10 đến 1/11 tại Trung Quốc đã ngay lập tức để lại hiệu ứng to lớn có thể đo đếm được cả về lượng lẫn phẩm trong mối quan hệ tay ba phức tạp Việt – Trung – Mỹ từ trước tới nay.
Các chuyên gia quốc tế sẽ tiếp tục giải mã 13 nội dung trong "Tuyên bố chung" Trung Quốc – Việt Nam. Chỉ cần thoạt nhìn vào một số điểm nhấn giữa 13 thỏa thuận lớn Trung – Việt cũng dễ dàng nhận ra ngay những hàm ý thâm sâu trong các thỏa thuận song phương, nhưng lại có tác động mạnh mẽ đến mạng lưới đa phương trong khu vực. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam nhất trí và tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển của Bắc Kinh, đẩy nhanh trao đổi để đi đến ký kết hợp tác giữa hai chính phủ về việc xúc tiến Khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" của Việt Nam với "Sáng kiến Vành đai và Con đường"(Belt and Road Initiative – BRI) của Trung Quốc. Không dừng lại ở BRI, ông Trọng còn cam kết tiếp, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia "Sáng kiến Phát triển toàn cầu" (Global Development Initiative - GDI) và sẽ đánh giá tích cực đối với "Sáng kiến An ninh toàn cầu" (Global Network initative - GNI) (2 ). Hai sáng kiến này được nhấn mạnh rất nhiều tại Đại hội XX Đảng cộng sản Trung Quốc. Cả "Bộ ba" chiến lược cốt lõi – BRI, GDI, GNI – do ông Tập Cận Bình đích thân phát động có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ và thế giới phương Tây ?
Ý nghĩa bao trùm nhất ở đây là, "Tập Hoàng đế" không còn che giấu tham vọng Trung Quốc sẽ làm bá chủ thiên hạ một ngày không xa. Đó là khi "Trật tự cũ" do Mỹ và các nước dân chủ thiết lập và xây dựng nên từ sau Thế chiến thứ Hai đến nay sẽ được thay thế bởi "Trật tự Pax Sinica" do Trung Quốc nắm thế chủ đạo. Cam kết cả với BRI lẫn GDI và GNI, ông Trọng không hề che giấu tâm trạng hân hoan và phấn khích khi ông Tập Cận Bình cam kết "sẽ bảo đảm an ninh cho Việt Nam". Có điều là cái cam kết "chết người" này của ông Tập chỉ được tìm thấy trên truyền thông Trung Quốc mà không hề có một câu chữ nào trên các báo chí Việt Nam cả. Phải giấu người dân trong nước, phải chăng, vì cam kết của Tập Cận Bình chỉ liên quan đến "an ninh cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam" như những thề thốt giữa hai Đảng cộng sản từ trước đến nay (3 ).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị từ Tổng bí thư Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 31/10/2022. Hình : Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
Một tản văn của Blogger Phùng Khoan trên RFA từng cảm thán : "Tập Hoàng đế" là của người Tàu, của nước Trung Hoa. Thiên triều là của Trung Quốc. Ấy vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại vội vã đi ủng hộ, đánh giá tích cực, cam kết "chia sẻ" và "tham gia" vào quá trình xác lập "Trật tự Trung Hoa" – "Pax Sinica". Nếu trót lọt, Việt Nam cũng chỉ là chư hầu, là biên viễn. Đại quốc có thể dốc toàn bộ sức người sức của cho quyền lực của Hoàng đế. Lân bang như Việt Nam mà dồn quốc lực vào đấy thì để thu lại được cái gì ? Chưa nói, người dân Việt có hứng thú, có cộng hưởng với các giá trị của cái Trật tự chỉ phục vụ cho lợi ích của Thiên triều hay không (4 ) ? Ở đây, đâu chỉ có chuyện "dồn quốc lực". Theo quỹ đạo của Trung Nam Hải, định hướng chiến lược "đa dạng hóa, đa phương hóa" của Việt Nam từng phát huy hiệu quả hàng thập kỷ qua giờ đây đang thực sự bị đe dọa. Họa phúc phải đâu một buổi ! Từ chuyến thăm Hà Nội của Phó tổng thống Mỹ Harris đến các trao đổi quan chức cấp cao giữa hai nước nửa năm trở lại đây (Bộ trưởng Quốc phòng, Thứ trưởng Ngoại giao, Đặc sứ của Tổng thống…) và gần đây nhất là bỏ hàng loạt các chuyến thăm đã lên kế hoạch, cho thấy Mỹ tiến dần đến "điểm tới hạn" trong chiến lược đối tác với Việt Nam.
Một nội dung cốt lõi trong "Chiến lược An ninh Quốc gia" của Washington là vấn đề an ninh và an toàn, cũng như FONOP trên Biển Đông. Mỹ từng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm nào. Trong khi ngư dân Việt Nam cũng từng là nạn nhân lâu nay của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc ngay trong thềm lục địa của mình thì "Tuyên bố chung" chỉ đề cập đến nội dung này một cách mờ nhạt. Liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa, phía Việt Nam, qua Tuyên bố chung với Trung Quốc, không nhấn mạnh chủ trương đòi chủ quyền bằng Luật pháp quốc tế, mà chỉ muốn duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương. Trên cơ sở nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, bằng cách nhấn mạnh sử dụng "cơ chế đàm phán biên giới" cấp chính phủ Việt Nam – Trung Quốc. Và còn bày tỏ hy vọng, thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (5 ).
Nhưng có lẽ nhậy cảm nhất đối với Mỹ là cam kết giữa hai nước và hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam "không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào tiến trình của đôi bên". Thông điệp nhấn mạnh việc chống lại sự can thiệp từ bên ngoài được ông Tập đưa ra đưa ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan, xung đột Ukraine, thương mại và nhiều vấn đề khác. Phát biểu tại lễ tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Tập còn nhấn mạnh : "Sự phát triển của sự nghiệp tiến bộ nhân loại là quá trình dài và quanh co… Hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam cần kiên định hành động vì hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại, đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả nguồn lực của mình, và không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta". Tuyên bố này được trích từ Đài truyền hình Trung Quốc, nội dung này không tìm thấy trên các tin tức của TTXVN.
Những cam kết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh dường như đã gây ra một dòng nước ngược so với trào lưu chung. Phải chăng đó là hệ quả trực tiếp của việc ông Trọng đề cao "Sáng kiến An ninh/ Phát triển toàn cầu" của Trung Quốc, thay vì những giá trị phổ quát do LHQ, ASEAN và EU khuyến khích ? Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liệu có triệt tiêu mất cơ hội để "nâng cấp" quan hệ Việt – Mỹ ? Trong trường hợp bị "lật kèo", Mỹ có xếp lại vị trí các quân cờ, dành sự ưu tiên hơn cho Indonesia, Thái Lan, thậm chí Campuchia ? Nếu Tổng thống Joe Biden sẽ không đến thăm Việt Nam hay Tổng bí thư Trọng cũng không thăm Mỹ từ nay đến hết sang năm, nhiều khả năng quan hệ Việt – Mỹ sẽ đi vào giai đoạn "ngủ đông" một thời gian. Sau chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, nếu Hà Nội không thúc đẩy tiếp quan hệ Việt – Mỹ để tạo cơ hội lên "đối tác chiến lược" như dư luận hai nước mong đợi, thì chứng tỏ Việt Nam buộc phải theo quỹ đạo Trung Quốc.
Ngọc Vân
Nguồn : RFA, 10/11/2022
Tham khảo :
2. https://baotintuc.vn/chinh-tri/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20221101181006404.htm
3. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw0qeg8g421o
5. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-63564782
6. https://nghiencuuquocte.org/2022/10/31/tuong-lai-quan-he-viet-trung-va-viet-my/
Việt Nam cần tỏ thái độ "rõ ràng, sòng phẳng… sợ gì !" với Trung Quốc. Câu nói này nguyên là của Thủ tướng Phạm Minh Chính "buột miệng" trước phòng làm việc của Ngoại trưởng Blinken, nay đang trở thành...
Liệu quan hệ Việt - Mỹ đang "tình trong như đã / Mặt ngoài còn e" ?
Mùa hè oi ả đang trôi qua, quan hệ Việt – Mỹ từng dấy lên niềm hy vọng vào chuyến thăm Hà Nội cuối năm nay của Tổng thống Biden nhưng rồi mọi chuyện lại im ắng trở lại. Đặc sứ John Kerry cho biết là chuyến thăm chưa diễn ra theo kế hoạch, nhưng ông nói, Tổng thống Biden sẽ thu xếp thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu (Đặc sứ) John Kerry cho biết, Tổng thống Joe Biden đang rất muốn thăm Việt Nam, nhưng còn vướng một số vấn đề quốc tế nên chưa thu xếp được. Sáng 5/9/2022, trong cuộc phỏng vấn hẹp với báo chí Việt Nam, Đặc sứ John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, cho biết Tổng thống Biden hiện đang khá bận với các vấn đề nóng như xung đột ở Ukraine và căng thẳng với Trung Quốc nên chưa thể sắp xếp sang Việt Nam. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ nói : "Tôi có thể xác nhận Tổng thống Biden đang rất muốn thăm Việt Nam nhưng vẫn chưa có ngày cụ thể được lên lịch… Ông ấy phải rất tập trung cho những vấn đề này (tức là vấn đề Ukraine và Trung Quốc),nhưng tôi biết Tổng thống rất muốn sang thăm Việt Nam". Thế là đã rõ, trong hai ngày ở Hà Nội từ 4 – 6/9, Đặc sứ John Kerry đã hoàn thành sứ mệnh ngoại giao tế nhị. Lùi chuyến thăm của Tổng thống sao cho Việt Nam đừng phật lòng ! Từ đầu mùa hè, Việt Nam và Mỹ đã phối hợp thúc đẩy chuyến thăm của Tổng thống Biden trong năm 2022, nhưng như vậy là chuyến thăm được mong đợi sẽ không diễn ra.
Tăng cường song phương lẫn đa phương
Điều gì đã xảy ra trong quan hệ song phương Việt – Mỹ mấy tháng gần đây ? Nhìn qua thì không có lý do chính trị nào nghiêm trọng để Hoa Kỳ phải lùi chuyến thăm của Tổng thống Biden. Chiều 30/8, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink trong buổi tiếp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã khẳng định"tầm quan trọng của việc tiếp tục trao đổi cấp cao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và chờ đón kỷ niệm 10 năm quan hệ ‘đối tác toàn diện’ Hoa Kỳ – Việt Nam vào năm 2023". Nếu quan sát từ bề ngoài dường như không thấy gì đặc biệt. Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ vẫn đến Washington dự Đối thoại Hoa Kỳ – Việt Nam về Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 9. Theo Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hai quan chức "đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến mối quan tâm chung của hai nước trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực… Hai bên nhất trí tái tham gia cuộc Đối thoại về Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam vào năm tới". Trang Twitter của Cục các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đăng một bức ảnh chụp các thành viên hai đoàn tham gia cuộc đối thoại, đồng thời dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink nói rằng"Việt Nam là một đối tác mạnh mẽ của Hoa Kỳ và chúng tôi kỳ vọng mở rộng quan hệ hơn nữa".
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trước khi cuộc đối thoại diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hôm 29/8 đã có cuộc gặp riêng với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, theo đó hai bên bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương. Thông cáo của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel về cuộc gặp này cho biết rằng"Thứ trưởng Ngoại giao Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Minh Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Mỹ và tầm nhìn chung của hai nước trong việc thúc đẩy một Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IP) ổn định và thịnh vượng".Vào các lần đối thoại trước đây, trên tinh thần hữu nghị, thẳng thắn, hai bên đã thảo luận các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong một diễn biến khác liên quan đến hợp tác Mỹ – Việt trong khu vực IP, thông báo từ Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Tiến Sĩ Ely Ratner, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách an ninh khu vực IP, sẽ đến Việt Nam trong những ngày tới. TS. Ratner sẽ đến Ấn Độ và Việt Nam đầu tháng này để "gia tăng hợp tác giữa Hòa Kỳ với hai đối tác quan trọng này trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương." Tại New Delhi, ông Ratner sẽ đồng chủ trì cuộc đối thoại "US-India 2+2 Intersessional Dialogue" lần thứ 6, cũng như thảo luận về an ninh hàng hải cùng với ông Donald Lu, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Nam và Trung Á. Sau đó, ông Ratner sẽ đến Hà Nội, đồng chủ trì cuộc đối thoại về chính sách quốc phòng hai nước, gọi là "US – Vietnam Defense Policy Dialogue," nhằm thực hiện những bước mở rộng và gia tăng quan hệ toàn diện với Việt Nam.
Chuyến đi của Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Ratner tái xác nhận sự cam kết của Mỹ làm việc với các quốc gia đối tác để chia sẻ quan điểm về một không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ngoài ra, hôm Chủ nhật 4/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng vừa thông báo bà Bonnie Jenkins, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách kiểm soát võ khí và an ninh quốc tế, sẽ đến Hà Nội vào giữa tuần này, trong chuyến đi ba nước Philippines, Việt Nam và Singapore từ ngày 5 – 14/9. Vậy là cùng với ông Ratner, bà Jenkins và trước đó là ông John Kerry, trong nửa thời gian đầu tháng 9 này,Hoa kỳ liên tục đã/sẽ có tới 3 đoàn cao cấp thăm và làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyến thăm của hai phụ tá, một của Bộ trưởng Quốc phòng và một của Bộ trưởng Ngoại giao, kể cả chuyến thăm của Đặc sứ Tổng thống John Kerry về môi trường… tất cả đều nhấn mạnh đến hợp tác đa phương, bên cạnh các mối liên hệ song phương Mỹ – Việt dường như đang bị chững lại.
"Rõ ràng, sòng phẳng… sợ gì !"
Vẫn theo trang mạng Chính phủ, liên quan đến chuyến thăm của Đặc sứ Tổng thống John Kerry, ngày 4/9 hai bên cùng nhất trí phát triển quan hệ "đối tác toàn diện" Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, ổn định… cùng nỗ lực hướng tới tầm mức quan hệ mới khi điều kiện thuận lợi. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các nước, qua đó đóng góp tích cực hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực. Việt Nam mong Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, quan hệ "đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ" và quan hệ "đối tác Mekong – Hoa Kỳ". Đặc phái viên John Kerry bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị mỗi lần ông thăm Việt Nam. Đặc phái viên Kerry tái khẳng định, Hoa Kỳ nhất quán coi trọng quan hệ "đối tác toàn diện" với Việt Nam,ủng hộ Việt Nam đóng vai trò chủ động, thực chất tại khu vực và trong ứng phó với các vấn đề quốc tế, trong đó có biến đổi khí hậu.
Nhưng dư luận lại rất quan tâm tới những dữ kiện nào để hai nước"hướng tới tầm mức quan hệ mới khi thuận lợi". Những điều được cho là thuận lợi ấy cụ thể sẽ là gì ? Cả chủ lẫn khách không bên nào đề cập chi tiết. Tuy nhiên, giới quan sát đều chỉ ra được "bí mật công khai" đó là, từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala, phía Mỹ đã nhiều lần, qua nhiều kênh, cả chính thức lẫn bán chính thức, kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, giờ là lúc hai nước nên nâng cấp quan hệ "đối tác toàn diện" hiện nay lên "tầm mức mới" – đó là quan hệ "đối tác chiến lược", hoặc cao hơn nữa là "đối tác chiến lược toàn diện", nhưng Hà Nội vẫn chưa đáp ứng. Trước khi Phó Tổng thống Harris đến Hà Nội cuối mùa hè năm ngoái, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và từng là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã cỗ võ cho việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ."Quan hệ Việt – Mỹ chắc chắn đã ở tầm đối tá c chiến lược", ông Phạm Quang Vinh nói với báo mạng "Zing" ở trong nước."Chỉ còn là việc định danh, đặt tên sao cho đúng, cho tương xứng với tầm quan hệ". Nói vậy nhưng không phải vậy ! Việt Nam vẫn né tránh, kể cả ở cấp cao.
Né tránh nâng cấp ‘đối tác chiến lược’ nhưng Việt Nam vẫn hy vọng đón Tổng thống Biden.Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ đang có hàng loạt ưu tiên đối với các đối tác và đồng minh, một chuyến thăm như vậy, theo đánh giá từ phía Mỹ, có thể là chưa thích hợp.
Nghịch lý nói trên xuất phát từ sự bất nhất gần đây của Ngoại giao Việt Nam. Trên đất Mỹ, Thủ tướng Việt Nam tuyên bố không chọn bên, mà chọn chính nghĩa. Tuy nhiên, theo Đại sứ Vinh, "Việt Nam không chọn bên là đúng nhưng chưa đủ"."Chúng ta không chỉ không chọn bên mà còn phải chơi được với tất cả các nước lớn và các đối tác khác. Quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cần phải đặt trong bối cảnh đó", ông Vinh nói với báo trong nước. Giới quan sát chú ý đến quan điểm này của ông Vinh. Nếu quan hệ Việt – Mỹ "bị" đặt trong bối cảnh ấy, nghĩa là nó phải chịu sự chi phối của hai mối quan hệ ưu tiên cao hơn, là bang giao Việt – Trung và quan hệ Việt – Nga ! Với đà ấy, quan hệ Việt – Mỹ có nguy cơ trở thành "con tin của ý thức hệ" (hostage of ideology),cho dù chủ nghĩa cộng sản ngày nay không còn là chất keo kết dính ba đối tác này với nhau.
Trong ý nghĩa này, các chuyến thăm đã và sẽ diễn ra của Đặc sứ Kerry, của các ông bà Phụ tá Ratner và Jenkins trong thời gian đầu tháng 9 có thể coi là các chuyến viếng thăm rất quan trọng để chặn đà tụt dốc của quan hệ Việt – Mỹ.
Không đánh giá thấp nguy cơ tụt dốc của bang giao Việt – Mỹ, YouTube Nhân Việt vừa có một bình luận nóng đáng tham khảo :"John Kerry thanh minh thanh nga ! Lộ lý do thật tại sao Tổng thống Biden không đến Việt Nam !" YouTuber này phê phán bộ phận các nhà hoạch định chính sách ở Việt Namnhân nhượng quá mức trước lập trường "thọc gậy bánh xe" của Bắc Kinh mỗi khi Hà Nội có động thái xích lại gần Washington. Xu hướng này có nguy cơ làm hỏng bang giao Việt – Mỹ. Việt Nam cần tỏ thái độ "rõ ràng, sòng phẳng…sợ gì !" với Trung Quốc. Câu nói này nguyên là của Thủ tướng Phạm Minh Chính "buột miệng" trước phòng làm việc của Ngoại trưởng Blinken, nay đang trở thành "câu cửa miệng" ở Việt Nam mỗi khi ai đó muốn tỏ rõ bản lĩnh kiên quyết trước một hành động mà mình cho là đúng đắn và cần phải làm ngay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ 7 ngày (từ 11 – 17/5/2022) bằng buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Thủ tướng đã trình bày viễn kiến về một Việt Nam như quốc gia tầm trung trong vòng 10 – 20 năm tới, và một thế giới tốt đẹp hơn được xây dựng trên nền tảng của "sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm". Mặc dầu thuật ngữ này được ông Chính nhắc lại 18 lần trong bài nói chuyện, nhưng người Mỹ sẽ "soi’ những việc làm trên thực tế, cả trong đối nội lẫn đối ngoại, để xem xét sự tương thích giữa lời nói và việc làm của Hà nội đến đâu… (1).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS). (Ảnh : Dương Giang/TTXVN)
Tương đối ấn tượng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu bài diễn văn chiều 11/5 bằng việc nhắc lại sự tương đồng giữa hai bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng của Hoa Kỳ và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự tương đồng ấy, theo ông Chính, thể hiện khát vọng chia sẻ những giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia Mỹ – Việt, mà còn của toàn nhân loại. Phát biểu của Thủ tướng lấp lánh một số tia hy vọng toát ra từ mối bang giao đầy duyên nợ. Ông Chính cũng hàm ý, hai nước đang chuẩn bị cho một cuộc hành trình "vươn ra biển lớn" giữa mùa giông bão, khi ông thừa nhận thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thật vậy, xung đột ngay giữa lòng châu Âu, theo ông Chính, đã gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu (2).
Từ "những kỷ niệm của tương lai…"
Khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tối 12/5/2022 tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ tình cảm đặc biệt ông dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dịp này, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự đồng tình về việc tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia. Thủ tướng Chính gặp Tổng thống Biden trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN diễn ra tại Thủ đô Washington từ ngày 12 – 13/5. Ông Biden nhắc lại, ông luôn dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, bằng chứng là trong thời gian làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông và người đồng nghiệp quá cố John McCain đã vận động để tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam. Tổng thống Joe Biden nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông Chính đã chuyển lời mời thăm Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Biden cám ơn, và hứa sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp (3).
Trong bài nói chuyện tại CSIS, Thủ tướng Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh đến cơ sở nền tảng của quan hệ "đối tác toàn diện" giữa hai nước. Ông Chính nhắc đến thư thư Tổng thống Joe Biden gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, tái khẳng định "quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ, đầy sức sống mà hai nước đã và đang cùng nhau xây dựng là dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Đặc biệt, ông Chính viện dẫn bức thư ngày 16/2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman, trong đó nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam "là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Bài nói chuyện khẳng định tiếp, Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây "đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu". Ông Chính bày tỏ "sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay" và đấy cũng là những nhân tố "thúc đẩy quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới" (4).
Dư luận quan tâm, tại sao suốt cả bài phát biểu, Thủ tướng Chính không đề cập cụ thể về khả năng nâng cấp mối bang giao Việt – Mỹ lên tầm "đối tác chiến lược" như sự đón đợi của phía Hoa Kỳ? Thật ra vấn đề "chiến lược" hay "không chiến luợc" đã được dư luận từ cả hai phía nêu ra suốt hàng chục năm có lẻ, và giờ đây, ngay trong từng nội dung cốt lõi của bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng đều nhấn mạnh tính tất yếu của tiến trình "xây dựng bệ phóng để góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới". Thiết tưởng nên nhắc lại ở đây ý kiến của Giám đốc Brian Eyler, từ Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson), dóng lên cũng đúng vào ngày 11/5, phân tích những bước tiến thần kỳ trong quan hệ Hà Nội – Washington ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng. Theo Giáo sư Eyler, phát triển được quan hệ với Việt Nam như ngày nay đã là một chiến thắng thầm lặng của Hoa Kỳ. Việc vội vàng cố nâng quan hệ Việt – Mỹ lên tầm "đối tác chiến lược" ngay trong cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể phản tác dụng và chỉ khiêu khích chọc giận Trung Quốc (5).
Nhưng theo giới phân tích, quan hệ Việt – Mỹ ngay giờ đây, thực chất đã ở mức "đối tác chiến lược", không kém quan hệ của Việt Nam với Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, nếu không nói là sâu sắc hơn trên nhiều phương diện, từ kinh tế, văn hóa giáo dục đến an ninh quốc phòng. Bang giao Việt – Mỹ rồi sẽ đạt đến điều mà Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink dự phóng khi chia tay những người bạn Việt Nam lúc kết thúc nhiệm kỳ ở Hà Nội : "Chỉ có bầu trời là giới hạn cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ" (6). Cho đến khi đó, và chỉ khi đó mà thôi, lịch sử sẽ có dịp nhắc lại các bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các diễn đàn: từ CSIS đến Đại học Havard, từ Asia Society đến Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN… và một số nơi khác nữa trên đất Mỹ. Chưa hết, các chính khách tương lai của cả hai nước (giờ này họ đang miệt mài học tập và nghiên cứu tại các đại học Mỹ) sẽ ôn lại các buổi thảo luận của Thủ tướng Chính với các quan chức Hoa Kỳ về "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương" (IPEF) của Tổng thống Joe Biden. Tất cả các kỷ niệm từ tương lai hứa hẹn ấy sẽ dồn về trong khoảnh khắc để hoài niệm về sự hợp tác tuyệt vời giữa hai khối quyết tâm chính trị đã thúc đẩy các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế làm nền tảng cho không gian "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) (7).
Trở về chuyến công du hiện tại
Từ cái lõi kinh tế của cấu trúc an ninh liên vùng ấy, ông Chính hẳn ý thức được những "chuyển dịch địa tầng" trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu vào những thập kỷ tới. Do đó, việc ông bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để thực thi bốn trụ cột : ổn định chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, chống biến đổi khí hậu và vấn đề liên quan đến lao động – thuế – chống tham nhũng, có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ông Chính nhấn mạnh, những trụ cột này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với Việt Nam và các quốc gia khác. Nếu tham vọng của ông Chính trong chuyến công du này chỉ đơn thuần là quyền lực kinh tế, thì ông sẽ thi triển năng lực trên cương vị Thủ tướng thời hội nhập sâu rộng. Mà đã là kinh tế tức là thị trường, không còn mấy làn ranh tư bản hay cộng sản, dù chỉ là trên danh nghĩa. Nhưng nếu ông Chính chọn vị thế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì đương nhiên ông sẽ hướng tới các mối quan tâm trải dài trên tất cả các lĩnh vực (8). Không gian tư duy và hành động lúc này không chỉ là vấn đề thị trường, ở đây sự lựa chọn không còn là theo Mỹ hay Trung Quốc, mà như ông Chính đã nhấn mạnh: "Việt Nam không chọn bên, mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng" (9).
Nhưng tuyên bố nói trên cũng lại là "gánh nặng" cho Thủ tướng khi ông sẽ đến Trụ sở Liên Hiệp Quốc những ngày tới để trang trải với thế giới ba lá phiếu "bất thường" của Việt Nam từ khi có cuộc xâm lăng của Nga trên đất Ukraine. Ông Chính nên cám ơn bà Phó Đại sứ Ukraine từ Hà Nội đã "chia lửa" với ông, cũng đúng vào ngày 11/5, khi ông phát biểu tại CSIS. Bà Nataliya Zhynkina cho rằng, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc tránh lên án hành động Nga xâm lược Ukraine, chưa được hiểu đúng ở nhiều nơi, lẫn trong lòng Việt Nam. Bà nói, mọi tuyên bố của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đều mạnh mẽ và rõ ràng: Việt Nam không tán thành việc vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa tấn công vũ lực, sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bà Phó Đại sứ cũng bình luận thêm : "Vì lợi ích ngắn hạn, có thể một vài nước vẫn bị cám dỗ tiếp tục việc giao thương với Nga như bình thường. Đồng thời, với chính sách trừng phạt quy mô lớn của các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm vào Nga, về lâu dài những nỗ lực đó sẽ gây ra những hậu quả theo hệ thống một cách sâu sắc cho nền kinh tế của những nước vẫn dựa vào hợp tác với Nga và cho sự ổn định toàn cầu nói chung…" (10).
Vì lẽ trên, Hoa Kỳ đang áp dụng phương cách đối xử với Hà Nội khá tế nhị. Ở mặt công khai, Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cử các quan chức cao cấp nhất tới Hà Nội, tặng tàu tuần tra giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển, tặng vaccine và thiết bị y tế giúp chống dịch Covid-19. Nhưng trong những phòng họp khép kín, Washington vẫn tiếp tục thảo luận với Hà Nội về những vấn đề khúc mắc trong bang giao giữa hai nước như quan hệ với Nga, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chênh lệch cán cân thương mại, thao túng tỷ giá tiền tệ… Chính quyền Biden đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tỷ giá tiền tệ để giành lợi thế về thương mại, nhưng trong các cuộc gặp giữa ông Chính với bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính và bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương Mại, hôm 12/5/2022, những vấn đề này chắc chắn vẫn được đề cập dù cho đến nay, phía Mỹ vẫn thận trọng không tiết lộ nội dung của các cuộc làm việc (11).
Theo Daniel Kritenbrink khi làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, 96% người Việt Nam thích làm ăn với Mỹ. Hiện có hơn 30 ngàn sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ. Năm 2022, thặng dư thương mại của Mỹ với Việt Nam suýt soát 100 tỷ USD (12). Sau chuyến công du Mỹ của ông Chính, dư luận có quyền quan tâm, liệu khi nào Việt Nam sẽ có những quyết sách mạnh mẽ hơn, tránh để Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam "lập lờ chiến lược" quá lâu? Hy vọng, sau 7 ngày được tiếp xúc với người thật việc thật, Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu rõ được đâu là giới hạn của "sự kiên nhẫn chiến lược" từ Hoa Kỳ. Nghĩa là nước Mỹ chưa từ bỏ sứ mệnh giành dật lại trái tim của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sứ mệnh này chủ yếu hướng tới lớp trẻ, trí thức và các doanh nghiệp. Bởi vì họ chính là nhân dân! Nhân dân đón đợi điều mà ông Chính đã nhấn mạnh trong bài phát biểu sẽ còn được nhắc đến nhiều dịp khác nữa. "Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước… Mối quan hệ đó đã ‘đơm hoa kết trái’ với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai nước mong muốn hướng tới, đáp ứng nguyên vọng của nhân hai nước".
(3) Nintendo Switch, "Animal Crossing", New Horizons Direct, 15/10/2021
(8) Trần Khải Minh, "Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu", RFA tiếng Việt, 4/4/2021
Quả bóng "đột phá" phải chăng hiện đang ở trên sân Việt Nam và các nước "nòng cốt" của ASEAN. Hãy chờ xem, phản ứng của sáu nước "nòng cốt" trong tháng hai tới đây, dưới "ngọn cờ Băng-đung" mới do Indonesia dẫn dắt, sẽ phản ứng tích cực đến mức nào Báo cáo mới đây của Mỹ về tình hình khu vực và Biển Đông. Trong bối cảnh ấy, bước đi của Việt Nam sẽ được Mỹ soi rất kỹ.
- AFP
Ngày 20/01, bài phóng sự từ đặc phái viên La Croix (Pháp) – "Ngày kỷ niệm đầu tiên ảm đạm của Biden" – cho thấy, sau khi bước vào phòng Bầu dục một năm, Tổng thống Biden đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Đại dịch và giá cả sinh hoạt tăng đang tác động đến tinh thần người Mỹ và ông Joe Biden dường như bất lực. Uy tín của Tổng thống xuống thấp, trong lúc năm nay là năm quan trọng, vì tháng 11/2022 sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ hai viện Quốc hội. Nếu tình hình tiếp tục xấu như hiện nay, cán cân quyền lực của Biden có thể bị đe dọa. Cũng có hy vọng ông Biden thường có những cú đột phá ngoạn mục vào phút chót. Năm 2020, ai ngờ từ vị trí ban đầu đứng cuối nhóm đua tranh trong đảng Dân Chủ, Biden đắc cử Tổng thống. Nhưng để có được đột phá trong năm 2022 này, ông Biden phải tìm được bàn đạp. Liệu quan hệ Mỹ – Việt có thể là một bàn đạp như thế ? [1].
Biden với Việt Nam : Mềm dẻo và linh hoạt hơn
Qua chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Kamala Harris năm ngoái tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã mang đến hai thông điệp rất rõ ràng. Thứ nhất, muốn thúc giục Việt Nam, cùng với Mỹ năng cấp quan hệ "đối tác toàn diện" giữa hai nước lên quan hệ "đối tác chiến lược". Thứ hai, công bố Kế hoạch hành động (một dạng Lộ trình chi tiết) để thúc đẩy tiến trình này. Sự cộng hưởng chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam có thời gian tính. Bà Harris nói với báo giới : "Tôi tin rằng chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của chương tiếp theo trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam". Vì vậy, thời gian để đẩy mạnh "chương tiếp theo", thực hiện "Kế hoạch hành động" nói trên không phải là kéo dài vô hạn. Vì vậy, cả Việt Nam và Mỹ phải hết sức tranh thủ thời cơ có một không hai. Việt Nam phải tận dụng tốt hơn nữa các cư hội do tập hợp lực lượng mới trong không gian Indo-Pacific tạo ra để có thể đáp ứng những thách thức hiện tại và tương lai, trên mọi lĩnh vực. [2].
Mới đây nhất, ngày 25/01/2022, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman vừa có cuộc gặp trực tuyến với Đại sứ Việt Nam tại Washington sắp mãn nhiệm là ông Hà Kim Ngọc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bà Thứ trưởng Sherman đã chúc mừng ông Hà Kim Ngọc kết thúc thành công nhiệm kỳ và những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy quan hệ "đối tác toàn diện" Việt Nam – Hoa Kỳ. Hai bên cũng đã thảo luận về những nỗ lực chung nhằm khôi phục trở lại tốt hơn từ đại dịch Covid-19, những diễn biến ở Biển Đông và tiểu vùng sông Mekong và tầm quan trọng của nhân quyền. Trước đó, vào ngày 20/1, Cố vấn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Derek Chollet cũng đã có cuộc điện đàm với Đại sứ Hà Kim Ngọc nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ "đối tác toàn diện" Mỹ – Việt đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mekong [3].
Hồ sơ đối ngoại của Biden đối với Châu Á nói chung còn "khiêm tốn" trong năm đầu tiên. Câu hỏi đặt ra cho năm thứ hai này của Tổng thống Biden đó là "cạnh tranh song song với các hàng rào bảo vệ" có ý nghĩa như thế nào với Trung Quốc, những cam kết với đồng minh và đối tác mới nổi, trong đó có Việt Nam, có thể mang lại gì ? Nhất là khi đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn đáng báo động từ Trung Quốc liên quan đến Đài Loan và những xáo trộn trên Biển Đông. Mỹ và Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ mang tính chiến lược, đặc biệt là an ninh biển. Mỹ đã tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải. Tháng sáu năm ngoái, Mỹ đã chuyển cho Việt Nam tàu cảnh sát biển 8021, đây là tàu tuần duyên lớn thứ hai mà Mỹ chuyển giao cho Việt Nam. Điều này là một ví dụ mới cho thấy tầm quan trọng của hợp tác an ninh biển trong quan hệ song phương trong bối cảnh hai bên có chung các mối lo ngại về an ninh trên biển, đặc biệt là ở Biển Đông [4].
Từ giữa năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo kết luận là Việt Nam không thao túng tiền tệ và như vậy, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia mà chính quyền Donald Trump cho là đã thao túng tỷ giá hối đoái để làm lợi cho các hoạt động thương mại. Điều này cũng cho thấy là dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn với các đối tác, trong đó có Việt Nam, so với chính quyền Trump. Một điểm son trong bang giao song phương để thấy sự quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam, đó là việc Mỹ viện trợ vắc-xin ngừa Covid-19 quy mô lớn cho Việt Nam. Cho tới nay, Mỹ là nước viện trợ vắc-xin nhiều nhất cho Việt Nam, với hơn 20 triệu liều. Đó là sự hỗ trợ rất kịp thời, giúp Việt Nam có được tốc độ phủ vắc-xin nhanh hơn, đối phó tốt hơn với đại dịch này. Có lẽ nhờ sự điều chỉnh như vậy và nhờ áp lực trong quan hệ song phương không còn lớn như trước, Việt Nam hiện nay tiếp tục có mức xuất siêu lớn sang Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính là 95,6 tỷ đôla. Quan hệ kinh tế, thương mại, tiếp tục có những bước phát triển vững chắc. Cuộc hội thảo trực tuyến gần đây nhất xoay quanh tiến trình khắc phục hậu quả chất da cam dioxin cho thấy, Việt Nam và Mỹ đang triển khai những hướng đi chung nhằm thực hiện chương trình trong năm 2022 này [5].
Năm nay Mỹ – Việt đều có tân Đại sứ
Việc thay đổi Trưởng Cơ quan đại diện (Đại sứ) chỉ là một thủ tục "đến hẹn lại lên", ít khi là dấu mốc của thay đổi chính sách. Tuy nhiên, việc nay mai hai ông, Marc Knapper sẽ sang Việt Nam và Nguyễn Quốc Dũng sẽ sang Hoa Kỳ để bắt đầu nhiệm kỳ của mình, dấy lên một số hy vọng. Hôm 21/01 vừa qua, Đại sứ Knapper đã đưa ra lời chúc Tết trong một buổi gặp trực tuyến do đương kim Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tổ chức quy tụ nhiều người Việt tại Mỹ và những người bạn Mỹ của Việt Nam. Hôm 13/7 năm ngoái, trong phiền điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam, Marc Knapper hứa sẽ thúc đẩy vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Đại sứ Knapper đã từng là Tham tán Chính trị tại Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam từ năm 2004 đến năm 2007 [6].
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Quan chức cao cấp (SOM ASEAN) của Việt Nam, đã nhận Quyết định bổ nhiệm làm Đại sứ tại Mỹ từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 20/01/2022. Mới đây, ông Dũng làm trưởng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc tại Nghệ An và các tỉnh. Trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đã chúc mừng ông Nguyễn Quốc Dũng được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 2022 – 2024. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trên cương vị mới, với trọng trách mới sẽ quan tâm kết nối để Nghệ An có cuộc làm việc chính thức với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam, qua đó xúc tiến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ vào Nghệ An [7].
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ năm ngoái, ông Knapper nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của mình khi được phê chuẩn làm Đại sứ tại Việt Nam là thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, trong đó cam kết hàng đầu là hợp tác an ninh song phương. Ông đánh giá cao quan hệ hai nước chuyển biến sâu sắc, từ quá khứ xung đột sang bình thường hóa ngoại giao và trở thành đối tác toàn diện như hiện nay. Tuy nhiên, Knapper tin rằng quan hệ Mỹ – Việt có thể tiến xa hơn nữa. Ông bày tỏ niềm tin vào những lợi ích lẫn quan ngại mà Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ trong các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, khẳng định Việt Nam là một trong những "đối tác mạnh mẽ" của Mỹ trong khu vực. Bên cạnh an ninh, Knapper muốn nỗ lực đóng góp cho ba lĩnh vực khác trong quan hệ hai nước gồm thương mại đầu tư, giải quyết di sản chiến tranh và ngoại giao nhân dân [8].
Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tuyên thệ nhậm chức ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/1/2022. Hình : Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Sức ép từ sân khấu chính trị khu vực
Các Đại sứ là những "cần ăng-ten" của các lãnh đạo từ mỗi nước, hẳn nhiên có vị trí đặc biệt. Để quan hệ Việt – Mỹ có được đột phá trong năm nay, Hoa Kỳ chắc chắn đã nghiên cứu kỹ các động hướng chiến lược của lãnh đạo Việt Nam từ sau Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam chưa cử bất cứ đoàn cấp cao nào, từ Đảng và Nhà nước, sang Trung Quốc để "báo cáo" về kết quả Đại hội là một chỉ dấu quan trọng phản ánh đường lối phần nào còn giữ được tính độc lập, tự chủ trong bang giao với Trung Quốc. Hẳn nhiên, bí mật công khai là, trong bất cứ tình huống nào, sức ép mọi mặt của Bắc Kinh đối với Hà Nội không bao giờ thuyên giảm. Đặc biệt, gần đây nhất, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam sớm nâng cấp quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" lên quan hệ "đối tác cùng chung vận mệnh Việt – Trung" để bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới (?!). Mặc dầu vậy, trong lần tiếp xúc giữa hai ngoại trưởng Trung – Việt gần đây nhất, phía Việt Nam vẫn "phớt lờ" đề nghị này của Trung Quốc [9].
Những ngày này, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động "dằn mặt" Việt Nam ở đất liền và trên cả biển đảo [10]. Trong bối cảnh ấy, phát biểu ngày 24/01/2022 của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Constance Arvis, đã giải thích cơ sở để các bên phản đối yêu sách của Trung Quốc có ý nghĩa thời sự. Nghiên cứu vừa công bố của Mỹ là nền tảng quan trọng cho bạn bè và đồng minh có thể rút ra để phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Mỹ hy vọng rằng, đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của các quốc gia theo thông lệ quốc tế nhằm đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc. Bà Arvis cũng hấn mạnh, ngoài 10 thành viên ASEAN, báo cáo cũng giúp các nước khác có thể công khai chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài [11].
Nước Mỹ không chỉ tuyên bố, nước Mỹ còn hành động trên thực địa. Hôm 25/01/2022, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đã tiến vào khu vực Biển Đông để tập trận. Các tàu Hải quân Mỹ thường xuyên đi gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cũng như đi qua eo biển Đài Loan, trước sự giận dữ của Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hai Nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ, dẫn đầu là các tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln, đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông vào chủ nhật. Các nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ thực hiện các cuộc tập trận bao gồm hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến trên không và hoạt động ngăn chặn hàng hải để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, tuyên bố ghi [12].
Quả bóng "đột phá" phải chăng hiện đang ở trên sân Việt Nam và các nước "nòng cốt" của ASEAN. Hãy chờ xem, phản ứng của sáu nước "nòng cốt" trong tháng hai tới đây, dưới "ngọn cờ Băng-đung" mới do Indonesia dẫn dắt, sẽ phản ứng tích cực đến mức nào Báo cáo mới đây của Mỹ về tình hình khu vực và Biển Đông. Trong bối cảnh ấy, bước đi của Việt Nam sẽ được Mỹ đánh giá rất kỹ.
Hoàng Trường Sa
Nguồn : RFA, 27/01/2022
Tham khảo :
1. Một năm lãnh đạo Hoa Kỳ, Biden sa lầy, dân Mỹ thất vọng
2. Quyền, tiền và ngoại giao "củ chuối"
3. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chúc mừng Đại sứ sắp mãn nhiệm Hà Kim Ngọc
4. Chính sách của Biden đối với Việt Nam : mềm dẻo, linh hoạt hơn
5. Chuyên gia Việt Nam : Mỹ có thể tăng tiền hỗ trợ y tế cho nạn nhân chất độc da cam ?
6. Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chúc Tết người Việt
7. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng thăm và làm việc tại Nghệ An
8. Tân đại sứ Mỹ dày dạn kinh nghiệm với Việt Nam
9. Thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
10. "Dây thòng lọng" nguy hơn xe ứ đọng ở biên giới
11. Mỹ giải thích lý do công bố báo cáo m giớới nhất về Biển Đông
12. Tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, Đài Loan báo cáo sự xâm nhập mới của Trung Quốc
Lời cảnh báo không dễ bỏ qua !
Lê Thế Hùng, RFA, 05/02/2021
Ưu tiên địa-chính trị và chiến lược
Vậy là Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là một cột mốc mang tính ước lệ. Dư luận trong và ngoài Việt Nam hầu như không ai chờ đợi đột phá nào theo hướng tiến bộ từ đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, trước, trong và sau thời gian Đại hội đã lần lượt bùng nổ hàng loạt các biến cố quốc tế mà theo giới phân tích sẽ có ảnh hưởng đến tầm nhìn của dàn lãnh đạo mới đối với cục diện khu vực và thế giới. Thay đổi chính quyền ở Mỹ, làn sóng biểu tình chống Putin, ủng hộ nhà đối lập Navalny ở nước Nga, đảo chính quân sự tại Myanmar và lập trường ngược nhau của các nước lớn đối với cuộc đảo chính ấy. Việt Nam vừa tăng cường đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, vừa theo dõi chặt chẽ các sự kiện liên quan.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc (trên màn hình) Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - Reuters
Không phải ngẫu nhiên, đúng vào ngày 3/2/2021, Đài phát thanh VOA (Hoa Kỳ) có bài phân tích "Vì sao chính quyền Trump không lên án hay trừng phạt Việt Nam ?". Trong khi giữa nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam một cách công khai rằng nước này "lợi dụng Mỹ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc". Vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền của ông sau nhiều lần hăm dọa cuối cùng cũng đã liệt Hà Nội vào danh sách "thao túng tiền tệ". Tuy nhiên, chỉ mới dán mác thao túng thôi, chứ trên thực tế chưa tiến hành áp đặt bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào.
Theo các chuyên gia, đằng sau lời cáo buộc để lại cho tân Nội các Biden xử lý tiếp, đã diễn ra hàng loạt các cuộc gặp gỡ và điện đàm giữa giới lãnh đạo Hà Nội với các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump, với mục đích là nhằm chuyển tải thông điệp hai bên cố gắng "duy trì đối tác toàn diện", trong đó phía Hà Nội thì nỗ lực "biện hộ", "xoa dịu", còn Washington thì vừa "dọa", vừa "ve vãn". Có hai nguyên nhân quen thuộc xưa nay được VOA tái khẳng định nhân dịp này để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi nói trên.
Nguyên nhân thứ nhất, qua 25 năm bình thường hóa quan hệ, chính phủ Mỹ coi nhẹ yếu tố ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của Việt Nam. Trong cái nhìn thuộc về bản chất, Mỹ nhận ra Việt Nam không còn là một thể chế cộng sản nữa, cho nên người Mỹ có cách ứng xử khá thực tế ! Nguyên nhân thứ hai, về mặt địa-chính trị và chiến lược, Hoa Kỳ và các đồng minh cần tranh thủ Việt Nam, vì Việt Nam có vị thế địa-chính trị và tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Á, để từ đó Mỹ có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc luật lệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 27/2/2019. Reuters
Trump lên án chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, chỉ trích các mô hình chính trị ở Venezuela, Cuba là do lợi ích chiến lược của Mỹ đối với các nước này không song trùng. Mỹ phê phán các mô hình chính trị và nêu đích danh các nhà cầm quyền của mấy nước ấy là để gây sức ép, phục vụ cho ý đồ của Mỹ. Trường hợp Việt Nam, tuy Việt – Mỹ có hệ thống chính trị và ý thức hệ khác nhau, nhưng về ý đồ chiến lược, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều quyền lợi song trùng, đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc. Vì vậy, cho đến nay, Mỹ không đề cập nhiều về mặt ý thức hệ trong bang giao với Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIII, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn yêu cầu xử lý vấn để biển, đảo ngang với đối phó các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước (tức nguy cơ từ Tàu và Mỹ là ngang nhau). Tại Đại hội XIII, Đại tướng – Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhấn mạnh ba thách thức đe dọa đến sinh mệnh của đảng cộng sản và sự tồn vong chế độ cộng sản. Qua đó có thể thấy, dàn lãnh đạo mới hậu đại hội nhiều khả năng sẽ đặt nguy cơ chuyển hóa, tự chuyển hóa về chính trị nội bộ và nhiệm vụ đàn áp xã hội dân sự cao hơn nguy cơ đánh mất chủ quyền biển đảo vào tay Trung Quốc.
Đặc biệt năm 2021 này, có thể chính phủ Biden sẽ triệu tập "Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ" nhằm mục đích khẳng định tinh thần và quyết tâm chung của các quốc gia trong thế giới tự do đối với tiến trình dân chủ hóa trên toàn cầu. Với tư cách là một chế độ độc tài và độc tôn, Hà Nội nhiều khả năng sẽ không được mời tham dự sự kiện nhân văn như vậy. Mà có được mời Việt Nam chưa chắc đã dám tham gia. Như giới phân tích cảnh báo, bản thân sự kiện không phải là vấn đề, mà vấn đề là ở chỗ, nó báo hiệu một điều gì đó mới mẻ về thế giới quan của tân Tổng thống Biden. Thông điệp có thể là, Hoa Kỳ sẽ hợp tác ít hơn với các quốc gia độc tài, toàn trị ; nhiều hơn với các đối tác dân chủ.
Liệu quan hệ có bị trật đường ray ?
Trong khi đó, việc không tìm ra người kế vị chức Tổng bí thư, cho thấy sự mất phương hướng và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới tư duy kinh tế suốt mấy chục năm qua nhưng về chính trị thì càng ngày càng phản tiến bộ và đi vào ngõ cụt. Sau hàng trăm cuộc hội thảo, cho đến nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rạch ròi, tường minh, kinh tế thị trường định hướng XHCN là cái gì. Tầng lớp kỹ trị gia tăng trong hàng ngũ lãnh đạo đã khiến cho nhóm giáo điều cảm thấy bất an. Dư luận quốc tế đánh giá việc ông Trọng bám giữ quyền lực đến cùng, bằng mọi thủ đoạn, cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang bị "xơ cứng động mạch", hệ thống ấy đang ngăn dòng máu mới dẫn tới não bộ (có thể gây ra chứng bại não).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hàng dưới bên trái) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (hàng dưới bên phải) tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. Hai người đều được bầu lại vào Bộ Chính trị khóa 13 dù đã quá tuổi quy định.
Tiếp tục nhìn vào cơ cấu nhân sự sau Đại hội lần này, thấy khá rõ sự hội tụ của nhiều nhân tố bất bình thường có thể dẫn tới thời mạt của một triều đại sau 55 năm. Đặc biệt, sự nổi lên của các nhóm quyền lực địa phương trong cơ cấu nhân sự hậu đại hội sẽ là mầm móng cho những trận thư hùng đoạt vị tiếp theo, trong đó nhóm Nghệ Tĩnh đứng đầu các nhóm địa phương với 24 ủy viên trung ương chiếm 13%, 5 ủy viên Bộ chính trị chiếm 28%. Nhóm miền Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra, đứng đầu các nhóm vùng miền với 91 ủy viên trung ương chiếm 51% và 9 ủy viên Bộ Chính trị chiếm 50%. Nếu bộ gen "trí-phú-địa-hào đào tận gốc trốc tận rễ", "công bằng không bằng công nông" nổi trội, thì dưới tác động của nhóm Nghệ Tĩnh, chưa biết ban lãnh đạo mới có cứng lên trong quan hệ với Mỹ hay không.
Tuy nhiên, có lập luận lạc quan hơn, tuy cũng chưa hoàn toàn chắc chắn. "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Câu ngạn ngữ này thuần Việt, không có trong tiếng Tàu. Theo triết lý ấy, đừng nghĩ là phe Nghệ Tĩnh vẫn nghèo mạt rệp như xưa và sẽ "cứng" đến cùng, không thỏa hiệp với "đế quốc Mỹ". Võ Kim Cự trước đây chả là gốc Hà Tĩnh đó sao. Nhưng y đã ôm cả va li tiền (tính chuồn ra nước ngoài) nhờ đưa được Fomosa vào Vũng Áng mà hệ luỵ và vết nhục của sự cố "rước voi về giày mả tổ" ấy thì đến "ba đời" Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không thể gột rửa nổi. Nhưng dưới thể chế "kim tiền" hiện nay, cả trong đảng lẫn ngoài xã hội, chưa ai đoán trước được tới đây, Trung Quốc hay Mỹ sẽ chiếm thế thượng phong trong cuộc "đu dây" của Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Derek J. Grossman được biết đến là chuyên gia cao cấp từ Trung tâm chính sách Châu Á – Thái Bình Dương thuộc RAND (một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ), trong bài viết mới đây đăng trên Tạp chí "The Diplomat" ngày 1/2/2021 có nêu ra một số tình huống đáng để suy nghẫm. Cùng với các kịch bản của Grossman, có thể bổ sung thêm một số tình huống khác khiến bang giao Mỹ – Việt tới đây quả là có nguy cơ "trật đường ray" thật.
Thứ nhất, tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ. Đảng, Nhà nước tiếp tục chiến dịch "khủng bố trắng hậu Đại hội" đối với xã hội dân sự dưới mọi hình thức. Thứ hai, triển khai "Báo cáo Quốc gia về Thực trạng Nhân quyền" hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ, khiến Việt Nam từ bất chấp đến có phản ứng tiêu cực hơn, vì tự tin vào vị thế địa-chính trị và nghĩ rằng Mỹ phải "xuống nước" với mình. Thứ ba, thái độ ngược nhau giữa Mỹ và Tàu trong phản ứng trước xu hướng thụt lùi dân chủ ở Myanmar, gây hoang mang cho Hà Nội. Thứ tư, Hoa Kỳ có đường lối cứng rắn hơn đối với những đồng minh "ruột" của Việt Nam là Trung Quốc và Nga trong các vấn đề dân chủ nhân quyền.
Tình huống thứ năm, xẩy ra điều Mỹ đã cảnh báo : Các chính sách và thực tiễn không lành mạnh góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ cần phải được chấm dứt. Nếu Washington quyết định trừng phạt Hà Nội vì lý do này thì thật rắc rối, nhất là trong mùa đại dịch Covid-19. Khi bị đánh vào cái "dạ dày" và cái "túi tiền" của Đảng và chính phủ mới thì Đảng và Nội các của chính phủ mới sẽ phải cầu viện phương Bắc. Nếu điều này xẩy ra, Việt Nam buộc phải thỏa hiệp và nhượng bổ nhiều hơn với Trung Quốc trong vấn đề biển đảo. Giá trị địa-chính trị của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ hiển nhiên sẽ bị giảm đi đáng kể.
Một cách không may mắn – nếu nhìn từ tương lai của người dân trong nước – khi tất cả năm kịch bản nói trên xẩy ra cùng một lúc hoặc các kịch bản đan xen, tương tác với nhau, hệ luỵ thật khôn lường. Lúc ấy, không chỉ bang giao với Mỹ, mà ngay cả định hướng đối ngoại nói chung có thể biến dạng. Chưa biết được "nhà buôn" Trần Tuấn Anh sẽ chèo lái con thuyền ngoại giao Việt Nam theo hướng nào (Nếu tin đồn ông Tuấn Anh sẽ ngồi vào ghế của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là đúng).
Lê Thế Hùng
Nguồn : RFA, 05/02/2021
**********************
Những vấn đề nào có thể làm quan hệ Việt – Mỹ chệch đường ray ?
Derek Grossman, Nghiên cứu quốc tế, 03/02/2021
Giờ đây, khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã có dàn lãnh đạo mới, hai nước cần phải xem xét các bước tiếp theo trong quan hệ song phương. Trong bốn năm qua, chính quyền Trump đã tận dụng động lực được vun đắp bởi các chính quyền trước để làm sâu sắc hơn "quan hệ đối tác toàn diện" giữa Washington với Hà Nội, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh. Sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây trên Biển Đông, nơi Việt Nam có tranh chấp chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, càng giúp củng cố hơn nữa quan hệ đối tác Việt – Mỹ, biến mối quan hệ này thành một trong những điểm sáng tiêu biểu nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc vẫy chào các em thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn : Nhà Trắng)
Nếu chính quyền Biden chỉ đơn giản giữ nguyên cách tiếp cận như vậy thì động lực của quan hệ song phương hầu như sẽ được bảo toàn. Những dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn. Ví dụ, nhóm Biden đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ, bao gồm cả với Việt Nam. Chính quyền Biden tiếp tục có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc, coi nước này là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và chỉ trích áp lực quân sự của Trung Quốc lên Đài Loan.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng đã cam kết triệu tập "Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ" vào năm 2021 để "làm mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong Thế giới Tự do". Với tư cách là một chế độ độc đảng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có lẽ sẽ không được mời tham dự một sự kiện như vậy. Nhưng bản thân sự kiện không phải là vấn đề, mà nó có thể báo hiệu về thế giới quan của Biden : rằng Hoa Kỳ nên tìm kiếm ít hợp tác hơn với các đối tác chuyên chế và hợp tác nhiều hơn với các đối tác dân chủ so với trước đây để chống lại các chế độ chuyên chế. Theo đó, Biden đã bổ nhiệm một vị trí giám đốc cấp cao mới trong Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách vấn đề dân chủ và nhân quyền, một lần nữa báo hiệu rằng một sự thay đổi sắp xảy ra.
Việt Nam có lẽ lo ngại rằng hồ sơ nhân quyền kém cỏi sẽ khiến nước này trở thành mục tiêu phù hợp cho những lời chỉ trích mạnh mẽ hơn từ phía Hoa Kỳ so với thời chính quyền Trump, hoặc thậm chí thời Obama. Hà Nội sẽ đặc biệt chú ý đến việc xuất bản "Báo cáo Quốc gia về Thực tiễn Nhân quyền" hàng năm của Bộ Ngoại giao để xem chính quyền Biden đánh giá Việt Nam như thế nào, không chỉ trong báo cáo mà quan trọng hơn là trong các nhận xét công khai nếu có. Dưới thời chính quyền Trump, các tuyên bố báo chí riêng biệt không được đưa ra tại thời điểm xuất bản báo cáo. Sự chỉ trích công khai cũng thỉnh thoảng xảy ra, đặc biệt là khi các nhà hoạt động hoặc nhà báo thuộc tổ chức xã hội dân sự bị bắt giữ, nhưng sự chỉ trích này thường được giữ ở mức tối thiểu.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ đề phòng bất kỳ sự chỉ trích nào của Mỹ đối với hệ thống chính trị của họ xuất phát từ việc Hoa Kỳ muốn tái nhấn mạnh việc bảo tồn (và thúc đẩy ?) dân chủ. Về vấn đề này, Hà Nội đang theo dõi sát sao việc Nhà Trắng chỉ trích mạnh mẽ các tiễn tiến chính trị hiện nay ở Myanmar và hàm ý đối với Việt Nam. Nền tảng quan hệ Việt – Mỹ giúp mở đường cho chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Nhà Trắng hồi tháng 1 năm 2015 là sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Bất kỳ sự thay đổi nào của Hoa Kỳ trong quan điểm này có thể khuyến khích những người theo đường lối bảo thủ cứng rắn ở Việt Nam, những người tìm cách tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chính trị nội bộ của đất nước.
Một nguyên nhân khác gây lo ngại là trong lĩnh vực thương mại song phương. Hồi tháng 12, chính quyền Trump đã xác định Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ. Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong những ngày cuối của chính quyền Trump, "các hành vi, chính sách và thực tiễn không công bằng góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được giải quyết". Nhưng cuối cùng, chính quyền Trump đã không có bất kỳ hành động nào vào phút chót đối với Việt Nam. Chưa biết liệu chính quyền Biden có tiến hành xem xét lại vụ việc này và có hành động chống lại Việt Nam hay không, nhưng nếu xảy ra, điều đó chắc chắn sẽ gây căng thẳng cho quan hệ song phương.
Cuối cùng, chính quyền Biden sẽ sẵn sàng có một đường lối cứng rắn hơn đối với quốc gia bạn bè truyền thống của Việt Nam là Nga. Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 26 tháng 1, Tổng thống Biden đã gây sức ép với Putin trên một loạt các mối quan tâm của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc Moskva bị cáo buộc tham gia vào một chiến dịch gián điệp mạng lớn cũng như vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Cách tiếp cận cứng rắn hơn của Biden cũng có thể bao gồm việc tăng cường thực thi Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua đe dọa trừng phạt (CAATSA) đối với các đồng minh và đối tác. Đạo luật CAATSA cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia mua thiết bị quân sự của Nga. Do khoảng 80% hệ thống vũ khí của Việt Nam là do Liên Xô hoặc Nga chế tạo, CAATSA có thể có tác động lớn đến an ninh của Việt Nam. Chính quyền Biden vẫn chưa bình luận gì về CAATSA và chưa rõ liệu họ có sẵn sàng miễn trừ áp dụng đạo luật cho một số quốc gia nhất định, bao gồm Việt Nam, hay không. Nếu không có sự miễn trừ như vậy, Washington có thể có biện pháp trừng phạt Hà Nội trong tương lai.
Mặc dù có những lý do xác đáng để đặt câu hỏi về quỹ đạo của quan hệ Việt – Mỹ trong những năm tới, nhưng động lực chính vẫn mang tính tích cực và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy. Cả hai nước đều tôn trọng lẫn nhau và có lợi ích chung trong việc đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Mọi xích mích nảy sinh có thể sẽ được xử lý qua đường ngoại giao để tránh gây thiệt hại lớn hơn cho quan hệ song phương. Nhưng tất nhiên, không có gì là chắc chắn.
Derek Grossman
Nguồn : "How US-Vietnam Ties Might Go Off the Rails", The Diplomat, 01/02/2021.
Trần Hùng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 03/02/2021
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, và là giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam California.