Nhà cầm quyền quan tâm điều gì ?
Nhất Nguyễn, VNTB, 23/02/2020
Chỉ một bài thơ "đạo" phong cách thơ người khác, phóng đại hiện thực, nhiều điểm sai sự thật nhưng ca ngợi chính phủ, thủ tướng thì được biểu dương, khen thưởng, cả "làng" chí quốc doanh nhất loạt đưa tin "nhanh như điện".
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ quận 2 "xóm Thủ Thiêm" đến nay chưa thấy khi nào giải quyết. Ảnh : Văn Minh
- 11.100 công nhân đường sắt đã mấy tháng không có tiền lương do vướng mắc cơ chế, ông Vũ Anh Minh chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam phải kêu lên : "Bộ Giao thông và vận tải đã có 3 văn bản liên tiếp gửi thủ tướng chính phủ, Tổng công ty cũng báo cáo bộ Giao thông và vận tải, ủy ban quản lý vốn nhà nước, ủy ban thường vụ quốc hội nhưng đến nay vẫn không giải quyết được. Báo cáo của chúng tôi, rất nhiều nói cả ngày cũng không hết… Đường sắt có thể phải dừng chạy tàu toàn quốc !".
- Vụ Thủ Thiêm : Sai phạm của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng từ 20 năm qua để hàng nghìn người dân bị oan sai, có người tự sát, ăn ở "màn trời chiếu đất" hàng trăm người ra tận Hà Nội khiếu kiện vạ vật thành "xóm Thủ Thiêm" đến nay chưa thấy khi nào giải quyết.
- Sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã nhỏ hẹp lại bị quân đội mang 157,6 ha đất quốc phòng cho doanh nghiệp làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư kinh doanh từ năm 2004 đến nay mặc cho cửa ngõ, khu trung chuyển hàng không lớn nhất Việt Nam bị quá tải, tắc nghẽn cản trở nghiêm trọng sự phát triển của đất nước nhưng chưa thấy giải quyết…
- Vụ Đồng Tâm : Tranh chấp cánh đồng Sênh giữa thành phố Hà Nội và dân Đồng Tâm từ năm 2016 dẫn đến xung đột giữa hàng nghìn dân địa phương với chính quyền Hà Nội có dấu hiệu gây bất ồn xã hội như công an đánh trọng thương, bắt cóc người, dân cầm giữ 38 Cảnh sát cơ động làm con tin… thủ tướng đã biết, dân gửi 18 lá đơn kêu cứu đến khắp nơi nhưng nhà cầm quyền vẫn không có biện pháp giải quyết dẫn đến cuộc vây giáp thảm sát, bắt bớ kinh hoàng hôm 9/1/2020.
- Phần lớn các dự án BOT là sai nguyên tắc, sai pháp luật, không minh bạch, đặt trạm thu phí sai địa điểm làm thiệt hại dân gây bức xúc bất ổn xã hội nhưng chính nhà cầm quyền đồng lõa không giải quyết, ngược lại còn bật đèn xanh để chính quyền bắt giam, xử tù người phản đối ôn hòa, v.v.v…
Trong khi đó chỉ một bài thơ "đạo" phong cách thơ người khác, phóng đại hiện thực, nhiều điểm sai sự thật nhưng ca ngợi chính phủ, thủ tướng thì được biểu dương, khen thưởng, cả "làng" chí quốc doanh nhất loạt đưa tin "nhanh như điện".
Vụ Đồng Tâm, ngay sau vụ đột kích thảm sát cụ Lê Đình Kình, bắt hơn 20 người hôm 9/1/2020 chưa biết rõ đúng, sai nhưng lập tức báo quốc doanh kết tội ông Lê Đình Kình và dân Đồng Tâm là "giết người,chống người thi hành công vụ…", ba công an bị tai nạn ngã xuống giếng trời chết được khen thưởng ở mức cao hơn cả những chiến sĩ có thành tích xuất sắc ngoài mặt trận chống quân xâm lược….
Vậy nhà cầm quyền quan tâm điều gì ?
Nhất Nguyễn
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
*******************
Món nợ Thủ Thiêm, Lộc Hưng bao giờ trả ?
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 23/02/2020
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói rằng : "Doanh nghiệp gặp khó khăn sở ban ngành phải chia sẻ, gặp khó khăn không nên càng tạo khó khăn hơn. Tôi đề nghị các sở ban ngành phải có giải pháp quyết liệt hơn trên cơ sở làm đúng quy định của pháp luật".
Trong buổi làm việc sáng 22/2, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các sở ban ngành đã lắng nghe các vướng mắc còn tồn đọng, chủ yếu xoay quanh các vấn đề rà soát thủ tục pháp lý, chậm triển khai… của các doanh nghiệp bất động sản nhằm mang đến môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Như vậy cũng liên quan vấn đề bất động sản, vì sao ông Nguyễn Thành Phong không yêu cầu các ban, ngành giải quyết những vấn đề về quyền tài sản đất đai của người dân ở dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, và dự án trường học (dự án này chưa tuân thủ quy định của pháp luật liên quan) ở khu vườn rau Lộc Hưng ?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài chuyện quyền lợi người dân bị chính quyền xâm hại đã hơn hai mươi năm qua. Vườn rau Lộc Hưng thì đã hai cái Tết cổ truyền đi qua, các luật sư đã ‘vào cuộc’ quyết liệt ngay từ đầu, kể cả các luật sư từ phía chính quyền thành phố, song mọi chuyện vẫn tiếp tục ầu ơ, ví dầu…
Bàn luận bên lề về buổi làm việc sáng 22-/2 của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, một số nhà báo nói rằng thật ra đây là cuộc gặp để giải quyết những yêu cầu của một con cá mập trong ngành bất động sản là Novaland. Doanh nghiệp này đang bị ‘dính’ một dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh (quận 2) trong vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Diện tích này trên thực tế là phần ‘cố tình giải tỏa’ ngoài quy hoạch được chính phủ phê duyệt, diễn ra dưới thời của chủ tịch/ bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.
Khi đã ‘giải tỏa ngoài quy hoạch’, dự án khu đô thị Thủ Thiêm đã khiến nhiều người dân không thể có chỗ ở ổn định, phải sống tạm bợ trong những căn nhà nhếch nhác, thì khu tái định cư 30,2 ha phường Bình Khánh, quận 2 cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm lại được phép chuyển sang nhà ở thương mại, nhưng không thông qua đấu giá.
Điều khiến dư luận phải giật mình trước vụ việc này là diện tích đất tái định cư lên đến 30,2 ha ở phường Bình Khánh, Bình Trưng Tây, quận 2 chỉ mới được thành phố giao cho các công ty con của Novaland là Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 (trước đây là Công ty TNHH Phát triển quốc tế Thế kỷ 21) làm dự án bất động sản bằng quyết định đầu tư vào ngày 26/7/2017 - thời điểm bức xúc của người dân Thủ Thiêm đang rất… nóng.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả mọi pháp lý được viện dẫn trong việc thanh tra dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài suốt 20 năm qua, Novaland đã chọn đúng ngày Mùng 1 Tết Canh Tý để gửi đơn "kêu cứu" đến chính phủ cùng các bộ, vì cho rằng bị mắc kẹt ở dự án bị tạm dừng 2 năm tại khu vực Thủ Thiêm. Theo Novaland, nếu không được Đảng và Nhà nước hỗ trợ, Novaland có thể lâm vào tình trạng ‘mất thanh khoản’ gây nợ xấu 50.000 tỷ cho hệ thống ngân hàng.
Thế nhưng dẫu sao thì cuộc mặc cả ở đây của Novaland với chính quyền cũng là khu đất ‘giải tỏa ngoài quy hoạch’ của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Còn với vụ vườn rau Lộc Hưng thì khi chính quyền thô bạo cưỡng chế nhà cửa, đất đai nơi đây trong tuần lễ giáp Tết nguyên đán, hoàn toàn không có một dự án xây dựng nào được phê duyệt theo trình tự quy định của pháp luật về đất đai…
Món nợ đất đai Thủ Thiêm, Lộc Hưng bao giờ mới được đặt lên bàn nghị sự của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ?
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
******************
Cần cải tổ chính phủ
Nguyễn Nam, VNTB, 23/02/2020
Câu cửa miệng ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’ đã không còn đúng ở mùa dịch virus conrona đến từ Trung Quốc. Rất cần một sự cải tổ mạnh mẽ nội các của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và cả Bộ Chính trị của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ xét riêng chuyện mở cửa lại trường học đã cho thấy nội các của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đang lúng túng, và người đứng đầu chính phủ cũng không dám quyết đoán điều gì
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo cơ hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra trên thế giới đang giảm dần và kêu gọi các nước cảnh giác.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này như thế nào khi Việt Nam toan tính mở cửa trường học trở lại vào đầu tháng 3-2020, và một số cửa khẩu ở biên giới Việt - Trung cũng đã được mở lại ?
Chỉ xét riêng chuyện mở cửa lại trường học đã cho thấy nội các của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đang lúng túng, và người đứng đầu chính phủ cũng không dám quyết đoán điều gì, vì ngay cả Bộ Chính trị cũng như cá nhân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chọn sự im lặng, không có bất kỳ một phát ngôn nào liên quan phòng, chống lây lan dịch Covid-19 đến từ Trung Quốc.
Hôm 22/2, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về các biện pháp chống dịch Covid-19. Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Hiện nay, khi thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng thì việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học trở lại, thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cả hai bộ được nêu tên đó đều có một cấp vụ mang tên Vụ Pháp chế. Người đứng đầu vụ pháp chế, khi được bổ nhiệm luôn có ý kiến về chuyên môn từ Bộ Tư pháp. Như vậy, tin chắc các vụ trưởng vụ pháp chế ở hai bộ đã tham vấn pháp lý trong chuyện thời gian nghỉ học này với hai bộ trưởng. Song mãi cho đến nay không ai nghe bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, và bộ trưởng Đào Ngọc Dung lên tiếng về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Trước đó, theo văn bản ngày 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tại các địa phương không có dịch Covid-19, các sở giáo dục có thể đề xuất UBND các tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại, nhưng đảm bảo các nhà trường phải tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Bên cạnh đó, các nhà trường phải có kế hoạch tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp học sinh biết cách phòng bệnh.
Như vậy, với kiểu văn bản chỉ đạo ‘nước đôi’ như trên, nếu nhìn bình diện chung tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp, thì không một lãnh đạo địa phương nào, kể cả người đứng đầu chính phủ và tổng bí thư đảng, dám nhận trách nhiệm là không để xảy ra việc lây nhiễm trong trường lớp khi học sinh đi học trở lại.
Vấn đề chính ở đây là thái độ lừng khừng của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi cả hai đều không dám quyết đoán điều gì trong chuyên môn của mình. Với một nội các như vậy, gánh nặng sẽ chuyển về thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người mà trên thực tế không thể có được kiến thức chuyên môn như ông Nhạ, ông Dung.
Dường như các quan chức đang dè chừng nhìn nhau, vì thời điểm này nếu họ ban hành quyết sách cụ thể nào đó mà không đưa đến hiệu quả trong phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19, thì việc ‘lựa chọn nhân sự’ kéo dài từ nay đến cuối năm cho kỳ đại hội đảng sắp tới vào đầu năm 2021, sự nghiệp chính trị của họ coi như sẽ bị các phe nhóm tận dụng để ‘hất cẳng’ khỏi nhiệm kỳ mới của đảng cộng sản.
(Thực ra chỉ riêng chuyện ông thủ tướng nghe theo lời ‘tham mưu’ để khen tặng tác giả một bài thơ ‘trớt quớt’ mà thiên hạ dè bỉu hổm rày, đủ thấy chính phủ cần phải ‘thay máu’ ra sao…).
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
"Politics is too important to be left to the politicians"
(Chính trị quá quan trọng để không thể phó mặc cho chính trị gia)
John F. Kennedy, Jr.
Tại sao nhiều người Việt Nam không dám quan tâm đến chính trị ?
Vì họ cho rằng 'làm chính trị' là môt công việc quá ư nguy hiểm. Vì không hiểu chính trị là gì, hiểu sai lệch nên rất nhiều người Việt cho rằng chính trị là thủ đoạn, mưu mô, tranh đoạt, chẳng có gì hay ho. Họ sai.
Đứng lên 'làm chính trị' để trút bỏ ách cai trị và giành lại quyền quản trị đất nước, để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài về hướng dân chủ. Ảnh minh họa Tổng thống Obama
'Làm chính trị' là nghề của một số người (ví dụ như 'làm báo') mà công việc chính của họ là cạnh tranh quyền lực để chấp chính. "Chính trị" là công việc chung của đất nước, "tranh giành" quyền lực là để thực thi một dự án chính trị chứ không phải để tham nhũng, "vinh thân phì gia". Đất nước không phải là chiến lợi phẩm để chia chác. Làm chính trị là để phục vụ xã hội, để cống hiến chứ không phải chia chác bổng lộc.
Những người trăn trở và ưu tư với đất nước có thể thành lập tổ chức, tham gia tổ chức, đưa ra các dự án chính trị tốt hơn so với kế hoạch chính trị hiện hành của chính phủ để cạnh tranh và vận động người dân ủng hộ nhằm tạo sức ép buộc chính phủ phải thay đổi từ chính sách cho đến nhượng hoặc từ bỏ quyền chấp chính hoặc bầu cử tự do.
'Quan tâm đến chính trị’ là trách nhiệm của mỗi công dân có ý thức xã hội. Chính trị gắn liền với đời sống từ chén cơm, manh áo đến triết lý giáo dục, các giá trị đạo đức, văn hóa và phương cách quản trị xã hội. Mọi chính sách của chính phủ đều liên quan đến đời sống người dân, chúng quá quan trọng nên người dân không thể "để cho đảng và nhà nước lo".
Đảng cộng sản Việt Nam cố tình dùng chính sách ngu dân, làm cho dân xa lánh chính trị và xem đó là một lãnh vực nguy hiểm. Kèm theo đó là một chính sách mị dân : "để cho đảng và nhà nước lo" quá lâu nên đa số người dân hiện nay thờ ơ, vô cảm với chính trị, nghĩa là thờ ơ, vô cảm với đời sống của chính mình, họ không biết rằng quan tâm đến chính trị là một trách nhiệm công dân. Khi có quan tâm đến chính trị thì người dân mới có thể "thể hiện thái độ chính trị".
Như trên đã viết, chính trị là đời sống, mỗi chính sách của chính phủ đều rất quan trọng với người dân nên khi chính sách đó sai lầm, chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm cầm quyền và sân sau, thì người dân phải thể hiện thái độ chính trị bằng cách phản đối thông qua lá phiếu, biểu tình, phát ngôn đòi thay đổi chính sách, đòi quan chức từ chức, bãi bỏ quốc hội, chính phủ, thay đổi chính quyền..
Nếu người dân không quan tâm đến chính trị thì sẽ không biết các chính sách của chính phủ đúng hay sai và không biết mình có quyền và trách nhiệm thể hiện thái độ chính trị.
Khi người dân biết quan tâm đến chính trị và thể hiện thái độ chính trị thì chính quyền khó có thể làm sai vì luôn bị giám sát. Với một nhà nước độc tài toàn trị như Việt Nam thì chính quyền rất sợ hãi khi người dân quan tâm đến chính trị.
Lý do là vì một khi người ta thực sự quan tâm đến chính trị thì bộ mặt thật của chế độ sẽ hiện ra : bất tài, gian trá, tham lam vô độ, hèn nhát với giặc và tàn ác với dân.
Một khi người dân thấy được bộ mặt thật của chế độ độc tài cộng sản thì một số có thể sẽ đứng lên 'làm chính trị' để trút bỏ ách cai trị và giành lại quyền quản trị đất nước, để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài về hướng dân chủ.
Quan tâm đến chính trị, như vậy, không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức tinh hoa.
Việt Văn
(7/5/2018)
Trước hết, tôi xin cố gắng cắt nghĩa từ "chính trị". Vì đây là một từ rất hay bị hiểu sai trong tư tưởng và suy nghĩ của người Việt.
Một buổi sinh hoạt chính trị dưới thời La Mã, dựa theo khuôn mẫu Hy Lạp
Chính trị, hay trong các thứ tiếng khác là (politics, politik, politique, 政治…) là một từ có nghĩa gốc từ từ Politika trong tiếng Hy Lạp cổ. Từ này nghĩa gốc có nghĩa là "công việc chung của thành phố". Thời Hy Lạp cổ, mỗi thành phố được bao quanh và giới hạn bởi thành lũy, thường có diện tích rất lớn, trong thành phố có đủ các cơ quan, cơ sở… Một thành phố thường có cơ cấu tổ chức như một nhà nước, vì vậy, hiểu theo một cách đơn giản, chính trị có nghĩa là "công việc chung".
Trong tiếng Anh, từ Politics được định nghĩa như sau : Chính trị là tiến trình của việc đưa ra quyết định áp dụng cho các thành viên trong nhóm, tổ chức, nó đề cập việc đạt và thi hành quan điểm/vị trí của việc cai trị - tổ chức kiểm soát trên một cộng đồng, đặc biệt là một quốc gia (1).
Trong tiếng Pháp, nó được định nghĩa như sau : Chính trị chủ yếu là thứ mang đặc trưng của tập thể, một số lượng cá nhân hoặc có nét đô thị. Theo cách nhìn nhận này, các nghiên cứu về chính trị hay khoa học chính trị được mở rộng ra tất cả các ngành của xã hội (2).
Trong tiếng Đức, nó được định nghĩa như sau : Chính trị có nghĩa là việc điều chỉnh các vấn đề của một quốc gia thông qua những quyết định có tính chất ràng buộc. Nói chung thì chính trị có thể được hiểu là mọi việc gây ảnh hưởng, điều chỉnh hay việc hiện thực hóa các yêu cầu, đòi hỏi hay là mục tiêu trong những lĩnh vực cá nhân hoặc là của cả cộng đồng. Khái niệm này luôn luôn không liên quan đến cái riêng tư mà liên quan đến toàn thể con người trong xã hội và nhà nước nói chung. Chính trị cũng có thể được miêu tả như là cuộc sống tập thể (cộng đồng) của người dân, những hành động và nỗ lực để nhằm lãnh đạo quốc gia cả ở bên trong lẫn bên ngoài (cả về đối nội lẫn đối ngoại) hoặc cũng như là việc làm xuất hiện ý chí và việc tìm ra một quyết định về những vấn đề của một quốc gia. Xét theo nét nghĩa hẹp thì chính trị có nghĩa là cấu trúc (Polity), những quá trình (Politics), chính sách (Policy) để nhằm điều chỉnh những đơn vị chính trị, thường thì các nhà nước theo như mối quan hệ của chúng với nhau. Trong bộ môn khoa học chính trị thì ý kiến kiên quyết rằng chính trị định nghĩa toàn bộ các mối quan hệ có mục tiêu hướng tới việc phân chia các giá trị vật chất như tiền hoặc là không mang tính vật chất như là dân chủ một cách mang tính chất quyết định. Những hành động chính trị có đặc điểm chính được miêu tả qua điểm chính yếu sau đây. Hành động xã hội được điều chỉnh sao cho phù hợp với những quyết định và các cơ chế điều khiển mang tính chất ràng buộc và điều chỉnh cuộc sông chung của mọi người (3).
Thoạt nhiên, tôi đã từng nghĩ rằng đó là một từ rất cổ. Nhưng không, hóa ra đó lại là một từ rất mới mẻ trong kho tàng từ vựng của người Việt Nam mình.
Trước khi Thực dân Pháp thiết lập nền cai trị, thì trong các kho tàng, sách vở của ta chưa hề có đề cập đến từ chính trị. Chỉ từ sau khi Pháp đến, chúng ta mới có một cái nhìn rõ ràng về từ "chính trị". Nước ta trước kia sử dụng chữ Nho và chữ Nôm, nên nhiều văn bản có từ ngữ chỉ các vùng đất Châu Âu, hay các khái niệm của phương Tây đều được thể hiện bằng chữ Hán (chữ Nho) trước rồi từ đó mới chuyển sang chữ Việt (chữ Nôm, nay là chữ quốc ngữ). Ví dụ tên các nước, các vùng như Moscow là Mạc Tư Khoa, America là Á Mỹ Lợi Kiên, Napoléon là Nã Phá Luân, Philippines là Phi Luật Tân…). Tương tự như vậy, từ "chính Trị" cũng được đưa vào tiếng Việt theo lối như vậy.
Chính Trị -政治- Zheng Zhi, gồm 2 chữ "Chính" và chữ "Trị". Về chữ Chính kia, theo từ điển giải nghĩa, có 2 nghĩa chính : Pháp Lệnh, sách lược cai trị ; nghĩa thứ hai là việc chung của một nhà nước. Còn chữ Trị có nghĩa là cai trị.
Dù với bất kỳ ngôn ngữ nào, kiểu dịch nào, khái niệm "Chính Trị" cũng đều có một điểm chung, đó là chỉ công việc chung của một nhóm người, một cộng đồng, hay một quốc gia. Đó là điều không thể chối cãi về mặt ngữ nghĩa của khái niệm.
Có vẻ như ở Việt Nam, khái niệm đơn giản này đã bị người ta hiểu theo nghĩa xấu. Nhắc đến hai từ Chính Trị, người ta nghĩ ngay đến việc tranh giành quyền lực bằng các thủ đoạn, mưu mô… của ông này bà nọ, của giới quan chức, rồi gán ghép cho nó đủ các ẩn nghĩa nguy hiểm như "Lật đổ, Bạo loạn…". Đây là cách hiểu hay cách diễn giải sai lầm ! Chính bởi cách hiểu đó nên người ta có bệnh sợ chính trị, không quan tâm chính trị. Nếu bây giờ thay từ Chính trị bằng từ "Công việc chung của đất nước" chắc hẳn chả ai còn lẩn tránh một khái niệm đơn giản như tránh một thứ gì đó xấu xa. Chỉ có kẻ không bình thường mới không quan tâm và thờ ơ với "Công việc chung của cộng đồng, của đất nước".
Lịch sử của Việt Nam gắn liền với việc bị người Trung Hoa xâm lược và truyền bá tư tưởng Nho giáo. Nho giáo đã ăn sâu vào gốc rễ dân tộc chúng ta 2000 năm. Trong Nho giáo, tất cả đất đai, tài sản, con người… đều là vật sở hữu của vua chúa, quan lại. Con người không có quyền của một người công dân trong chế độ phong kiến bảo thủ, độc tài. Con người chỉ như con vật, như thứ đồ chơi, việc triều đại này lên thay triều đại khác cũng chỉ như một cuộc sang tên đổi chủ với một vùng đất.
Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi từ xưa đến nay dân ta thờ ơ, không quan tâm về chính trị. Vị thế của con người Việt Nam ta suốt 2000 năm nay như thứ đồ chơi trong túi của các triều đại phong kiến, độc tài, hay các thế lực quân phiệt. Người Trung Hoa cai trị người Việt hay người Việt cai trị người Việt thì cũng chỉ giản đơn là thay chủ, thay tên lực lượng chiếm đóng. Thực tế thì con người Việt Nam không có quyền tự do toàn vẹn, không quan tâm đến công việc chung của cộng đồng, đất nước, khi vị thế của họ không phải như một con người, tính mạng, cuộc sống của họ bị định đoạt bởi thế lực khác. Đó là một thứ di sản, một căn bệnh quái ác cần phải thoát và xóa bỏ ngay.
Chính trị kỳ thực rất đơn giản và dễ hiểu. Chính trị là công việc chung của cộng đồng, đất nước. Công việc chung của đất nước thì không thể vô đạo đức và dùng thuật lừa dối để thi hành. Chính trị là đạo đức ứng dụng trong công việc chung, vì vậy không thể gian trá. Chính trị mà không có sự đúng đắn, trong sáng, không có đạo đức, thì chỉ là trò nhảm nhí.
Công việc chung, ắt không thể vô đạo đức và gian trá ! Công việc chung mà vô đạo đức, thì cộng đồng và xã hội sẽ trở nên bất lương, gian ác. Gian ác và bất lương là cách nhanh nhất làm diệt vong bất cứ một dân tộc nào.
Việt Thủy
(23/12/2017)
Chú thích :
(1) Politics is the process of making decisions that apply to members of a group, it refers to achieving and exercising positions of governance — organized control over a human community, particularly a state
(2) La politique est donc principalement ce qui a trait au collectif, à une somme d'individualités et/ou de multiplicités. C'est dans cette optique que les études politiques ou la science politique s'élargissent à tous les domaines d'une société (économie, droit, sociologie, etc.)
(3) Politik bezeichnet die Regelung der Angelegenheiten eines Gemeinwesens durch verbindliche Entscheidungen. Sehr allgemein kann jegliche Einflussnahme, Gestaltung und Durchsetzung von Forderungen und Zielen in privaten oder öffentlichen Bereichen als Politik bezeichnet werden. Zumeist bezieht sich der Begriff nicht auf das Private, sondern auf die Öffentlichkeit und das Gemeinwesen im Ganzen. Dann können das öffentliche Leben der Bürger, Handlungen und Bestrebungen zur Führung des Gemeinwesens nach innen und außen sowie Willensbildung und Entscheidungsfindung über Angelegenheiten des Gemeinwesens als Politik beschrieben werden. Im engeren Sinne bezeichnet Politik die Strukturen (Polity), Prozesse (Politics) und Inhalte (Policy) zur Steuerung politischer Einheiten, zumeist Staaten, nach innen und ihrer Beziehungen zueinander. In der Politikwissenschaft hat sich allgemein die Überzeugung durchgesetzt, dass Politik "die Gesamtheit aller Interaktionen definiert, die auf die autoritative [durch eine anerkannte Gewalt allgemein verbindliche] Verteilung von Werten [materiellen wie Geld oder nicht-materiellen wie Demokratie] abzielen". Politisches Handeln kann durch folgenden Merksatz charakterisiert werden : "Soziales Handeln, das auf Entscheidungen und Steuerungsmechanismen ausgerichtet ist, die allgemein verbindlich sind und das Zusammenleben von Menschen regeln".