Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/12/2017

Hãy quan tâm đến chính trị vì chính trị kỳ thực rất giản dị

Việt Thủy

Trước hết, tôi xin cố gắng cắt nghĩa từ "chính trị". Vì đây là một từ rất hay bị hiểu sai trong tư tưởng và suy nghĩ của người Việt.

ct1

Một buổi sinh hoạt chính trị dưới thời La Mã, dựa theo khuôn mẫu Hy Lạp

Chính trị, hay trong các thứ tiếng khác là (politics, politik, politique, 政治…) là một từ có nghĩa gốc từ từ Politika trong tiếng Hy Lạp cổ. Từ này nghĩa gốc có nghĩa là "công việc chung của thành phố". Thời Hy Lạp cổ, mỗi thành phố được bao quanh và giới hạn bởi thành lũy, thường có diện tích rất lớn, trong thành phố có đủ các cơ quan, cơ sở… Một thành phố thường có cơ cấu tổ chức như một nhà nước, vì vậy, hiểu theo một cách đơn giản, chính trị có nghĩa là "công việc chung".

Trong tiếng Anh, từ Politics được định nghĩa như sau : Chính trị là tiến trình của việc đưa ra quyết định áp dụng cho các thành viên trong nhóm, tổ chức, nó đề cập việc đạt và thi hành quan điểm/vị trí của việc cai trị - tổ chức kiểm soát trên một cộng đồng, đặc biệt là một quốc gia (1).

Trong tiếng Pháp, nó được định nghĩa như sau : Chính trị chủ yếu là thứ mang đặc trưng của tập thể, một số lượng cá nhân hoặc có nét đô thị. Theo cách nhìn nhận này, các nghiên cứu về chính trị hay khoa học chính trị được mở rộng ra tất cả các ngành của xã hội (2).

Trong tiếng Đức, nó được định nghĩa như sau : Chính trị có nghĩa là việc điều chỉnh các vấn đề của một quốc gia thông qua những quyết định có tính chất ràng buộc. Nói chung thì chính trị có thể được hiểu là mọi việc gây ảnh hưởng, điều chỉnh hay việc hiện thực hóa các yêu cầu, đòi hỏi hay là mục tiêu trong những lĩnh vực cá nhân hoặc là của cả cộng đồng. Khái niệm này luôn luôn không liên quan đến cái riêng tư mà liên quan đến toàn thể con người trong xã hội và nhà nước nói chung. Chính trị cũng có thể được miêu tả như là cuộc sống tập thể (cộng đồng) của người dân, những hành động và nỗ lực để nhằm lãnh đạo quốc gia cả ở bên trong lẫn bên ngoài (cả về đối nội lẫn đối ngoại) hoặc cũng như là việc làm xuất hiện ý chí và việc tìm ra một quyết định về những vấn đề của một quốc gia. Xét theo nét nghĩa hẹp thì chính trị có nghĩa là cấu trúc (Polity), những quá trình (Politics), chính sách (Policy) để nhằm điều chỉnh những đơn vị chính trị, thường thì các nhà nước theo như mối quan hệ của chúng với nhau. Trong bộ môn khoa học chính trị thì ý kiến kiên quyết rằng chính trị định nghĩa toàn bộ các mối quan hệ có mục tiêu hướng tới việc phân chia các giá trị vật chất như tiền hoặc là không mang tính vật chất như là dân chủ một cách mang tính chất quyết định. Những hành động chính trị có đặc điểm chính được miêu tả qua điểm chính yếu sau đây. Hành động xã hội được điều chỉnh sao cho phù hợp với những quyết định và các cơ chế điều khiển mang tính chất ràng buộc và điều chỉnh cuộc sông chung của mọi người (3).

Thoạt nhiên, tôi đã từng nghĩ rằng đó là một từ rất cổ. Nhưng không, hóa ra đó lại là một từ rất mới mẻ trong kho tàng từ vựng của người Việt Nam mình.

Trước khi Thực dân Pháp thiết lập nền cai trị, thì trong các kho tàng, sách vở của ta chưa hề có đề cập đến từ chính trị. Chỉ từ sau khi Pháp đến, chúng ta mới có một cái nhìn rõ ràng về từ "chính trị". Nước ta trước kia sử dụng chữ Nho và chữ Nôm, nên nhiều văn bản có từ ngữ chỉ các vùng đất Châu Âu, hay các khái niệm của phương Tây đều được thể hiện bằng chữ Hán (chữ Nho) trước rồi từ đó mới chuyển sang chữ Việt (chữ Nôm, nay là chữ quốc ngữ). Ví dụ tên các nước, các vùng như Moscow là Mạc Tư Khoa, America là Á Mỹ Lợi Kiên, Napoléon là Nã Phá Luân, Philippines là Phi Luật Tân…). Tương tự như vậy, từ "chính Trị" cũng được đưa vào tiếng Việt theo lối như vậy.

Chính Trị -政治- Zheng Zhi, gồm 2 chữ "Chính" và chữ "Trị". Về chữ Chính kia, theo từ điển giải nghĩa, có 2 nghĩa chính : Pháp Lệnh, sách lược cai trị ; nghĩa thứ hai là việc chung của một nhà nước. Còn chữ Trị có nghĩa là cai trị.

Dù với bất kỳ ngôn ngữ nào, kiểu dịch nào, khái niệm "Chính Trị" cũng đều có một điểm chung, đó là chỉ công việc chung của một nhóm người, một cộng đồng, hay một quốc gia. Đó là điều không thể chối cãi về mặt ngữ nghĩa của khái niệm.

Có vẻ như ở Việt Nam, khái niệm đơn giản này đã bị người ta hiểu theo nghĩa xấu. Nhắc đến hai từ Chính Trị, người ta nghĩ ngay đến việc tranh giành quyền lực bằng các thủ đoạn, mưu mô… của ông này bà nọ, của giới quan chức, rồi gán ghép cho nó đủ các ẩn nghĩa nguy hiểm như "Lật đổ, Bạo loạn…". Đây là cách hiểu hay cách diễn giải sai lầm ! Chính bởi cách hiểu đó nên người ta có bệnh sợ chính trị, không quan tâm chính trị. Nếu bây giờ thay từ Chính trị bằng từ "Công việc chung của đất nước" chắc hẳn chả ai còn lẩn tránh một khái niệm đơn giản như tránh một thứ gì đó xấu xa. Chỉ có kẻ không bình thường mới không quan tâm và thờ ơ với "Công việc chung của cộng đồng, của đất nước".

Lịch sử của Việt Nam gắn liền với việc bị người Trung Hoa xâm lược và truyền bá tư tưởng Nho giáo. Nho giáo đã ăn sâu vào gốc rễ dân tộc chúng ta 2000 năm. Trong Nho giáo, tất cả đất đai, tài sản, con người… đều là vật sở hữu của vua chúa, quan lại. Con người không có quyền của một người công dân trong chế độ phong kiến bảo thủ, độc tài. Con người chỉ như con vật, như thứ đồ chơi, việc triều đại này lên thay triều đại khác cũng chỉ như một cuộc sang tên đổi chủ với một vùng đất.

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi từ xưa đến nay dân ta thờ ơ, không quan tâm về chính trị. Vị thế của con người Việt Nam ta suốt 2000 năm nay như thứ đồ chơi trong túi của các triều đại phong kiến, độc tài, hay các thế lực quân phiệt. Người Trung Hoa cai trị người Việt hay người Việt cai trị người Việt thì cũng chỉ giản đơn là thay chủ, thay tên lực lượng chiếm đóng. Thực tế thì con người Việt Nam không có quyền tự do toàn vẹn, không quan tâm đến công việc chung của cộng đồng, đất nước, khi vị thế của họ không phải như một con người, tính mạng, cuộc sống của họ bị định đoạt bởi thế lực khác. Đó là một thứ di sản, một căn bệnh quái ác cần phải thoát và xóa bỏ ngay.

Chính trị kỳ thực rất đơn giản và dễ hiểu. Chính trị là công việc chung của cộng đồng, đất nước. Công việc chung của đất nước thì không thể vô đạo đức và dùng thuật lừa dối để thi hành. Chính trị là đạo đức ứng dụng trong công việc chung, vì vậy không thể gian trá. Chính trị mà không có sự đúng đắn, trong sáng, không có đạo đức, thì chỉ là trò nhảm nhí.

Công việc chung, ắt không thể vô đạo đức và gian trá ! Công việc chung mà vô đạo đức, thì cộng đồng và xã hội sẽ trở nên bất lương, gian ác. Gian ác và bất lương là cách nhanh nhất làm diệt vong bất cứ một dân tộc nào.

Việt Thủy

(23/12/2017)

Chú thích :

(1) Politics is the process of making decisions that apply to members of a group, it refers to achieving and exercising positions of governance — organized control over a human community, particularly a state

(2) La politique est donc principalement ce qui a trait au collectif, à une somme d'individualités et/ou de multiplicités. C'est dans cette optique que les études politiques ou la science politique s'élargissent à tous les domaines d'une société (économie, droit, sociologie, etc.)

(3) Politik bezeichnet die Regelung der Angelegenheiten eines Gemeinwesens durch verbindliche Entscheidungen. Sehr allgemein kann jegliche Einflussnahme, Gestaltung und Durchsetzung von Forderungen und Zielen in privaten oder öffentlichen Bereichen als Politik bezeichnet werden. Zumeist bezieht sich der Begriff nicht auf das Private, sondern auf die Öffentlichkeit und das Gemeinwesen im Ganzen. Dann können das öffentliche Leben der Bürger, Handlungen und Bestrebungen zur Führung des Gemeinwesens nach innen und außen sowie Willensbildung und Entscheidungsfindung über Angelegenheiten des Gemeinwesens als Politik beschrieben werden. Im engeren Sinne bezeichnet Politik die Strukturen (Polity), Prozesse (Politics) und Inhalte (Policy) zur Steuerung politischer Einheiten, zumeist Staaten, nach innen und ihrer Beziehungen zueinander. In der Politikwissenschaft hat sich allgemein die Überzeugung durchgesetzt, dass Politik "die Gesamtheit aller Interaktionen definiert, die auf die autoritative [durch eine anerkannte Gewalt allgemein verbindliche] Verteilung von Werten [materiellen wie Geld oder nicht-materiellen wie Demokratie] abzielen". Politisches Handeln kann durch folgenden Merksatz charakterisiert werden : "Soziales Handeln, das auf Entscheidungen und Steuerungsmechanismen ausgerichtet ist, die allgemein verbindlich sind und das Zusammenleben von Menschen regeln".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Thủy
Read 1271 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)