Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 23 juin 2019 22:27

Từ Hong Kong đến Việt Nam

Dư luận Việt Nam mấy ngày qua xôn xao về những cuộc biểu tình ở Hong Kong chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc. Cũng như phong trào Dù vàng của Hong Kong năm 2014, các cuộc biểu tình khổng lồ vừa qua có lúc lên đến 2 triệu người tham gia, tức 1/3 dân số Hong Kong (7 triệu) đã gây một tiếng vang lớn trên thế giới và một phần nào đó ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận Việt Nam hiện nay.

no1

Dư luận Việt Nam mấy ngày qua xôn xao về những cuộc biểu tình ở Hong Kong chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc.

Hơn 2 triệu người, đủ mọi thành phần dân chúng, từ sinh viên học sinh đến các minh tinh điện ảnh cùng giới doanh nhân Hong Kong đã xuống đường biểu tình chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh lên mảnh đất của mình. Đã có những giọt nước mắt, máu đã đổ dù không nhiều. Đàn áp có, đáp trả có, tình người có và vô số những câu chuyện cảm động đến từ những con người bất khuất. Có những bạn trẻ mới chỉ 19, 20 tuổi, có những bà mẹ già, những em nhỏ, những phụ nữ, thậm chí những người tàn tật cũng đã xuống đường. Nhóm lãnh đạo của phong trào như Hoàng Chi Phong, Châu Đình... đang là những khuôn mặt trẻ đại diện cho phong trào phản kháng này.

Vậy là mùa xuân đã nở hoa và sẽ còn bừng sáng lên nữa trên đất Hong Kong. Những người trẻ đã thực sự nhập cuộc và làm chủ tình thế. Cả xã hội cùng nắm tay nhau đứng lên. Một niềm hy vọng mới từ Hong Kong đã và đang lan tỏa đến quê hương của chúng ta – Việt Nam.

Vậy chúng ta thấy và liên hệ được gì từ Hong Kong ?

Điều đầu tiên có thể thấy được là Bắc Kinh đã thất bại một cách ê chề tại Hong Kong, một mảnh đất hoàn toàn của họ. Trung Quốc là một đế quốc hùng mạnh với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Trên trường quốc tế Trung Quốc thường lớn tiếng và không sợ ai, kể cả Mỹ. Thế nhưng ở Hong Kong, họ đã phải nhượng bộ và sẽ thất bại. Hong Kong có dự luật dẫn độ với nhiều nước. Hiện tại Hong Kong đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước như Canada, Mỹ, Anh, Úc, New Zealand. Trong khu vực Đông Nam Á, Hong Kong có hiệp định tương trợ tư pháp với Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines (không có Trung Quốc và Việt Nam). Dự luật dẫn độ về Trung Quốc, về lý hoàn toàn đúng vì chỉ áp dụng với những tội phạm hình sự nghiêm trọng (án trên 7 năm tù). Đa số người dân Hong Kong sẽ không bị ảnh hưởng bởi dự luật này tuy nhiên họ sợ Trung Quốc vì Trung Quốc là quốc gia độc tài, không có tự do và không tôn trọng các quyền con người tối thiểu. Sự kiện Thiên An Môn và việc Bắc Kinh tăng cường bắt bớ các quan chức Trung Quốc đào tẩu ra nước ngoài dẫn về trị tội đã làm người dân Hong Kong lo lắng và bất an.

Bắc Kinh đã nhượng bộ trước người dân Hong Kong vì nhiều lý do, thứ nhất Hong Kong là một trung tâm thương mại tài chính lớn trong khu vực (GDP lớn hơn 2 lần so với Việt Nam), nếu tình hình xấu đi thì vốn tư bản sẽ rút khỏi Hong Kong và đó là điều Trung Quốc không bao giờ mong muốn. Một lý do nữa là tinh thần dân chủ và tự do đã ăn sâu vào máu người Hong Kong trong gần một trăm năm sống với Anh quốc. Các thế hệ đi trước đã truyền lửa và tiếp sức cho tuổi trẻ Hong Kong đứng dậy làm chủ cuộc đời và bảo vệ Hong Kong trước một Trung Quốc gian manh và độc tài. Ngoài ra còn một lý do tưởng như đơn giản nhưng rất nhiều trí thức Việt Nam chưa nhận ra. Đó là tổ chức ! Thẳng thắn mà nói, phong trào đấu tranh ở Hong Kong đã đạt được một tầm vóc mới khi dùng chiến thuật "ẩn lãnh đạo". Họ đã có một sự đồng thuận lớn và rõ ràng về mục tiêu, phương pháp và sự phân công công việc một cách nhịp nhàng, thống nhất. Nhìn vào các cuộc biểu tình chúng ta có thể khẳng định phong trào chắc chắn có sự chuẩn bị và phân công giữa các tổ chức trong liên minh đối lập mà nòng cốt chính là các tổ chức chính trị. Các tổ chức "xã hội dân sự" đã tham gia và kết nối với các tổ chức chính trị một cách hoàn hảo. Thử tưởng tượng nếu không có những hạt nhân và sự phối hợp tuyệt vời đó, thì chuyện gì sẽ xảy ra ở Hong Kong khi Bắc Kinh sử dụng biện pháp chia rẽ và đàn áp ?

Trong đấu tranh, nhất là đấu tranh chính trị thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tổ chức. Quần chúng chỉ xuống đường ở phút thứ 89 khi mọi thứ đã được hoạch định rõ ràng. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau. Các tổ chức chính trị có thể chỉ là một thiểu số nhỏ, nhưng khi thiểu số nhỏ này bằng trí tuệ và sự đứng đắn đã thuyết phục được đa số trí thức và các tổ chức xã hội dân sự thì họ có thể dẫn dắt và động viên được dư luận và quần chúng. Quần chúng có thể căm phẫn chế độ độc tài, có thể ủng hộ phong trào đấu tranh nhưng đặc tính cơ bản của quần chúng là rất thực dụng, họ sẽ chỉ xuống đường vào phút cuối khi biết thắng lợi là điều chắc chắn. Vậy nên, thuyết phục quần chúng và sau đó là dẫn đường cho quần chúng luôn là công việc và trách nhiệm của giới trí thức thông qua các tổ chức chính trị.

Điều cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ đó là trong thế kỷ 21, các chế độ độc tài đang bị cô lập và lung lay. Trung Quốc đã nhận những đòn đau từ cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng đe dọa lớn nhất đến từ chính sự thối nát, mục rữa trong lòng chế độ cộng sản của họ. Kinh nghiệm cho thấy là việc chuyển hóa chế độ từ độc tài tập thể (đảng trị) sang độc tài cá nhân là giai đoạn cuối cùng của sự đào thải trong các chế độ độc tài.

Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đang đi vào vết xe đổ đó. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc có thể sắp diễn ra và kéo dài trong một thời gian nhất định vì đặc tính cơ bản của Trung Quốc là một đế quốc (hay "thiên hạ") chứ không phải một quốc gia. Sự sụp đổ của Trung Quốc sẽ là một chuỗi dây chuyền kéo dài từ trung ương đến các địa phương cho nên sẽ cần thời gian. Nhưng đó không phải là kịch bản của Việt Nam. Quy mô của Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều trên mọi phương diện và vì thế thời gian sụp đổ sẽ nhanh hơn và bất ngờ hơn Trung Quốc.

Xã hội Việt Nam đang dần dần thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng trong tất cả các vấn đề : Giáo dục, y tế, đạo đức băng hoại, môi trường ô nhiễm, nạn tham nhũng cùng với sự hung hăng thô bạo của chính quyền cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản đang chống chọi một cách tuyệt vọng như một con thú sắp vào đường cùng. Đấu đá phe cánh thể hiện ngay trong chiến dịch chống tham nhũng có chọn lọc của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay việc báo chí ngày càng được viết những bài mà nội dung tiết lộ những thông tin có nội dung như "xa rời với đường lối của đảng"... Cùng với đó là sự phẫn nộ của người dân khi công khai thách thức chính quyền bằng những việc như chống đối lại cảnh sát,..Tất cả cho thấy khoảng cách giữa chính quyền và người dân càng ngày rất xa. Xã hội Việt Nam đang tích tụ đủ các yếu tố cho một cuộc cách mạng. Có thể nói rằng một cuộc chuyển hóa lớn sắp đến.

Đảng cộng sản Việt Nam là một ‘đứa con tinh thần’ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Và đã là "con" thì đặc tính giống hệt như mẫu quốc. Họ chỉ mạnh và đang mạnh bởi vì trước mắt họ không hề có một đối thủ chính trị nào. Họ đang ở một bảng đấu mà trong đó danh sách thi đấu nghiễm nhiên chỉ có đúng một tên của họ và vì thế họ đương nhiên được đứng lên bục số 1.

Vậy trí thức Việt Nam phải làm gì ?

Trước tiên trí thức Việt Nam cần phải hiểu rằng đây đang là thời điểm mà họ phải dấn thân. Cho một lần và tất cả. Đây là một cuộc chiến đấu rất lớn để thay đổi hoàn toàn vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Được trực tiếp chứng kiến và tham gia vào cuộc tranh đấu vĩ đại này là một vinh hạnh lớn lao trong đời người mà không phải ai cũng có. Họ cần phải hiểu điều đó. Nếu không tham gia ngay từ bây giờ thì sẽ không có cơ hội lần thứ hai. Hoặc là chúng ta sẽ vượt qua sóng gió, gây dựng lại quê hương với một tương lai hứa hẹn cho thế hệ con cháu chúng ta với một cuộc sống hạnh phúc và đáng sống ở đây, ngay trên đất nước Việt Nam. Hoặc là chúng ta chấp nhận hèn nhát sống như bây giờ cho hết cuộc đời để rồi tương lai của con cháu phó mặc cho "trời" và đất nước Việt Nam sẽ đi đến con đường giải thể, con cháu chúng ta sẽ trở thành những kẻ vong quốc và cái tên Việt Nam sẽ dần bị lãng quên trên thế giới.

Trí thức và những người Việt Nam còn ưu tư đến vận mệnh đất nước nên và phải hiểu điều đó càng sớm càng tốt. Nên hiểu vì hiểu thì mới có thể thật sự dấn thân tranh đấu và phải hiểu vì đó là tình cảm và trách nhiệm của một trí thức với chính quê hương của mình.

Hong Kong có thể làm được, tại sao chúng ta không thể làm như họ ? Không, chúng ta sẽ làm lớn hơn cả họ. Chúng ta sẽ đưa quê hương của chúng ta thoát khỏi vực thẳm này, để ít nhất con cháu chúng ta và tương lai của chính chúng ta xứng đáng với hai tiếng gọi thân thương "Việt Nam" !

Việt Thủy

(24/06/2019)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm
mardi, 07 mai 2019 08:01

Vận hội và trách nhiệm

Khi tôi viết những dòng này, ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều chuyện mà chúng ta có thể gọi là "dấu hiệu" sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam.

Thật ra nếu tinh ý và có sự quan sát kỹ lưỡng thì mọi người, nhất là các trí thức đều có thể thấy những dấu hiệu này đã bắt đầu từ cách đây khoảng vài năm trước, khi Đại hội 12 kết thúc với sự tàn cuộc của phe cánh ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tiếp theo đó là chiến dịch đốt lò của "cụ tổng" Trọng và sự ra đi của rất nhiều quan chức. Một cuộc thay máu diễn ra làm suy kiệt, vắt cạn sức khỏe của đảng cộng sản.

vanhoi1

Đại hội 12 kết thúc với sự tàn cuộc của phe cánh ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sự phân rã ngày càng mạnh. Tình trạng chia rẽ đang diễn ra một cách sâu sắc trong nội bộ đảng cộng sản. Báo chí cũng được dịp đánh phá các nhân vật, các ban ngành theo chỉ đạo của "những ông chủ" của họ. Một không khí nặng nề bao phủ lên đầu các quan chức từ cấp quận/huyện đổ lên trong nội bộ đảng : Lo lắng, phập phồng và bất an. Đó là những gì mà giới quan chức Việt Nam đang cảm nhận được hiện nay. Việc nhất thể hóa giữa khối đảng và khối nhà nước chỉ làm nghiêm trọng thêm vấn đề và sự bế tắc chứ không thể nào thỏa hiệp được với nhau giữa các phe cánh trong nội bộ đảng cộng sản. Ông Trọng là nhân vật được tất cả đặt hy vọng là có thể gánh được trọng trách đưa đảng cộng sản thoát hiểm.

Xã hội thì sao ? Trộm cướp như rươi, ma túy len lỏi khắp nơi… Sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức và giáo dục đã hủy hoại xã hội nặng nề. Hàng loạt vụ án ấu dâm, tấn công tình dục… được phanh phui. Dù không biết báo chí phanh phui những vụ việc đó với động cơ gì, để đánh ai hay đơn thuần là nói lên sự thật, nhưng dù sao những điều đó chỉ càng làm chứng tỏ một điều dưới chế độ cộng sản, xã hội này đã tan nát. Thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh thầy giáo, cha mẹ con cái đánh giết nhau, vợ chồng lục đục, những kẻ đầu bạc thì giở trò xằng bậy với trẻ con… Muôn sự đều đổ nát. Vật giá như xăng dầu, điện nước đều tăng mạnh. Mọi thứ đều tăng, trong khi tiền tệ mất giá. Chính tại thời điểm này, đảng cộng sản đã động đến những nhu cầu sinh tồn thiết yếu nhất của người dân.

Vừa qua lại có một sự biến khác. Ông tổng-chủ Trọng có vấn đề và gặp nguy về sức khỏe, phải nhập viện. Tang lễ ông Lê Đức Anh cũng không thấy mặt ông trưởng ban tang lễ. Ông Trọng năm nay đã ngoài 70, cái tuổi "thất thập cổ lai hy", tuổi mà khi sự sống và sức khỏe con người suy giảm, đầu óc không còn minh mẫn nữa. Nhưng ông vẫn phải gánh vác một trách nhiệm quá lớn trong đảng của ông ta. Ông còn phải điều hành một lúc văn phòng trung ương đảng và văn phòng chủ tịch nước. Đó là một công sức quá sức với ông ta.

Mệt mỏi và rệu rã hơn nữa khi ông Trọng có lẽ là nhân sự lãnh đạo cuối cùng của đảng cộng sản, vì sau ông ta không có ai có đủ lớp áo "đạo đức" như ông để có thể gánh vác trọng trách "còn đảng còn mình, tiến lên chủ nghĩa xã hội" nữa. Một ông Trọng "trong sạch" (1) không thể đốt hết được những "thanh củi đen đúa" đầy rẫy trong đảng. Chưa kể, việc đốt lò đó tạo ra cho ông Trọng vô số kẻ thù. Tóm lại, ông Trọng đang nguy hiểm và chính đảng cộng sản cũng đang gặp nguy hiểm mà không biết mình gặp nguy. Ông Trọng gặp nguy vì ông ta đang ngồi trên lưng hổ. Hổ là quyền lực, mà ông Trọng đã leo lên đó tức là vào thế tiến thoái nưỡng nan.

Nhưng đảng cộng sản còn gặp nguy hiểm hơn cả ông Trọng vì tất cả mọi hy vọng của đảng đều được đặt lên vai ông già ngoài 70 tuổi. Đó là một ông già tóc bạc đã trắng đầu, với sức khỏe suy yếu và ngoài việc chỉnh đốn đảng còn phải đối mặt với biết bao nhiêu "sứ quân" trong đảng. Ông Trọng có thể thắng được các phe cánh khác, thắng được những cơn đột quỵ nhỏ hay những cơn "trái gió trở trời" không đáng kể, nhưng ông ta không thể thắng được vòng tuần hoàn "sinh lão bệnh tử" của con người, khi mà chính ông đang ở tuổi gần đất xa trời. Giả dụ không may nếu giờ ông không thể chống được một cơn đột quỵ nào đó vậy thì đảng cộng sản sẽ ra sao ? Hỗn loạn là điều chắc chắn. Và xã hội Việt Nam sẽ nhiễu nhương và hỗn loạn theo họ. Đó là cái kết cục tồi tệ nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy.

vanhoi2

Ông Trọng năm nay đã ngoài 70, cái tuổi "thất thập cổ lai hy", tuổi mà khi sự sống và sức khỏe con người suy giảm, đầu óc không còn minh mẫn nữa.

Mọi điều tồi tệ đều là khởi đầu của một tương lai khó đoán trước. Hứa hẹn có, thách thức có, rủi ro có. Tất cả đều có thể xảy ra. Chúng ta không sợ đảng cộng sản không sụp đổ. Chúng ta chỉ sợ một ngày xấu trời nào đó ông Trọng chết, và đùng một lúc cái đảng này cũng gục xuống cùng với ông ta, khi mà những người đấu tranh như chúng ta vẫn chưa có tổ chức mạnh và một bộ máy nhân lực để có thể chống đỡ và làm giảm thiểu những thiệt hại nghiêm trọng do sự sụp đổ đó gây ra. Đó mới là điều đáng lo lắng và quan tâm nhất đối với người Việt Nam trong lúc này chứ không phải việc ông Trọng khỏe hay ốm hoặc ai sẽ thay thế ông ta…

Vận hội đã đến và đang ngày càng mạnh mẽ hơn nữa nhưng nếu chúng ta vô tâm thì sẽ bỏ lỡ vận hội.

Những trí thức, những người có tấm lòng và ưu tư với đất nước, xin hãy động lòng, hãy nhập cuộc ngay bây giờ. Tương lai cần các bạn, đất nước cần các bạn, những con người bé nhỏ với trái tim to lớn dám đương đầu gánh vác vận mệnh đất nước, như là những sức lực cuối cùng còn lại của một cơ thể đã rệu rã. Đây là một vinh dự, là một cơ hội không phải ai cũng có được trong đời. Và cuộc chiến này trước đây chưa từng có, và sau này cũng chưa chắc có, vì đây là cuộc chiến đấu lớn nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước thật sự. Đó là cuộc chiến đấu mang lại ánh sáng tự do và phồn vinh cho đất nước.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai luôn muốn đóng góp sức lực cho phong trào đấu tranh dân chủ vì một tương lai tươi sáng của đất nước. Chúng tôi sẽ và luôn đồng hành cùng các bạn, những người còn quan tâm đến tương lai dân tộc và sự trường tồn của đất Việt !

Việt Thủy

(07/05/2019)

Published in Quan điểm

Năm nay đã là năm 2019. Vậy là chế độ cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam được 44 năm. Con số đó cũng sắp sửa ngót nghét nửa thế kỷ, một khoảng thời gian mà chúng ta có thể coi là khá dài. 44 năm quản trị đất nước, đảng cộng sản đã chứng tỏ họ chỉ là một tổ chức khủng bố, họ đã thất bại trên mọi phương diện quản trị đất nước. Tuy nhiên xem ra, họ thất bại nhưng không hẳn là vì ngu dốt. Cay đắng thay, họ vô học, nhưng họ có vẻ đã hiểu được một điều mà đa số người Việt Nam chúng ta còn khá mù mờ.

noilong2

Nới lỏng tự do (tư tưởng) để cho kinh tế phát triển. Ảnh minh họa

Điều mà tôi nói sau đây, rất quan trọng, quan trọng đến mức chính nó đã làm cho đảng cộng sản của Trung Quốc, cũng như Việt Nam "thoát hiểm" trong giai đoạn thập niên 80 khi sự khủng hoảng và thất bại của chủ nghĩa cộng sản dần hé lộ và sụp đổ. Đó chính là : Nới lỏng tự do để cho kinh tế phát triển. Trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn nội dung và chủ yếu nói về Việt Nam chúng ta.

Nếu để so sánh xem tư tưởng tự do và độc đoán, cái nào có lợi hơn cho sự phát triển, thì ta phải so sánh một quốc gia trước và sau khi có tự do.

Thế kỷ 20, một thế kỷ đẫm máu của nhân loại, lần đầu tiên khi mà con người xung đột với nhau, leo thang căng thẳng chỉ vì ý thức hệ. Chúng ta có thể tóm tắt và quy gọn chúng về hai chủ thuyết, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Hai công thức tổ chức xã hội khác nhau, cả hai đều tự cho mình là có thể đem đến phồn vinh cho người dân. Hai chủ thuyết này không chấp nhận sống chung với nhau mà đều sẵn sàng sử dụng bạo lực, chiến tranh để ngăn chặn, chiến thắng bên kia. Cuộc chiến này đã kết thúc khi mà các hệ phái của chủ nghĩa tập thể như Nazi, chủ nghĩa quốc gia Sôvanh (Chauvin), cộng sản… đã lần lượt thua cuộc trên hầu hết các mặt trận, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, cho đến mặt trận chủ yếu (trong một thời gian dài) gây bao đau thương đổ máu cho nhân loại, đó là quân sự.

Thập niên 80, đảng cộng sản bắt đầu có xu hướng "mở cửa" nền kinh tế một cách rón rén. Chính xác là từ năm 1986 với cái tên gọi là Đổi Mới. Quả nhiên, Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trông thấy. Sự tháo gỡ những kìm kẹp về kinh tế đã khiến nhiều ngành thủ công nghiệp nhỏ tăng khối lượng và phát triển. Nông thôn phát triển, sức sản xuất tăng vọt đi kèm với một mức tự do kinh tế lớn hơn trước khi được "mở cửa". Chỉ sau 44 năm, từ năm 1945 đến năm 1989, Việt Nam từ một nước bị nạn đói lớn với hàng triệu người chết, đã trở thành một nước xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. GDP tăng đáng kể. Đó là một thành tích về kinh tế mà đảng cộng sản đã làm được, kể từ khi họ mới chỉ nới tay cho đất nước này một chút ít tự do trong kinh tế. Sức mạnh của tự do thật lớn !

Còn khía cạnh chính trị, xã hội thì sao ? Việt Nam đã xích lại gần hơn với thế giới thay vì trước kia chỉ làm đồng môn của các nước xã hội chủ nghĩa cũ. Việt Nam đã cải thiện được mối quan hệ với Mỹ. Văn hóa xã hội, giáo dục đã thay đổi một cách mạnh mẽ, nhất là từ khi Internet xuất hiện. Kể từ đó, người Việt bắt đầu được tiếp xúc mạnh mẽ hơn với các thông tin, kiến thức đa chiều… trên thế giới. Chúng ta đã không còn bị cầm tù về tư tưởng trên chính đất nước của mình nữa. Người Việt đã biết đến sự sụp đổ của cộng sản đông Âu, sự lớn mạnh của Mỹ và phương Tây, biết đến các giá trị của dân chủ, tự do... Theo thời gian những kiến thức đó đã len lỏi vào xã hội Việt Nam. Trước kia, con người Việt bị bó hẹp và bế tắc hoàn toàn. Người không biết thì càng không có chỗ để xem, để tìm ; người muốn biết thì cũng gặp nhiều khó khăn như thế.

Giờ đây, một làn sóng tự do đang tràn đến. Một lớp người Việt Nam mới, trẻ, khao khát tìm hiểu mọi thứ…đang hình thành. Rất nhiều những niềm tin cũ, lý lẽ cũ, lịch sử cũ, kiến thức cũ… đã được phân tích, tìm hiểu và đào sâu cặn kẽ…kể từ khi xã hội Việt Nam có một sự tự do nhất định. Văn hóa khoa bảng kẻ sĩ của Khổng giáo, một hệ quy chiếu của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, đã bị xét lại. Ngay cả chủ nghĩa cộng sản, một thứ mà nó đã bị vứt bỏ ở chính nơi sinh ra nó, nhưng được tung hô thần thánh ở Việt Nam một thời gian dài, đã dần bị người Việt Nam coi như một thứ trò nhảm nhí, và đang tiến dần đến đà chống lại nó.

Một biến cố rất lớn, nhưng không ngờ và không chủ đích, đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình "mở cửa" để thoát hiểm đã vô tình đem theo những mở mang, thành tự về đủ mọi lĩnh vực cho người dân Việt Nam. Nếu so sánh một cách công bằng thì dưới triều đại của đảng cộng sản, mà chính xác là kể từ giai đoạn đổi mới, Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc hơn hẳn các triều đại khác trong lịch sử, nhưng quá chậm chạp và hủ lậu so với thế giới.

Nếu tự do, hay có thể gọi là dân chủ, dù chỉ ở một mức độ sơ khai nào đó, đã mang lại một sức mạnh thần kỳ như vậy rồi, vậy tại sao đảng cộng sản không để cho đất nước, xã hội này tự do hoàn toàn ?! Tại sao lại cứ do dự, để cho người dân hưởng thụ một thứ tự do nửa vời, tự do dân chủ giới hạn do đảng kiểm soát, lãnh đạo ? Đảng biết, tự do vừa thôi thì có lợi cho đảng và sau đó là cho người dân, nhưng nếu tự do hoàn toàn thì tuy rằng người dân càng được sung sướng và cởi trói nhưng có thể mất luôn đảng. Đảng cộng sản hiểu rõ điều đó. Nhưng đảng đã "trót mở cửa" cho tự do rồi, mà tự do và dân chủ là một làn sóng khai phóng con người, là ước mơ và khát vọng của mỗi người, nó chỉ lớn lên chứ không yếu đi và dù có đe dọa đảng nhưng cũng đã đến lúc không thể cản lại nó được nữa. Đó là một bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự rất khó cho một tổ chức không có lòng yêu nước, khủng bố, toàn trị như đảng cộng sản Việt Nam. Nếu họ yêu nước và biết đặt tương lai đất nước lên trên cùng, thì đó hiển nhiên là một bài toán quá đơn giản.

Chính sự tự do làm cho dân chúng khơi mở, tìm hiểu và biết về sự thật. Chính sự tự do đã làm đảng cộng sản phân rã vì đã đánh thức những con người yêu nước còn sót lại trong chế độ cộng sản. Chính sự "nới lỏng" tự do làm đảng cộng sản thoát hiểm, nhưng chính nó cũng sẽ làm đảng cộng sản sụp đổ. Cái sự quyến rũ của tự do lớn đến nỗi chính kẻ thù của nó là độc tài, toàn trị cũng phải tìm đến nó trong những lúc nguy nan.

Qua những phân tích trên, chúng ta đã thấy được sức mạnh của tự do, dân chủ (dù chỉ là một phần rất nhỏ), thấy được những điều kỳ diệu đã xảy ra khi chúng ta có tự do. Nhưng tôi thấy rằng, tâm thức của chúng ta vẫn chưa tự do hoàn toàn. Chúng ta vẫn là nô lệ của một thứ tâm lý truyền thống, đó là tâm lý Khổng Giáo. Chúng ta vẫn là những kẻ sĩ, chờ mệnh trời, chờ minh chủ. Chúng ta không dám dấn thân để ủng hộ một tổ chức hay một ý kiến đúng hoặc tự lập một tổ chức chính trị cho riêng mình. Chúng ta vẫn là "chúng ta" của một văn hóa cũ. Chỉ khi nào chúng ta có được sự tự do trong chính tư tưởng của mình, chúng ta mới thoát khỏi được ảnh hưởng của văn hóa Khổng Mạnh, chúng ta mới có thể khai phóng mọi nguồn lực để đi lên và góp phần thay đổi đất nước.

Năm nay đã là năm 2019. Những biểu hiện dâng trào của làn sóng tự do đang xuất hiện. Sự kiện xảy ra ở Venezuela, cũng như sự suy yếu dần và nguy ngập của các chế độ độc tài như Trung Quốc, Nga đang khiến dư luận cũng như người dân Việt Nam đứng trước một ngưỡng cửa lớn. Một cơ hội cũng như một thách thức lớn. Chúng ta nên thảo luận và suy nghĩ. Suy nghĩ về một viễn cảnh của Việt Nam trong tương lai. Đó là một câu hỏi thôi thúc cấp bách mà mỗi người yêu nước chúng ta phải tự trả lời cho chính mình !

Việt Thủy

(10/02/2019)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm

Sau cái chết của ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Phú Trọng nghiễm nhiên ngồi vào cái chế chủ tịch nước. Giờ đây ông Trọng chính thức trở thành một hoàng đế đúng nghĩa, khi mọi quyền lực của cái thể chế độc tài cộng sản này đều tập trung trong tay ông ta. Họ đã chuyển từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân.

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành một hoàng đế đúng nghĩa, khi mọi quyền lực đã chuyển từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân.

Việc nhất thể hóa như thế chứng tỏ điều gì ?

Thường thì ở bất kỳ một tập thể, tổ chức, hay hội nhóm nào đó, chỉ khi nào họ gặp một cuộc khủng hoảng – có thể do khách quan hay chủ quan, thì theo logic bình thường họ sẽ đưa quyền lực tập trung cho một cá nhân mạnh nhất, với hy vọng là người nắm quyền đó sẽ có thể đưa tổ chức ra khỏi cuộc khủng hoảng, tái thiết lại trật tự… hay tương tự thế, đại ý là thoát khỏi tình thế hiểm nghèo.

Trước kia, tình trạng này đã từng diễn ra ở chế độ cộng sản Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh vừa là chủ tịch đảng, cũng vừa là chủ tịch nước. Đó là thời kỳ mà chế độ cộng sản vừa được thiết lập ở Việt Nam, họ gặp rất nhiều khó khăn và những phiền phức đến từ bên trong và ngoài đảng. Hồ Chí Minh là một lựa chọn cần thiết để chấm dứt tình trạng đó. Và họ đã làm được.

Bây giờ, một tình trạng tương tự lại đến với họ. Vẫn là một cuộc khủng hoảng. Nhưng không phải do kẻ địch bên ngoài, không phải do nội chiến, mà cuộc khủng hoảng đến từ chính họ. Nội bộ chia rẽ, phân rã đến cùng cực. Rất nhiều vấn đề từ kinh tế, giáo dục, môi trường… đã chứng tỏ họ thất bại trong việc quản trị đất nước. Họ ngày càng lệ thuộc Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang sa lầy và thất thế trong cuộc chiến thương mại với nước Mỹ. Chưa kể sau sự cố vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, họ đã "ghi" thêm một điểm nhơ nhuốc trong con mắt các nước phương Tây.

Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại thật sự. Việc đưa ông Trọng lên nắm toàn quyền càng chứng tỏ nội bộ họ không thể nói chuyện và thỏa thuận với nhau được nữa. Chính Đảng cộng sản giờ đây là một thứ khủng hoảng và cũng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng.

Vậy, số phận của người Việt Nam chúng ta sẽ ra sao ? Đến lúc này, thẳng thắn mà nói, chính chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu.

Chúng ta cần bỏ ngay suy nghĩ rằng sẽ có ai đó, ví dụ như ông Trump chẳng hạn, đánh sập chế độ cộng sản Trung Quốc để từ đó gây "hiệu ứng domino" sang Việt Nam, và rồi ta có dân chủ. Dân chủ phải là một giá trị mà chúng ta tự giành lấy bằng chính sức của chúng ta chứ không thể được ai đó ban phát như một thứ đồ chơi. Nếu người Việt nào còn tâm thế như vậy thì trong thâm tâm của người đó vẫn chưa thực sự mong muốn có dân chủ, hoặc chưa thực sự hiểu rõ được tầm quan trọng của dân chủ.

Tôi không nhắc lại những bằng chứng hay ví dụ chứng tỏ tầm quan trọng của dân chủ lớn như thế nào nữa, vì nó đầy rẫy và mọi người có thể tìm kiếm thông tin trên Internet. Sự phồn vinh của các quốc gia phương Tây, của siêu cường Mỹ, hay của các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan,… đã là những ví dụ minh chứng rõ ràng nhất cho tầm quan trọng của dân chủ. Sự khủng hoảng cũng như nghèo đói của các chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ cộng sản Việt Nam trong giai đoạn 1989 – 1991, là câu trả lời chứng thực nhất rằng nơi đâu là cách tổ chức xã hội tốt nhất để hướng tới phồn vinh, thịnh vượng, và nơi đâu là con đường đưa dân tộc đến đau khổ, nghèo đói.

Quần chúng hay người dân có thể chưa hiểu về dân chủ. Nhưng những người có học hay những người được xã hội gọi là "trí thức" thì phải khác. Họ phải hiểu và nên hiểu. Trí thức là tầng lớp tinh anh nhất nên phải dẫn dắt quần chúng hành động. Vậy thì, vận mệnh đất nước ngay lúc này đang nằm trong tay những người có kiến thức, còn quan tâm hay ưu tư đến vận mạng đất nước… được gọi là "trí thức". Họ cần phải hiểu rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức. Đảng cộng sản có thể yếu kém và tệ hại nhưng họ đè đầu cưỡi cổ được chúng ta mấy chục năm cũng bởi vì họ có tổ chức, còn trí thức Việt Nam thì chia rẽ. Đó là lý do và nguyên nhân căn bản của vấn đề tổ chức.

Các trí thức, hãy mạnh dạn tham gia, thành lập, hay chí ít là ủng hộ cho một tổ chức chính trị, đấu tranh cho dân chủ nào đó để từ đó tạo ra một sức mạnh chính trị có tầm vóc, đối trọng thật sự với đảng cộng sản. Giả thử kể cả khi đảng cộng sản nhượng bộ, thì họ cũng muốn phải có một tổ chức hay liên minh nào đó xứng đáng để họ có thể đối thoại và thỏa hiệp. Đó chính là lý do vì sao tôi nhấn mạnh đấu tranh là phải có tổ chức.

Một vài người ra khỏi đảng, hay nhiều người ra khỏi đảng thì cũng chẳng thể làm đảng cộng sản suy yếu hay nhượng bộ. Nhưng nhiều người liên kết lại với nhau, đảng cộng sản chắc chắn sẽ phải nhượng bộ và thỏa hiệp với tổ chức chính trị có tầm vóc, nơi hội tụ những tinh hoa về tư tưởng và khả năng quản trị đất nước. Ta đúng, và họ sai. Ta đại diện cho tương lai đang đến, họ là quá khứ đau buồn phải qua đi. Chúng ta đang ngày càng được ủng hộ, dù chưa nhanh, chưa nhiều, nhưng ngày càng mạnh. Còn họ đang loay hoay hà hơi thổi ngạt trong tình trạng suy yếu tột cùng, chưa kể là sự phân ra và tình trạng sứ quân còn khiến chính họ như một khối ung nhọt nữa.

Thời cơ đang đến, và sẽ còn đến nhiều hơn nữa. Nhưng thời cơ chỉ thật sự là thời cơ nếu ta thật sự chuẩn bị. Chuẩn bị cho vận mệnh của chính chúng ta, và cho tương lai.

Vận mệnh của người Việt Nam nằm trong tay những người còn quan tâm đến đất nước, những thành phần trí thức trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn sát cánh bên cạnh những con người nhiệt huyết đó trong công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Chúng tôi tin rằng lúc này hơn bao giờ hết, đất nước đang cần những con người dũng cảm, những người có trình độ nhận thức thời cuộc, những thực sự thiết tha với dân chủ dám dấn thân tham gia vào tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Số phận của Việt Nam phải do những con người dân chủ như chúng ta quyết định chứ không phải Đảng cộng sản !

Các bạn tri thức, hãy mau nhập cuộc ! Đừng luyến tiếc quá khứ đang qua đi, hãy dấn thân vào hiện tại thực hiện ước vọng của tương lai - dân chủ hóa đất nước - trước hết cho chính bạn và gia đình bạn, sau đó cho xã hội và dân tộc Việt Nam.

Việt Thủy

(27/10/2018)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm

Nếu chúng ta muốn đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa của đất nước, dứt khoát ta cần phải rũ bỏ ngay một thứ văn hóa độc hại, nguy hiểm đã ăn sâu vào máu của người Việt Nam : Văn hóa bạo lực.

baoluc1

Hãy giữ cho đạo đức của mình trong sáng như ngọn đèn dẫn lối cho quần chúng.

Đầu tiên, tôi xin bàn qua vài lời về cụm từ này. Bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất hoặc quyền lực, để nhằm đe dọa, chống lại một cá nhân, một nhóm người hay cộng đồng nào đó, dẫn đến các khả năng thương tích cao về thể chất lẫn tinh thần, hoặc đôi khi là tử vong cho những cá nhân hoặc cộng đồng bị tác động bởi nó.

Tôi gọi bạo lực là một loại văn hóa. Văn hóa là gì nếu không phải nó là tất cả những thứ tác động, ảnh hưởng đến lối tư duy và cách ứng xử của một cộng đồng người. Và suốt chiều dài lịch sử của chúng ta, chúng ta đã chỉ là tác nhân, và nạn nhân của chính thứ văn hóa nguy hiểm đó. Thậm chí đến cả chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xưa kia hay chính quyền Cộng Sản Việt Nam bây giờ, cũng không ngoại lệ bởi thứ văn hóa đó. Ta hãy thử ngẫm nghĩ lại xem, trong lịch sử chúng ta, ngoại trừ các cuộc chiến tranh với những thế lực từ nơi khác đến điển hình là phương Bắc, thì chúng ta toàn chỉ là nội chiến, nồi da nấu thịt, anh em một nhà chém giết, thanh trừng lẫn nhau.

Nội chiến chỉ đơn giản là câu chuyện khi các phe phái trong một dân tộc, một đất nước không thể giải quyết vấn đề bằng phương pháp hội đàm để đi đến đồng thuận, trong một trạng thái bất lực đã phải quyết định lựa chọn sử dụng phương pháp bạo lực như xung đột vũ trang, thủ tiêu, ám sát,… để khuất phục phe kia và giành lấy quyền lực làm chủ. Những ví dụ như vậy không hiếm. Loạn 12 sứ quân, những cuộc giặc giã dưới thời Lý, Trần , rồi việc Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, sau đó là thời sau Hậu Lê, chiến tranh Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn và Nguyễn Ánh, Cộng hòa và Cộng sản, tất cả đó chẳng phải là những ví dụ rõ nét về văn hóa bạo lực của chúng ta hay sao.

Nội chiến và bạo lực luôn để lại hậu quả tan tác, mất mát và những tổn thất khó có thể khôi phục được cho cả dân tộc. Ta trách đảng cộng sản, nhưng không nên phủ nhận rằng họ cũng chỉ là một sản phẩm của thứ văn hóa đó. Chúng ta là một dân tộc thiếu hụt về tư tưởng, nên việc chúng ta không thể ngồi đàm phán với nhau mà chỉ có thể nói chuyện bằng vũ lực, không phải là việc gì lạ lẫm. Nhận diện văn hóa bạo lực, để từ đó thấy rằng, chúng ta phải hết sức đề phòng và tránh xa bạo lực. Cho dù ở cấp độ nào, quy mô nào đi chăng nữa, lớn hay nhỏ, bạo lực luôn chỉ là phương án bất đắc dĩ thể hiện một sự bế tắc nhất thời của việc tranh chấp.

Đó là một trong những lý do mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi luôn theo đường lối bất bạo động, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Chúng ta khác đảng cộng sản, vì chúng ta muốn dân chủ hóa đất nước. Vì vậy không thể sử dụng cái cách thức mà đảng cộng sản đã dùng để phục vụ cho cứu cánh của mình. Ngoài ra, chúng ta không thể giải quyết một vấn đề bằng chính thứ tư duy tạo ra nó.

Còn hai lý do cơ bản để ta thấy được rằng, trong cuộc đấu tranh cho dân chủ mà phía bên kia là đảng cộng sản, chúng ta không nên và không thể dùng bạo lực, hay bất kỳ hình thái nào khác tương tự.

Lý do thứ nhất là, ta không nên dùng bạo lực vì bạo lực chỉ gây đến sự đổ vỡ, mất mát, kể cả cho dù có đạt được dân chủ, thì ta phải mất rất nhiều tâm huyết, công sức để hàn gắn lại những đổ nát cả về vật chất lẫn tinh thần mà bạo lực gây ra. Đảng cộng sản đã làm mất thời giờ của đất nước, của dân tộc trong cuộc chạy đua về sự phồn vinh, cường thịnh của đất nước, thì chúng ta càng không thể làm chậm thêm tiến độ đó một lúc nào nữa. Chúng ta phải là tác nhân rút ngắn khoảng cách đó lại, mà bạo lực lại là thứ không phục vụ cho mục đích đó.

Lý do thứ hai, thực tế hơn, là chúng ta không thể có cơ hội sử dụng bạo lực với đảng cộng sản hay là chiến thắng đảng cộng sản bằng bạo lực. Trước kia một thời gian rất dài, các tổ chức đấu tranh hải ngoại luôn đề cao bạo lực và có tư tưởng bạo động để lật đổ đảng cộng sản. Tôi cảm thông cho họ, tôi thấy họ đáng thương vì họ cũng chỉ là nạn nhân của thứ văn hóa bạo lực. Chúng ta quá ghê sợ bạo lực đến mức tôn thờ cả bạo lực.

Nhưng hãy nhìn vào thực tế. Tôi đặt tình huống giả dụ nếu chúng ta muốn sử dụng bạo lực đi. Chúng ta không có binh lực, tiền bạc, nhân lực nào có chuyên môn trong tay. Trong khi đối đầu với chúng ta là cả một hệ thống công an, quân đội với lực lượng an ninh cài cắm ở mọi nơi. Sẽ không có chuyện chúng ta có thể tổ chức đánh bom, vũ trang, ám sát các quan chức cộng sản với hy vọng làm vậy là gây đòn suy yếu cho chế độ cộng sản.

Nên nhớ rằng ở đất nước này, họ là những ông vua con được bảo vệ không khác gì những lãnh chúa, vương hầu thời quân chủ chuyên chế xưa kia. Việc ám sát là một điều quá huyễn hoặc và ảo tưởng. Bên cạnh đó, nếu làm như vậy thì chúng ta đã trở thành khủng bố chứ không phải những con người lương thiện muốn đấu tranh vì dân chủ. Chúng ta cũng không có một đồng minh là quốc gia hay tổ chức quốc tế nào vì đơn giản đây là thế kỷ 21, thế kỷ của hội nhập, hợp tác và thỏa hiệp. Sẽ chẳng có ai ủng hộ chúng ta hết kể cả chúng ta có sử dụng bạo lực để lật đổ một chế độ độc tài đi chăng nữa.

Tại sao đảng cộng sản luôn nhắc đi nhắc lại "diễn biến hòa bình" mà không bao giờ sợ "diễn biến không hòa bình". Vì đó mới thật sự là điểm yếu nhất của họ. Nếu chúng ta sử dụng bạo lực, đảng cộng sản càng có sự chính đáng để sử dụng lực lượng vũ trang với mục đích đàn áp, dập tắt mọi phong trào, tổ chức hay cá nhân muốn dân chủ hóa đất nước. Như vậy, chúng ta chỉ thêm tổn thất. Tổn thất nặng nề. Đó là điều mà tôi nghĩ không ai muốn.

Văn hóa bạo lực là một thứ rất nguy hại. Khi khước từ bạo lực rồi, vũ khí duy nhất của chúng ta chính là lời nói và sự lương thiện. Ôn hòa chính là một loại sức mạnh. Nó có thể chữa lành các vết thương cũng như hất đổ các chế độ độc tài, mà ví dụ về việc đó không thiếu, sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu như là một bài học nhãn tiền trước mắt. Chúng ta hãy tranh thủ từng giờ từng phút học tập thêm kiến thức, hãy giữ cho đạo đức của mình trong sáng như ngọn đèn dẫn lối cho quần chúng. Chúng ta là hy vọng của một đất nước mà mọi sức lực đã rệu rã.

Nếu bạn đồng ý và muốn đồng hành cùng chúng tôi trong công cuộc dân chủ hóa đất nước, hãy liên hệ với chúng tôi. Hơn lúc nào hết, đất nước đang cần những con người lương thiện, quả cảm nhất, thông minh nhất và ôn hòa nhất để nhận trách nhiệm đứng ra dẫn dắt tất cả ra khỏi bóng đêm của độc tài, toàn trị. Đảng cộng sản là một quá khứ đổ máu với cốt lõi là bạo lực cần phải ra đi, chính chúng ta, những con người ôn hòa với sự cương quyết và tấm lòng với đất nước, mới là đại diện cho một tương lai mới tươi đẹp hơn phải đến của dân tộc này.

Hãy can đảm lên, các trí thức. Tương lai của tất cả đang phụ thuộc vào sự có mặt ngày hôm nay của chúng ta !

Việt Thủy

(7/9/2018)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm

Tôi có đọc lại một bài viết cách đây 4 năm của ông Ngô Xuân Lịch, hiện là đại tướng, bộ trưởng quốc phòng của Đảng cộng sản Việt Nam. Có một thông lệ bất thành văn ở trong cơ cấu quân đội cộng sản Việt Nam, đó là người chỉ huy quân sự (tư lệnh...) thường phải kinh qua chức vụ "tham mưu trưởng", "tổng tham mưu trưởng", là những chức năng thuần túy về chuyên môn chỉ huy tham mưu quân sự.

nxl1

Ông Ngô Xuân Lịch được đưa lên làm bộ trưởng quốc phòng, thể hiện rõ một ngoại lệ lớn trong quân đội : một "chính trị viên" được đưa lên làm chỉ huy quân sự.

Nhưng khi sự việc ông Ngô Xuân Lịch được đưa lên làm bộ trưởng quốc phòng, thể hiện rõ một ngoại lệ lớn trong quân đội : một "chính trị viên" được đưa lên làm chỉ huy quân sự. Ông Lịch xuất thân là chủ nhiệm tổng cục chính trị, một cơ quan đầu não về việc duy trì công tác của đảng cộng sản và giáo dục ý thức hệ cộng sản trong quân đội. Công tác đảng, tuyên truyền, giáo dục về ý thức hệ cộng sản với quân đội, quan trọng đến mức trần quân hàm của chủ nhiệm tổng cục chính trị là đại tướng, ngang với quân hàm tổng tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng ; quan trọng đến mức có những lúc quyền hạn của giới chính ủy, chính trị viên trong quân đội còn lất át cả người chỉ huy quân sự. Có công trạng, thì chính ủy, chính trị viên được lãnh công với đảng bộ, còn nếu đơn vị có lỗi hay sai sót, thì người chỉ huy quân sự phải nhận trách nhiệm. Nói vậy để chúng ta cần nhìn nhận rõ bản chất của công tác chính trị của đảng cộng sản với quân đội.

Ông Lịch từng có một bài viết về : "Đấu tranh làm thất bại âm mưu 'phi chính trị hóa' Quân đội", vậy ta cần xem, khái niệm phi chính trị hóa quân đội là gì ? (*)

Phi chính trị hóa quân đội (Non politicized military), có thể được hiểu là khái niệm chỉ việc lực lượng quân sự trung lập, không thiên vị, ủng hộ hay chống lại các đảng phái, ý thức hệ, hay một vị tổng thống, hoặc các chính trị gia. Trong khái niệm đó, còn có khái niệm "phi đảng phái" (Non partisan) chỉ việc "không ủng hộ hay tác động đến việc thành bại trong việc tranh cử của một đảng chính trị". Đó là phi chính trị hóa, phi đảng phái quân sự.

Ông Lịch cho rằng, việc phi chính trị hóa quân đội là "làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, từ bỏ mục tiêu chiến đấu, bị vô hiệu hóa. Thực tiễn những năm 90 của thế kỷ XX, các thế lực thù địch đã từng thành công với âm mưu, thủ đoạn này. Đó là làm cho Quân đội Liên Xô và các nước Đông Âu - một lực lượng hùng mạnh, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã bị "phi chính trị hóa", tự xóa bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị, từ bỏ cơ chế Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội, không còn là lực lượng chính trị, công cụ bạo lực sắc bén, tin cậy của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Vì thế, khi đất nước Xô-viết và các nước Đông Âu xảy ra biến cố chính trị, Quân đội đã đứng ngoài cuộc, chế độ Xã hội chủ nghĩa sụp đổ".

Đây là một câu nói hết sức rùng rợn và nguy hiểm. Nó rùng rợn bởi vì nó coi lực lượng quân đội như là một công cụ bạo lực phục vụ cho cách mạng của đảng cộng sản. Đã là công cụ thì không cần có suy nghĩ, tình cảm, tư duy, lý trí mà chỉ cần trung thành một cách mù quáng với kẻ có thể nắm đằng chuôi của nó. Càng nguy hiểm hơn, đó lại là "công cụ bạo lực sắc bén". Câu nói đằng sau làm người ta liên tưởng đến viễn cảnh một ngày nào đó, quân đội sẽ trung thành đến chết với đảng cộng sản, sẵn sàng sử dụng bạo lực đàn áp người dân khi mà tất cả người dân đứng tràn ngập Ba Đình. Ban lãnh đạo cộng sản rất "thông minh", họ biết rút ra "bài học" từ việc sụp đổ của chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu, và rồi tìm mọi cách tẩy não quân đội, biến quân đội thành một đội quân người máy, sẵn sàng bắn vào nhân dân, đồng bào mình. Tuy nhiên ai dám ra lệnh và những chỉ huy quân sự nào dám làm điều đó lại là một chuyện khác. Những kẻ dám ra lệnh và nổ súng vào nhân dân mình rồi sẽ chạy đi đâu ?

Đảng cộng sản tự đặt ra nguyên tắc đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về "mọi mặt" đối với quân đội Việt Nam. Họ quá xấc xược và kiêu căng. Họ lừa mị người dân. Nếu Quân đội đã là của "nhân dân" thì sao lại chịu sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp mọi mặt của đảng cộng sản ?

Chưa kể đảng cộng sản chỉ là một lực lượng chiếm đóng (bản xứ) đối với người dân Việt Nam. Đảng cộng sản là cái gì mà dám tự cho mình là đại diện hợp pháp của nhà nước, nhân dân Việt Nam ?

So sánh họ với các triều đình phong kiến cũng không khác là mấy. Điều khá thú vị là quân đội của các triều đại phong kiến cũng chỉ trung thành với triều đình. Đảng cộng sản luôn hô hào họ đánh đổ phong kiến, thực dân, để rồi chính họ cũng trở thành một lực lượng phong kiến, thực dân mới trong thế kỷ 21. Công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội cùng với chế độ chính ủy, chính trị viên như một sợi dân thần kinh kết nối quân đội với đảng cộng sản, ràng buộc và thao túng sức mạnh quân đội để phục vụ cho mục đích cai trị của họ.

Để đối phó với việc "phi chính trị hóa quân đội", ông Lịch đề cập ra bốn bước :

1. "Cần nắm vững phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó vạch trần có cơ sở khoa học luận điệu "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch".

Ta cần thấy rằng câu này chứa đựng đầy sự giả dối. Điều đầu tiên phải nói rằng, chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã được cả thế giới văn minh lẫn thực tế chứng minh rằng, đó là một sai lầm nghiêm trọng, một thứ viển vông, một tội ác đẫm máu của nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ đơn thuần là một chút về quản lý nhà nước, kinh tế, và có một chút đề cập qua về việc sử dụng bạo lực thực hiện việc đánh đổ, xóa bỏ tầng lớp tư sản. Ông Mác không hề có đề cập đến việc chính trị hay phi chính trị hóa quân đội. Người đầu tiên đề cập đến việc đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối quân đội là Lê-nin. Lê-nin quan niệm rằng, quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định, nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và nhà nước, tổ chức, nuôi dưỡng, sử dụng. Quân đội được xây dựng theo đường lối, quan điểm chính trị của giai cấp tổ chức ra nó. Vậy thì quá rõ ràng và hiển nhiên, quân đội của chế độ cộng sản là để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, là đảng cộng sản. Vô lý hơn nữa khi điều 45 hiến pháp Việt Nam, quân đội chỉ trung thành và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Vậy thì quốc gia ở đâu, dân tộc ở đâu, hiến pháp ở đâu ? Tất cả không bằng "chế độ xã hội chủ nghĩa" của họ.

2. "Thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân độiĐây vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật trong xây dựng Quân đội kiểu mới của dân, do dân, vì dân ; đồng thời, là nhân tố quyết định đảm bảo cho Quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân".

Điều này lại càng thể hiện rõ sự việc đảng cộng sản muốn coi quân đội như là công cụ, như là một lực lượng giống như lực lượng "SS" của Đức Quốc Xã trước kia. Trung thành đến chết, và chỉ có đảng cộng sản thôi. Quốc gia, dân tộc không là gì cả. Ông Lịch cho rằng, vấn đề then chốt để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là phải xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Nhưng vấn đề là đảng cộng sản đang nguy ngập mọi vấn đề, thất bại trên mọi địa hạt, cả ở trong và ngoài nước. Vậy thì, tương lai quân đội này sẽ ra sao khi bị một băng đảng độc ác, vô đạo đức, chưa kể còn ung thư giai đoạn cuối cố nắm giữ và sử dụng, sai khiến như một công cụ ? Tôi tự hỏi các binh sĩ, các bạn có lo nghĩ cho tương lai của chính các bạn, và gia đình các bạn hay không ?

3. "Thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị. Thông qua đó, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ; nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch".

Thật ra đây chỉ đơn giản là tăng cường nhồi sọ, ráo riết tập trung vào việc nhồi nhét ý thức hệ cộng sản đến từng cá nhân trong quân đội. Tư tưởng của quân đội là tư tưởng cộng sản. Vậy nên, họ vô tổ quốc, họ không cần biết đến nhân dân, quốc gia hay những giá trị cao đẹp khác. Việc giáo dục tư tưởng cũng chẳng làm quân đội này khá lên là bao khi nạn chạy tiền, tham ô hối lộ đầy rẫy làm quân đội hủ bại, thối nát. 500 triệu cho một suất chạy thẳng vào trường sĩ quan không cần qua kỳ thi đại học. Gần 1 tỷ để chạy vào khoa tài chính của hệ quân sự học viện hậu cần. Học viên sĩ quan thì đến hơn 1/3 là chạy chọt, trình độ yếu kém cả về trí tuệ, sức khỏe. hơn 2/3 số thanh niên ứng tuyển vào các trường sĩ quan cũng chỉ là vì sổ hưu, công việc ổn định, chung quy lại là vì quyền lợi và tiền bạc. Họ cũng chẳng có trung thành gì với chế độ. Nói thẳng thừng ra là chỉ vì tiền. Một mối quan hệ gắn bó với nhau dựa trên lợi ích tiền bạc mà không dựa trên lý lẽ, đạo đức hay đồng thuận nào, thì mọi người cũng hiểu rõ mối quan hệ đó "bền vững" đến đâu. Khi mà giờ đây quân đội chỉ như là một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế thiên về cạnh tranh và sáng tạo. Hoặc một số khác nghĩ rằng quân đội đơn giản là trường giáo dưỡng, họ bỏ tiền cho con cái vào đo để được "dạy dỗ cho ngoan ngoãn". Nhưng rồi đâu lại hoàn đó.

4. "Chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị".

Việc này cũng không khác gì hai việc ở trên. Duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản với quân đội, và thực hiện công tác giáo dục chính trị, cũng chỉ để phù phép, biến quân đội này tin sùng tuyệt đối với lý tưởng của đảng cộng sản. Đó là cái điều mà họ nói là "vững mạnh về chính trị". Giản dị hơn, thì đó vẫn chỉ là việc nhồi sọ để quân đội chỉ biết có "còn Đảng còn mình", còn quốc gia hay dân tộc, chỉ là thứ sau cùng của họ.

Có thể thấy rằng, họ - đảng cộng sản, với quan điểm "duy vật biện chứng", họ coi tất cả chỉ là công cụ, từ đạo đức, pháp luật, công lý…là để cai trị. Và quân đội cũng không ngoại lệ. Thật tội nghiệp cho những người lính dưới chế độ này, họ đã mù quáng bảo vệ cho một lực lượng chiếm đóng, và tự họ biến họ thành một thứ công cụ của chế độ độc tài. Họ cần tỉnh ngộ và quay về với chính những gì là chỗ dựa thật sự của họ. Đó là những người thân của họ, là bạn bè và gia đình họ, đó còn là nhân dân Việt Nam mà đại diện là nhà nước Việt Nam, và tương lai là một nhà nước Việt Nam dân chủ, nơi có những con người đạo đức, trí tuệ được bầu lên bởi một cuộc bầu cử lương thiện, hợp pháp.

Đảng cộng sản Việt Nam đang thực sự nguy ngập. Mọi người cũng không nên nghĩ rằng họ mạnh vì có quân đông, tướng mạnh. Quân đông nhưng gắn bó với nhau chỉ vì tiền bạc, lợi ích nhóm. Nhưng tiền bạc chẳng thấy đâu, chỉ thấy cắt giảm biên chế, lương tháng chỉ đủ ăn nếu không tham nhũng, làm thêm bên ngoài. Quân đội cũng chỉ là một lực lượng đáng thương khi bị chính người chủ của họ coi như công cụ, tước mất quyền của một công dân. Trong một nhà nước dân chủ, pháp quyền tương lai, quân đội sẽ là lực lượng tinh anh, những con người đảm bảo nhất về trí tuệ, đạo đức, để bảo vệ tổ quốc chứ không phải công cụ của một băng đảng nào đó. Như quân đội Hoa Kỳ, họ tuyên thệ hỗ trợ và bảo vệ hiến pháp (support and defend the Constitution). Đó là điển hình của một quân đội của nước dân chủ, pháp quyền, khi mà họ xứng đáng là lực lượng bảo vệ quốc gia, hiến pháp, bảo vệ những giá trị cao cả đẹp đẽ nhất của toàn bộ người dân sống trong quốc gia đó.

Việt Thủy

(28/5/2018)

(*) http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/dau-tranh-lam-that-bai-am-muu-phi-chinh-tri-hoa-quan-doi/6091.html

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm

Chính họ, Đảng cộng sản Việt Nam, không bao giờ coi họ là một lực lượng, một chính đảng của Việt Nam mà luôn tự coi họ là một tầng lớp cai trị, một lực lượng chiếm đóng ở Việt Nam.

Thời gian gần đây, nội bộ đảng cộng sản bắt đầu có những dấu hiệu rõ rệt của sự rệu rã. Đủ các vụ việc lớn bị phanh phui. Ngay cả trong tầng lớp lãnh đạo cũng đã có những vị đã thẳng thắn thừa nhận tình trạng nguy ngập của chế độ.

dang1

"Người dân phải đồng cam cộng khổ cùng chính phủ trả nợ công".

Chiến dịch chống tham nhũng, mà thực chất là màn đấu đá nội bộ mà phe ông Trọng nhắm vào những phe đối nghịch trong nội bộ đảng, ngoài mục đích lấy lại chút danh dự gì đó cho đảng cộng sản, nhưng cũng vô tình lột trần sạch bản chất của chế độ cộng sản ở Việt Nam.

Những phe cánh trong đảng đang nơm nớp lo sợ, không ai biết khi nào sẽ đến lượt mình ? Phe ông Trọng đang điên cuồng phá, nhưng phá ở đây là phá chế độ. Báo chí càng mạnh bút phanh phui những vụ việc nổi cộm hay những câu nói "hài hước, ngu dốt" của các quan chức hay những người trong bộ máy đảng cộng sản thì chúng ta càng thấy rõ đó là những câu mỉa mai chua cay cho chính chế độ.

Chưa hết, lực lượng công an cũng nhiều tai tiếng. Hai ông tướng công an Việt Nam phải nhập khám, ông Vũ "nhôm", một thượng tá tình báo công an cộng sản Việt Nam cũng có kết cục tương tự. Bộ máy công an của đảng cộng sản đã lộ rõ những vết ố nhục nhã, khi chính một ông Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát lại là trùm tội phạm, ông tướng Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao lại là kẻ cầm đầu đường dây đánh bạc… vậy thì thử hỏi xem trong nội bộ đảng cộng sản, bao nhiêu quan chức, tướng tá như vậy ?

Ngân sách của chế độ cộng sản đang nguy ngập, họ cố gắng đưa ra những điều luật vô lý, tăng cường đánh thuế tài sản, nhà cửa, xe hơi, bày ra đủ trò cốt để kiếm, vặt chút gì đó từ người dân. Họ thật sự lâm vào tình trạng nguy hiểm bởi chính sự chia rẽ trong nội bộ, sự sụp đổ về tư tưởng ý thức hệ, những cái nhìn ác cảm của bạn bè quốc tế, Châu Âu, Mỹ khi nhìn vào chế độ cộng sản Việt Nam. Chắc có lẽ chỉ có thần tiên mới cứu được họ.

Tôi hay nói đùa với bạn bè, nếu tham nhũng mà bị xử tử ở Việt Nam thì chắc ngay ngày mai tôi phải đi bán quan tài, áo quan với vòng hoa mất. Một câu đùa hài hước nhưng xen kẽ chút đau xót.

Tuy rằng nguy ngập như vậy, nhưng họ vẫn cố gắng chống đỡ. Họ tăng cường bắt bớ, ra những bản án nặng tay với các nhà hoạt động đấu tranh của những hội nhóm, như Hội anh em dân chủ. Nếu xét theo Hiến pháp và luật pháp của chế độ cộng sản Việt Nam thì những con người đó hoàn toàn vô tội, chưa nói đến việc chính hiến pháp mà đảng cộng sản ban hành, cũng chứa đầy sự ma quái của họ trong việc cố gắng thiết lập sự toàn trị cho họ.

Phiên tòa hôm 5/4/2018 đã đánh dấu sự thất bại của đảng cộng sản. Những nhà hoạt động đã hiên ngang trước tòa, không nhận tội, không xin khoan hồng, vì đơn giản, họ đâu có tội. Trong lúc đó, đảng cộng sản cố gắng khai thác tối đa sự sợ hãi của họ để qua họ, răn đe người dân Việt Nam. Nhưng họ không sợ hãi nữa.

Các luật sư ở tòa, ngoài một người xin tòa giảm án cho thân chủ ra, các vị còn lại đều yêu cầu tòa trả lại tự do cho thân chủ của họ vì thân chủ họ vô tội. Những bản án nặng nề cũng không thể uy hiếp tinh thần họ. Đã không có sự khóc lóc, van xin ở tòa như Trịnh Xuân Thanh hay ông Đinh La Thăng. Không hề có !

Những người trong Hội anh em dân chủ chỉ thể hiện các quyền con người của mình mà Việt Nam đã kí vào Bản Tuyên ngôn phổ quát về Quyền con người vào năm 1976. Chính đảng cộng sản cũng đã ghi những quyền này vào trong các bản hiến pháp từ năm 1946 cho đến năm 2013 gần nhất. Như vậy, những hành động này không khác gì việc họ cố gắng nhổ nước bọt vào mặt họ, vì đó là những điều họ đã đồng ý và viết ra.

Đảng cộng sản tự coi mình là một lớp người đứng trên tất cả, vô pháp vô thiên. Họ càng ngày càng bộc lộ một cách thô thiển bộ mặt của họ. Tôi tự hỏi, họ còn bao nhiêu năm nữa để hung hăng ? Xu thế của thế giới bây giờ là tự do, dân chủ, là nhân quyền. Một người bơi giỏi mấy cũng không thể bơi ngược dòng, ấy là chưa kể, dòng nước tự do, dân chủ này đang tích tụ và khi nó đến sẽ rất mạnh, mà Đảng cộng sản Việt Nam không phải một người khỏe mạnh và giỏi bơi !

Tôi xin dành tặng mọi người tấm ảnh chụp một bức tranh thể hiện rõ tư tưởng, suy nghĩ của Đảng cộng sản Việt Nam từ trước đến nay.

dang22

Đó là tư tưởng xem đảng cộng sản là số một, là trung tâm của lịch sử Việt Nam. Trong hình là bức ảnh chụp ngay phòng đầu tiên đi thẳng vào Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đường Điện Biên Phủ, Hà Nội.

dang2

Trong bức tranh kia, ông Hồ Chí Minh, người lãnh tụ tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam ngồi ở ngôi giữa, sau trống đồng Đông Sơn (trống đồng là biểu tượng văn hóa của Việt Nam). Trông ông ta như một vị hoàng đế. Xung quanh rìa bức tranh, ở bên trái là các anh hùng dân tộc của Việt Nam từ thời ngàn xưa, các bạn có thể thấy đó là Thánh Gióng, đó là Bà Trưng, là những chiếc cọc sông Bạch Đằng... đại diện cho mấy ngàn năm lịch sử của Việt Nam. Phía bên phải kia là những hình ảnh trong cuộc nội chiến Cộng sản - Cộng hòa, hình ảnh cuộc chiến tranh của đảng cộng sản với Pháp, phía dưới có thể là hình ảnh những tù binh Pháp, hoặc có thể là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4/1975.

Việt Thủy

(17/4/2018)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm
jeudi, 01 mars 2018 12:26

Ai mới là "phản động" ?

Có một từ mà ban tuyên giáo Đảng cộng sản, cũng như các cơ quan thuộc cấp của họ, rất hay dùng, đó là từ "phản động".

phandong1

Trong mắt Đảng cộng sản Việt Nam, những người đấu tranh vì những giá trị tiến bộ như tự do, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc đều bị kết tội "phản động"

đây, với giới hạn kiến thức của bản thân và bằng những gì đã tìm hiểu sau một quá trình, tôi xin đưa ra những dẫn chứng các ngôn ngữ khác, đã có định nghĩa về từ này.

Từ "phản động" trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Người Trung Hoa vay mượn từ đó từ tiếng Nhật. Phản động trong tiếng Nhật được gọi là "handō", từ người Nhật dùng để dịch từ tiếng Anh "reactionary". Từ phản động trong tiếng Anh "reactionary" bắt nguồn từ từ tiếng Pháp "réactionnaire". Vậy ta thử xem trong tiếng Pháp, là "quê hương" của từ "phản động", người ta diễn giải nó như thế nào ?

Từ "phản động" lần đầu tiên xuất hiện từ sau cách mạng Pháp (1789) đ ám chỉ chính sách ca ngợi hoặc thực hiện một sự đảo ngược nhằm hướng đất nước, xã hội... quay trở về tình trạng trước kia trong quá khứ. Đối lập với từ này là từ "cách mạng", là thay đổi cả chế đ lẫn chính quyền, thay đổi cách đặt và giải quyết các vấn đ, thay đổi văn hóa chính trị. Một cuộc cách mạng bao giờ cũng hướng đến những giá trị mới tiến bộ với cứu cánh là thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực. Nhìn từ đây, ta có thể thấy nghĩa của từ "phản động" rất giản dị : là hành động, tư tưởng hoặc chính sách của một tổ chức, một chính quyền... đi ngược lại những giá trị tiến bộ của một cộng đồng chung, nhằm một mục đích nào đó.

Thời đó, vào năm 1789 Pháp, những người ủng hộ chế đ quân chủ bị xem là phản động, tức đi ngược "trào lưu tiến hóa". Sau này nhiều người theo chủ nghĩa xã hội, hay cộng sản, coi những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản là "phản động" vì lý thuyết của họ cho rằng nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu của lịch sử. Vậy là, họ, những người cộng sản, mặc định và xác quyết rằng chủ nghĩa xã hội là sự tiến bộ của loài người !

Nhưng hiện nay, bằng những bài học xương máu và kinh nghiệm của lịch sử, từ những ngày tháng của thế chiến hai cho đến chiến tranh lạnh, rồi đỉnh điểm là sự sụp đ của chủ nghĩa cộng sản tại các nước cộng sản Đông Âu (Ba Lan, Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức...) và sự thịnh vượng, phát triển của các quốc gia Châu Á mà hoàn toàn vắng bóng chủ nghĩa cộng sản (Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Malaysia...) đã là bằng chứng sống động nhất về cái chết dưới đ mọi hình thức của chủ nghĩa cộng sản và mớ học thuyết của Marx, Lenin.

Một ví dụ khác về từ này. Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa, phản động biểu hiện những việc làm chống lại các phong trào cách mạng, dân chủ và giải phóng dân tộc ; hăm dọa, săn lùng và đàn áp các tổ chức và cá nhân hoạt động chính trị, đàn áp nhân dân lao động ; tệ phân biệt chủng tộc, nhen nhóm và khích lệ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa chống cộng...

Nhưng, Đảng cộng sản Việt Nam cũng dùng "phản động" đ lên án bất cứ ai chống lại Đảng cộng sản Việt Nam kể cả những tập hợp cộng sản khác, chẳng hạn như Đảng cộng sản Trung Quốc, Khmer đ, dù là tất cả đều chung một cái họ "cộng sản". Nghiễm nhiên, chính họ, dù cố tình hay vô ý, đã tự đưa thêm một nghĩa khác cho từ phản động : "bất kỳ cá nhân, tổ chức nào... có tư tưởng, hành động đối lập, chống lại chủ nghĩa cộng sản".

Và như vậy, trong mắt họ, những người yêu nước, thương nòi, những con người hy sinh vì một tương lai của dân tộc, hay những con người đấu tranh vì những giá trị tiến bộ như tự do, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc, thậm chí chỉ đơn giản đ cập đến những khái niệm như "tam quyền phân lập, xã hội dân sự, đa nguyên đa đảng, tự do dân chủ"… mặc định được gán mác "phản động" theo cái tư duy của họ.

Nhưng nếu theo nghĩa gốc của từ "phản động", trong một bối cảnh xã hội toàn cầu hóa, nơi mà con người càng xích lại gần nhau hơn, cố gắng đấu tranh và củng cố vì tự do dân chủ, thì họ - Đảng cộng sản Việt Nam, với những người mong muốn và đấu tranh vì tiến bộ của đất nước, dân tộc kia, ai mới thật sự là "phản động" ?

Câu hỏi này, tôi đ dành cho nhân dân, những trí thức Việt Nam, và toàn bộ cán bộ đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, cùng xem lại và suy nghĩ !

Việt Thủy

(1/3/2018)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm
mercredi, 24 janvier 2018 20:53

Cảm nghĩ về một sự kiện thể thao

Tôi viết những dòng này sau gần 2 tiếng đồng hồ vật vã ngoài đường mới đặt chân về được đến nhà. Đường phố náo nhiệt, "người người, nhà nhà" nườm nượp đổ ra đường hò reo ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.

anmung2

Đường phố náo nhiệt, "người người, nhà nhà" nườm nượp đổ ra đường hò reo ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam

Người ta mang theo cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, khoác lên người, ra đường và hòa chung vào cái khí thế của toàn bộ quần chúng. Những tiếng hò reo inh ỏi, hát hò, những khuôn mặt rạng rỡ của đủ mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội, khiến tôi phần nào cảm nhận được niềm vui của đại đa số người dân Việt với chiến thắng. Ăn mừng chiến thắng là một chuyện bình thường, nhưng ăn mừng xong, chúng ta có những gì ?

Chúng ta vẫn luôn là một nước nhỏ, một trong những dân tộc cuối cùng trên thế giới chưa có tự do và quyền hạn đầy đủ của một con người.

Ngày hôm nay ăn mừng với nhau hớn hở là thế, tay bắt mặt mừng hân hoan là thế, nhưng ngày sau thì sao ? Chúng ta lại hiện nguyên hình cái bản chất của một dân tộc bất hạnh. Chúng ta lại hãm hại lẫn nhau, chúng ta sẵn sàng đánh chết một người trộm chó nhưng sẵn sàng kêu gọi trắng án cho một tên tham quan ăn cắp hàng nghìn tỷ đồng của công, chỉ vì hắn ăn to nói lớn ; chúng ta vẫn thù ghét lẫn nhau, người nam ghét người bắc, người cộng sản ghét người cộng hòa. Những giá trị cơ bản nhất là yêu nước, là sự thật, là lòng trắc ẩn, lương thiện luôn bị chúng ta coi là một thứ gì đó rất xa vời và dị biệt. Chúng ta thấy hài hước, phiền phức khi một người nhắc đến yêu nước, lương thiện, nhưng chúng ta thấy bình thường khi nói về mưu mẹo, thủ đoạn để giẫm đạp lên nhau mà sống.

Tôi đau buồn khi thấy những điều đó. Tôi đau buồn khi đồng bào tôi vẫn vô cảm trước nỗi đau của toàn thể dân tộc. Tôi đau buồn khi lòng yêu nước của chúng ta hời hợt. Tôi đau buồn khi mà chúng ta thắng một trận bóng để làm gì, trong khi đó môi trường ô nhiễm, tham nhũng tràn lan, trí thức ngoảnh mặt, dân tộc chia rẽ, đớn hèn trước ngoại bang,...

Nhìn thấy những hình ảnh hôm nay, tôi ước giá mà đó là hình ảnh ngày tận thế của chế độ cộng sản độc tài này, đó là ngày đánh dấu chúng ta có dân chủ, tự do. Ngày đó, chúng ta sẽ ăn mừng chiến thắng một cách cao thượng, chúng ta sẽ có những cái ôm với những người bại trận hôm nay, chúng ta sẽ là những con người Việt Nam mới, sẽ luôn yêu thương nhau. Việt Nam sẽ là một Việt Nam mới, tự do, Việt Nam sẽ là mảnh đất đáng để người Việt Nam yêu thương, trân trọng, đáng để những người Việt Nam lương thiện trên khắp thế giới hướng về, để bạn bè trên thế giới thấy một Việt Nam khác, không còn ô nhiễm, đổ nát, độc tài và chia rẽ.

Dù sao thì tôi vẫn lạc quan. Làn sóng dân chủ thứ tư đang tới gần. Chúng ta đã có những trí thức sẵn sàng dấn thân tham gia tổ chức để đấu tranh. Đảng cộng sản đang lúng túng và mất bình tĩnh trước cơn hấp hối của chính mình. Chúng ta sẽ xây dựng nên một Việt Nam mới, một Việt Nam tự do, lương thiện, đoàn kết và nhân bản. Mọi người sẽ biết bắt tay nhau, trao nhau những cái ôm và cùng chung một giấc mơ trên mảnh đất chữ S này. Hạnh phúc với chính mảnh đất quê hương mình, đó mới là giá trị cốt lõi mà mỗi người chúng ta nên nghĩ tới.

Việt Thủy

(24/1/2018)

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm

Trước hết, tôi xin cố gắng cắt nghĩa từ "chính trị". Vì đây là một từ rất hay bị hiểu sai trong tư tưởng và suy nghĩ của người Việt.

ct1

Một buổi sinh hoạt chính trị dưới thời La Mã, dựa theo khuôn mẫu Hy Lạp

Chính trị, hay trong các thứ tiếng khác là (politics, politik, politique, 政治…) là một từ có nghĩa gốc từ từ Politika trong tiếng Hy Lạp cổ. Từ này nghĩa gốc có nghĩa là "công việc chung của thành phố". Thời Hy Lạp cổ, mỗi thành phố được bao quanh và giới hạn bởi thành lũy, thường có diện tích rất lớn, trong thành phố có đủ các cơ quan, cơ sở… Một thành phố thường có cơ cấu tổ chức như một nhà nước, vì vậy, hiểu theo một cách đơn giản, chính trị có nghĩa là "công việc chung".

Trong tiếng Anh, từ Politics được định nghĩa như sau : Chính trị là tiến trình của việc đưa ra quyết định áp dụng cho các thành viên trong nhóm, tổ chức, nó đề cập việc đạt và thi hành quan điểm/vị trí của việc cai trị - tổ chức kiểm soát trên một cộng đồng, đặc biệt là một quốc gia (1).

Trong tiếng Pháp, nó được định nghĩa như sau : Chính trị chủ yếu là thứ mang đặc trưng của tập thể, một số lượng cá nhân hoặc có nét đô thị. Theo cách nhìn nhận này, các nghiên cứu về chính trị hay khoa học chính trị được mở rộng ra tất cả các ngành của xã hội (2).

Trong tiếng Đức, nó được định nghĩa như sau : Chính trị có nghĩa là việc điều chỉnh các vấn đề của một quốc gia thông qua những quyết định có tính chất ràng buộc. Nói chung thì chính trị có thể được hiểu là mọi việc gây ảnh hưởng, điều chỉnh hay việc hiện thực hóa các yêu cầu, đòi hỏi hay là mục tiêu trong những lĩnh vực cá nhân hoặc là của cả cộng đồng. Khái niệm này luôn luôn không liên quan đến cái riêng tư mà liên quan đến toàn thể con người trong xã hội và nhà nước nói chung. Chính trị cũng có thể được miêu tả như là cuộc sống tập thể (cộng đồng) của người dân, những hành động và nỗ lực để nhằm lãnh đạo quốc gia cả ở bên trong lẫn bên ngoài (cả về đối nội lẫn đối ngoại) hoặc cũng như là việc làm xuất hiện ý chí và việc tìm ra một quyết định về những vấn đề của một quốc gia. Xét theo nét nghĩa hẹp thì chính trị có nghĩa là cấu trúc (Polity), những quá trình (Politics), chính sách (Policy) để nhằm điều chỉnh những đơn vị chính trị, thường thì các nhà nước theo như mối quan hệ của chúng với nhau. Trong bộ môn khoa học chính trị thì ý kiến kiên quyết rằng chính trị định nghĩa toàn bộ các mối quan hệ có mục tiêu hướng tới việc phân chia các giá trị vật chất như tiền hoặc là không mang tính vật chất như là dân chủ một cách mang tính chất quyết định. Những hành động chính trị có đặc điểm chính được miêu tả qua điểm chính yếu sau đây. Hành động xã hội được điều chỉnh sao cho phù hợp với những quyết định và các cơ chế điều khiển mang tính chất ràng buộc và điều chỉnh cuộc sông chung của mọi người (3).

Thoạt nhiên, tôi đã từng nghĩ rằng đó là một từ rất cổ. Nhưng không, hóa ra đó lại là một từ rất mới mẻ trong kho tàng từ vựng của người Việt Nam mình.

Trước khi Thực dân Pháp thiết lập nền cai trị, thì trong các kho tàng, sách vở của ta chưa hề có đề cập đến từ chính trị. Chỉ từ sau khi Pháp đến, chúng ta mới có một cái nhìn rõ ràng về từ "chính trị". Nước ta trước kia sử dụng chữ Nho và chữ Nôm, nên nhiều văn bản có từ ngữ chỉ các vùng đất Châu Âu, hay các khái niệm của phương Tây đều được thể hiện bằng chữ Hán (chữ Nho) trước rồi từ đó mới chuyển sang chữ Việt (chữ Nôm, nay là chữ quốc ngữ). Ví dụ tên các nước, các vùng như Moscow là Mạc Tư Khoa, America là Á Mỹ Lợi Kiên, Napoléon là Nã Phá Luân, Philippines là Phi Luật Tân…). Tương tự như vậy, từ "chính Trị" cũng được đưa vào tiếng Việt theo lối như vậy.

Chính Trị -政治- Zheng Zhi, gồm 2 chữ "Chính" và chữ "Trị". Về chữ Chính kia, theo từ điển giải nghĩa, có 2 nghĩa chính : Pháp Lệnh, sách lược cai trị ; nghĩa thứ hai là việc chung của một nhà nước. Còn chữ Trị có nghĩa là cai trị.

Dù với bất kỳ ngôn ngữ nào, kiểu dịch nào, khái niệm "Chính Trị" cũng đều có một điểm chung, đó là chỉ công việc chung của một nhóm người, một cộng đồng, hay một quốc gia. Đó là điều không thể chối cãi về mặt ngữ nghĩa của khái niệm.

Có vẻ như ở Việt Nam, khái niệm đơn giản này đã bị người ta hiểu theo nghĩa xấu. Nhắc đến hai từ Chính Trị, người ta nghĩ ngay đến việc tranh giành quyền lực bằng các thủ đoạn, mưu mô… của ông này bà nọ, của giới quan chức, rồi gán ghép cho nó đủ các ẩn nghĩa nguy hiểm như "Lật đổ, Bạo loạn…". Đây là cách hiểu hay cách diễn giải sai lầm ! Chính bởi cách hiểu đó nên người ta có bệnh sợ chính trị, không quan tâm chính trị. Nếu bây giờ thay từ Chính trị bằng từ "Công việc chung của đất nước" chắc hẳn chả ai còn lẩn tránh một khái niệm đơn giản như tránh một thứ gì đó xấu xa. Chỉ có kẻ không bình thường mới không quan tâm và thờ ơ với "Công việc chung của cộng đồng, của đất nước".

Lịch sử của Việt Nam gắn liền với việc bị người Trung Hoa xâm lược và truyền bá tư tưởng Nho giáo. Nho giáo đã ăn sâu vào gốc rễ dân tộc chúng ta 2000 năm. Trong Nho giáo, tất cả đất đai, tài sản, con người… đều là vật sở hữu của vua chúa, quan lại. Con người không có quyền của một người công dân trong chế độ phong kiến bảo thủ, độc tài. Con người chỉ như con vật, như thứ đồ chơi, việc triều đại này lên thay triều đại khác cũng chỉ như một cuộc sang tên đổi chủ với một vùng đất.

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi từ xưa đến nay dân ta thờ ơ, không quan tâm về chính trị. Vị thế của con người Việt Nam ta suốt 2000 năm nay như thứ đồ chơi trong túi của các triều đại phong kiến, độc tài, hay các thế lực quân phiệt. Người Trung Hoa cai trị người Việt hay người Việt cai trị người Việt thì cũng chỉ giản đơn là thay chủ, thay tên lực lượng chiếm đóng. Thực tế thì con người Việt Nam không có quyền tự do toàn vẹn, không quan tâm đến công việc chung của cộng đồng, đất nước, khi vị thế của họ không phải như một con người, tính mạng, cuộc sống của họ bị định đoạt bởi thế lực khác. Đó là một thứ di sản, một căn bệnh quái ác cần phải thoát và xóa bỏ ngay.

Chính trị kỳ thực rất đơn giản và dễ hiểu. Chính trị là công việc chung của cộng đồng, đất nước. Công việc chung của đất nước thì không thể vô đạo đức và dùng thuật lừa dối để thi hành. Chính trị là đạo đức ứng dụng trong công việc chung, vì vậy không thể gian trá. Chính trị mà không có sự đúng đắn, trong sáng, không có đạo đức, thì chỉ là trò nhảm nhí.

Công việc chung, ắt không thể vô đạo đức và gian trá ! Công việc chung mà vô đạo đức, thì cộng đồng và xã hội sẽ trở nên bất lương, gian ác. Gian ác và bất lương là cách nhanh nhất làm diệt vong bất cứ một dân tộc nào.

Việt Thủy

(23/12/2017)

Chú thích :

(1) Politics is the process of making decisions that apply to members of a group, it refers to achieving and exercising positions of governance — organized control over a human community, particularly a state

(2) La politique est donc principalement ce qui a trait au collectif, à une somme d'individualités et/ou de multiplicités. C'est dans cette optique que les études politiques ou la science politique s'élargissent à tous les domaines d'une société (économie, droit, sociologie, etc.)

(3) Politik bezeichnet die Regelung der Angelegenheiten eines Gemeinwesens durch verbindliche Entscheidungen. Sehr allgemein kann jegliche Einflussnahme, Gestaltung und Durchsetzung von Forderungen und Zielen in privaten oder öffentlichen Bereichen als Politik bezeichnet werden. Zumeist bezieht sich der Begriff nicht auf das Private, sondern auf die Öffentlichkeit und das Gemeinwesen im Ganzen. Dann können das öffentliche Leben der Bürger, Handlungen und Bestrebungen zur Führung des Gemeinwesens nach innen und außen sowie Willensbildung und Entscheidungsfindung über Angelegenheiten des Gemeinwesens als Politik beschrieben werden. Im engeren Sinne bezeichnet Politik die Strukturen (Polity), Prozesse (Politics) und Inhalte (Policy) zur Steuerung politischer Einheiten, zumeist Staaten, nach innen und ihrer Beziehungen zueinander. In der Politikwissenschaft hat sich allgemein die Überzeugung durchgesetzt, dass Politik "die Gesamtheit aller Interaktionen definiert, die auf die autoritative [durch eine anerkannte Gewalt allgemein verbindliche] Verteilung von Werten [materiellen wie Geld oder nicht-materiellen wie Demokratie] abzielen". Politisches Handeln kann durch folgenden Merksatz charakterisiert werden : "Soziales Handeln, das auf Entscheidungen und Steuerungsmechanismen ausgerichtet ist, die allgemein verbindlich sind und das Zusammenleben von Menschen regeln".

Additional Info

  • Author Việt Thủy
Published in Quan điểm