Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

11/02/2019

Trước ngưỡng cửa năm mới, nhớ lại một bài học

Việt Thủy

Năm nay đã là năm 2019. Vậy là chế độ cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam được 44 năm. Con số đó cũng sắp sửa ngót nghét nửa thế kỷ, một khoảng thời gian mà chúng ta có thể coi là khá dài. 44 năm quản trị đất nước, đảng cộng sản đã chứng tỏ họ chỉ là một tổ chức khủng bố, họ đã thất bại trên mọi phương diện quản trị đất nước. Tuy nhiên xem ra, họ thất bại nhưng không hẳn là vì ngu dốt. Cay đắng thay, họ vô học, nhưng họ có vẻ đã hiểu được một điều mà đa số người Việt Nam chúng ta còn khá mù mờ.

noilong2

Nới lỏng tự do (tư tưởng) để cho kinh tế phát triển. Ảnh minh họa

Điều mà tôi nói sau đây, rất quan trọng, quan trọng đến mức chính nó đã làm cho đảng cộng sản của Trung Quốc, cũng như Việt Nam "thoát hiểm" trong giai đoạn thập niên 80 khi sự khủng hoảng và thất bại của chủ nghĩa cộng sản dần hé lộ và sụp đổ. Đó chính là : Nới lỏng tự do để cho kinh tế phát triển. Trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn nội dung và chủ yếu nói về Việt Nam chúng ta.

Nếu để so sánh xem tư tưởng tự do và độc đoán, cái nào có lợi hơn cho sự phát triển, thì ta phải so sánh một quốc gia trước và sau khi có tự do.

Thế kỷ 20, một thế kỷ đẫm máu của nhân loại, lần đầu tiên khi mà con người xung đột với nhau, leo thang căng thẳng chỉ vì ý thức hệ. Chúng ta có thể tóm tắt và quy gọn chúng về hai chủ thuyết, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Hai công thức tổ chức xã hội khác nhau, cả hai đều tự cho mình là có thể đem đến phồn vinh cho người dân. Hai chủ thuyết này không chấp nhận sống chung với nhau mà đều sẵn sàng sử dụng bạo lực, chiến tranh để ngăn chặn, chiến thắng bên kia. Cuộc chiến này đã kết thúc khi mà các hệ phái của chủ nghĩa tập thể như Nazi, chủ nghĩa quốc gia Sôvanh (Chauvin), cộng sản… đã lần lượt thua cuộc trên hầu hết các mặt trận, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, cho đến mặt trận chủ yếu (trong một thời gian dài) gây bao đau thương đổ máu cho nhân loại, đó là quân sự.

Thập niên 80, đảng cộng sản bắt đầu có xu hướng "mở cửa" nền kinh tế một cách rón rén. Chính xác là từ năm 1986 với cái tên gọi là Đổi Mới. Quả nhiên, Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trông thấy. Sự tháo gỡ những kìm kẹp về kinh tế đã khiến nhiều ngành thủ công nghiệp nhỏ tăng khối lượng và phát triển. Nông thôn phát triển, sức sản xuất tăng vọt đi kèm với một mức tự do kinh tế lớn hơn trước khi được "mở cửa". Chỉ sau 44 năm, từ năm 1945 đến năm 1989, Việt Nam từ một nước bị nạn đói lớn với hàng triệu người chết, đã trở thành một nước xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. GDP tăng đáng kể. Đó là một thành tích về kinh tế mà đảng cộng sản đã làm được, kể từ khi họ mới chỉ nới tay cho đất nước này một chút ít tự do trong kinh tế. Sức mạnh của tự do thật lớn !

Còn khía cạnh chính trị, xã hội thì sao ? Việt Nam đã xích lại gần hơn với thế giới thay vì trước kia chỉ làm đồng môn của các nước xã hội chủ nghĩa cũ. Việt Nam đã cải thiện được mối quan hệ với Mỹ. Văn hóa xã hội, giáo dục đã thay đổi một cách mạnh mẽ, nhất là từ khi Internet xuất hiện. Kể từ đó, người Việt bắt đầu được tiếp xúc mạnh mẽ hơn với các thông tin, kiến thức đa chiều… trên thế giới. Chúng ta đã không còn bị cầm tù về tư tưởng trên chính đất nước của mình nữa. Người Việt đã biết đến sự sụp đổ của cộng sản đông Âu, sự lớn mạnh của Mỹ và phương Tây, biết đến các giá trị của dân chủ, tự do... Theo thời gian những kiến thức đó đã len lỏi vào xã hội Việt Nam. Trước kia, con người Việt bị bó hẹp và bế tắc hoàn toàn. Người không biết thì càng không có chỗ để xem, để tìm ; người muốn biết thì cũng gặp nhiều khó khăn như thế.

Giờ đây, một làn sóng tự do đang tràn đến. Một lớp người Việt Nam mới, trẻ, khao khát tìm hiểu mọi thứ…đang hình thành. Rất nhiều những niềm tin cũ, lý lẽ cũ, lịch sử cũ, kiến thức cũ… đã được phân tích, tìm hiểu và đào sâu cặn kẽ…kể từ khi xã hội Việt Nam có một sự tự do nhất định. Văn hóa khoa bảng kẻ sĩ của Khổng giáo, một hệ quy chiếu của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, đã bị xét lại. Ngay cả chủ nghĩa cộng sản, một thứ mà nó đã bị vứt bỏ ở chính nơi sinh ra nó, nhưng được tung hô thần thánh ở Việt Nam một thời gian dài, đã dần bị người Việt Nam coi như một thứ trò nhảm nhí, và đang tiến dần đến đà chống lại nó.

Một biến cố rất lớn, nhưng không ngờ và không chủ đích, đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình "mở cửa" để thoát hiểm đã vô tình đem theo những mở mang, thành tự về đủ mọi lĩnh vực cho người dân Việt Nam. Nếu so sánh một cách công bằng thì dưới triều đại của đảng cộng sản, mà chính xác là kể từ giai đoạn đổi mới, Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc hơn hẳn các triều đại khác trong lịch sử, nhưng quá chậm chạp và hủ lậu so với thế giới.

Nếu tự do, hay có thể gọi là dân chủ, dù chỉ ở một mức độ sơ khai nào đó, đã mang lại một sức mạnh thần kỳ như vậy rồi, vậy tại sao đảng cộng sản không để cho đất nước, xã hội này tự do hoàn toàn ?! Tại sao lại cứ do dự, để cho người dân hưởng thụ một thứ tự do nửa vời, tự do dân chủ giới hạn do đảng kiểm soát, lãnh đạo ? Đảng biết, tự do vừa thôi thì có lợi cho đảng và sau đó là cho người dân, nhưng nếu tự do hoàn toàn thì tuy rằng người dân càng được sung sướng và cởi trói nhưng có thể mất luôn đảng. Đảng cộng sản hiểu rõ điều đó. Nhưng đảng đã "trót mở cửa" cho tự do rồi, mà tự do và dân chủ là một làn sóng khai phóng con người, là ước mơ và khát vọng của mỗi người, nó chỉ lớn lên chứ không yếu đi và dù có đe dọa đảng nhưng cũng đã đến lúc không thể cản lại nó được nữa. Đó là một bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự rất khó cho một tổ chức không có lòng yêu nước, khủng bố, toàn trị như đảng cộng sản Việt Nam. Nếu họ yêu nước và biết đặt tương lai đất nước lên trên cùng, thì đó hiển nhiên là một bài toán quá đơn giản.

Chính sự tự do làm cho dân chúng khơi mở, tìm hiểu và biết về sự thật. Chính sự tự do đã làm đảng cộng sản phân rã vì đã đánh thức những con người yêu nước còn sót lại trong chế độ cộng sản. Chính sự "nới lỏng" tự do làm đảng cộng sản thoát hiểm, nhưng chính nó cũng sẽ làm đảng cộng sản sụp đổ. Cái sự quyến rũ của tự do lớn đến nỗi chính kẻ thù của nó là độc tài, toàn trị cũng phải tìm đến nó trong những lúc nguy nan.

Qua những phân tích trên, chúng ta đã thấy được sức mạnh của tự do, dân chủ (dù chỉ là một phần rất nhỏ), thấy được những điều kỳ diệu đã xảy ra khi chúng ta có tự do. Nhưng tôi thấy rằng, tâm thức của chúng ta vẫn chưa tự do hoàn toàn. Chúng ta vẫn là nô lệ của một thứ tâm lý truyền thống, đó là tâm lý Khổng Giáo. Chúng ta vẫn là những kẻ sĩ, chờ mệnh trời, chờ minh chủ. Chúng ta không dám dấn thân để ủng hộ một tổ chức hay một ý kiến đúng hoặc tự lập một tổ chức chính trị cho riêng mình. Chúng ta vẫn là "chúng ta" của một văn hóa cũ. Chỉ khi nào chúng ta có được sự tự do trong chính tư tưởng của mình, chúng ta mới thoát khỏi được ảnh hưởng của văn hóa Khổng Mạnh, chúng ta mới có thể khai phóng mọi nguồn lực để đi lên và góp phần thay đổi đất nước.

Năm nay đã là năm 2019. Những biểu hiện dâng trào của làn sóng tự do đang xuất hiện. Sự kiện xảy ra ở Venezuela, cũng như sự suy yếu dần và nguy ngập của các chế độ độc tài như Trung Quốc, Nga đang khiến dư luận cũng như người dân Việt Nam đứng trước một ngưỡng cửa lớn. Một cơ hội cũng như một thách thức lớn. Chúng ta nên thảo luận và suy nghĩ. Suy nghĩ về một viễn cảnh của Việt Nam trong tương lai. Đó là một câu hỏi thôi thúc cấp bách mà mỗi người yêu nước chúng ta phải tự trả lời cho chính mình !

Việt Thủy

(10/02/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Thủy
Read 1217 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)