Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/02/2019

Nhân quyền Việt Nam ra sao dưới thời Trump ?

Mai V. Phạm

Theo bản Phúc trình Toàn cầu 2019 của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), trong năm 2018, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp nhân quyền :

"Có ít nhất 42 người bị kết án chỉ vì công khai thể hiện ý kiến  phê phán chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình  một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ . Trong đó bao gồm chín thành viên  của Hội Anh em Dân chủ  và năm thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết . Tháng Sáu, hai thành viên Hội Anh em Dân chủ là Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà chấp nhận ra tù để đi lưu vong tại Đức".

nqvn1

Theo bản Phúc trình Toàn cầu 2018 của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, nhà cầm quyền cộng sản "đã bắt giữ ít nhất 21 blogger và các nhà hoạt động nhân quyền" trong năm 2017.

Trước đó, theo bản Phúc trình Toàn cầu 2017 của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, trong năm 2016, "có ít nhất 19 blogger và nhà hoạt động" bị nhà cầm quyền cộng sản xét xử và kết án".

Dựa vào những số liệu trên của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, chúng ta có thể dễ dàng thấy được số lượng người bất đồng chính kiến bị bắt và kết án tăng gần gấp 3 trong năm 2018 so với năm 2017.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Michael R. Pompeo, đã đến gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc trò chuyện với ông Trọng vào ngày 7/8/2018, Pompeo không một lần nhắc đến hai chữ "nhân quyền".

Hôm sau, vào ngày 8/7/2018, trong bài phát biểu với cộng đồng doanh nhân tại Hà Nội , Pompeo đã dành những lời khen ngợi dành cho lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam :

"Mối quan hệ mới mẻ với Hoa Kỳ, kết hợp với sự cần cù của nhân dân Việt Nam và sự lãnh đạo sáng suốt, đã giúp Việt Nam có một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc. Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á… trong bối cảnh quan hệ thương mại đang sôi động và hợp tác an ninh ngày càng tăng, không gì thiệt hại cho quyền lợi của Mỹ hơn là chọn một cuộc tranh chấp với Việt Nam…".

Chẳng lẽ ông Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ quên rằng Việt Nam là một nước độc tài toàn trị, quyền tự do tối thiểu của người dân bị đảng cầm quyền chà đạp, hàng triệu người dân vẫn đang sống trong nghèo khổ và oan ức vì bị tù oan, bị cưỡng chiếm đất đai, bị đàn áp vì lên tiếng bênh vực lẽ phải ? Nói như Pompeo nghĩa là việc đàn áp và chà đạp nhân quyền của đảng cộng sản là "sự lãnh đạo sáng suốt" ? Theo đánh giá về mức độ tự do của Freedom House, chỉ số nhân quyền của Human Rights Watch, hoặc chỉ số tham nhũng bạch của Transparency International, thì Việt Nam cùng với các nước độc tài khác luôn nằm gần cuối bảng. Chẳng lẽ sự thất bại và không có quyền tự do tối thiểu của đại đa số người Việt là "một câu chuyện thành công đáng kinh ngạc" đối với ông Pompeo ?

Nhân quyền : giá trị nền tảng của Hoa Kỳ

Chắc chắn sẽ có bạn lập luận rằng : Tại sao Trump phải quan tâm nhân quyền Việt Nam ? Thưa, bởi vì vận động dân chủ và nhân quyền luôn là một chiến lược ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ từ sau Chiến tranh Lạnh. Bộ Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao nhấn mạnh : "Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, các quyền lao động, và dân chủ thông qua chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ góp phần tạo nên hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở nước ngoài, làm giảm các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và tăng cường sự bền vững đối với các đối tác an ninh. Có thể nói, thực hiện những chiến lược này là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Theo luật, hàng năm Bộ Ngoại giao phải trình lên Quốc hội các báo cáo tổng hợp về tình hình nhân quyền toàn cầu. Quốc hội Hoa Kỳ cũng luôn dành một khoản chi phí hàng năm khá lớn cho cuộc vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền ở vô số quốc gia.

Tuy nhiên, từ khi Trump nhậm chức tổng thống, vận động dân chủ và cải thiện nhân quyền của Bộ Ngoại giao đã suy yếu rõ rệt và đáng kể. Theo ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019, nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) và các chương trình thúc đẩy dân chủ khác giảm mạnh. Ngân sách dự trù của chính quyền Trump sẽ cắt giảm 40% tổng tài trợ cho dân chủ và nhân quyền.

Nhân quyền chẳng là cái thá gì với Trump

Trong hơn 6.500 ngàn cái tweet của Trump từ lúc nhậm chức Tổng thống tới nay, chỉ có vỏn vẹn 5 lần Trump nhắc đến "human rights". Trong 5 lần, Trump không nhắc vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn, Trung Quốc, Cuba, hay Việt Nam, nhưng là Iran.

Trong cuộc họp song phương với Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 12/11/2017, Trump đã phát biểu rằng : "Xin cảm ơn Ngài Tổng bí thư rất nhiều. Ngài là một người đáng kính, và đây là niềm vinh dự của tôi khi được có mặt tại đây cùng với Ngài. Và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn dành cho Ngài vì đã đón tiếp chúng tôi". Trong bài phát biểu với Nguyễn Phú Trọng,Trump không một lần nhắc đến hai chữ "nhân quyền".

nqvn2

Trump phát biểu trong cuộc họp song phương với Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 12/11/2017

Còn trong cuộc họp song phương với Trần Đại Quang tại phủ chủ tịch nước vào ngày 11/11/2017, Trump đã phát biểu rằng : "Thưa Ngài chủ tịch, tôi xin chúc mừng những nỗ lực của ông trong việc thực hiện cải cách kinh tế và tăng cường thương mại và đầu tư của Việt Nam trên mọi phương hướng. Hoa Kỳ rất nhiệt thành với những cải cách nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế cho mọi công dân Việt Nam… Tôi đã đi thăm một số nơi của Việt Nam, và những gì đang diễn ra quả thật là rất tuyệt vời". Một lần nữa, Trump không hề nhắc đến hai chữ "nhân quyền".

Ngược lại, trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 5/2017, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu gửi quốc dân Việt Nam. Đáng lưu ý, Obama đã nhắc lại vấn đề thúc đẩy "nhân quyền" đến 4 lần :

- Lần 1 : "Tôi ủng hộ TPP bởi những lợi ích chiến lược quan trọng của hiệp định này. Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác thương mại duy nhất nào và hưởng lợi từ quan hệ rộng rãi hơn với nhiều đối tác, bao gồm Hoa Kỳ. Và TPP sẽ củng cố hợp tác khu vực. TPP sẽ giúp Việt Nam giải quyết bất đình đẳng kinh tế, và sẽ thúc đẩy nhân quyền, với mức lương cao hơn và điều kiện lao động an toàn hơn". 

- Lần 2 : "Ngay cả khi chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn trong những lĩnh vực mà tôi vừa nói đến, quan hệ đối tác của chúng ta còn bao gồm thành tố thứ ba – giải quyết những lĩnh vực mà chính phủ của chúng ta còn khác biệt, bao gồm nhân quyền".

- Lần 3 : "Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt mô hình chính phủ của chúng tôi lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói đây, tôi tin rằng không phải các giá trị Mỹ, tôi nghĩ đó là giá trị phổ quát được minh định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Những quyền đó được minh định trong Hiến pháp Việt Nam, khẳng định rằng "người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, và có quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp và quyền lập hội, và quyền biểu tình". Điều đó được nêu trong hiến pháp Việt Nam".

- Lần 4 : "Và trong nhiều năm tới kể từ bây giờ, khi ngày càng có nhiều người Việt Nam và Mỹ đang học tập với nhau ; đổi mới sáng tạo và kinh doanh với nhau ; cùng chung tay vì an ninh của chúng ta, thúc đẩy nhân quyền và cùng nhau bảo vệ hành tinh của mình…"

Mỗi bạn đọc hãy tự tham khảo kỹ lưỡng các bản đánh giá của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền và những phát biểu của Trump khi gặp gỡ các lãnh đạo Đảng, để đánh giá nhân quyền có phải là vấn đề Trump quan tâm hay không. Có thể dễ dàng nhận ra Trump không quan tâm đến nhân quyền. Còn về hành động cụ thể của Trump thì sao ? Theo website của Nhà Trắng , Trump không ký sắc lệnh (Executive Order) nào nhằm trừng phạt, cảnh cáo hoặc gây bất lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam.

Thay lời kết

Bài viết này không phải để kêu gọi Trump quan tâm đến nhân quyền, nhưng trình bày thực trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng tệ hại dưới thời Trump. Thêm nữa, bài viết là một thông điệp gửi đến những ai mong Trump sẽ khiến chế độ cộng sản lo sợ có cái nhìn chính xác và trung thực hơn.

Cứ nhìn vào sự gia tăng đàn áp với bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và sự phớt lờ nhân quyền của Trump để hiểu vì sao nhân quyền Việt Nam ngày càng tệ dưới thời Trump. Việc Trump khen ngợi các nhà độc tài Kim Jong-un, Putin, Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng… và phớt lờ các vi phạm nhân quyền sẽ khiến bọn chúng vui sướng hay sợ hãi ? Thế giới mà bọn độc tài được tổng thống Mỹ tung hô trong khi vi phạm nhân quyền bị tổng thống Mỹ phớt lờ là một thế giới đầy nguy hiểm hay an toàn ?

Trong năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tăng cường bắt bớ và đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa vì sự im lặng trước các vi phạm nhân quyền của người đứng đầu Nhà Trắng. Muốn tạo áp lực lên nhà cầm quyền cũng như tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc vận động nhân quyền và dân chủ, người viết thiển nghĩ người Việt nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là học và tập cách lắng nghe, tôn trọng, và giúp đỡ nhau. Chưa học cách lắng nghe và cậy dựa vào nhau, thì người Việt khó lòng liên kết thành nhiều khối mạnh để đòi hỏi nhân quyền và yêu sách dân chủ với nhà cầm quyền cộng sản. Như cụ Phan Châu Trinh đã dạy cách đây gần 100 năm rằng :

"Tôi xin thưa : Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau. Hễ người ta làm việc gì bất công thì mình phải hiệp sức nhau lại mà chống"…

Mai V. Phạm

(16/02/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 2044 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)