Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/02/2019

Về văn hóa chính trị nhân sĩ

Phạm Thị Hoài - Nguyễn Gia Kiểng

Lời tòa soạn : Nguyễn Gia Kiểng (sinh 1942) là cựu công chức Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30/04/1975 ông bị đi tù cải tạo hơn 3 năm. Khi được thả, ông được cộng sản sử dụng làm chuyên viên cho đến khi Pháp can thiệp để được đi định cư tại Pháp năm 1982. Nguyễn Gia Kiểng, cùng một số trí thức của miền Nam Việt Nam đã từng trải qua các trại tập trung cải tạo sau ngày 30/04/1975, thành lập một nhóm chính trị sau này trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng đường lối bất bạo động trong tinh thần hòa giải dân tộc, do đó bị đả kích từ những người chống cộng cực đoan khác. Trẻ xin giới thiệu bài phỏng vấn của Phạm Thị Hoài về quan điểm và phương pháp đấu tranh dân chủ cho Việt Nam của ông. 

Báo Trẻ Online, 15/02/2019

******************

ngk1

Phỏng vấn ông Nguyễn Gia Kiểng , Thường trực Tập họp Dân chủ Đa nguyên

Phạm Thị Hoài : Thưa anh Nguyễn Gia Kiểng, từ nhiều năm nay anh cảnh báo và thậm chí lên án cách hoạt động đối lập của người Việt mà anh gọi là "làm chính trị nhân sĩ". Trong bài viết gần đây nhất, thảo luận về "Yêu sách tám điểm năm 2019 của người dân Việt Nam", một lần nữa anh yêu cầu "chấm dứt lối hoạt động chính trị nhân sĩ để tiến tới đấu tranh có tổ chức". Thế nào là "làm chính trị nhân sĩ", trước hết xin anh một định nghĩa. 

Nguyễn Gia Kiểng : Rất đồng ý. Trước khi thảo luận cần đồng ý trên ý nghĩa của các từ ngữ. "Nhân sĩ" là một khái niệm của Nho giáo để chỉ những người "kẻ sĩ", nghĩa là những người có học, có chút tiếng tăm. Các nho sĩ ngày xưa chỉ cố gắng một mình để học và thi lấy bằng cấp với ước mơ được phục vụ cho một chính quyền và cho như thế là vinh quang. Họ không có văn hóa đấu tranh thay đổi chính quyền để thay đổi xã hội, mục tiêu của họ chỉ là làm thế nào để có danh giá và có địa vị xã hội cao hơn người khác. Do đó họ không thấy cần thiết phải kết hợp với nhau thành tổ chức để có sức mạnh của tổ chức, điều kiện bắt buộc để có thể đương đầu với chính quyền và áp đặt sự thay đổi. Khổng Tử dạy các nho sĩ rằng "nước nguy thì đừng tới, nước loạn thì đừng ở, chế độ lành mạnh thì xin phục vụ, chế độ vô đạo thì ở ẩn" (nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc kiến, thiên hạ vô đạo tắc ẩn). Nhân sinh quan tồi hèn này thay vì bị khinh bỉ đã được coi là cao quý trong hàng ngàn năm và đã ăn sâu vào tiềm thức của trí thức Việt Nam, hậu duệ của những kẻ sĩ, trong khi dù muốn hay không trí thức bao giờ cũng phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.

Chúng ta chưa rũ bỏ được di sản văn hóa này vì chúng ta chưa ý thức được sự tầm thường của nó. Hậu quả là cho tới nay ngay cả đa số những trí thức có tâm hồn nhất cũng chỉ hoạt động chính trị kiểu nhân sĩ, nghĩa là hoạt động với tư cách cá nhân, thỉnh thoảng ký tên vào một kiến nghị hay tham gia một hành động nhất thời chứ không dấn thân vào một tổ chức nào cả. Cách hoạt động chính trị nhân sĩ này sai một cách bi đát. Tổ chức cho chúng ta sức mạnh, điều này ai cũng biết, nhưng nó cũng khiến chúng ta mạnh dạn hơn, nó cũng là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến. Không có tổ chức thì hậu quả tự nhiên là bất lực, nhút nhát và thiếu chính xác. Nếu có một điều cần nhấn mạnh nhất thì đó là đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.

Chế độ cộng sản thực ra không mạnh. Nó đã phân hóa ở mức độ hiểm nghèo và chỉ còn là một liên minh giả dối của những người thù ghét nhau vì tranh giành quyền và tiền. Trở ngại chính của cuộc vận động dân chủ hóa đất nước là văn hóa nhân sĩ, là cách hoạt động chính trị nhân sĩ. 

Phạm Thị Hoài : Trong một bài viết khác về "giai đoạn Ngô Đình Diệm" anh cũng nhận định rằng "cách làm chính trị của ông Diệm và ông Nhu là cách làm chính trị nhân sĩ". Điều trớ trêu là những người cầm đầu cuộc đảo chính, giết hai anh em họ Ngô năm 1963, đã lập nên một "Hội đồng Nhân sĩ" như một cơ quan dân sự đóng vai trò cố vấn. Hội đồng này sau đó nhanh chóng bị giải tán, song một định chế như thế – có thể tương đương với các assemblée des notables – không chỉ có ở Việt Nam. Như vậy khái niệm "nhân sĩ" không hẳn được quan niệm rõ ràng trong tiếng Việt. Nguồn gốc của nó cũng không sáng tỏ. Có vẻ như nó là tất cả những khái niệm như thân hào, nho sĩ, chí sĩ, danh sĩ, kẻ sĩ, văn thân, sĩ tử… và nhân vật cộng lại. Để tránh hiểu lầm, anh có thể khoanh vùng rõ nét hơn cho cái "văn hóa nhân sĩ" mà anh vừa nói đến không ? 

Nguyễn Gia Kiểng : Ông Diệm và ông Nhu đúng là làm chính trị kiểu nhân sĩ như tôi đã mô tả ở trên. Mục tiêu thầm kín của các nhân sĩ là xây dựng uy tín cá nhân cho mình rồi chờ cơ hội để nắm hay tham gia vào chính quyền. Cả ông Diệm lẫn ông Nhu đều không có tổ chức nào cả. Ông Diệm đi Mỹ rồi đi Pháp tranh thủ sự yểm trợ để được đưa lên cầm quyền nhưng thất vọng rồi sang Bỉ sống trong một nhà tu công giáo để chờ thời. Ông hoàn toàn không có lực lượng Việt Nam nào sau lưng. Thời cơ đã đến khi người Pháp sắp thua tại Điện Biên Phủ và đưa ông Diệm lên cầm quyền vì họ nhìn thấy nơi ông một lối thoát danh dự.

Chỉ đến khi đã cầm quyền, ông Diệm và ông Nhu mới thành lập Đảng Cần lao Nhân vị để có lực lượng nhưng không thành. Đảng Cần lao Nhân vị có tới vài trăm ngàn đảng viên nhưng đã bốc hơi tức khắc sau khi ông Diệm bị lật đổ. Thực ra nó đã chết trước đó mấy năm. Ông Ngô Đình Nhu, người sáng lập ra nó, không muốn nhắc tới nó nữa vì nó chỉ tạo ra vấn đề chứ không giải quyết được gì cả. Tình trạng này cùng giống hệt như Đảng Dân chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu trước năm 1975. Không ai có thể thành lập một chính đảng một khi đã nắm được chính quyền vì lúc đó không thể phân biệt được những người vào đảng vì lý tưởng chính trị với những người chỉ chạy theo quyền lợi. Cuối cùng thì ông Diệm chỉ còn tin tưởng ở anh em họ hàng. Kinh nghiệm Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu sau đó, cho thấy rằng một người không có một chính đảng làm hậu thuẫn, ngay cả nếu vì một sự tình cờ ngàn năm một thuở có được chính quyền, cũng thất bại chắc chắn.

Cô Hoài nhắc lại "Hội đồng Nhân sĩ" (assemblée des notables) do các tướng lãnh lập ra sau khi đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm. Định chế này đã xuất hiện trong giai đoạn Cách mạng Pháp 1789 và cũng được lặp lại sau này trong vài nước lạc hậu như là một liều thuốc chữa chạy cho tình trạng trống vắng chính trị. Các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa lập Hội đồng Nhân sĩ sau khi lật đổ ông Diệm vì họ không có một sự chính đáng nào và cần dựa vào những người có chút uy tín để được dư luận chấp nhận. Đây là một nhu cầu rất tạm thời nên không ngạc nhiên khi hội đồng này bị giải tán sau đó. Đây cũng là dịp để các vị nhân sĩ phơi bày sự trống rỗng kiến thức chính trị, một kiến thức chỉ có được trong sinh hoạt chính đảng.

Cô Hoài cũng thêm ra một loạt các khái niệm của xã hội Nho giáo thân hào, nho sĩ, chí sĩ, danh sĩ, văn thân, sĩ tử và nhân vật, có thể thêm kẻ sĩnho gia và vài danh xưng khác nữa. Điều này chứng tỏ văn hóa nhân sĩ ăn rễ rất sâu vào xã hội ta.

Nhân sĩ là một nho sĩ – hay sĩ tử, văn thân, kẻ sĩ, nói chung là một người có đi học – có tiếng tăm. Các nhân sĩ có tiếng tăm lớn được gọi là danh sĩ, nếu có thể có một vai trò lãnh đạo thì được gọi là chí sĩ. Như vậy điều cốt lõi của văn hóa nhân sĩ là tiếng tăm, là chữ Danh. Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông (Nguyễn Công Trứ). Chữ Danh gần như là tất cả đối với các nhân sĩ và trong hầu hết mọi trường hợp nó được coi là đồng nghĩa với "công danh", nghĩa là làm quan lớn, càng lớn càng vinh quang. Và mỗi nhân sĩ cố gắng một mình để tìm công danh cho riêng mình.

Văn hóa nhân sĩ như vậy ít nhất để lại cho trí thức Việt Nam hai thương tật :

Một là coi hoạt động chính trị là để làm quan, là tranh giành công danh cho riêng mình, bằng cố gắng cá nhân.

Hai là tâm lý phục tùng chính quyền thay vì đấu tranh để thay đổi nó, ngay cả khi đó chỉ là một chính quyền tồi dở và thô bạo.

Hai tật nguyền này khiến các trí thức Việt Nam không kết hợp được với nhau để xây dựng một lực lượng có tầm vóc để đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Đa số không có văn hóa tổ chức hoặc ý chí thay đổi xã hội, hoặc cả hai. 

Phạm Thị Hoài : Trong hai cụ Phan, hai nhà ái quốc lớn thời Pháp thuộc, có vẻ như Phan Châu Trinh đáp ứng hình mẫu của một nhân sĩ mà anh miêu tả. Cụ hoạt động cá nhân, cùng một vài người bạn đồng chí hướng chứ không ở trong một tổ chức nào đáng kể. Cụ dành phần lớn cuộc đời cho công cuộc duy tân, khai hóa dân tộc và viết những bản kiến nghị, điều trần gửi nhà cầm quyền thực dân chứ không trực tiếp đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ thuộc địa. Phan Bội Châu khác hẳn, sáng lập các tổ chức, vận động các phong trào, thậm chí theo đuổi cả các hoạt động bạo lực nhằm giành lại độc lập cho dân tộc. Anh cổ xúy cho tinh thần Phan Châu Trinh hay tinh thần Phan Bội Châu ? 

Nguyễn Gia Kiểng : Tôi kính trọng cả hai nhà chí sĩ họ Phan nhưng chọn lựa của tôi rất rõ ràng : Phan Châu Trinh đúng và Phan Bội Châu sai. Tôi đã viết một bài trong chiều hướng này .

Phan Châu Trinh không hoạt động cá nhân, ông luôn luôn tìm cách liên kết với những người có tâm huyết để có thêm sức mạnh. Năm 1904, ngay khi từ quan, ông đã kết thân với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, rồi ba người cùng vào Nam liên kết với nhiều người khác. Sau đó ông cũng ra Bắc gặp Đề Thám, sang Trung Quốc gặp Phan Bội Châu và sang cả Nhật, để nhận định hướng đi cho cuộc đấu tranh, những mục tiêu cần phải đạt tới, những gì cần làm và những gì có thể làm. Và ông đã làm những gì có thể làm. Ông đấu tranh có phương pháp.

Ngày nay các nghiên cứu về đấu tranh chính trị không thiếu và anh em chúng tôi trong Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã đúc kết trong các dự án chính trị, kể cả dự án gần đây nhất : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai . Đấu tranh thay đổi xã hội phải qua năm giai đoạn trong đó hai giai đoạn đầu cũng là hai giai đoạn dài và khó khăn nhất : một là xây dựng một tư tưởng chính trị đúng thể hiện qua một dự án chính trị lành mạnh và khả thi ; hai là xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt. Phan Châu Trinh đã hành động như thế. Ông cho rằng việc đầu tiên phải làm là khai dân trí, nghĩa là phổ biến một tư tưởng chính trị. Ông là người Việt Nam đầu tiên quả quyết xác nhận lập trường dân chủ và trình bày dân chủ một cách có bài bản. Ông không kêu gọi đấu tranh xóa bỏ ngay tức khắc chế độ thuộc địa vì ông nhìn thấy một điều mà nhiều nho sĩ không nhìn thấy là Việt Nam chưa bao giờ tiến bộ nhanh bằng trong giai đoạn Pháp thuộc về tất cả mọi mặt khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, giáo dục và ngay cả nhân quyền.

Phan Châu Trinh công khai và dứt khoát chọn lập trường tranh đấu giành độc lập nhưng ông cho rằng dân tộc ta cần trước hết xứng đáng với độc lập, để độc lập khiến chúng ta tiến bộ nhanh hơn và con người được tôn trọng hơn. Phạm Quỳnh sau đó cũng có một lập trường tương tự dù không đủ dứt khoát và gây tranh cãi. Phan Châu Trinh hoàn toàn có lý nhưng ông không thể làm hơn được, cuộc sống của ông trong những năm cuối cùng tại Pháp quá thiếu thốn, ảnh hưởng nghiêm trọng lên tình trạng sức khỏe của ông và ông mất năm 1926 sau khi về nước không đầy một năm, ở tuổi 54.

Phan Bội Châu trái lại chỉ hành động theo nhiệt huyết, ông chủ trương giành độc lập bằng bạo lực dù không có phương tiện bạo lực, ông chủ trương phục hồi Khổng giáo mà không ý thức rằng đó là một văn hóa độc hại, ông cầu viện Nhật dù đó là một chế độ quân phiệt hung bạo. Ông lầm to. 

Phạm Thị Hoài : Song giới nhân sĩ trong và ngoài nước hiện nay cũng rất đề cao tinh thần Phan Châu Trinh và hoạt động theo sát các chủ trương của cụ. Và từ những rụt rè thận trọng ban đầu, nay họ đã tập hợp thành một đội ngũ nhất định, tuy chưa phải là những tổ chức quy củ và mạnh mẽ nhưng đã có sức lan tỏa. Và quan trọng nhất : họ cũng không thể làm hơn được. Mọi tổ chức đối lập đều bị chính quyền bóp nát từ trong trứng nước. Vậy họ phải làm gì ?

Nguyễn Gia Kiểng : Không biết trong câu hỏi này cô Hoài có ý định khiêu khích để tôi phản đối hay không nhưng tôi không nghĩ là các "nhân sĩ hiện nay", để dùng từ của cô Hoài, đã làm tất cả những gì có thể làm theo gương Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh là nhà dân chủ đầu tiên của nước ta. Ông đã vượt hẳn tư tưởng của thời đại mình, dứt khoát đoạn tuyệt với Khổng giáo và chọn lập trường dân chủ nhân quyền. Điều này đặc biệt đáng thán phục vì Phan Châu Trinh không biết tiếng Pháp và chỉ đọc một vài cuốn sách dịch tư tưởng phương Tây được gọi là "Tân thư", ông đã cần một cố gắng suy tư cá nhân rất lớn để hiểu và hấp thụ những tư tưởng mới. Ông cũng đã từ quan, dứt khoát từ bỏ mọi ân huệ của chế độ quân chủ và thẳng thắn bác bỏ nó đến nỗi bị án đày chung thân, suýt bị tử hình nếu người Pháp không can thiệp. Sau này tại Pháp ông cũng từ chối không chấp hành lệnh động viên vào quân đội Pháp trong Thế chiến I, dù đó chỉ là hình thức, để bị tù và mất việc làm, rơi vào cảnh đói khổ đến nỗi cả ông lẫn con trai đều chết vì hậu quả của thiếu thực phẩm và thuốc. Phan Châu Trinh rất dũng cảm dù ông chủ trương đấu tranh bất bạo động.

Các trí thức hiện nay nói chung còn một khoảng cách xa so với Phan Châu Trinh. Họ không đi trước và dẫn đường như ông. Nhiều kiến nghị và yêu cầu còn tụt hậu so với ý thức của quần chúng. Nhiều người vẫn còn không dám nói hết những điều mình nghĩ, một số tuy đã về hưu vẫn hãnh diện xưng ra những chức vụ từng giữ trong chế độ cộng sản, dù xét cho cùng đó chỉ là tiếp tay cho một chế độ bất chính và độc hại. Một số trí thức ưu tú đã đề cao Phan Châu Trinh, tôi chỉ có thể tán thành họ, nhưng cũng xin phép nhắc nhở rằng Phan Châu Trinh đã qua đời từ gần một thế kỷ rồi và cách tôn vinh đúng các nhà cách mạng tư tưởng không phải là làm theo họ mà là đi xa hơn họ, như họ đã đi xa hơn di sản lịch sử của chính họ.

Tôi cũng không nghĩ là các trí thức hiện nay đã làm tất cả những gì họ có thể làm. Chúng ta phải có một tổ chức mạnh để giành thắng lợi cho cuộc vận động dân chủ và đó là điều chúng ta có thể làm được ngay trong tình trạng hiện nay, dù chủ trương của chính quyền cộng sản là không để nhen nhúm thành lập các tổ chức như họ đã nhiều lần nhắc lại. Trong hơn 40 năm qua đã diễn ra một cuộc giằng co giữa một bên là nhân dân Việt Nam vùng vẫy để tự cởi trói và bên kia là Đảng Cộng sản Việt Nam cố siết lại để duy trì chế độ toàn trị, với kết quả là Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải nhượng bộ khá nhiều. Hiện nay mọi người Việt đều có thể công khai nói rằng mình ủng hộ dân chủ, không thích chủ nghĩa Mác-Lênin, thậm chí đả kích chế độ cộng sản mà cùng lắm chỉ bị thiệt hại về quyền lợi chứ không bị đe dọa về an ninh. Đó là điều mà hàng ngàn người đang làm công khai mỗi ngày trong đời thường cũng như trên các mạng xã hội. Mức độ tự do này đủ để chúng ta có thể thành lập một tổ chức dân chủ mạnh nếu thực sự có quyết tâm từ bỏ cách hoạt động nhân sĩ để đấu tranh có tổ chức.

Có hai điều kiện chính. Điều kiện thứ nhất là phân công. Mỗi người tùy cương vị của mình – ở trong hay ngoài nước, ở trong hay ngoài bộ máy đảng và nhà nước cộng sản v.v. – làm những gì mình có thể làm thay vì tranh giành những vai trò mà mình không thể đảm nhiệm. Điều kiện thứ hai, quan trọng hơn nhiều, là niềm tin sắt đá vào sức mạnh của lẽ phải, là niềm tin rằng bao nhiêu triệu công an võ trang cũng vẫn thua lẽ phải, nếu chúng ta thực sự biết vận dụng lẽ phải. 

Phạm Thị Hoài : Cuộc Cách mạng Hòa bình ở Đông Đức năm 1989 chấm dứt chế độ chuyên chính vô sản ở Cộng hòa dân chủ Đức và dẫn đến thống nhất nước Đức diễn ra không do tổ chức nào lãnh đạo. Ngược lại, các tổ chức chính trị đối lập mà trước đó không thực sự hiện diện đã hình thành qua đêm, từ phong trào tự phát lan rộng của quần chúng.

Song dường như cuộc cách mạng đó cũng như tất cả các chuyển đổi thành công từ một chế độ độc tài cần ít nhất một trong ba điều kiện : Một, ý chí thay đổi chế độ hiện hành của đa số người dân ; hai, một khoảng trống quyền lực đủ lớn ; và ba, một hoàn cảnh chính trị quốc tế đủ thuận lợi.

Đông Đức năm 1989 đáp ứng cả ba điều kiện đó. Việt Nam năm 2019 dường như không đáp ứng cả ba. Đa số dân chúng không màng chuyện chính trị. Chính quyền đảng trị và nhà nước công an không thực sự suy yếu dù chúng ta cấp sẵn giấy báo tử cho nó từ rất lâu rồi. Còn thế giới thì có đủ thứ khác đáng bận tâm hơn chế độ cộng sản giả hiệu hạng nhì ở Việt Nam, chưa kể chỗ dựa vững mạnh của chế độ ấy ở một Trung Quốc cộng sản giả hiệu hạng nhất đang chuẩn bị thống soái thế giới. Lẽ phải, trong hoàn cảnh như vậy, có vẻ rất cô đơn ?

Nguyễn Gia Kiểng : Lẽ phải không bao giờ cô đơn và luôn có sức mạnh vô địch của nó nếu biết vận dụng. Không thể so sánh Việt Nam hiện nay với Đông Đức năm 1989. Đông Đức lúc đó giống như một tỉnh của Đức bị nước ngoài chiếm đóng, nước ngoài bỏ đi và một nước mẹ phồn vinh giang tay đón nhận. Trong một hoàn cảnh như thế thì dù có hay không có các tổ chức chính trị, thay đổi vẫn đến.

Việt Nam hiện nay là một quốc gia đang phải chịu đựng một chính quyền tồi dở đặt nền tảng trên một chủ nghĩa độc hại. Chúng ta phải thay đổi cả chính quyền lẫn chế độ và văn hóa chính trị. Cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước Việt Nam là một cuộc cách mạng đúng nghĩa. Chúng ta mong muốn cuộc cách mạng này sẽ diễn ra trong hòa bình và trong tinh thần hòa giải dân tộc nhưng đó vẫn là một cuộc cách mạng rất lớn, toàn diện và triệt để. Kinh nghiệm cũng như lý luận cho thấy là có bốn điều kiện cần và đủ để một cuộc cách mạng thành công, như Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã vạch ra trong các dự án chính trị từ ba thập niên qua và nhắc lại trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai : 

Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi. 

Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể. 

Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới. 

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Dĩ nhiên không bao giờ có điều kiện nào được thực hiện xong 100%, nhưng tới một mức độ chín muồi nào đó ta có thể coi một điều kiện là đã đạt được. Đây là những điều kiện để một quốc gia tự thay đổi. Dĩ nhiên bối cảnh thế giới có thể gia tốc hoặc làm chậm lại tiến trình cách mạng nhưng yếu tố quyết định vẫn là cố gắng của chính dân tộc đang cần sự thay đổi. Nhìn vào tình trạng Việt Nam hôm nay chúng ta có thể nói là hai điều kiện đầu coi như đã có.

Điều kiện thứ ba cũng đã có được một phần đáng kể. Quần chúng Việt Nam hiện nay đều muốn một chế độ dân chủ pháp trị và một nền kinh tế thị trường, nhưng vấn đề gai góc còn lại là hiểu rõ những khái niệm nền tảng của dân chủ và đem lại cho chúng một nội dung vừa Việt Nam vừa cập nhật. Không đơn giản đâu, dân chủ không phải chỉ là khẩu hiệu "tam quyền phân lập". Chúng ta cần một nền tảng tư tưởng và những định hướng lớn cho mô thức Việt Nam như chúng tôi đã trình bày trong dự án chính trị của mình. Đất nước đang cần một đột phá về tư tưởng mà hình như trí thức Việt Nam vẫn tránh né, chính vì thế mà cuộc vận động dân chủ vẫn chưa khởi sắc.

Điều kiện thứ tư, cũng là điều kiện cụ thể nhất và quan trọng nhất, nghĩa là một tổ chức chính trị có tầm vóc, thì chúng ta gần như thiếu hẳn. Đó là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tồn tại dù đáng lẽ nó đã phải bị đào thải từ lâu rồi. Phải ý thức rằng ngay cả nếu chế độ này có ngã gục trên chính quyền thì chúng ta vẫn cần một lực lượng để kéo thi thể của nó đi chỗ khác, nhưng lực lượng này chúng ta vẫn chưa có.

Tại sao chúng ta vẫn chưa có một tổ chức dân chủ mạnh ? Lý do chính không phải là vì chính quyền cộng sản đàn áp. Với mức độ tự do đã giành được và các phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một tổ chức dân chủ lớn. Trở ngại chính là di sản văn hóa nhân sĩ, là cách hoạt động chính trị một mình hay trong khuôn khổ bạn bè thay vì tham gia xây dựng một tổ chức đúng nghĩa. Chúng ta chỉ có thể đưa cuộc vận động dân chủ ra khỏi thế èo ọt hiện nay nếu vất bỏ được cách làm chính trị nhân sĩ này. Tổ chức sẽ cho chúng ta sức mạnh, lòng tin và sự dũng cảm, nhưng nó cũng giúp chúng ta có được bước đột phá tư tưởng cần thiết mà tôi vừa nói tới trong điều kiện thứ ba, vì tổ chức cũng chính là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến. 

Phạm Thị Hoài : Vì sao đó nhất thiết phải là một tổ chức dân chủ mạnh mà không thể là một liên minh, một tập hợp của rất nhiều tổ chức có thể tương đối nhỏ ? Đã có khá nhiều tổ chức như vậy ở Việt Nam và hải ngoại, song dường như phần lớn đều chưa sẵn sàng đứng chung trong một liên minh dân chủ ? Hai năm trước, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên mà anh là chủ tịch phải trải qua một vụ ly khai. Bản thân anh với chủ trương đấu tranh ôn hòa cũng bị những người chống cộng cực đoan tẩy chay. Lý tưởng dân chủ không đủ mạnh để làm chất keo đoàn kết các lực lượng dân chủ, hay đơn giản là mô hình kinh điển của những tổ chức và đảng phái chính trị trước đây không còn phù hợp với những phương thức vận động quần chúng của thế kỷ 21 này, khi cá nhân một influencer có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người qua internet ? 

Nguyễn Gia Kiểng : Chúng ta đâu có mô hình tổ chức kinh điển nào từ trước đến nay đâu. Sự thực là chúng ta chẳng có mô hình tổ chức nào cả, cứ tùy hứng mà lập tổ chức thôi. Đó thảm kịch văn hóa của chúng ta và cũng là lý do khiến chúng ta vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Khi chúng ta tưởng rằng mình đã học được kinh nghiệm của một đảng nào đã thành công tại một nước nào đó thì cùng chỉ là học phiến diện và vội vã chứ không hiểu. Muốn hớt tóc hay làm móng tay cũng phải học ít nhất nửa năm, nhưng đấu tranh để thay đổi số phận của cả một dân tộc thì nhiều người lại cho rằng không học cũng làm được. Kết quả là hợp rồi tan. Sau gần nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản đã có hàng trăm hàng ngàn tổ chức được thành lập để chống lại nhưng bây giờ còn lại bao nhiêu tổ chức có chút thực chất ? Không bằng số ngón tay của một bàn tay.

Nhưng tại sao cách hành động cẩu thả như vậy cứ tiếp tục ? Đó có lẽ là vì lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước không đủ mạnh. Người ta chỉ hành động vì tức giận với chế độ cộng sản, hay tệ hơn nữa vì muốn có chút tiếng tăm nên không thấy cần phải nghiên cứu và học hỏi. Nếu thực sự đấu tranh vì dân chủ và tương lai đất nước thì người ta sẽ chăm chú quan sát, nghiên cứu, suy nghĩ và sẽ hiểu rằng xây dựng một tổ chức dân chủ có tầm vóc là điều vừa bắt buộc phải làm vừa vô cùng khó khăn và sẽ có thái độ đóng góp khiêm tốn và thận trọng.

Anh em chúng tôi trong Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã dành trọn hai năm để chỉ nghiên cứu về mục tiêu, đường lối và phương thức đấu tranh trước khi quyết định thành lập tổ chức. Nhờ đó chúng tôi hiểu rằng muốn xây dựng một tổ chức phải có một tư tưởng chính trị đúng đắn thể hiện qua một dự án chính trị nghiêm túc và khả thi, sau đó cố gắng đầu tiên là phải xây dựng một đội ngũ nòng cốt. Hai giai đoạn này chiếm gần hết thời giờ và cố gắng của cuộc đấu tranh và có thể kéo dài nhiều thập niên nhưng đó là cái giá phải trả cho cuộc cách mạng dân chủ. Chúng ta có thể nhận xét là ngay cả các chính đảng có bề dầy lịch sử mà không cập nhật được tư tưởng chính trị cũng không thể tồn tại.

Thành lập tổ chức rất khó nhưng là điều không thể tránh né. Một cá nhân đứng ngoài mọi tổ chức dù xuất chúng và tận dụng mạng internet cũng chỉ có thể đóng góp cho cuộc vận động dân chủ trong việc khai dân trí, nhưng cũng chỉ giới hạn thôi vì điều cần khai dân trí nhất chính là phải chấm dứt lối làm chính trị nhân sĩ.

Công thức liên minh các tổ chức nhỏ cũng không phải là giải đáp cho nhu cầu có một lực lượng dân chủ mạnh. Từ 1975 tới nay đã có vài chục liên minh. Tất cả các liên minh này đều bế tắc ngay sau khi thành lập và trên thực tế tan rã ngay sau đó. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có lập một ủy ban nghiên cứu về các kinh nghiệm liên minh để rút những kết luận cho tương lai.

Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã nói đến sự cần thiết của một mặt trận, hay liên minh, dân chủ, nhưng đó chỉ là một liên minh giai đoạn ở cao điểm của cuộc vận động dân chủ và dù vậy cũng phải có hai điều kiện. Một là phải có một tổ chức mạnh và có uy tín để làm đầu tầu với vai trò lãnh đạo được các tổ chức thành viên khác chấp nhận. Hai là mỗi tổ chức thành viên đều phải có một tầm vóc nào đó, nếu không thì liên minh cũng giống như một cuộc tảo hôn và sẽ thất bại.

Cô Hoài có nhắc tới vụ ly khai hơn hai năm trước xẩy ra trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Những ai đã từng tham gia xây dựng các tổ chức đều hiểu rằng những trục trặc là thường. Lòng người phức tạp và văn hóa tổ chức của người Việt Nam chúng ta không cao, lý tưởng dân chủ và lòng yêu nước nơi một số người đôi khi cũng không đủ mạnh để chấp nhận những hệ lụy của sinh hoạt tổ chức. Chúng tôi có may mắn là ít gặp sự cố nhưng đây không phải là lần đầu có những người ra đi. Phần lớn ra đi trong sự nhã nhặn và vẫn giữ cảm tình với tổ chức, nhưng cũng có những người ly khai, nghĩa là ra đi và dứt tình với tổ chức. Đặc tính chung ở những người ly khai này là họ ngừng hoạt động chính trị một thời gian ngắn sau đó.

Vụ ly khai cách đây hai năm chỉ là một hành động phản bội vì bị cám dỗ tiền bạc quá lớn chứ tuyệt đối không phải vì một động cơ chính trị nào. Những người chủ mưu, trong đó có người phụ trách trang Thông Luận , đã cướp trang web này để lấy nó làm dụng cụ bênh vực ông Trịnh Vĩnh Bình trong vụ kiện chính quyền cộng sản Việt Nam. Ông Trịnh Vĩnh Bình, một người quen thân lâu ngày của họ, đòi bồi thường 1.050 triệu USD và hứa sẽ tặng 90% số tiền giành được cho các thân hữu. Họ không thể làm việc này trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được vì đối với chúng tôi, đây chỉ là vụ kiện của một người làm giầu bất chính bằng cách câu kết với một chính quyền bất lương và bị chính quyền bất lương này phản bội. Cám dỗ quá lớn và họ đã bịa đặt đủ điều để đánh lừa một số anh em khác, thí dụ như bịa đặt một chúc thư của cố huynh trưởng Nghiêm Văn Thạch kêu gọi các chí hữu nổi loạn chống ban lãnh đạo ngay trong ngày đám tang của ông. Họ đã tan rã ngay sau khi vụ kiện kết thúc, chỉ còn vài người cố gian trá tới cùng thôi.

Cô Hoài cũng nói tới những người buộc tội chúng tôi thân cộng. Xin trả lời vắn tắt rằng chuyện này đã thuộc hẳn vào quá khứ. Phần lớn dư luận trong cũng như ngoài nước ngày nay đã hiểu lập trường của chúng tôi, dù đồng ý hay không. Không thể khác, không có sự hiểu lầm nào kéo dài mãi được.

Phạm Thị Hoài : Có thể có một hiểu lầm khác. Trên trang nhà, Tập hợp Dân chủ Đa nguyên khẳng định rằng mình "gần như là địa chỉ duy nhất cung cấp cho độc giả và mọi người Việt Nam những kiến thức cơ bản nhất về chính trị", "là ngoại lệ duy nhất" trong các tổ chức và đảng phái chính trị Việt Nam hiện tại có khả năng dự đoán và "có giải pháp cho tất cả các mọi vấn đề của Việt Nam". Chưa kể nguy cơ đánh mất thiện cảm của các đồng minh chính trị, tuyên xưng "duy nhất" ấy có phù hợp với diễn ngôn dân chủ đa nguyên không, và rốt cuộc, ít nhiều cũng rơi vào một khía cạnh của "văn hóa chính trị nhân sĩ" mà anh phê phán, khía cạnh một mình, chỉ riêng mình, duy nhất mình đạt được thành tựu không, thưa anh ?

Nguyễn Gia Kiểng : Cảm ơn lời nhắc nhở chân tình của cô Hoài. Cùng một lập trường nhưng mỗi người có cách phát biểu khác nhau.

Hai bài báo mà cô Hoài nhắc tới phản ánh cách phát biểu riêng của Việt Hoàng. Mỗi người chúng ta đều là một ngoại lệ duy nhất cả. Điều tôi có thể quả quyết là Việt Hoàng, một chí hữu đầy tiềm năng của Tập hợp, không viết như vậy vì tự mãn mà vì phiền lòng trước cách đấu tranh hiện nay trong phong trào dân chủ. Chúng ta phản bác chế độ cộng sản và đấu tranh để thay đổi nó thì chúng ta cũng phải biết chúng ta muốn thay đổi như thế nào, chúng ta muốn xây dựng đất nước Việt Nam nào. Chúng ta cũng phải biết đâu là những vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước và có thể có những giải đáp nào. Nhưng thực tế là trong vô số các tổ chức đã được thành lập, và đa số không còn nữa, đã có bao nhiêu tổ chức có được một dự án chính trị cho đất nước ?

Hãy lấy một thí dụ cụ thể là môi trường. Từ ba thập niên qua Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã liên tục cảnh báo rằng đất nước đang bị hủy hoại và đây là một trong những nguy cơ lớn nhất vì đất nước trước hết là đất và nước, và khi đất nước đã bị ô nhiễm đến độ không còn sống được nữa thì chúng ta chẳng còn gì để nói với nhau. Chúng tôi đã không nhận được sự đồng tình hưởng ứng nào cho đến khi xẩy ra thảm họa Formosa. Chúng tôi còn nêu ra nhiều vấn đề lớn khác với những đề nghị giải đáp, như những ai bỏ thì giờ đọc dự án chính trị của chúng tôi có thể thấy.

Niềm tin của anh em chúng tôi là muốn đấu tranh chính trị đúng nghĩa thì phải nhận diện được và có giải đáp cho những vấn đề lớn của đất nước, đồng thời chuẩn bị nhân lực để thực hiện những giải đáp đó. Muốn như thế thì phải có sức mạnh của tổ chức, phải hy sinh tư kiến, lòng tự ái và tham vọng cá nhân để đấu tranh có tổ chức. Cách phát biểu của Việt Hoàng có thể bị hiểu lầm là tự mãn nhưng hoàn toàn không có tâm lý nhân sĩ.

Một lời sau cùng : Lẽ phải có sức mạnh vô địch nhưng nó không chỉ giới hạn trong phạm vi đạo đức. Khi chúng ta lên án độc tài, tham nhũng và các thẩm phán tay sai trong những phiên tòa chính trị chúng ta có lẽ phải, nhưng chúng ta cũng có lẽ phải khi chúng ta nói một nền kinh tế lành mạnh phải cố gắng phát triển thị trường nội địa thay vì để cho ngoại thương chiếm 200% GDP như hiện nay. Và chúng ta cũng có lẽ phải khi bác bỏ lối làm chính trị nhân sĩ và khẳng định rằng đấu tranh chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.

Phạm Thị Hoài : Xin cảm ơn anh Nguyễn Gia Kiểng.

Phạm Thị Hoài thực hiện

7/2/2019, Berlin, CHLB Đức

Nguồn : http://baotreonline.com, 15/02/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Thị Hoài, Nguyễn Gia Kiểng
Read 2890 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)