Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/06/2019

Từ Hong Kong đến Việt Nam

Việt Thủy

Dư luận Việt Nam mấy ngày qua xôn xao về những cuộc biểu tình ở Hong Kong chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc. Cũng như phong trào Dù vàng của Hong Kong năm 2014, các cuộc biểu tình khổng lồ vừa qua có lúc lên đến 2 triệu người tham gia, tức 1/3 dân số Hong Kong (7 triệu) đã gây một tiếng vang lớn trên thế giới và một phần nào đó ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận Việt Nam hiện nay.

no1

Dư luận Việt Nam mấy ngày qua xôn xao về những cuộc biểu tình ở Hong Kong chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc.

Hơn 2 triệu người, đủ mọi thành phần dân chúng, từ sinh viên học sinh đến các minh tinh điện ảnh cùng giới doanh nhân Hong Kong đã xuống đường biểu tình chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh lên mảnh đất của mình. Đã có những giọt nước mắt, máu đã đổ dù không nhiều. Đàn áp có, đáp trả có, tình người có và vô số những câu chuyện cảm động đến từ những con người bất khuất. Có những bạn trẻ mới chỉ 19, 20 tuổi, có những bà mẹ già, những em nhỏ, những phụ nữ, thậm chí những người tàn tật cũng đã xuống đường. Nhóm lãnh đạo của phong trào như Hoàng Chi Phong, Châu Đình... đang là những khuôn mặt trẻ đại diện cho phong trào phản kháng này.

Vậy là mùa xuân đã nở hoa và sẽ còn bừng sáng lên nữa trên đất Hong Kong. Những người trẻ đã thực sự nhập cuộc và làm chủ tình thế. Cả xã hội cùng nắm tay nhau đứng lên. Một niềm hy vọng mới từ Hong Kong đã và đang lan tỏa đến quê hương của chúng ta – Việt Nam.

Vậy chúng ta thấy và liên hệ được gì từ Hong Kong ?

Điều đầu tiên có thể thấy được là Bắc Kinh đã thất bại một cách ê chề tại Hong Kong, một mảnh đất hoàn toàn của họ. Trung Quốc là một đế quốc hùng mạnh với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Trên trường quốc tế Trung Quốc thường lớn tiếng và không sợ ai, kể cả Mỹ. Thế nhưng ở Hong Kong, họ đã phải nhượng bộ và sẽ thất bại. Hong Kong có dự luật dẫn độ với nhiều nước. Hiện tại Hong Kong đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước như Canada, Mỹ, Anh, Úc, New Zealand. Trong khu vực Đông Nam Á, Hong Kong có hiệp định tương trợ tư pháp với Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines (không có Trung Quốc và Việt Nam). Dự luật dẫn độ về Trung Quốc, về lý hoàn toàn đúng vì chỉ áp dụng với những tội phạm hình sự nghiêm trọng (án trên 7 năm tù). Đa số người dân Hong Kong sẽ không bị ảnh hưởng bởi dự luật này tuy nhiên họ sợ Trung Quốc vì Trung Quốc là quốc gia độc tài, không có tự do và không tôn trọng các quyền con người tối thiểu. Sự kiện Thiên An Môn và việc Bắc Kinh tăng cường bắt bớ các quan chức Trung Quốc đào tẩu ra nước ngoài dẫn về trị tội đã làm người dân Hong Kong lo lắng và bất an.

Bắc Kinh đã nhượng bộ trước người dân Hong Kong vì nhiều lý do, thứ nhất Hong Kong là một trung tâm thương mại tài chính lớn trong khu vực (GDP lớn hơn 2 lần so với Việt Nam), nếu tình hình xấu đi thì vốn tư bản sẽ rút khỏi Hong Kong và đó là điều Trung Quốc không bao giờ mong muốn. Một lý do nữa là tinh thần dân chủ và tự do đã ăn sâu vào máu người Hong Kong trong gần một trăm năm sống với Anh quốc. Các thế hệ đi trước đã truyền lửa và tiếp sức cho tuổi trẻ Hong Kong đứng dậy làm chủ cuộc đời và bảo vệ Hong Kong trước một Trung Quốc gian manh và độc tài. Ngoài ra còn một lý do tưởng như đơn giản nhưng rất nhiều trí thức Việt Nam chưa nhận ra. Đó là tổ chức ! Thẳng thắn mà nói, phong trào đấu tranh ở Hong Kong đã đạt được một tầm vóc mới khi dùng chiến thuật "ẩn lãnh đạo". Họ đã có một sự đồng thuận lớn và rõ ràng về mục tiêu, phương pháp và sự phân công công việc một cách nhịp nhàng, thống nhất. Nhìn vào các cuộc biểu tình chúng ta có thể khẳng định phong trào chắc chắn có sự chuẩn bị và phân công giữa các tổ chức trong liên minh đối lập mà nòng cốt chính là các tổ chức chính trị. Các tổ chức "xã hội dân sự" đã tham gia và kết nối với các tổ chức chính trị một cách hoàn hảo. Thử tưởng tượng nếu không có những hạt nhân và sự phối hợp tuyệt vời đó, thì chuyện gì sẽ xảy ra ở Hong Kong khi Bắc Kinh sử dụng biện pháp chia rẽ và đàn áp ?

Trong đấu tranh, nhất là đấu tranh chính trị thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là tổ chức. Quần chúng chỉ xuống đường ở phút thứ 89 khi mọi thứ đã được hoạch định rõ ràng. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau. Các tổ chức chính trị có thể chỉ là một thiểu số nhỏ, nhưng khi thiểu số nhỏ này bằng trí tuệ và sự đứng đắn đã thuyết phục được đa số trí thức và các tổ chức xã hội dân sự thì họ có thể dẫn dắt và động viên được dư luận và quần chúng. Quần chúng có thể căm phẫn chế độ độc tài, có thể ủng hộ phong trào đấu tranh nhưng đặc tính cơ bản của quần chúng là rất thực dụng, họ sẽ chỉ xuống đường vào phút cuối khi biết thắng lợi là điều chắc chắn. Vậy nên, thuyết phục quần chúng và sau đó là dẫn đường cho quần chúng luôn là công việc và trách nhiệm của giới trí thức thông qua các tổ chức chính trị.

Điều cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ đó là trong thế kỷ 21, các chế độ độc tài đang bị cô lập và lung lay. Trung Quốc đã nhận những đòn đau từ cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng đe dọa lớn nhất đến từ chính sự thối nát, mục rữa trong lòng chế độ cộng sản của họ. Kinh nghiệm cho thấy là việc chuyển hóa chế độ từ độc tài tập thể (đảng trị) sang độc tài cá nhân là giai đoạn cuối cùng của sự đào thải trong các chế độ độc tài.

Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đang đi vào vết xe đổ đó. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc có thể sắp diễn ra và kéo dài trong một thời gian nhất định vì đặc tính cơ bản của Trung Quốc là một đế quốc (hay "thiên hạ") chứ không phải một quốc gia. Sự sụp đổ của Trung Quốc sẽ là một chuỗi dây chuyền kéo dài từ trung ương đến các địa phương cho nên sẽ cần thời gian. Nhưng đó không phải là kịch bản của Việt Nam. Quy mô của Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều trên mọi phương diện và vì thế thời gian sụp đổ sẽ nhanh hơn và bất ngờ hơn Trung Quốc.

Xã hội Việt Nam đang dần dần thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng trong tất cả các vấn đề : Giáo dục, y tế, đạo đức băng hoại, môi trường ô nhiễm, nạn tham nhũng cùng với sự hung hăng thô bạo của chính quyền cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản đang chống chọi một cách tuyệt vọng như một con thú sắp vào đường cùng. Đấu đá phe cánh thể hiện ngay trong chiến dịch chống tham nhũng có chọn lọc của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay việc báo chí ngày càng được viết những bài mà nội dung tiết lộ những thông tin có nội dung như "xa rời với đường lối của đảng"... Cùng với đó là sự phẫn nộ của người dân khi công khai thách thức chính quyền bằng những việc như chống đối lại cảnh sát,..Tất cả cho thấy khoảng cách giữa chính quyền và người dân càng ngày rất xa. Xã hội Việt Nam đang tích tụ đủ các yếu tố cho một cuộc cách mạng. Có thể nói rằng một cuộc chuyển hóa lớn sắp đến.

Đảng cộng sản Việt Nam là một ‘đứa con tinh thần’ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Và đã là "con" thì đặc tính giống hệt như mẫu quốc. Họ chỉ mạnh và đang mạnh bởi vì trước mắt họ không hề có một đối thủ chính trị nào. Họ đang ở một bảng đấu mà trong đó danh sách thi đấu nghiễm nhiên chỉ có đúng một tên của họ và vì thế họ đương nhiên được đứng lên bục số 1.

Vậy trí thức Việt Nam phải làm gì ?

Trước tiên trí thức Việt Nam cần phải hiểu rằng đây đang là thời điểm mà họ phải dấn thân. Cho một lần và tất cả. Đây là một cuộc chiến đấu rất lớn để thay đổi hoàn toàn vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Được trực tiếp chứng kiến và tham gia vào cuộc tranh đấu vĩ đại này là một vinh hạnh lớn lao trong đời người mà không phải ai cũng có. Họ cần phải hiểu điều đó. Nếu không tham gia ngay từ bây giờ thì sẽ không có cơ hội lần thứ hai. Hoặc là chúng ta sẽ vượt qua sóng gió, gây dựng lại quê hương với một tương lai hứa hẹn cho thế hệ con cháu chúng ta với một cuộc sống hạnh phúc và đáng sống ở đây, ngay trên đất nước Việt Nam. Hoặc là chúng ta chấp nhận hèn nhát sống như bây giờ cho hết cuộc đời để rồi tương lai của con cháu phó mặc cho "trời" và đất nước Việt Nam sẽ đi đến con đường giải thể, con cháu chúng ta sẽ trở thành những kẻ vong quốc và cái tên Việt Nam sẽ dần bị lãng quên trên thế giới.

Trí thức và những người Việt Nam còn ưu tư đến vận mệnh đất nước nên và phải hiểu điều đó càng sớm càng tốt. Nên hiểu vì hiểu thì mới có thể thật sự dấn thân tranh đấu và phải hiểu vì đó là tình cảm và trách nhiệm của một trí thức với chính quê hương của mình.

Hong Kong có thể làm được, tại sao chúng ta không thể làm như họ ? Không, chúng ta sẽ làm lớn hơn cả họ. Chúng ta sẽ đưa quê hương của chúng ta thoát khỏi vực thẳm này, để ít nhất con cháu chúng ta và tương lai của chính chúng ta xứng đáng với hai tiếng gọi thân thương "Việt Nam" !

Việt Thủy

(24/06/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Thủy
Read 1086 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)