Việt Nam lên tiếng về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc
RFA, 29/01/2021
Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.
Tàu tuần duyên Philippines chạy ngang một tàu tuần duyên của Trung Quốc gần khu vực bãi cạn Scarborough. Hình chụp ngày 14/5/2019. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao việt Nam Lê Thị Thu hằng tuyên bố như vừa nêu, khi bình luận về Luật hải cảnh mới của Trung Quốc, tại cuộc họp báo vào ngày 29/1.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh thêm rằng Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong ban hành luật biển. Đồng thời nhắc lại khẳng định của Việt Nam rằng :
"Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế ; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó".
Vào ngày 22/1, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới, cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Theo đó, luật quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng cho phép hải cảnh nước này được quyền tạo các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngày 27/1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc ban hành luật hải cảnh mới, gọi đây là một đe dọa chiến tranh bằng lời nói.
************************
Việt Nam ứng phó ra sao khi hải cảnh Trung Quốc được bắn theo luật mới ?
VOA, 25/01/2021
Sau khi Trung Quốc ban hành luật cho phép cảnh sát biển nước này nổ súng vào tàu nước ngoài, hai nhà nghiên cứu nhận định với VOA rằng Việt Nam sẽ sớm lên tiếng phản đối cũng như sẽ phối hợp với nhiều nước để ứng phó với Trung Quốc trong tình hình mới.
Tàu KN-768 tránh được cú đâm va khi khoảng cách chỉ còn khoảng 50 m với tàu Trung Quốc. Ảnh minh họa Thanh Niên, 16/06/2014
Như VOA đã đưa tin, hôm 4/11/2020, Quốc hội Trung Quốc công bố dự luật có điều khoản cho phép cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí khi cần thiết ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Sau gần 3 tháng, hôm 22/1/2021, Trung Quốc thông qua và ban hành đạo luật đó.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak đặt tại Singapore, chỉ ra rằng thế nào là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc sẽ đặt ra một vấn đề lớn đối với việc thực thi đạo luật kể trên.
Nguy cơ cao ở ‘đường lưỡi bò’
Ông Hợp lấy ví dụ là khu vực rộng lớn ở Biển Đông nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ lên bản đồ và nêu ra yêu sách chủ quyền, còn được gọi là "đường lưỡi bò".
Đây là vùng biển trong vòng tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước khác. Bên cạnh đó, hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu và máy bay qua lại để khẳng định họ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển. Các nước Úc, Nhật, Ấn Độ, Anh cũng đã một vài lần thực hiện các động thái tương tự.
Do đó, tiến sĩ Hợp cho rằng nếu Trung Quốc khăng khăng rằng "đường lưỡi bò" là của họ, và khi tàu của các nước láng giềng hay của bất cứ quốc gia lớn nhỏ nào khác đi vào, hải cảnh Trung Quốc sẽ bắn nếu cần thiết, thì điều đó đồng nghĩa là Trung Quốc chuẩn bị gây chiến tranh.
Từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu cao cấp khác cũng thuộc viện ISEAS Yusof Ishak, có chung quan điểm về việc nguy cơ sẽ tăng cao ở những vùng biển có tranh chấp, mà trực tiếp liên quan đến Việt Nam là "đường lưỡi bò", vùng chồng lấn giữa "đường lưỡi bò" và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như phạm vi bên ngoài 12 hải lý chung quanh các thực thể mà Trung Quốc đang kiểm soát ở Trường Sa.
Theo tiến sĩ Hiệp, Trung Quốc sẽ chọn lọc về đối tượng để nổ súng, có thể phần nhiều dựa trên yếu tố là họ vượt trội hơn với nước nào. Ông nói :
"Ở khía cạnh này, tôi nghĩ Việt Nam sẽ là đối tượng gặp nhiều áp lực vì Việt Nam có các khu vực chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc nhiều hơn, các hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông cũng tích cực hơn, hoạt động của các ngư dân chẳng hạn. Khả năng xảy ra các va chạm, rồi các trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể viện cớ để sử dụng vũ lực cũng nhiều hơn".
Theo quan sát của VOA, đến hôm 25/1, Việt Nam chưa đưa ra quan điểm chính thức về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Hai nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp và Lê Hồng Hiệp nhận định rằng Việt Nam chưa lên tiếng do đang bận rộn với Đại hội của đảng cộng sản nhưng sẽ sớm phản ứng trong ít ngày nữa.
Tàu chấp pháp Việt Nam xua đuổi tàu cá vỏ thép Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam (ảnh tư liệu, 2019)
Người Việt học luật Trung Quốc ?
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam bày tỏ lo ngại về luật mới của Trung Quốc và đưa ra ý kiến rằng chính quyền Việt Nam nên phố biến nội dung luật đó để nhân dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam, được biết và ứng phó phù hợp. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng đồng tình :
"Để đề phòng các sự cố cũng như bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân, các lực lượng hoạt động trên biển, thì rõ ràng là Việt Nam cũng cần có sự phổ biến thông tin cho người dân để họ nắm được để mà nếu rơi vào các tình huống nguy hiểm thì biết cách xử lý".
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nghiêng về khả năng là Việt Nam sẽ ứng phó theo hướng chủ động hơn là bị động. Lưu ý rằng Việt Nam đã ra luật trước cả Trung Quốc về việc cho phép cảnh sát biển Việt Nam nổ súng, ông Hợp nói :
"Bây giờ, Trung Quốc làm việc này, buộc lòng là hải quân Việt Nam, cảnh sát biển Việt Nam phải tăng cường để bảo vệ ngư dân. Đó là điều chắc chắn người ta làm từ năm 2014. Chính quyền Việt Nam không có chủ trương biến ngư dân thành dân binh trên biển".
Một số tàu cá hay tàu vận tải Việt Nam nếu được mang súng nhỏ, đó là để chống cướp biển chứ không phải để đóng vai trò dân binh, tham gia bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam, tiến sĩ Hợp nói thêm.
Bên cạnh các động thái riêng, không chỉ đến khi Trung Quốc ra luật mới về cảnh sát biển, lâu nay Việt Nam đã và đang bàn bạc, phối hợp với các nước khác cũng có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với Bắc Kinh về mọi mặt, từ chính trị, địa chính trị, chiến lược, pháp lý cho đến quốc phòng, vẫn theo lời tiến sĩ Hợp.
Về phần mình, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng ngoài việc phối hợp với các nước để lên án việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, Việt Nam có thể đưa luật mới về hải cảnh Trung Quốc vào quá trình thảo luận, đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông để giảm thiểu nguy cơ va chạm hay các tình huống Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan ở Biển Đông (ảnh tư liệu, 6/7/2020)
Mỹ, các nước vẫn can dự vào Biển Đông
Tiên liệu về thái độ và hành động của Mỹ và các cường quốc khác đối với luật mới của Trung Quốc, vẫn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói :
"Các nước sẽ vẫn tiến hành hoạt động như lâu nay thôi. Họ sẽ vẫn có các bước đi vừa đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trái với luật pháp quốc tế. Đồng thời, họ sẽ có các biện pháp để giảm thiểu rủi ro, đề phòng các tình huống vũ lực có thể xảy ra. Mọi thứ sẽ vẫn được tiến hành dù sự thận trọng sẽ ở mức độ cao hơn".
Hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vẫn tiếp tục dưới thời tân Tổng thống Biden, nối tiếp chính sách của Tổng thống Trump mới mãn nhiệm, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói, và dẫn chứng là một nhóm tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông hôm 23/1, ba ngày sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.
Ông cũng lưu ý về những thông điệp mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến việc Trung Quốc tỏ ý hăm dọa Đài Loan trong vài ngày qua. Từ phân tích riêng của mình, tiến sĩ Hợp khẳng định :
"Ta thấy không có gì trở ngại hay thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden đối với khu vực này. Có thể ít nữa nó thay đổi một chút về hình thức, nhưng về bản chất mà nói, tôi không tin có thay đổi gì lớn trong chiến lược mà chính quyền Trump tuyên bố hồi/12/2017".
Cách đây hơn 3 năm, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ, tập trung vào 4 vấn đề lớn là bảo vệ lãnh thổ và lối sống Mỹ, đẩy mạnh sự thịnh vượng của Mỹ, thể hiện hòa bình qua sức mạnh, và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu trong một thế giới cạnh tranh dữ dội hơn bao giờ hết.
Bản chiến lược nêu rõ rằng Mỹ xác định hai đối thủ hàng đầu là Nga và Trung Quốc, cho rằng đây là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại muốn làm thay đổi nguyên trạng của thế giới, đe dọa những lợi ích của nước Mỹ.
Trọng Thành, RFI, 23/01/2021
Nguy cơ đụng độ bùng phát tại Biển Đông gia tăng. Chính quyền Trung Quốc chính thức ra luật cho phép lực lượng Hải cảnh có "mọi biện pháp cần thiết", bao gồm cả việc nổ súng vào tàu nước ngoài, để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật nói trên vào ngày hôm qua, 22/01. Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021 tới. Trong buổi họp báo hôm qua tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, khẳng định luật này sẽ cho phép "bảo đảm hòa bình và ổn định" trên biển.
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã, hôm nay, 23/01, cho biết kể từ giờ lực lượng tuần duyên Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí, để ngăn chặn hoặc phòng ngừa trước các thách thức từ phía tàu thuyền nước ngoài, hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc "quyền tài phán" của Trung Quốc. Bộ luật vừa được chính quyền Bắc Kinh ban hành liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông.
Luật mới của Bắc Kinh không nói rõ các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc cụ thể bao gồm những khu vực nào, nhưng theo báo Nhật Nikkei Asia, yêu sách của Trung Quốc sẽ bao gồm khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng nằm trong bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông (còn gọi là "đường lưỡi bò"), ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven bờ, như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đã bị một tòa án quốc tế bác bỏ hồi 2016.
Theo báo Nhật Nikkei Asia, Hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ được phép dùng vũ lực để dỡ bỏ các công trình xây dựng "bất hợp pháp" tại những vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Sau khi Bắc Kinh thông qua luật, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên lên tiếng. Hôm qua 22/01, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi bày tỏ "quan ngại" về luật Hải cảnh Trung Quốc vừa ban hành trong ngày. Năm 2020 vừa qua là năm mà số lượng tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (do Tokyo kiểm soát) đạt mức kỷ lục. Theo Bloomberg, luật mới sẽ làm gia tăng căng thẳng hiện nay tại các vùng biển ven Trung Quốc. Báo chí Việt Nam nói đến nguy cơ "rủi ro bạo lực gia tăng tại Biển Đông" với luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.
Kể từ năm 2018, Hải cảnh Trung Quốc, vốn thuộc bên dân sự quản lý, trở thành một bộ phận của Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc, dưới quyền lãnh đạo của Quân Ủy Trung Ương, cơ quan ra quyết định cao nhất trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, số lượng phương tiện của Hải cảnh Trung Quốc tăng vọt lên 130 tàu hơn 1.000 tấn, vào năm 2019, tức gấp hơn ba lần so với năm 2012. Hải cảnh Trung Quốc được trang bị tàu tuần tra hơn 10.000 tấn, với súng máy 76 mm. Tàu được coi là lớn nhất tại vùng Biển Đông.
Trung Quốc ban hành luật cho phép Hải cảnh nổ súng tại các vùng biển tranh chấp chỉ hai ngày sau khi chính quyền Biden nhậm chức, và một ngày sau khi tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cam kết đặt khu vực quần đảo Senkaku dưới sự bảo vệ của hiệp định an ninh Mỹ - Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, hành động này cho thấy Bắc Kinh tỏ rõ thái độ không khoan nhượng với tân chính quyền Mỹ, tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trọng Thành
*********************
Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh, chuyên gia cảnh báo tàu cá Việt Nam có thể bị bắn
RFA, 22/01/2021
Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua luật Hải cảnh mới hôm 22/1/2021, cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin này vào cùng ngày.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc được trang bị đại bác (trong bao) - Reuters
Dự luật Hải cảnh được Trung Quốc giới thiệu vào/11 năm 2020. Theo đó, luật quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật cũng cho phép nhân viên chấp pháp của Trung Quốc được quyền phá hủy các cấu trúc mà nước khác xây dựng trên các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền, lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Luật mới cũng cho phép hải cảnh được quyền tạo các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, luật mới của Trung Quốc là một mối nguy đáng báo động cho các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở Biển Đông, đặc biệt là vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa, nơi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
"Trung Quốc đang cố gắng nguỵ trang cho những gì mà họ làm và nói luật của chúng tôi cho phép cho nên đừng có can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi. Đây là điều đáng báo động. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc được trang bị đầy đủ và tương đương như các tàu chiến.
Trung Quốc bây giờ với luật hải cảnh mới, trong bất cứ đụng độ nào giờ đây họ không còn phải đâm tàu nữa. Họ chỉ cần bắn vào tàu nếu ngư dân chống cự".
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông dựa vào đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp với các nước.
Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không công nhận phán quyết của toà.
Trung Quốc hiện kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm được từ Việt Nam trong một trận hải chiến vào năm 1974.
Các ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc xua đuổi, đâm chìm.
Sự việc gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2020 khi một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phải mất đến chẵn hai chục năm kể từ năm 1998 khi Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập, mất 5 năm kể từ năm 2013 khi Cục cảnh sát biển này đôn lên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trở thành cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ, câu tục ngữ đương đại "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ" mới có chút cơ hội tự sửa mình khi dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên xem xét "quyền được nổ súng bảo vệ chủ quyền" của lực lượng cảnh sát biển.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Cái bóng lờ mờ và vật vờ
Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" - theo bản dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Cũng theo bản dự thảo trên, Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp. Cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa…
Nhưng một câu hỏi mang tính tồn vong dân tộc và quá nhức nhối là vì sao trong suốt hai chục năm qua và kể cả trong 5 năm gần đây, dù đã được nâng cấp thành "bộ tư lệnh" tức tương đương với cấp quân khu và quân đoàn của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lại chẳng hề chứng minh được tác dụng hay chí ít về sự tồn tại của nó trong các hành động bảo vệ ngư dân Việt trước vô số hành động khủng bố của "đồng chí tốt" ?
Vào năm 2011 khi tàu hải giám Trung Quốc hành xử lưu manh khi thẳng tay cắt cáp tàu Bình Minh II của Việt Nam, người dân thậm chí còn không nhận ra được hình ảnh tồn tại của Cục Cảnh sát biển, cho dù các tàu của lực lượng này vẫn thường xuyên tuần tra và không ít lần để lại trong tiềm thức ngư dân một vệt nước đen đúa về tinh thần "đòi hỏi" - như một kiểu thu phí BOT đường thủy đang manh nha nổi lên và bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội.
Nhưng vào thời gian 2011, một số ý kiến quan chức vẫn nại ra ý do rằng cảnh sát biển sở dĩ chưa làm hiệu quả là do chưa có đầy đủ chức năng bảo vệ chủ quyền, và vì chưa trở thành… Bộ tư lệnh.
Thế còn từ năm 2013 đến nay và khi đã được phong hàm "tướng", Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì ?
Ba năm sau vụ Bình Minh II, nổ ra cuộc khủng hoảng Hải Dương 981 khi giàn khoan này từ Trung Quốc lao thẳng vào Biển Đông để giống như một cái tát nổ đom đóm vào thói bạc nhược chưa đánh đã chạy của điều được giới tuyên giáo xưng là "bản lĩnh Việt Nam". Nhưng một lần nữa, người ta chỉ thoáng cái bóng lờ mờ và vật vờ của cảnh sát biển Việt Nam trong sự đối sánh với dày đặc và ngạo nghễ cảnh sát biển của Bắc Kinh.
Nhưng ngay cả vụ Hải Dương 981 cũng không thể khiến "đảng và nhà nước ta" thoát khỏi cơn "ngủ ngày". Bằng chứng rõ ràng nhất là bất chấp nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc do giới đấu tranh nhân quyền và dân chúng tổ chức nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn kiên định tâm thế nín lặng. Từ năm 2014 đến nay, đã không có tối thiểu một bản nghị quyết nào của Bộ Chính trị hay của Quốc hội lên án về vụ Hải Dương 981 hay chí ít để "rửa mặt" trước những câu chuyện "nhục quốc thể" tương tự ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Đó cũng là nguồn cơn khiến căn bệnh "hải quân bám bờ" ngày càng nan y, còn lực lượng cảnh sát biển thì gần như… biến mất.
Trong tình cảnh "văn dốt võ dát" và giới quan chức Việt thân ai kẻ đó lo như thế, hải quân và tàu cá Trung Quốc có vẻ muốn làm gì thì làm.
Mất ngủ lẫn mất ăn
Các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đã đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 - thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol - liên doanh với Tây Ban Nha - ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí.
Vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam".
Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh - dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Ngãi, Quảng Nam là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách đang cạn kiệt. Nếu Repsol và Exxonmobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ.
Nhưng ngay cả sự hiện diện của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba đó đã chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc. Chiến thuật của Hà Nội mượn tàu chiến Mỹ để "hù" Trung Quốc thậm chí còn dẫn đến tác dụng ngược khi Bắc Kinh hạ lệnh cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và vài chục tàu chiến ồ ạt kéo vào Biển Đông tập trận với đích thân Tập Cận Bình làm tổng chỉ huy.
Cùng lúc, một mặt trận ngoại giao - thương mại được Trung Quốc tung ra. Cuối tháng Ba năm 2018, Ngoại trưởng Vương Nghị đến Hà Nội, gặp 3/4 "tứ trụ" của Việt Nam và nói trắng ra : "Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển".
Về thực chất, đó là tối hậu thư của Trung Quốc.
Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận "hợp tác cùng khai thác dầu khí" với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của "Hoàng đế Tập Cận Bình".
Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.
Cô đơn tuyệt đối
Tình thế của chính thể Việt Nam giờ đây là hầu như cô đơn, trái ngược với sở đoản "đa dạng hóa, đa phương hóa" mà các cơ quan tuyên giáo và giới chóp bu ra rả bất tận ở mọi nơi và vào mọi lúc.
Sự cô đơn đó thực ra đã trở thành tuyệt đối vào năm 2014 trong vụ Hải Dương 981. Khi đó, đã không một nước nào trong số một chục "đối tác chiến lược" của Việt Nam thèm quan tâm hay tiếp ứng cho giới chóp bu Hà Nội, để mặc tinh thần kiêu ngạo cộng sản phải đối diện với một tinh thần cộng sản kiêu ngạo hơn hẳn là "đối tác chiến lược lớn nhất và quan trọng của Việt Nam" - Trung Quốc.
Còn đến đầu năm 2018, Việt Nam thậm chí còn nâng số lượng "đối tác chiến lược" lên chẵn một tá - bao gồm cả hai "tân binh" là Úc và Ấn Độ. Nhưng như tục ngữ "mèo vẫn hoàn mèo", vẫn chẳng có gì đổi dời về tâm thế cô đơn chính trị và quân sự.
Để đến lúc này, trong tình cảnh đã "ngửi" thấy cái hơi của một cuộc "chiến tranh dầu khí" trong tương lai giữa "hai đảng anh em", giới chóp bu Hà nội mới bắt buộc phải suy tính về "quyền được nổ súng" dành cho đội quân có vẻ chưa bao giờ biết bắn súng - lực lượng cảnh sát biển.
Nhưng cho dù vào cuối năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có được chính thức thông qua chăng nữa, chẳng mấy người dân dám tin rằng với "truyền thống bám bờ" trong quá nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát biển sẽ có một hành động thực chất nào để cứu vớt cảnh bị hành hung và bị bắn giết của ngư dân Việt. Thậm chí, ngay cả khi nhiệm vụ duy nhất của cảnh sát biển là bảo vệ các lô dầu khí được Việt Nam phải lao vào khai thác theo cách không còn cách nào khác, cũng chẳng có hy vọng gì để lực lượng này dám "nổ súng" khi bị tàu Trung Quốc vây bọc và đe dọa - điều mà một "nước nhỏ" là Hải quân Philippines đã làm nhiều lần từ năm 2014, thậm chí còn bắt giữ hàng trăm ngư dân Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt cá trái phép và đưa ra xử tù mà Bắc Kinh chẳng dám có phản ứng mạnh nào.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/04/2018