Nhật Bản đã ghi nhận số tu nghiệp sinh "biến mất" tăng kỷ lục trong năm 2023, trong đó Việt Nam chiếm hơn 50%.
Xét về ngành nghề, số lao động nước ngoài bỏ trốn nhiều nhất ở Nhật Bản là trong lĩnh vực xây dựng, tiếp theo là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí ép kim loại - Robert Gilhooly/Bloomberg/Getty Images
Theo số liệu từ chính phủ Nhật Bản, trong hơn 9.700 tu nghiệp sinh lao động nước ngoài "biến mất" khỏi nơi làm việc tính trong năm 2023 thì có 5.481 người Việt Nam, tiếp theo là Myanmar với 1.765 người, Trung Quốc với 816 người và Campuchia là 694 người.
Xét về ngành nghề thì số lao động biến mất nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, xếp tiếp theo là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí ép kim loại.
Theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, số lao động nước ngoài bỏ khỏi nơi làm việc đã tăng thêm 747 người trong năm 2023 so với năm 2022, tỷ lệ là cứ 50 người thì có một người bỏ trốn.
Vì sao phải bỏ trốn ?
Công nhân tại một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử của công ty Hinoden Electric Industries tại Nhật Bản vào ngày 12/7/2024 - Bloomberg/Getty Images
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 45.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.
Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – đứng đầu về số lượng so với tu nghiệp sinh các nước khác tới Nhật Bản làm việc, theo Nikkei Asia.
Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản) cho biết.
Các chuyên gia nhận định với đài NHK rằng các tu nghiệp sinh đã quyết định bỏ trốn vì không có sự lựa chọn nào khác, sau khi gặp các vấn đề tại nơi làm việc.
Theo chương trình hiện tại thì các tu nghiệp sinh không thể chuyển chỗ làm, trừ những trường hợp rất cấp bách.
Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho biết các tu nghiệp sinh có thể chuyển công ty nếu bị bạo hành hoặc xâm hại, hoặc nếu công ty của họ hoặc tổ chức giám sát vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo NHK.
Cơ quan này còn cho biết nếu có tu nghiệp sinh bị chủ lao động ngược đãi thì các tu nghiệp sinh đồng hương cũng được phép chuyển nơi làm việc.
Hiện tại các tu nghiệp sinh không được phép làm việc kiếm tiền trong thời gian chờ giải quyết thủ tục chuyển sang chỗ làm mới.
Trong thời gian qua, đã xảy ra những vụ bạo hành lao động nhằm vào các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Một bài viết trên báo Mainichi vào tháng 10/2023 có nội dung kể về câu chuyện của Nguyen (không phải tên thật), một tu nghiệp sinh Việt Nam phải làm việc trên giàn giáo tại những công trình nhà cao tầng từ lúc hơn 5 giờ sáng đến tối mịt, sau đó còn bị bắt nạt, bị đánh gãy xương sườn... và đã tiến hành kiện công ty của mình.
Hồi tháng 4/2023, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với ba tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản để hiểu về những góc tối của chương trình này và những trường hợp vươn lên thành công nhờ nghị lực.
Lẩn trốn cảnh sát khi đi trên phố, không được phép ngã bệnh, làm những việc người Nhật "không thèm làm" là tình cảnh của một số lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nhật Bản khi họ kể lại với BBC.
Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội, chẳng hạn ăn cắp .
Chương trình tu nghiệp sinh mới sẽ có gì ?
Nhật Bản cần lao động nước ngoài trước thách thức già hóa dân số - Philip Fong/AFP
Những yêu cầu đối với các tu nghiệp sinh muốn thay đổi chỗ làm dự kiến sẽ được nới lỏng vào năm 2027 khi Nhật Bản có một chương trình mới.
Theo đó, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản dự kiến sẽ cho phép các tu nghiệp sinh có thể làm việc lên đến 28 giờ mỗi tuần trong quá trình chờ chuyển sang chỗ làm mới.
Về thủ tục giấy tờ cũng sẽ bao gồm các ngôn ngữ mẹ đẻ để cho các tu nghiệp sinh có thể nắm chắc thông tin.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản, hồi tháng 2, đã chính thức quyết định loại bỏ chương trình tu nghiệp sinh nước ngoài hiện tại, được xem là một bước chuyển biến đáng kể của Nhật Bản trong vấn đề thu hút lao động nước ngoài.
Thay vào đó sẽ có một hệ thống mới cho phép lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn.
Hệ thống này có mục tiêu mang những lao động nước ngoài có trình độ và kỹ năng nhất định đến Nhật Bản trong vòng ba năm.
Hệ thống mới này cũng cho phép người lao động chuyển sang nơi làm khác trong cùng lĩnh vực, sau một thời gian nhất định. Đây là điểm khác biệt so với trọng tâm của chương trình cũ, vốn tập trung vào việc chuyển giao kỹ năng công nghệ cho quốc gia đang phát triển.
Với chương trình mới, trọng tâm là đảm bảo và phát triển lực lượng lao động thiết yếu ở nước ngoài, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản, vốn đang trở nên trầm trọng thêm do tình trạng dân số già.
Nguồn : BBC, 20/09/2024
Hàng chục sinh viên tốt nghiệp đã bước ra khỏi hội trường Đại học Virginia Commonwealth (VCU) khi Thống đốc tiểu bang Glenn Youngkin lên phát biểu trong lễ phát bằng. Một trong những lý do được nêu ra là sinh viên phản đối các chính sách giáo dục của thống đốc bang và về quan điểm chính trị khác nhau liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Nhóm sinh viên, sau đó, vẫn mặc trang phục tốt nghiệp đến một công viên và hô vang : "Nhân dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại".
Photo : giaoducthudo
Giáo sư Mạc Văn Trang bày tỏ suy nghĩ của ông về sự kiện này :
"Hay quá ! Hay quá ! Đó là thể hiện phản ứng rất tự do và tự nhiên của giới trẻ khi thấy người đến để phát biểu, răn dạy… mà người đó không xứng đáng. Nó cho thấy các sinh viên này có ý thức về chính trị, có ý thức về nhân cách và đạo đức của một con người. Nó chứng tỏ quyền tự do của con người được tôn trọng. Ước gì sinh viên Việt Nam cũng làm được như thế. Những người như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ đến ba hoa bốc phét mà sinh viên vẫn phải vỗ tay nhiệt liệt 100%. Không sinh viên nào dám bỏ ra khỏi hội trường. Ở Việt Nam mà bây giờ có một ông chủ tịch thành phố mà đến phát biểu, trao bằng mà sinh viên nào phản ứng không nhận thì sẽ bị kỷ luật, bị khai trừ gì đó ngay".
Giáo sư Mạc Văn Trang nói thêm, chính vì sự im lặng, cam chịu như thế dẫn đến một xã hội giả dối, không phát triển. Ông nói tiếp :
"Ở Việt Nam không biết cái gì thật, cái gì giả. Ví dụ trong lòng họ rất ghét ông lãnh đạo nào đó đến đánh trống khai trường, phát biểu, dạy dỗ… ; biết thừa ông này tham nhũng, chả ra gì nhưng họ vẫn hoan hô. Bởi xã hội không có tự do ngôn luận ; không có tự so suy nghĩ, không có tự do biểu đạt và thể hiện thái độ thật của con người, thì cuối cùng người dân chả biết cái gì thật cái gì không thật. Phải nhìn thấy sự thật tốt xấu thì mới điều chỉnh được".
Chuyện sinh viên trên thế giới biểu tình phản đối chiến tranh hay những chính sách của chính quyền không phải là chuyện lạ. Chẳng hạn như sinh viên Mỹ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 60 ; sinh viên Hồng Kông biểu tình với phong trào dù vàng đòi hỏi quyền bầu cử dân chủ cách nay 10 năm ; đặc biệt là những cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ, đòi đối thoại với các lãnh đạo cấp cao của hàng ngàn sinh viên Trung Quốc hồi năm 1989. Lúc bấy giờ, Chính phủ Trung Quốc đã phải huy động hàng ngàn quân và xe bọc thép đến Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên dẫn đến cái chết cho hàng ngàn người.
Tại Việt Nam, từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên toàn cõi Việt Nam, chưa thấy một nhóm sinh viên nào phản đối những chính sách giáo dục được nhiều chuyên gia chỉ ra rằng "có nhiều sai lầm", nên dẫn đến có nhiều lần phải cải cách... Nguyên nhân được nhà giáo Đinh Kim Phúc nhận định :
"Hiện nay sinh viên Việt Nam rất thuần, bởi những quy định của luật pháp, những quy định của nhà trường. Họ có thể bị tước bằng bất cứ lúc nào nếu vi phạm những điều cấm kỵ. Làm gì có chuyện sinh viên Việt Nam dám phản ứng lại hiệu trưởng, hay tỉnh trưởng, hay chủ tịch tỉnh trong một buổi lễ tốt nghiệp như thế. Chúng ta thấy rõ ràng hoàn cảnh của hai quốc gia hoàn toàn khác nhau.
Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê cầm trượng trong buổi Lễ tốt nghiệp và trao bằng tốt nghiệp chính quy của Trường đại học Kinh tế ngày 29/7/2022
Tôi lấy một ví dụ cách nay hai năm, hiệu trưởng mặc áo đỏ vác quyền trượng trong một buổi lễ tốt nghiệp đại học, mà không ai biết được đó là biểu hiện quyền tự trị đại học. Việt Nam chưa có tự trị đại học. Khi chúng tôi phê phán, trình bày quyền trượng của các trường đại học tư bản như thế nào, thì hai năm qua không ông hiệu trưởng nào dám vác quyền trượng quay phim, chụp ảnh nữa cả.
Từ đó, chúng ta thấy nhận thức của những người lãnh đạo đại học Việt Nam và lãnh đạo đại học giữa các nước tư bản khác nhau như thế nào. Hiệu trưởng còn như thế thì làm sao sinh viên dám phản ứng lại các chính sách của nhà trường, của nhà nước trong vấn đề đào tạo".
Cũng theo Nhà giáo Đinh Kim Phúc, nếu một sinh viên Việt Nam phản kháng thì sẽ lãnh hậu quả cho bản thân mình và cả người thân. Do đó sinh viên phải câm lặng, và sự im lặng đó, theo ông Phúc, đã trở thành tập quán cam chịu nối từ đời này qua đời khác. Ông nói thêm :
"Nếu như những chính sách, tôi tạm gọi là bất công ; những chính sách phản khoa học đi ngược lại đường lối giáo dục mà không có ai phản biện, không bị phản ứng thì làm sao có nền khoa học phát triển ? Mà khoa học không phát triển do không có phản biện thì làm sao có sự phát triển đất nước ?"
Một vài sinh viên Việt Nam dám lên tiếng phản đối nhà trường đã lãnh hậu quả. Trong đó có sinh viên Nguyễn Viết Dũng. Nguyễn Viết Dũng thi đậu vào Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội vào năm 2004. Anh sớm nhận ra những bất cập trong ngành giáo dục Việt Nam cũng như thực trạng đất nước hiện nay so với trước kia nên đã lên tiếng và từng bị tù sau khi tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015.
Sinh viên Phan Kim Khánh ở Thái Nguyên cũng bị tòa án tỉnh này kết án bốn năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam do nêu lên tình trạng tham nhũng và các vấn nạn khác tại Việt Nam trên mạng xã hội.
Tháng 3 vừa qua, tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu, cần bảo đảm sự chuyển tiếp và kế tục giữa các thế hệ khi có lớp cán bộ hiện nay sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tuy vậy, theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, hiện số lượng du học sinh Việt Nam cao nhất nhì thế giới, nhưng môi trường làm việc và thể chế chính trị là một trong những yếu tố căn bản dẫn đến sự thành công của thế hệ được học ở nước ngoài và trở về nước.
Nguồn : RFA, 13/05/2024
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp, đóng góp "gần một tỷ đôla" cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE).
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Đứng trước Việt Nam trong danh sách công bố hàng năm hôm 18/11 nhân Tuần lễ Giáo dục Quốc tế là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada.
Sinh viên của quốc gia đông dân nhất thế giới đứng đầu bảng với gần 370 nghìn sinh viên, đóng góp cho kinh tế Mỹ gần 15 tỷ đôla.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên quốc tế đóng góp gần 45 tỷ đôla cho nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2018, tăng 5,5% so với một năm trước đó.
Phúc trình được Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội dẫn lại cho biết rằng trong tổng số 24.392 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, 69,9% học bậc đại học, 15,2% học sau đại học, 10,2% tham gia thực tập không bắt buộc, và 4,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng.
Không chỉ công bố số du học sinh Việt Nam ở Mỹ, báo cáo cũng cho hay rằng số lượng sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập đã tăng 7,1%, từ mức 1.147 sinh viên trong năm học 2016 – 2017 lên tới 1.228 sinh viên trong niên khóa 2017 – 2018.
Cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội cho rằng dữ liệu Open Doors là "bằng chứng rõ ràng cho thấy giáo dục vẫn là nền tảng của mối quan hệ song phương".
Tuyên bố chung Việt – Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump cuối năm 2017 viết rằng ông Trump và Chủ tịch Việt Nam khi đó là ông Trần Đại Quang, "khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật".
Hai nhà lãnh đạo cũng nêu ví dụ về mối quan hệ liên quan tới giáo dục, trong đó có việc đưa trường Đại học Fulbright Việt Nam vào hoạt động cũng như các khoản trợ cấp với tổng trị giá 500.000 USD dành cho cựu sinh viên của Quỹ Giáo dục Việt Nam.
Theo phúc trình Open Doors, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế học tập tại các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ trong năm học 2018 – 2019, chiếm 21% tổng số du học sinh bậc đại học trên toàn thế giới.
Các môn được nhiều du học sinh lựa chọn khi tới Mỹ đó là kỹ thuật, toán học và khoa học máy tính, kinh doanh và quản trị. Số lượng sinh viên theo học ngành Nông nghiệp tăng nhanh nhất, với 10,3%. 10 bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất ở Hoa Kỳ, cùng các bác khác như New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan và Indiana.
Báo cáo Open Doors được công bố hàng năm vào Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, vốn là một sáng kiến chung giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ nhằm quảng bá giáo dục đại học.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ này đã đánh dấu tuần lễ này với các khoá tập huấn dành cho chuyên viên tư vấn và cố vấn học tập tại các trường đại học và trung học phổ thông khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như các buổi thông tin du học Mỹ và các chương trình học bổng trao đổi của chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, tin cho hay, Tổng Lãnh sự Marie Damour hôm 18/11 đã khánh thành Điểm hẹn Hoa Kỳ tại trường Đại học An Giang, văn phòng vệ tinh thứ hai sau Cần Thơ, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho sinh viên khu vực đồng bằng sông Cửu Long về Hoa Kỳ, học tiếng Anh, và dịch vụ tư vấn giáo dục của Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 25/11/2019
Ký túc xá và nhà trọ - Ảnh minh họa (Nguồn : internet)
Sinh viên thường ở tại khu ký túc xá của nhà trường để tiện việc học tập. Trên lý thuyết các trường đều có khu ở dành cho sinh viên với những tiện nghi cần thiết. Tuy nhiên ở Hà Nội việc sinh viên sử dụng ký túc xá gần đây có thay đổi.
Tại Hà Nội, tuỳ theo diện tích đất mà trường đại học - cao đẳng được giao bao nhiêu, quy mô của trường đó hàng năm thu nhận bao nhiêu sinh viên thì quy mô của khu ký túc sẽ tương ứng.
Các trường lớn như Đại học Bách Khoa, Đại học Nông nghiệp, đại học Giao thông - Vận tải… có số sinh viên lớn, được sự hỗ trợ lớn của nhà nước nên có ký túc xá lớn, có khu thể thao, bên trong có tiệm tạp hoá cung cấp nhu yếu phẩm, có cửa hàng phục vụ ăn uống cho sinh viên.
Bạn Gia - sinh viên năm thứ nhất đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ về khu ký túc xá trường bạn :
"Ở trong ký túc thì mọi thứ đầy đủ cả, có chỗ vui chơi … ăn uống cũng thế. Ký túc trường mình rộng hơn rất là nhiều lần so với các trường khác".
Theo bạn Gia, những ai là sinh viên của trường đều có thể đăng ký vào ở ký túc xá.
Tuy nhiên, những trường quỹ đất hạn hẹp thì khu ký túc nhỏ hơn, không có nhiều dịch vụ tiện ích. Đối với một số trường, số sinh viên ở trong ký túc xá cũng có hạn. Có khi một lớp chỉ có khoảng 5, 6 sinh viên có chỗ ở ký túc xá :
"Để vào Ký túc phải có những điều kiện đặc biệt nhất là con của những người có công với cách mạng, thương binh hoặc là liệt sĩ, và có thể là quen biết trong trường".
Về điều kiện sinh hoạt trong phòng ký túc, bạn Gia cho biết những điều thuận lợi và khó khăn :
"Mọi thứ đầy đủ cả nhưng có vấn đề là nước. Mọi thứ tốt , nhất là về điều kiện sinh hoạt cũng rất đầy đủ, nước điện, tất cả mọi thứ đều ưu đãi cho sinh viên".
Một phòng trong Ký túc xá Đại học Ngoại thương - Ảnh minh họa
Đa phần sinh viên lên Hà Nội học đến từ các vùng nông thôn, nên điều kiện kinh tế có phần hạn chế. Việc ở trong ký túc xá giúp các bạn tiết kiệm được chi tiêu và là điểm mạnh các bạn nhắc tới.
Bạn Gia cho biết về số tiền hàng tháng phải chi như sau :
"Một tháng là 200 nghìn cộng với 28 nghìn tiền nước một tháng và tiền đấy đóng chung năm tháng 1 lần, đóng 1 lần lúc mới vào luôn".
Những sinh viên không đủ tiêu chuẩn vào ở ký túc xá hay sinh viên đủ điều kiện ra thuê nhà trọ để nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt trong thời gian học tập tại thủ đô.
Hình ảnh một phòng kí túc xá nam - Ảnh minh họa (http://newsen.vn/14/03/2014)
Quân - sinh viên năm thứ nhất Đại học kinh tế quốc dân chia sẻ về sự so sánh những thuận lợi và khó khăn của việc ở trọ bên ngoài :
"Bên ngoài mọi thứ em thấy rất thuận lợi, còn về khó khăn duy nhất cũng chỉ liên quan đến chi phí, mình không thể ở thoải mái như các bạn ở trong ký túc xá, nhưng về điều kiện trong ký túc xá hay cắt nước luân phiên luôn và nhiều khi điều kiện giờ giấc đi lại nhiều khi không khớp lại ảnh hưởng".
Với sự phát triển quá nhanh nhưng không đồng bộ của Hà Nội trong hơn chục năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông trở nên quá tải, chính quyền thành phố đã khuyến khích việc di chuyển các trường đại học - cao đẳng lớn ra vùng ngoại vi, bao gồm xây dựng các khu ký túc xá hiện đại theo mô hình các trường đại học nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có trường nào thực hiện được việc này vì ngân quỹ dành cho giáo dục còn quá ít.