Nhật Bản đã ghi nhận số tu nghiệp sinh "biến mất" tăng kỷ lục trong năm 2023, trong đó Việt Nam chiếm hơn 50%.
Xét về ngành nghề, số lao động nước ngoài bỏ trốn nhiều nhất ở Nhật Bản là trong lĩnh vực xây dựng, tiếp theo là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí ép kim loại - Robert Gilhooly/Bloomberg/Getty Images
Theo số liệu từ chính phủ Nhật Bản, trong hơn 9.700 tu nghiệp sinh lao động nước ngoài "biến mất" khỏi nơi làm việc tính trong năm 2023 thì có 5.481 người Việt Nam, tiếp theo là Myanmar với 1.765 người, Trung Quốc với 816 người và Campuchia là 694 người.
Xét về ngành nghề thì số lao động biến mất nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, xếp tiếp theo là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí ép kim loại.
Theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, số lao động nước ngoài bỏ khỏi nơi làm việc đã tăng thêm 747 người trong năm 2023 so với năm 2022, tỷ lệ là cứ 50 người thì có một người bỏ trốn.
Vì sao phải bỏ trốn ?
Công nhân tại một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử của công ty Hinoden Electric Industries tại Nhật Bản vào ngày 12/7/2024 - Bloomberg/Getty Images
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 45.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.
Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – đứng đầu về số lượng so với tu nghiệp sinh các nước khác tới Nhật Bản làm việc, theo Nikkei Asia.
Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản) cho biết.
Các chuyên gia nhận định với đài NHK rằng các tu nghiệp sinh đã quyết định bỏ trốn vì không có sự lựa chọn nào khác, sau khi gặp các vấn đề tại nơi làm việc.
Theo chương trình hiện tại thì các tu nghiệp sinh không thể chuyển chỗ làm, trừ những trường hợp rất cấp bách.
Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho biết các tu nghiệp sinh có thể chuyển công ty nếu bị bạo hành hoặc xâm hại, hoặc nếu công ty của họ hoặc tổ chức giám sát vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo NHK.
Cơ quan này còn cho biết nếu có tu nghiệp sinh bị chủ lao động ngược đãi thì các tu nghiệp sinh đồng hương cũng được phép chuyển nơi làm việc.
Hiện tại các tu nghiệp sinh không được phép làm việc kiếm tiền trong thời gian chờ giải quyết thủ tục chuyển sang chỗ làm mới.
Trong thời gian qua, đã xảy ra những vụ bạo hành lao động nhằm vào các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Một bài viết trên báo Mainichi vào tháng 10/2023 có nội dung kể về câu chuyện của Nguyen (không phải tên thật), một tu nghiệp sinh Việt Nam phải làm việc trên giàn giáo tại những công trình nhà cao tầng từ lúc hơn 5 giờ sáng đến tối mịt, sau đó còn bị bắt nạt, bị đánh gãy xương sườn... và đã tiến hành kiện công ty của mình.
Hồi tháng 4/2023, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với ba tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản để hiểu về những góc tối của chương trình này và những trường hợp vươn lên thành công nhờ nghị lực.
Lẩn trốn cảnh sát khi đi trên phố, không được phép ngã bệnh, làm những việc người Nhật "không thèm làm" là tình cảnh của một số lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nhật Bản khi họ kể lại với BBC.
Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội, chẳng hạn ăn cắp .
Chương trình tu nghiệp sinh mới sẽ có gì ?
Nhật Bản cần lao động nước ngoài trước thách thức già hóa dân số - Philip Fong/AFP
Những yêu cầu đối với các tu nghiệp sinh muốn thay đổi chỗ làm dự kiến sẽ được nới lỏng vào năm 2027 khi Nhật Bản có một chương trình mới.
Theo đó, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản dự kiến sẽ cho phép các tu nghiệp sinh có thể làm việc lên đến 28 giờ mỗi tuần trong quá trình chờ chuyển sang chỗ làm mới.
Về thủ tục giấy tờ cũng sẽ bao gồm các ngôn ngữ mẹ đẻ để cho các tu nghiệp sinh có thể nắm chắc thông tin.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản, hồi tháng 2, đã chính thức quyết định loại bỏ chương trình tu nghiệp sinh nước ngoài hiện tại, được xem là một bước chuyển biến đáng kể của Nhật Bản trong vấn đề thu hút lao động nước ngoài.
Thay vào đó sẽ có một hệ thống mới cho phép lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn.
Hệ thống này có mục tiêu mang những lao động nước ngoài có trình độ và kỹ năng nhất định đến Nhật Bản trong vòng ba năm.
Hệ thống mới này cũng cho phép người lao động chuyển sang nơi làm khác trong cùng lĩnh vực, sau một thời gian nhất định. Đây là điểm khác biệt so với trọng tâm của chương trình cũ, vốn tập trung vào việc chuyển giao kỹ năng công nghệ cho quốc gia đang phát triển.
Với chương trình mới, trọng tâm là đảm bảo và phát triển lực lượng lao động thiết yếu ở nước ngoài, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản, vốn đang trở nên trầm trọng thêm do tình trạng dân số già.
Nguồn : BBC, 20/09/2024