Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/09/2024

Hội nghị lần thứ 10 : Đâu là những điểm nổi bật đáng lưu ý ?

BBC tiếng Việt

Hội nghị lần thứ 10 vừa khép lại, Trung ương Đảng khóa 13 đã thảo luận và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm nhân sự, văn kiện, đường sắt cao tốc. Đâu là những điểm đáng lưu ý nhất ?

hoinghi0

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Trung ương Đảng vừa diễn ra

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bế mạc vào chiều 20/9, sau ba ngày làm việc.

Đây là hội nghị thường kỳ đầu tiên của Trung ương Đảng mà ông Tô Lâm chủ trì trên cương vị tổng bí thư, kế nhiệm cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong ba ngày họp, hội nghị đã cho ý kiến về 10 nội dung thuộc hai nhóm vấn đề chiến lược, công tác chuẩn bị Đại hội 14 và một số việc cụ thể khác.

Trung ương Đảng cũng đã ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14 và bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 (nhiệm kỳ 2026-2031).

Trong phát biểu bế mạc, ông Tô Lâm cũng cho biết Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Trước đó, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương này.

Hội nghị được tổ chức ngay trước sự kiện Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường đi Mỹ để dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và tham dự các sự kiện kinh tế, chính trị với một số quan chức chính quyền, đại diện các đảng chính trị, dự một số sự kiện kinh tế và giao lưu khác tại Mỹ. Tiếp đó, ông sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba. Toàn bộ chuyến công tác sẽ kéo dài từ ngày 21 đến 27/9.

Sửa điều lệ Đảng 'quan trọng' nhưng 'cần nghiên cứu'

Phát biểu bế mạc vào chiều 20/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết Trung ương Đảng cơ bản thống nhất với những nội dung chủ yếu về các dự thảo văn kiện, công tác nhân sự và một số vấn đề cụ thể khác.

Về văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng, ông Lâm nói rằng cần phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, "lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam".

Để tiếp tục hoàn thiện văn kiện, Trung ương Đảng cho rằng cần "kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hoá, thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới thể hiện cốt cách con người Việt Nam 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến', 'hòa hiếu', 'lấy chí nhân thay cường bạo' ; kiên định lập trường, quan điểm và thực hành 'Dân là gốc', 'Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới'.."..

Về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, ông Tô Lâm cho hay trong giai đoạn mơi sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.

Việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng cũng được Trung ương Đảng thống nhất là vấn đề "rất lớn, hệ trọng" trong giai đoạn tới, cần nghiên cứu để sửa đổi vào "thời điểm phù hợp".

Do đó, theo ông Tô Lâm, "Trung ương thống nhất chủ trương chưa bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội 14".

Vấn đề sửa đổi điều lệ Đảng đã được đặt ra từ lâu, trước cả Đại hội 13 hồi đầu năm 2021.

Tuy nhiên, Đại hội 13 đã quyết nghị không sửa đổi điều lệ Đảng mà giao Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 nghiên cứu thêm.

Trong suốt khóa 13, ông Nguyễn Phú Trọng cũng từng đề cập đến việc sửa đổi Điều lệ Đảng.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 2/2024, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó trong vai trò Trưởng Tiểu ban văn kiện Đại hội 14 đã nói rằng Đại hội 14 sẽ tổng kết 40 năm đổi mới và sửa đổi Điều lệ Đảng.

Tuy nhiên, theo như thông báo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trung ương Đảng đã quyết định sẽ không thực hiện việc sửa đổi Điều lệ Đảng tại đại hội sắp tới. Đây là điều trái ngược so với quyết tâm lúc còn sống của ông Nguyễn Phú Trọng.

Sửa đổi quy chế bầu cử

Trung ương Đảng cũng đã quyết định sẽ sửa đổi một trong những di sản quan trọng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị 10, ông Tô Lâm cho biết:

"Trung ương tán thành các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng; thống nhất giao Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh để kịp thời ban hành".

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã ban hành và thống nhất thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng đúng thời điểm, đã kịp thời cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Đảng về công tác bầu cử, tháo gỡ những vướng mắc, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Vào năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định 244-QĐ/TW về việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng.

Trong Quyết định 244, Điều 13 có nội dung về việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư nêu rằng:

"Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị".

Điều 13 đã được áp dụng tại Đại hội 12 vào tháng 1 năm 2016, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các đoàn đại biểu giới thiệu thêm nhưng phải rút lui do trước đó không nằm trong danh sách Trung ương đề cử.

Từ diễn biến trên, ông Dũng đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng ngày càng củng cố quyền lực.

Giờ đây, không lâu sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định sẽ sớm sửa đổi một trong những quy định quan trọng được ban hành dưới thời ông Trọng.

Công tác nhân sự

Công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước nhưng vẫn luôn được giữ bí mật. Điều này đã được luật hóa.

Tại Hội nghị lần thứ 10, Trung ương Đảng đã ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14 và bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 (nhiệm kỳ 2026-2031).

Trước đó, các cấp ủy, tổ chức đảng ở trung ương và cấp tỉnh thành vào năm 2023 đã tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031.

Ngày 8/7/2024, 50 cán bộ đầu tiên quy hoạch Trung ương khóa 14 đã tham dự lớp bồi dưỡng.

Danh sách nhân sự thuộc về trách nhiệm của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng Tiểu ban. Ban này được xem là "cửa soát vé quan trọng nhất" của Trung ương Đảng về vấn đề nhân sự trước mỗi kỳ đại hội.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị từ Hà Nội, từng nói về quy trình làm việc của tiểu ban này với BBC như sau :

"Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban Nhân sự vào ngày 21/8, ông đã phát biểu rằng công tác nhân sự Đại hội Đảng "phải làm khẩn trương, thận trọng, phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ; phải bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nhân sự được xem xét lựa chọn phải là cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng".

Công tác nhân sự là một vấn đề nổi cộm của khóa 13, dù Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá là thành công.

Trên thực tế, dù Đảng khẳng định đã chọn lọc kĩ lưỡng nhưng khóa 13 lại có tổng cộng bảy ủy viên Bộ Chính trị phải rời sân khấu chính trị do mắc khuyết điểm, sai phạm. Tổng cộng có tới 26 ủy viên Trung ương Đảng mất chức, thậm chí nhiều người bị kỷ luật và vướng vào vòng lao lý do liên quan đến các đại án.

Thực trạng này đặt ra câu hỏi lớn về quy trình lựa chọn nhân sự "khép kín" của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ghế chủ tịch nước

Ghế chủ tịch nước cũng là vấn đề được quan tâm. Hiện ông Tô Lâm đang giữ hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước.

Vào ngày 12/8, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Việt Nam và nước ngoài nói rằng ông Tô Lâm sẽ thôi chức chủ tịch nước khi Quốc hội họp thường kỳ vào tháng 10.

Tới ngày 15/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết dự kiến sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10.

Ngày 26/8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo: theo nghị quyết của Trung ương, chức danh chủ tịch nước sẽ được Quốc hội bầu vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.

Kỳ họp này dự kiến diễn ra theo hai đợt, khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30/11/2024.

Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát với BBC, có khả năng ghế chủ tịch nước sẽ được dành cho một nhân vật thuộc quân đội.

Theo quy trình, Đảng sẽ giới thiệu nhân sự cho ghế chủ tịch nước và Quốc hội sẽ bầu để hoàn thành thủ tục thông qua.

Hội nghị lần thứ 10 Trung ương Đảng khóa 13 vừa diễn ra chưa công bố việc giới thiệu nhân sự cho ghế chủ tịch nước.

Nguồn : BBC, 20/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 244 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)