Kể từ 1945 khi Cộng sản cướp chính quyền để "xây dựng một chế độ mới" tại Việt Nam đến nay, đã 73 năm qua đi. Ít nhất đã có 3 thế hệ được giáo dục bởi "một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" – Hồ Chí Minh, Thư gửi học sinh ngày khai trường 1945.
Ba thế hệ ấy, đã lớn lên làm chủ xã hội này rồi sinh con đẻ cháu để cùng được hưởng một nền giáo dục cách mạng. Thế nhưng, đến nay khi nhìn lại, sau 73 năm, ngành giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay với cải cách, cải tiến và liên tục thay đổi, đổi mới.
Đã từ lâu, cả xã hội rối loạn về hệ thống giáo dục này. Không thiếu những chuyện bi hài của nền giáo dục đã được đưa vào hò vè, thơ phú và nhất là những câu chuyện hài được phổ biến trong xã hội.
Dù giáo dục được xác định là quốc sách, là ưu tiên, là vì tương lai đất nước. Nhưng ngày nay, các thế hệ được giáo dục bởi nền giáo dục "hoàn toàn Việt Nam" đó đã đưa đất nước đi từ cuộc chiến tương tàn này sang cuộc chiến khủng khiếp khác. Đồng thời, tạo ra những "bầy sâu" đục khoét xã hội.
Tham nhũng lan tràn từ cao xuống thấp, người dân trở thành đối tượng để bóp nặn và cướp bóc. Nạn cướp bóc của cải, tài sản của người dân, của những kẻ cô thế trong xã hội được coi như là một cách làm giàu nhanh chóng nhất. Đất đai, nhà cửa của người dân từ bao đời gây dựng, cho đến một ngày, đảng hô hào "quần chúng" đến cướp sạch, phá sạch để chia nhau như một thắng lợi. Theo cách làm đó, ngày nay những dự án, những chương trình cướp bóc vẫn diễn ra đều đặn.
Kinh tế kiệt quệ, tài nguyên khoáng sản bị đào bán sạch sành sanh, con cháu được thừa kế những món nợ khổng lồ mà các thế hệ "con người mới xã hội chủ nghĩa" để lại. Nợ nước ngoài tăng ca vùn vụt, Việt Nam trở thành con nợ của thế giới.
Mỗi người dân là một người tù dự khuyết, mọi quyền làm người, đều bị hạn chế và tước đến mức tận cùng. Người dân bị bịt miệng, bị trấn áp bắt bớ nếu muốn nói lên ý nghĩ, mong muốn của mình, dù đó là lòng yêu nước.
Lãnh thổ của cha ông để lại từ ngàn đời nay, đã dần dần bị mất, bị đem đi dâng cúng cho kẻ thù phương bắc, hầu chỉ nhằm giữ sự độc tài và cai trị của đảng cộng sản.
Tất cả những lĩnh vực trên, đều được thực hiện bởi "bạo lực cách mạng" bằng "chuyên chính vô sản" với ý thức "Vật chất quyết định ý thức" của thứ tư tưởng hoang đường và tàn bạo mang tên Mác – Lenin.
Đạo đức xã hội suy đồi, tình người biến mất, sự thực dụng trở thành lẽ sống, sự vô cảm trở thành bình thường và bạo lực trở thành phương châm hành động trong xã hội.
Bạo lực lan tràn xã hội từ học đường cho đến mọi nơi, mọi lúc. Luật pháp chỉ là tấm vải che đậy và là tấm lưới để vét vào tay nhà cầm quyền những thứ họ muốn.
Tìm hiểu nguyên nhân của xã hội với hiện trạng bi đát ngày nay, người ta có nhiều cách lý giải. Nhưng, điều không ai có thể phủ nhận được là giáo dục có vai trò hết sức quan trọng.
Một bài thơ được cho là của Hồ Chí Minh đã viết rằng : "Dữ hiền, hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên".
Vậy hẳn nhiên một xã hội bạo lực như hôm nay có nguồn gốc xuất phát từ giáo dục như thế nào ?
Có lẽ không cần bàn đến nhiều những nội dung có tính chất cao siêu về khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội hay những vấn đề lớn lao khi nhà nước Việt Nam muốn đào tạo những lớp "Con người mới Xã hội chủ nghĩa". Chỉ cần nhìn vào một số nội dung giáo dục để đào tạo con người, chúng ta thấy gì ?
Trong giáo dục, sách giáo khoa là nơi cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích dạy và học tại trường học. Sách giáo khoa là chuẩn mực cho việc giáo dục trong một đất nước.
Khi vào đời, học sinh tiếp xúc và được dạy dỗ những điều cơ bản định hướng cả cuộc đời bằng sách giáo khoa thông qua thầy cô giáo và hệ thống nhà trường. Ở đó, học sinh như một tờ giấy trắng và những nét vẽ vào đó góp phần quan trọng vào sự hình thành nhân cách, lối sống của cả một thế hệ. Trong văn học, đã có câu thơ rằng :
Tâm hồn trẻ như tờ giấy trắng
Chưa hề in cong thẳng nét gì
Ta như cây thước, ngọn chì
Vạch từng nước bước, đường đi buổi đầu
Kẻ đường thẳng về sau thẳng mãi
Vạch đường cong, sau lại càng cong.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam không thiếu những câu chuyện hay, những câu chuyện đầy tính nhân văn và nội dung giáo dục con người trở thành lương thiện, thân ái và đoàn kết tạo nên sức mạnh.
Thế nhưng, chỉ cần điểm một số nội dung được đưa vào giáo dục cho các trẻ thơ, chúng ta thấy được vì sao xã hội đầy bạo lực.
Câu chuyện Tấm Cám là câu chuyện dân gian, được đưa vào giáo dục cho cho học sinh từ lớp 4 ngày xưa và lớp 10 sau này. Câu chuyện cổ tích kể về cô Tấm đẹp người, bị dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ đối xử ích kỷ nên đã "vùng lên đấu tranh" bằng cách lừa sẽ làm cho Cám xinh đẹp bằng cách đào hố và dội nước sôi cho Cám chết. Sau đó lấy xác Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ ăn.
Thế nhưng, cả hệ thống từ văn học, sách giáo khoa, hệ thống giáo dục luôn luôn ca ngợi cô Tấm là cô gái đẹp người, đẹp nết… như một gương mẫu cho các thế hệ măng non Việt Nam học tập.
Sở dĩ người ta đưa câu chuyện đó vào hệ thống giáo dục, chỉ vì tư tưởng "Đấu tranh giai cấp" là tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa Mác – Lenin, là kim chỉ nam cho mọi hành động của "con người mới xã hội chủ nghĩa", con người cộng sản. Khi đã vào cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp theo đường lối của Cộng sản, thì tình nghĩa máu mủ, ruột rà… cũng đều không có ý nghĩa.
Chính vì vậy, mà lớp "con người mới" này đã học tập triệt để trong những cuộc "con tố cha, vợ tố chồng" dưới sự lãnh đạo của đảng sau này.
Có lẽ cũng vì thế, mà ngày nay, người ta không thấy hiếm những trường hợp vợ giết chồng phân xác bỏ thùng rác, cướp giết một cách tàn bạo như Lê Văn Luyện. Và phong trào học tập Lê Văn Luyện đang sôi nổi, dâng cao trong giới trẻ được học tập Cô Tấm qua sách giáo khoa và hệ thống văn học Cộng sản.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện : "Trí khôn của ta đây".
Câu chuyện kể về một con hổ từ rừng đi ra thấy người nông dân cày dưới ruộng và con trâu kéo cày vất vả dưới sự điều khiển của con người nên tò mò hỏi vì sao. Được trâu trả lời là do con người có trí khôn.
Khi con hổ đến hỏi con người thì con người hứa sẽ về lấy Trí khôn cho con hổ xem. Rồi lừa con hổ buộc vào gốc cây và châm lửa đốt đồng thời hô rằng : "Trí khôn của ta đây, trí khôn của ta đây". Trâu thấy vậy cười lăn ngã ra đất gãy cả hàm răng còn hổ thì cháy loang lổ đứt dây chạy thoát.
Câu chuyện này giáo dục cho trẻ con được điều gì ngoài quan hệ giữa con người với động vật tự nhiên là mối quan hệ tiêu diệt, con người chỉ rình để hại các loài vật ? Con hổ rõ ràng không có ý định hại người, nhưng con người đã lợi dụng "trí khôn" để tiêu diệt nó. Vậy thì lớp trẻ lớn lên sẽ hành động ra sao với thiên nhiên khi sử dụng trí khôn mà nó được học ?
Và điều ngu hại hơn, là con trâu, cũng là thân phận con vật bị hành hạ, cùng kiếp con vật làm trâu cho người. Nhưng nó đã hả hê khi con hổ bị lừa và đốt cháy. Như vậy, tính cộng đồng, tính nhân văn của bài học chỗ nào và con người có nên đối xử với các loài vật như vậy không ?
Phải chăng vì thế, ngày nay xã hội Việt Nam có thể tiêu diệt bất cứ thứ gì nhúc nhích, ăn bất cứ con gì có thể ăn được. Chuyện tiêu diệt động vật bằng mọi cách từ lớn đến bé, từ trưởng thành đến trứng nước là chuyện bình thường ?
Câu chuyện thứ ba : Chuyện Lê Văn Tám.
Lê Văn Tám, một nhân vật hư cấu dùng để tuyên truyền cho cộng sản, mục đích là để xúi giục các trẻ thơ làm những điều tàn bạo mà chúng không ý thức được, chỉ biết một khái niệm là "yêu nước và căm thù giặc sâu sắc" khi tự châm lửa vào mình và đốt kho đạn của giặc.
Thế nhưng, ngoài việc câu chuyện này được bịa đặt nhưng vẫn đưa vào làm gương mẫu cho học sinh học tập, thì điều nguy hại, là với lứa tuổi non thơ, người cộng sản đã bơm vào đầu chúng chỉ có căm thù, chỉ có giết, cướp và đốt phá.
Những bài toán đố : Nhiều bài toán dạy cách tính cho học sinh tiểu học, đã dùng những ví dụ hết sức "đấu tranh cách mạng". Chẳng hạn : "Trong đợt chiến đấu 1 đơn vị bộ đội tiêu diệt toàn bộ một tiểu đoàn quân địch .Đợt 1 tiêu diệt được 1/5 quân địchvà bắt sống 15 tên ,đợt 2 tiêu diệt được 1/3 số còn lại và bắt sống 30 tên, đợt 3 giết được 3/4 số còn lại sau cả hai đợt và bắt sống 52 tên còn lại. Hỏi tiểu đoàn đó giết được bao nhiêu quân xâm lược và bắt sống được bao nhiêu tên ?"
Ở đây, không nói đến vấn đề giải bài toán đó ra sao. Chỉ có điều là trong cuộc sống không thiếu bất cứ điều gì để có thể làm ví dụ, nhưng người Cộng sản đã muốn lồng ghép những chuyện giết giặc vào đó để giáo dục trẻ em. Bởi họ không nghĩ rằng với trẻ em, thì giặc cũng là người, giết giặc cũng là giết người là chuyện bình thường.
Thậm chí, trong một chương trình truyền hình trước đây, phụ huynh còn phản ánh một bài toán như sau : "Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón ?". Đến mức này, thì quả thật không có thể nói được điều gì hơn để có thể cổ vũ cho bạo lực và những cảnh ghê rợn.
Mới đây, chương trình Công nghệ giáo dục của một vài Giáo sư được mạng xã hội làm ầm ĩ và bị "ném đá" tơi bời. Ở đây không nói đến vấn đề đúng, sai ở chương trình này. Nhưng khi người ta quan tâm đến nó mới phát hiện ra những bài học dành cho thiếu nhi hoàn toàn thiếu tính giáo dục.
Đó là câu chuyện hai đứa bé nhặt được quả bứa nhưng chưa chia cho nhau công bằng, thì gặp cậu Cả lớn tuổi nhờ phân xử. Và cậu Cả phân xử bằng cách chia cái vỏ cho hai đứa, còn phần ruột cậu vừa ăn vừa bỏ đi.
Phải chăng, câu chuyện này muốn dạy cho các cháu cách hành xử cướp bóc trắng trợn trong xã hội đối với kẻ yếu thế ?
Có thể nói, rất nhiều những bài học, những câu chuyện về giáo dục cần được nói đến. Bởi nền giáo dục đã đưa nhiều thế hệ đến chỗ coi thường bạo lực, lấy bạo lực cướp.
Như trên đã nói, nguồn gốc của tất cả những bài học bạo lực, bài học về đâm chém, giết chóc, ích kỷ và vô cảm… được đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam mấy chục năm qua đã không ngoài mục đích đào tạo ra những con người như đảng cộng sản mong muốn.
Lớp người đó phải thuộc nằm lòng về Chủ nghĩa Mác – Lenin, lấy đấu tranh giai cấp làm mục tiêu, lấy việc tôn thờ thứ chủ nghĩa ấy một cách vô thức, bất chấp mọi vấn đề xã hội, đạo đức…
Kết quả của nền giáo dục ấy, đã đào tạo nên những lớp người Việt hôm nay, tạo nên đất nước với tình trạng như hiện tại. Ở đó, người dân chỉ là những con trâu kéo cày và cười văng cả hàm răng khi con hổ bị "trí khôn" của "con người" tiêu diệt.
Và cả đàn trâu bò, hổ báo kia đều đang bị tiêu diệt bằng nhiều cách khác nhau.
Ngày 4/9/2018, ngày mở đầu một năm học mới ở Việt Nam
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 04/09/2018 (nguyenhuuvinh's blog)
Bài 1
Đã cải tiến thì đừng ‘lửng lơ’
Để có các cuốn sách giáo khoa ngày một tốt, điều quan trọng nhất là phải xác lập cho được một cơ chế biên soạn dân chủ, khoa học.
Trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư tính từ 1945 đến nay, thường được gọi là cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, toàn bộ sách giáo khoa ở trường phổ thông sẽ được biên soạn lại. Theo dự kiến, những cuốn sách mới đầu tiên sẽ phải được đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019.
Như vậy, về mặt lý thuyết, việc biên soạn sách giáo khoa mới đang được xúc tiến mạnh ở những giai đoạn cuối cùng.
Không có những cuốn sách giáo khoa hoàn hảo
Quan sát dư luận trên báo chí và mạng xã hội sẽ thấy những tiếng nói kì vọng vào sách giáo khoa mới không phải là ít. Điều đó rất dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khi sách giáo khoa thường được chỉ ra như là một trong những nguyên nhân làm trì trệ giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, cho dù cải cách giáo dục được tiến hành tốt thế nào cũng sẽ không bao giờ có một bộ sách giáo khoa hoàn hảo. Ngay cả ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, sách giáo khoa vẫn bị chính các chuyên gia giáo dục ở đó chỉ trích. Đơn giản vì sách giáo khoa suy cho đến cùng chỉ là "phương án" giáo dục của một nhóm các tác giả nhất định.
Một khi đã là sách giáo khoa, cuốn sách sẽ có những nhược điểm cố hữu, như phải viết dựa trên chương trình định sẵn và tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để có thể vượt qua quy trình thẩm định. Điều này vừa giúp đảm bảo tiêu chuẩn vừa làm hạn chế tầm nhìn và cách tiếp cận phong phú. Do một số yếu tố, dung lượng sách giáo khoa cũng sẽ phải tuân thủ trong một giới hạn.
Để đảm bảo tính hệ thống tuân thủ theo chương trình, sách giáo khoa sẽ được viết theo kiểu "trình bày la liệt". Đây là một trong những yếu tố khiến cho rất nhiều người chỉ trích sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam kêu lên rằng "tại sao sách lại viết nhiều sự kiện, số liệu, ngày tháng như thế, làm sao học sinh nhớ và thuộc được ?".
Thực ra, nếu xét về số liệu và dữ kiện thì sách giáo khoa ở Việt Nam rất sơ sài. Những ai từng tiếp xúc với sách giáo khoa của các nước có nền giáo dục tiên tiến hơn đều rõ trong sách giáo khoa của họ có vô vàn các loại dữ liệu được tổng hợp lại dưới dạng biểu đồ, bảng biểu, số liệu thống kê, hình ảnh, bản đồ, nhưng được đưa vào và bố trí để học sinh phân tích, nghiên cứu chứ không phải để nhớ hay thuộc.
Những hạn chế trên dẫn tới một đặc điểm là sách giáo khoa, nhất là của các môn xã hội thường chỉ trình bày được "kết quả" mà không trình bày được quá trình tìm ra kết quả : phương pháp nghiên cứu nào, xuất phát từ giả thiết gì, nghiên cứu thế nào... ? Cách trình bày này làm cho học sinh cảm thấy các môn khoa học, chẳng hạn như khoa học lịch sử, thiếu sức hấp dẫn.
222222222222222222222222
Ảnh minh họa. Nguồn : Tuổi trẻ
Sự lạc hậu của sách giáo khoa thực ra là nằm ở tư duy làm sách mà dễ thấy nhất là việc xác định vai trò của sách cũng như kĩ thuật tổ chức, cơ cấu các dữ kiện trong sách một cách có chủ đích nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục.
Vì vậy, để có các cuốn sách giáo khoa ngày một tốt, điều quan trọng nhất là phải xác lập cho được một cơ chế biên soạn dân chủ, khoa học, đảm bảo cho tất cả những ai là công dân Việt Nam có mối quan tâm và tài năng đều có thể tham gia và được cạnh tranh bình đẳng. Nếu cơ chế này được xác lập và bảo họ bằng pháp luật, các cuốn sách giáo khoa tốt sẽ tồn tại, còn kém chất lượng sẽ bị loại bỏ.
Đừng thay đổi lửng lơ
Cơ chế biên soạn, phát hành và tuyển chọn sách giáo khoa có ảnh hưởng lớn tới chất lượng và quan niệm về sách giáo khoa. Về đại thể, trên thế giới hiện nay có 3 hình thức chủ yếu : "kiểm định", "quốc định" và "tự do" (thường tồn tại ở các nước Bắc Âu).
Trong hình thức kiểm định (như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan), nhà nước sẽ chấp nhận sự tham gia của nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản vào việc biên soạn, phát hành và nhường quyền tuyển chọn sách giáo khoa cho các trường hay địa phương. Cơ chế quốc định (một chương trình một sách giáo khoa) chỉ thừa nhận duy nhất một bộ sách do bộ giáo dục biên soạn và phát hành trên toàn quốc.
Cơ chế kiểm định sách giáo khoa không hoàn hảo, vì trên thực tế chẳng hạn Nhật Bản khi thực hiện cũng đã gặp nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nó vẫn là cơ chế tiến bộ hơn nhiều so với cơ chế quốc định.
Việt Nam trong cuộc cải cách giáo dục cơ bản, toàn diện lần này cũng sẽ thực hiện cơ chế "một chương trình - nhiều sách giáo khoa", đó là cách diễn đạt khác của cơ chế "sách giáo khoa kiểm định". Tuy nhiên cho đến thời điểm này, cách làm của Việt Nam cho thấy có sự pha trộn giữa hai cơ chế, khi bộ GD&ĐT vẫn tham gia cả vào việc biên soạn, lựa chọn tác giả sách giáo khoa.
Ở Nhật Bản sau khi cơ chế kiểm định sách giáo khoa có hiệu lực từ năm 1947, Bộ giáo dục Nhật Bản vẫn tiếp tục biên soạn và phát hành nhiều cuốn sách giáo khoa khác cho bậc học phổ thông. Đó là bước đệm trong thời kì chuyển giao cơ chế và đã kết thúc sau một thời gian ngắn.
Ở Việt Nam, cần phải có lộ trình minh bạch, công khai về giai đoạn bước đệm này, bởi nếu kéo dài nó sẽ làm cho cơ chế "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" chỉ tồn tại được trên danh nghĩa.
Khi thực hiện hoàn chỉnh cơ chế này, bộ giáo dục chỉ làm hai việc chủ yếu là ban hành, sửa đổi quy chế và thẩm định sách giáo khoa, rút khỏi việc trực tiếp biên soạn sách giáo khoa và tài trợ cho các nhóm biên soạn hay các bản thảo được đánh giá cao. Kinh phí làm sách giáo khoa sẽ do cơ chế thị trường đảm nhận, nhà xuất bản nào làm sách giáo khoa tốt sẽ giành được thị phần lớn và ngược lại.
Nguyễn Quốc Vương
*******************
Bài 2
Dạy kiểu 'rót nước' làm thui chột tư duy phản biện
Sách giáo khoa tốt phải là cuốn sách giúp cho cả giáo viên và học sinh cảm thấy tự do, thoải mái trong quá trình truy tìm chân lý.
"Tín ngưỡng sách giáo khoa"
Trong cải cách giáo dục, cho dù Sách giáo khoa (sách giáo khoa) có tốt đến mấy đi chăng nữa mà nó không được sử dụng hiệu quả ở trường phổ thông thì kết quả cải cách cũng sẽ không mấy khả quan. Trên thực tế, do cơ chế một chương trình - một sách giáo khoa tồn tại quá lâu cùng với tư duy coi trọng truyền đạt tri thức và thi cử, "tín ngưỡng sách giáo khoa" ở Việt Nam rất thịnh hành. Xu hướng coi những gì viết trong sách giáo khoa hoàn toàn đúng và là chân lý tuyệt đối rất mạnh.
Kết quả là cả giáo viên và học sinh có xu hướng coi nội dung của sách giáo khoa trùng khớp hoàn toàn với nội dung giáo dục. Vì vậy, việc giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh trên thực tế biến thành việc truyền đạt và lĩnh hội nội dung sách giáo khoa.
Thế nên, trong các kì thi giáo viên giỏi, thật hài hước là có rất nhiều giáo viên được đánh giá là "giỏi" thực chất chỉ là người diễn giải và truyền đạt nội dung sách giáo khoa logic hơn, dễ hiểu hơn hay biết cách minh họa nội dung đó sinh động hơn các đồng nghiệp khác.
Đó là lối dạy học kiểu minh họa - thứ làm thui chột tư duy phản biện và sáng tạo của học sinh. Các sinh viên đi thực tập cũng thường bị các giáo viên hướng dẫn và người chấm yêu cầu phải "bám sát sách giáo khoa". sách giáo khoa kết cục đã trở thành cái "phao" cho những người bơ vơ về lý luận giáo dục.
Mặt khác ở Việt Nam do sự lạc hậu về lý luận giáo dục, các giáo viên có xu hướng giảng dạy truyền đạt trực tiếp các nội dung kiến thức hay chân lý vào học sinh theo kiểu "rót nước".
Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, người giáo viên để làm cho học sinh lĩnh hội một chân lý, một nội dung sẽ phải dùng "giáo tài" (hình ảnh, số liệu thống kê, kết quả điều tra thự tế, tư liệu…) trong tư cách "chìa khóa" là một mảnh của nội dung giáo dục, để chuyển hóa nội dung đó thành nhận thức của học sinh thông qua thí nghiệm, trải nghiệm và các hoạt động trí tuệ tương tác khác.
Việc nghiên cứu tìm ra các "giáo tài" đó và sử dụng chúng trong thực tế tạo ra các "thực tiễn giáo dục" của giáo viên ở trường học.
Ảnh minh họa. Nguồn : Thanh niên
Mở ra hành trình truy tìm chân lý
Trong lý luận giáo dục hiện đại, sách giáo khoa cho dù là thứ được biên soạn và xét duyệt căn cứ vào chương trình đi nữa, cũng chỉ là một tài liệu tham khảo chủ yếu trong việc hướng dẫn học sinh học tập. Nội dung của sách giáo khoa không thể là toàn bộ nội dung giáo dục.
Người quyết định nội dung giáo dục cuối cùng phải là người giáo viên, người am hiểu cả chương trình, sách giáo khoa lẫn tình hình thực tế của trường học, địa phương và đối tượng học sinh. Nội dung giáo dục phải được giáo viên tự tay xây dựng thông qua các điều tra, nghiên cứu cả tài liệu và thực tiễn của bản thân.
Trong các môn xã hội, những môn có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống và trải nghiệm của học sinh cũng như xã hội ở địa phương, điều này càng có ý nghĩa sống còn. Nội dung giáo dục đó phải được "chuyển hóa" thành nhận thức của học sinh thông qua sự gia công sáng tạo của giáo viên. Ở Nhật Bản từ năm 1947 trong cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến, lý luận này đã được Bộ giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh trong các tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên và phổ biến rộng rãi, duy trì đến tận ngày nay.
Khi tuân thủ lý luận này, chuyện sách giáo khoa dày hay mỏng sẽ không còn quan trọng nữa.
Chẳng hạn trong môn lịch sử, sách giáo khoa theo quan điểm hiện đại sẽ không phải là một hệ thống các bài viết theo lối trần thuật "khách quan" và "vô nhân xưng" của các tác giả theo trật tự thời gian hay chủ đề nữa. Nó sẽ là một tài liệu hướng dẫn học tập ở đó có hướng dẫn về phương pháp học tập, có tập hợp các tư liệu, các câu hỏi gợi mở giúp học sinh khám phá lịch sử, giải mã được quá khứ và tìm ra ý nghĩa của nó trong việc lý giải đời sống xã hội hiện tại bằng các phương pháp của nhà sử học.
Quan trọng nhất ở đó phải có các tư liệu gốc đáng tin cậy và các "khoảng trống lịch sử", các "vấn đề" được cài cắm, bố trí theo ý đồ sư phạm để học sinh được làm "nhà sử học tí hon" khám phá và giải mã lịch sử.
Ý nghĩa thực sự của cơ chế "một chương trình - nhiều sách giáo khoa" suy cho đến cùng là nằm ở chỗ nó giúp "tương đối hóa" chân lý trong sách giáo khoa và khuyến khích, đảm bảo sự tự chủ về nội dung giáo dục của giáo viên.
Tóm lại, trong một cuộc cải cách giáo dục có hệ thống và toàn diện thì việc biên soạn mới chương trình và sách giáo khoa là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, sách giáo khoa chỉ là thứ đi sau trong logic của một cuộc cải cách giáo dục. Thứ cần làm trước đó là phải là làm rõ được hình ảnh xã hội tương lai và hình ảnh con người mơ ước có khả năng kiến tạo và bảo vệ xã hội đó hay nói khác đi và ngắn gọn hơn là xây dựng mà minh định triết lý giáo dục.
Mặt khác, trong khi cải cách sách giáo khoa cũng không được quên việc tạo ra một cơ chế hợp lý để cho các cuốn sách giáo khoa liên tục được cải tiến bằng sự tham gia của những người có năng lực. sách giáo khoa tốt phải là cuốn sách giúp cho cả giáo viên và học sinh cảm thấy tự do, thoải mái trong quá trình truy tìm chân lý, một hành trình vừa gian khổ vừa hấp dẫn khôn cùng.
Nguyễn Quốc Vương
Nguồn : VietnamNet, 21/04/2017