Trong phóng sự của chương trình Chuyển động 24 giờ của Đài truyền hình Việt Nam thực hiện đầu tháng tám này, được tổng kết trong bài viết "Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ" trên báo VTV New điện tử, tình trạng cạn kiệt nguồn nước của sông Hồng đã và đang ở mức báo động.
Đây chính là hình ảnh sông Hồng ngày hôm nay. Với rác thải tràn ngập, mặt nước đen ngòm và bốc mùi hôi tanh.
Sông Hồng là con sông lớn nhất của miền Bắc Việt Nam, có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tổng chiều dài của con sông là 1.126 km và chiều dài trong địa phận Việt Nam là 556 km (theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam). Sông Hồng cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho hàng triệu người dọc theo dòng chảy, là tuyến giao thông đường thủy lớn nhất miền Bắc.
Trong trí nhớ của nhiều người, bao gồm cả người viết bài, trước đây những khi mùa lũ về, nước sông Hồng cuồn cuộn chảy, nước mấp mé mặt đường bờ sông, mấp mé mặt cầu Long Biên. Nhưng đến nay, khi mùa lũ về, cầu Long Biên vẫn trơ cả móng cầu, nước sông Hồng đã xuống đến mức cực kỳ đang lo ngại. Theo bài viết trên, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng đã giảm xuống từ 3-5 mét. Còn nếu là cách đây 20-30 năm, mực nước sông Hồng đã giảm hơn chục mét. Khu vực sông Hồng đi qua thành phố Việt Trì, đoạn cầu Văn Lang, nước sông cạn đến mức lộ cả đá ngầm. Các tình thành khác, nước sông cạn làm lộ ra các bãi cát, các khu vực từng là đáy sông…
Mực nước sông Hồng cạn kiệt trước hết là do nước ở thượng nguồn bị gảm sút do nhiều nguyên nhân. Đồng thời, lòng dẫn (đáy) của hạ du sông Hồng đã bị hạ thấp. Viện quy hoạch thủy lợi đã chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn tới việc đáy sông bị hạ thấp đó là do các hồ chứa nước thượng nguồn giữ lại phù sa, và việc khai thác cát ồ ạt với quy mô lớn trên sông Hồng. Đáy bị hạ thấp thì mực nước cũng sẽ xuống thấp theo.
Sự cạn kiệt nguồn nước của sông Hồng dẫn tới những hệ lụy vô cùng to lớn. Trước hết, nước cho sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói, hệ thống các trạm bơm nước ở các địa phương như Ba Vì, Phú Thọ, Phúc Thọ, Hà Nội, và các nhánh sông của sông Hồng như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải… đều không còn nước để hoạt động, để bơm cho người dân sử dụng sản xuất nông nghiệp, mà trồng lúa là chính. Sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Một tổn thất có thể tính ngay được, đó là các hệ thống máy móc ở các trạm bơm lâu ngày không hoạt động sẽ trở thành đống sắt vụn có giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra các dòng sông chết. Khi lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp, nước không đủ để chảy vào các nhánh sông như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải… khiến các dòng sông này không có nước lưu chuyển, thau rửa thường xuyên, cộng với tình trạng nước xả thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư không được xử lý… các dòng sông này đã biến thành các dòng sông chết. Cá nhân người viết bài đã chứng kiến, dòng sông Đáy năm 1986 khi người viết là sinh viên đi thực tập, dòng nước mênh mông trong vắt. Đến năm 2016/2017 quay lại thì sông Đáy đã trở thành một dòng sông chết, nước không lưu chuyển, bèo và rác giăng kín mặt sông, nước đen ngòm bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Thật sự không thể tưởng tượng nổi. Sông Nhuệ còn ở tình trạng thê thảm hơn …
Thứ ba, hệ thống giao thông đường thủy, các nhóm dân sống nhờ sông Hồng cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, ngay ở sông Đáy cũng có các nhóm dân chài lưới sống nhờ đánh bắt cá tôm trên sông, nay sông Đáy ô nhiễm không còn tôm cá, những nhóm người này đã mất nghề mất nghiệp. Đối với sông Hồng, lượng tôm cá đánh bắt được cũng giảm sút nghiêm trọng. Giao thông trên sông Hồng gặp khó khăn rất lớn, vì dòng chảy thu hẹp, tàu thuyền mắc cạn và va vào đá ngầm rất nhiều. Dòng sông Hồng đang kêu cứu thảm thiết…
Sông Hồng bị cạn kiệt, hạ thấp nguồn nước do việc khai thác cát tràn lan, quy mô lớn. Cũng như tất cả các vấn nạn do nhà nước cộng sản Việt Nam tạo ra như ô nhiễm môi trường nói chung trên khắp đất nước, ô nhiễm biển miền Trung, nạn phá rừng nghiêm trọng, vấn nạn ngập nước ở tất cả các thành phố lớn khi có mưa, vv… điều đau đớn nhất là chúng ta không nhìn thấy giải pháp. Hay nói chính xác hơn, không có giải pháp triệt để giải quyết các vấn nạn trong chế độ này. Tất cả các vẫn nạn đều phải chờ giải quyết được vấn nạn lớn nhất. Đó là việc người dân mất tự do. Khi người dân mất tự do, đất nước bị đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, các vấn nạn nảy sinh. Các vấn nạn cần được những người tài giỏi, có tâm để giải quyết, nhưng hệ thống chính trị độc quyền không thể tạo ra người tài giỏi, trong khi vấn nạn tham nhũng đã ăn sâu vào máu của những người trong hệ thống cầm quyền hiện nay, vậy làm thế nào có thể giải quyết được triệt để các vấn nạn ?
Như vậy là, chỉ khi nào núi rừng chuyển động, giang sơn chuyển dời, và sông Hồng cất lên tiếng hát 4000 năm, thì các vấn nạn mới được giải quyết, và dòng sông Hồng chắc sẽ trở lại hào hùng như xưa.
Hà Nội, ngày 15/8/2023
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 15/08/2023
Mùa xuân này (2017), Hà Nội lại chuẩn bị ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng, dựa trên cơ sở tham khảo đôi bờ sông Seine ở thủ đô Paris (Pháp) và đôi bờ sông Tiền Đường ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Sông Hồng đã tạo ra không gian bao la, lý tưởng tuyệt vời, với môi trường thoáng đãng...
Cách đây khoảng 10 năm, với lý do "thiết thực chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long" và nhằm mục đích phát triển đô thị bền vững, Hà Nội lúc bấy giờ đã "hồ hởi" lập dự án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố vào cả phạm vi 2 bên (bãi) sông Hồng hiện tại với tổng diện tích đất bãi dự tính chiếm trên 10.500 ha, thuộc địa phận 5 quận, 4 huyện.
Mùa xuân này (2017), Hà Nội lại chuẩn bị ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng, dựa trên cơ sở tham khảo đôi bờ sông Seine ở thủ đô Paris (Pháp) và đôi bờ sông Tiền Đường ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc)… để biến Hà Nội, từ đô thị có nhà phố ở ngoài phạm vi 2 bãi sông Hồng (thành phố có sông ở trong hiện nay) thành đô thị có nhà phố ở trong phạm vi 2 bãi sông (thành phố ở trong 2 bãi sông Hồng) - thành phố "trong sông".
Thành phố Mới Tiền Giang (bên phải) nằm về bờ bắc sông Tiền Đường ở Hàng Châu. Ảnh: Getty
Muốn biết ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố đôi bờ sông Hồng nêu trên có sáng suốt, tuyệt vời hay không, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu và so sánh sông Hồng với sông Seine.
Sông Hồng dài 1.149 km, có lưu lượng nước (Q=m3/s) rất lớn. Trong khi đó sông Seine chỉ dài 776 km, có lưu lượng nước trung bình, nên chẳng cần phải có 2 bên đê (2 con đê) như sông Hồng. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa 2 sông này.
Mô tả chi tiết sông Hồng bao gồm dòng sông, rồi đến phạm vi 2 bãi sông ở đôi bờ, được giới hạn, bao khoanh, án ngữ bởi 2 con đê. Diện tích lưu vực sông Hồng cũng được xác định bởi diện tích dòng sông, cộng với diện tích 2 bãi sông (được án ngữ bởi 2 con đê). Và từ đó xác định được lưu lượng (Q=m3/s) của sông.
Đặc biệt, đầu nguồn và thượng lưu sông Hồng có chiều dài 649 km, lại thuộc địa phận Trung Quốc. Thuộc địa phận nước Việt Nam ở cuối nguồn và phía hạ lưu sông chỉ có chiều dài 500 km.
Như vậy nước ta có hoàn toàn chủ động với những dự án công trình trị thủy sông Hồng, với tần suất lũ lịch sử theo tính toán lý thuyết tới 125 năm, hoặc tới 500 năm, thậm chí tới 700 năm được không ? Hay chỉ là chủ quan, duy ý chí, "đếm cua trong hang". Bởi vì nước ta chỉ là chủ của non nửa chiều dài con sông.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng việc tính toán lượng lũ về, xem có vượt quá khả năng, sức chứa của sông Hồng hiện tại (dự tính 1 tỉ m3 nước) là 1 bài toán khó (Báo Khoa học & Đời sống, số 36, ngày 24/3/2017).
Du ngoạn trên sông Seine - Ảnh minh họa
Tương lai, nếu quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trong phạm vi 2 bãi sông Hồng, hậu quả lưu vực của sông sẽ bị thu hẹp, dẫn đến lưu lượng (Q=m3/s) bị giảm thiểu, liệu có thể đáp ứng được lượng lũ lịch sử ? Hay những công trình, nhà phố này sẽ bị lũ (lịch sử) tràn ngập, với vận tốc tăng đột biến, phá hỏng ? Đấy là còn chưa kể đến tính mạng người dân sống trong những nhà phố này sẽ ra sao ?
Đã thế, lại có quan chức "sáng kiến, điếc không sợ súng" quá mạo hiểm, đang định cho lập dự án lấn chiếm đất 2 bãi sông, bằng cách phá 2 con đê cũ, đồng thời đắp xây 2 con đê mới, có thể ví như công trình "Vạn lý trường thành" ở Hà Nội. Chẳng hạn khoảng cách 2 con đê hiện tại, từ bên tả ngạn sang bên hữu ngạn có đoạn rộng nhất tới 3,5 km, nên nếu phá 2 con đê cũ để xây 2 con đê mới thì khoảng cách từ bên tả ngạn sang bên hữu ngạn chỉ còn rộng 1,5 km.
Tuy lấn chiếm được 2 km đất bãi xây dựng công trình, nhà phố nhưng như vậy, lưu vực sông Hồng sẽ càng bị thu hẹp hơn và lưu lượng (Q=m3/s) bị giảm đi rất nhiều. Hậu quả khi lũ lịch sử xuất hiện, ai dám bảo đảm dòng nước lũ không tràn qua đê mới ? Sẽ có thể dẫn đến "tức nước vỡ bờ" (vỡ đê) cho dù đê mới xây bằng bê tông cốt thép.
Do đó, ý tưởng dự án mới quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trên 2 bãi sông Hồng không phải là thượng sách, nếu chưa muốn nói "coi Trời bằng vung". Chả lẽ với diện tích thủ đô Hà Nội hiện nay rộng 3.329 km2 (rộng gấp hơn 3 lần diện tích cũ) vẫn chưa đủ, để phải hạ sách quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình, nhà phố trên 2 bãi sông Hồng.
Tôi thiết nghĩ, quy hoạch kiến trúc xây dựng đôi bờ sông Hồng không thể giống sông Seine hay sông Tiền Đường. Tốt nhất chỉ nên quy hoạch xây dựng 1 số đường bê tông xi măng cho các loại xe, máy nông nghiệp hoạt động gieo trồng và thu hoạch rau, mầu (đỗ, lạc, vừng, ngô, khoai…) trên diện tích 2 bãi sông. Và có thể ví 2 bãi sông Hồng như "2 miếng vàng" phù sa được che chắn bởi 2 con đê hiện tại, để có lưu vực lớn, hy vọng thoát được lưu lượng lũ lịch sử.
Mặt khác, khoảng cách rộng rãi giữa đôi bờ sông Hồng hiện tại đã tạo ra không gian bao la, lý tưởng tuyệt vời, với môi trường thoáng đãng, trong lành, hiếm thủ đô nước nào trên thế giới có được. Cho nên từ bây giờ và mãi mãi, chúng ta cần giữ gìn khoảng cách tuyệt vời này.
Nguyễn Thành Lập
Nguồn : Một Thế Giới, 31/03/2017
Xóm chài bãi giữa là các nhà nổi lụp xụp, chắp vá dựng trên những chiếc thùng phuy hay hộp xốp.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, lâu nay xuất hiện một xóm dân giữa sông Hồng. Cư dân của xóm này từ đâu lưu lạc đến và họ sinh sống ra sao ?
‘Bãi giữa sông Hồng’ trước đây là làng Trung Hà nhưng do một trận lũ lớn năm 1971, người dân làng này chuyển vào bờ sinh sống. Vùng đất này nay thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Hiện nay tại bãi giữa sông Hồng có 26 hộ dân sinh sống đến từ nhiều vùng khác nhau và không ai có hộ khẩu nơi đây cả.
Hầu hết người dân trong xóm đều sống trên các "ngôi nhà" phao dập dềnh theo con nước.
Trước đây, do không có giấy tờ tùy thân, trẻ em chỉ được học tới lớp 5 tại một "lớp học tình thương" do sinh viên các trường đại họa xuống dạy.
Ông Nguyễn Đăng Được, người đầu tiên về tạo lập khu xóm trên bãi này cách đây 28 năm cho biết :
"Lên lớp 5, buộc các cháu phải có giấy tờ, có khai sinh mới vào được. Nên tôi chỉ xin bổ sung xóa nạn mù chữ cho các cháu từ lớp 1 thôi. Còn cấp 2 là phải bỏ học"
Được biết hiện nay, phía chính quyền đã hỗ trợ làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân cho các trẻ em nơi đây nên nhiều em được học tiếp lên cấp trung học.
Tuy nhiên, hầu hết người lớn trong xóm đều không có giấy tờ tuỳ thân căn bản - đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các quyền công dân.
Trong xóm này, duy chỉ có ông Được có đất thuê để trồng trọt, còn lại những người khác đều làm nghề buôn bán, làm mướn, hoặc lượm ve chai ở trên bờ. Ông Được cho biết :
"Một vài người có điều kiện thì đi bán nước bán nôi trên bờ. Già thì ở nhà trông cháu rồi tối khuya đi lượm đồng nát tới 2, 3 giờ sáng. Thanh niên khỏe khỏe thì đi làm mướn trên chợ người. Công việc bấp bênh thất thường".
Người phụ nữ bế cháu : "Cô đi lượm đồng nát nhưng giờ nghỉ ngơi thôi con ạ. Thu nhập khoảng 50 một ngày".
Trước đây, người dân trong xóm không có điện và nước sạch để sử dụng. Khoảng 2 năm nay, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tặng những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà nên họ có điện sử dụng, còn nước sinh hoạt được bơm từ các giếng khoan lên, đổ vào các thùng lọc nước do sinh viên trường y giúp đỡ kinh phí và công sức.
Vì không có giấy tờ tùy thân, người dân bãi giữa hoàn toàn không được hưởng các dịch vụ y tế cũng như không có bảo hiểm y tế. Khi có bệnh thì phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh.
Theo chia sẻ của ông Được, mỗi hộ gia đình trên bãi hàng tháng góp 20 ngàn đồng vào một quỹ để giúp trẻ em học tập, mua thuốc chữa bệnh cho người đau ốm, và hỗ trợ các cặp vợ chồng tổ chức hôn lễ đơn giản.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra đề xuất xây dựng bãi đỗ xe trên bãi giữa sông Hồng để phục vụ khách du lịch thăm quan cầu Long Biên khi cây cầu này ngưng lưu thông xe.
Được biết từ nhiều năm nay, nhiều dự án đã được đề ra tại vùng bãi này nhưng vẫn treo lơ lửng đó chưa được triển khai.
Ông Được cho rằng dự án bãi đỗ xe như vừa nói có thể không động đến phần đất xóm ông. Tuy nhiên, điều mà toàn bộ người dân ở đây lo ngại là nếu có dự án tiến hành lấy đất của họ thì họ sẽ không còn chốn dung thân.
Người dân nơi đây cho biết phía chính quyền chưa bao giờ có ý định tái định cư cho họ ở một nơi đàng hoàng, tử tế.
Ông Được nói về điều này : "Mình ở khu vực địa bàn người ta thì người ta chỉ quản lý con người, quản lý nhân khẩu. Miễn anh đừng phạm luật là được. Sau này có dự án thì có thể đuổi anh đi".
Phóng viên RFA tại Hà Nội