Trong phóng sự của chương trình Chuyển động 24 giờ của Đài truyền hình Việt Nam thực hiện đầu tháng tám này, được tổng kết trong bài viết "Nước sông Hồng cạn kiệt lộ cả đá ngầm giữa mùa lũ" trên báo VTV New điện tử, tình trạng cạn kiệt nguồn nước của sông Hồng đã và đang ở mức báo động.
Đây chính là hình ảnh sông Hồng ngày hôm nay. Với rác thải tràn ngập, mặt nước đen ngòm và bốc mùi hôi tanh.
Sông Hồng là con sông lớn nhất của miền Bắc Việt Nam, có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tổng chiều dài của con sông là 1.126 km và chiều dài trong địa phận Việt Nam là 556 km (theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam). Sông Hồng cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho hàng triệu người dọc theo dòng chảy, là tuyến giao thông đường thủy lớn nhất miền Bắc.
Trong trí nhớ của nhiều người, bao gồm cả người viết bài, trước đây những khi mùa lũ về, nước sông Hồng cuồn cuộn chảy, nước mấp mé mặt đường bờ sông, mấp mé mặt cầu Long Biên. Nhưng đến nay, khi mùa lũ về, cầu Long Biên vẫn trơ cả móng cầu, nước sông Hồng đã xuống đến mức cực kỳ đang lo ngại. Theo bài viết trên, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng đã giảm xuống từ 3-5 mét. Còn nếu là cách đây 20-30 năm, mực nước sông Hồng đã giảm hơn chục mét. Khu vực sông Hồng đi qua thành phố Việt Trì, đoạn cầu Văn Lang, nước sông cạn đến mức lộ cả đá ngầm. Các tình thành khác, nước sông cạn làm lộ ra các bãi cát, các khu vực từng là đáy sông…
Mực nước sông Hồng cạn kiệt trước hết là do nước ở thượng nguồn bị gảm sút do nhiều nguyên nhân. Đồng thời, lòng dẫn (đáy) của hạ du sông Hồng đã bị hạ thấp. Viện quy hoạch thủy lợi đã chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn tới việc đáy sông bị hạ thấp đó là do các hồ chứa nước thượng nguồn giữ lại phù sa, và việc khai thác cát ồ ạt với quy mô lớn trên sông Hồng. Đáy bị hạ thấp thì mực nước cũng sẽ xuống thấp theo.
Sự cạn kiệt nguồn nước của sông Hồng dẫn tới những hệ lụy vô cùng to lớn. Trước hết, nước cho sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói, hệ thống các trạm bơm nước ở các địa phương như Ba Vì, Phú Thọ, Phúc Thọ, Hà Nội, và các nhánh sông của sông Hồng như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải… đều không còn nước để hoạt động, để bơm cho người dân sử dụng sản xuất nông nghiệp, mà trồng lúa là chính. Sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Một tổn thất có thể tính ngay được, đó là các hệ thống máy móc ở các trạm bơm lâu ngày không hoạt động sẽ trở thành đống sắt vụn có giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng.
Thứ hai, gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra các dòng sông chết. Khi lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp, nước không đủ để chảy vào các nhánh sông như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải… khiến các dòng sông này không có nước lưu chuyển, thau rửa thường xuyên, cộng với tình trạng nước xả thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư không được xử lý… các dòng sông này đã biến thành các dòng sông chết. Cá nhân người viết bài đã chứng kiến, dòng sông Đáy năm 1986 khi người viết là sinh viên đi thực tập, dòng nước mênh mông trong vắt. Đến năm 2016/2017 quay lại thì sông Đáy đã trở thành một dòng sông chết, nước không lưu chuyển, bèo và rác giăng kín mặt sông, nước đen ngòm bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Thật sự không thể tưởng tượng nổi. Sông Nhuệ còn ở tình trạng thê thảm hơn …
Thứ ba, hệ thống giao thông đường thủy, các nhóm dân sống nhờ sông Hồng cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, ngay ở sông Đáy cũng có các nhóm dân chài lưới sống nhờ đánh bắt cá tôm trên sông, nay sông Đáy ô nhiễm không còn tôm cá, những nhóm người này đã mất nghề mất nghiệp. Đối với sông Hồng, lượng tôm cá đánh bắt được cũng giảm sút nghiêm trọng. Giao thông trên sông Hồng gặp khó khăn rất lớn, vì dòng chảy thu hẹp, tàu thuyền mắc cạn và va vào đá ngầm rất nhiều. Dòng sông Hồng đang kêu cứu thảm thiết…
Sông Hồng bị cạn kiệt, hạ thấp nguồn nước do việc khai thác cát tràn lan, quy mô lớn. Cũng như tất cả các vấn nạn do nhà nước cộng sản Việt Nam tạo ra như ô nhiễm môi trường nói chung trên khắp đất nước, ô nhiễm biển miền Trung, nạn phá rừng nghiêm trọng, vấn nạn ngập nước ở tất cả các thành phố lớn khi có mưa, vv… điều đau đớn nhất là chúng ta không nhìn thấy giải pháp. Hay nói chính xác hơn, không có giải pháp triệt để giải quyết các vấn nạn trong chế độ này. Tất cả các vẫn nạn đều phải chờ giải quyết được vấn nạn lớn nhất. Đó là việc người dân mất tự do. Khi người dân mất tự do, đất nước bị đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, các vấn nạn nảy sinh. Các vấn nạn cần được những người tài giỏi, có tâm để giải quyết, nhưng hệ thống chính trị độc quyền không thể tạo ra người tài giỏi, trong khi vấn nạn tham nhũng đã ăn sâu vào máu của những người trong hệ thống cầm quyền hiện nay, vậy làm thế nào có thể giải quyết được triệt để các vấn nạn ?
Như vậy là, chỉ khi nào núi rừng chuyển động, giang sơn chuyển dời, và sông Hồng cất lên tiếng hát 4000 năm, thì các vấn nạn mới được giải quyết, và dòng sông Hồng chắc sẽ trở lại hào hùng như xưa.
Hà Nội, ngày 15/8/2023
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 15/08/2023