Trận lũ tháng 10/2020 đã làm 157 người thiệt mạng và mất tích, số tài sản thiệt hại do lũ lụt và bão đã lên đến ước tính 2,7 nghìn tỷ đồng. Người dân cả nước chung tay chia sẻ với người dân vùng lũ. Hàng chục đoàn thiện nguyện tự phát đã tự giác lên đường đến vùng lũ lụt cứu nạn.
11111111111111111111
Báo Nghệ An đưa tin : "Mưa lớn kết hợp với việc hàng loạt nhà máy thủy điện như Châu Khê, Nậm Mô, Châu Thắng… đồng loạt xả lũ đã khiến nhiều nhà dân ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên… ngập sâu trong biển nước". (1)
Thế nhưng hết bộ trưởng, đến phó Thủ tướng rồi cả Thủ tướng đều lần lượt đăng đàn để biện minh cho nguyên do gây ra thảm họa ở miền Trung vừa rồi.
Báo Pháp Luật Online đưa tin sáng 30/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tuyên bố "Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết "Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước" (2).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bác thông tin hồ thủy điện miền Trung xả lũ gây ngập lụt vì theo ông "Một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông. Thực tế… nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu" (3).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân sạt lở được kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở (4).
Thủ tướng tuyên bố "kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính mà mưa trên 1.000mm nửa tháng thì nhão. Khi tôi còn công tác ở Quảng Nam đã từng có đợt mưa như vậy, người chết không ít, lúc đó rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được… Cách đây 7-8 năm ở Lào Cai cũng xuất hiện lũ lớn, mưa với cường độ 2.000 mm trong vài ngày. Mưa như vậy thì hòn đá to mái nhà cũng trôi hết" (5).
Nói về nguyên nhân sạt lở ở miền Trung, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đã cho biết : "Từ xưa đã có cảnh báo nếu xây dựng hồ chứa và đập tràn ở miền Trung thì phải cẩn thận vì đất không thấm nước, không đắp được vì không thấm nước nhưng đã không có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này ở miền Trung, chỉ có Viện Địa chất và khoáng sản từng cảnh báo ở Thừa Thiên Huế" (6).
Các nhà khoa học đã nói, nhưng không ai nghe, không được ủng hộ. Cả thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng chỉ ra những nguyên nhân có thể gây tác động đến sạt lở đất nhưng vẫn không dám xác định mất rừng là nguyên nhân kích hoạt thảm hoạ.
Ông Lê Công Thành thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường "Ngoài ra do hoạt động dân sinh, ta phải mở đường san phẳng để làm khu nhà ở, trường học, nhà máy thủy điện… là những hoạt động tạo ra mất chân, mất ổn định sườn dốc, là nguyên nhân kích hoạt để tai họa có thể xảy ra – ông Thành giải thích – Tuy nhiên, mất rừng có phải nguyên nhân không, cần đánh giá rõ từng trường hợp cụ thể".
Có ngạn ngữ rằng khi nhận ra sai lầm là đã giải quyết được một nửa vấn đề ; điều quan trọng không phải là sai như thế nào, mà là có nhận ra sai lầm hay không.
Nhưng qua những phát biểu của các quan chức nói trên thì không ai nhìn nhận sai lầm mà đổ lỗi cho khách quan. Thôi thì dân tạm chấp nhận lời biện minh do trời đất. Vậy thì tại sao không ai nghe lời khuyến cáo sạt lở của các nhà khoa học và từ giờ trở đi sẽ làm gì để phòng sụt lở ?
Bản đồ chi tiết Để đủ điều kiện cảnh báo về sạt lở đất, lũ quét, cần bản đồ tỉ lệ 1/500 nhưng hiện nay mới chỉ có bản đồ tỷ lệ 1/20.000. Vậy thì mất bao lâu mới thực hiện được bản đồ tỉ lệ 1/500 ?
Đập thủy điện đã lỡ xây dồn dập, rừng đã lỡ phá, điều kiện thời tiết mưa nhiều như vậy thì khoa học dự báo và các biện pháp phòng vệ đã được nhà nước chuẩn bị tới đâu ? Nếu có lũ lụt thì người dân sẽ được sơ tán đi đâu ? Nhà nước có xây nhà trú thiên tai cho cộng đồng ? Tài sản người dân bị thiệt hại mỗi năm ai sẽ đền bù ? Kế hoạch để người dân sống chung với lũ sẽ được đưa ra và thực hiện như thế nào ?
Chính thủ tướng đã chỉ ra rằng khi ông còn ở Quảng Nam, lúc đó rừng già còn nhiều, mưa nhiều nhưng không sạt lở dù có lũ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết "Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng". Vậy thì trồng rừng liệu đã có đúng hay chưa ? Sai trong việc trồng rừng ở chỗ nào ?
Chừng nào thì các cấp lãnh đạo mới dám hết hèn để vấn đề lụt lội lẩn quẩn mỗi năm được giải quyết rốt ráo với tầm nhìn cả trăm năm ?
Trận lũ lịch sử năm 1953 từ Biển Bắc tràn vào miền nam duyên hải Hà Lan khiến cho hơn hàng nghìn người thiệt mạng.
Nguyên nhân gây ra đợt lũ lụt là thủy triều mùa xuân dâng cao cộng với bão lớn đã làm cho nước biển dâng lên đến 4-5 mét cao hơn mực nước biển bình thường.
Những con đập đầu tiên bị vỡ trong khoảng từ 4-6 giờ sáng ngày Chủ Nhật. 165.000 hecta đất đã nhanh chóng bị nhấn chìm trong nước biển. Nhiều người không chuẩn bị kịp để đối phó, hệ thống báo động không có.
Khoảng 72.000 người đã được sơ tán, đường xá bị hư hại, nhiều nơi chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Gia súc bị chết, mùa màng mất hết, nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. Phần lớn các tỉnh Nam Hà Lan, Zeeland, và Bắc Brabant ngập trong nước lũ.
Sau tai họa này, các biện pháp được đưa ra để bảo vệ không chỉ Hà Lan mà cả Châu Âu.
Công trình Delta vĩ đại gồm đê, các tấm chắn bão, đập nước và cống tiêu nước đã được xây dựng để bảo vệ các vùng trũng của Hà Lan không bị ngập lụt – một quốc gia có đến 20% diện tích đất đai thấp hơn mực nước biển và mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Công trình hoàn thành năm 1997 sau gần 40 năm xây dựng.
Công trình Delta từ sau năm 2008 đã đan xen với cả việc quản lý nước để phòng chống lũ cùng với quản lý chất lượng nước, giải trí, hoạt động kinh tế, tàu biển, môi trường và cả thiên nhiên. Những gì được thay thế đều sử dụng vật liệu hay thiết kế thân thiện với môi trường.
Công trình Delta được xây dựng để không còn thảm họa lũ lụt nào như trận lũ 1953 sẽ xảy ra. Đó chính là chế ngự thiên nhiên.
Hương Trà
Nguồn : VNTB, 04/11/2020
Ghi chú :
(2) https://plo.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-noi-ve-nguyen-nhan-giai-phap-sau-bao-lu-sat-lo-947143.html
(4)https://tuoitre.vn/cac-bo-giai-thich-ra-sao-ve-sat-lo-dat-lu-quet-20201030184312287.htm
(5) https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-cac-bo-truong-noi-ve-ly-do-sat-lo-o-mien-trung-947699.html
Hôm 2 tháng 11, khi tham gia thảo luận với các đại biểu quốc hội cùng tổ với mình tại kỳ họp thứ mười của khóa này, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam, cương quyết phủ nhận thủy điện là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lớn, lụt sâu kéo dài và sạt lở xảy ra khắp nơi, đặc biệt là tại Quảng Nam.
Nhân vật từng là cựu Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Quảng Nam, bảo rằng :Kết cấu địa chất ở các khu vực xảy ra sạt lở tại Quảng Nam là đất sét nên vũ lượng trên 1.000 mm và kéo dài chừng nửa tháng là nhão. Ngày xưa, rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không kết cấu nào chịu được thành ra người chết không ít.
Ông Phúc nói thêm : qua khảo sát, các khu vực bị sạt lở ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế đều còn từ 80% đến 90% thảm thực vậtvà khẳng định chắc nịch :Sạt lở là do tác hại của thiên nhiên. Cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người.
Có một điểm đáng chú ý là dù cương quyết phủ nhận tác động của thủy điện khiến mưa bão tạo ra lũ lụt, sạt lở trầm trọng và nhấn mạnhthảm thực vật còn tốt(80% đến 90%) nhưng cuối cùng, ông Phúc lại tin rằng : Cần tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thủy điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, vừa là thành viên chính phủ, vừa là đại biểu quốc hội như ông Phúc cũng phản bác các ý kiến cho rằng, những thảm nạn như đã biết có sự can dự của thủy điện vì : Trong thực tế, tuy lũ lụt, sạt lở trầm trong nhưng các công trình thủy điện vẫn… an toàn và vận hành đúng cả quy trình lẫn pháp luật !
Một thành viên khác trong nội các của ông Phúc, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, tuy cũng cho rằng, nguyên nhân thảm nạn là domưa bão kỷ lục với cường độ cao, kéo dàinhưng nhìn nhận các hoạt động nhân sinh (xây dựng - phát triển hạ tầng, thủy điện…) cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra sạt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại(1).
Đó là quan điểm chính thức của chính phủ về thảm nạn kéo dài đã hơn một tháng…
***
Vài ngày trước khi các thành viên trong chính phủ khoác áo đại biểu quốc hội phủ nhận tác động của thủy điện đến tình trạng lũ lớn, lụt sâu và kéo dài, sạt lở tràn lan trên diện rộng, ông Trần Tân Văn, Viện trưởngViện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhận mạnh :Cơ quan này đã phát giác, đã cảnh báo từ lâu (2) !
Năm 2012, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" để xác lập hai loại bản đồ : Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai(8).
Trong cuộc trò chuyện với tờ Lao Động hồi cuối tuần trước, ông Tân cho biết, từ 2016 đến 2019,Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chuyển kết quả điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở đất đai cho các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng thực tế cho thấy, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không thèm bận tâm nên không có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó ! Ông Tân không biết tại sao ? Ông chỉ đoán rằng :Có thể công tác chuyển giao đến các cộng đồng địa phương ở cấp huyện, cấp xã hoặc làng bản còn chậm. Hoặc kết quả còn… tương đối khó hiểu với người sử dụng !
Cùng thảo luận về đề tài này với tờ Lao Động, ông Vũ Trọng Hồng, cựu Thứ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, xác nhận :Các nhà khoa học đã cảnh báo về sạt lở từ lâu nhưng không ai nghe, không được ủng hộ, không nơi nào triển khai phòng ngừa.
***
Về nguyên tắc, tổ chức phòng vệ - ứng cứu khi xảy ra những tình huống hiểm nghèo hay thiên tai, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của cá nhân hoặc dân cư một khu vực, một vùng, luôn luôn phải là khảo sát - dự đoán tình huống - lập sẵn kế hoạch – chuẩn bị sẵn phương tiện, nhân lực – tổ chức tập luyện cho cả lực lượng dự trù sẽ tham gia ứng cứu lẫn dân chúng trong khu vực có nguy cơ cao về cách thức ứng phó, phối hợp để hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về nhân mạng. Việt Nam cũng có hệ thốngỨng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương nhưng đến nay, hệ thống này không bận tâm đến phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại.
Thảm nạn đã, đang và chắc chắn sẽ còn lặp đi, lâp lại ở nhiều nơi chỉ ra, chính phủ chỉ hành động khi lương dân đã thiệt mạng, bị thương, trắng tay. Nghe chính phủ biện bạch và nhìn vào thành phần đại biểu ý chí, nguyện vọng cho toàn dân ở quốc hội, không thể mơ chuyện cật vấn, truy cứu trách nhiệm. Lương dân tiếp tục chết chùm !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/11/2020
Chú thích :
(1) https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-cac-bo-truong-noi-ve-ly-do-sat-lo-o-mien-trung-947699.html
(3) http://www.monre.gov.vn/Pages/15-tinh-mien-nui-phia-bac-da-co-ban-do-canh-bao-truot-lo-dat-da.aspx
Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người, là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng do những tác động gây ra bởi các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người, cũng như những đặc tính thiên nhiên của vùng châu thổ, nên bờ sông, bờ biển của khu vực bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 28/9/2011 - Reuters/Duc Vinh
Sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ mà ngay cả trong mùa khô, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, tài sản và cuộc sống của cư dân và các công trình cơ sở hạ tầng.
Theo những tài liệu của hai Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và môi trường, đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí ở bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800km, trầm trọng nhất ở An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau.
Trước đây sạt lở chỉ xảy ra ở bờ biển phía Đông của bán đảo Cà Mau nhưng trong vòng vài năm gần đây cả ở phía Tây nằm trong vịnh Thái Lan. Vào tháng 5 vừa qua một số vị trí nằm trên bờ kinh Thạnh Đông, quận Cái Răng, vàm sông Ô Môn (thành phố Cần Thơ), bờ sông Chợ Mới Cái Côn, thuộc thị trấn Mái Dầm (tỉnh Hậu Giang) và bờ kinh Hai Quý, thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cũng bị sạt lở, khiến nhiều nhà cửa sụp chìm trong đáy nước.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu.
RFI : Xin kính chào ông Huỳnh Long Vân, trước hết ông có thể cho biết là những nguyên nhân nào khiến bờ sông, bờ biển đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng như thế ?
Huỳnh Long Vân : Sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long do tác động cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau :
1. Các đập thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc giữ lại khoảng 50% khối lượng phù sa thô.
2. Khai thác bừa bãi bùn cát làm biến dạng lòng sông và thay đổi dòng chảy (không chỉ Việt Nam mà Cam Bốt và Lào cũng nạo vét cát sông Mêkông để xuất khẩu).
Hai nguyên nhân nêu trên phá vỡ trạng thái cân bằng có từ lâu đời của các lớp phù sa trầm tích ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến bờ sông bị sạt lở và bờ biển bị xói mòn khủng khiếp, riêng Cà Mau mỗi năm mất đến hàng trăm ha đất dọc bờ biển.
3. Khai phá rừng ở thượng nguồn tạo ra lũ có tác động xói mòn trong khi đó hệ thống đê bao khép kín hầu hết những vị trí thoát lũ.
4. Ghe máy có mã lực cao vận chuyển trên sông rạch.
5. Địa hình và những đặc tính địa chất của đồng bằng sông Cửu Long : đồng bằng sông Cửu Long có địa thế thấp dễ bị ngập nước và cấu tạo bởi những lớp than bùn, phù sa xốp, đất cát pha lộn, nên có độ kết dính rất thấp, do đó dễ tan rã trước những tác động của các dòng nước xoáy và sóng to. Ngoài ra đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông rạch chằng chịt thẳng góc với sông Tiền và sông Hậu, điều kiện để dòng chảy ở những nơi hợp lưu tạo ra những luồng xoáy ngầm bào khoét các bờ sông. Điển hình là vụ sạt lở bờ sông trong tháng 5 vừa qua ở phường Thới Lợi, huyện Ô Môn, Thành phố Cần Thơ.
RFI : Vậy cho tới nay chính quyền Việt Nam đã thực hiện những giải pháp nào để ứng phó với tình trạng sạt lở này ?
Huỳnh Long Vân : Trong nhiều năm qua, chính quyền trung ương và địa phương đã đề ra những biện pháp ứng phó như xây dựng đê biển, kè bê tông, phục hồi các rừng phòng hộ, trồng các loại cây dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở, chỉ thị thiết lập bản đồ những khu vực có nguy cơ sạt lở để gia cố và thiết lập các khu tái cư. Và trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong tháng qua, thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ 2.500 tỷ đồng đề khắc phục sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
RFI : Nhưng vì sao những giải pháp đó không có tác động gì đáng kể trong việc ngăn chận tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long ?
Huỳnh Long Vân : Bờ biển đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng do việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn Mêkông, khai thác nước ngầm và những tác động của biến đổi khí hậu mực nước dâng cao, mưa bão và sóng to, gió mạnh. Còn sạt lở các bờ sông là do việc khai thác bùn cát thiếu kiểm soát, bên cạnh những tác động của các đập thủy điện thượng nguồn.
Trong khi đó những giải pháp chống sạt lở hiện nay rất tạm bợ, không mang tính chiến lược bền vững và sau đây là một số dẫn chứng cho thấy Việt Nam có vẻ thiếu tự tin, kém phần tích cực trong việc khắc phục những nguyên nhân sạt lở cốt lõi nêu trên.
RFI : Phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc, Lào và Cam Bốt xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông ra sao ?
Huỳnh Long Vân : Ở Trung Đông, khi chính phủ Jordan công bố ý định xây đập trên dòng chính sông Jordan, Israel đã dọa sẽ dùng vũ lực và đã ngăn chặn được kế hoạch này. Trong khi đó, Việt Nam vì quá yếu so với Trung Quốc nên e dè và không đưa ra những phản đối hay đe dọa trả đũa nào.
Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc xác định quyền sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia nằm trong lưu vực của một dòng sông quốc tế, nhưng với điều kiện không gây tổn hại cho các quốc gia khác trong cùng lưu vực. Nhưng Việt Nam không đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc hay một Tòa án Quốc tế, vì biết rằng ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết và thái độ trịch thượng của Trung Quốc bất chấp phán quyến của Tòa án Trọng tài Thường trực về đường chữ U chín đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông cho thấy con đường pháp lý sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Ấy là chưa kể hành động này sẽ làm mất lòng ông láng giềng khổng lồ ở phía Bắc.
Lào và Cam Bốt sẽ xây 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu Mekong và khi đưa vào sử dụng sẽ giữ thêm 30% khối lượng phù sa, vì thế tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều ngạc nhiên là trong số các đơn vị trúng thầu xây đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lại có một công ty của Việt Nam bên cạnh nhiều tập đoàn của Trung Quốc.
Như vậy là Việt Nam phải bó tay và chịu lép vế trước việc các quốc gia thượng nguồn khai thác tài nguyên nước gây tác hại cho đồng bằng sông Cửu Long.
RFI : Đó là nói về nguyên nhân bên ngoài, còn về những nguyên nhân nội tại, những biện pháp đã được thực hiện cũng chẳng có tác động gì ? Vì sao vậy, thưa ông ?
Huỳnh Long Vân : Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng khai thác thiếu ý thức tài nguyên thiên nhiên.
Khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp khiến nền đất đồng bằng sông Cửu Long sụt lún, làm gia tốc những tác động gây sạt lở do nước biển dâng cao dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Người dân được khuyến cáo chuyển đổi canh tác lúa sang sản xuất hoa màu tiết kiệm nước ; nhưng hoa quả sản xuất không có thị trường tiêu thụ, được mùa thì mất giá gây thua lỗ, nên người dân cứ tiếp tục trồng lúa. Lúa thóc bán không hết không sợ ế ẩm, vì có thể dự trữ, không bị hư hao như rau quả.
Việt Nam đang trên đà phát triển cần tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, các khu kỹ nghệ, nên rất cần cát bùn để làm nền nhà và mặt bằng, vì thế việc khai thác cát sẽ không bị đình chỉ và tệ hại hơn nữa là mỗi tỉnh thành trong đồng bằng sông Cửu Long được quyền tùy tiện cấp phép nạo vét cát trong sông.
Phải chăng người dân đồng bằng sông Cửu Long cam chịu số phận ngậm bồ hòn làm ngọt !
RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, như vậy tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể nào chấm dứt ?
Huỳnh Long Vân : Mặc dù chính quyền trung ương và địa phương rất quan tâm về những tai họa này, nhưng toàn thể bờ sông, bờ biển của đồng bằng sông Cửu Long không thể được bao bọc bởi các hệ thống đê, kè dựa trên các công nghệ tân tiến kiên cố, vì phạm vi rộng lớn, nên quá tốn kém, vượt quá khả năng tài chính của Việt Nam.
Giả sử có thực hiện được đi nữa thì bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ, nên sau một thời gian sẽ suy sụp, không còn hữu dụng như trường hợp đê biển ở Gành Hào, Cà Mau là một bằng chứng cụ thể. Vì thế phải chấp nhận giải pháp tìm cách gia cố những nơi có nguy cơ sạt lở. Nhưng gia cố chỗ này, thì chỗ khác sẽ bị tác động, phá sóng nơi này, thì sóng sẽ đập vào các vị trí kế cận.
Tóm lại tình trạng sạt lở đồng bằng sông Cửu Long là một kịch bản gần như không có hồi kết, hay nói khác hơn đây là một chứng bệnh trầm kha nhưng không có phương cách trị liệu hữu hiệu. Như thế thử hỏi "Con đường phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long" sẽ đi về đâu ?
Thanh Phương thực hiện
Nguồn : RFA, 09/07/2018