Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/11/2020

Đến bao giờ thì hết hèn ?

Hương Trà

Đâu là thật là hư ?

Trận lũ tháng 10/2020 đã làm 157 người thiệt mạng và mất tích, số tài sản thiệt hại do lũ lụt và bão đã lên đến ước tính 2,7 nghìn tỷ đồng. Người dân cả nước chung tay chia sẻ với người dân vùng lũ. Hàng chục đoàn thiện nguyện tự phát đã tự giác lên đường đến vùng lũ lụt cứu nạn.

11111111111111111111

Đợt lũ lụt tháng 10 năm 2020 ở miền Trung đã cướp đi hàng trăm sinh mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà, mất của. Phải chăng chỉ đổ lỗi cho thiên tai là phủi tay xong không cần nhận trách nhiệm nữa ?

Báo Nghệ An đưa tin : "Mưa lớn kết hợp với việc hàng loạt nhà máy thủy điện như Châu Khê, Nậm Mô, Châu Thắng… đồng loạt xả lũ đã khiến nhiều nhà dân ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên… ngập sâu trong biển nước". (1) 

Thế nhưng hết bộ trưởng, đến phó Thủ tướng rồi cả Thủ tướng đều lần lượt đăng đàn để biện minh cho nguyên do gây ra thảm họa ở miền Trung vừa rồi.

Báo Pháp Luật Online đưa tin sáng 30/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tuyên bố "Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết "Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước" (2).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bác thông tin hồ thủy điện miền Trung xả lũ gây ngập lụt vì theo ông "Một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông. Thực tế… nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu" (3).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà cho rằng nguyên nhân sạt lở được kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở (4).

Thủ tướng tuyên bố "kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính mà mưa trên 1.000mm nửa tháng thì nhão. Khi tôi còn công tác ở Quảng Nam đã từng có đợt mưa như vậy, người chết không ít, lúc đó rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được… Cách đây 7-8 năm ở Lào Cai cũng xuất hiện lũ lớn, mưa với cường độ 2.000 mm trong vài ngày. Mưa như vậy thì hòn đá to mái nhà cũng trôi hết" (5).

Hãy hết hèn !

Nói về nguyên nhân sạt lở ở miền Trung, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đã cho biết : "Từ xưa đã có cảnh báo nếu xây dựng hồ chứa và đập tràn ở miền Trung thì phải cẩn thận vì đất không thấm nước, không đắp được vì không thấm nước nhưng đã không có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này ở miền Trung, chỉ có Viện Địa chất và khoáng sản từng cảnh báo ở Thừa Thiên Huế" (6).

Các nhà khoa học đã nói, nhưng không ai nghe, không được ủng hộ. Cả thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng chỉ ra những nguyên nhân có thể gây tác động đến sạt lở đất nhưng vẫn không dám xác định mất rừng là nguyên nhân kích hoạt thảm hoạ.

Ông Lê Công Thành thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường "Ngoài ra do hoạt động dân sinh, ta phải mở đường san phẳng để làm khu nhà ở, trường học, nhà máy thủy điện… là những hoạt động tạo ra mất chân, mất ổn định sườn dốc, là nguyên nhân kích hoạt để tai họa có thể xảy ra – ông Thành giải thích – Tuy nhiên, mất rừng có phải nguyên nhân không, cần đánh giá rõ từng trường hợp cụ thể".

Có ngạn ngữ rằng khi nhận ra sai lầm là đã giải quyết được một nửa vấn đề ; điều quan trọng không phải là sai như thế nào, mà là có nhận ra sai lầm hay không.

Nhưng qua những phát biểu của các quan chức nói trên thì không ai nhìn nhận sai lầm mà đổ lỗi cho khách quan. Thôi thì dân tạm chấp nhận lời biện minh do trời đất. Vậy thì tại sao không ai nghe lời khuyến cáo sạt lở của các nhà khoa học và từ giờ trở đi sẽ làm gì để phòng sụt lở ?

Bản đồ chi tiết Để đủ điều kiện cảnh báo về sạt lở đất, lũ quét, cần bản đồ tỉ lệ 1/500 nhưng hiện nay mới chỉ có bản đồ tỷ lệ 1/20.000. Vậy thì mất bao lâu mới thực hiện được bản đồ tỉ lệ 1/500 ?

Đập thủy điện đã lỡ xây dồn dập, rừng đã lỡ phá, điều kiện thời tiết mưa nhiều như vậy thì khoa học dự báo và các biện pháp phòng vệ đã được nhà nước chuẩn bị tới đâu ? Nếu có lũ lụt thì người dân sẽ được sơ tán đi đâu ? Nhà nước có xây nhà trú thiên tai cho cộng đồng ? Tài sản người dân bị thiệt hại mỗi năm ai sẽ đền bù ? Kế hoạch để người dân sống chung với lũ sẽ được đưa ra và thực hiện như thế nào ?

Chính thủ tướng đã chỉ ra rằng khi ông còn ở Quảng Nam, lúc đó rừng già còn nhiều, mưa nhiều nhưng không sạt lở dù có lũ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết "Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng". Vậy thì trồng rừng liệu đã có đúng hay chưa ? Sai trong việc trồng rừng ở chỗ nào ?

Chừng nào thì các cấp lãnh đạo mới dám hết hèn để vấn đề lụt lội lẩn quẩn mỗi năm được giải quyết rốt ráo với tầm nhìn cả trăm năm ?

Lời thề của người Hà Lan

Trận lũ lịch sử năm 1953 từ Biển Bắc tràn vào miền nam duyên hải Hà Lan khiến cho hơn hàng nghìn người thiệt mạng.

Nguyên nhân gây ra đợt lũ lụt là thủy triều mùa xuân dâng cao cộng với bão lớn đã làm cho nước biển dâng lên đến 4-5 mét cao hơn mực nước biển bình thường.

Những con đập đầu tiên bị vỡ trong khoảng từ 4-6 giờ sáng ngày Chủ Nhật. 165.000 hecta đất đã nhanh chóng bị nhấn chìm trong nước biển. Nhiều người không chuẩn bị kịp để đối phó, hệ thống báo động không có.

Khoảng 72.000 người đã được sơ tán, đường xá bị hư hại, nhiều nơi chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Gia súc bị chết, mùa màng mất hết, nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. Phần lớn các tỉnh Nam Hà Lan, Zeeland, và Bắc Brabant ngập trong nước lũ.

Sau tai họa này, các biện pháp được đưa ra để bảo vệ không chỉ Hà Lan mà cả Châu Âu.

Công trình Delta vĩ đại gồm đê, các tấm chắn bão, đập nước và cống tiêu nước đã được xây dựng để bảo vệ các vùng trũng của Hà Lan không bị ngập lụt – một quốc gia có đến 20% diện tích đất đai thấp hơn mực nước biển và mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Công trình hoàn thành năm 1997 sau gần 40 năm xây dựng.

Công trình Delta từ sau năm 2008 đã đan xen với cả việc quản lý nước để phòng chống lũ cùng với quản lý chất lượng nước, giải trí, hoạt động kinh tế, tàu biển, môi trường và cả thiên nhiên. Những gì được thay thế đều sử dụng vật liệu hay thiết kế thân thiện với môi trường.

Công trình Delta được xây dựng để không còn thảm họa lũ lụt nào như trận lũ 1953 sẽ xảy ra. Đó chính là chế ngự thiên nhiên.

Hương Trà

Nguồn : VNTB, 04/11/2020

Ghi chú :

(1) https://truyenhinhnghean.vn/doi-song-xa-hoi/202010/mua-lon-thuy-dien-dong-loat-xa-lu-hang-ngan-nha-dan-o-nghe-an-bi-ngap-sau-105224a/

(2) https://plo.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-noi-ve-nguyen-nhan-giai-phap-sau-bao-lu-sat-lo-947143.html

(3)https://tuoitre.vn/bo-truong-cong-thuong-nho-cac-ho-dap-dieu-tiet-lu-khong-thi-ngap-trang-toan-ha-du-20201102144217126.htm

(4)https://tuoitre.vn/cac-bo-giai-thich-ra-sao-ve-sat-lo-dat-lu-quet-20201030184312287.htm

(5) https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-cac-bo-truong-noi-ve-ly-do-sat-lo-o-mien-trung-947699.html

(6) https://laodong.vn/moi-truong/lien-tiep-sat-lo-khoc-liet-o-mien-trung-canh-bao-roi-nhung-khong-ai-nghe-849959.ldo

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hương Trà
Read 594 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)