Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 23/06/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại lên tiếng về công tác chống tham nhũng. Ông Trọng cho biết, cuối tháng này Trung ương sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng để nhìn lại giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị.
tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 23/06/2022
Ban này do ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban với cái tên ban đầu là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, được thành lập vào ngày 1/2/2013. Đến ngày 16/09/2021, ông Trọng đã ký quyết định sửa đổi ban này thành Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Czech, một người luôn đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước cho rằng, muốn thật sự chống tham nhũng thì phải thay đổi thể chế :
"Tôi nghĩ chẳng có một quốc gia nào mà chống tham nhũng một cách tuyệt đối đâu. Còn ở Việt Nam thì chống tham nhũng chỉ chống từ rốn trở xuống. Nghĩa là không chống ở trên cao. Họ chỉ tỉa lá ở những cây bị sâu ăn mà thôi.
Cách tốt nhất và có hiệu lực nhất là phải thay đổi tận gốc, thay đổi cả một cái cây, trồng cây mới với cái tên là cây Dân Chủ. Phải có tam quyền phân lập và báo chí độc lập. Ở các nước dân chủ, báo chí có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ chính phủ chống tham nhũng, hạn chế tham nhũng.
Nói tóm lại, ở Việt Nam muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi hoàn toàn cái cơ chế này. Phải có sự cạnh tranh giữa các đảng phái để họ nhìn vào cái đảng đang điều hành đất nước. Phải thay đổi tận gốc".
Giữa tháng 12/2020, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Trưởng Ban chỉ đạo là ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng" ; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" ; một cơ chế để "không cần tham nhũng".
Cũng nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Sau đó, một số đảng viên và học giả công bố một bức thư ngỏ yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "công khai tài sản" để "làm gương". Cuối tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam ký ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo một số người quan tâm, việc chống tham những bằng nghị định, văn bản không hiệu quả. Muốn chống tham nhũng phải làm mạnh tay từ bên trong. Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại từng nêu quan điểm với RFA về biện pháp kê khai tài sản như một cách để làm sạch bộ máy :
"Nói vậy chứ có làm được gì đâu, có ai kê khai gì, lâu lâu có chỗ nổi cộm thì lại lôi ra... rồi lập hồ sơ, mở phiên tòa, rồi lại kết luận gây hậu quả nghiêm trọng do kém ý thức tổ chức... chứ có giải quyết gì đâu. Theo tôi muốn giải quyết vấn đề này phải nghiêm minh từ bên trong, từ trên xuống, nghiêm tức trong tổ chức thực hiện. Chứ không phải muốn nói gì thì cứ nói đại một cái, đưa ra văn bản này, văn bản nọ, nói thế thì ai nghe, ai làm, chả đi đến đâu, họ hết việc làm rồi..".
Việc kê khai tài sản, quan chức được nói đến nhiều mấy năm gần đây khi những căn biệt thự có giá từ hàng chục đế cả trăm tỷ của các quan chức xuất hiện trên mặt báo. Gần đây nhất là những căn biệt thự của ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) được một số chuyên gia bất động sản đánh giá có giá thị trường dao động từ 80-100 tỷ/căn. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mức lương của chủ tịch thành phố Hà Nội là 15.347.000 đồng/tháng.
Cách tốt nhất và có hiệu lực nhất là phải thay đổi tận gốc, thay đổi cả một cái cây, trồng cây mới với cái tên là cây Dân Chủ : Phải có tam quyền phân lập và báo chí độc lập : Phải có tam quyền phân lập và báo chí độc lập.
Tuy các hình thức tham nhũng rất khó bị phát hiện nhưng kết quả của nó ai cũng có thể thấy, ít nhất với phần nổi là bất động sản. Nếu các quan chức phải kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản một cách công khai thì chắc chắn tham nhũng sẽ giảm. Đó là nhận định của Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội với RFA sáng 23 tháng 6 năm 2022 :
"Tham nhũng ở Việt Nam bây giờ là từ trong xương nó dòi ra cho nên phải trị bằng một loại thuốc đặc trị. Tôi đề nghị có những bước đi thích hợp. Thích hợp là từ xã, phường, ấp phải thực sự có tự do ứng cử, bầu cử. Tiếp đến là đến cấp quận, cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh rồi lên tới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Làm sao trong các cơ quan dân cử, Hội đồng Nhân dân và Quốc hội phải có năm đến mười phần trăm những người không là đảng viên để nghe tiếng nói thật sự của dân.
Ở Việt Nam bây giờ những người có chức đều là đảng viên mà tội tham nhũng là tội của những người có chức. Như vậy tham nhũng là từ trong đảng mà ra. Bây giờ phải thực hiện những câu mà Tổng bí thư đã nói về chống tham những. Muốn chống tham nhũng thì phải làm gương về tài sản. Làm gương trước nhất là Bộ chính trị rồi Ban bí thư, Ban chấp hành trung ương. Các vị công khai tài sản hết đăng báo Nhân Dân cho dân đọc. Và nói luôn, nếu ai phát hiện tôi ngoài những tài sản đã kê khai mà còn có hơn một tỷ, hay cho mười tỷ cũng được, mà nguồn gốc không rõ ràng thì xin trả lại chức. Về nghỉ".
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Hôm 23 tháng Tám vừa qua, Tạp chí Cộng sản của Đảng cộng sản Việt Nam, có bài tựa đề "Nhập khẩu thuyết "Tam Quyền Phân Lập" hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực".
Đảng cộng sản Việt Nam Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng
Đây là bài xã luận dài của tác giả Trần Hậu Thành, một tiến sĩ thuộc Ban Tổ chức trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, phân tích về "Tam Quyền Phân Lập", nhấn mạnh đó là học thuyết du nhập từ bên ngoài, cũng là nguồn gốc của điều ông tiến sĩ này cho là cổ xúy bất ổn và xung đột quyền lực.
Người đọc nghĩ gì trước nhận định của ông Trần Hậu Thành về "Tam Quyền Phân Lập" ? Đầu tiên là nhà báo, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già :
"Nếu gọi là ‘nhập khẩu thuyết Tam Quyền Phân Lập" thì người cộng sản Việt Nam buộc phải nhớ lại chính Hồ Chí Minh đã nhập khẩu chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Hơn nữa bất kỳ một học thuyết nào cũng phải được kiểm nghiệm bằng thực tế cuộc sống. Nói cách khác lý thuyết không bao giờ tách rời thực tiễn, và nếu thuyết Tam Quyền Phân Lập sai thì tại sao hàng trăm quốc gia đi theo mô hình đó ? Đơn giản bởi thuyết Tam Quyền Phân Lập là khoa học và đã được kiểm chứng bằng thực tế của hàng trăm quốc gia bằng sự phú cường, văn minh và nhân ái.
Việc ông Trần Hậu Thành gọi Tam Quyền Phân Lập là "lá bài cổ súy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực", tôi cho đó là phép ngụy biện mang tên 'đảo ngược nhân quả'. Ông ta cố tình lấy hậu quả, nghĩa là sự bất ổn chính trị và xung đột quyền lực gán cho nó là nguyên nhân, tức là ông ta đổ thừa cho Tam Quyền Phân Lập. Thực tế đã chứng minh ông Trần Hậu Thành sai bởi vì "quả" bất ổn chính trị như hiện nay tại Venezuela, Hong Kong hay Việt Nam đều do "nhân", tức là do độc đảng toàn trị nhưng được khoác chiếc áo gọi là "ổn định chính trị".
Nhà nghiên cứu độc lập, tiến sĩ Nguyễn Quang A, thì cho rằng suy cho cùng nếu gọi Tam Quyền Phân Lập là học thuyết nhập khẩu thì cũng không sai vì :
"Thứ nhất Tam Quyền Phân Lập là tư tưởng được phát triển ở phương Tây từ thế kỷ 18, 19 đến 20, nó xa lạ với Việt Nam. Từ thời các vua chúa cho đến thời cộng sản tại Việt Nam đều không có dân chủ, cho nên khía cạnh nhập khẩu thì không sai. Nhưng những tư tưởng tốt của nhân loại mà nhập khẩu vào là chuyện tốt cho dân tộc, chẳng có gì phải ngại cả. Những người cộng sản luôn tự xưng họ là học trò của ông Hồ Chí Minh, người nhập khẩu cái tư tưởng cộng sản vào Việt Nam. Chính bản thân ông Hồ là người nhập khẩu tư tưởng cộng sản vào. Đáng tiếc những học trò của ông Hồ, và có lẽ cả ông thời còn sống, đã không thực hiện những điều nhập khẩu đấy, cho nên những cái hay ho đấy bây giờ là bất ổn".
Trong phần đầu bài xã luận, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành viện dẫn nguyên văn Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được hiến định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Theo luật sư Phạm Công Út, không chấp nhận Tam Quyền Phân Lập là quan điểm trái chiều. Mặt khác, theo ông ngày nào còn tồn tại một đảng lãnh đạo thì không thể tuyên truyền "quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" với những người biết suy nghĩ :
"Tôi tôn trọng các quan điểm trái chiều với mình, nhưng tôi cũng mong người khác tôn trọng quan điểm trái chiều của tôi chứ tôi không đả phá và tôi sẵn sàng phản biện. Tôi không nhắm vào cá nhân, chỉ muốn nói rằng học vị tiến sĩ mà vẫn bảo lưu cái việc thống nhất quản lý lập pháp, hành pháp về phía cơ quan nhà nước thì chuyện đó cũng không làm tôi ngạc nhiên.
Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp minh định một điều mà Quốc hội đã biểu quyết thông qua. Hiến pháp thường xuyên thay đổi chứ không mang tính ổn định vĩnh viễn. Có thế bối cảnh lịch sử ngày nay người ta chưa chấp nhận Tam Quyền Phân Lập, tức 3 cơ quan quyền lực tách bạch lẫn nhau, kiểm soát lẫn nhau và không bị phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng hiện nay Nhà nước thống nhất quản lý rồi nói là nhân dân làm chủ, quyền lực thuộc về tay nhân dân. Điều đó không đúng theo hiến pháp bởi vì hiện nay người bị mất đất, bị mất tài sản, bị tù oan… đã xuất hiện rất nhiều. Mất tài sản thì gắn liền với đất, trải dài 63 tỉnh thành từ Nam ra Bắc trong một diện rộng".
Nếu thực sự nhân dân làm chủ, luật sư Phạm Công Út lập luận, sẽ không có tình trạng dân phải đi đòi lại quyền của mình nhiều đến mức như hiện nay. Vị luật sư này khẳng định vấn đề Tam Quyền Phân Lập hiện vần không được Việt Nam công nhận vì một đảng lãnh đạo, chiếm vị trí 3 cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp hầu hết là đảng viên cộng sản. Theo ông nói ‘quyền lực thuộc về nhân dân trở thành một khẩu hiệu sáo mòn, người dân thực sự không làm chủ mà ông chủ chính là những người khác.
Ông tiến sĩ Trần Hậu Thành lý luận tiếp trong bài báo của mình rằng "Thực tiễn cho thấy việc phân định rõ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là cách thức quan trọng để phát huy vai trò của nhà nước, đồng thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Ông nói chúng ta, tức nhà nước Việt Nam, đã tiếp thu mặt tiến bộ trong kỹ thuật tổ chức các thiết chế nhà nước trên thế giới, trong đó việc "phân công" và "phối hợp" giữa 3 nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ ở các bản Hiến pháp Việt Nam, đặc biệt Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.
Cán bộ của Ban Tổ chức trung ương nói như thế để đánh giá tiếp rằng "Trong hời gian gần đây vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước... để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết "tam quyền phân lập", coi nó là "phương thuốc vạn năng" cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị. Học thuyết "tam quyền phân lập" được áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số nước phương Tây mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, cần được nghiên cứu, tham khảo, nhưng không nên vì thế mà cường điệu hóa, lý tưởng hóa và xem nó như là chìa khóa vạn năng của "dân chủ - pháp quyền".
Ông còn nêu tư tưởng Các Mác, Ăng Ghen và nhiều luận cứ khác để chốt lại một điều rằng "Tam Quyền Phân Lập" là nguyên nhân sâu xa của bất ổn chính trị và xung đột quyền lực, hai yếu tố mà ông cho là phương hại đến quyền lực nhân dân.
Trong lúc luật sư Phạm Công Út nói đây là những biện luận lý giải cố ý áp đặt, chưa kể là nhập nhằng giữa quyền lực Nhà nước và quyền lực nhân dân, thì nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang A, từng dịch thuật nhiều tác phẩm kinh điển về dân chủ và chính trị trên thế giới, nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên về những luận cứ như vậy :
"Không lạ khi Tạp chí Cộng sản đăng cái bài như vậy của một ông tiến sĩ nào đấy, bởi vì chủ thuyết của Đảng cộng sản Việt Nam, mà được thể hiện đúng là trong cái người ta áp đặt vào Hiến pháp năm 2013, nghĩa là đảng cộng sản ngồi xổm lên Pháp Luật, đảng cộng sản cai quản hết mọi thứ không chia sẻ cho ai bất kỳ cái gì cả.
Cho nên chuyện đả phá tư tưởng về Tam Quyền Phân Lập, về kiểm soát và đối trọng, về Luật trị tức Rule Of Law, là chuyện nhất quán từ trước đến nay của Đảng cộng sản Việt Nam. Một ông được coi như là một nhà lý luận của đảng cộng sản mà nói như vậy không có gì đáng ngạc nhiên cả. Phải rất lưu ý là từ ngữ họ dùng khác với từ ngữ mà thế giới văn minh đều dùng. Họ nói đến nhân dân là họ nói đến những người ngoan ngoãn nghe theo Đảng cộng sản Việt Nam".
Với tất cả những luận cứ nêu trên, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành của Ban Tổ chức trung ương cho rằng về mặt lý luận thì Tam Quyền Phân Lập là một học thuyết phức tạp, đa chiều và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới mắt nhà báo, cựu tù lương tâm Nguyễn Ngọc Già, đây là cách ngụy biện nhằm phức tạp hóa vấn đề của người không am hiểu và không nhìn rõ vấn đề đó.
"Phân quyền, tập quyền và tản quyền là những khái niệm về các môn chính trị học và quản lý nhà nước. Người cộng sản Việt Nam không am tường, không chịu học những trường phái khác nhau và không chịu lắng nghe ý kiến trái ý của họ, nên họ lẫn lộn các khái niệm trên là điều dễ hiểu. Họ thấy rối rắm, nên họ gán cho "phân quyền là một tư tưởng phức tạp" để né tránh, nói cách khác đó là phép ngụy biện mang tên là phức tạp hóa vấn đề. Người cộng sản trước giờ chỉ lo tập trung quyền lực, tập trung để củng cố quyền bính mà thôi. Tôi cho rằng họ đang bị vây khốn giữa "tập quyền" và 'tản quyền" hơn là có "phân quyền" mà họ ngỡ họ đang làm đúng".
Trở lại với phân tích của ông Trần Hậu Thành, rằng trong thời gian gần đây một số cá nhân, vì muốn phủ nhận nguyên tắc tập trung quyền lực trong bộ máy nhà nước cũng như trong hoạt động của nhà nước, đã lợi dụng sự chậm trể trong việc cụ thể hóa những qui định của Hiến pháp, lợi dụng những tiêu cực trong việc phòng chống tham nhũng để từ đó mà tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết "Tam Quyền Phân Lập", coi đó là "phương thuốc vạn năng" cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng.
Thực tế không phải chỉ một số cá nhân mà phải nói đại bộ phận người dân, với kiến thức trung bình và lành mạnh, cũng đã hiểu ra sự khác biệt giữa tam quyền phân lập với trung ương tập quyền, là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Quang A :
"Dân chủ, tam quyền phân lập có thực sư gây bất ổn hay không ? Kinh nghiệm trên thế giới từ cổ cho đến bây giờ thì Tam Quyền Phân Lập và Luật trị - mà ông Hồ cũng rất ca ngợi - những tư tưởng đấy được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ làm cho xã hội Việt Nam ổn định hơn, lành mạnh hơn và sự phát triển của đất nước tốt hơn mà thôi. Còn họ muốn sự ổn định là nhân dân ngoan ngoãn nghe lời và im thì cái đấy sẽ biến dân tộc thành nô lệ và về dài hạn sẽ dẫn đến những bất ổn định khủng khiếp".
Ở cuối bài xã luận, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành của Ban Tổ chức trung ương sử dụng nhiều từ "nhưng" để kết luận rằng quyền lực nhà nước ở nước ta bắt nguồn từ nhân dân nhưng thống nhất và tập trung vào quốc hội nhưng được phân công cụ thể, rành mạch, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao hơn 40 năm đất nước không còn chia cắt và chính phủ Hà Nội luôn nói đang hội nhập thế giới mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận tam quyền phân lập, coi đó là mầm mống phản động, bất ổn. Sợ mất quyền thống trị là câu trả lời của luật sư Phạm Công Út :
"Từ bỏ quyền thống trị không đơn giản. Để mà quản lý và thống trị một quốc gia thì người ta sử dụng sức mạnh quyền lực để bảo vệ vị trí thống trị của mình chứ không dễ dàng chuyển giao bằng luật pháp. Ví dụ chẳng hạn cho thành lập đảng, hội một cách tự do và không nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước thì việc mất kiểm soát đó dẫn đến mất vị trí thống trị.
Việt Nam cũng chọn cho mình một bản Hiến pháp riêng, nhưng Hiến pháp của Việt Nam đã kéo dài vị trí một đảng lãnh đạo trong nhiều thập kỷ. Trong giai đoạn hiện nay người ta không thể nào chấp nhận Tam Quyền Phân Lập.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì Hiến pháp của Việt Nam thiếu 3 yếu tố quan trọng, tính khoa học, tính hội nhập và tính dân chủ :
Tôi nhớ nhà tư tưởng Benjamin Barber đã nói Hiến pháp không tạo nên dân chủ, mà chính dân chủ tạo nên Hiến pháp.
Tính khoa học ở đây là Hiến pháp của người cộng sản Việt Nam không đúc kết từ thực tiễn cuộc sống. Nói cách khác, người cộng sản Việt Nam áp dụng "tư duy tư biện", nghĩa là suy luận đơn thuần trên lý thuyết sao cho có lợi cho họ, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến thực tế.
Vế tính hội nhập, thoạt nhìn có vẻ Việt Nam tiếp thu từ các Hiến pháp trước đây nhưng xem ra không có gì thay đổi, đặc biệt vấn đề Tam Quyền Phân Lập bị cho là mối nguy hại quá lớn cho sự trường tồn độc đảng.
Về tính dân chủ, Quốc hội là nơi gọi là "thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước" (theo luật tổ chức quốc hội), nhưng thực chất chỉ là cơ quan bù nhìn của Đảng cộng sản Việt Nam. Quốc hội chưa bầu thì dân đã biết rõ ai sẽ là chủ tịch, ai sẽ là thủ tướng…".
Chính vì thế, nhà báo Nguyễn Ngọc Già kết luận, mang Hiến pháp ra để củng cố cho quan điểm quyền lực nhà nước là quyền lực nhân dân, gọi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước chỉ là phép ngụy biện gần như bất biến của người cộng sản.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 30/08/2019
"Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng" ; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước".
Ông Trần Quốc Vượng thứ 5 từ trái sang.
Báo điện tử Viêtnamnet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông tại Hà Nội hôm Thứ Tư 6/12/2017 thuật nội dung lời cảnh cáo tới tất cả đảng viên đảng cộng sản Việt Nam qua một chỉ thị từ ông Trần Quốc Vượng.
Theo nguồn tin vừa kể, ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về "xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm".
Quy định này mang số 102-QĐ/TW được ông Trần Quốc Vượng ký từ ngày 15 tháng 11 năm 2017 nhưng không thấy được quảng cáo rộng rãi, mãi ba tuần sau mới thấy Vietnamnet đề cập.
Trong đó, 5 chương với 37 điều nêu các loại tội trạng và các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến khai trừ đảng. Trong trường hợp các vi phạm "đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ".
Tại điều 7 của quy định trừng phạt đảng viên , khi bị coi là vi phạm nhẹ thôi thì chỉ bị "khiến trách" nếu "Bị người khác xúi giục, lôi kéo, mua chuộc mà có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát, xuất bản, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Hoặc là "Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, chống diễn biến hòa bình".
Nhưng nếu "gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ :
a. Cố ý nói, viết có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật, phủ nhận vai trò lãnh đạo và thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc.
b. Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng".
c. Cố ý đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; truyền thống của dân tộc, của Đảng và Nhà nước.
d. Lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoạt động gây nguy hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
đ. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
e. Hoạt động trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động.
g. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Vào ngày ông Trần Quốc Vượng ký văn bản "Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm' ở Hà Nội thì ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới họp với các đảng viên chủ chốt của đảng bộ tỉnh Hải Phòng. Ông nhắc nhở các ông cầm đầu tỉnh này phải "ngăn chặn tình trạng chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị" tại địa phương.
Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam cũng đều có điện thoại thông minh, có máy điện toán tại nhà và truy cập internet toàn cầu. Họ có thể biết được mọi thứ thông tin "ngoài luồng" từ các tổ chức, cá nhân không trong hệ thống đảng và nhà nước.
Sự dao động tinh thần dẫn tới "chán Đảng" là điều khó tránh nên Bộ chính trị cộng sản Việt Nam đã nhiều đợt đưa ra các kế hoạch đối phó với các vấn đề "diễn biến hòa bình" và ngay trong nội bộ đảng thì "tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng cộng sản Việt Nam có hẳn một chuyên mục "chống diễn biến hòa bình", hay "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa". Không mấy ngày là tờ QĐND không có một bài bình luận, phân tích về các chủ đề vừa kể, đồng thời với các đề nghị giải pháp đối phó.
Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Luật số 62/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015), Tòa án nhân dân tối cao có quyền trình Quốc hội dự án luật và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh (Điều 20).
Dựa vào quyền hạn đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyền góp ý kiến cho các dự án luật và pháp lệnh (Điều 22), và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền chỉ đạo việc soạn thảo dự án luật và pháp lệnh (Điều 27).
Ngoài ra, cũng theo hai Điều 22 và 27 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao còn có quyền trực tiếp ban hành văn bản pháp luật, và Tòa án nhân dân tối cao có quyền phối hợp với cơ quan hành pháp có liên quan để trực tiếp ban hành văn bản pháp luật.
Như vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân công nhiên trao cho Tòa án tối cao và Chánh án Tòa án tối cao thẩm quyền lập pháp, song song với thẩm quyền tư pháp vốn có (tức quyền xét xử các vụ án và vụ kiện). Nói cách khác, theo luật này, tư pháp mặc nhiên can dự lập pháp.
Thế nào là tam quyền phân lập ?
Chúng ta đều biết, ở các thể chế tam quyền phân lập thực sự trên thế giới, ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp hoàn toàn độc lập. Sự độc lập đó chính là hệ quả của tính phân lập giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Đây là nền tảng triết lý thiết lập nên mọi thể chế chính trị phương Tây kể từ khi loài người thoát khỏi chế độ quân chủ độc đoán hàng trăm năm qua.
Tất nhiên vẫn hiện hữu sự hỗ tương giữa các nhánh quyền lực nhà nước, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi sau đây :
Thứ nhất, ngoài các nghị sĩ quốc hội lập pháp, phía cơ quan hành pháp cũng có thể đệ trình dự luật để quốc hội thảo luận và thông qua. Thêm vào đó, trong hệ thống công quyền, các cơ quan hành pháp còn có quyền lập quy, tức ban hành những quy định nội bộ ngành để điều phối hoạt động và công việc quản lý của mình nhằm thi hành pháp luật.
Thứ hai, tòa án thông qua án lệ hình thành trong quá trình xét xử có thể tác động đến công việc lập pháp một cách gián tiếp. Vai trò của án lệ, tức những bản án do tòa án các cấp tuyên về một vấn đề pháp lý cụ thể, là xây dựng đường hướng có tính chất tiền lệ về cách áp dụng và diễn giải luật thành văn liên quan đến những vấn đề phát sinh từ các sự kiện và hành vi pháp lý xảy ra trên thực tế. Các nhà lập pháp đôi khi cũng chủ động tham khảo án lệ để soạn thảo và đệ trình dự luật liên quan đến những vấn đề pháp lý nào đó.
Trong ba nhánh quyền lực quốc gia nói trên, quan hệ giữa lập pháp và hành pháp thường chặt chẽ và liên thuộc hơn, do bản chất chính trị tương tự của hai hệ thống cơ quan nhà nước này. Còn tư pháp thì luôn giữ thế độc lập tuyệt đối, bởi bản chất và hình ảnh của nó là phi chính trị.
Do đó sẽ là bình thường nếu dự luật nào đấy được một bộ của chính phủ đệ trình trước quốc hội. Đối tượng và nội dung của dự luật ấy ít nhiều liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của bộ đó. Sự can dự của hành pháp vào lập pháp vì thế là chuyện đương nhiên và chấp nhận được.
Trong khi đó, hoạt động của tòa án chỉ giới hạn trong chức năng xét xử đơn thuần. Sản phẩm của quyền tư pháp chỉ có thể là các bản án được tuyên trên cơ sở áp dụng và diễn giải luật thành văn có sẵn, chứ không phải là các dự luật sẽ được ban hành để trở thành luật thành văn cho chính nó hoặc cơ quan hành pháp áp dụng.
Cần lưu ý, sự độc lập của quyền tư pháp thể hiện ở hai khía cạnh. Một là, ngành hành pháp không thể can thiệp vào công việc xét xử của tòa án. Hai là, tòa án không thể tự mình trình dự luật, rồi sau khi được thông qua, dựa vào đó để xét xử. Danh giá của hệ thống tòa án nằm ở tính công minh trong phán quyết của thẩm phán. Thiếu sự độc lập, xét ở hai khía cạnh vừa đề cập, chắc chắn thẩm phán đánh mất sự công minh và, do đó, danh giá của mình.
Tóm lại, ở các nước theo hệ thống tam quyền phân lập, tư pháp không thể can dự lập pháp, nếu không sẽ bị xem là vi hiến và vi phạm nền tảng triết lý của thể chế tam quyền phân lập đích thực.
Tam quyền "phân nhiệm" ở Việt Nam
Đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị toàn trị ở Việt Nam luôn tuyên bố không chấp nhận thể chế tam quyền phân lập. Tất nhiên, theo các bản hiến pháp từng hiện hữu trên quốc gia cộng sản này, nhà nước vẫn được tổ chức theo ba nhánh quyền lực, nhưng giữa chúng không có sự phân lập, mà chỉ phân nhiệm, tức phân chia nhiệm vụ.
Quyền lực chính trị và pháp lý tối cao theo hiến pháp và trên thực tế đều tập trung vào tay Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được đảng cầm quyền trao cho từng nhiệm vụ riêng, trông có vẻ chuyên biệt, nhưng đều phục tùng một quyền lực chung duy nhất và tuyệt đối. Do đó, các nguyên tắc của một thể chế tam quyền phân lập đích thực chưa bao giờ áp dụng cho thể chế tam quyền phân nhiệm kiểu Việt Nam.
Dưới sự tập quyền độc tôn của đảng cầm quyền, các cơ quan thuộc những nhánh quyền lực khác nhau không có sự độc lập dù tối thiểu, và hoàn toàn có thể can dự vào công việc của nhau một cách tùy tiện, miễn đáp ứng yêu cầu chính trị mà đảng cầm quyền giao phó. Vì vậy mới có quy định về quyền hạn của Tòa án tối cao và Chánh án Tòa án tối cao trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân như đã nêu ở phần đầu.
Hoạt động của các tòa án Việt Nam luôn bị can thiệp bởi đảng cầm quyền và các cơ quan hành pháp, và đến lượt mình Tòa án tối cao lại can dự vào hoạt động lập pháp một cách hợp pháp, mà không ai có thể dị nghị. Điều này xem ra rất đỗi lạ lùng đối với các luật gia được đào tạo theo trường phái phương Tây, nhưng lại hiển nhiên trong sự vận hành hàng ngày của bộ máy nhà nước cộng sản.
Các luật gia phương Tây hẳn nhiên đặt vấn đề rằng nếu cơ quan tài phán tham gia vào tiến trình dự thảo và ban hành luật, thì làm sao bảo đảm sự phân quyền trong hệ thống quyền lực quốc gia ? Ngạc nhiên như thế vì họ chưa hiểu thấu cơ chế phân nhiệm giữa các nhánh quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền kiểu cộng sản.
Thêm vào đó, ở Việt Nam còn có một quy tắc bất thành văn khác là luật liên quan đến hoạt động của ngành nào thì ngành đó soạn luật, và Quốc hội chỉ là nơi thông qua luật theo thẩm quyền hiến định mà thôi. Quốc hội Việt Nam không phải là cơ quan lập pháp đúng nghĩa theo quan niệm phương Tây, mà đơn thuần chỉ là cỗ máy thông qua luật của đảng cầm quyền, trong đó các Đại biểu Quốc hội chỉ diễn xuất theo kịch bản soạn trước của đảng cầm quyền.
Suy cho cùng, nền tảng triết lý tạo dựng nên nhà nước cộng sản toàn trị, nếu có, đơn giản chỉ là mọi quyền lực đều tập trung vào tay đảng cầm quyền, rồi tùy theo yêu cầu chính trị ở mỗi lúc và mỗi nơi mà các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước sẽ được giao phó công việc cụ thể theo chức năng chung được phân nhiệm trong hiến pháp và luật pháp. Về phương diện hình thức, người ta tưởng rằng cách thức tổ chức bộ máy nhà nước cộng sản có vẻ giống với các nước phương Tây, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác, bởi bản chất toàn trị của nó.
Lê Công Định
Nguồn : VOA, 11/04/2017
Lê Công Định, luật sư, từng làm việc cho các cơ quan công quyền Việt Nam từ 1990 – 1994. Ông thành lập văn phòng luật DC Law năm 2005, mau chóng trở thành một trong những văn phòng luật hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực thương mại quốc tế. Ông bị chính quyền Việt Nam bắt năm 2009 với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Ông được trả tự do năm 2013, chịu thêm 3 năm quản thúc tại gia. Ông được tổ chức Amnesty International chọn là Tù Nhân Lương Tâm năm 2009.
Đầu tháng hai 2017, một số thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ ngăn chận không cho thực hiện một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ về di dân.
Cảnh sát đứng bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại Washington, DC. ngày 31 Tháng 1 năm 2017. AFP photo
Luật sư Lê Công Định, hiện đang sống tại Sài Gòn, người từng nghiên cứu luật pháp tại Mỹ giải thích cơ chế thách thức nhau giữa các quyền lực nhà nước tại Mỹ, và sự cần thiết áp dụng cơ chế này tại Việt Nam.
Lê Công Định : Các thẩm phán Hoa Kỳ không phải chống lại sắc lệnh của Tổng thống Trump, mà ở đây có một đơn khởi kiện chống lại các sắc lệnh của Tổng thống Trump, và đưa lên cho các thẩm phán giải quyết. Tòa án liên bang ở Seattle đã đưa ra một án lệnh là trước tiên tạm đình chỉ thi hành các án lệnh đó. Sau đó chờ một ngày xét xử chính thức để quyết định sẽ đình chỉ vĩnh viễn hay tiếp tục thi hành sắc lệnh đó.
Do đó sau khi nhận được án lệnh, Bộ tư pháp Hoa Kỳ, đại diện cho Tổng thống Trump và chính quyền của ông, đưa ra một kháng nghị yêu cầu dỡ bỏ lệnh đình chỉ đó lên Tòa thượng thẩm liên bang hạt số 9. Chánh án Tòa thượng thẩm xét thấy là cần thiết nên phải duy trì lệnh đình chỉ đó của Tòa sơ thẩm liên bang. Chúng ta thấy rằng việc đình chỉ này chỉ là tạm thời và chờ một phiên xử chính thức.
Với tư cách một người nghiên cứu pháp luật tại Mỹ trước đây, tôi nhận thấy đây là một ví dụ rất hay chứng minh rằng ở Hoa Kỳ cũng như các quốc gia dân chủ phương Tây khác, các quyền trong ba quyền luôn luôn có sự kiểm soát lẫn nhau, và họ hoàn toàn độc lập, không phải cứ sắc lệnh của ngành hành pháp, của Tổng thống là tối cao, mà các sắc lệnh đó hoàn toàn có thể bị thách thức giá trị của nó trước tòa án, và các cơ quan xét xử thuộc ngành tư pháp hoàn toàn có thẩm quyền ngăn chận bất kỳ một sắc lệnh nào nếu thấy đó là điều vi phạm Hiến pháp.
Kính Hòa : Việc tách ra ba quyền lực của các thể chế dân chủ phương Tây mà ông đề cập, cũng đã từng được nhiều người đề cập đến ở Việt Nam, thậm chí một số trí thức trong thời gian gần đây đã đề nghị thẳng điều đó đến đảng cộng sản Việt Nam. Sự khả thi của cơ chế đó tại Việt Nam, trong tình hình hiện nay theo ông là như thế nào ?
Lê Công Định : Chúng ta thấy tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia dân chủ phương Tây khác, ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, hoàn toàn phân lập với nhau. Phân lập ở đây chúng ta hiểu là hoàn toàn động lập, có sự kiểm soát lẫn nhau, không có quyền nào lệ thuộc vào quyền nào cả.
Trong khi đó ở Việt Nam, thể chế tam quyền phân lập hoàn toàn không hiện hữu, mặc dù người dân và giới trí thức trong nhiều năm nay thường xuyên đòi hỏi thể chế tam quyền phân lập.
Chỉ có thể chế tam quyền phân lập mới đáp ứng đúng cái nghĩa nhà nước pháp trị mà ở Việt Nam đảng cộng sản và nhà nước hay nói là nhà nước pháp quyền. Họ một mặt nói là họ muốn xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế họ lại bác bỏ thể chế tam quyền phân lập.
Nói như vậy không có nghĩa là ở Việt Nam không có ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Chúng ta thấy là cơ cấu nhà nước Việt Nam vẫn có ba quyền này, tuy nhiên nó không phân lập mà phân nhiệm, phân nhiệm tức là sự phân chia nhiệm vụ. Quốc hội là lập pháp ban hành các điều luật, hành pháp thực thi các điều luật, còn tư pháp là hệ thống tòa án xét xử.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta thừa biết rằng là ba nhiệm vụ đó, của ba cơ quan khác nhau đó hoàn toàn chịu sự lãnh đạo thống nhất của đảng cộng sản Việt Nam. Về mặt tuyên truyền thì đảng cộng sản Việt Nam luôn nói rằng quyền lực tập trung về tay nhân dân, đảng cộng sản chỉ là một lực lượng lãnh đạo đại diện cho nhân dân mà thôi.
Trên thực tế đảng cộng sản nắm toàn bộ ba quyền, và chỉ có sự phân nhiệm giữa các ngành với nhau do các đảng viên của đảng cộng sản được cử ra đảm nhiệm những chức vụ trong ba ngành đó mà thôi.
Kính Hòa : Nếu ông đặt ông ở vị trí của người cầm quyền thuộc đảng cộng sản hiện nay, có lý do nào không thuyết phục được họ rằng mô hình tam quyền phân lập này sẽ không đem lại điều gì tốt cho đất nước ?
Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ James Robart tạm thời ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump hôm 3/2/2017. AFP photo
Lê Công Định : Thật ra họ cũng thấy tam quyền phân lập là có lợi cho đất nước, nhưng trên tất cả họ thấy tam quyền phân lập không có lợi cho chính họ, không có lợi cho cái quyền lực đang cai trị đất nước, thống trị xã hội này của đảng cộng sản. Cho nên họ chỉ làm những gì có lợi cho họ, tập trung quyền lực trong tay của đảng cộng sản mà thôi.
Kính Hòa : Có những người bảo vệ ý tưởng dân chủ tập trung do đảng cộng sản đưa ra nói rằng đất nước Việt Nam nhỏ không thể chịu được những tranh cãi nhau như chúng ta thấy trong những ngày vừa qua ở Hoa Kỳ, hay những cuộc tranh cãi khác ở những quốc gia dân chủ khác, giữa những ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp với nhau. Ông thấy nỗi sợ đó có hợp lẽ không ?
Lê Công Định : Nói Việt Nam là một quốc gia nhỏ là không chính xác, Việt Nam không hề là một quốc gia nhỏ. Ở Châu Âu có những quốc gia có diện tích và dân số nhỏ hơn Việt Nam, hoàn toàn theo mô hình tam quyền phân lập hoàn toàn tốt, và đưa đất nước của họ phát triển rất là văn minh, khiến người dân cảm thấy người ta có can dự vào các hoạt động chính trị.
Ở Việt Nam, người ta đưa ra những lý do như là đất nước nhỏ cần có sự quản lý tập trung, hoặc là dân trí người Việt Nam chưa đủ cao để hưởng những quyền tự do dân chủ rộng mở như các nước phân Tây. Thậm chí họ còn đưa ra lý do là sẽ có bạo loạn nếu mở rộng quyền tự do dân chủ, chấp nhận thể chế tam quyền phân lập.
Tất cả những cái đó đều là cái cớ, mặc dù trên thực tế có ai đã thực hiện thể chế tam quyền phân lập ở Việt Nam đâu mà biết rằng nó sẽ đưa đến hậu quả nào. Điều duy nhất là họ đưa ra những cớ đó như những mối đe dọa để họ tiếp tục tập quyền vào tay đảng cộng sản.
Dân chủ tập trung là một khái niệm, một lý thuyết được phát triển bởi Lenin, từ Lenin chúng ta mới có những thể chế nhà nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta thấy ỏ Liên Xô, ở Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam. Tất cả đều nhằm mục đích tập trung quyền lực. Cái từ dân chủ trong cụm từ dân chủ tập trung đó hoàn toàn là thứ yếu, tập trung mới là chính yếu.
Kính Hòa : Là người nghiên cứu luật pháp đã đưa nhiều ý kiến phản biện, thậm chí những ý kiến đó đã đưa đến hậu quả không tốt cho bản thân ông, vậy ông có lời nhắn gửi gì đến những người đang cầm quyền hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam hay không ? Trong tình hình hiện nay của đất nước và của cả thế giới nữa ?
Lê Công Định : Trong nhiều chục năm nay tôi vẫn chủ trương là Việt Nam phải đi đến thể chế tam quyền phân lập. Càng ngày tôi càng đặt vấn đề này nhiều hơn, và hậu quả là nhà nước thấy những góp ý của tôi nghịch tai họ nên họ nên có một sự việc là họ bắt giam tôi một thời gian.
Điều đó không thể ngăn cản tôi tiếp tục đòi hỏi Việt Nam phải theo thể chế tam quyền phân lập, bởi vì kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới này, phát triển và đang phát triển, thể chế tam quyền phân lập tạo một cơ sở xã hội tốt, mà trên cơ sở xã hội đó, nền kinh tế mới phát triển tốt được.
Do đó chúng tôi luôn luôn đòi hỏi chính phủ Việt Nam hãy tiếp tục thực hiện mọi cải cách chính trị để nhằm đưa đến một thể chế tam quyền phân lập. Tất nhiên tôi hiểu rằng điều đó rất là khó trong một thời gian ngắn. Làm sao thuyết phục họ rằng điều đó có lợi cho dân chúng, và do đó có lợi cho chính họ.
Rất là khó bởi vì nó làm mất món lợi trước mặt khi họ có quyền trong tay, vẫn lớn hơn tất cả. Dầu vậy tôi và những người đồng chí hướng với tôi vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh này, bởi vì đây là một điều tốt đẹp nhất cho đất nước Việt Nam.
Kính Hòa : Xin cám ơn ông.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/02/2017
Sau sự kiện một số thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) ly khai thì họ đưa ra một số cáo buộc rằng lãnh đạo của Tập Hợp là độc tài, tổ chức thì không có dân chủ và không có tam quyền phân lập, nhất nguyên… Họ so sánh Tập Hợp với một nhà nước và cho rằng cách vận hành của một tổ chức cũng phải dân chủ như một quốc gia.
Một số người Việt cũng có suy nghĩ như vậy. Sự thực là như thế nào ?
Mô hình Hoa Kỳ, nhà nước tam quyền phân lập
Khác biệt lớn nhất giữa một quốc gia và một tổ chức là gì ?
Trước hết phải luôn xác quyết một điều rằng "quốc gia là cứu cánh còn tổ chức chỉ là phương tiện".
Quốc gia là một tập thể bắt buộc của nhiều người, nhiều cộng đồng, cùng phải chung sống với nhau và có nhiều khuynh hướng đối lập. Việt Nam là một quốc gia bao gồm 54 dân tộc khác nhau với nhiều tôn giáo khác nhau và nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau như dân chủ, cộng sản, cộng hòa… Dù muốn hay không thì tất cả chúng ta đều phải chung sống trong cùng một quốc gia, một lãnh thổ.
Trên bình diện quốc gia thì không thể có sự "nhất nguyên" mà phải là "đa nguyên". Trong một quốc gia dân chủ thì mọi cái "nhất nguyên" đều có quyền bình đẳng với những cái "nhất nguyên" khác. (Nhất nguyên ở đây được hiểu là một hệ tư tưởng chính trị, đường lối và cương lĩnh của một tổ chức chính trị). Cái nhất nguyên nào tiến bộ nhất, được người dân ủng hộ nhiều nhất thì sẽ được người dân lựa chọn, thông qua một cuộc bầu cử minh bạch để trở thành đảng cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam không có chính danh và bị lên án không phải vì cái nhất nguyên (chủ nghĩa cộng sản) của họ mà vì họ dùng bạo lực để áp đặt sự nhất nguyên của họ lên toàn thể quốc gia thay vì thuyết phục để được người dân lựa chọn.
Cũng chính vì lo lắng đảng cầm quyền lạm dụng quyền lực hợp pháp được người dân trao cho họ trong nhiệm kỳ của mình (trong đó có cả quyền sử dụng bạo lực là công an, cảnh sát, quân đội…) nên các chế độ dân chủ phải có tam quyền phân lập, tự do báo chí, đối lập…để kiểm soát và giám sát chính quyền.
Trong khi đó một tổ chức thì hoàn toàn khác. Tổ chức là tập thể của một nhóm người tự nguyện kết hợp lại với nhau nhằm theo đuổi một mục đích chung trên cùng một lập trường chung.
Như vậy mỗi một tổ chức sẽ là một cái "nhất nguyên" trong một xã hội "đa nguyên". Sự đa nguyên trong một tổ chức chính trị đó là tự do bàn thảo, trao đổi ý kiến để cùng đóng góp cho một Dự Án Chính Trị, đó cũng chính là cương lĩnh, đường lối của tổ chức. Dự án Chính trị đó, sau khi được soạn thảo và biểu quyết thì mọi thành viên của tổ chức bắt buộc phải tuân theo.
Trong một tổ chức chính trị phải có sự thống nhất về tư tưởng và phương pháp đấu tranh. Không thể có chuyện các thành viên phát biểu khác nhau và khác với lập trường của tổ chức.
Sơ đồ tổ chức của một đơn vị chính trị hay xã hội
Trong một quốc gia dân chủ thì có nhiều đảng phái chính trị khác nhau (đa nguyên) nhưng trong một tổ chức thì chỉ có một "Ban lãnh đạo" duy nhất (nhất nguyên) chứ không thể có các "đảng con" trong đảng.
Các tổ chức chính trị hay xã hội dân sự chỉ là các bộ phận (thành tố) của một quốc gia nên chúng không thể giống và vận hành như một nhà nước. Nhiều tổ chức không thể có dân chủ, ví dụ trong một nhà máy, xí nghiệp, một đơn vị quân đội hay một tổ chức xã hội dân sự… Nếu trong một nhà máy mà giám đốc ra lệnh nhưng nhân viên không tuân thủ thì sẽ ra sao ? Một người lính từ chối nhiệm vụ nguy hiểm mà cấp trên giao phó thì thế nào ? Một tổ chức xã hội dân sự cũng không thể lúc nào cũng công khai tài chính được vì có nhiều người ủng hộ nhưng lại không muốn công khai danh tính…
Mỗi một tổ chức chính trị đều có "Qui ước sinh hoạt" riêng và không nhất thiết phải giống với các tổ chức khác. Qui ước sinh hoạt đó có "dân chủ" hay không là công việc nội bộ của mỗi tổ chức. Ví dụ qui ước sinh hoạt của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không có qui định nào giới hạn nhiệm kỳ của người lãnh đạo nên ông Nguyễn Gia Kiểng có làm lãnh đạo bao nhiêu nhiệm kỳ thì vẫn "hợp pháp" miễn là 2/3 thành viên Ban lãnh đạo và đa số các thành viên ủng hộ là được . Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel (Đức) cũng vậy nên bà Merkel mới có thể làm thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa là 4.
Giả sử sau này, khi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được người dân Việt Nam chọn lựa làm đảng cầm quyền và nếu Hiến pháp Việt Nam qui định một người không thể làm lãnh đạo quốc gia quá hai nhiệm kỳ thì chỉ khi đó ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mới bắt buộc phải tuân thủ.
Khi chưa trở thành đảng cầm quyền thì các chính đảng đối lập đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm hay chế tài nào nếu không vi phạm pháp luật.
Ban lãnh đạo của một đảng đối lập được đại hội toàn thể thành viên (quốc hội) bầu ra nên vừa là "hành pháp" vừa là "tư pháp". Ban lãnh đạo có toàn quyền khai trừ các thành viên theo qui ước sinh hoạt của tổ chức. Chẳng có tổ chức nào lại có "tòa án" riêng của mình cả. Chỉ có tòa án trên bình diện quốc gia chứ không có tòa án trong các tổ chức. Mọi chuyện liên quan đến qui trình và hoạt động của các tổ chức như kết nạp, khai trừ các thành viên hay phương thức hoạt động… đều là công việc nội bộ của các tổ chức. Họ chỉ chịu trách nhiệm trước tòa án nếu vi phạm pháp luật chung của quốc gia.
Điểm chung cơ bản nhất giữa một tổ chức và quốc gia đó là muốn cho nguyên tắc đa nguyên (tôn trọng sự khác biệt) thành công trong việc mang lại lợi ích chung, mọi thành viên trong tổ chức (hay trong cộng đồng) đều phải đồng thuận về một hệ giá trị chung, và trong hệ giá trị đó, sự tôn trọng, bao dung và nhân nhượng lẫn nhau là quan trọng nhất. Khái niệm này đã và đang được dùng như là nền móng của dân chủ. Mọi sự khác biệt cần trao đổi và phát biểu với tinh thần ôn hòa và tương kính. Một tổ chức hay nhà nước, dù bao dung và dân chủ đến đâu cũng không thể chấp nhận sự mạ lỵ, xúc phạm và tấn công cá nhân, kể cả bằng bạo lực ngôn ngữ.
Việt Hoàng
(20/12/2016)