Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/01/2017

Tổ chức và quốc gia khác nhau như thế nào ?

Việt Hoàng

Sau sự kiện một số thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) ly khai thì họ đưa ra một số cáo buộc rằng lãnh đạo của Tập Hợp là độc tài, tổ chức thì không có dân chủ và không có tam quyền phân lập, nhất nguyên… Họ so sánh Tập Hợp với một nhà nước và cho rằng cách vận hành của một tổ chức cũng phải dân chủ như một quốc gia.

Một số người Việt cũng có suy nghĩ như vậy. Sự thực là như thế nào ?

tochuc1

Mô hình Hoa Kỳ, nhà nước tam quyền phân lập

Khác biệt lớn nhất giữa một quốc gia và một tổ chức là gì ?

Trước hết phải luôn xác quyết một điều rằng "quốc gia là cứu cánh còn tổ chức chỉ là phương tiện".

Quốc gia là một tập thể bắt buộc của nhiều người, nhiều cộng đồng, cùng phải chung sống với nhau và có nhiều khuynh hướng đối lập. Việt Nam là một quốc gia bao gồm 54 dân tộc khác nhau với nhiều tôn giáo khác nhau và nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau như dân chủ, cộng sản, cộng hòa… Dù muốn hay không thì tất cả chúng ta đều phải chung sống trong cùng một quốc gia, một lãnh thổ.

Trên bình diện quốc gia thì không thể có sự "nhất nguyên" mà phải là "đa nguyên". Trong một quốc gia dân chủ thì mọi cái "nhất nguyên" đều có quyền bình đẳng với những cái "nhất nguyên" khác. (Nhất nguyên ở đây được hiểu là một hệ tư tưởng chính trị, đường lối và cương lĩnh của một tổ chức chính trị). Cái nhất nguyên nào tiến bộ nhất, được người dân ủng hộ nhiều nhất thì sẽ được người dân lựa chọn, thông qua một cuộc bầu cử minh bạch để trở thành đảng cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam không có chính danh và bị lên án không phải vì cái nhất nguyên (chủ nghĩa cộng sản) của họ mà vì họ dùng bạo lực để áp đặt sự nhất nguyên của họ lên toàn thể quốc gia thay vì thuyết phục để được người dân lựa chọn.

Cũng chính vì lo lắng đảng cầm quyền lạm dụng quyền lực hợp pháp được người dân trao cho họ trong nhiệm kỳ của mình (trong đó có cả quyền sử dụng bạo lực là công an, cảnh sát, quân đội…) nên các chế độ dân chủ phải có tam quyền phân lập, tự do báo chí, đối lập…để kiểm soát và giám sát chính quyền.

Trong khi đó một tổ chức thì hoàn toàn khác. Tổ chức là tập thể của một nhóm người tự nguyện kết hợp lại với nhau nhằm theo đuổi một mục đích chung trên cùng một lập trường chung.

Như vậy mỗi một tổ chức sẽ là một cái "nhất nguyên" trong một xã hội "đa nguyên". Sự đa nguyên trong một tổ chức chính trị đó là tự do bàn thảo, trao đổi ý kiến để cùng đóng góp cho một Dự Án Chính Trị, đó cũng chính là cương lĩnh, đường lối của tổ chức. Dự án Chính trị đó, sau khi được soạn thảo và biểu quyết thì mọi thành viên của tổ chức bắt buộc phải tuân theo.

Trong một tổ chức chính trị phải có sự thống nhất về tư tưởng và phương pháp đấu tranh. Không thể có chuyện các thành viên phát biểu khác nhau và khác với lập trường của tổ chức.

tochuc2

Sơ đồ tổ chức của một đơn vị chính trị hay xã hội

Trong một quốc gia dân chủ thì có nhiều đảng phái chính trị khác nhau (đa nguyên) nhưng trong một tổ chức thì chỉ có một "Ban lãnh đạo" duy nhất (nhất nguyên) chứ không thể có các "đảng con" trong đảng.

Các tổ chức chính trị hay xã hội dân sự chỉ là các bộ phận (thành tố) của một quốc gia nên chúng không thể giống và vận hành như một nhà nước. Nhiều tổ chức không thể có dân chủ, ví dụ trong một nhà máy, xí nghiệp, một đơn vị quân đội hay một tổ chức xã hội dân sự… Nếu trong một nhà máy mà giám đốc ra lệnh nhưng nhân viên không tuân thủ thì sẽ ra sao ? Một người lính từ chối nhiệm vụ nguy hiểm mà cấp trên giao phó thì thế nào ? Một tổ chức xã hội dân sự cũng không thể lúc nào cũng công khai tài chính được vì có nhiều người ủng hộ nhưng lại không muốn công khai danh tính…

Mỗi một tổ chức chính trị đều có "Qui ước sinh hoạt" riêng và không nhất thiết phải giống với các tổ chức khác. Qui ước sinh hoạt đó có "dân chủ" hay không là công việc nội bộ của mỗi tổ chức. Ví dụ qui ước sinh hoạt của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không có qui định nào giới hạn nhiệm kỳ của người lãnh đạo nên ông Nguyễn Gia Kiểng có làm lãnh đạo bao nhiêu nhiệm kỳ thì vẫn "hợp pháp" miễn là 2/3 thành viên Ban lãnh đạo và đa số các thành viên ủng hộ là được . Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel (Đức) cũng vậy nên bà Merkel mới có thể làm thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa là 4.

Giả sử sau này, khi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được người dân Việt Nam chọn lựa làm đảng cầm quyền và nếu Hiến pháp Việt Nam qui định một người không thể làm lãnh đạo quốc gia quá hai nhiệm kỳ thì chỉ khi đó ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mới bắt buộc phải tuân thủ.

Khi chưa trở thành đảng cầm quyền thì các chính đảng đối lập đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm hay chế tài nào nếu không vi phạm pháp luật.

Ban lãnh đạo của một đảng đối lập được đại hội toàn thể thành viên (quốc hội) bầu ra nên vừa là "hành pháp" vừa là "tư pháp". Ban lãnh đạo có toàn quyền khai trừ các thành viên theo qui ước sinh hoạt của tổ chức. Chẳng có tổ chức nào lại có "tòa án" riêng của mình cả. Chỉ có tòa án trên bình diện quốc gia chứ không có tòa án trong các tổ chức. Mọi chuyện liên quan đến qui trình và hoạt động của các tổ chức như kết nạp, khai trừ các thành viên hay phương thức hoạt động… đều là công việc nội bộ của các tổ chức. Họ chỉ chịu trách nhiệm trước tòa án nếu vi phạm pháp luật chung của quốc gia.

Điểm chung cơ bản nhất giữa một tổ chức và quốc gia đó là muốn cho nguyên tắc đa nguyên (tôn trọng sự khác biệt) thành công trong việc mang lại lợi ích chung, mọi thành viên trong tổ chức (hay trong cộng đồng) đều phải đồng thuận về một hệ giá trị chung, và trong hệ giá trị đó, sự tôn trọng, bao dung và nhân nhượng lẫn nhau là quan trọng nhất. Khái niệm này đã và đang được dùng như là nền móng của dân chủ. Mọi sự khác biệt cần trao đổi và phát biểu với tinh thần ôn hòa và tương kính. Một tổ chức hay nhà nước, dù bao dung và dân chủ đến đâu cũng không thể chấp nhận sự mạ lỵ, xúc phạm và tấn công cá nhân, kể cả bằng bạo lực ngôn ngữ.

Việt Hoàng

(20/12/2016)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1549 times

3 comments

  • Comment Link Việt Hoàng mercredi, 01 février 2017 17:10 posted by Việt Hoàng

    Thưa độc giả C.D Khải. Ông có thể nói rõ là bài viết của tôi "hình như mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ" ở chổ nào không ạ? Ông phải nói rõ "mâu thuẫn" ở chổ nào tôi mới trả lời ông tường tận được. Nếu ông chỉ nói chung chung như vậy thì tôi cũng bó tay ông à.
    Chuyện ông nói rằng "Cá nhân tôi thấy bản thân độc tài như cs mà ĐCSVN trong nội bộ gần đây họ cũng kêu gọi nêu cao tinh thần dân chủ trong nội bộ ĐCS của họ. Đó cũng là cách họ đang phải thay đổi để thích nghi với yêu cầu mới của thời đại. Tác giả Việt Hoàng bình luận gì về điều đó?".
    Chuyện này nếu có cũng là chuyện rất đỗi bình thường và đó là công việc nội bộ của họ. Tôi không có ý kiến gì cả. Chuyện đảng CSVN theo đuổi chủ nghĩa cộng sản là chuyện riêng của họ, vấn đề đáng nói là họ (ĐCSVN) phải cạnh tranh lành mạnh với các đảng phái khác, thông qua một cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch để người dân VN lựa chọn, ai là người được tín nhiệm và xứng đáng được cầm quyền.
    Họ (ĐCSVN) thay vì thuyết phục người dân VN đồng ý với lý tưởng và con đường của họ thì họ đã dùng vũ lực và nhà tù để ép buộc người dân phải phục tùng, đó là điều phi dân chủ ông ạ.

  • Comment Link Bùôi Quang Vơm mardi, 31 janvier 2017 10:36 posted by Bùôi Quang Vơm

    Bài viết này có nhiều luận điểm hình như mâu thuẫn với nguyên tắc Dân chủ, có thể cần được thảo luận thêm. Nên coi lập luận của tác giả như một ý kiến chủ quan, tránh sự ngộ nhận như một quan điểm chính thống.

  • Comment Link C.D Khải mardi, 31 janvier 2017 09:05 posted by C.D Khải

    Cá nhân tôi thấy bản thân độc tài như cs mà ĐCSVN trong nội bộ gần đây họ cũng kêu gọi nêu cao tinh thần dân chủ trong nội bộ ĐCS của họ. Đó cũng là cách họ đang phải thay đổi để thích nghi với yêu cầu mới của thời đại. Tác giả Việt Hoàng bình luận gì về điều đó?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)