Chủ trương về việc đào tạo nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi đã được chính phủ Việt Nam ban hành hơn chục năm qua. Tuy nhiên, một số người có đất bị thu hồi cho rằng chính sách này chủ yếu nhằm tuyên truyền chứ hiệu quả không cao.
Người dân thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây khiếu kiện vì bị thu hồi đất mà đền bù không thỏa đáng hồi năm 2007 - AFP
Không thiết thực, mang tính chất tuyên truyền
Quyết định số 12 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 31/7.
Theo Quyết định này, người lao động có đất bị thu hồi sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… trong thời hạn năm năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
Những người được hưởng lợi, theo quy định của chính sách này bao gồm : người lao động có đất nông nghiệp thu hồi và người lao động có đất kinh doanh thu hồi.
Ông Yang, một người dân tộc H’mông ở tỉnh Điện Biên, cho biết gia đình ông có đất rẫy nhưng không thể làm sổ đỏ được. Lý do được Chính quyền địa phương nói rằng đây là đất sẽ được quy hoạch làm trường học hoặc công viên trong tương lai.
Ông Yang nói với RFA rằng điều ông lo ngại nhất là giá cả đền bù chứ không phải ông có được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc tạo công ăn việc làm mới hay không. Bởi, theo ông Yang, chính sách này không phù hợp với mình - những người đã ngoài 40, cả đời chỉ sống dựa vào nương rẫy :
"Cái đó nó cũng không thiết thực lắm. Kể cả mình được đào tạo được nghề hay là có làm nghề mới thì người ta bảo anh này là quá tuổi lao động rồi, thế nó mới khổ như vậy đó".
Ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất năm 2011, cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng vấn đề là không có ai thực hiện :
"Đó là một cái chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng mà người ta có thực hiện hay không mới là quan trọng. Người ta nói ra để cho có để truyền truyền mà người ta có thực hiện hay không, thực hiện tới đâu mới là quan trọng. Không có ai kiểm tra làm cái chuyện đó".
Từ kinh nghiệm thực tế bản thân mình, ông Ca cho biết gia đình ông thậm chí còn bị làm khó trong việc làm ăn chứ chưa nói tới được hỗ trợ việc làm :
"Mấy ông này ông nói là truyền truyền thôi. Thậm chí là gia đình tôi, con cái tôi đi làm còn bị nó đến tận cơ quan nó đòi đuổi việc do là có ông bố chuyên môn đi khiếu nại tố cáo".
Kết quả thực hiện đến đâu ?
Quyết định số 12 vừa được ban hành nhằm thay thế cho Quyết định số 63 do thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành hồi năm 2015. Quyết định 63 được nói là đã tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, cũng theo quyết định này, người bị thu hồi đất còn được hưởng một số hỗ trợ khác, bao gồm bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất bị thu hồi…
Trên các phương tiện truyền thông, nhiều lãnh đạo đã từng phát biểu chỉ đạo các địa phương phải chú trọng thực hiện chính sách này. Mới nhất, chiều ngày 17/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan hữu trách phải rà soát các hộ gia đình có đất bị thu hồi để không bỏ sót bất cứ ai cần hỗ trợ ; Đồng thời làm rõ tiêu chí, điều kiện để được tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo cho từng trình độ, tìm việc làm để chỉnh kinh phí phù hợp cho từng địa phương.
Ông Cao Hà Trực, một người dân khiếu kiện đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng, cho biết việc tạo công ăn việc làm cho người có đất bị thu hồi là chủ trương của Chính phủ từ lâu. Ngoài việc bồi thường bằng tiền hay bố trí tái định cư thì nhà nước còn tạo điều kiện khác để người dân sớm hòa nhập với cuộc sống mới sau khi bị thu hồi đất cũ.
Tuy nhiên, theo ông Trực, chính sách này chỉ có trên mặt giấy tờ chứ thực tế thì chưa được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện và cũng không có thông tin báo cáo về kết quả thực hiện ra sao :
"Theo mình và một số bạn bè mình đã từng rơi vào tình trạng này thì họ (nhà nước - PV) không có quan tâm đâu. Mà nếu họ quan tâm thì những cái công việc làm không có phù hợp với sở thích, sở trưởng của người ta. Cho nên là không có làm được".
Chính sách về đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất đã được ban hành từ năm 2012. Từ đó đến nay, chưa có thông tin công khai về ngân sách được chi để thực hiện chính sách này. Chỉ có một vài tỉnh thành báo cáo về quá trình thực hiện chủ trương này và số lượng người được hỗ trợ, chứ cũng không có thông tin về số tiền ngân sách phải chi ra cho các dự án này.
Tháng 6/2024, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2016 đến nay, tỉnh này có 21.009 hộ bị thu hồi đất và 24.423 lao động bị thu hồi đất. Cũng trong khoảng thời gian này, có 16.084 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, 13.351 lao động được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm.
Tỉnh Sóc Trăng, vào tháng 5/2024, Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh, tổng số lao động bị thu hồi đất đất nông nghiệp của tỉnh từ năm 2016 đến 2023 là 555 người. Số lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng từ năm 2016 đến 2020 là 280 người và từ năm 2021 đến 2023 là 275 người.
Ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tính riêng năm 2023, thành phố này đã tạo việc làm mới cho hơn 2.000 lao động bị thu hồi đất. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 175 người. Đã tổ chức được hai lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn và nghiệp vụ nhà hàng trình độ sơ cấp dưới ba tháng cho người lao động trên địa bàn.
Tháng 2/2023, cử tri tỉnh Gia Lai chất vấn Bộ Giao thông vận tải về việc bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho 217 hộ dân tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bị thu hồi đất để làm tuyến tránh đường Hồ Chí Minh, chấm dứt việc khiếu kiện đông người, kéo dài, tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại địa phương. Đại diện Bộ Giao thông vận tải đã không trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi, Bộ này cho biết "việc áp dụng chính sách giải phóng mặt bằng chưa đúng với quy định dẫn đến phải bổ sung kinh phí là lỗi của UBND huyện Chư Sê. Do đó, địa phương có trách nhiệm đối với phần kinh phí đề nghị bổ sung vượt tổng mức đầu tư dự án này.
Nguồn : RFA, 07/08/2024
Muốn "thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" theo Điều 62 Luật Đất đai 2013, thì chính quyền từ huyện đến tỉnh phải thực hiện hàng loạt các thủ tục, quy trình nghiêm ngặt từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí ngân sách, thông qua Hội đồng nhân dân bằng nghị quyết, công khai – minh bạch dự án, lấy ý kiến người dân, v.v… Nhưng ở Quảng Ngãi dưới thời "tam đầu chế" Chữ – Vân – Căng, quy trình "thu hồi đất" được đơn giản hóa rất nhiều.
Chỉ cần Chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng gửi văn bản danh sách dự án thu hồi đất số 7659/UBND-NNTN (1). Không cần thông qua Hội đồng nhân dân ; cũng chẳng phải xem xét tính hợp pháp của hồ sơ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Bùi Thị Quỳnh Vân thông báo "Thống nhất bổ sung 07/07 công trình phải thu hồi đất" (xem Hình 2 – Văn bản 429/HĐND-KTNS).
Vậy là xong.
Như vậy là đã có chủ trương từ các cấp cao nhất của tỉnh, đủ cơ sở để chính quyền Thành phố Quảng Ngãi đền bù theo giá nhà nước. Người dân có đồng ý hay không thì cả hệ thống chính trị xúm vào cưỡng chế thu hồi đất, mặc kệ kêu cứu của người dân, kể cả đảng viên, cán bộ hưu !.
Riêng văn bản 429/HĐND-KTNS có 3 dự án bất động sản. Người dân bị cưỡng chế thu hồi đất làm đơn kêu cứu khắp nơi nhưng đều không nhận được trả lời. Lần này, những người dân bị mất đất tiếp tục làm Đơn để "Cúi lạy, khẩn cầu quan bà Bùi Thị Quỳnh Vân" hãy trả lời cho người dân về văn bản do chính "QUAN BÀ" đã ký (xem Hình 1) ; sau khi hai "QUAN ÔNG" xin thôi chức (2) về làm người tử tế hưởng thụ thành quả từ nhân dân cống hiến.
***
Trích nội dung "Đơn khẩn cầu" của người dân (nguyên văn) :
Đơn khẩn cầu
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân trả lời về văn bản số 429/HĐND-KTNS
Kính gửi :
BàBùi Thị Quỳnh Vân
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Thưa quý bà Bùi Thị Quỳnh Vân,
Thứ nhất : Sau khi ông Lê Viết Chữ – Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xin thôi chức thì bà Bùi Thị Quỳnh Vân là người lãnh đạo cao nhất ở tỉnh Quảng Ngãi ;
Thứ hai : Chính bà Bùi Thị Quỳnh Vân, đã thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ký văn bản số 429/HĐND-KTNS ngày 26/12/2017, "V/v bổ sung công trình phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa tỉnh Quảng Ngãi năm 2017" (gọi tắt "Văn bản 429") ;
Thứ ba : Về năng lực, trình độ thì bà Bùi Thị Quỳnh Vân cũng đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn, cao cấp lý luận chính trị, chuyên viên cao cấp về quản lý nhà nước.
Thứ tư : Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn kêu cứu, khiếu nại đến Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhưng đều không nhận được văn bản trả lời từ bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân Bùi Thị Quỳnh Vân.
Chúng tôi là những nạn nhân của Văn bản 429, làm đơn này khẩn cầu bà Bùi Thị Quỳnh Vân trực tiếp trả lời về Văn bản 429 do chính Bà đã ký. Chúng tôi không được đào tạo về lý luận chính trị và quản lý nhà nước, nên xin Bà trả lời thẳng vào những câu hỏi sau đây :
1. Căn cứ pháp lý nào cho phép Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ký văn bản thu hồi đất chứ không cần Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết theo Điều 62.3 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể là Văn bản 429 Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã ký ?
2. Tất cả 7 công trình phải thu hồi đất theo Văn bản 429, có quyết định chủ trương đầu tư từ ngày 20/11/2017 trở về trước. Tại sao không đưa ra Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII kỳ họp thứ 8 ngày 05-08/12/2017 để ban hành Nghị quyết thu hồi đất, mà đợi đến ngày 26/12/2017 Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh "thống nhất" bằng văn bản ? Có lợi ích nhóm trong đó không ?
3. Văn bản 429, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh mặc nhiên thừa nhận "1. Thống nhất bổ sung 07/07 công trình phải thu hồi đất," bằng một câu đơn giản, không thêm thông tin, phụ lục nào kèm theo (không biết tên dự án, công trình nào). Như vậy có phù hợp hay không ?
4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có thực hiện chức năng kiểm tra, thẩm tra hồ sơ dự án trước khi ban hành văn bản thu hồi đất hay không ?, nếu có thì thẩm tra từ nguồn nào, có đúng và đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật ? Nếu đúng và đủ thì tại sao trong Văn bản 429 lại có câu nhắc nhở "3. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý kèm theo hồ sơ có liên quan của dự án khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung danh mục thu hồi đất" ?.
5. Đề nghị Bà cung cấp biên bản (văn bản) làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, có các ông (bà) nào đã tham gia để làm căn cứ pháp lý cho bà Bùi Thị Quỳnh Vân thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân để ký Văn bản 429 (hay do Bà tự ý ký) ?
6. Văn bản 429 có đủ cơ sở pháp lý để cho UBND Thành phố Quảng Ngãi thu hồi đất cho dự án "Khu dân cư IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị, thành phố Quảng Ngãi", rồi bồi thường và cưỡng chế theo Điều 62.3 Luật đất đai năm 2013 hay không ?
Kính thưa bàBùi Thị Quỳnh Vân !
Chúng tôi, có những người dân đã bị cưỡng chế thu hồi đất dựa trên cơ sở văn bản chưa đầy 01 trang giấy A4 do chính Bà đã ký. Một văn bản vô cảm, hoàn toàn không đúng quy chuẩn và cũng không theo căn cứ pháp lý nào, đã tước đoạt của chúng tôi quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền sử dụng (sở hữu) đất đai.
Sau khi hai ông lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Ngãi bị kỷ luật và đã xin thôi chức, chúng tôi có quyền nghi vấn tài sản của Bà có mối quan hệ với những văn bản do chính Bà đã ký (chẳng hạn như Văn bản 429 này).
Chúng tôi cúi lạy, khẩn cầu quan bà Bùi Thị Quỳnh Vân – người đại diện cao nhất của Đảng và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, người trực tiếp ký Văn bản 429 hãy trả lời vào từng câu hỏi nêu trên của chúng tôi bằng văn bản.
Xin chân thành cảm ơn Quý Bà xem xét và trả lời đơn !
***
Ghi chú các hình :
Hình 1. Toàn văn nội dung ĐƠN KHẨN CẦU "Bà Bùi Thị Quỳnh Vân trả lời về văn bản số 429/HĐND-KTNS")
Hình 2. Văn bản số 429/HĐND-KTNS do Chủ tịch Hội đồng nhân dân Bùi Thị Quỳnh Vân ký, cho phép thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013
Bộ ba chức vụ cao nhất tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2016-2021 từ trái qua :
[1] Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.
[2] Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng và
[3] Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương đảng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân (3).
Đỗ Thành Nhân
Nguồn : VNTB, 28/07/2020
(1) https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/detail?id=84927
Mỹ sẽ khoan định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ - Bloomberg (VOA, 26/05/2019)
Mỹ sẽ khoan liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ dựa trên dữ liệu mới mà nước này đã cung cấp cho Bộ Tài chính Mỹ, Bloomberg đưa tin ngày thứ Sáu, dẫn lời một người biết về vấn đề này.
Chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy mạnh nỗ lực viết lại các quy luật giao thương toàn cầu.
Bloomberg nói quyết định này là một thắng lợi cho Việt Nam, vốn có nguy cơ bị định danh trong lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch hạ thấp ngưỡng xác định các đối tác thương mại của Mỹ là nước thao túng tiền tệ.
Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã cung cấp thêm dữ liệu nhằm thuyết phục Bộ Tài chính Mỹ rằng họ không giữ giá trị tiền đồng ở mức thấp, Bloomberg cho biết. Việt Nam cũng gửi một phái viên hàng đầu của mình đến gặp Bộ trưởng Steven Mnuchin vào ngày thứ Năm.
Không rõ dữ liệu mà Việt Nam cung cấp cho Mỹ là gì.
Sau cuộc họp, ông Mnuchin đăng lên Twitter một bức ảnh chụp ông với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nói rằng họ đã thảo luận về "quan hệ kinh tế và thương mại".
Bộ Tài chính Mỹ phát hành một báo cáo hai lần mỗi năm về ngoại tệ. Trong báo cáo mới nhất, số lượng quốc gia bị săm soi về việc có thể là thao túng tiền tệ sẽ tăng lên mức khoảng 20 nước từ 12 nước, sau khi bộ thay đổi một trong ba tiêu chí mà họ sử dụng để kiểm tra việc thao túng.
Một phát ngôn viên của Bộ không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ mới nhất của ông Trump nhằm đẩy mạnh nỗ lực viết lại các quy luật giao thương toàn cầu mà theo ông đã làm tổn thương các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông đã biến chính sách ngoại hối trở thành một phần chính trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada và Hàn Quốc, và nó dự kiến sẽ là một phần trong thỏa thuận với Trung Quốc, nếu như hai nước đạt được một thỏa thuận.
****************
Nhóm lao động Việt bị buộc tội trong đường dây lừa đảo qua điện thoại ở Đài Loan (VOA, 24/05/2019)
Văn phòng công tố quận Đài Trung, Đài Loan, ngày 23/5 buộc tội một người đàn ông Đài Loan có tên họ là Phong vì đã nhận 400.000 Đài tệ để thiết lập một đường dây lừa đảo qua điện thoại, với sự tham gia của 7 người Việt Nam chuyên đi lừa "đồng hương".
Văn phòng Tư pháp ở quận Đài Trung, Đài Loan.
Asia Times dẫn lại tường thuật của China Daily News cho biết nhóm lao động Việt được thuê mạo danh quan chức gọi điện thoại đến cho những người Việt Nam khác và buộc họ phải trả tiền mặt vì những "sản phẩm bất hợp pháp" bị phát hiện trong các kiện hàng mà họ gửi.
Nạn nhân sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể để chuyển khoản tiền thông qua các máy ATM.
Đến nay, đã có tổng cộng 17 người Việt Nam trong số 19 người bị buộc tội vì tham gia vào các đường dây tội phạm có tổ chức và lừa đảo nghiêm trọng này. Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, 10 người Việt Nam khác cũng bị buộc tội trong một đường dây lừa đảo tương tự ở quận Đài Trung.
Nhà chức trách Đài Loan cho biết những đường dây lừa đảo qua điện thoại này thường thuê công nhân (đa số là người đi làm "chui") hoặc du khách Việt Nam tham gia. Ước tính có ít nhất 200 người Việt đã bị lừa và số tiền các nhóm này thu được lên đến khoảng 15 triệu Đài tệ.
Những đường dây lừa đảo trên bị phát hiện và dẹp bỏ sau khi chính quyền Đài Loan bố ráp hai cơ sở bị cáo buộc vào cuối năm ngoái, bắt giữ 19 người đàn ông và tịch thu các điện thoại di động, máy tính và thông tin cá nhân của các nạn nhân.
Theo Asia Times, hiện chính phủ Đài Loan vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ Bộ Công an Việt Nam khi họ yêu cầu giúp xác định thông tin của các nạn nhân bị lừa đảo qua các đường dây này.
****************
Phá hai đường dây đánh bạc ngàn tỷ ở phía Bắc (Người Việt, 24/05/2019)
Cùng lúc, công an hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã phá được hai đường dây "đánh bạc và tổ chức đánh bạc" bằng công nghệ cao, với số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Phạm Công Bằng, nghi can cầm đầu đường dây đánh bạc ở Hưng Yên tại cơ quan công an. (Hình : Tuổi Trẻ)
Ngày 24/05/2019, báo Người Lao Động dẫn tin từ Công An tỉnh Hưng Yên cho biết hôm 17/05 vừa qua, Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Hưng Yên đã tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của bốn người gồm Phạm Công Bằng (29 tuổi), Phạm Công Biên (31 tuổi, cùng quê Thái Bình), Đào Viết Lâm (20 tuổi), và Trần Đức Khiển (27 tuổi), đều ở tỉnh Thái Bình để điều tra về tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc".
Khám nhà, công an thu giữ được 15 chiếc điện thoại di động, ba máy tính để bàn, một máy tính xách tay cùng một lượng lớn tiền mặt và nhiều thẻ ngân hàng, đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Cùng lúc, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của nhóm nghi can trên với số dư giao dịch trong các tài khoản bước đầu xác định trên 2.000 tỷ đồng (85,5 triệu USD), liên quan đến 113 đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp Việt Nam.
Tang vật thu giữ được từ đường dây đánh bạc của Phạm Công Bằng. (Hình : Tuổi Trẻ)
Phạm Công Bằng là người cầm đầu đường dây đánh bạc trên. Cả nhóm đã thuê nhà ở đường Trần Bình Trọng (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) để điều hành đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở khắp Việt Nam.
Cách thức tổ chức của nhóm này là mở tài khoản làm đại lý cấp 2 cho các trang web đánh bạc trực tuyến, các con bạc dùng tiền thật để quy đổi thành tiền ảo tham gia đánh bạc. Khi chơi xong, các con bạc quy đổi ngược lại.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2019, mười lăm người liên quan đến đường dây đánh bạc này đã bị công an bắt giữ. Mở rộng vụ án, công an Hưng Yên mới phát hiện và bắt giữ thêm nhóm bốn người của Phạm Công Bằng.
Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cho biết Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Hải Dương cũng đã phát hiện đường dây đánh bạc qua website và ứng dụng Manvip.club, với tổng số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Qua điều tra, Công An tỉnh Hải Dương xác định một nhóm người ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) đứng ra làm đại lý cấp 1 của hệ thống Manvip.club. Cầm đầu đường dây này là một người ở thành phố Hà Nội. Đại lý này đã mua, bán điểm cho các con bạc với số tiền nhiều tỷ đồng. Hình thức chơi là các con bạc dùng tiền thật mua điểm để chơi các trò chơi và sau đó đổi điểm lấy lại tiền.
Công an đã khởi tố 16 bị can về tội "Tổ chức đánh bạc" và ba bị can về tội "Đánh bạc". Sự việc đang được Công An tỉnh Hải Dương tiếp tục mở rộng, truy bắt những người bỏ trốn. (Tr.N)
******************
Cán bộ bị kỷ luật vì đăng tin về vụ ‘giao đất vàng’ trên Facebook (VOA, 24/05/2019)
Một cán bộ UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị xử phạt về tội "vu khống lãnh đạo" do đăng thông tin về vụ "giao đất vàng giá rẻ" trên mạng xã hội Facebook.
Văn bản Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quách Duy.
Theo văn bản "Quyết định xử phạt vi phạm hành chính" đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Quách Duy, 37 tuổi, hiện là chuyên viên tại Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bị cho là "vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín" của người khác khi đăng đoạn thông tin cập nhật về vụ giao "đất vàng".
Nguyên văn ông Duy viết trên Facebook như sau : "Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ giao ‘đất vàng’ giá rẻ liên quan đến Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ, điều tra làm rõ vụ thoái vốn gây thất thoát tài sản nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất trái phép khu đất ‘vàng’ số 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh".
Với nội dung trên, ông Duy bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì "đăng thông tin thất thiệt" trên mạng xã hội.
Cập nhật trên trang Facebook cá nhân ngày 24/5, ông Quách Duy cho biết "đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người về tinh thần, vật chất", với số tiền nhận được hơn 7,8 triệu đồng, "đủ tiền đóng phạt trước cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh".
Dự án "giao đất vàng" 76 Tôn Thất Thuyết, với diện tích hơn 16.000 m2, được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sabeco HP đầu tư để xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ, căn hộ Charmington Iris 35 tầng, với 1.438 căn hộ và nhiều cửa hàng.
Theo báo Đời sống và Tiêu Dùng, khu đất này từ năm 2011 đã có giá gần 54 triệu đồng/m2, nhưng trong Quyết định về phương án giá đất do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến ký duyệt vào năm 2017, thì giá đất khu vực này chỉ được ấn định hơn 23 triệu đồng/m2, "chỉ bằng giá của hẻm xi măng cấp 1, thấp hơn 2 lần so với đơn giá hiện tại".
Ngày 27/12/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định cho phép đầu tư trước đây với lý do "cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác".
**********************
Tham nhũng trong thu hồi đất theo dự án rất lớn (TBKTSG, 24/05/2019)
Thu hồi đất theo dự án có ưu điểm là có nhà đầu tư triển khai dự án ngay, nhưng tiềm ẩn rủi ro tham nhũng cũng rất lớn, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tại hội nghị hôm 24/5. Ảnh : Trung Chánh
Tại hội nghị báo cáo kết quả khoa học công nghệ đề tài giải pháp hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ được tổ chức vào hôm nay, 24-5, ông Võ cho biết, hiện có ba hình thức chuyển đổi đất đã được đặt ra.
Thứ nhất là nhà nước thu hồi đất, nhưng theo dự án, tức khi có nhà đầu tư, thì nhà nước thỏa thuận địa điểm đầu tư và hai bên thống nhất rồi nhà nước tiến hành thu hồi đất, giải quyết bồi thường tái định cư, giao đất cho nhà đầu tư.
Thứ hai là thu hồi đất theo quy hoạch, tức là nhà nước quy hoạch đất xong rồi thu hồi đất khi chưa có nhà đầu tư và quỹ đất này sau đó được nhà nước chủ động điều hành toàn bộ chuyện đưa vào thị trường và điều này có thể sinh lời, nhưng cũng có thể bị lỗ, thậm chí có trường hợp thu hồi đất xong không có nhà đầu tư nào quan tâm, khi đó có thể bị xã hội công kích là gây lãng phí. "Đấy cũng là cái rất khó cho việc thu hồi đất theo quy hoạch", ông nói.
Kiểu thu hồi đất thứ ba đó là, nhà đầu tư với những người có đất thỏa thuận với nhau, tức nhà đầu tư thỏa thuận với tất cả những người có đất. "Hiện nay, với dự án nhỏ có thể làm được, nhưng rất khó với dự án lớn", ông cho biết.
Chính việc khó đạt được thỏa thuận với hình thức thu hồi đất như nêu trên, cho nên, theo ông Võ, chỉ còn hai cách thu hồi đất, đó là thu hồi đất theo quy hoạch và là thu hồi đất theo dự án.
Theo ông Võ, nhà nước thu hồi đất theo dự án có lợi là tiền bồi thường tái định cư đã có nhà đầu tư lo, đồng thời, đất khi thu hồi xong không bị "ế", tức thu hồi đã có nhà đầu tư sử dụng.
"Nhưng, có nhược điểm là không mang lại lợi ích giá trị gia tăng của hạ tầng đầu tư vì tất cả sau đó giao nhà đầu tư họ chủ động, nhà nước đứng bên ngoài, chỉ kiểm tra, kiểm soát thôi", ông cho biết.
Một nhược điểm nữa theo ông Võ, đó là hình thức thu hồi đất này gắn với rủi ro tham nhũng.
"Khi đã chỉ định một nhà đầu tư, thì thế nào cũng có rủi ro dạng này dạng khác, tức rủi ro tham nhũng là khó tránh khỏi’, ông cho biết và nói rằng Ngân hàng Thế giới (WB) họ cũng đã chỉ ra dạng thu hồi đất này có rủi ro tham nhũng rất lớn.
Theo ông Võ, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trở thành nước công nghiệp từ năm 2020, thì một trong những trọng tâm là Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch.
Ông cho biết, lợi ích của hình thức thu hồi đất theo quy hoạch là rất nhiều, nhưng hệ thống pháp luật hiện nay để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch lại chưa có, tức chưa có bất kỳ văn bản nào và thậm chí hình thức này có thể dẫn đến : một, nếu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị không khả thi có thể dẫn đến tình trạng thu hồi xong không làm gì cả ; hai là tiền đâu để thực hiện bồi thường tái định cư ?
Theo ông, ở các nước, việc thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, đó là sau khi có quy hoạch và đảm bảo quy hoạch có tính khả thi cao, thì nhà nước sẽ bán quyền phát triển. Khi đó, tất cả những ai muốn vào, thì phải góp một phần vốn, thì mới được tham gia đấu thầu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại nơi được quy hoạch. "Đấy mới là tiền đặt cọc trước, tức tôi là người quan tâm đến quy hoạch đất", ông cho biết và nói rằng các nước gọi là bán quyền phát triển.
Theo ông, sau đó nhà nước lấy tiền đó thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch tại một vùng nào đấy.
"Rồi từ đó đấu giá đất các thứ, thu được lợi nhuận, thì cấp tiền còn dư dùng vào việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho khu tiếp theo", ông cho biết và nói rằng các nước làm như vậy rất hiệu quả.
Trung Chánh
Mỹ sẽ khoan định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ - Bloomberg (VOA, 26/05/2019)