Mỹ sẽ khoan định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ - Bloomberg (VOA, 26/05/2019)
Mỹ sẽ khoan liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ dựa trên dữ liệu mới mà nước này đã cung cấp cho Bộ Tài chính Mỹ, Bloomberg đưa tin ngày thứ Sáu, dẫn lời một người biết về vấn đề này.
Chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy mạnh nỗ lực viết lại các quy luật giao thương toàn cầu.
Bloomberg nói quyết định này là một thắng lợi cho Việt Nam, vốn có nguy cơ bị định danh trong lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch hạ thấp ngưỡng xác định các đối tác thương mại của Mỹ là nước thao túng tiền tệ.
Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã cung cấp thêm dữ liệu nhằm thuyết phục Bộ Tài chính Mỹ rằng họ không giữ giá trị tiền đồng ở mức thấp, Bloomberg cho biết. Việt Nam cũng gửi một phái viên hàng đầu của mình đến gặp Bộ trưởng Steven Mnuchin vào ngày thứ Năm.
Không rõ dữ liệu mà Việt Nam cung cấp cho Mỹ là gì.
Sau cuộc họp, ông Mnuchin đăng lên Twitter một bức ảnh chụp ông với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nói rằng họ đã thảo luận về "quan hệ kinh tế và thương mại".
Bộ Tài chính Mỹ phát hành một báo cáo hai lần mỗi năm về ngoại tệ. Trong báo cáo mới nhất, số lượng quốc gia bị săm soi về việc có thể là thao túng tiền tệ sẽ tăng lên mức khoảng 20 nước từ 12 nước, sau khi bộ thay đổi một trong ba tiêu chí mà họ sử dụng để kiểm tra việc thao túng.
Một phát ngôn viên của Bộ không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ mới nhất của ông Trump nhằm đẩy mạnh nỗ lực viết lại các quy luật giao thương toàn cầu mà theo ông đã làm tổn thương các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông đã biến chính sách ngoại hối trở thành một phần chính trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada và Hàn Quốc, và nó dự kiến sẽ là một phần trong thỏa thuận với Trung Quốc, nếu như hai nước đạt được một thỏa thuận.
****************
Nhóm lao động Việt bị buộc tội trong đường dây lừa đảo qua điện thoại ở Đài Loan (VOA, 24/05/2019)
Văn phòng công tố quận Đài Trung, Đài Loan, ngày 23/5 buộc tội một người đàn ông Đài Loan có tên họ là Phong vì đã nhận 400.000 Đài tệ để thiết lập một đường dây lừa đảo qua điện thoại, với sự tham gia của 7 người Việt Nam chuyên đi lừa "đồng hương".
Văn phòng Tư pháp ở quận Đài Trung, Đài Loan.
Asia Times dẫn lại tường thuật của China Daily News cho biết nhóm lao động Việt được thuê mạo danh quan chức gọi điện thoại đến cho những người Việt Nam khác và buộc họ phải trả tiền mặt vì những "sản phẩm bất hợp pháp" bị phát hiện trong các kiện hàng mà họ gửi.
Nạn nhân sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể để chuyển khoản tiền thông qua các máy ATM.
Đến nay, đã có tổng cộng 17 người Việt Nam trong số 19 người bị buộc tội vì tham gia vào các đường dây tội phạm có tổ chức và lừa đảo nghiêm trọng này. Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, 10 người Việt Nam khác cũng bị buộc tội trong một đường dây lừa đảo tương tự ở quận Đài Trung.
Nhà chức trách Đài Loan cho biết những đường dây lừa đảo qua điện thoại này thường thuê công nhân (đa số là người đi làm "chui") hoặc du khách Việt Nam tham gia. Ước tính có ít nhất 200 người Việt đã bị lừa và số tiền các nhóm này thu được lên đến khoảng 15 triệu Đài tệ.
Những đường dây lừa đảo trên bị phát hiện và dẹp bỏ sau khi chính quyền Đài Loan bố ráp hai cơ sở bị cáo buộc vào cuối năm ngoái, bắt giữ 19 người đàn ông và tịch thu các điện thoại di động, máy tính và thông tin cá nhân của các nạn nhân.
Theo Asia Times, hiện chính phủ Đài Loan vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ Bộ Công an Việt Nam khi họ yêu cầu giúp xác định thông tin của các nạn nhân bị lừa đảo qua các đường dây này.
****************
Phá hai đường dây đánh bạc ngàn tỷ ở phía Bắc (Người Việt, 24/05/2019)
Cùng lúc, công an hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã phá được hai đường dây "đánh bạc và tổ chức đánh bạc" bằng công nghệ cao, với số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Phạm Công Bằng, nghi can cầm đầu đường dây đánh bạc ở Hưng Yên tại cơ quan công an. (Hình : Tuổi Trẻ)
Ngày 24/05/2019, báo Người Lao Động dẫn tin từ Công An tỉnh Hưng Yên cho biết hôm 17/05 vừa qua, Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Hưng Yên đã tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của bốn người gồm Phạm Công Bằng (29 tuổi), Phạm Công Biên (31 tuổi, cùng quê Thái Bình), Đào Viết Lâm (20 tuổi), và Trần Đức Khiển (27 tuổi), đều ở tỉnh Thái Bình để điều tra về tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc".
Khám nhà, công an thu giữ được 15 chiếc điện thoại di động, ba máy tính để bàn, một máy tính xách tay cùng một lượng lớn tiền mặt và nhiều thẻ ngân hàng, đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Cùng lúc, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của nhóm nghi can trên với số dư giao dịch trong các tài khoản bước đầu xác định trên 2.000 tỷ đồng (85,5 triệu USD), liên quan đến 113 đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp Việt Nam.
Tang vật thu giữ được từ đường dây đánh bạc của Phạm Công Bằng. (Hình : Tuổi Trẻ)
Phạm Công Bằng là người cầm đầu đường dây đánh bạc trên. Cả nhóm đã thuê nhà ở đường Trần Bình Trọng (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) để điều hành đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở khắp Việt Nam.
Cách thức tổ chức của nhóm này là mở tài khoản làm đại lý cấp 2 cho các trang web đánh bạc trực tuyến, các con bạc dùng tiền thật để quy đổi thành tiền ảo tham gia đánh bạc. Khi chơi xong, các con bạc quy đổi ngược lại.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2019, mười lăm người liên quan đến đường dây đánh bạc này đã bị công an bắt giữ. Mở rộng vụ án, công an Hưng Yên mới phát hiện và bắt giữ thêm nhóm bốn người của Phạm Công Bằng.
Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cho biết Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Hải Dương cũng đã phát hiện đường dây đánh bạc qua website và ứng dụng Manvip.club, với tổng số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Qua điều tra, Công An tỉnh Hải Dương xác định một nhóm người ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) đứng ra làm đại lý cấp 1 của hệ thống Manvip.club. Cầm đầu đường dây này là một người ở thành phố Hà Nội. Đại lý này đã mua, bán điểm cho các con bạc với số tiền nhiều tỷ đồng. Hình thức chơi là các con bạc dùng tiền thật mua điểm để chơi các trò chơi và sau đó đổi điểm lấy lại tiền.
Công an đã khởi tố 16 bị can về tội "Tổ chức đánh bạc" và ba bị can về tội "Đánh bạc". Sự việc đang được Công An tỉnh Hải Dương tiếp tục mở rộng, truy bắt những người bỏ trốn. (Tr.N)
******************
Cán bộ bị kỷ luật vì đăng tin về vụ ‘giao đất vàng’ trên Facebook (VOA, 24/05/2019)
Một cán bộ UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị xử phạt về tội "vu khống lãnh đạo" do đăng thông tin về vụ "giao đất vàng giá rẻ" trên mạng xã hội Facebook.
Văn bản Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quách Duy.
Theo văn bản "Quyết định xử phạt vi phạm hành chính" đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Quách Duy, 37 tuổi, hiện là chuyên viên tại Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bị cho là "vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín" của người khác khi đăng đoạn thông tin cập nhật về vụ giao "đất vàng".
Nguyên văn ông Duy viết trên Facebook như sau : "Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ giao ‘đất vàng’ giá rẻ liên quan đến Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ, điều tra làm rõ vụ thoái vốn gây thất thoát tài sản nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất trái phép khu đất ‘vàng’ số 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh".
Với nội dung trên, ông Duy bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì "đăng thông tin thất thiệt" trên mạng xã hội.
Cập nhật trên trang Facebook cá nhân ngày 24/5, ông Quách Duy cho biết "đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người về tinh thần, vật chất", với số tiền nhận được hơn 7,8 triệu đồng, "đủ tiền đóng phạt trước cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh".
Dự án "giao đất vàng" 76 Tôn Thất Thuyết, với diện tích hơn 16.000 m2, được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sabeco HP đầu tư để xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ, căn hộ Charmington Iris 35 tầng, với 1.438 căn hộ và nhiều cửa hàng.
Theo báo Đời sống và Tiêu Dùng, khu đất này từ năm 2011 đã có giá gần 54 triệu đồng/m2, nhưng trong Quyết định về phương án giá đất do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến ký duyệt vào năm 2017, thì giá đất khu vực này chỉ được ấn định hơn 23 triệu đồng/m2, "chỉ bằng giá của hẻm xi măng cấp 1, thấp hơn 2 lần so với đơn giá hiện tại".
Ngày 27/12/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định cho phép đầu tư trước đây với lý do "cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác".
**********************
Tham nhũng trong thu hồi đất theo dự án rất lớn (TBKTSG, 24/05/2019)
Thu hồi đất theo dự án có ưu điểm là có nhà đầu tư triển khai dự án ngay, nhưng tiềm ẩn rủi ro tham nhũng cũng rất lớn, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tại hội nghị hôm 24/5. Ảnh : Trung Chánh
Tại hội nghị báo cáo kết quả khoa học công nghệ đề tài giải pháp hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ được tổ chức vào hôm nay, 24-5, ông Võ cho biết, hiện có ba hình thức chuyển đổi đất đã được đặt ra.
Thứ nhất là nhà nước thu hồi đất, nhưng theo dự án, tức khi có nhà đầu tư, thì nhà nước thỏa thuận địa điểm đầu tư và hai bên thống nhất rồi nhà nước tiến hành thu hồi đất, giải quyết bồi thường tái định cư, giao đất cho nhà đầu tư.
Thứ hai là thu hồi đất theo quy hoạch, tức là nhà nước quy hoạch đất xong rồi thu hồi đất khi chưa có nhà đầu tư và quỹ đất này sau đó được nhà nước chủ động điều hành toàn bộ chuyện đưa vào thị trường và điều này có thể sinh lời, nhưng cũng có thể bị lỗ, thậm chí có trường hợp thu hồi đất xong không có nhà đầu tư nào quan tâm, khi đó có thể bị xã hội công kích là gây lãng phí. "Đấy cũng là cái rất khó cho việc thu hồi đất theo quy hoạch", ông nói.
Kiểu thu hồi đất thứ ba đó là, nhà đầu tư với những người có đất thỏa thuận với nhau, tức nhà đầu tư thỏa thuận với tất cả những người có đất. "Hiện nay, với dự án nhỏ có thể làm được, nhưng rất khó với dự án lớn", ông cho biết.
Chính việc khó đạt được thỏa thuận với hình thức thu hồi đất như nêu trên, cho nên, theo ông Võ, chỉ còn hai cách thu hồi đất, đó là thu hồi đất theo quy hoạch và là thu hồi đất theo dự án.
Theo ông Võ, nhà nước thu hồi đất theo dự án có lợi là tiền bồi thường tái định cư đã có nhà đầu tư lo, đồng thời, đất khi thu hồi xong không bị "ế", tức thu hồi đã có nhà đầu tư sử dụng.
"Nhưng, có nhược điểm là không mang lại lợi ích giá trị gia tăng của hạ tầng đầu tư vì tất cả sau đó giao nhà đầu tư họ chủ động, nhà nước đứng bên ngoài, chỉ kiểm tra, kiểm soát thôi", ông cho biết.
Một nhược điểm nữa theo ông Võ, đó là hình thức thu hồi đất này gắn với rủi ro tham nhũng.
"Khi đã chỉ định một nhà đầu tư, thì thế nào cũng có rủi ro dạng này dạng khác, tức rủi ro tham nhũng là khó tránh khỏi’, ông cho biết và nói rằng Ngân hàng Thế giới (WB) họ cũng đã chỉ ra dạng thu hồi đất này có rủi ro tham nhũng rất lớn.
Theo ông Võ, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trở thành nước công nghiệp từ năm 2020, thì một trong những trọng tâm là Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch.
Ông cho biết, lợi ích của hình thức thu hồi đất theo quy hoạch là rất nhiều, nhưng hệ thống pháp luật hiện nay để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch lại chưa có, tức chưa có bất kỳ văn bản nào và thậm chí hình thức này có thể dẫn đến : một, nếu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị không khả thi có thể dẫn đến tình trạng thu hồi xong không làm gì cả ; hai là tiền đâu để thực hiện bồi thường tái định cư ?
Theo ông, ở các nước, việc thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, đó là sau khi có quy hoạch và đảm bảo quy hoạch có tính khả thi cao, thì nhà nước sẽ bán quyền phát triển. Khi đó, tất cả những ai muốn vào, thì phải góp một phần vốn, thì mới được tham gia đấu thầu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại nơi được quy hoạch. "Đấy mới là tiền đặt cọc trước, tức tôi là người quan tâm đến quy hoạch đất", ông cho biết và nói rằng các nước gọi là bán quyền phát triển.
Theo ông, sau đó nhà nước lấy tiền đó thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch tại một vùng nào đấy.
"Rồi từ đó đấu giá đất các thứ, thu được lợi nhuận, thì cấp tiền còn dư dùng vào việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho khu tiếp theo", ông cho biết và nói rằng các nước làm như vậy rất hiệu quả.
Trung Chánh
Mỹ sẽ khoan định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ - Bloomberg (VOA, 26/05/2019)