Vụ ‘nâng điểm tiền tỷ’ ở Sơn La : Bảy thí sinh là con quan chức (Người Việt, 27/05/2019)
Bảy trong số 44 thí sinh thi tốt nghiệp trung học được giúp "nâng điểm" ở Sơn La là con quan chức đảng viên có máu mặt trong tỉnh và tốn trung bình 1 tỷ đồng cho mỗi trường hợp.
Khám xét nơi ở của bà Nguyễn Thị Hồng Nga (SN 1967), Chuyên viên phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, Thư ký ban Chỉ đạo, Ủy viên tổ Chấm thi trắc nghiệm
Báo chí tại Việt Nam tiếp tục loan tin về cuộc điều tra gian lận thi cử tốt nghiệp trung học đồng thời cũng là căn cứ xét tuyển đại học và cao đẳng tại Việt Nam (nên gọi là kỳ thi 2 trong 1) hồi tháng 7/2018 mãi đến nay vẫn còn chưa dứt. Kỳ thi tốt nghiệp trung học niên khóa 2018-2019 thì lại sắp bắt đầu.
Ba tỉnh Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình bị tố cáo tổ chức thi cử gian lận dẫn đến các cuộc điều tra. Các cuộc chấm thẩm định dẫn đến 19 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam.
Có tới 347 bài thi của 222 thí sinh được "nâng điểm". Một số học sinh được "nâng điểm" đã bị các trường đại hoc, cao đẳng gồm cả các trường của Công an, Quân đội cho nghỉ học.
Đến nay, mới chỉ thấy mũi dùi chĩa vào vụ gian lận tại tỉnh Sơn La. Hồi tuần qua, tờ Người Lao Động và một số báo khác dẫn thuật tin từ cuộc điều tra kể rằng, ông phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến khai đã được ông giám đốc sở là Hoàng Tiến Đức gọi đến phòng làm việc của ông Đức và "đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng".
Sau đó ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La "đã gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Danh sách này có 2 trường hợp trùng với những thí sinh được giám đốc sở nhờ nâng điểm trước đó".
Tất cả có tới 8 viên chức đảng viên gồm 6 chức sắc ngành giáo dục và viên công an của tỉnh Sơn La dính vụ án "nâng điểm" để được "lại quả" những số tiền trên dưới 1 tỷ đồng cho mỗi thí sinh để họ chia nhau dù được gọi là "người quen và đồng nghiệp nhờ vả". Theo tin tức từ cuộc điều tra, một số người đã nộp lại tiền đã ăn hối lộ với hy vọng được nhẹ tội.
Ông giám đốc Hoàng Tiến Đức khi được báo chí phỏng vấn đã gọi chuyện cáo buộc ông "đặt hàng" với ông phó giám đốc Yến là "bố láo, bố lếu". Hiện chỉ có 8 người bị cơ quan điều tra của Công an chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát làm thủ tục khởi tố trong đợt đầu của vụ án. Ông Hoàng Tiến Đức được chuyển sang giai đoạn hai của cuộc điều tra sẽ còn tiếp tục sau này.
Trên tờ Người Lao Động người ta thấy nên danh sách 7 thí sinh được nâng điểm từ rất thấp lên thành loại "thủ khoa" là con cái "có bố công tác tại Cục thuế Sơn La, mẹ làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Sơn La" ; bố là "Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn" ; "bố là Phó Chánh thanh tra tỉnh Sơn La" ; "con của Chánh thanh tra sở Giáo dục và đào tạo Sơn La" ; "bố là Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La" ; "Bố của thí sinh này là giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố Sơn La" ; "bố là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La"…
Hiện báo chí chỉ loan tin các ông bà có con được "nâng điểm" phải làm tờ "giải trình" trong khi có những lời kêu gọi họ nên từ chức.
Theo tờ Tuổi Trẻ, nhóm những người nhận "giúp nâng điểm" đã rút bài thi của các thí sinh được "đặt hàng" về nhà sửa chữa, tẩy xóa rồi "trả lại đúng vị trí các lô bài thi, xóa toàn bộ ảnh của các lô bài thi đã quét (vào máy điện toán) trước đó và tiến hành quét lại các bài thi đã sửa để thay thế", "Bằng cách làm tương tự, nhóm bị can này đã giúp sửa bài nâng điểm cho tổng cộng 44 thí sinh".
Không những vậy, tờ Tuổi Trẻ kể tiếp rằng "Hai lần sửa bài thi mới đủ mức điểm "đặt hàng". Ngày 2 tháng Bảy, 2018, sau khi quét xong bài thi, phát hiện có bốn bài thi môn lịch sử dù đã sửa nhưng vẫn chưa đạt tới mức điểm như "đơn đặt hàng", bà Nga yêu cầu Thủy, Bun Sọn tìm lại các bài thi, đưa cho Nga. Nga trực tiếp tẩy, sửa trên bài thi ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm rồi quét các bài này để lấy kết quả thay thế.
Trong số 8 bị can, người có chức vụ cao nhất bị đề nghị khởi tố là ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La phụ trách việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, cũng là người có chức vụ, quyền hạn lớn nhất trong vụ án này tính đến nay. Còn giám đốc Hoàng Tiến Đức vẫn chưa bị khởi tố.
Bảy người khác gồm ông Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng của sở), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng), bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng), bà Cầm Thị Bun Sọn (phó trưởng Phòng chính trị – tư tưởng của sở), ông Đặng Văn Thủy (phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu, Thành phố Sơn La), ông Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ công an tỉnh), ông Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ). (TN)
**************
Gian lận thi tú tài ở Sơn La, giá nâng điểm gần 43.000 USD (Người Việt, 25/05/2019)
Công luận hôm 25/5 rúng động trước tin giá nâng điểm thi tú tài mỗi trường hợp trong vụ bê bối ở tỉnh Sơn La hồi năm 2018 bình quân là 1 tỷ đồng (42.842 USD).
Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, bị khởi tố. (Hình : Tuổi Trẻ)
Con số này được tờ Tuổi Trẻ tiết lộ, dựa vào kết quả điều tra vụ án gian lận thi cử khiến tám bị can ở tỉnh Sơn La bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ Luật Hình Sự.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật : "Ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, được phân công là ủy viên ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch hội đồng thi, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó ban thường trực ban coi thi, phó ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm".
Ông Yến khai rằng "đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có tám trường hợp do chính giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La ‘gửi gắm’", bài báo cho hay.
"Cụ thể, theo ông Yến, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, gọi ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của tám thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo ‘đặt hàng’", vẫn theo báo Tuổi Trẻ.
Để sửa bài thi, báo Tuổi Trẻ cho hay "Các bị can rút bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh mang về nhà riêng tẩy xóa, sửa chữa lại theo đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo. Khi tổng hợp lại thấy điểm số chưa như ‘đặt hàng,’ họ tiếp tục sửa bài thi ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm".
Ông Hoàng Tiến Đức (phải), giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La, chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh, trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng của sở. (Hình : Tuổi Trẻ)
Về "chi phí" giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can trong vụ này khai rằng để rút bài, sửa nâng điểm ba môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu để xét tuyển đại học, bình quân mỗi trường hợp có "giá" là 1 tỷ đồng.
"Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính", Tuổi Trẻ cho biết thêm.
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lại tin của báo Người Đưa Tin cho biết, ông Hoàng Tiến Đức tỏ ra khá bất ngờ rồi trả lời "Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy" khi bác tin ông "nhờ sửa bài nâng điểm cho tám thí sinh" trong kỳ thi tú tài năm 2018 do cấp dưới là ông Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra.
Con số 1 tỷ đồng được cho là nằm ngoài khả năng kinh tế của đa số người dân một tỉnh miền núi Tây Bắc được ghi nhận có hàng trăm ngàn gia đình nghèo như Sơn La. Do vậy, công luận có cơ sở để cho rằng chỉ những gia đình quan chức mới có đủ khả năng chi trả số tiền này cho con em họ trong kỳ thi tú tài.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, Tỉnh ủy Sơn La "đã yêu cầu số cán bộ đảng viên có con nằm trong danh sách những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm giải trình".
Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu bình luận trên trang cá nhân : "Các cán bộ rất quyết tâm lo cho tương lai con em mình, nhưng đây là viên gạch lót nền trên con đường lưu manh. Mà các cán bộ lấy đâu ra lắm tiền thế ? Chăn nuôi heo, buôn chổi đót, chạy xe ôm ? Nhất định là không. Kết quả của đớp ngoặm tiền ngân sách, bớt xén công trình công cộng mà ra. Rồi đây, khi thế hệ lưu manh sau ra đời, hành vi đớp ngoặm của chúng sẽ còn tàn bạo hơn nữa cơ".
Trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, điều khiến dư luận băn khoăn là có quá nhiều dấu hiệu khuất tất trong việc điều tra.
Hồi tháng Tư, 2019, một số blogger đặt câu hỏi : "Bộ Giáo dục và đào tạo đóng vai trò gì trong vụ gian lận khi mà danh sách những trường hợp được nâng điểm thi tú tài ở tỉnh Sơn La lại được bộ đóng dấu ‘tuyệt mật ?’. Theo một thông tư do Bộ Công an ban hành, danh mục ‘Bí mật nhà nước’ không bao gồm danh sách chấm thẩm định các bài thi". (T.K.)
*******************
Trung Quốc xả lũ gây ngập lụt ở thành phố Móng Cái (RFA, 27/05/2019)
Mưa lũ lớn kéo dài cộng nước sông dâng do Trung Quốc xả lũ đã khiến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt từ ngày 25/5 vừa qua và khiến một người mất tích, hàng chục đò chở hàng bị đắm. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 27/5.
Hình minh họa. Nước lũ ở ngoại thành Hà Nội hôm 2/8/2018 - AFP
Ông Hoàng Ngọc Anh, Chánh văn phòng UBND thành phố Móng Cái được VOV trích lời cho biết : "Hiện nay không mưa nữa nhưng phía đầu nguồn bên Trung Quốc xả lũ nên nước vẫn dâng cao".
Ông Hoàng Ngọc Anh cho biết chính quyền địa phương đang huy động tất cả các lực lượng, quân sự, công an, đô thị… xuống các địa bàn để khắc phục hậu quả. Móng Cái cũng đang chuẩn bị phương án di dời người dân đến nơi an toàn.
Tuổi Trẻ trích lời một lãnh đạo thành phố Móng Cái cho biết "Bình thường khi Trung Quốc xả lũ họ sẽ thông báo trước cho mình, tuy nhiên có thể do đợt này mưa lớn nên họ xả lũ bất chợt, không kịp thông báo để mình cảnh báo người dân".
Việt Nam có hai dòng sông lớn là Mekong ở phía nam và sông Hồng ở miền bắc là những dòng sông chảy qua nhiều quốc gia trong đó Việt Nam là nước cuối nguồn.
Việc xây đập thuỷ điện tại các nước thượng nguồn, mà chủ yếu là ở Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến những nước ở hạ nguồn.
Hiện Trung quốc có khoảng gần 20 công trình thuỷ điện lớn ở thượng nguồn sông Hồng. Đó là chưa kể các công trình thuỷ điện lớn nhỏ khác. Việc Trung Quốc xả lũ ở các đập thuỷ điện này vì vậy có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và được coi là nguy cơ gây ngập lụt ở các tỉnh phía Bắc.
*********************
Khô hạn chưa từng có ở Bình Thuận (Người Việt, 26/05/2019)
Nhiều nơi ở tỉnh Bình Thuận đang chống chọi với nạn hạn hán, thiếu nước trầm trọng, buộc phải tạm ngừng trồng lúa và hoa màu ; các nhà máy nước không đủ nguồn nước thô để làm nước sạch cấp cho sinh hoạt.
Nhiều người ở tỉnh Bình Thuận phải đi mua nước để sinh hoạt hằng ngày. (Hình : Người Lao Động)
Báo Người Lao Động ngày 25/5/2019, dẫn thống kê của Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Bình Thuận cho biết nhiều hồ chứa ở tỉnh này "đang ở cao trình mực nước chết", cụ thể như các hồ : Sông Phan (huyện Hàm Tân), Tà Mon, Sông Móng (huyện Hàm Thuận Nam) và rất nhiều hồ chứa khác "đang tiệm cận báo động mực nước chết".
Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, lượng nước trữ tại các hồ thủy điện cũng đang ở mức rất thấp, chẳng hạn như hồ Thủy Điện Đại Ninh chỉ đạt 8,96%. Đặc biệt, hồ Thủy Điện Hàm Thuận chỉ còn 1,94% đang xấp xỉ mực nước chết, lưu lượng nước về hồ thời gian gần đây bình quân chỉ từ 4-6 khối /giây.
Trước tình trạng khan hiếm nước từ hồ Hàm Thuận đầu nguồn, hai huyện Đức Linh và Tánh Linh nằm ở vùng hạ du của nguồn nước đã phải thông báo tạm ngừng sản xuất vụ hè thu do thiếu nước tưới.
"Huyện yêu cầu người dân tạm thời yêu ngừng xuống giống vụ hè thu cho đến khi có mưa mới làm lại", ông Trương Quang Đến, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Đức Linh, nói.
Nhiều cánh đồng trồng hoa màu chết cháy vì thiếu nước. (Hình : VTC)
Cũng theo tờ Người Lao Động, huyện Hàm Thuận Nam là một trong những vùng khô hạn nhất của tỉnh Bình Thuận. Hiện tình hình hạn hán đã làm cho hơn 500 hécta trồng cây thanh long ở đây thiệt hại nặng do thiếu nước tưới.
Tương tự, tại các huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, tình trạng hạn hán cũng diễn ra khốc liệt, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng khan hiếm. Từ hơn một tháng qua, hàng ngàn gia đình tại các địa phương này phải đi mua nước để sinh hoạt hằng ngày do các nhà máy nước không đủ nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cung ứng cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Bảy (ở xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết hơn một tháng qua, ngày nào bà cũng phải hai chuyến chở can đi mua nước cách nhà gần hai cây số để sinh hoạt và phải dùng tiện tặn lắm mới đủ.
Còn ông Nguyễn Văn Hạnh (ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân) than thở gia đình phải cử người luân phiên đi mua nước mỗi ngày. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều bị đảo lộn do thiếu nước, rất khổ nhọc.
Liên quan đến khô hạn, cũng theo tờ Người Lao Động, tại Nghệ An, trong tháng Tư và tháng Năm, liên tiếp xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục. Nhiều nơi nhiệt độ lên đến trên 40 độ C. Hậu quả, sông suối cạn khô, hơn 1.100 hécta bắp, lạc, đậu bị khô lá, cháy vàng.
Trong đó, những huyện chịu thiệt hại lớn do nắng nóng kéo dài gây ra là Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳ Hợp… Nông dân các huyện này đang rơi vào cảnh khốn khổ vì mùa vụ mất trắng. Còn tại huyện miền núi Quế Phong, lòng hồ Thủy Điện Hủa Na xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt tại 280 bè, lồng nuôi cá.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, nắng nóng cũng gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, đảo lộn đời sống của người dân. Nhiều người già, trẻ nhỏ phải nhập viện cấp cứu. Đặc biệt, có một nông dân ở huyện Lộc Hà do sốc nhiệt đã chết khi đang làm việc ngoài đồng. (Tr.N)
***************
Hải quan Quảng Trị nhận tiền ‘bôi trơn’ vì ‘thẻ lương vợ cầm’ (Người Việt, 25/05/2019)
Xem hình ảnh cấp dưới của mình nhận tiền. (Hình : VietNamNet)
Tối 24/5/2019, lãnh đạo Cục Hải Quan Quảng Trị xác nhận với báo Thanh Niên, đơn vị này đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác năm cán bộ Chi Cục hải quan Cửakhẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị ) để xác minh tố cáo nhận tiền "bôi trơn" khi đang làm việc. Đồng thời, cơ quan này cũng thành lập "tổ công tác khẩn cấp" đến xác minh sự việc.
Trong số năm cán bộ này, có bốn cán bộ thuộc một kíp trực và ông Lê Chí Thành, chi cục trưởng Chi Cục hải quan Cửakhẩu quốc tế La Lay.
Theo báo Đầu Tư, thời hạn đình chỉ công tác năm cán bộ hải quan trong 15 ngày kể từ ngày 24/5.
Trước đó truyền thông Việt Nam đã đăng bài, video clip phản ảnh thời gian qua, nhiều người dân và xe đò, xe vận tải qua Cửa Khẩu La Lay (thông thương với tỉnh Salavan, nước Lào) đều phải dùng tiền hối lộ để được hải quan nơi này nới lỏng giám sát, tạo điều kiện xuất nhập cảnh dễ dàng.
Theo đó, khi người dân đến làm thủ tục mở tờ khai thông quan, ngoài tiền lệ phí phải đóng theo quy định, thì đều kẹp thêm các tờ tiền có mệnh giá 50.000 đồng (2,1 USD) hoặc 100.000 đồng (4,2 USD) bên trong hồ sơ để "bôi trơn". Việc này đã diễn ra liên tục trong một thời gian dài tại cửa khẩu này như "luật bất thành văn".
Cửa Khẩu La Lay thuộc sự quản lý của Cục Hải Quan Quảng Trị. (Hình : Đầu Tư)
Báo VietNamNet cho hay, trong buổi làm việc với phóng viên về vấn đề lực lượng hải quan, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế nhận tiền "bôi trơn", Chi Cục Trưởng Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu La Lay Lê Chí Thành ban đầu khẳng định không có chuyện cán bộ hải quan cửa khẩu ban hành "luật ngầm", vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp vận tải làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp cho ông hình ảnh, tài liệu về việc nhiều cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay có dấu hiệu nhận tiền "bôi trơn" đối với người dân và chủ xe khi đến cửa khẩu làm thủ tục thông quan thì ông nói : "Việc thu thêm tiền ngoài phí thế này là sai rồi nhưng do anh em khổ quá. Chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu sai phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm".
"Nhưng do anh em hải quan cửa khẩu điều kiện khó khăn, thẻ lương thì vợ cầm, lâu lâu mới có một vài phương tiện, hàng hóa qua về nên nhiều lúc, người dân họ không lấy lại tiền thừa mà bồi dưỡng cho cán bộ để uống nước. Nói thật, mỗi ngày có khoảng 20 phương tiện, họ đưa 100 nghìn để đóng phí mà không lấy tiền thừa thì số tiền còn lại không nhiều. Khoản tiền này chỉ đủ để anh em mua lon bia, con gà ngồi tiếp khách…" ông Thành nói thêm. (Tr.N)
****************
'Luật ngầm' ở cửa khẩu La Lay : Chi cục trưởng hải quan lên tiếng (VietnamNet, 24/05/2019)
Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay giải thích, do anh em điều kiện khó khăn, thẻ lương thì vợ cầm nên nhiều lúc, người dân không lấy lại tiền thừa mà bồi dưỡng cho cán bộ.
Ông Lê Chí Thành (trái) đang xem hình ảnh cấp dưới của mình nhận tiền
Trong buổi làm việc với PV về vấn đề lực lượng hải quan, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế nhận tiền bôi trơn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay Lê Chí Thành ban đầu khẳng định không có chuyện cán bộ hải quan cửa khẩu ban hành "luật ngầm", vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp vận tải làm thủ tục xuất - nhập cảnh.
Ông Thành giải thích : Khi người dân, phương tiện đến làm thủ tục tại bục hải quan cửa khẩu thì phải đóng phí 20 nghìn đồng để mở tờ khai.
Trước đây, việc thu phí mở tờ khai được làm trực tiếp tại phòng làm việc của hải quan nhưng kể từ ngày 1/4, việc thu phí này bắt buộc phải nộp qua ngân hàng theo hướng dẫn của thông tư 136 do Bộ Tài chính ban hành.
Có một số trường hợp như khách vãng lai, phương tiện không qua lại thường xuyên thì vẫn đóng phí mở tờ khai cho cán bộ hải quan cửa khẩu.
"Tôi dám khẳng định là lực lượng hải quan tại cửa khẩu La Lay không có những hành động này. Việc thu phí là đúng", ông Thành nói.
PV cung cấp cho ông hình ảnh, tư liệu về việc nhiều cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay có dấu hiệu nhận tiền bôi trơn đối với người dân và chủ phương tiện khi đến cửa khẩu làm thủ tục thông quan.
Từ hình ảnh PV cung cấp, ông Thành cho biết một số cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay như ông Hoàng Đình L., Hoàng Đức N., Đặng Tiến D… liên quan đến việc trả lại tiền thừa cho chủ phương tiện khi làm thủ tục.
Theo ông Thành, mỗi ngày có khoảng 30-60 phương tiện đến làm thủ tục xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu La Lay.
Chỉ đủ mua lon bia, con gà tiếp khách
Vị Chi cục trưởng khẳng định, những hình ảnh nộp tiền lệ phí hải quan là hiện tượng diễn ra thường xuyên.
Việc nhận tiền trái quy định của hải quan cửa khẩu La Lay diễn ra công khai và thường xuyên
Thông thường, khi chủ phương tiện vào làm thủ tục hải quan nếu nộp lệ phí mà đưa tiền mệnh giá trên 20 ngàn đồng (50, 100, 200 ngàn) thì cán bộ hải quan phải có trách nhiệm trả lại tiền thừa.
"Nhưng do anh em hải quan cửa khẩu điều kiện khó khăn, thẻ lương thì vợ cầm, lâu lâu mới có một vài phương tiện, hàng hóa qua về nên nhiều lúc, người dân họ không lấy lại tiền thừa mà bồi dưỡng cho cán bộ để uống nước.
Nói thật, mỗi ngày có khoảng 20 phương tiện, họ đưa 100 nghìn để đóng phí mà không lấy tiền thừa thì số tiền còn lại không nhiều. Khoản tiền này chỉ đủ để anh em mua lon bia, con gà ngồi tiếp khách…", ông Thành nói thêm.
Cũng theo vị Chi cục trưởng, "việc thu thêm tiền ngoài phí thế này là sai rồi nhưng do anh em khổ quá. Chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu sai phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm".
Chấn chỉnh kiểm dịch viên thu tiền sai
Trong khi đó, ông Hoàng Kim Quốc - cán bộ phụ trách kiểm dịch y tế quốc tế (thuộc Sở Y tế Quảng Trị) thừa nhận, việc cán bộ kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu La Lay nhận tiền của chủ phương tiện vượt quy định là sai.
Cán bộ phụ trách kiểm dịch y tế quốc tế La Lay Hồ Kim Quốc cho rằng, việc cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế nhận tiền vượt quy định là sai
Ông Quốc cho biết, chức năng của cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế được thực hiện theo nghị định 89/NĐ-CP về kiểm dịch biên giới và thu phí hàng hóa theo thông tư 240 của Bộ Tài chính.
Theo đó, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế thu phí khử trùng từ 25-55 nghìn đồng đối với các loại phương tiện qua về cửa khẩu, mức thu phí hàng hóa được tính theo tấn.
"Mọi hoạt động thu chi đều phải có hóa đơn chứng từ. Từ những hình ảnh PV cung cấp, tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh nếu có sai phạm", ông Quốc nhấn mạnh.
Quang Thành