Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/05/2019

Quản lý nợ công, vốn vay nước ngoài, ODA bất lợi, đầu tư định cư

Tổng hợp

5 thách thức trong quản lý ngân sách và nợ công của Việt Nam (VnEconomy, 23/05/2019)

Trong 10 năm, nợ công của Việt Nam tăng từ 32% lên 63,8% ...

Ngày 23/5, Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công Châu Á (PEMNA) năm 2019 do Việt Nam đăng cai tổ chức đã bước sang ngày làm việc thứ 2 và các vấn đề về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công được các đại biểu tập trung bàn thảo nhiều.

quanly1

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã thẳng thắn khi chỉ ra 5 thách thức mà chính các nhà quản trị của Việt Nam nhận ra trong việc cơ cấu lại ngân sách, quản lý nợ công.

Thứ nhất là việc hoàn thiện lại hệ thống chính sách thuế, giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách thuế. Việc này Việt Nam đã bắt tay vào làm nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Hiện Việt Nam đang cải thiện hệ thống chính sách thuế theo quan điểm thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để vừa huy động hợp lý vào ngân sách nhưng vừa đảm bảo mở rộng cơ sở thuế,. Bên cạnh đó việc cải thiện chính sách thuế phải dựa trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc về chống chuyển giá, phòng chống gian lận thuế...

Thứ hai là thách thức trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách minh bạch. Theo đó phải đề cao vai trò của kế hoạch tài chính trung hạn, vai trò quản lý ngân sách theo đầu ra. Cụ thể là hiệu quả thu được từ quản lý đầu tư công, xây dựng và triển khai để án thực hiện chuẩn mực quốc tế trong khu vực công để nâng cao tính minh bạch, độ tin cậy của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, Việt Nam tuy đã chuyển một bước quan trọng về quản lý cơ cấu lại nợ công và tăng kỳ hạn của danh mục nợ trái phiếu chính phủ, giảm lãi suất nhưng quản lý nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong 10 năm tới. Nếu so với các thành viên PEMNA có mức nợ công bình quân 48% thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện đang khá cao ở mức 58%

Thứ tư vấn đề về nâng cao vai trò của Kho bạc Nhà nước trong quản lý thu chi ngân sách Nhà nước và nợ công. Đây là câu chuyện khá dài hơi khi mà vai trò của Kho bạc Nhà nước tại Việt Nam chưa phát huy hết, thiếu nhiều quyền trong việc quản lý thu chi ngân sách Nhà nước.

Thách thức thứ năm của Việt Nam là việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đây được xem là một thách thức lớn khi mà thị trường tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng tiền mặt quá lớn.

Nhìn lại quá trình quản lý nợ công của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, sau khủng hoảng kinh tế những năm 2007 - 2008, trong khoảng 10 năm qua đa số các nền tài chính các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đều tăng nợ, tăng bội chi 2,2% - 5,5%, thời gian gần đây giảm xuống 3,5%. Cùng với tăng bội chi, để giải quyết khủng hoảng, nợ công toàn thế giới tăng nhanh.

Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật khi bội chi liên tục tăng, dẫn đến nợ công trong vòng 10 năm tăng từ 32% năm 2005 lên 63,8% năm 2015 và đang trở thành thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, do sớm nhận biết được những thách thức của mình nên Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân sách và nợ công để đảm bảo nền ngân sách phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững. Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu như đã phục hồi tỷ lệ động viên vào ngân sách đạt mức bình quân gần 24% GDP. Cơ cấu thu chuyển dịch quan trọng, thu từ sản xuất, kinh doanh, từ thuế phí đã đạt 83% tổng thu ngân sách.

Đặc biệt, đến nay thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam đã không phụ thuộc vào hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên khi chỉ còn chiếm 3,5 tổng thu ngân sách. Trong khi đó 10 năm trước số thu từ khoáng sản, tài nguyên chiếm tới 23% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Trong cơ cấu chi ngân sách, Việt Nam đã kiên định giảm bội chi từ trên 5% GDP vào năm 2015, xuống còn 2,74% GDP năm 2017, phấn đấu đến 2020 khoảng 3% GDP…

Những kết quả đó đã giúp giảm nợ công từ 63,8% xuống còn 58,4% GDP và đang có xu hướng giảm vững chắc. Bên cạnh đó, trong tổng nợ công đã cơ cấu lại thì có trên 60% là các khoản nợ trái phiếu chính phủ với kỳ hạn nợ đã kéo dài hơn, bình quân trên 12 năm và mức lãi suất thấp xuống chỉ còn 4,2 - 4,5%/năm, đây là tỷ lệ hợp lý.

Lynh Đan

*********************

Dự án dùng vốn vay nước ngoài, Việt Nam thiệt nhiều ? (Đất Việt, 23/05/2019)

Tại các dự án Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên..., kết quả cho thấy từ khâu đầu tới khâu cuối thực hiện dự án đang có vấn đề.

Có tiêu cực, lợi ích ?

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội mới đây vừa chỉ ra hàng loạt vấn đề trong các dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

quanly2

Lo ngại cao tốc Bắc - Nam bị phụ thuộc nếu chỉ có một nhà đầu tư thực hiện. Ảnh : Phapluatxahoi

Tại các dự án Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên..., kết quả cho thấy từ khâu đầu tới khâu cuối thực hiện dự án đang có vấn đề. Cụ thể, trong quyết định chủ trương cũng chưa chặt chẽ, khiến dự án phải nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện, trong quá ký kết hợp đồng cũng được cho là lỏng lẻo khiến chủ đầu tư phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ nhưng lại không kiểm soát được các khoản thuế, phí gây thất thu, lãng phí...

Đồng tình với những đánh giá trên, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, đó là những tồn tại thực tế đang được các cơ quan chức năng xem xét, khắc phục.

Ông Nhường cho biết, những tồn tại xảy ra ở hầu hết các dự án được thực hiện triển khai giai đoạn trước như Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên... Vướng mắc chủ yếu có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân, thủ tục rườm rà khiến dự án bị kéo dài thời gian, đội vốn, thậm chí phải bồi thường cho nhà thầu nước ngoài.

Ông Nhường nêu ví dụ, cùng một dự án sân bay giao cho tư nhân triển khai, tiến độ thực hiện chỉ mất 3 năm, còn nhà nước thực hiện thì loay hoay cả chục năm chưa giải phóng được mặt bằng.

Do đó, ông Nhường cho rằng, xem xét giảm bớt các bước thực hiện thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo cũng là một vấn đề phải nghiên cứu.

Tuy nhiên, công tác quản lý cũng như vấn đề lợi ích nhóm, tiêu cực cũng được xem là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt những kẽ hở khiến dự án bị rút ruột, đội vốn.

"Không loại trừ có hiện tượng cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi vì cá nhân, vì nhóm lợi ích.

Cần phải xem xét lại các điều khoản ký kết trong hợp đồng giữa nhà đầu tư với nhà thầu để bảo đảm các điều khoản soạn thảo được chặt chẽ, kín kẽ, tránh rơi vào tình trạng bất lợi như thời gian qua. Việc này Luật Đầu tư công sửa đổi phải đưa ra giải pháp", ông Nhường nói.

Thận trọng dự án cao tốc Bắc - Nam

Theo ĐB Lê Công Nhường, do đã nhìn rõ những hạn chế nếu trên nên có nhiều lo ngại đối với dự án đầu tư công có sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài. Điển hình như dự án cao tốc Bắc - Nam đang được đưa ra thảo luận.

Theo vị đại biểu, trong khi còn quá nhiều vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng vốn vay thì việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam phải hết sức thận trọng.

Trước hết, Quốc hội không nên đặt nặng vấn đề về tiến độ của dự án trong thời điểm này để đi đến quyết định phải kêu gọi vốn bằng mọi cách, phải làm bằng mọi giá. Cần thực hiện đấu thầu dự án công khai để lựa chọn nguồn vốn và nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc lựa chọn nguồn vốn cũng như nhà đầu tư phải bảo đảm dựa trên các yếu tố năng lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dự án chứ không chỉ thiên về yếu tố giá rẻ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam được xem là dự án trọng điểm quốc gia, là tuyến giao thông huyết mạch do đó, không nên để duy nhất một nhà đầu tư nước nào độc quyền thực hiện.

"Nếu để duy nhất một nhà đầu tư nước ngoài thực hiện toàn bộ 8 dự án BOT trải dọc suốt tuyến quốc lộ lối liền Bắc - Nam thì nguy cơ độc quyền rất lớn.

Độc quyền trước hết là nguy cơ nhà thầu sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ tuyến đường này, bao gồm từ việc thực hiện dự án cho tới việc cung cấp các thiết bị, công nghệ, hàng hóa dịch vụ cho tới việc tổ chức quản lý thu thuế, phí.

Trong trường hợp nhà đầu tư kéo dài thời gian thi công, đẩy vốn, để tăng phí, kéo dài thời gian thu phí qua trạm BOT thì cũng giống như đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn toàn rơi vào thế bị động và lại chịu thiệt.

Hơn nữa, nếu xảy ra biến cố hoặc có tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư đóng trạm, dân sẽ đi lối nào ? Điều này rất đáng ngại.

Với cơ chế quản lý, kiểm soát như thời gian vừa qua là rất khó khiến dư luận có thể yên tâm, tin tưởng. Liệu cuối cùng người dân có phải đóng thuế để chi trả cho nhà đầu tư nước ngoài ?

Vì thế, trong trường hợp này, chỉ nên để nhà thầu làm thí điểm một trạm BOT, không nên giao cả 8 dự án BOT cho nhà thầu của một nước", vị đại biểu cảnh báo.

Từ những lo ngại nói trên, ông Nhường cho rằng, chưa nên tính tới việc thực hiện dự án ở thời điểm hiện tại, nhất là khi chưa có phương án về nguồn vốn cũng như chưa khắc phục được những yếu điểm trong quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài.

"Cao tốc Bắc - Nam không phải là dự án bức thiết, buộc phải làm ngay. Song song với tuyến này chúng ta còn tuyến QL1 cũ, còn có đường sắt, trước mắt có thể cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để hiệu quả sử dụng tốt hơn.

Trong trường bắt buộc phải thực hiện dự án thì nên chia nhỏ dự án làm nhiều đoạn để kêu gọi đầu tư, sau đó cho nhà đầu tư làm thí điểm từng đoạn, có đánh giá toàn diện mới quyết định kêu gọi đầu tư những đoạn tiếp theo.

Giao toàn dự án cho duy nhất một nhà đầu tư để làm hàng loạt sẽ rất mạo hiểm và dễ rơi vào tình thế bị phụ thuộc", ông Nhường nói.

 Lam Nguyễn

***************

Hợp đồng ODA bất lợi, Cát Linh-Hà Đông phải chịu ràng buộc (Đất Việt, 21/05/2019)

Kiểm toán nhận định, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn, gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài.

Dự án ODA điều chỉnh quy mô, giá trị lớn

Trong báo cáo mới đây gửi tới các đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán chuyên đề các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

quanly3

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn, gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài. Ảnh : VnEconomy

Với các dự án vay vốn ODA, nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu.

Thậm chí, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng hơn 200% từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư.

Một vấn đề khác được Kiểm toán Nhà nước nhắc tới khi chia sẻ về Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư bao gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại của Hiệp định vay 250 triệu USD ; bổ sung chi phí xây lắp tăng thêm 21,07 triệu USD do các nguyên nhân khách quan, thay đổi biện pháp thi công khi chưa có dự toán chi tiết.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng mắc lỗi thanh toán thuế giá trị gia tăng sai quy định. Số thuế giá trị gia tăng tăng thêm 12,5 tỷ đồng, riêng số thuế Giao thông và vận tải phải nộp tăng thêm 2,9 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng giảm khấu trừ là 9,6 tỷ đồng. Còn phần doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp tăng tương ứng 125,44 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, thống kê Bộ Giao thông vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 122.352 tỷ đồng và 97,27 triệu USD.

Điển hình, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh 3 lần, tăng 6.812 tỷ đồng (tương đương hơn 275%) so với ban đầu. Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đâu tư gần 30.000 tỷ đồng (tương đương 172%).

Hay Dự án thành phần 1, 2, 3 thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 3.000 tỷ đồng, Dự án Thủy điện Huội Quảng điều chỉnh 2 lần, tăng tổng mức đầu tư 5.768 tỷ đồng, tương đương 58,9%.

Hầu hết các dự án điều chỉnh không đúng thẩm quyền,chưa đảm bảo quy định.

Điều khoản hợp đồng bất lợi

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, hiệu quả sử dụng vốn ODA chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư ; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn, gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài. Điển hình là Dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm 77% tổng mức đầu tư.

Thêm vào đó, các dự án sử dụng vốn ODA còn phải chịu ràng buộc về việc sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay lên tới 30%.

Ngoài ra, các dự án còn phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao hơn sử dụng tư vấn trong nước từ 8-10 lần.

Đáng nói hơn, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra việc đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng. Đơn cử như Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên thay đổi tỷ lệ thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng từ 10% xuống 5% và trong bảo hành từ 10% xuống 3% ; thay đổi tỷ lệ giữ lại khi thanh toán từ 10% xuống 5% ; cho phép Nhà thầu đưa ra yêu cầu về chi phí khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, chấp thuận đơn giá nếu phải gia hạn tiến độ...

Thái An

*******************

Nguy cơ mất trắng vì đầu tư định cư EB-5 ở Mỹ (Người Lao Động, 22/05/2019)

Xu hướng nhà đầu tư Việt Nam chọn đầu tư theo dạng EB-5 với khoản vốn ban đầu 500.000 USD để có cơ hội định cư lâu dài tại Mỹ nhưng cẩn trọng

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại toạ đàm "Giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản khi đầu tư định cư EB-5", do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 22/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nhiều người Việt quan tâm đến chính sách đầu tư định cư và thị thực theo chương trình EB-5 của Mỹ. Nhưng đi cùng với xu hướng đầu tư EB-5 là sự gia tăng tình trạng rủi ro và lừa đảo.

Theo quy định, để có được thị thực EB-5, mỗi nhà đầu tư cá nhân phải bỏ ra ít nhất 500.000 USD (tương đương khoảng 12 tỉ đồng) đầu tư vào một dự án mới được Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) chấp thuận ở khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao hoặc khu vực nông thôn nhằm tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian cho người lao động Mỹ.

quanly4

Nhà đầu tư cần bỏ ít nhất 500.000 USD để đầu tư định cư tại Mỹ theo dạng EB-5. Ảnh : Linh Anh

Nhà đầu tư phải chứng minh được nguồn tiền sạch và dự án tạo ra được công ăn việc làm cho người dân địa phương, cộng thêm khoảng 85.000 USD phí cho một dự án được Mỹ chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, nếu dự án không hiệu quả, phá sản hoặc ngừng hoạt động thì nhà đầu tư sẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra.

Ông Kenneth K. Nguyen, Giám đốc cấp cao American Immigration Group & Global Residents LLP, cho biết trong quá trình đầu tư, vẫn có trường hợp không may gặp phải rủi ro nên mất trắng số tiền đầu tư.

Năm trước, một dự án du lịch của Mỹ ở ngay trung tâm New York thu hút khoảng 400 nhà đầu tư từ các nước đến theo dạng EB-5. Nhưng sau đó dự án này phải ngưng hoạt động vì hiệu quả sinh lời thấp, không có du khách nào đến. Kết quả, dự án chỉ mới hoàn thành khoảng 20% tiến độ đặt ra khiến không ít nhà đầu tư lao đao. Những nhà đầu tư đến sau sẽ mất trắng.

Đã đầu tư là phải có rủi ro. Do đó, việc lựa chọn dự án đầu tư rất quan trọng, đòi hỏi người đầu tư am hiểu kinh tế, đặc thù khu vực ở nước Mỹ. Nhà đầu tư cần đánh giá các dự án cẩn thận, nếu được nên sang Mỹ quan sát, tìm hiểu thực tế dự án trước khi quyết định, ông Kenneth K. Nguyen nhận định.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có kế hoạch định cư ở Mỹ cần chọn những dự án đã hoàn thiện 50-80% thay vì chọn những dự án mới bắt đầu, chưa khởi công, khả năng hoàn thiện còn lâu… Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ kế hoạch, giá trị dự án, nguồn vốn vay, nhu cầu của thị trường và tìm đến các tổ chức uy tín, được cấp giấy phép hoạt động từ Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) để được tư vấn, đưa ra lựa chọn hợp lý.

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia của American Immigration Group & Global Residents LLP đã đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường Việt Nam với chương trình định cư EB-5. Chẳng hạn, không thể đầu tư EB-5 với giá rẻ vì yêu cầu bắt buộc mức vốn tối thiểu với chương trình này là 500.000 USD ; nhà đầu tư có thể làm visa nhanh chóng trong vòng 2 năm cũng không thể xảy ra. Bởi hiện ở Mỹ có một danh sách dài nhà đầu tư đang đợi để được nhận thị thực và điều này còn phụ thuộc vào dự án đầu tư.

Nếu trả thêm tiền, nhà đầu tư sẽ được nhận thẻ xanh nhanh hơn cũng là thông tin sai lệch. Không có cách nào để nhanh hơn hay chậm hơn khi đầu tư EB-5, ngoài thông qua quy định của USCIS. Về lý thuyết, đây là chương trình "first come, first serve" (đến trước, được phục vụ trước). Những gia đình đầu tư trước thường sẽ được nhận thẻ xanh trước.

Hiện chỉ có trẻ em dưới 14 tuổi mới được đảm bảo thẻ xanh với gói đầu tư của cha mẹ (14 tuổi tính từ lúc nộp hồ sơ). Trẻ em trên 14 tuổi có thể đăng ký dưới dạng gói riêng - gói bổ sung 500.000 USD.

Ngay cả thông tin về việc đầu tư EB-5 được nhận lãi suất tới 40% là sai, bởi theo các chuyên gia, chương trình này không được thiết kế để trả lãi suất, cổ tức cho nhà đầu tư. Nếu mong muốn tìm kiếm môi trường đầu tư để nhận lãi suất cao thì EB-5 không phải là chương trình đó…

T.Phương

Quay lại trang chủ
Read 427 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)