Mỹ sẽ khoan định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ - Bloomberg (VOA, 26/05/2019)
Mỹ sẽ khoan liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ dựa trên dữ liệu mới mà nước này đã cung cấp cho Bộ Tài chính Mỹ, Bloomberg đưa tin ngày thứ Sáu, dẫn lời một người biết về vấn đề này.
Chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy mạnh nỗ lực viết lại các quy luật giao thương toàn cầu.
Bloomberg nói quyết định này là một thắng lợi cho Việt Nam, vốn có nguy cơ bị định danh trong lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch hạ thấp ngưỡng xác định các đối tác thương mại của Mỹ là nước thao túng tiền tệ.
Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã cung cấp thêm dữ liệu nhằm thuyết phục Bộ Tài chính Mỹ rằng họ không giữ giá trị tiền đồng ở mức thấp, Bloomberg cho biết. Việt Nam cũng gửi một phái viên hàng đầu của mình đến gặp Bộ trưởng Steven Mnuchin vào ngày thứ Năm.
Không rõ dữ liệu mà Việt Nam cung cấp cho Mỹ là gì.
Sau cuộc họp, ông Mnuchin đăng lên Twitter một bức ảnh chụp ông với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nói rằng họ đã thảo luận về "quan hệ kinh tế và thương mại".
Bộ Tài chính Mỹ phát hành một báo cáo hai lần mỗi năm về ngoại tệ. Trong báo cáo mới nhất, số lượng quốc gia bị săm soi về việc có thể là thao túng tiền tệ sẽ tăng lên mức khoảng 20 nước từ 12 nước, sau khi bộ thay đổi một trong ba tiêu chí mà họ sử dụng để kiểm tra việc thao túng.
Một phát ngôn viên của Bộ không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Chính sách tiền tệ đã trở thành công cụ mới nhất của ông Trump nhằm đẩy mạnh nỗ lực viết lại các quy luật giao thương toàn cầu mà theo ông đã làm tổn thương các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông đã biến chính sách ngoại hối trở thành một phần chính trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada và Hàn Quốc, và nó dự kiến sẽ là một phần trong thỏa thuận với Trung Quốc, nếu như hai nước đạt được một thỏa thuận.
****************
Nhóm lao động Việt bị buộc tội trong đường dây lừa đảo qua điện thoại ở Đài Loan (VOA, 24/05/2019)
Văn phòng công tố quận Đài Trung, Đài Loan, ngày 23/5 buộc tội một người đàn ông Đài Loan có tên họ là Phong vì đã nhận 400.000 Đài tệ để thiết lập một đường dây lừa đảo qua điện thoại, với sự tham gia của 7 người Việt Nam chuyên đi lừa "đồng hương".
Văn phòng Tư pháp ở quận Đài Trung, Đài Loan.
Asia Times dẫn lại tường thuật của China Daily News cho biết nhóm lao động Việt được thuê mạo danh quan chức gọi điện thoại đến cho những người Việt Nam khác và buộc họ phải trả tiền mặt vì những "sản phẩm bất hợp pháp" bị phát hiện trong các kiện hàng mà họ gửi.
Nạn nhân sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể để chuyển khoản tiền thông qua các máy ATM.
Đến nay, đã có tổng cộng 17 người Việt Nam trong số 19 người bị buộc tội vì tham gia vào các đường dây tội phạm có tổ chức và lừa đảo nghiêm trọng này. Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, 10 người Việt Nam khác cũng bị buộc tội trong một đường dây lừa đảo tương tự ở quận Đài Trung.
Nhà chức trách Đài Loan cho biết những đường dây lừa đảo qua điện thoại này thường thuê công nhân (đa số là người đi làm "chui") hoặc du khách Việt Nam tham gia. Ước tính có ít nhất 200 người Việt đã bị lừa và số tiền các nhóm này thu được lên đến khoảng 15 triệu Đài tệ.
Những đường dây lừa đảo trên bị phát hiện và dẹp bỏ sau khi chính quyền Đài Loan bố ráp hai cơ sở bị cáo buộc vào cuối năm ngoái, bắt giữ 19 người đàn ông và tịch thu các điện thoại di động, máy tính và thông tin cá nhân của các nạn nhân.
Theo Asia Times, hiện chính phủ Đài Loan vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ Bộ Công an Việt Nam khi họ yêu cầu giúp xác định thông tin của các nạn nhân bị lừa đảo qua các đường dây này.
****************
Phá hai đường dây đánh bạc ngàn tỷ ở phía Bắc (Người Việt, 24/05/2019)
Cùng lúc, công an hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã phá được hai đường dây "đánh bạc và tổ chức đánh bạc" bằng công nghệ cao, với số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Phạm Công Bằng, nghi can cầm đầu đường dây đánh bạc ở Hưng Yên tại cơ quan công an. (Hình : Tuổi Trẻ)
Ngày 24/05/2019, báo Người Lao Động dẫn tin từ Công An tỉnh Hưng Yên cho biết hôm 17/05 vừa qua, Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Hưng Yên đã tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của bốn người gồm Phạm Công Bằng (29 tuổi), Phạm Công Biên (31 tuổi, cùng quê Thái Bình), Đào Viết Lâm (20 tuổi), và Trần Đức Khiển (27 tuổi), đều ở tỉnh Thái Bình để điều tra về tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc".
Khám nhà, công an thu giữ được 15 chiếc điện thoại di động, ba máy tính để bàn, một máy tính xách tay cùng một lượng lớn tiền mặt và nhiều thẻ ngân hàng, đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Cùng lúc, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của nhóm nghi can trên với số dư giao dịch trong các tài khoản bước đầu xác định trên 2.000 tỷ đồng (85,5 triệu USD), liên quan đến 113 đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp Việt Nam.
Tang vật thu giữ được từ đường dây đánh bạc của Phạm Công Bằng. (Hình : Tuổi Trẻ)
Phạm Công Bằng là người cầm đầu đường dây đánh bạc trên. Cả nhóm đã thuê nhà ở đường Trần Bình Trọng (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) để điều hành đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở khắp Việt Nam.
Cách thức tổ chức của nhóm này là mở tài khoản làm đại lý cấp 2 cho các trang web đánh bạc trực tuyến, các con bạc dùng tiền thật để quy đổi thành tiền ảo tham gia đánh bạc. Khi chơi xong, các con bạc quy đổi ngược lại.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2019, mười lăm người liên quan đến đường dây đánh bạc này đã bị công an bắt giữ. Mở rộng vụ án, công an Hưng Yên mới phát hiện và bắt giữ thêm nhóm bốn người của Phạm Công Bằng.
Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ cho biết Phòng Cảnh Sát Hình Sự Công An tỉnh Hải Dương cũng đã phát hiện đường dây đánh bạc qua website và ứng dụng Manvip.club, với tổng số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Qua điều tra, Công An tỉnh Hải Dương xác định một nhóm người ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) đứng ra làm đại lý cấp 1 của hệ thống Manvip.club. Cầm đầu đường dây này là một người ở thành phố Hà Nội. Đại lý này đã mua, bán điểm cho các con bạc với số tiền nhiều tỷ đồng. Hình thức chơi là các con bạc dùng tiền thật mua điểm để chơi các trò chơi và sau đó đổi điểm lấy lại tiền.
Công an đã khởi tố 16 bị can về tội "Tổ chức đánh bạc" và ba bị can về tội "Đánh bạc". Sự việc đang được Công An tỉnh Hải Dương tiếp tục mở rộng, truy bắt những người bỏ trốn. (Tr.N)
******************
Cán bộ bị kỷ luật vì đăng tin về vụ ‘giao đất vàng’ trên Facebook (VOA, 24/05/2019)
Một cán bộ UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị xử phạt về tội "vu khống lãnh đạo" do đăng thông tin về vụ "giao đất vàng giá rẻ" trên mạng xã hội Facebook.
Văn bản Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quách Duy.
Theo văn bản "Quyết định xử phạt vi phạm hành chính" đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Quách Duy, 37 tuổi, hiện là chuyên viên tại Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bị cho là "vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín" của người khác khi đăng đoạn thông tin cập nhật về vụ giao "đất vàng".
Nguyên văn ông Duy viết trên Facebook như sau : "Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ giao ‘đất vàng’ giá rẻ liên quan đến Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ, điều tra làm rõ vụ thoái vốn gây thất thoát tài sản nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất trái phép khu đất ‘vàng’ số 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh".
Với nội dung trên, ông Duy bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì "đăng thông tin thất thiệt" trên mạng xã hội.
Cập nhật trên trang Facebook cá nhân ngày 24/5, ông Quách Duy cho biết "đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người về tinh thần, vật chất", với số tiền nhận được hơn 7,8 triệu đồng, "đủ tiền đóng phạt trước cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh".
Dự án "giao đất vàng" 76 Tôn Thất Thuyết, với diện tích hơn 16.000 m2, được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sabeco HP đầu tư để xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ, căn hộ Charmington Iris 35 tầng, với 1.438 căn hộ và nhiều cửa hàng.
Theo báo Đời sống và Tiêu Dùng, khu đất này từ năm 2011 đã có giá gần 54 triệu đồng/m2, nhưng trong Quyết định về phương án giá đất do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến ký duyệt vào năm 2017, thì giá đất khu vực này chỉ được ấn định hơn 23 triệu đồng/m2, "chỉ bằng giá của hẻm xi măng cấp 1, thấp hơn 2 lần so với đơn giá hiện tại".
Ngày 27/12/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định cho phép đầu tư trước đây với lý do "cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa chính xác".
**********************
Tham nhũng trong thu hồi đất theo dự án rất lớn (TBKTSG, 24/05/2019)
Thu hồi đất theo dự án có ưu điểm là có nhà đầu tư triển khai dự án ngay, nhưng tiềm ẩn rủi ro tham nhũng cũng rất lớn, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tại hội nghị hôm 24/5. Ảnh : Trung Chánh
Tại hội nghị báo cáo kết quả khoa học công nghệ đề tài giải pháp hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ được tổ chức vào hôm nay, 24-5, ông Võ cho biết, hiện có ba hình thức chuyển đổi đất đã được đặt ra.
Thứ nhất là nhà nước thu hồi đất, nhưng theo dự án, tức khi có nhà đầu tư, thì nhà nước thỏa thuận địa điểm đầu tư và hai bên thống nhất rồi nhà nước tiến hành thu hồi đất, giải quyết bồi thường tái định cư, giao đất cho nhà đầu tư.
Thứ hai là thu hồi đất theo quy hoạch, tức là nhà nước quy hoạch đất xong rồi thu hồi đất khi chưa có nhà đầu tư và quỹ đất này sau đó được nhà nước chủ động điều hành toàn bộ chuyện đưa vào thị trường và điều này có thể sinh lời, nhưng cũng có thể bị lỗ, thậm chí có trường hợp thu hồi đất xong không có nhà đầu tư nào quan tâm, khi đó có thể bị xã hội công kích là gây lãng phí. "Đấy cũng là cái rất khó cho việc thu hồi đất theo quy hoạch", ông nói.
Kiểu thu hồi đất thứ ba đó là, nhà đầu tư với những người có đất thỏa thuận với nhau, tức nhà đầu tư thỏa thuận với tất cả những người có đất. "Hiện nay, với dự án nhỏ có thể làm được, nhưng rất khó với dự án lớn", ông cho biết.
Chính việc khó đạt được thỏa thuận với hình thức thu hồi đất như nêu trên, cho nên, theo ông Võ, chỉ còn hai cách thu hồi đất, đó là thu hồi đất theo quy hoạch và là thu hồi đất theo dự án.
Theo ông Võ, nhà nước thu hồi đất theo dự án có lợi là tiền bồi thường tái định cư đã có nhà đầu tư lo, đồng thời, đất khi thu hồi xong không bị "ế", tức thu hồi đã có nhà đầu tư sử dụng.
"Nhưng, có nhược điểm là không mang lại lợi ích giá trị gia tăng của hạ tầng đầu tư vì tất cả sau đó giao nhà đầu tư họ chủ động, nhà nước đứng bên ngoài, chỉ kiểm tra, kiểm soát thôi", ông cho biết.
Một nhược điểm nữa theo ông Võ, đó là hình thức thu hồi đất này gắn với rủi ro tham nhũng.
"Khi đã chỉ định một nhà đầu tư, thì thế nào cũng có rủi ro dạng này dạng khác, tức rủi ro tham nhũng là khó tránh khỏi’, ông cho biết và nói rằng Ngân hàng Thế giới (WB) họ cũng đã chỉ ra dạng thu hồi đất này có rủi ro tham nhũng rất lớn.
Theo ông Võ, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trở thành nước công nghiệp từ năm 2020, thì một trong những trọng tâm là Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch.
Ông cho biết, lợi ích của hình thức thu hồi đất theo quy hoạch là rất nhiều, nhưng hệ thống pháp luật hiện nay để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch lại chưa có, tức chưa có bất kỳ văn bản nào và thậm chí hình thức này có thể dẫn đến : một, nếu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị không khả thi có thể dẫn đến tình trạng thu hồi xong không làm gì cả ; hai là tiền đâu để thực hiện bồi thường tái định cư ?
Theo ông, ở các nước, việc thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, đó là sau khi có quy hoạch và đảm bảo quy hoạch có tính khả thi cao, thì nhà nước sẽ bán quyền phát triển. Khi đó, tất cả những ai muốn vào, thì phải góp một phần vốn, thì mới được tham gia đấu thầu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại nơi được quy hoạch. "Đấy mới là tiền đặt cọc trước, tức tôi là người quan tâm đến quy hoạch đất", ông cho biết và nói rằng các nước gọi là bán quyền phát triển.
Theo ông, sau đó nhà nước lấy tiền đó thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch tại một vùng nào đấy.
"Rồi từ đó đấu giá đất các thứ, thu được lợi nhuận, thì cấp tiền còn dư dùng vào việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho khu tiếp theo", ông cho biết và nói rằng các nước làm như vậy rất hiệu quả.
Trung Chánh
Mỹ sẽ khoan định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ - Bloomberg (VOA, 26/05/2019)
Thái Lan có điều tra thêm vụ ông Trương Duy Nhất 'mất tích' ? (BBC, 05/03/2019)
Gần một tháng sau khi lãnh đạo cơ quan di trú Thái Lan tuyên bố sẽ điều tra việc blogger Trương Duy Nhất bị mất tích, vụ một người Việt ở Bangkok bị cảnh sát giữ vì giấy tờ cư trú đang gợi lại các câu hỏi về vụ blogger Trương Duy Nhất 'mất tích'.
Trương Duy Nhất - Ảnh minh họa
Cùng lúc, Tổ chức Human Rights Watch công bố yêu cầu đối với Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhắc tới vụ việc này và cho rằng EU cần nêu với phía Việt Nam trong kỳ đối thoại nhân quyền lần thứ tám ở Brussels sắp bắt đầu hôm 4/03/2019.
Hôm 2/3, một nguồn tin ẩn danh cho BBC biết, chiều hôm trước, thứ Sáu 1/3, ông Phạm Cao Lâm và vợ bị cảnh sát Thái Lan đến nhà mời về đồn.
Cảnh sát hỏi ông Lâm về một nhân vật đã giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ông đến Bangkok để tìm cách tới cơ quan Cao ủy Tỵ nạn (UNHCR) nộp đơn xin tỵ nạn, theo nguồn tin ẩn danh nói trên.
Bị bắt vì thiếu giấy tờ
Trả lời BBC hôm 4/3, văn phòng của ông Surachate Hakparn, Cục Di trú Thái Lan xác định tin ông Phạm Cao Lâm bị cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt.
Nhưng cảnh sát Thái Lan lại cho biết lý do tạm giữ người này là vì thiếu giấy tờ cư trú :
"Ông Phạm Cao Lâm đã bị bắt vì ông đã làm việc mà không có giấy phép làm việc tại đây. Bây giờ vấn đề của ông ấy đang trong quá trình làm việc. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng gọi cho đồn cảnh sát".
Cơ quan Di trú Thái Lan không phủ nhận và cũng không xác nhận với BBC là việc bắt giữ ông Phạm Cao Lâm có liên quan gì đến việc điều tra của Thái Lan về vụ blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng bị cho là 'mất tích' từ hôm 26/1 không.
Và họ cũng không trả lời câu hỏi của BBC về tình hình của cuộc điều tra này.
Một nhân viên đồn cảnh sát Kookot thì cho hay ông Phạm Cao Lâm đã bị chuyển cho Trung tâm tạm giữ của Sở Di trú, còn gọi là 'Immigration Detention Center' ở Bangkok.
Ông Phạm Cao Lâm là khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tị nạn tại Vương quốc Thái Lan và tin ông bị bắt làm một số người Việt khác ở đây lo lắng.
Các nhóm chạy từ Việt Nam sang Thái Lan thường liên lạc với những người đã có mặt tại đây để tìm trợ giúp ăn ở, sinh hoạt và quan trọng hơn, cách nộp đơn xin tỵ nạn.
Trong khi đó, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất nói với BBC :
"Đã hơn một tháng rồi mà cả Thái Lan và Hà Nội đều chưa có thông tin gì, chưa có cơ quan nào xác nhận là đang giữ ba của con nên con hết sức lo lắng".
Hôm 7/2 ông Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
"Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này", ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future Park, ở Bangkok ngày 26/1.
Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với "các nguồn độc lập giấu tên".
Các mạng xã hội tiếng Việt đã rộ lên tin nói ông Nhất đến Thái Lan đầu tháng Giêng. Rồi ngày 25/1, ông nộp đơn xin tị nạn tại văn phòng Bangkok của cơ quan UNHCR.
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.
Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan "chỉ vì một nguyên nhân".
"Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái Lan nên mở ngay điều tra".
UNHCR-Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn-tại Thái Lan từ chối bình luận.
Trên các báo quốc tế, vụ việc ông Trương Duy Nhất 'bị mất tích' dừng lại trong các bài đăng hồi tháng 2.
Chẳng hạn trang The Guardian ở Anh có bài như vậy hôm 05/02/2019, còn trang Washington Post ở Hoa Kỳ thì có blog mới nhất đã là hôm 11/02/2019 nói ông Nhất là một cây bút bất đồng chính kiến, "bị mất tích, và mối nghi ngờ chính hướng tới Việt Nam".
*********************
Xử phúc thẩm vụ đánh bạc ngàn tỷ : Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương vắng mặt (RFA, 05/03/2019)
Thêm nhiều tài liệu, chứng cứ mới tại phiên tòa phúc thẩm đường dây đánh bạc ngàn tỷ vừa diễn ra sáng ngày 5 tháng 3 năm 2019, do Tòa án nhân dân Cấp cao Hà Nội mở tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị can liên trong đường dây đánh bạc trên mạng hàng ngàn tỷ đồng tại phiên tòa ngày 21/11/2019. RFA
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.
Chỉ 23 người có mặt tại phiên xét xử phúc thẩm, 22 bị cáo khác có đơn xin xử vắng mặt, trong đó có 2 "ông trùm" cờ bạc Phan Sào Nam cựu chủ tịch công ty VTC online và Nguyễn Văn Dương cựu chủ tịch công ty CNC.
Ông Nam và ông Dương không nằm trong 36 bị cáo có đơn chống án xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo hoặc phạt tiền thay ngồi tù, nhưng có tên trong danh sách triệu tập tới tòa vì liên quan tới kháng nghị của Viện kiểm sát.
Theo kháng nghị, Viện kiểm sát đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tổ chức" với các bị cáo phạm tội Tổ chức đánh bạc từ đại lý cấp một trở lên ; đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ một nửa trở lên số tiền thu lời bất chính, trong đó có ông Nam và ông Dương.
Cũng tại phiên xử, một số bị cáo bổ sung nhiều tài liệu như giấy tờ chứng minh gia đình có công, giấy nộp phạt khắc phục hậu quả, hồ sơ bệnh án, v.v…
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên ngày 30/11/2018 xác định, Dương biết lợi thế CNC là công ty bình phong của công an nên nhận hợp tác tổ chức mạng lưới đánh bạc trực tuyến. Theo đó, Dương có vai trò quan trọng nhất, là người móc mối việc bảo kê của cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.
Theo bản án sơ thẩm, cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù, cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phải nhận mức án lần lượt 10 và 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. Bốn bị cáo trên không kháng cáo.
88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội : Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
******************
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm trong năm 2019 (RFA, 05/03/2019)
Kết luận cuối cùng về việc thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được Trung ương hoàn tất và Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ cố gắng giải quyết cơ bản trong năm 2019.
Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA
Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan cho biết thông tin vừa nêu tại buổi họp báo vào ngày 5 tháng 3.
Ông Võ Văn Hoan cho biết thêm chính quyền thành phố sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp đồng thuận, còn những trường hợp chưa đồng thuận thì sẽ gặp gỡ để đạt được kết quả với người dân Thủ Thiêm.
Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người dân Thủ Thiêm đã tiếp tục ra Hà Nội khiếu nại với các cấp ở Trung ương trong nhiều ngày vì phản đối kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ được công bố liên quan đến việc khiếu nại của họ về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, cụ thể là hai phường Bình Khánh và An Khánh nằm ngoài ranh giới quy hoạch.
Tại buổi họp báo vào ngày 5 tháng 3, ông Võ Văn Hoan nói rằng người dân Thủ Thiêm và thành phố cùng đi trên một con đường nhưng một số trường hợp đi theo hướng khác với chính quyền, do đó không đạt được sự đồng thuận.
Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân Thủ Thiêm bình tĩnh để cùng chính quyền thành phố tìm cách giải quyết tốt nhất để thành phố được ổn định và phát triển trong tương lai.
Những người dân Thủ Thiêm khiếu kiện cho biết trường hợp của họ được nêu ra với các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cả 20 năm nay ; thế nhưng đơn thư của họ chưa được giải quyết khiến cuộc sống đang ổn định bị rơi vào tình cảnh khốn khó. Thậm chí có trường hợp phải tự vẫn vì khốn quẩn, không còn lối thoát.
Cũng trong lãnh vực liên quan đất đai, truyền thông trong nước vào ngày 5 tháng 3 loan tin hàng trăm doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất rừng, nông nghiệp ở xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai kể từ khi địa giới của xã được sát nhập vào thành phố Biên Hòa hồi tháng 2 năm 2010.
Tin cho biết hiện có gần 50 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, nhà máy trái phép trong khu quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt hồi năm 2015 nhưng vẫn chưa cấp phép thành lập. Trong đó, có những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số công nhân lên đến hơn 1000 người.
Tin còn cho biết có đến 95 doanh nghiệp xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất ở hai ấp Tân Cang và Tân Lập. Trong số này, có đến 74 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng khổng lồ, nhà máy với dây chuyền sản xuất trên quy mô nhiều héc-ta.
Chính quyền địa phương lên tiếng với báo giới rằng tuy có ra quyết định xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng vẫn khó xử lý vì việc xây dựng lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ nên khó phát hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ vụ việc xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng ở cụm công nghiệp Phước Tân và báo cáo với Chính phủ.
*****************
Dân đếm xe qua BOT : Hoạt động dân sự cần được khích lệ (VOA, 06/03/2019)
Sau khi nhóm người dân tự tổ chức đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa, cho biết những dữ liệu mà họ thu thập được trong nhiều ngày qua đã bị đánh cắp hôm 5/3, một nhà vận động xã hội dân sự Việt Nam nhận định với VOA rằng công việc mà người dân đang làm thay cho nhà nước lẽ ra phải là một hoạt động dân sự cần được khích lệ, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, nó sẽ không tránh khỏi những "rủi ro" mà tất cả các hoạt động dân sự khác đều gặp phải : bị đe dọa, đàn áp, quấy nhiễu.
Người dân tự tổ chức đếm xe đi qua trạm thu phí BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa.
Trong một video đăng trên YouTube, nhóm người dân tự đứng ra đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc cho biết những dữ liệu họ thu thập được trong gần một tuần qua đã bị mất vào ngày làm việc cuối cùng, 5/3, khiến họ nghi ngờ "có sự mập mờ", mặc dù không thể quy kết trách nhiệm cho một người nào.
Nhóm 10 người dân này đã tự dựng lán trại, chia thành 3 ca, thay phiên nhau trực bên cạnh trạm thu phí BOT Ninh Lộc để đếm xe qua lại trạm bằng phương pháp thủ công, nhằm thống kê lưu lượng xe qua lại và khoản tiền thu vào của trạm để gửi báo cáo lên Bộ Giao thông và vận tải đối chiếu với kết quả báo cáo của trạm BOT.
Một đại diện của nhóm cho biết hầu hết số liệu thu thập được của họ trong những ngày trước đã bị mất, chỉ còn lại ngày 28/2 và một ca cuối cùng của ngày 5/3. Trước tình thế này, họ buộc phải tổ chức đếm lại thêm một tuần nữa để có đủ số liệu gửi cho cơ quan chức năng, theo báo Lao Động.
Hoạt động tự phát này của người dân đang thu hút khá nhiều sự chú ý và ủng hộ của dư luận.
Cũng như những hoạt động "chống BOT bẩn" trước đây, sáng kiến mới của người dân đã khiến cho các cơ quan hữu quan "lúng túng" trong việc phản ứng, đối phó ban đầu.
Mặc dù chưa tiến hành xử lý, nhưng thông qua báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói sẽ mời công an "vào cuộc" nếu nhóm người đếm xe có hành vi gây rối.
"Người ta gán ghép vào một tội danh nào đó để khởi tố, nhằm chặn đứng hiện tượng tự phát của những người đấu tranh chống BOT bẩn", Luật sư Phạm Công Út nhận xét với VOA.
Theo ông, người dân có quyền giám sát các hoạt động công cộng của nhà nước và doanh nghiệp, theo quy định của luật pháp.
"Tôi cho rằng việc họ làm là mang tính giám sát. Những gì luật pháp không cấm thì họ có quyền được làm. Việc làm của họ mang tính tự phát, không nhằm mục đích vụ lợi, họ không cản trở bất kỳ hoạt động nào của trạm BOT và không có hành vi gây rối đối với trật tự an toàn công cộng", LS. Phạm Công Út nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, cho rằng đây là một sáng kiến cần được khích lệ. Ông nói :
"Đó là một sáng kiến rất đáng khích lệ và rất quan trọng, vì nó đụng đến quyền lợi của hàng triệu người sử dụng con đường. BOT ‘bẩn’ thực chất là một sự cướp bóc trắng trợn".
Theo TS. Nguyễn Quang A, hoạt động tự phát trên cho thấy người dân đã biết cách sử dụng quyền hợp pháp của mình để lên tiếng một cách xây dựng với các cơ quan chức năng.
"Lẽ ra đó là việc của cơ quan nhà nước phải đứng ra làm để giám sát. Sáng kiến của người dân là vì nhà nước không làm được nên chúng tôi mới phải làm. Tôi nghĩ đó là một việc rất quan trọng. Nó có thể giúp giáo dục người dân hiểu quyền của mình là gì và phải lên tiếng để chống lại bọn ăn cướp", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Phong trào "chống BOT bẩn" bắt đầu vài năm gần đây với sáng kiến dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm, gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng trong khu vực.
Trong khi các cơ quan chức năng lúng túng trong cách xử lý, với nhiều quyết định "đóng", "mở" thất thường đối với các trạm thu phí bị phản đối, người dân lại tiếp tục phát hiện ra nhiều kiểu gian lận khác nhau trong việc thu phí BOT như dùng lại vé để bán cho nhiều người, kê khống giá đầu tư hoặc báo cáo doanh thu thấp hơn thực tế nhằm kéo dài thời gian thu phí…
Tổ chức "đếm xe" là sáng kiến mới nhất của phong trào này, bắt đầu từ ngày 26/2-4/3/2019.
Trên thực tế, những người đi tiên phong trong phong trào chống BOT bẩn đã gặp không ít rủi ro, nguy hiểm, trong đó có việc xe của họ bị phá hỏng, bản thân họ bị công an giam giữ, hoặc bị đe dọa "lấy mạng".
TS. Nguyễn Quang A cho rằng đây là những "rủi ro" mà bất kỳ hoạt động dân sự nào ở Việt Nam đều phải đối mặt. Ông nói :
"Không có hoạt động dân sự nào mà không bị quấy nhiễu hoặc đàn áp. Những anh em trẻ, những tài xế dũng cảm chống BOT bẩn cũng phải chịu những rủi ro như thế. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta kêu gọi tiếng nói của rất nhiều người dân ủng hộ, thì quấy nhiễu của chính quyền hoặc doanh nghiệp ăn cánh với chính quyền để cướp bóc của dân sẽ bớt đi".
Trong một diễn tiến khác, hôm 5/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương phải "kiểm soát chặt chẽ" hoạt động thu phí tại các trạm BOT đường bộ trên cả nước và làm rõ những thông tin người dân phản ánh về tình trạng thiếu minh bạch, gian lận tại các trạm thu phí này.
********************
Chiến sĩ đánh BOT bẩn Hà Văn Nam bị khởi tố và đã bị bắt (RFA, 05/03/2019)
Ngày 5/3/2019, công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã bắt tạm giam và khám xét nhà anh Hà Văn Nam, lái xe trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Thông báo của công an Quế Võ
Thư của Hà Văn Nam gửi ra ngoài
Theo lá thư của Hà Văn Nam gửi ra ngoài thì ngày 4/3/2018, cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ ra quyết định khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam anh về tội gây rối trật tự công cộng hôm 31/12/2018 trại trạm thu phí BOT Phả Lại.
Hà Văn Nam, sinh 1981 là một lái xe dũng cảm. Anh thường xuyên tham gia các hoạt động phản đối các BOT bẩn như : BOT Tân Đệ, BOT Bắc Thanh Long-Nội Bài, BOT An Sương.
Hoạt động của Hà Văn Nam tuy hợp pháp nhưng đã gây khó chịu cho các doanh nghiệp kinh doanh đường cao tốc vì ảnh hưởng đến lợi ích gian trá của họ. Ngày 28/1/2019 anh bị một nhóm người bắt lên ô tô. Chúng trói anh rồi chụp túi bóng lên đầu, dùng gậy đánh dã man, gây nên những thương tích nặng nề (xem hình dưới đây). Anh phải đi bệnh viện cấp cứu, có giấy xác nhận thương tích của bệnh viện.
Hà Văn Nam bị bắt cóc và đánh đập tàn bạo ngày 28/01/2019
Sau đó, anh đã gửi hồ sơ tố cáo đến các cơ quan chức năng. Khi sức khỏe chưa kịp hồi phục, anh vẫn tiếp tục cuộc hành trình chống lại các BOT bẩn.
Có thực Hà Văn Nam gây rối trật tự công cộng và thực chất của việc bắt anh là gì ?
Đã có nhiều người có hành vi ở nơi công cộng, tuy không vi phạm pháp luật nhưng vẫn bị cáo buộc những tội danh tùy tiện vì gây khó chịu cho nhà cầm quyền. Do ở nơi công cộng nên nhà cầm quyền thường qui chụp cho họ tội danh gây rối trật tự công cộng hoặc chống người thi hành công vụ. Có thể kể ra các vụ án như Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thêu, dân bị cướp đất ở Dương Nội, Trịnh Nguyễn... cùng nhiều người hoạt động xã hội dân sự độc lập khác. Việc bắt bỏ tù họ là vừa để trả thù, vừa muốn vô hiệu hóa họ trong các cuộc đấu tranh. Bản thân tôi đã từng nhiều lần bị công an quận Hoàn Kiếm bắt và bí mật ra quyết định cảnh cáo về tội gây rối trật tự công cộng khi tôi không có hành vi ấy. Tôi nói bí mật là do họ chưa bao giờ dám giao quyết định cho tôi. Tôi chỉ biết khi chính quyền địa phương nói tới.
Tại sao công an Bắc Ninh lại bắt Hà Văn Nam ? facebooker Bạch Cúc viết :
Nếu Nhà nước này chỉ biết sử dụng nhà tù và cái còng để giam giữ những người dân lương thiện, sử dụng luật pháp một cách tùy tiện với những mục đích đê hèn nhằm trả đũa những người dám đấu tranh cho lợi ích dân sinh công cộng ; cố ý dung dưỡng cho các nhóm lợi ích tác oai tác quái, được quyền hành xử vô pháp vô thiên, dùng tiền bạc mua chuộc quyền lực và sai khiến được cả lực lượng chức năng, lực lượng công quyền... thì chẳng khác nào Nhà nước này muốn cho người dân thấy chính họ đang chống lưng, hợp tác chặt chẽ, ăn chia quyền lợi với các BOT bẩn để bóc lột và chống lại nhân dân.
Phân tích về kẻ nào là thủ phạm bắt và đánh đập tàn bạo Hà Văn Nam, fbker Bạch Cúc cho biết, trong đoạn ghi âm lúc Hà Văn Nam bị bắt cóc tra tấn ngày 28/1/2019, nghe rất rõ đoạn đối thoại của bọn chúng nói với nhau : "Cho lên đồn", "Cho về phường". "Cho lên thẳng phòng Hình sự hay lên Quận ?"
Từ đoạn ghi âm có thể suy đoán : Chính công an đã tổ chức bắt cóc, đánh hội đồng để dằn mặt Hà Văn Nam, để anh sợ mà dừng lại những hoạt động chống BOT bẩn của mình. Như vậy, Công an đã bị nhóm lợi ích BOT mua chuộc làm bảo kê chứ chẳng phải để thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân và xã hội.
Không nghi ngờ gì về vụ bắt Hà Văn Nam là để bảo vệ các BOT bẩn.
Sau Khi Hà Văn Nam bị bắt, Bà Lê Hiền Đức, Công dân liêm chính đã có mặt ở công an Quế Võ. Vào lúc 6 giờ chiều, chúng tôi liên lạc với bà, bà cho biết vẫn đang làm việc chưa thể về Hà Nội
Nguyễn Tường Thụy
**********************
Tài xế phản đối BOT, Hà Văn Nam bị bắt (RFA, 05/03/2019)
Ông Hà Văn Nam, tài xế ở tỉnh Thái Bình, người tham gia phản đối nhiều trạm thu phí BOT bất hợp lý, bị bắt tạm giam theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, do Thượng tá Nguyễn Kim Cương ký hôm 5/3/2019.
Tài xế Hà Văn Nam - Youtube captured
Theo thông báo này thì ông Hà Văn Nam bị bắt giam do có hành vi ‘Gây rối trật tự công cộng tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến QL 18 địa phận xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh phạm vào Khoản 2 Điều 318 BLHS’. Thông báo cho biết ông Nam đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh.
Từ trại tạm giam, ông Hà Văn Nam có đơn ủy quyền cho vợ ông là bà Trần Thị Nhài thay mặt ông mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông. Ông đề nghị luật sư Trần Thu Nam và cụ Lê Hiền Đức cùng các luật sư tự nguyện nếu cần.
Chị Nhài vợ anh Nam cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :
"Sáng ngày 5/3/2019, khi anh Nam mới ngủ dậy ngồi tầng 1 tại nhà ở quận bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tôi đang ở tầng 2 thì nghe ai đó nói có công an Bắc Ninh đến, tôi tưởng chỉ công an đến nói chuyện bình thường thôi nên chưa tôi chưa xuống ngay.
Khi anh Nam gọi tôi với giọng gấp gáp, tôi chạy xuống thì thấy tay anh Nam đã bị còng cùng một lực lượng công an rất đông khoảng 15 người đọc lệnh bắt anh Nam tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ hôm 31/12/2018. Sau khi đọc lệnh bắt thì họ đưa anh Nam đi, còn một nhóm công an ở lại đọc lệnh khám nhà và chỉ thu một điện thoại. Họ giam anh Nam ở công an tỉnh Bắc Ninh".
Ông Hà Văn Nam từng bị công an bắt và đánh trọng thương vào ngày 28/1/2019 vừa qua khi đang cùng các tài xế khác phản đối việc thu phí sai quy định tại BOT An Sương và phát trực tiếp trên tài khoản Facebook cá nhân. Ông được thả ra vài tiếng sau đó. Đoạn video được lưu lại thể hiện một nhóm người dường như đang khống chế ông Nam lên xe, buộc ông này im miệng bằng băng keo (băng dính) và nói với nhau là "chở về đồn".