RFA, 03/10/2022
Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới không quy định trường hợp thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý như trong dự thảo trước đó tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội vừa diễn ra tuần qua.
AFP Photo
Có ý kiến về điểm sửa đổi mới trong dự thảo Luật Đất đai, ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, hôm 3 tháng 10 năm 2022 nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Người ta làm như vậy để đối phó tình hình thôi, chứng tỏ họ quan tâm thôi, nhưng thực chất theo tôi nghĩ nó sẽ còn ác ôn hơn trước nữa. Thứ hai là đất đai của dân bây giờ cũng gần hết rồi, họ chiếm chia cho các công ty sân sau của họ gần hết rồi, nên cũng chẳng còn bao nhiêu. Điều đó là chắc chắn, bởi vì đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, người dân chỉ có quyền sử dụng. Nhà nước sở hữu thì Nhà nước muốn lấy thì lấy thôi, nếu Nhà nước lấy để phát triển quốc gia, lợi ích công cộng thì còn đỡ, nhưng họ lấy chia cho sân sau của họ thì đó mới là vấn đề".
Bà Đoàn Thị Nữ, một dân oan mất đất ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cũng trong ngày 3/10, cho ý kiến :
"Nếu giải quyết theo đúng quy định pháp luật thì không còn dân oan, nhưng đằng này họ giải quyết theo ý của mấy ổng thì dân oan phát sinh hoài… Như trường hợp của tôi, họ làm giả chữ ký để lấy đất của tôi mà tòa án giải quyết bên kia thắng. Dù tôi đã được Bộ Công an giám định chữ ký đã là giả, nhưng tòa án vẫn xử tôi thua. Nên làm sao mà tôi không bức xúc, không đi kiện hoài".
Theo Báo cáo của Chính phủ công bố hôm giữa tháng 9/2022, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6% trong năm năm qua. Trong đó các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu thuộc lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
Liên quan đến các qui định trong Dự thảo luật đất đai (sửa đổi), một số thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng tự thỏa thuận khi chuyển nhượng đất để xây nhà ở thương mại khó khả thi, vì không dễ để 100% người dân đồng thuận.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 3/10 cho rằng :
"Mọi người Việt Nam vẫn có suy nghĩ rằng đã là thị trường thì phải đồng thuận 100%. Tôi cho rằng điều đó hơi lệch lạc, bởi vì theo kinh nghiệm của thế giới thì đồng thuận với phương án chuyển dịch đất đai là cỡ từ 70% đến 80%, thậm chí 90% nhưng không bao giờ yêu cầu 100%. Nhưng mà điều đó chỉ là hình thức, nội dung cần làm rõ để thấy rằng chỉ cần đại đa số đồng thuận là phù hợp. Cần phải có sự vận động với người dân, công khai phương án tài chính, sau đó phải hiểu rõ người không đồng thuận ấy vì sao họ không đồng thuận… nếu hợp lý thì chúng ta phải thỏa mãn cao nhất. Điều đó lại chưa được nêu trong dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này".
Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai 2013, điều 74 quy định việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Đứng ở góc độ chuyên môn nhìn nhận về Dự thảo Luật đất đai có sửa đổi của Việt Nam, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 3/10 cho rằng :
"Trong tình hình hiện nay, khi mà còn quy định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, tức cái quyền sở hữu cá nhân của người dân với mảnh đất tài sản của mình không tồn tại, thì chính nó đã ngầm tước đi quyền sở hữu, làm yếu đi quyền bảo vệ tài sản đất đai của người dân. Điều luật quy định 80% hộ dân đồng ý thì chính quyền mới được thu hồi đất nó chưa phải là điều luật hoàn hảo nhưng chí ít nó cũng cho phép số đông người dân bảo vệ được mảnh đất của mình trong hoàn cảnh hiện nay. Còn ngược lại, nếu không có một cơ chế luật hóa rõ ràng để bảo vệ quyền sở hữu đất của người dân, nó dễ dàng khiến cho đất đai trở thành cơ hội trục lợi của các nhóm lợi ích khác nhau".
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, việc chính quyền can thiệp để giải tỏa đất đai hầu như ở các nước đều làm, nhưng việc giải tỏa hay thu hồi phải vì mục đích ích lợi cộng đồng, chứ không phải làm giàu túi tiền của một nhóm nào đó. Ông Vũ cho rằng, một chính sách đất đai đúng đắn phải quy định rõ như thế nào là vì mục đích ích lợi cộng đồng và đền bù ra sao. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp :
"Bên cạnh đó, trong bối cảnh mà đất đai của Việt Nam cần quy hoạch lại để tối ưu nguồn lực đất đai, chính quyền cần phải có những bộ luật trong đó bảo vệ quyền sở hữu đất của người dân và cho phép họ góp vốn bằng đất vào các dự án phát triển bất động sản. Có như vậy thì cả những doanh nghiệp bất động sản và người sở hữu đất đều được lợi, quốc gia cũng được lợi vì nguồn lợi đất đai được sử dụng tối ưu. Xã hội vì vậy cũng sẽ ổn định không còn xung đột".
Dự án Luật Đất đai sửa đổi, theo đúng lộ trình, sẽ chính thức được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022, sau đó tiếp tục được xem xét tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Sau cùng sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vào tháng 10/2023.
Nguồn : RFA, 03/10/2022
*************************
Nhóm cố vấn EU lo ngại không gian xã hội dân sự bị 'thu hẹp' ở Việt Nam
VOA, 03/10/2022
Ủy ban Cố vấn Trong nước của Liên Hiệp Châu Âu (EU DAG) cho Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa lên tiếng lo ngại về việc không gian xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp tại Việt Nam sau những vụ bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động môi trường gần đây tại quốc gia Đông Nam Á.
Các lãnh đạo xã hội dân sự - (từ trái qua) Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Ngụy Thị Khanh - bị Việt Nam kết án nhiều năm tù tội "trốn thuế". Ủy ban Cố vấn của EU cho hiệp định EVFTA lo ngại về sự thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam sau các bản án này.
Chính quyền Việt Nam gần đây đưa ra xét xử và kết án nhiều năm tù các nhà hoạt động môi trường đồng thời là những lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự, gồm Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách và Bạch Hùng Dương. Họ đều bị cáo buộc tội "trốn thuế", một tội danh mà các tổ chức nhân quyền cho rằng chính quyền Việt Nam dùng để bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong một xu thế đáng lo ngại tại quốc gia đo Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trong mộttuyên bố được đưa ra sau cuộc họp vào tháng trước, EU DAG nói rằng có những "lo ngại đáng kể đã được nêu lên trong cuộc họp về sự thu hẹp không gian cho xã hội dân sự ở Việt Nam" và rằng nhóm "vẫn quan ngại sâu sắc về các vụ bắt giữ, bỏ tù và kết án một số nhà bảo vệ quyền môi trường nổi tiếng ở Việt Nam".
Tuyên bố của ủy ban này, đưa ra hôm 29/9, nói rằng nhóm đã nghe các báo cáo từ Ủy ban Châu Âu và các tổ chức khác về tiến trình thực hiện EVFTA, một hiệp định thương mại bị nhiều tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động vì dân chủ cho Việt Nam phản đối nhưng đã có hiệu lực từ tháng 8 năm ngoái. Theo nhóm Cố vấn, ngày càng có nhiều báo cáo, ý kiến, tuyên bố và nghị quyết do Liên Hợp quốc và Liên Hiệp Châu Âu đưa ra ghi lại "những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra ở Việt Nam".
"Sự quấy rối những người bảo vệ nhân quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các nhà báo dựa trên việc sử dụng tùy tiện cách diễn đạt quá rộng của Bộ luật Hình sự và Luật Thuế (ở Việt Nam) đã bị EU và các cơ chế giám sát nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC) và Nhóm làm việc về giam giữ tùy tiện (WGAD), tố cáo", tuyên bố của EU DAG cho biết.
Đài Quan sát Bảo vệ người Bảo vệ Nhân quyền vào giữa tháng trước đưa ra lờikêu gọi khẩn cấp đến chính quyền Việt Nam trước những quan ngại về việc nhà cầm quyền sử dụng tội danh trốn thuế để bắt bớ và hình sự hóa bốn nhà hoạt động môi trường nêu trên. Tổ chức này cho rằng chính quyền Hà Nội đã sách nhiễu pháp luật đối với họ.
Ông Bách, một luật sư về quyền môi trường đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) bị tòa phúc thẩm tuyên y án 5 năm tù hôm 11/8. Cùng ngày hôm đó, ông Lợi và ông Dương – đều là lãnh đạo của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), bị tuyên lần lượt 4 năm và 2 năm rưỡi tù sau trong một phiên xử phúc thẩm riêng biệt. Trước đó hồi tháng 6, bà Khanh, nhà bảo vệ quyền môi trường nổi danh nhất của Việt Nam và là giám đốc của Green ID, bị tuyên án 2 năm tù.
Các tổ chức nơi ông Bách, ông Lợi và ông Dương làm việc – tức LSPD và MEC – cùng Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Vệt Nam (VCHR) cho rằng ba nhà lãnh đạo dân sự này bị bắt giữ là do họ đã thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự trong việc giám sát EVFTA. Nhóm Cố vấn, EU DAG, hồi tháng 7 năm ngoái cho biết rằng ông Bách và ông Lợi bị bắt sau khi nộp đơn xin làm thành viên của nhóm này.
Các vụ bắt giữ và kết án các nhà lãnh đạo dân sự về quyền môi trường được xem là mâu thuẫn với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu khi quốc gia Đông Nam Á cam kết có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sẽ từ bỏ nhiệt điện than đến năm 2040.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần khẳng định rằng các bản án này "không liên quan gì đến hoạt động môi trường". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 6 nói rằng "Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững".
Tuy nhiên, nhà báo David Hutt hồi tháng 7 nhận định trên tờ Diplomat rằng sở dĩ các nhà hoạt động môi trường nổi bật như bà Khanh bị bắt là vì Đảng Cộng sản ở Việt Nam lo sợ rằng các yêu sách ban đầu về môi trường sẽđi quá xa đến mức đòi hỏi những thay đổi về chế độ.
Các chính phủ phương Tây, gồm Mỹ và Anh, cùng các tổ chức nhân quyền đã lên án việc Việt Nam kết án các nhà hoạt động môi trường, đặc biệt là bà Khanh, người được quốc tế công nhận với việc thúc đẩy các vấn đề về biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững ở Việt Nam.
EU DAG nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng các quyền của các tổ chức xã hội dân sự trong việc xem xét và giám sát việc thực hiện EVFTA. Ủy ban này cho rằng hiệp định thương mại "chỉ có thể được thực hiện đúng như cam kết nếu xã hội dân sự có thể giám sát minh bạch và xem xét kỹ lưỡng việc thực hiện".
Nhân quyền được xem là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa liên minh Châu Âu và Việt Nam và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA. Hơn 60 nghị sĩ Châu Âu hồi tháng 9 năm 2020 đã đề xuất kích hoạt điều khoản nhân quyền để đình chỉ EVFTA sau khi đưa ra quan ngại về các bản án tử hình vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên, hiệp định thương mại này cuối cùng vẫn được EU và Việt Nam phê chuẩn và có hiệu lực gần một năm sau đó.
Báo cáo Đánh giá tác động dài hạn của EVFTA cho biết hiện tại, Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại chính của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 21,3 tỷ EUR. Khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang EU, và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á.
Nguồn : VOA, 03/10/2022
Nhà nước không phải là nhà buôn địa ốc
Huy Đức, 21/02/2021
Không phải chỉ mở đường thì những người bỗng nhiên thành mặt tiền mới được hưởng lợi. Và, không chỉ mở đường mới làm đất đai tăng giá lên. Không có nhà nước nào trên thế giới lại lại tính toán ăn chia với dân từ những chính sách mang lại lợi ích cho dân. Nhà nước không phải là con buôn địa ốc.
Các chuyên gia cho rằng cần có công thức minh bạch, rõ ràng để tính giá đền bù hợp lý cho người dân - Ảnh : Đ.S (Thanh Niên Online)
Đừng tưởng "Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng nhưng không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này". Khi mở đường, nhà nước đã vì các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, những mục tiêu mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều với các khoản "chênh lệch địa tô" mà tư duy "phân lô bán nền" mang lại.
Một bộ phận dân cư giàu lên tự thân nó cũng là một mục tiêu (lợi ích) mà chính sách công nhắm đến. Không nhà nước nào "trực thu" từ các chính sách của mình, nhờ những chính sách đó, các loại thuế giao dịch nhà đất tuy vẫn chừng ấy phần trăm, bấy giờ là một con số lớn hơn, tỷ lệ với sự gia tăng giá đất. Chưa kể tất cả các khoản gián thu khác đều tăng lên, do mở đường người dân làm ăn phát đạt.
Đặc biệt, "thu hồi đất của dân để bán đấu giá" không được Luật Đất Đai coi là "để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", điều kiện để Luật cho Nhà nước quyền thu hồi đất.
Chính phủ cần tuýt còi ngay và Ủy ban Thường vụ quốc hội nên nhắc lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nghiên cứu kỹ Luật Đất Đai mà còn cần tư duy lại vai trò nhà nước.
PS : Đọc cmts mới thấy, nhiều bạn nhầm lẫn giữa việc đấu giá đất công, đang nằm trong tay nhà nước (để làm hạ tầng), với việc thu hồi đất đang thuộc quyền sử dụng của dân để đấu giá. Quyền sử dụng đất là tài sản của dân, sử dụng quyền hành chánh điều chỉnh quyền tài sản của dân là chỉ có thể thực hiện trong những phạm vi rất hẹp mà Luật và Hiến pháp cho phép [chưa kể Luật và Hiến pháp Việt Nam đang trao cho Nhà nước quá rộng quyền thu hồi, dẫn đến sự lạm quyền khắp nơi trên cả nước].
Huy Đức
Nguồn : Osinhuyduc, 21/02/2021
************************
Thành phố Hồ Chí Minh duyệt đề xuất thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá
D.N.Hà, Tuổi Trẻ Online, 20/02/2021
UBND Thành phố Hồ Chí Minh duyệt đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá
Giá đất trên đường Cách Mạng Tháng Tám tăng lên nhiều lần sau khi giải phóng mặt bằng để làm dự án metro số 2 - Ảnh : Quang Định
Biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá .
Đó là một trong những nội dung của đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt.
Theo đề án này, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại.
Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.
Theo đề án, phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt.
Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn : hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
Thực tế hiện nay khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng (thường là mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ) thì giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước.
Những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường này. Ngược lại, những người không bị giải phóng mặt bằng bỗng dưng được hưởng một món lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào.
Trong khi đó Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng nhưng không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này.
Trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình này tại dự án mở đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 7 đi Nhà Bè. Sau đó, có nhiều dự án được đề xuất áp dụng mô hình này như dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc dự án tuyến metro số 2 đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng chưa được chấp thuận.
D.N.Hà
Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 20/02/2021