Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/02/2021

Nhà nước đền bù như thế nào khi thu hồi đất đai ?

Huy Đức - DNHà

Nhà nước không phải là nhà buôn địa ốc

Huy Đức, 21/02/2021

Không phải chỉ mở đường thì những người bỗng nhiên thành mặt tiền mới được hưởng lợi. Và, không chỉ mở đường mới làm đất đai tăng giá lên. Không có nhà nước nào trên thế giới lại lại tính toán ăn chia với dân từ những chính sách mang lại lợi ích cho dân. Nhà nước không phải là con buôn địa ốc.

thuhoi1

Các chuyên gia cho rằng cần có công thức minh bạch, rõ ràng để tính giá đền bù hợp lý cho người dân - Ảnh : Đ.S (Thanh Niên Online)

Đừng tưởng "Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng nhưng không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này". Khi mở đường, nhà nước đã vì các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, những mục tiêu mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều với các khoản "chênh lệch địa tô" mà tư duy "phân lô bán nền" mang lại.

Một bộ phận dân cư giàu lên tự thân nó cũng là một mục tiêu (lợi ích) mà chính sách công nhắm đến. Không nhà nước nào "trực thu" từ các chính sách của mình, nhờ những chính sách đó, các loại thuế giao dịch nhà đất tuy vẫn chừng ấy phần trăm, bấy giờ là một con số lớn hơn, tỷ lệ với sự gia tăng giá đất. Chưa kể tất cả các khoản gián thu khác đều tăng lên, do mở đường người dân làm ăn phát đạt.

Đặc biệt, "thu hồi đất của dân để bán đấu giá" không được Luật Đất Đai coi là "để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", điều kiện để Luật cho Nhà nước quyền thu hồi đất.

Chính phủ cần tuýt còi ngay và Ủy ban Thường vụ quốc hội nên nhắc lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nghiên cứu kỹ Luật Đất Đai mà còn cần tư duy lại vai trò nhà nước.

PS : Đọc cmts mới thấy, nhiều bạn nhầm lẫn giữa việc đấu giá đất công, đang nằm trong tay nhà nước (để làm hạ tầng), với việc thu hồi đất đang thuộc quyền sử dụng của dân để đấu giá. Quyền sử dụng đất là tài sản của dân, sử dụng quyền hành chánh điều chỉnh quyền tài sản của dân là chỉ có thể thực hiện trong những phạm vi rất hẹp mà Luật và Hiến pháp cho phép [chưa kể Luật và Hiến pháp Việt Nam đang trao cho Nhà nước quá rộng quyền thu hồi, dẫn đến sự lạm quyền khắp nơi trên cả nước].

Huy Đức

Nguồn : Osinhuyduc, 21/02/2021

************************

Thành phố Hồ Chí Minh duyệt đề xuất thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá

D.N.Hà, Tuổi Trẻ Online, 20/02/2021

UBND Thành phố Hồ Chí Minh duyệt đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá

thuhoi2

Giá đất trên đường Cách Mạng Tháng Tám tăng lên nhiều lần sau khi giải phóng mặt bằng để làm dự án metro số 2 - Ảnh : Quang Định

Biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng là thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá .

Đó là một trong những nội dung của đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt.

Theo đề án này, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại.

Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Theo đề án, phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt.

Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn : hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.

Thực tế hiện nay khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng (thường là mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ) thì giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước.

Những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường này. Ngược lại, những người không bị giải phóng mặt bằng bỗng dưng được hưởng một món lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào.

Trong khi đó Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng nhưng không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này.

Trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình này tại dự án mở đường Nguyễn Hữu Thọ từ quận 7 đi Nhà Bè. Sau đó, có nhiều dự án được đề xuất áp dụng mô hình này như dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc dự án tuyến metro số 2 đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng chưa được chấp thuận.

D.N.Hà

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 20/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, D.N.Hà
Read 423 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)