Bắc Kinh nói với Hà Nội : Biển đảo của Trung Quốc ‘từ ngàn xưa’ (VOA, 21/06/2017)
Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, nói với phía Việt Nam rằng "các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa".
Tướng Phạm Trường Long (phải) trong lần gặp cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Ash Carter, hồi 2015. (Hình : Master Sgt. Adrian Cadiz)
Tướng Phạm Trường Long cầm đầu một phái đoàn quân sự cấp cao của Trung Quốc thăm Việt Nam hai ngày 18 và 19/6/2017 trước khi tới vùng biên giới đồng chủ tọa với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch, "Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam -Trung Quốc lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)".
Tại Hà Nội, ông Phạm Trường Long gặp các nhân vật cầm đầu Việt Nam gồm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Thông tấn xã Việt Nam có các bản tin khác nhau về cuộc gặp từng lãnh tụ Việt Nam của ông Phạm Trường Long với rất nhiều tường thuật lời nói của cả hai bên. Báo quân đội Trung quốc chỉ có một bản tin duy nhất viết về các cuộc gặp mặt đó. Điều đáng để ý nhất là lời tuyên bố của ông Phạm Trường Long xác định chủ quyền của Trung Quốc về các đảo trên Biển Đông (ám chỉ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Trong đoạn tin thuật lại cuộc gặp mặt ông bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, lời ông Phạm Trường Long được báo Quân đội Trung Quốc kể lại là "Tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải và nhấn mạnh rằng các đảo tại Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa".
Ông Phạm Trường Long còn nói thêm là "Tình hình hiện nay ở Nam Hải ổn định, mà (đạt được như vậy) không dễ dàng và nên gìn giữ lấy". Ông ta còn "thúc giục cả hai bên tuân thủ những sự đồng thuận đã được lãnh đạo hai đảng Cộng Sản và hai nước đạt được, nâng tầm trao đổi liên lạc chiến lược, kiểm soát đúng cách các khác biệt và duy trì tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và hòa bình ổn định trên Nam Hải".
Đây là lần đầu tiên người ta thấy một chức sắc cấp cao của Trung Quốc nói với một chức sắc cấp cao của Việt Nam như thế và được báo chí Trung Quốc thuật lời. Tháng 9 năm 2015, khi đến Hoa Thịnh Đốn, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói những lời tương tự như vậy khi bị báo chí chất vấn.
Trong khi thuật lời ông Phạm Trường Long như trên, báo Quân đội Trung Quốc thuật lời ông Ngô Xuân Lịch là "nêu những tiến bộ quan trọng trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc những năm gần đây và sự hợp tác lành mạnh về phòng vệ biên giới, hoạt động bảo vệ hòa bình thế giới, tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Quân đội Việt Nam hy vọng làm sâu sắc hơn sự hợp tác và liên lạc thông tin với đối tác Trung Quốc, đồng thời tiếp tục truyền thống đoàn kết và hữu nghị".
Trong khi đó TTXVN kể lại cuộc họp giữa Bộ trường Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với phái đoàn ông Phạm Trường Long thì viết "Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm Việt Nam lần này của Thượng tướng Phạm Trường Long và đoàn ; coi đây là một sự kiện chính trị quan trọng, bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước".
TTXVN kể rằng, "Tại hội đàm, hai bên trao đổi tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm ; đánh giá kết quả hợp tác giữa quân đội hai nước thời gian qua, thống nhất nội dung, biện pháp hợp tác trong thời gian tới nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 mà hai bên đã ký kết vào tháng 1/2017. Kết thúc hội đàm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Thượng tướng Phạm Trường Long đã chứng kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc".
Ông Ngô Xuân Lịch có nói gì với ông Phạm Trường Long về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không, không thấy nói gì trong bản tin của TTXVN. Chỉ thấy trong bản tin của TTXVN viết về cuộc gặp mặt giữa ông Phạn Trường Long với ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà ông thủ tướng của Việt Nam "nhấn mạnh đến tình hữu nghị truyền thống, gắn bó có từ lâu đời giữa hai Đảng, nhân dân hai nước".
Ông Phúc "Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thượng tướng Phạm Trường Long và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Quân ủy Trung ương hai nước thiết lập cơ chế hợp tác, triển khai toàn diện Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng đến năm 2025".
Bản tin của TTXVN kể rằng "Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cho biết, mục đích chuyến thăm lần này của Đoàn nhằm tiếp tục thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo Cấp cao hai nước ; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung ngày càng phát triển toàn diện".
Một điểm đặc biệt được TTXVN kể trong bản tin là "Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước".
Còn về vấn đề Biển Đông thì "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với Thượng tướng Phạm Trường Long không để vấn đề biển Đông mà ảnh hưởng đến quan hệ hai nước ; mong muốn Quân đội hai nước đi đầu trong việc cùng nhau gìn giữ tình hữu nghị, tuân thủ quy định của pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, hợp tác và phát triển".
Cùng ngày các lãnh tụ Việt Nam tiếp phái đoàn Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc của ông Phạm Trường Long, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh có bài bình luận cảnh cáo Việt Nam đừng dựa vào các thế lực bên ngoài khu vực để chống lại Trung Quốc ở trên biển.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo liệt kê những diễn biến xảy ra thời gian gần đây như Mỹ chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần cao tốc cỡ nhỏ và một tàu tuần cỡ lớn, Nhật Bản cấp tín dụng cho Việt Nam đóng một số tàu Cảnh Sát Biển là những thí dụ không "tử tế".
Ngô Đồng
***********************
Việt-Trung cải thiện quan hệ quốc phòng (VOA, 21/06/2017)
Trung Quốc và Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, củng cố liên lạc chiến lược, giải quyết thỏa đáng tranh chấp, duy trì hòa bình và an ninh tại Biển Đông, một giới chức quân đội cao cấp của Trung Quốc ngày 19/6 tuyên bố.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Bộ trưởng Thương mại Trung quốc Zhong Shan tại hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC ở Hà Nội ngày 20/5/2017.
Hai nước láng giềng có một mục đích chung, cùng chia sẻ một định mệnh, và mối quan hệ đang phát triển theo chiều hướng tích cực, theo lời Đại tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, người dẫn đầu phái đoàn đến thăm Hà Nội trong hai ngày 18 và 19/6.
Trung Quốc coi trọng việc phát triển các mối quan hệ quân sự Việt-Trung và sẽ củng cố hợp tác với quân đội Việt Nam để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn, ông Phạm nói thêm.
Về vấn đề Biển Đông, ông Phạm nhấn mạnh các hòn đảo trong vùng này thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa và rằng tình hình hiện nay đang được cải thiện, một bước tiến không phải dễ dàng có được.
Ông Phạm kêu gọi hai nước tăng cường liên lạc chiến lược, giải quyết những khác biệt thỏa đáng, và giữ gìn quan hệ chung giữa hai nước cũng như hòa bình và an ninh khu vực.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn trao đổi và hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc trong các lãnh vực khác nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ cùng làm việc với Trung Quốc để thi hành một cách có hiệu quả Tuyên bố Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông, cũng như đạt được một thỏa thuận về bộ qui tắc ứng xử càng sớm càng tốt.
Chuyến viếng thăm của ông Phạm diễn ra hai tuần sau khi Nhật Bản và Việt Nam đồng ý đẩy mạnh các mối quan hệ an ninh qua những dự án do Nhật Bản tài trợ, trong đó có 342 triệu đô la viện trợ để tăng tiến khả năng của các tàu tuần duyên và tuần tra của Việt Nam.
Việt-Nhật cũng tổ chức thao dượt tuần tra chung chống đánh bắt bất hợp pháp hôm 16/6 ngoài khơi Đà Nẵng.
(Nguồn China Daily)
******************
Quốc hội Việt Nam cần ra tuyên bố về Biển Đông ? (VOA, 21/06/2017)
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngày 21/6 nói ông ủng hộ ý kiến trước đây của Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đề nghị Quốc hội Việt Nam ra tuyên bố về Biển Đông, vì nó "thể hiện tiếng nói của nhiều người" và vì "sự sống còn của dân tộc".
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông năm 2014. Bắc Kinh vừa thông báo sẽ đưa giàn khoan này đến gần cửa vịnh Bắc Bộ từ tháng 6 đến tháng 9/2017.
"Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu như vậy sau khi "xin lỗi" Quốc hội để chen vào những ý kiến về Biển Đông trong phiên thảo luận hôm 19/6/2014.
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông báo sẽ đưa giàn khoan từng gây sóng gió trong quan hệ Việt-Trung vào hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay, việc cơ quan được coi là có quyền lực cao nhất đưa ra một tuyên bố chính thức về Biển Đông là rất cần thiết.
"Tôi cho rằng tiếng nói đó là tiếng nói cần thiết và cũng thể hiện ý kiến của nhiều người, những người dân Việt Nam mà tôi biết khi nói về Biển Đông. Từ trước tới giờ về Biển Đông, Quốc hội chưa có tiếng nói nào chính thức, riêng rẽ, độc lập cả".
Điều đó, theo Luật sư Trần Quốc Thuận, cho thấy Quốc hội Việt Nam chưa đặt vấn đề Biển Đông lên đúng tầm quan trọng của nó.
"Bởi vì theo nghị quyết của Đảng, đến năm 2020 - 2030, GDP của Việt Nam sẽ lệ thuộc vào biển, hơn một nửa là từ tài nguyên biển. Mà nếu bây giờ không xác định là giữ biển, thì những nghị quyết đó không có ý nghĩa gì. Cho nên vấn đề là phải giữ Biển Đông. Đó là sự sống còn của dân tộc".
Trong bài phát biểu không nằm trong danh mục thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu Quốc hội không ra tuyên bố hay nghị quyết về Biển Đông, "dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng : Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa", vẫn theo báo Tuổi Trẻ.
Những phát biểu từ năm 2014 của ông Trương Trọng Nghĩa đã được chia sẻ lại trên mạng xã hội những ngày gần đây, sau khi xuất hiện những động thái cho thấy căng thẳng trở lại trong mối quan hệ Việt-Trung.
Dù bày tỏ sự ủng hộ, nhưng nhiều người tỏ ra không hy vọng về khả năng sẽ có bất cứ một tuyên bố nào từ phía Quốc hội về vấn đề Biển Đông.
Luật sư Trần Quốc Thuận phân tích sự hoài nghi, thậm chí thất vọng của công chúng :
"Theo luật và Hiến pháp quy định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam. Nhưng thực sự, ai cũng biết trong Quốc hội, tỷ lệ đảng viên hầu hết trên 90%. Cho nên những gì mà đảng chưa thể hiện ý kiến chính thức của mình, thì rõ ràng Quốc hội cũng rất khó biểu quyết được. Đó là câu chuyện mà tôi cũng không biết mấy người đó thảo luận và đánh giá thế nào. Nhưng theo những người dân, những người mà chúng tôi gặp thường ngày, mà trên dư luận báo chí mà tôi tiếp xúc, thì hầu hết đều rất bức xúc và muốn có một tiếng nói chính thức về Biển Đông".
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Quốc hội Việt Nam từng để vuột mất những cơ hội lên tiếng chính thức hay đưa ra những quyết định về Biển Đông.
Chẳng hạn, sau vụ Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam đã có thể khởi kiện Trung Quốc, ít nhất là về quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, người dân Việt Nam đã "chờ mãi mà vẫn không thấy kiện", theo Luật sư Trần Quốc Thuận.
**********************
Tướng Phạm Trường Long : 'Đảo ở Nam Hải là của Trung Quốc' (BBC, 20/016/2017)
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long trong chuyến thăm hai ngày 18-19/6 đã gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thượng tướng Phạm Trường Long tại Hà Nội
Theo Tân Hoa Xã, khi ở Việt Nam ông Phạm đã nói rõ về chủ quyền của Trung Quốc ở 'Nam Hải'.
Ông Phạm Trường Long hôm Chủ Nhật có các cuộc họp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Ông Phạm được Tân Hoa Xã dẫn lời theo đó nói nhờ sự nỗ lực thúc đẩy của lãnh đạo hai nước nên quan hệ Việt-Trung nay đang phát triển tốt, và đã gặt hái được kết quả trong một số lĩnh vực.
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc đưa sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc kết nối phù hợp với kế hoạch Hai Hành lang Một Vành đai Kinh tế của Việt nam, và thúc đẩy hợp tác thiết thực trong mọi lĩnh vực để cùng phát triển", ông nói.
Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Việt Nam, và sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ này, ông Phạm nói thêm.
Liên quan tới chủ đề Biển Đông, Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng "toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải [là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông] đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ".
Ông cũng ghi nhận tình thế hiện thời tại Biển Đông đã được ổn định và đang trở nên ngày càng tích cực hơn, đồng thời kêu gọi hai nước tuân theo sự nhận thức chung quan trọng các lãnh đạo đảng, nhà nước hai bên.
"Hai bên cần tăng cường đối thoại chiến lược và kiểm soát tốt các khác biệt, nhằm duy trì quan hệ chung cũng như nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định tại Biển Nam Hải", Tướng Phạm Trường Long nói.
Trong các cuộc gặp gỡ riêng rẽ với Tướng Phạm, giới lãnh đạo Việt Nam đều đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt-Trung, Tân Hoa Xã tường thuật.
Trung Quốc lại đưa giàn khoan Biển Đông ?
Trước đó, cũng trong tháng Sáu này, có tin nói một giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động tại Biển Đông.
Đặc biệt, không lâu trước chuyến thăm Việt Nam của Tướng Phạm Trường Long, một số trang mạng tiếng Trung như DWNews đăng tin nói" "các thuyền cá của Việt Nam liên tiếp quấy nhiễu quá trình hạ đặt giàn khoan" của họ.
Trong một bài đăng hôm 7/06/2017, trang DWNews đăng hình hai chiếc thuyền được cho là của Việt Nam bị công nhân giàn khoan Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước đuổi ra.
DWNews hôm 7/6/2017 đăng bài và ảnh nói các tàu cá Việt Nam 'quấy nhiễu giàn khoan' Trung Quốc, nhưng không nêu rõ thời gian và địa điểm xảy ra các hoạt động 'quấy nhiễu' này
Bài này mô tả đây là cách công ty khai thác dầu Trung Quốc dùng "phún xạ phản kích" và cho hay rằng phía Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam "lập tức đình chỉ quấy nhiễu".
Giàn khoan khổng lồ 'Lam Kình 1 (Blue Whale I) mới được Trung Quốc đưa vào hoạt động từ năm nay
Tuy nhiên, bài báo không nói rõ về số hiệu, tọa độ của giàn khoan dầu khí đang được đặt ở đâu trong Biển Đông, cũng như ngày xảy ra "các hoạt động quấy nhiễu" đó.
Bài báo này cũng nhắc lại các vụ việc về giàn khoan HD-981 năm 2014 "bị 40 tàu thuyền Việt Nam" liên tiếp "công kích".
Giàn khoan HD-981 tại Biển Đông hồi 2014 gây ra xung đột ngoại giao trong quan hệ Việt - Trung
Điều hiển nhiên là cả vùng biển này luôn được Trung Quốc khẳng định là thuộc chủ quyền của họ và Việt Nam cũng nói là của mình.
Hồi tháng 1/2017, Việt Nam ký một thỏa thuận với tập đoàn ExxonMobil mà cựu lãnh đạo là ông Rex Tillerson, hiện là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, để khai thác khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ngoài Biển Đông.
Nhật Bản đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở biển Đông, vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền nhất Châu Á, để kiềm chế sự bành chướng của Trung Quốc và mưu tìm sự ủng hộ cho kế hoạch tăng cường quân sự và củng cố các lợi ích kinh tế kinh tế của Tokyo. Trong khi đó, Trung Quốc khuyến cáo Nhật Bản phải tôn trọng luật quốc tế khi Tokyo phái một chiến hạm vào biển Đông.
Một phi cơ đang hạ cánh trên tàu sân bay Izumo của lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản ở căn cứ quân sự Yokosuka, phía nam Tokyo, hôm 6/12.
Tàu chiến Nhật Bản
Theo trang tin tức của Viện Hải quân Hoa Kỳ, vào tháng 5, Nhật sẽ phái hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo tới Biển Đông trong ba tháng, sẽ ghé thăm các cảng biển ở Đông Nam Á trước khi hướng đến Ấn Độ Dương tham gia các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết : "Bạn sẽ thấy sự đa năng của chiến hạm này. Nó có thể làm công tác cứu trợ nhân đạo và thiên tai, nó có khả năng chống tàu ngầm, vì vậy đó là những tín hiệu mà Nhật Bản muốn gửi đi thông qua việc phái chiến hạm này đi".
Phản ứng của Trung Quốc
Hôm thứ 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng với quốc tế về chiến hạm này bằng cách lời kêu gọi Tokyo "tránh gây phiền nhiễu trong khu vực" và "tôn trọng nỗ lực của các nước có liên quan trong việc duy trì hòa bình và ổn định", theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
"Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ".
Joanathan Spangler, Viện nghiên cứu biển Đông Think Tank
Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, một vùng biển rộng khoảng 3,5 triệu km2 có giá trị cao về thủy sản và tiềm năng trữ lượng nhiên liệu dưới đáy biển.
Sáu chính phủ khác có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần trên vùng biển này, gây ra nhiều tranh chấp từ những năm 1960. Trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã khiến các nước khác giận dữ bằng cách bồi đắp đất để mở rộng các đảo nhỏ và xây dựng các cơ sở quân sự trên một số đảo này để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên khoảng 95% vùng biển.
2 mục tiêu song song của Nhật Bản
Theo các nhà phân tích, Nhật Bản, nước có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông, sẽ đưa chiến hạm này tới Biển Đông trong một nỗ lực dài hạn để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tới các quốc gia ven biển Đông Nam Á trong khi cùng lúc hợp tác với Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh rộng lớn hơn ở Châu Á.
Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu biển Đông Think Tank có trụ sở ở Đài Loan nhận định : "Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ".
Lợi ích tương đồng của Nhật và Mỹ
Hoa Kỳ hy vọng sẽ chấm dứt hành động xây dựng đảo nhận tạo của Trung Quốc trên biển Đông và đảm bảo tự do hàng hải, một kế hoạch đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ nhưng được Tokyo hoan nghênh.
Hình ảnh vệ tinh do chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ở Washington đưa ra ngày 22/2/2017 cho thấy các khối xây dựng bê tông có mái che trên các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập trên biển Đông so với năm 2012.
Nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải của đại học Công nghệ Nanyang Collin Koh nói Nhật Bản cũng quan tâm đến sự an toàn của cơ sở hạ tầng thông tin dưới đáy biển và việc tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp 8 đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở trên biển Hoa Đông. Các nhà phân tích nói rằng ảnh hưởng của Tokyo ở Đông Nam Á, cùng với mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Mỹ, có thể nhận được sự đồng cảm rộng rãi hơn đối với tuyên bố chủ quyền trên các đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tokyo kiểm soát các hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư này, nằm cách Okinawa 200 hải lý (370km). Nhật Bản thường xuyên loan báo thấy máy bay quân sự Trung Quốc bay qua vùng biển gần đó.
Nhật Bản tìm kiếm đối tác
Carl Thayer, giáo sư về chính trị học tại Đại học New South Wales, Australia, nói rằng Nhật Bản muốn hình thành một "mặt trận thống nhất" với các nước Đông Nam Á. Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã có tranh chấp đối với với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông.
Ông nói : "Nhật Bản không muốn Senkaku chỉ là một tranh chấp riêng lẻ. Bối cảnh rộng hơn là thái độ quyết liệt và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Họ muốn cuối cùng phải có sự ổn định và buộc Trung Quốc phải giảm bớt những hành động tranh chấp quyết liệt đối với quần đảo Senkaku".
Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng về kinh tế ở Đông Nam Á, một điểm nóng cho đầu tư và là một thị trường tiêu dùng sôi động của khoảng 600 triệu người.
Nhật Bản đã viện trợ phát triển cho khu vực này từ những năm 1950. Năm ngoái, Nhật đã cam kết tăng số tiền viện trợ. Sự viện trợ này đang giúp Nhật xây dựng các mối quan hệ chính trị trong khi cùng lúc giữ được các cánh cửa rộng mở cho đầu tư của các nhà máy Nhật Bản tận dụng môi trường sản xuất có chi phí thấp.
Việt Nam và Philippines đang tìm cách hợp tác với Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này, càng làm cho Nhật cảm thấy phải nhanh chóng vào cuộc. Trung Quốc cũng cung cấp viện trợ và đầu tư vào phần lớn các nước Đông Nam Á.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết năm ngoái họ hy vọng Trung Quốc sẽ "tuân thủ" phán quyết của toà án trọng tài quốc tế vào tháng 7 năm 2016 bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 95% diện tích vùng biển Đông. Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa trọng tài quốc tế. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) trao đổi thông tin với các tàu của lực lượng tự vệ hải quân Nhật trong khuôn khổ luấn huyện chung trên biển Đông ngày 21/4/2015.
Ông Andrew Yang, tổng thư ký của trung tâm Nghiên cứu Chính sách Cao cấp của Trung Quốc ở Đài Loan cho biết "Nhật Bản liên tục tích cực chủ động hỗ trợ các nước ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) trong việc tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực, đồng thời phái tàu chiến đến các nước ASEAN, rất phù hợp với sự tập trung của họ đối với các quy tắc dựa trên luật pháp".
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc đối thoại của Trung Quốc với các nước khác đã "cải thiện" các mối quan hệ trong khu vực.
Bắc Kinh không tin tưởng vào Nhật Bản đối với những gì mà họ cho là thái độ không hối cải về hành động xâm lăng Hoa Lục trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trung Quốc cũng khó chịu về liên minh quân sự Nhật Bản-Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tái khẳng định điều này vào tháng 2.
Còn theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã quen với sự ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á.
Nhật Bản đã điều 3 tàu chiến đổ bộ tới Philippines vào năm 2013 để giúp cứu trợ sau trận bão Haiyan làm chết hơn 6.300 người ở quốc gia ĐNÁ này.
Năm ngoái, Nhật đã cung cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra và nói rằng họ sẽ cho nước này mượn chiến đấu cơ. Trước đó Nhật đã cung cấp 10 tàu tuần duyên cho quốc gia còn đang yếu kém về mặt quân sự này. Nhật Bản đã đồng ý vào năm 2014 sẽ bán cho Việt Nam 6 tàu tuần dương đã qua sử dụng và cách đây 2 tháng cam kết sẽ bán 6 tàu tuần dương mới.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói Nhật Bản "gần đây đã làm nóng lên vấn đề (biển Đông), làm nhiều người Trung Quốc thất vọng", theo Tân Hoa Xã. Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc cho biết, nếu Nhật không chuyển hướng thì "Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào làm tổn hại tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales nói rằng hãy chờ đón sự "tiếp tục" hợp tác giữa quân đội Nhật và các nước Đông Nam Á.
Ralph Jennings
Nguồn : VOA, 21/03/2017