Nhật Bản đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở biển Đông, vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền nhất Châu Á, để kiềm chế sự bành chướng của Trung Quốc và mưu tìm sự ủng hộ cho kế hoạch tăng cường quân sự và củng cố các lợi ích kinh tế kinh tế của Tokyo. Trong khi đó, Trung Quốc khuyến cáo Nhật Bản phải tôn trọng luật quốc tế khi Tokyo phái một chiến hạm vào biển Đông.
Một phi cơ đang hạ cánh trên tàu sân bay Izumo của lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản ở căn cứ quân sự Yokosuka, phía nam Tokyo, hôm 6/12.
Tàu chiến Nhật Bản
Theo trang tin tức của Viện Hải quân Hoa Kỳ, vào tháng 5, Nhật sẽ phái hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo tới Biển Đông trong ba tháng, sẽ ghé thăm các cảng biển ở Đông Nam Á trước khi hướng đến Ấn Độ Dương tham gia các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết : "Bạn sẽ thấy sự đa năng của chiến hạm này. Nó có thể làm công tác cứu trợ nhân đạo và thiên tai, nó có khả năng chống tàu ngầm, vì vậy đó là những tín hiệu mà Nhật Bản muốn gửi đi thông qua việc phái chiến hạm này đi".
Phản ứng của Trung Quốc
Hôm thứ 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng với quốc tế về chiến hạm này bằng cách lời kêu gọi Tokyo "tránh gây phiền nhiễu trong khu vực" và "tôn trọng nỗ lực của các nước có liên quan trong việc duy trì hòa bình và ổn định", theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
"Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ".
Joanathan Spangler, Viện nghiên cứu biển Đông Think Tank
Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, một vùng biển rộng khoảng 3,5 triệu km2 có giá trị cao về thủy sản và tiềm năng trữ lượng nhiên liệu dưới đáy biển.
Sáu chính phủ khác có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần trên vùng biển này, gây ra nhiều tranh chấp từ những năm 1960. Trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã khiến các nước khác giận dữ bằng cách bồi đắp đất để mở rộng các đảo nhỏ và xây dựng các cơ sở quân sự trên một số đảo này để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên khoảng 95% vùng biển.
2 mục tiêu song song của Nhật Bản
Theo các nhà phân tích, Nhật Bản, nước có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông, sẽ đưa chiến hạm này tới Biển Đông trong một nỗ lực dài hạn để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tới các quốc gia ven biển Đông Nam Á trong khi cùng lúc hợp tác với Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh rộng lớn hơn ở Châu Á.
Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu biển Đông Think Tank có trụ sở ở Đài Loan nhận định : "Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ".
Lợi ích tương đồng của Nhật và Mỹ
Hoa Kỳ hy vọng sẽ chấm dứt hành động xây dựng đảo nhận tạo của Trung Quốc trên biển Đông và đảm bảo tự do hàng hải, một kế hoạch đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ nhưng được Tokyo hoan nghênh.
Hình ảnh vệ tinh do chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ở Washington đưa ra ngày 22/2/2017 cho thấy các khối xây dựng bê tông có mái che trên các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập trên biển Đông so với năm 2012.
Nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải của đại học Công nghệ Nanyang Collin Koh nói Nhật Bản cũng quan tâm đến sự an toàn của cơ sở hạ tầng thông tin dưới đáy biển và việc tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp 8 đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở trên biển Hoa Đông. Các nhà phân tích nói rằng ảnh hưởng của Tokyo ở Đông Nam Á, cùng với mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Mỹ, có thể nhận được sự đồng cảm rộng rãi hơn đối với tuyên bố chủ quyền trên các đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tokyo kiểm soát các hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư này, nằm cách Okinawa 200 hải lý (370km). Nhật Bản thường xuyên loan báo thấy máy bay quân sự Trung Quốc bay qua vùng biển gần đó.
Nhật Bản tìm kiếm đối tác
Carl Thayer, giáo sư về chính trị học tại Đại học New South Wales, Australia, nói rằng Nhật Bản muốn hình thành một "mặt trận thống nhất" với các nước Đông Nam Á. Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines đã có tranh chấp đối với với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông.
Ông nói : "Nhật Bản không muốn Senkaku chỉ là một tranh chấp riêng lẻ. Bối cảnh rộng hơn là thái độ quyết liệt và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Họ muốn cuối cùng phải có sự ổn định và buộc Trung Quốc phải giảm bớt những hành động tranh chấp quyết liệt đối với quần đảo Senkaku".
Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng về kinh tế ở Đông Nam Á, một điểm nóng cho đầu tư và là một thị trường tiêu dùng sôi động của khoảng 600 triệu người.
Nhật Bản đã viện trợ phát triển cho khu vực này từ những năm 1950. Năm ngoái, Nhật đã cam kết tăng số tiền viện trợ. Sự viện trợ này đang giúp Nhật xây dựng các mối quan hệ chính trị trong khi cùng lúc giữ được các cánh cửa rộng mở cho đầu tư của các nhà máy Nhật Bản tận dụng môi trường sản xuất có chi phí thấp.
Việt Nam và Philippines đang tìm cách hợp tác với Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này, càng làm cho Nhật cảm thấy phải nhanh chóng vào cuộc. Trung Quốc cũng cung cấp viện trợ và đầu tư vào phần lớn các nước Đông Nam Á.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết năm ngoái họ hy vọng Trung Quốc sẽ "tuân thủ" phán quyết của toà án trọng tài quốc tế vào tháng 7 năm 2016 bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với khoảng 95% diện tích vùng biển Đông. Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa trọng tài quốc tế. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) trao đổi thông tin với các tàu của lực lượng tự vệ hải quân Nhật trong khuôn khổ luấn huyện chung trên biển Đông ngày 21/4/2015.
Ông Andrew Yang, tổng thư ký của trung tâm Nghiên cứu Chính sách Cao cấp của Trung Quốc ở Đài Loan cho biết "Nhật Bản liên tục tích cực chủ động hỗ trợ các nước ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) trong việc tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực, đồng thời phái tàu chiến đến các nước ASEAN, rất phù hợp với sự tập trung của họ đối với các quy tắc dựa trên luật pháp".
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc đối thoại của Trung Quốc với các nước khác đã "cải thiện" các mối quan hệ trong khu vực.
Bắc Kinh không tin tưởng vào Nhật Bản đối với những gì mà họ cho là thái độ không hối cải về hành động xâm lăng Hoa Lục trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trung Quốc cũng khó chịu về liên minh quân sự Nhật Bản-Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tái khẳng định điều này vào tháng 2.
Còn theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã quen với sự ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á.
Nhật Bản đã điều 3 tàu chiến đổ bộ tới Philippines vào năm 2013 để giúp cứu trợ sau trận bão Haiyan làm chết hơn 6.300 người ở quốc gia ĐNÁ này.
Năm ngoái, Nhật đã cung cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra và nói rằng họ sẽ cho nước này mượn chiến đấu cơ. Trước đó Nhật đã cung cấp 10 tàu tuần duyên cho quốc gia còn đang yếu kém về mặt quân sự này. Nhật Bản đã đồng ý vào năm 2014 sẽ bán cho Việt Nam 6 tàu tuần dương đã qua sử dụng và cách đây 2 tháng cam kết sẽ bán 6 tàu tuần dương mới.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói Nhật Bản "gần đây đã làm nóng lên vấn đề (biển Đông), làm nhiều người Trung Quốc thất vọng", theo Tân Hoa Xã. Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc cho biết, nếu Nhật không chuyển hướng thì "Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào làm tổn hại tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales nói rằng hãy chờ đón sự "tiếp tục" hợp tác giữa quân đội Nhật và các nước Đông Nam Á.
Ralph Jennings
Nguồn : VOA, 21/03/2017