Khi chọn trường cho con, bạn nghĩ thế nào là một ngôi trường tốt ? Đâu là tiêu chuẩn để giúp bạn đánh giá một ngôi trường hay một nền giáo dục là tốt ?
Trong một lớp học tại Việt Nam. Thầy giáo là nhà giáo dục nổi tiếng, Phạm Toàn. Hình minh họa.
Câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng rất nhiều khi người được hỏi đã không biết phải trả lời thế nào cho thỏa đáng. Nhiều người cho rằng một ngôi trường tốt là một ngôi trường mà các học sinh ở đó đạt điểm thật cao trong các kỳ thi. Điểm số của các môn Toán, Anh, Lý, Sinh v.v được coi như một tổng hợp cho tiêu chuẩn để đánh giá một ngôi trường hay một nền giáo dục là tốt hay không. Ở các ngôi trường đó, cảm xúc của học sinh cũng như sức khoẻ tâm sinh lý của các em chỉ có một chỗ đứng rất khiêm tốn trong bảng tiêu chí cần phải đạt được này. Những người khác có thể không coi trọng điểm số, nhưng có lẽ không có sự chọn lựa nào khác và cũng không thể chọn đi ngược dòng với đa số nên cứ gửi con đến trường là được.
Sau 1975, việc làm sao để ‘ăn no mặc ấm’ là quan trọng hàng đầu. Ngày nay, nhu cầu đó đã nâng lên thành ‘ăn ngon mặc đẹp’. Nhu cầu về giáo dục cũng thế, sau chiến tranh, việc làm thế nào để con cái được đến trường là ổn. Xu hướng này cũng đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây tại Việt Nam. Trong các gia đình trẻ với cả ba và mẹ đều đi làm, các gia đình này cũng chỉ dừng lại ở 2 -3 con, các phụ huynh đã không chỉ muốn con mình học biết các môn học chính mà thôi, nhưng còn muốn bù đắp nhiều hơn cho con cái của mình những gì mà bản thân họ đã không có được khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ bù đắp bằng cách tìm kiếm các khóa học, lớp học bồi dưỡng thêm khả năng tiếng Anh và các kỹ năng khác cho con tại các lớp học ngoại khoá.
Ở Việt Nam, các trường tư đang có xu hướng mở ra các lớp ngoại khóa vào cuối ngày hoặc cuối tuần. Các trường công thì cũng rập ràng lần lượt thêm các môn học được cho là không thuộc vào hàng quan trọng nhất nhưng lại là các môn đáp ứng đòi hỏi mang tính thời thượng của các phụ huynh học sinh. Các lớp ngoại khóa như lớp Anh ngữ, nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc, đi tham quan nhà vườn, và gần đây thì tham gia các lớp dạy đọc sách, mua thẻ thành viên cho con tại các thư viện tư nhân, cũng như tham gia các lớp dạy về kỹ năng sống. Các khóa học hay lớp học này trở thành một ngành kinh doanh đang nở rộ tại Việt Nam.
Cả hai xu hướng, một là tập trung tối đa vào các môn khoa học tự nhiên, hai là tập trung đầu tư cho một mảng kinh doanh mới mang tính bù đắp cho sự thiếu hụt của giáo dục, đều đang bỏ qua mục tiêu nền tảng của giáo dục. Điều này đã và tiếp tục là rào cản cho sự cải cách và phát triển giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù đã có rất nhiều hô hào cho các cuộc cải cách giáo dục, nhưng việc dùng phương pháp mới để thực hiện một triết lý giáo dục cũ thì cũng giống như là ‘bình mới rượu cũ’, đưa đến việc cả bình và rượu đều không thể sử dụng được. Tiếp tục giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy như đã từng, rồi thêm vào các môn học mới không thể là câu trả lời cho việc cải cách giáo dục ở Việt Nam.
John Dewey là một triết gia và cũng là một nhà cải cách giáo dục của Mỹ (1859 - 1952). Ông là người đã tạo ra sự ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự canh tân giáo dục có hệ thống ở Mỹ. Tư tưởng triết học và giáo dục của ông đã phổ biến và bao trùm trên cả bình diện giáo dục, xã hội và chính trị trong nước và quốc tế. Khi nói về mục tiêu nền tảng của giáo dục, ông cho rằng "Giáo dục không phải là để chuẩn bị cho cuộc sống ; giáo dục chính là cuộc sống". Với quan điểm này, John Dewey quan niệm rằng giáo dục cần phải được quan tâm một cách thiết thực dựa trên cơ sở cuộc sống của một con người như một sự toàn thể (whole child education) và với tất cả sự tương tác của nó với thế giới xung quanh.
Trong Điều 2 của Luật Giáo Dục năm 2019 của Việt Nam cũng tiếp tục nhắc lại mục tiêu giáo dục là "nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp ; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân ; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân ; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế". Tất cả khoản luật này đều cho thấy việc giáo dục con người trong tính toàn thể đó là điều tối quan trọng. Thế nhưng việc thực hành nó thì là cả một chặng đường dài cam go cho tất cả những người đang làm công tác giáo dục tại Việt Nam.
Khi đang còn ngồi ở giảng đường đại học, năm 1994, tôi đã được nghe nói đến phương pháp giảng dạy lấy học trò làm trung tâm cùng với cụm từdạy tích hợp (Integrated Learning). Phải nói là vào thời điểm đó và mãi khi ra trường làm việc nhiều năm, tôi vẫn cứ mơ hồ trong việc áp dụng phương pháp giáo dục ấy, đồng thời cũng luôn thấy cách dạy tích hợp là cách dạy chắp vá gây nên nhiều điều bất cập cho giáo viên. Dù các cấp lãnh đạo Bộ, Sở và Phòng Giáo Dục đã có nhiều buổi họp để ‘chỉnh đốn’ phương pháp giảng dạy trong thực tế, tất cả các nhà giáo từ cấp lãnh đạo đến cấp thi hành vẫn "ngậm bồ hòn" cho qua các cuộc thảo luận về phương pháp này. Riết rồi chẳng ai buồn hỏi hay tìm hiểu nữa vì biết chắc có hỏi cũng chẳng ai có câu trả lời cho điều đó. Ngay cụm từdạy tích hợp cũng chẳng ai hiểu một cách cụ thể ý nghĩa và tính thực tế của nó. Sau này, khi học và làm việc tại Úc, tôi nghiệm ra đó là một phương pháp dạy học tích cực khuyến khích sự liên kết hài hòa giữa học và hành, để làm sao người học có thể thấy các mối liên hệ giữa các môn học với nhau và với thực tế cuộc sống. Từ việc học kiến thức, ứng dụng nó vào bài tập cụ thể, giáo viên cũng giúp khơi gợi lên được những tiềm năng của từng cá nhân học trò.
Tại Việt Nam, cho đến hôm nay phương pháp dạy học lấy học trò làm trung tâm mãi vẫn là khẩu hiệu. Các môn học vẫn là những môn được dạy cách rời rạc, riêng rẽ, không kết hợp được với nhau và với cuộc sống. Việc giáo viên đến lớp giảng dạy là sử dụng một bài giảng, ra một dạng câu hỏi, một dạng bài tập với những yêu cầu giống nhau cho tất cả các học sinh trong lớp mình cũng như lớp khác. Các bài giảng, bài tập này không quan tâm tới việc các em ở trình độ nào, với những năng lực và kiến thức khác biệt ra sao. Đồng thời, việc các em có khó khăn trong vấn đề học hành như thế nào hay có gì khiếm khuyết, cần hỗ trợ hay không cũng không được xem xét trong bài giảng, bài tập. Phương pháp giảng dạy như trên đã không quan tâm đến khái niệm về sự đa dạng (diversity) và không đồng nhất giữa các em học sinh. Sự không đồng nhất này thể hiện trong những khác biệt về hoàn cảnh gia đình, về việc các em học sinh đến từ những nhóm, sắc tộc khác nhau, văn hóa vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh xã hội trong các giai tầng khác nhau, đồng thời cũng bao gồm cả sự khác biệt trong hàng loạt các khả năng, kiến thức, tài năng, thế mạnh và cả những khiếm khuyết tâm lý, thể lý cũng như kinh nghiệm sống của các em nữa. Cách giảng dạy này được xem như một chiếc áo thần kỳ vừa vặn (hay bắt buộc phải vừa vặn) cho tất cả những ai mặc nó. Dạy học theo cách này vẫn xem giáo dục như là truyền dạy kiến thức (Teaching as Transmission) chứ không phải là để tạo nên sự trao đổi kiến thức (Teaching as Transaction) và tiếp đến là đem lại sự biến đổi (Teaching as Transformation). Xét về phương diện giáo dục, theo triết lý giáo dục của John Dewey, cách giảng dạy đang được duy trì tại Việt Nam là cách giảng dạy phi thực tế, làm giảm giá trị của giáo dục và hơn nữa còn là phản giáo dục.
Trong tổng thể của điều kiện xã hội hiện nay tại Việt Nam, việc duy trì các trường chuyên, lớp chọn lại càng tạo nên những bất cập cho hệ thống giáo dục. Như Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, người đang bị coi là "kẻ đốt đền" khi bản thân Tiến sĩ là một cựu học sinh của trường Chuyên Hà Nội -Amsterdam, lại châm ngòi cho các cuộc tranh luận khi đặt câu hỏi liên quan đến nguồn ngân sách đầu tư cho trường chuyên một cách không minh bạch, không đúng mục đích và lại còn tạo nên những bất công xã hội. Bản thân tôi cũng là một học sinh được học tại "lớp chọn", được bồi dưỡng để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, tôi cũng nhận thấy tính không hợp lý của việc chương trình giáo dục đó không coi trọng tiến trình học tập, mà chỉ lưu tâm đến kết quả học tập của một số bộ môn. Giải thưởng, huy chương cho kết quả thi học sinh giỏi chỉ thể hiện việc các em học sinh cày cật lực để đưa giải thưởng về cho trường, bản thân các em được công nhận là học sinh giỏi toán, giỏi văn hay giỏi lý và hoá, nhưng không đem lại cho các em một sự cân bằng về các kiến thức, kỹ năng nền tảng nói chung. Các kiến thức được chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi đó không chuẩn bị để các em hội nhập vào xã hội, và hơn nữa cũng không quan tâm đến việc các mặt tâm- thể lý của các em cũng cần được bồi dưỡng không khác gì việc trau dồi kiến thức học thuật. Điều này được chứng minh khi khả năng học thuật của học sinh Việt Nam được xếp hạng khá cao trong bảng đánh giá của PISA (2018), - một chương trình đánh giá học sinh quốc tế (The Programme for International Student Assessment). Dù được xếp hạng cao trong học thuật, kết quả này cũng không được tổ chức OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) đưa vào danh sách của bảng xếp hạng toàn cầu. Lý do là vì có nhiều lỗ hổng trong kỹ năng sống của học sinh Việt Nam.
Với cách duy trì hệ thống và phương pháp giáo dục như hiện nay ở Việt Nam, càng cho thấy các cấp lãnh đạo và những ai liên quan đến việc soạn thảo chương trình giáo dục tại Việt Nam phản bội lại chính những chính sách mà họ đưa ra là giáo dục phải lấy học trò làm trung tâm. Triết lý và phương pháp giáo dục của John Dewey hay của bất kỳ nước tiên tiến nào xét cho cùng vẫn còn đang nằm trên giấy, đã được các lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm tham khảo, nhưng chưa và không biết đến khi nào mới được quan tâm học hỏi và áp dụng một cách đúng mực dù đã sau gần một thế kỷ biết đến triết lý giáo dục của John Dewey.
Năm 2018, một Hiệu trưởng của một trường chuyên lớn tại Việt Nam qua thăm giao lưu học hỏi tại trường tôi. Cô ấy nói trường của cô ấy có khoảng 1500 học sinh giỏi chuyên Toán, Lý, Hóa và Anh Văn. Tất cả 1500 em đều là các học sinh tài năng (Gifted and Talented Students). Nghe cô ấy giới thiệu về trường của mình, toàn thể nhân viên trường tôi xoe tròn mắt ngạc nhiên và tự hỏi sao họ lấy đâu ra nhiều học sinh giỏi thế ? Sau khi nghe kể về lịch học và kết quả rất xuất sắc của các em trong các môn học ấy, các thầy cô trường tôi đều im lặng. Cái im lặng và nụ cười nở trên môi họ cho đúng phép lịch sự, nhưng tôi đọc được ở đó có cả tiếng thở dài câm lặng vì mọi người đều nhận ra sự bất ổn ở trong chính cái được gọi là trường chuyên, lớp chọn này.
Ngẫm lại thì thấy còn lâu lắm mới có thể có được sự bình đẳng và công bằng giáo dục ở Việt Nam. Còn bao lâu nữa mới có cái được gọi là "giáo dục toàn diện" ở Việt Nam ?
Trần An-Bee
Nguồn : VOA ; 10/07/20250
Tham khảo
Dewey, J. (1915). Democracy and education - An introduction to the philosophy of education.
Nhật Dương (2019). Kết quả PISA của Việt Nam không được OECD xếp hạng : Bộ Giáo Dục nói gì ?
Thúy Nga, (2020). ‘Kẻ đốt đền’ trường Ams : Các trường chuyên đang tồn tại không có mục đích
Tranh cãi việc nên đóng cửa hay tư thục hóa trường chuyên
Thanh Trúc, RFA, 02/07/2020
Nên hay không nên bỏ trường chuyên là nội dung bài viết của tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản, Bộ Tư Pháp, sau khi tham khảo ý kiến trước đó của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đề nghị đóng của trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội.
Học sinh Trung học phổ thông ở Hà Nội hôm 24/5/2016 - AFP
Đây là trường chuyên nổi tiếng mà nhiều người quen gọi cho gọn là AM, nằm trong số 19 trường tăng học phí/năm cao hơn 400.000 đồng so với niên học 2019-2020.
Trao đổi với RFA hôm 29/6, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách Đại Học Quốc Gia Hà Nội, giải thích:
"Quả là tôi có nói đóng cửa, tôi viết trên facebook của tôi là nên dừng lại mô hình hiện nay để có thể chuyển sang hình thức hoạt động khác. Căn bản đấy là chuyển sang trường tư, tên vẫn như cũ, tất nhiên nằm trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Hiện nay thì trường Hà Nội Amsterdam, cũng như nhiều trường chuyên khác, vẫn là trường công do Nhà Nước tài trợ về ngân sách, chi phí, cơ sở vật chất… tức là mức ngân sách qui định".
"Vấn đề tôi muốn trao đổi ở đây là trường chuyên, đại diện như trường Amsterdam này, được cấp ngân sách nhiều hơn với kỳ vọng một nền giáo dục tốt đẹp hơn cho những học sinh giỏi. Xem xét lại thì tôi thấy nó không đạt được kỳ vọng đó trong khi ngân sách vẫn trội hơn so với những trường công khác. Việc trường AM có chất lượng tốt vì được đầu tư nhiều cho nên mọi người phải cạnh tranh rất khốc liệt để được vào. Vào đó là những người ở những gia đình khá giả, có điều kiện và đơn giản phải có tài năng, có năng lực đặc biệt. Tất cả những điều đó khiến tôi thấy việc sử dụng ngân sách của những người không được hưởng những cái lợi của Amsterdam thì vô hình chung là chúng ta sử dụng ngân sách hay tiền thuế từ những người khó khăn hơn để chỉ phục vụ cho một nhóm ưu việt hơn"
Điều quan trọng cần nhìn ra, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, là chưa có bằng chứng cho thấy nhóm ưu việt này có thể phục vụ lại hoặc là mang lại lợi ích nào lớn hơn cho những người đã tài trợ cho hoạt động của trường chuyên như trường Amsterdam này:
"Quan điểm của tôi là nếu trường AM này, là trường có giáo dục tốt mà ngân sách cũng như các trường bình thường khác, thì không có gì để bàn cãi. Có một phương án tốt nhất là tư nhân hóa, tôi gọi là chuyển đổi sở hữu, tức là bán trường AM cho một cá nhân hay một tập thể đa dạng hơn, miễn sao tăng được tính quản trị tốt hơn thôi. Ý kiến của tôi có thể tóm gọn như vậy".
Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới, có những trường chuyên ngữ, chuyên sư phạm, chuyên toán, chuyên hóa, chuyên văn. Ngoài Hà Nội, các tỉnh phụ cận đều có một hai trường như trường chuyên Vĩnh Phúc, trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa, trường chuyên Huế. Trong Nam thì có trường chuyên Lê Hồng Phong, trường Phổ Thông Năng Khiếu ở thành phố Hồ Chí Minh vân vân… Đây là những trường chuyên được ngân sách chính phủ tài trợ.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty sách Thái Hà, bày tỏ niềm tự hào của người từ Thái Bình lên trường chuyên ở Hà Nội :
"Tôi vô cùng biết ơn giáo sư Tạ Quang Bửu, người đã lập ra trường chuyên. Không có trường chuyên thì không có Nguyễn Mạnh Hùng ngày hôm nay, bởi vì nếu tôi học Cấp 3 ở Thái Bình mà không lên trường chuyên ở Hà Nội thì khả năng hết 99% là tôi không đủ điểm để có học bổng đi du học mà cùng lắm là đỗ đại học thôi. Trường chuyên nói thật là rất bài bản. Tôi học chuyên ngữ, tức là chuyên Ngoại Ngữ thuộc Đại Học Sư Phạm Hà Nội, được cái chế độ rất tốt, thầy cô giáo rất là giỏi, rất yêu học trò. Hết Cấp 3 thì lớp tôi hình như không có ai trượt đại học, 30 người thì 10 người được học bổng đi nước ngoài, nhiều người cũng rất là thành đạt. Bây giờ trường chuyên ấy vẫn còn".
Tuy nhiên dưới mắt tiến sĩ Lê Hồng Sơn, một cựu học sinh trường chuyên, biến tướng là hiện tượng đang xảy ra tại các trường chuyên ngày nay. Mô hình trường chuyên hiện giờ, ông nói, chỉ là một trong khá nhiều vấn đề cần phải xem xét lại trong ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam.
Ông cho rằng nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam hiện nay, thì dư luận đã đặt vấn đề, nêu lên khá nhiều những bất cập, thậm chí nhiều tiêu cực, hạn chế.
Ông Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu Ngôn Ngữ Học, nhìn nhận trường chuyên là nơi thiết kế, tập hợp những con em có năng lực để mà đào tạo riêng, thế nhưng :
"Nhưng khó lòng mà chấp nhận cái đặc quyền đặc lợi của trường chuyên. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, trường chuyên bị biến tướng đi rất nhiều .Có một anh học trường chuyên nói với tôi rằng một tỷ lệ xuất sắc lọt được vào trường chuyên là có, nhưng bên cạnh đó cũng có một tỷ tỷ lệ đáng kể những người do quan hệ, do quyền thế, do tiền bạc vào những trường đấy".
"Thành ra giống như mọi chuyện ở Việt Nam, trường chuyên cũng có những vấn đề về mặt nguyên tắc mà khi thực hiện thế nào cũng bị bóp méo đi. Những lời của những người từng học trường chuyên nói tôi tin là đúng chứ không phải không".
Một phụ huynh ở Hà Nội, có con theo trường chuyên Ngoại Ngữ, Đại Học Sư Phạm, cho biết tiêu cực rõ nhất ở trường chuyên là tính cách thi tuyển không sòng phẳng do việc mua điểm hay chạy điểm. Thứ hai là áp lực đối với cha mẹ và cả con cái về giờ giấc, học hành, thi đua rồi thì những khoản phụ phí trôi nổi cũng là điều đáng chú ý.
Cô Ngọc, xuất thân từ một trường chuyên khá nổi tiếng ở Sài Gòn, cũng đồng ý rằng mua điểm là vấn đề của trường chuyên ngày nay:
"Ngày trước tôi cứ nghĩ phải học thật giỏi mới vào được nhưng thật sự vẫn còn một cánh cửa khác là mua điểm để vào những trường chuyên đó chứ không nhất thiết phải giỏi".
Đây là trường hợp những trường chuyên của Nhà Nước, cô Ngọc cho biết tiếp, còn trường chuyên dân lập do tư nhân điều hành, thí dụ trường Nguyễn Khuyến, thì không phải vậy:
"Trường chuyên Nguyễn Khuyến theo tôi biết rất khó vào. Thứ nhất là phải có tiền vì học phí rất đắt, thứ hai là phải học giỏi. Học sinh ở Nguyễn Khuyến là hệ bán trú và nội trú luôn, nói chung lịch học rất căng. Đó là những điều mà tôi biết".
Ngay từ đầu nhiều người còn nghĩ trường chuyên các cấp chỉ là nơi làm đẹp học bạ, tập cho học sinh căn bệnh thành tích, tính khí kiêu ngạo, phách lối không nên có.
Đó là một trong những vấn đề được coi như những căn bệnh mãn tính, khó khắc phục, là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Sơn trong bài viết nên hay không nên bỏ trường chuyên của ông.
Dù có thế nào thì trường chuyên vẫn là môi trường giáo dục tốt, kỷ luật cao, còn hành vi tự mãn hay phách lối nơi học sinh là vấn đề mà nhà trường và cha mẹ phải khắc phục, là khẳng định của ông Hiếu, đang chuẩn bị cho con vào Cấp 1 trường chuyên ở Hà Nội:
"Trường chuyên đấy vẫn có những xuất học bổng dành cho các cháu gọi là nghèo mà học tốt và có năng khiếu, miễn là cháu có thi vào được hay không. Thế còn chuyện con cái học ở đấy kiêu căng kiêu ngạo thì một phần là do chính người bố người mẹ nghĩ sai lệnh rằng con mình đẻ ra là thiên tài khác người, hoặc là con ông cháu cha nữa, thì tôi thấy chuyện đó sai"
Cũng không thể vì tiêu cực, hạn chế mà bỏ đi những trường chuyên nói chung và trường Amsterdam nói riêng, là góp ý của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng:
"Tôi cũng từng đến trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội nhiều lần, các em ở đó học hành rất tốt . Trường Amsterdam có nhiều em nhận được học bổng từ các trường danh tiếng trên thế giới. Đối với tôi trường chuyên là môi trường sàng lọc những học sinh xuất sắc để đào tạo, cá nhân tôi luôn ủng hộ và muốn duy trì trường chuyên".
Đáng tiếc là hàng loạt vấn đề nêu trên dù được nói đến từ rất lâu rồi, nhưng biện pháp giải quyết chưa đạt kết quả mong muốn, tiến sĩ Lê Hồng Sơn trình bày tiếp trong bài viết.
Bộ mặt giáo dục của các trường chuyên tại các địa phương, ông nói, đang bị nhạt nhòa, mất giá trị thực tiễn ban đầu. Tiêu cực khiến học sinh có thực tài, có năng lực mà thiếu điều kiện thì không thể vào được, trong lúc học sinh bình thường, không có khả năng gì đặc biệt nhưng dư thừa điều kiện thì lọt vào trường chuyên là chuyện dễ dàng.
Chính vì thế, tiến sĩ Lê Hồng Son kết luận, hệ thống trường chuyên như vậy là một thực tế phù phiếm mà người quan tâm phải suy ngẫm để tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 02/07/2020
*******************
Tranh cãi trường chuyên : Đâu là lối ra ?
Nguyễn Hùng, VOA, 01/07/2020
Giữa lúc cuộc tranh luận về trường chuyên diễn ra ở Việt Nam, một loạt các thảo luận trực tuyến về tương lai giáo dục cũng diễn ra tại Anh. Dù đi trước Việt Nam về nhiều mặt, giáo dục Anh vẫn có nhiều vấn đề mà người Việt nhìn vào có thể thấy mình trong đó.
Thượng đỉnh Giáo dục Tortoise diễn ra qua mạng hồi cuối tháng Sáu với sự tham gia của ngôi sao YouTube Vee Kativhu (ảnh hàng đầu phía bên phải) và chuyên gia giáo dục từ Hoa Kỳ Cami Anderson (hàng hai phía bên phải)
Một trong các diễn giả của các thảo luận trực tuyến trong Thượng đỉnh Giáo dục, do hãng truyền thông Tortoise của Anh tổ chức, cho rằng cần nhìn lịch sử đúng như nó diễn ra chứ không theo cách lảng tránh quá khứ thực dân cũng như buôn bán nô lệ của Anh. Nữ Nam tước Valerie Amos, người da màu đầu tiên từng là bộ trưởng phụ trách phát triển quốc tế ở Anh, hiện là lãnh đạo Đại học SOAS và sắp tới là University College của Oxford, nói : "Phải có cách để nói với cả dân tộc rằng lịch sử mà chúng ta đang vin vào là thứ được kể không đầy đủ. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm, niềm tin và sự lãnh đạo". Sự lãnh đạo mà bà nói ở đây là của thủ tướng Anh cũng như bộ trưởng giáo dục.
Tại Việt Nam, những gì được dạy trong nhà trường về Đảng Cộng sản, chế độ Việt Nam Cộng hoà, cuộc chiến Việt – Trung… đều không được kể đầy đủ, thậm chí bị xuyên tạc. Nếu các bậc thầy cô được dạy để nói dối, người ta khó hy vọng các học sinh sẽ trung thực.
Cũng liên quan tới chuyện các học sinh và sinh viên cần học gì, nữ sinh Phoebe Hanson nói tại Thượng đỉnh Giáo dục : "Chúng tôi là tương lai nhưng chúng tôi không được chuẩn bị để là tương lai". Cô có ý nói tới việc giảng dạy không đúng mức hiện nay về biến đổi khí hậu nhưng nó cũng đúng trong nhiều lĩnh vực khác. Tương lai của Việt Nam trong 50 năm tới khó có thể là bức tranh lớn hơn của hiện tại với sự độc đoán và một nền giáo dục nặng về thành tích cũng như nhiều dối trá với điểm giả và bằng giả. Nền giáo dục hiện nay chỉ nhằm để duy trì hiện trạng nhưng giới trẻ luôn có thể vượt qua khuôn khổ đó để tự mình học những kiến thức họ cần để thay đổi thực trạng.
Cũng tại Thượng đỉnh Giáo dục, một giáo sư Hoa Kỳ gốc Trung Quốc, ông Yong Zhao nói : "Chúng ta không chuẩn bị trẻ em cho tương lai, chúng ta chuẩn bị trẻ em để tạo tương lai". Điều này thật đúng với những nước như Việt Nam và Trung Quốc, nơi tương lai không nên là sự nối dài những bất công và bất bình đẳng của hiện tại. Sinh viên Trung Quốc hơn 30 năm trước đã muốn tạo tương lai nhưng xe tăng cộng sản đã đè nát hoài bão của hàng triệu người trẻ tuổi. Việt Nam hơn Trung Quốc vì đã từng có những bài học từ các thí nghiệm về tự do dân chủ ở Việt Nam Cộng hoà. Các học sinh và sinh viên nên tự tìm hiểu các trải nghiệm đó để tạo một tương lai trong đó quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do biểu tình sẽ xuất hiện trở lại ở nước Việt Nam độc lập nhưng đang thiếu tự do và còn nhiều người bất hạnh chỉ vì không chấp nhận thực tại.
Nếu nói về một nền giáo dục lý tưởng, những người tham gia Thượng đỉnh Giáo dục cho rằng đó sẽ là nền giáo dục trong đó trường nào cũng là trường tốt để không còn tình trạng phải thi vào trường chuyên hay xếp hàng để vào một số trường nhất định. Các trường sẽ có quy mô nhỏ, các lớp học chỉ ở mức 20 em mỗi lớp và các em sẽ có tiếng nói trong chuyện chọn học gì. Giáo viên không phải là những người đến trường kiếm cơm mà thực sự say mê giảng dạy. Họ cũng phải là những người mang đến niềm tin vào bản thân cho học sinh. Một trong số các sinh viên tham gia Thượng đỉnh Giáo dục nói học sinh ở trường bạn chỉ được khuyến khích để đỗ thay vì đỗ cao. Có học sinh của trường muốn thi vào đại học danh tiếng nhưng lại không được ủng hộ chỉ vì trường không tin rằng sinh viên đó có thể vào được Oxford nhưngôi sao YouTube Vee Kativhu, người đã kể chuyện cô là người da màu vào Oxford ra sao. Ngoài ra mô hình thành công ở Phần Lan cũng cho thấy các chính sách giáo dục cần là sự đối thoại liên tục giữa học sinh, giáo viên và lãnh đạo ngành giáo dục.
Hồi tôi còn là sinh viên, các bạn tôi từng nhại câu của Lenin thành ‘học, học nữa, học mãi… mà vẫn dốt’. Điều này tiếc là vẫn đúng đối với một số trường hợp thuê người học hộ hoặc học cốt để lấy bằng nhằm tiếp tục thăng tiến chứ không phải lấy kiến thức của nhiều quan chức Việt Nam. Suy cho cùng việc học phải là đốt đuốc tìm hiểu thế giới và tìm ra sự thật trong một môi trường văn minh. Môi trường hiện nay ở nhiều trường học khó có thể coi là văn minh và chuyện tìm sự thật trong một số lĩnh vực hiếm khi được khuyến khích.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 01/07/2020
Tranh luận về trường chuyên ở Việt Nam đã lan từmạng xã hội sang truyền thông chính thống trong nửa cuối tháng Sáu sau khi có đề nghị bán Trường Trung học Phổ thông Hà Nội - Amsterdam của một cựu học sinh có hạng của trường này.
Một screenshot trang web của Trường Trung học Phổ thông Hà Nội - Amsterdam.
Một trong những lý do được đưa ra là tiền từ ngân sách nhà nước được chi để phục vụ con nhà giàu và nó không công bằng đối với những gia đình nghèo khó. Cũng có ý kiến nêu ra chuyện tồn tại trường chuyên ở những quốc gia như Anh để nói rằng cần giữ những trường như Hà Nội – Amsterdam. Vậy so trường chuyên ở Anh, thường được gọi là grammar school, với trường chuyên ở Việt Nam có hợp lý không ? Và liệu Anh có ham gì trường chuyên không ?
Thứ nhất, các trường chuyên ở Anh không đòi học sinh phải có học bạ sáng ngời với toàn điểm 10, cả thật lẫn giả, để thi vào các trường này. Bất kỳ học sinh nào cũng có thể thi nếu muốn. Nhiều người Anh dửng dưng khi nghe nói tới trường chuyên và chẳng buồn cho con họ thi vào, một số người khác cho rằng đó là biểu hiện của phân biệt đối xử và của thuyết ưu sinh. Có những khảo sát cho thấy nhiều trẻ em gốc Trung Quốc và Pakistan vào các trường chuyên ở Anh. Cá nhân tôi biết một số gia đình Trung Quốc đã cố gắng hết sức để cho con vào được trường chuyên, thậm chí trường chuyên tốt nhất. Nhưng đa số các vùng ở Anh giờ cũng chẳng còn trường chuyên nào nữa.
Tại Anh, học sinh thi vào trường chuyên khi 11 tuổi. Các trường cũng sẽ cộng điểm cho những học sinh ít tháng tuổi hơn so với những học sinh cùng thi để đảm bảo công bằng. Tại Dartford ở vùng Kent, nơi tôi sống, trường chuyên nam cũng dành một nửa trong số 180 suất vào lớp bảy, lớp đầu tiên ở trường chuyên, cho những người đóng thuế cho hội đồng địa phương của Dartford. Ngân sách giáo dục cho các trường chuyên chính là từ nguồn thuế này mà ra. Mức mỗi gia đình phải đóng dựa vào số phòng ngủ mà họ có trong nhà và số người ở. Hiện tôi đóng chừng 160 bảng mỗi tháng cho nhà ba phòng ngủ. Tôi sẽ được giảm 25% thuế địa phương nếu nhà chỉ có một người ở. Hội đồng địa phương lấy số tiền thu được chi cho các hoạt động khác nhau ở địa phương trong đó có giáo dục.
Để vào trường chuyên các học sinh ở Kent phải trải qua ba phần thi gồm tiếng Anh, toán, tư duy qua đọc hiểu và suy luận. Điểm tối đa cho ba môn là 423 và điểm đỗ cho năm 2019 là 330. Ngoài ra các em cũng phải viết một bài luận không để chấm điểm nhưng sẽ được dùng khi trường của thí sinh khiếu nại dựa vào kết quả học tập trong sáu năm trước đó. Hạt Kent cũng tổ chức một kỳ thi chung cho các thí sinh muốn vào các trường chuyên khác nhau ở Kent thay vì mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng của họ.
Tranh luận về chuyện trường chuyên có nên tồn tại không diễn ra từ lâu và hiện cũng vẫn chưa chấm dứt. Anh từng có trên 1000 trường chuyên cho tới đầu thập niên 1960 nhưng sau đó chính quyền của Đảng Lao động đã quyết định bãi bỏ các trường này để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em. Việc thực hiện và lộ trình giải tán các trường chuyên được giao cho các hội đồng địa phương thực hiện. Những hội đồng địa phương do Đảng Lao động chiếm đa số đã nhanh chóng xoá bỏ trường chuyên nhưng các vùng mà Đảng Bảo thủ kiểm soát lần chần và vẫn giữ lại một số trường. Hiện nay tại Vương Quốc Anh, xứ Wales và Scotland không còn trường chuyên nào, Bắc Ireland còn chưa tới 70 và Anh chỉ có trên 160 trường (trong tổng số khoảng 3000 trường công được gọi là comprehensive school). Người ta ước tính các trường chuyên ở Anh chỉ dạy chừng 5% tổng số học sinh phổ thông trung học so với 40% ở Bắc Ireland.
Những trường chuyên ít ỏi còn lại có một hội riêng để cố gắng duy trì sự tồn tại của họ và cũng vận động hành lang để có cơ hội mở thêm trường mới hay ít nhất là chi nhánh của các trường hiện tại. Họ nói nếu tất cả trường tiểu học phổ thông dạy cách thi vào các trường chuyên, cơ hội cho các em sẽ là ngang nhau.
Nhưng cũng có những nghiên cứu trong đó có đánh giá từĐại học Durham chỉ ra rằng trường chuyên thực ra chẳng mang lại lợi ích gì thiết thực so với trường thường và các em học trường chuyên có kết quả tốt chẳng qua là do khả năng học của các em là chính thay vì do trường tốt. Những người muốn xoá bỏ trường chuyên cho rằng kể cả khi các trường này có góp phần vào sự tiến bộ của một số nhỏ học sinh thì sự thụt lùi của phần lớn các học sinh khác do các trường chuyên hớt 25 phần trăm học sinh giỏi nhất và cả ngân sách được hưởng lớn hơn trường thường cũng cho thấy cần chấm dứt trường chuyên. Đó là còn chưa kể tới chuyện những trường grammar school ở Anh cũng bị tố cáo góp phần tạo ra sự co cụm xã hội khi trẻ thuộc tầng lớp khá giả tụ tập ở trường chuyên trong khi trường thường có một số lượng quá nhiều trẻ nhà nghèo.
Cũng phải nói thêm ở Anh hiện vẫn có trên 1000 trường tư, được gọi là independent school, và những người có tiền thoải mái cho con vào những trường này nếu sẵn sàng trả chừng 13.000 bảng mỗi năm. Tranh cãi ở đây chỉ là có nên bỏ tiền thuế của dân để duy trì số trường chuyên ít ỏi còn lại mà thôi. Anh cũng có luật quy định nếu có quá 20% phụ huynh của tất cả các trường trong một vùng yêu cầu hủy trường chuyên thì cần có bỏ phiếu để quyết định. Cho tới nay chỉ có duy nhất một lần có bỏ phiếu như vậy và đa số phụ huynh bỏ phiếu vẫn giữ trường chuyên.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 27/06/2020