Việt Nam yêu cầu Trung Quốc điều tra vụ đâm tàu cá ở Hoàng Sa (RFA, 13/06/2020)
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 13/6 cho biết bộ này và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc một tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/6 vừa qua.
Tàu tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đâm thủng hôm 10/6 vừa qua
Báo Tuổi Trẻ trích trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Ngay trong ngày 10-6, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết"
Hôm 12/6, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg96416 thuộc tỉnh Quảng Ngãi là ông Nguyễn Lộc, 42 tuổi, đã đến Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, trình báo vụ việc tàu cá của ông với 15 ngư dân đã bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm tàu, và bị tịch thu ngư cụ, tài sản.
Ông Lộc cho biết vào khoảng 10 giờ sáng ngày 10/6 tàu cá của ông bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi khi đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam.
Sau nhiều lần bị tàu 4006 tông, tàu cá QNg 96416 hư hỏng, lật nghiêng. Tàu Trung Quốc số hiệu 4006 còn đè ở phía sau, buộc 15 thuyền viên nhảy xuống biển thoát thân. Thuyền trưởng Lộc sau đó cũng nhảy xuống biển.
Phía Trung Quốc sau đó đã tịch thu các ngư cụ và 1 tấn hải sản của tàu cá Việt Nam. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 500 triệu đồng.
Cả 16 ngư dân trên tàu cá QNg 96416 sau đó đã về đến cảng ở Việt Nam an toàn.
Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam kể từ sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong năm 2020 ở Biển Đông từ ngày 1/5 vừa qua.
Đây cũng là vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam thứ hai kể từ tháng 4 vừa qua ở Biển Đông. Vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua đã khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.
********************
Biển Đông : Tàu Trung Quốc lại tấn công tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa (RFI, 13/06/2020)
Theo báo chí Việt Nam, ngày 12/06/2020, một ngư dân ở Quảng Ngãi đã trình báo với chính quyền việc tàu đánh cá của ông bị một tàu công vụ Trung Quốc truy đuổi, đâm hỏng và cướp bóc tại vùng biển Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận có biết tin và đã yêu cầu phía Trung Quốc điều tra.
Nhiều tàu cá Việt Nam tố cáo bị tàu Trung Quốc tấn công tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2013. Reuters
Theo lời kể của ngư dân Nguyễn Lộc, được báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh trích dẫn, chiếc tàu QNg 96416 của ông, với một thủy thủ đoàn gồm 15 người, đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa hôm 10/06 thì bị một chiếc "tàu sắt" Trung Quốc mang số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi, liên tiếp đâm vào làm cho hư hỏng và lật nghiêng, khiến các ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân.
Phía Trung Quốc sau đó đã vớt một số ngư dân Việt Nam đưa trở về tàu cá, tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu, đánh đập thuyền trưởng vì không chịu ký vào giấy tờ do phía Trung Quốc đưa ra, trước khi cho tàu cá rời đi.
Theo ông Nguyễn Lộc, vụ việc xẩy ra ở vùng biển cách đảo Linh Côn, thuộc Hoàng Sa, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam. Thông tin do ngư dân cung cấp không nói rõ là chiếc tàu Trung Quốc thuộc đơn vị nào, nhưng xác nhận là trên chiếc tàu có trang bị hai ổ súng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận
Theo báo Tuổi Trẻ trên mạng, sáng hôm nay 13/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã xác nhận sự cố, cho biết là "ngay trong ngày 10/06" tức là khi xẩy ra vụ việc, bộ Ngoại Giao và đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã "trao đổi với phía Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết".
Đây là lần thứ hai trong hai tháng tàu Trung Quốc bị tố cáo tấn công tàu đánh cá của Việt Nam tại vùng Hoàng Sa.
Trọng Nghĩa
*********************
Tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm hỏng tàu, đánh ngư dân Việt ở Hoàng Sa (RFA, 12/06/2020)
Ông Nguyễn Lộc, 42 tuổi, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg 96416 cùng 15 lao động hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa vào ngày 12/6 đã đến Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi trình báo việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tông va, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ...
Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa. Nguồn : Ngư dân chụp
Báo trong nước loan tin cùng ngày, cho biết thêm 16 người vừa nêu đã đến thẳng cơ quan chức năng khai báo khi vừa về đến đất liền.
Theo lời thuyền trưởng Lộc được báo trong trong nước dẫn lại, khoảng 10h sáng 10/6, tàu cá của ông bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi khi đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khoảng 8 hải lý về hướng tây nam.
Sau nhiều lần bị tàu 4006 tông, tàu cá QNg 96416 hư hỏng, lật nghiêng. Tàu Trung Quốc số hiệu 4006 còn đè ở phía sau buộc15 thuyền viên nhảy xuống biển thoát thân. Thuyền trưởng Lộc sau đó cũng nhảy xuống biển.
Vẫn theo lời ông Nguyễn Lộc, 13 ngư dân bám được vào thúng, còn 3 ngư dân được xuồng máy Trung Quốc đến vớt đưa về lại tàu cá. Sau đó, những người Trung Quốc cùng 3 ngư dân Việt Nam đã nổ máy bơm nước ra khỏi tàu cá. 13 ngư dân chèo thúng thấy vậy trở lại tàu.
Phía Trung Quốc tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu gồm 2 máy định vị và máy dò cá, 1 thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu QNg 96416. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Ngoài ra, những người Trung Quốc còn hành hung thuyền trưởng Nguyễn Lộc khi ông không đồng ý ký vào giấy tờ do bên tàu Trung Quốc đưa ra. Theo lời ông Lộc, ông bị đạp khoảng ba bốn chục cái và bị đánh khoảng 20 cái.
Sau khi đánh người và lấy đồ, phía Trung Quốc nới với ông Lộc họ không liên can gì đến việc đưa 16 ngư dân trên tàu cá QNg 96416 vào khu vực nước cạn, kêu ngư dân Việt tự nhờ những tàu cá Việt khác dắt về bờ.
16 ngư dân trên tàu QNg 96416 khi về đến đất liền đã được các cơ quan chức năng tổ chức cách ly toàn bộ để phòng ngừa dịch Covid-19-19 do có tiếp xúc với những người Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc 'trồi lên giữa'tàu cá Việt Nam ở Biển Đông ? (BBC, 21/10/2019)
Ngư dân Quảng Ngãi vừa công bố video clip và một số hình ảnh của tàu ngầm Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa vào tháng 9.
Hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện cạnh tàu cá Việt Nam vào hồi giữa tháng 9 do Ngư dân Quảng Ngãi cung cấp
Hôm 18/10, hai ngư dân xin giấu tên gửi cho anh Nguyễn Thế Bình hơn 40 tấm hình và một video clip tại khu vực có tọa độ tương đối là 18 vĩ độ bắc, 114 kinh độ đông, ở phía bắc, đông bắc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Anh Bình sau đó đăng lên Facebook công bố các video và hình ảnh cho thấy một tàu ngầm có treo cờ Trung Quốc xuất hiện bên cạnh các tàu cá Việt Nam.
Anh Bình nói với BBC rằng ngư dân cho biết ít nhất hai tàu cá giã cào của Việt Nam có mặt chứng kiện sự xuất hiện của tàu ngầm này.
Người dân cho biết họ mất gần một tháng để công bố clip, hình ảnh này vì trên biển sóng 4G yếu và tàu chưa kịp về đất liền.
Nhà phân tích chiến tranh tàu ngầm H.I. Sutton mới đây đã đăng một bài phân tích về vụ việc này trên tờ Forbes.
Theo ông Sutton, đây là loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, loại 094 lớp Jin 11.000 tấn của Trung Quốc.
Và "đó là một sự kiện bất thường".
"Lớp tàu Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc"
'Không phải để gửi thông điệp'
"Lớp tàu Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc", ông Mr Sutton.
"Sáu chiếc tàu đã được chế tạo và là xương sống của sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc trên biển".
"Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể hoạt động chìm trong nhiều tháng liền và ẩn dưới làn sóng trong suốt nhiệm vụ tuần tra.
"Trồi lên bên cạnh tàu của nước khác là không bình thường và cho thấy có gì đó không ổn. Một cái gì đó đủ nghiêm trọng để hy sinh thế mạnh lớn nhất của nó : tàng hình.
Và ông Sutton cho rằng đây không phải là loại tàu ngầm "để gửi thông điệp".
"Trồi lên bên cạnh những tàu của một nước khác là không bình thường và cho thấy có gì đó không ổn",ông Sutton trả lời tờ News của Úc.
"Một thứ gì đó đủ nghiêm trọng để hy sinh thế mạnh lớn nhất của nó : tàng hình".
Tàu ngầm và tàu cá thường không "hợp nhau", ông Sutton viết.
Ông Sutton cho rằng có thể tàu ngầm này đã bị vướng vào lưới đánh cá, hoặc sợ rằng nó sẽ như vậy.
Việc trồi lên "có thể đã cứu mạng các ngư dân, cũng như những lính thủy trong tàu ngầm".
Ông Sutton dẫn chứng về vụ việc năm 1984, khi một chiếc tàu ngầm của Liên Xô đã vướng vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ cố gắng tự giải phóng, chiếc tàu ngầm đã phải nổi lên, bại lộ phi vụ ở ngay ngoài khơi một nước thuộc NATO.
Còn vào 1990, một chiếc tàu ngầm của Anh đã lái qua lưới của một chiếc thuyền đánh cá nhỏ ngoài khơi Scotland. Cả bốn phi hành đoàn đều chết khi thuyền của họ bị kéo xuống.
Ông Sutton lập luận có khả năng, tàu ngầm này của Trung Quốc đã bị vướng vào lưới đánh cá hoặc lo sợ sẽ bị vướng vào.
Và những rủi ro liên quan tới lưới đánh cá sẽ là một vấn đề khi tàu ngầm đem theo tên lửa của Trung Quốc tuần tra ở Biển Đông, thay vì ở Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
'Không nhân nhượng'
Gần đây nhất, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 17/10, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Ông nói cần phải đặt vấn đề trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển.
"Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó".
"Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng", ông nhấn mạnh.
****************
Hoàng Sa : Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sợ vướng lưới ngư dân Việt Nam ? (RFI, 17/10/2019)
Báo Forbes của Mỹ hôm 17/10/2019 cho biết các ngư dân Việt đã vô cùng bất ngờ khi một tàu ngầm khổng lồ 11.000 tấn của Trung Quốc bỗng nổi lên giữa các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt ở gần Hoàng Sa. Sự cố này xảy ra từ tháng Chín, nhưng gần đây mới được mạng xã hội tiết lộ.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 10, thuộc loại 094A lớp Tấn (Jin-class), tham gia cuộc duyệt binh Hải Quân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập binh chủng Hải Quân Trung Quốc ngoài khơi Thanh Đảo ngày 23/04/2019. Mark Schiefelbein / POOL / AFP
Đó là một tàu ngầm thuộc lớp Tấn (Jin-class) hay type 094, là loại tàu ngầm nguyên tử hiện đại nhất của Trung Quốc, trang bị hỏa tiễn đạn đạo. Trung Quốc hiện có 6 chiếc tại căn cứ ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa không đầy 200 hải lý.
Các tàu ngầm nguyên tử loại này có thể lặn sâu dưới lòng biển trong nhiều tháng trời, giấu mình dưới những ngọn sóng trong suốt thời gian hoạt động. Việc chiếc tàu ngầm phải nổi lên giữa những con tàu của một quốc gia khác là điều bất thường, cho thấy có một tình huống trầm trọng đã xảy ra khiến con tàu này phải "hy sinh" ưu thế nổi trội của mình là chức năng hoạt động "ngầm".
Tờ báo Mỹ nhắc lại, hồi năm 1984, một tàu ngầm Liên Xô đã bị dính vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ vùng vẫy mà không thoát, chiếc tàu ngầm đành phải trồi lên mặt nước, bị lộ tẩy là đang hoạt động ở ngoài khơi các nước NATO. Tệ hơn nữa, năm 1990, một tàu ngầm Anh bị vướng lưới đánh cá của một chiếc tàu ngoài khơi Scotland, khiến bốn thủy thủ tử nạn.
Forbes cho rằng chiếc tàu ngầm Trung Quốc có thể bị dính lưới của các tàu cá Việt Nam, hoặc nghi ngờ là bị ngăn trở bởi lưới đánh cá nên đã trồi lên để tránh bị nạn. Điều mỉa mai là nguy cơ từ lưới đánh cá có thể là yếu tố quyết định đối với các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc qua lại những vùng biển đông đúc tàu thuyền như Biển Đông và Hoàng Hải.
Thụy My
******************
Tàu ngầm Trung Quốc nổi lên giữa các tàu cá Việt Nam ở Biển Đông : hăm dọa hay tai nạn ? (VOA, 17/10/2019)
Nhiều ngư dân Việt Nam gần đây đã vô cùng kinh ngạc khi thấy một tàu ngầm khổng lồ của Trung Quốc bất thình lình nổi lên giữa các tàu đánh cá của họ, theo một bản tin của Forbes hôm 16/10. Sự cố đã xảy ra từ hồi tháng 9 nhưng chỉ được đưa ra ánh sáng mới đây qua các trang mạng truyền thông xã hội. Chiếc tàu ngầm lớp Jin của Hải quân Trung Quốc, trang bị tên lửa đạn đạo, được cho là hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Nằm ở vị trí chiến lược trên Biển Đông, Hoàng Sa đã thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam sau một trận hải chiến khốc liệt với hải quân Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo này.
Tư liệu- Một tàu ngầm Type 094A lớp Jin trang bị tên lửa đạn đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ttpmh một cuộc phô trương lực lượng ở Biển Đông, ngày 12/4/2018.
Việc chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Jin của Trung Quốc, nặng 11.000 tấn, bất ngờ nổi lên giữa các tàu đánh cá Việt Nam, là một sự cố vô cùng bất thường, theo nhận định của một nhà phân tích quốc phòng được trang mạng News.com.au của Úc trích dẫn.
Nhà phân tích H.I. Sutton, cộng tác viên của tạp chí “Không gian và Quốc phòng” nói rằng chuyện một tàu ngầm nổi lên bên cạnh tàu của một quốc gia khác là chuyện rất bất thường, cho thấy có thể có điều gì đó không ổn.
Bản tin của trang mạng News.com của Úc cho rằng tính năng quan trọng nhất của chiếc tàu ngầm là tàng hình, tức là tàu có thể hoạt động và ẩn mình dưới nước trong nhiều tháng trời, do đó phải có một lý do nào đó, đủ nghiêm trọng thì con tàu vạn bất đắc dĩ mới phải nổi lên dưới ánh mắt soi mói của tàu bè một nước khác.
Nhà phân tích Sutton nhấn mạnh rằng đây không phải là loại tàu được dùng để đánh đi một thông điệp, như để răn đe các đối thủ, bởi vì thông thường các tàu ngầm thường lánh xa tàu đánh cá, vì những mối nguy tiềm tàng.
Bản tin nhắc lại một sự cố xảy ra vào năm 1984 khi một tàu ngầm hạt nhân Nga mắc vào lưới đánh cá của một tàu cá Na-Uy. Sau nhiều giờ phấn đấu để tìm cách thoát ra khỏi lưới, chiếc tàu ngầm Nga đã bị buộc phải trồi lên mặt nước, phơi bày sứ mạng bí mật của mình ở ngoài khơi một quốc gia thuộc Liên minh NATO.
Vẫn theo nguồn tin này thì hậu quả có thể còn tệ hơn nhiều. Năm 1990, một tàu ngầm của Anh đã sa vào lưới của một tàu đánh cá nhỏ ở ngoài khơi Scotland. Tất cả 4 thủy thủ đều thiệt mạng.
Theo suy luận của nhà phân tích Sutton, việc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc nổi lên giữa các tàu đánh cá Việt Nam, do đó có thể là do tàu bị mắc phải lưới, hoặc sợ bị mắc vào lưới. Nổi lên có thể cứu mạng các thủy thủ trên tàu ngầm, hoặc các ngư dân trên tàu cá Việt Nam.
Cho tới lúc này, chi tiết của sự cố này vẫn chưa được công khai. Bản tin của News.com.au nói rằng tuy vậy sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân tối tân nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, cũng là một nhắc nhở về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông.
Theo nguồn tin này thì việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và củng cố các đảo này một cách bất hợp pháp, đã biến toàn bộ vùng biển giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Việt Nam trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Trung Quốc giờ có thể dễ dàng giám sát tàu bè tiến vào Biển Đông, trong khi các tàu ngầm hạt nhân của họ có thể ẩn mình sâu dưới biển, và cảm thấy an toàn vì biết rằng bất cứ tàu ngầm, hoặc máy bay nào sẽ khó có thể lọt khỏi lưới kiểm soát của họ.
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trong cuộc được cho là đóng căn cứ tại Vịnh Tam Bình, Đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa khoảng 100 dặm về hướng tây-bắc.
Phân tích gia quốc phòng Sutton cho hay tàu ngầm lớp Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí đã được hiện đại hóa của Trung Quốc. Tính cho tới nay đã có 6 chiếc được chế tạo, và đội tàu này đã trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chủ lực của Trung Quốc trên biển.
Trang mạng tin tức của Forbes nhắc lại rằng sự cố xảy ra vào tháng 9 năm nay, nhưng truyền thông Việt Nam chỉ vén màn bí mật mới đây.
Một nhân chứng hải chiến Gạc Ma nói với VOA rằng Việt Nam cần phải nói rõ sự thật lịch sử trong trận chiến với Trung Quốc và không nên có kẻ thù vĩnh viễn cũng không nên có bằng hữu vĩnh viễn.
Hôm 14/3, nhiều nơi tổ chức kỷ niệm 31 năm ngày hải chiến Gạc Ma, khi ấy 64 binh sĩ của Quân đội Nhân dân đã thiệt mạng lúc các tàu vận tải Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, trên quần đảo Trường Sa, thì bị các tàu chiến của Trung Quốc lao đến nổ súng.
Ông Lê Hữu Thảo, cựu chiến binh Gạc Ma, người sống sót trong trận hải chiến 14/3/1988, nói với VOA :
"Lịch sử thì phải công bằng. Mình không kích động chiến tranh hay khơi dậy để làm gì, nhưng đó là sự thật của lịch sử và nền hòa bình đã phải trả giá bằng xương máu. Đối với Trung Quốc, thật sự mà nói, chúng ta không có cái gì vĩnh viễn, bạn cũng không vĩnh viễn và thù cũng không vĩnh viễn".
Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 1991, truyền thông chính thức của Việt Nam hầu như không nhắc đến các xung đột quân sự giữa hai nước trong 3 thập niên cuối thế kỷ 20 ở biên giới và trên Biển Đông.
Báo chí bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ chỉ thỉnh thoảng nói về các sự kiện đó trong vài năm gần đây, mỗi khi có căng thẳng giữa hai nước khi Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng để đòi chủ quyền ở Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Mãi cho tới tháng 7/2015, thân nhân của 64 người Việt bị giết ở bãi đá Gạc Ma hồi tháng 3/1988 mới được khóc công khai cho chồng, cho cha, cho anh em của mình. Cũng tới thời điểm đó, người Việt mới biết, mới tìm và bắt đầu hỗ trợ những người may mắn sống sót trong đợt thảm sát ấy.
Theo quan sát của VOA, trong hai năm vừa qua, thảm chiến Gạc Ma được nhắc đến với tầng suất dày đặc khi nhiều cơ quan đoàn thể và thân nhân kỷ niệm ngày các chiến sĩ tử trận trong khi một vài nhà hoạt động chống Trung Quốc vẫn bị ngăn chặn khi tham gia dâng hương.
Đài truyền hình trung ương VTC ca ngợi trận chiến Gạc Ma 1988 là khúc bi tráng củ a người lính Hải quân trong khi trường Trung học phổ thông Nhân Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm, dàn dựng hoạt cảnh mô phỏng trận chiến này hôm 14/3 với hơn 500 học sinh tham dự.
Theo ông Lê Hữu Thảo, mặc dù truyền thông Việt Nam đã nhắc nhiều đến trận chiến Gạc Ma, nhưng nhiều điểm vẫn chưa rõ ràng và cần được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, ông không tiết lộ những điều này. Ông mong muốn những những sự kiện lịch sử như Gạc Ma cần được đưa vào sách giáo khoa.
"Hiện tại vẫn còn một phần hạn chế nào đó, chưa thật rõ ràng lắm. Nhưng những phần lịch sử của cuộc chiến này nên được ghi vào sách giáo khoa để lưu truyền về sau, để học tập những tấm gương kiên cường, anh dũng. Đây cũng là những mong mỏi của chúng tôi".
Vào năm ngoái, xuất hiện những tranh cãi trên mạng xã hội giữa thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên tư lệnh Công Binh, và thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên giám đốc Bảo Tàng Quân Đội, cũng là chủ biên của cuốn sách ‘Vòng tròn Bất tử,’ liên quan tới vấn đề có một mệnh lệnh từ cấp cao nhất trong quân đội Việt Nam trong việc nổ súng khi Hải quân Việt Nam bị lực lượng Trung Quốc tấn công trận Gạc Ma.
Một nhân chứng trong cuộc thảm sát này là Trung tá Nguyễn Văn Lanh kể trong quyển sách rằng có lệnh "không được nổ súng" khi binh sĩ Trung Quốc tiến vào bãi đá. Nhưng Tướng Kiền cho rằng chi tiết đó cùng nhiều chi tiết khác khiến cho cuốn sách có "sai trái nghiêm trọng". Theo Tướng Kiền, không có lệnh "không được nổ súng" mà chỉ có lệnh "không được nổ súng trước".
Trong một đoạn video được phát tán trên mạng, tướng Lương đã đề cập đến việc binh lính Việt Nam tại Gạc Ma khi đó nhận được lệnh không được nổ súng, dẫn đến cái gọi là "thảm sát Gạc Ma". Theo tướng Lương, mệnh lệnh này đã biến hàng chục lính Việt Nam thành bia đỡ đạn cho phía Trung Quốc.
Một tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA về trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 cho biết Việt Nam là bên nổ súng trước.
*******************
Phía Trung Quốc được cho là đã nói rằng tàu cá Việt Nam "đâm vào đá ngầm rồi chìm" ở Hoàng Sa, trong khi các ngư dân cho rằng họ bị tàu của nước láng giềng tấn công.
Trả lời VOA tiếng Việt, một quan chức không muốn nêu danh tính của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói rằng "các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ, chưa xong vì có hai luồng trái chiều" về vụ việc xảy ra đầu tháng này.
Tàu của ta vào đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc họ nói tàu của ta nhìn thấy tàu hải cảnh của người ta sợ quá, chạy và đâm vào đá ngầm rồi chìm. Phía Trung Quốc họ nói như thế.
Một quan chức giấu tên nói.
"Tàu của ta vào đánh bắt ở đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc họ nói tàu của ta nhìn thấy tàu hải cảnh của người ta sợ quá, chạy và đâm vào đá ngầm rồi chìm. Phía Trung Quốc họ nói như thế. Phía ta còn nhiều vấn đề nữa", quan chức giấu tên cho biết, nói thêm rằng "tôi cũng không dám cung cấp gì thêm vì chưa ngã ngũ".
Trước đó, truyền thông trong nước dẫn thông báo từ Ủy ban trên cho biết rằng hôm 6/3 tàu Trung Quốc mang số hiệu BKS 44101 "đâm chìm" tàu cá Quảng Ngãi ở vùng biển tranh chấp.
Tờ Hoàn cầu Thời báo sau đó dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng khi tàu Trung Quốc tiếp cận tàu cá Việt Nam, nó đã chìm và các nhân viên cứu nạn Trung Quốc đã cứu sống những người trên tàu.
VOA tiếng Việt hôm 11/3 đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của Hà Nội đối với tuyên bố của ông Lục, nhưng tới ngày 13/3 chưa nhận được hồi đáp.
Trước đó, Bộ này cho hãng tin Reuters biết rằng Việt Nam "đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc".
Khi được hỏi về tuyên bố phản bác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, nơi các ngư dân gặp nạn sinh sống, nói rằng "bên nào cũng có cái ý của họ" và cho biết rằng ông tin người dân của xã mình.
Ông cho phóng viên VOA tiếng Việt biết thêm rằng các ngư dân chưa về đến bờ, và "khoảng 10 ngày nữa họ mới vô được".
Ông Vương cho hay rằng một tàu cá khác cùng xã đã cứu sống năm ngư dân bị tàu Trung Quốc "đâm chìm" và tàu này vẫn "còn đang đánh bắt trên biển" vì mới ra khơi.
Quan chức cấp xã này cho hay rằng chính quyền "hiện chưa rõ sự tình như thế nào vì chưa làm việc được với ngư dân".
"Họ bảo bị tàu nước ngoài đâm chìm vậy thôi. Và năm ngư dân được tàu khác cứu vớt an toàn thôi", ông cho hay.
Về các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân xã Bình Châu, Phó Chủ tịch Vương cho biết rằng "hai ba năm trở lại đây cũng thường xuyên" và năm ngoái "có bốn trường hợp" bị đâm chìm.
Viễn Đông
Indonesia đánh chìm 86 tàu cá Việt Nam (RFI, 22/08/2018)
Hãng tin Mỹ AP ngày 22/08/2018, trích dẫn một viên chức Indonesia, cho biết là đã có 123 tàu đánh cá nước ngoài vừa bị chính quyền Jakarta cho đánh chìm. Mục tiêu là răn đe các tàu ngoại quốc vào đánh bắt trái phép trong hải phận Indonesia, bảo vệ chặt chẽ hơn vùng biển rộng lớn của quốc gia này.
Indonesia nhiều lần phá hủy tầu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong hải phận Indonesia Reuters/M N Kanwa
Việc đánh chìm tàu được tiến hành vào hôm thứ Hai 20/08, diễn ra tại 11 địa điểm khác nhau. Trong số các tàu cá bị đánh chìm, có 86 tàu Việt Nam, 20 tàu Malaysia, 14 tàu Philippines.
Theo phát ngôn viên bộ Ngư Nghiệp và Hàng Hải Indonesia, Lily Pregiwati, việc đánh đắm tàu không được báo trước, hầu tránh làm cho quan hệ với các nước láng giềng bị tác động.
Theo AP, những tàu bị đánh chìm trước đây là bằng chất nổ. Các đoạn video trên truyền thông địa phương hôm thứ Hai cho thấy cảnh thủy thủ Indonesia từ một chiếc tàu bị đổ đầy cát và đánh chìm, trèo qua một chiếc tàu của họ ở bên cạnh.
Phía Indonesia luôn giải thích là tàu đánh cá trái phép là mối đe dọa đối với ngành đánh cá Indonesia. Các chủ tàu thuê người trái phép từ khắp Đông Nam Á và đối xử với nhân viên như nô lệ.
Từ năm 2014 đã có 488 tàu cá trái phép bị Indonesia đánh chìm.
Trọng Nghĩa
*******************
Yếu kém trong quản lý đê điều Hà Nội (RFA, 22/08/2018)
Hà Nội là thành phố có nhiều con sông bao quanh và chảy qua giống như tên gọi của nó : Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi… Do vị trí như thế mà từ xưa đến nay một hệ thống đê được xây dựng để phòng ngừa mối nguy ngập lụt, nhất là trong mùa mưa lũ.
Quân đội được huy động giúp dân đắp đê cát ngăn lũ. AFP
Tuy nhiên hệ thống đê điều tại đây không được quản lý rốt ráo, đó là điều mà chính truyền thông trong nước luôn đưa tin. Tình trạng vi phạm luật Đê điều được cho xảy ra "như cơm bữa". Các vi phạm chủ yếu là xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây ; dựng lều quán trên mặt đê, mái đê ; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê… Trong đó có nhiều địa phương xảy ra hàng chục vụ vi phạm như vậy và đã được báo chí phanh phui nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Báo chí quốc nội nói rằng một số địa phương thậm chí còn để cho các tổ chức lấn chiếm không gian thoát lũ xây dựng các công trình kiên cố, các trạm trộn bê tông, các bãi tập kết vật liệu, thậm chí một số tổ chức còn đổ đất lấn chiếm lòng sông.
Hầu hết các vi phạm đê điều xảy ra ở khu vực sông Hồng đoạn chảy qua huyện Thường Tín. Tại xã Thống Nhất có ít nhất 7 kho chứa vật liệu xây dựng do chính quyền địa phương cấp phép, trong đó có hàng chục đống cát dọc bờ đê.
Tại khu vực đê huyện Bắc Từ Liêm, chính quyền cho phép 7 công ty chiếm đất để lưu trữ vật liệu xây dựng tại điểm gần sông, chỉ cách bờ đê 100m, gây ra thiệt hại và tác động đến khu vực đê nơi đây vì các xe tải quá trọng lượng hoạt động liên tục ngày đêm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (ngành thủy lợi hiện nay do ngành nông nghiệp quản lý) cho biết đã xảy ra hàng ngàn vụ vi phạm luật đê điều tại thành phố này.
Trận lụt đầu tháng 8 vừa qua khiến khu vực ngoại thành Hà Nội mênh mông giữa biển nước. Hàng ngàn ngôi nhà ở các khu vực Chương Mỹ, Quốc Oai,…bị ngập, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu và đảo lộn cuộc sống của người dân.
Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ có nói với chúng tôi :
Nguyện vọng của nhân dân là đề nghị thành phố và các cấp chính quyền đầu tư để nâng cấp mặt đê lên để nhân dân đỡ phải đi đắp đê. Năm nào cũng thế, sông Đà xả lũ, nước dâng lên là người dân lại phải đi đắp đê rất là khổ ! Và lại còn bị ngập trong nước, năm ngoái đã ngập, năm nay lại ngập.
Năm ngoái, mưa lũ cũng cuốn trôi một đoạn đê tả Bùi ở huyện Chương Mỹ, cũng khiến hàng ngàn hộ dân bị cô lập trong biển nước và hàng trăm hecta hoa màu, thủy sản và gia súc gia cầm của người dân bị cuốn trôi.
RFA cũng liên lạc với ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Đê điều và Phòng Chống lụt bão Hà Nội, nhưng ông này từ chối trả lời. Ông Thịnh trước đây từng "nổi tiếng" với câu nói "đê vỡ có kế hoạch" khi nói về vụ vỡ đê sông Bùi ở huyện Chương Mỹ năm ngoái.
Mặc dù nhiều sai phạm đã được nêu ra, nhưng ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (khu vực Hà Nội), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lại nói với RFA rằng cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã làm tốt việc quản lý hệ thống đê :
Họ làm tốt từ ngày xưa rồi, những năm 69-71 lũ lụt như thế người ta còn làm được. Các đập thủy điện điều tiết lũ tốt. Ngập khu vực ngoại thành vừa rồi là do tai nạn, kiểu đê quai, vùng bờ sửa nó vỡ. Không phải lũ, mưa to thì nó vỡ bờ thôi.
Nhà nước bây giờ phải đầu tư các loại vật liệu kiên cố hơn có thể bằng bê tông. Bây giờ mới đang triển khai làm chứ sao mà thực hiện được ngay, phải chuẩn bị nhiều việc từ đầu tư, giống mình làm nhà vậy. Chắc cũng phải mất đôi năm.
Mùa mưa lũ ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. AFP
Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi lại có quan điểm khác. Ông chỉ ra những thiếu sót trong việc quản lý đê điều của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội.
Trước tiên ông cho rằng cơ quan chức năng cần thay đổi quan điểm phân vùng lũ từ cuối thế kỷ XX. Quan điểm rằng cần có vùng chịu thiệt thòi để hi sinh cho những vùng quan trọng hơn, không thể ứng dụng vào ngày nay được nữa :
Theo tôi nghĩ đó là cách nhìn cũ rồi, bây giờ phải có cái nhìn mới. Nhưng hiện nay cơ quan hữu trách và chính quyền chưa có được cách nhìn đó. Bởi vì trước đây khi chúng ta làm bài toán so sánh để có những vùng phân lũ, cho nó ngập tràn ra để hi sinh bảo vệ vùng lớn hơn, thời đó vùng dân cư rất thưa thớt. Cho nên lũ vào không gây thiệt hại đáng bao nhiêu. Nhưng tất cả những vùng đó qua nhiều chục năm phát triển, đời sống người ta đã khác, dân cư đông đúc, tài sản nhiều. Mỗi lần lũ vào sẽ gây ra hệ lụy rất lớn.
Bây giờ phải đặt lại bài toán. Tất cả những con đê ví dụ như sông Bùi phải nâng cấp lên. Ví dụ trước đây đê chịu được tần suất 10 năm 1 lần hay 20 năm 1 lần thì giờ phải đưa lên tần suất 1% tức là 100 năm một lần. Và tần suất kiểm tra 0,5% tức là mức an toàn gấp đôi.
Do đó phải quy hoạch lại, vận động tăng cường đầu tư để bảo vệ dân cư.
Vấn đề thứ hai nguyên Thứ trưởng Thủy lợi nêu ra đó là sai lầm trong tổ chức ngành thủy lợi của thành phố Hà Nội :
Nếu tôi được góp ý cho Chủ tịch thành phố Hà Nội thì tôi sẽ nói thứ nhất phải lập lại một sở gọi là Sở Thủy lợi và Quản lý Thiên tai. Như vậy các vấn đề về thủy lợi, tưới tiêu, bão lụt,…do sở đó quản lý. Kết cấu hạ tầng rất quan trọng mà lâu nay chúng ta gộp tách nó lung tung không được. Nếu chưa tiện lập một sở có tên như vậy, thì trả nó về sở có tên Sở Xây dựng Thủy lợi và Quản lý Thiên tai, tức là gộp chung xây dựng và thủy lợi vì đó là hai ngành gần nhau, cùng một ngành kết cấu hạ tầng.
Chứ để thủy lợi nằm trong ngành nông nghiệp là không được, trái khoáy.
Điểm thứ 3 ông nêu lên, đó là về mặt thi công các công trình thủy lợi, phải có một tổng công ty Phòng chống thiên tai. Vì theo ông, muốn làm được việc thì phải thương mại hóa, kinh doanh hóa chứ không thể cứ hô hào rồi vung tiền bậy bạ. Tổng công ty này sẽ có nhiệm vụ hạch toán tất cả mọi chi phí. Ông nói rằng cách làm hiện nay là bao cấp, vô trách nhiệm và không quản lý được.
Bài 1
Thái Bình Dương báo động làn sóng tàu Việt trộm hải sâm
Trong phòng xử án chật cứng những bị cáo vào một ngày đầu tháng Ba, 50 ngư dân Việt Nam lần lượt bước lên đối diện chánh án Tòa án Quốc gia Waigani của Papua New Guinea để nghe cáo trạng. Họ không có luật sư biện hộ và chỉ hiểu được chuyện gì đang diễn ra nhờ một nữ tu Công giáo người Việt thông dịch. Rồi từng người họ nhận tội.
Một tàu cá của Việt Nam và 15 thuyền viên bị bắt giữ gần rạn san hô Saumarez thuộc Khu bảo tồn Hải dương Khối Thịnh vượng Chung ở Biển San hô, Úc, ngày 10 tháng 4, 2017.
Nhà chức trách Papua New Guinea bắt giữ những người đàn ông này vào cuối tháng 12 năm ngoái khi họ đang đánh bắt hải sâm trong vùng biển phía đông nam của nước này mà không có giấy phép hợp lệ. Cả 48 thuyền viên và 2 thuyền trưởng bị tuyên án bốn năm tù giam cùng lao động khổ sai nếu họ không nộp khoản tiền phạt hơn 6.000 đôla mỗi thuyền viên và gần 50.000 đôla mỗi thuyền trưởng.
Dù tới nay 43 thuyền viên đã nộp tiền phạt và được hồi hương, án tù và mức tiền phạt là lời cảnh cáo không khoan nhượng của Papua New Guinea đối với những tàu cá Việt đã liên tục xuất hiện trong vùng biển nước này khoảng ba năm gần đây để đánh bắt trộm hải sâm, loài sinh vật biển được tiêu thụ phần lớn ở các thị trường Châu Á để làm thuốc và chế biến những món cao lương mỹ vị.
Nhưng Papua New Guinea không phải là điểm đến duy nhất.
Với màu sơn xanh da trời đặc thù, những chiếc tàu gỗ nhỏ phần lớn xuất phát từ Quảng Ngãi giờ đang tỏa rộng khắp khu vực tây nam Thái Bình Dương và tiến sâu vào vùng duyên hải của những nước như Palau, Liên bang Micronesia, Úc, New Caledonia, Quần đảo Solomon và Vanuatu, vượt qua những chặng đường có khi hơn 10.000 km.
Và khi tin tức về những vụ phát hiện và bắt giữ những tàu cá này được loan tải thường xuyên hơn, giới chức ngư nghiệp của các nước trong khu vực trong những cuộc phỏng vấn với VOA bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về một vấn đề đang lớn dần mà họ nói cần biện pháp ứng phó cấp bách.
Làn sóng 'tàu xanh'
"Đó là vấn đề rất nghiêm trọng cho chính phủ các đảo này trên một số phương diện", ông James Movick, Tổng giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương (FFA), nói. "Một phương diện dĩ nhiên là chuyện vi phạm biên giới quốc gia. Những tàu này đang tiến vào bên trên những rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế 12 hải lý và bên trong lãnh hải, và đây là sự vi phạm về nhập cảnh, quyền chủ quyền và kiểm soát biên giới".
Ông Movick đầu tháng 5 đã chủ trì một hội thảo tập trung bàn về những tàu cá trái phép của Việt Nam ở khu vực tây nam Thái Bình Dương, được gọi bằng cái tên "Vietnamese blue boats" (những chiếc tàu xanh dương Việt Nam). Tại đây, các nước thành viên bị ảnh hưởng của FFA chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của mình về những chiếc tàu này trong hai ngày nhóm họp ở thành phố Brisbane, Úc.
Tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài không phải là hiện tượng mới. Bộ Nông nghiệp và Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho biết hàng trăm ngư dân, phần lớn từ các tỉnh trung và nam bộ, mỗi năm đều bị các nước láng giềng của Việt Nam như Philippines, Malaysia và Indonesia bắt giữ trong vùng biển của họ vì hoạt động đánh bắt trái phép.
Quảng Ngãi nổi bật trong số những tỉnh có nhiều ngư dân đi đánh bắt trái phép ở nước ngoài. Dữ liệu những vụ bắt giữ tàu Việt Nam thời gian gần đây trong khu vực tây nam Thái Bình Dương cho thấy đa phần lớn những con tàu này mang ký hiệu "QNg" với đại đa số ngư dân đến từ xã Bình Châu, ven biển phía đông Quảng Ngãi. Họ nhắm mục tiêu vào những loài hải sâm có giá trị kinh tế lớn mà trữ lượng còn khá dồi dào ở những đảo quốc xa xôi.
Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.
Lợi nhuận béo bở
"Đặc thù của Quảng Ngãi là nghề lặn, các tỉnh khác không có nghề lặn nên không có qua chi bên đó", ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết. Ông giải thích thêm rằng vì ở các rạn đá, rạn san hô mới có hải sâm có giá trị kinh tế lớn nên ngư dân Quảng Ngãi mới đi xa như vậy xâm phạm vùng biển các nước.
Vụ bắt giữ những ngư dân Quảng Ngãi ở Papua New Guinea hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy quyết tâm theo đuổi lợi nhuận béo bở của họ từ những chuyến đi biển kéo dài hàng tháng liền.
Chánh án John Kaumi của Papua New Guinea, trong phán quyết tuyên phạt 50 ngư dân Quảng Ngãi vào đầu tháng 3, nói rằng tổng cộng quãng đường mà một trong hai chiếc tàu đã đi từ cảng Sa Kỳ của Việt Nam tới nước ông là hơn 12.600 km, với những điểm dừng ở Philippines, Malaysia và New Caledonia, nơi mà các ngư dân cũng bị nghi đánh bắt hải sâm trái phép trước khi vòng lên Papua New Guinea tiếp tục hoạt động.
Với phương thức thu hoạch "thô sơ nhưng hữu hiệu một cách tàn nhẫn", tổng sản lượng hải sâm mà ngư dân trên hai chiếc tàu này đánh bắt được là hơn 3 tấn, trong đó có hơn 2,6 tấn hải sâm vú trắng (white teatfish), một trong những loài hải sâm có giá cao nhất trên thị trường Châu Á. Papua New Guinea ước tính lượng hải sâm vú trắng này trị giá hơn 411.000 đôla.
Họ cứ tới lấy như thể là của mình và chẳng màng gì tới sinh kế của người dân địa phương họ bỏ lại đằng sau.
Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia Liên bang Micronesia
Ngành khai thác hải sâm của Papua New Guinea từng cung ứng 10 phần trăm lượng hải sâm buôn bán toàn cầu vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, giá tăng và thương nhân ồ ạt đổ vào ngành kinh doanh này đã dẫn tới việc khai thác quá mức, khiến Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia của Papua New Guinea ban hành lệnh cấm khai thác tạm thời vào năm 2009. Lệnh cấm này được dỡ bỏ vào năm ngoái.
Papua New Guinea cho biết từ năm 2014 tới nay đã bắt giữ chín tàu đánh bắt hải sâm trái phép của ngư dân Việt Nam, tất cả đều tới đây trong khoảng thời gian lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.
"Chúng tôi xem đây rõ ràng là sự xem thường luật pháp của chúng tôi", ông Gisa Komangin, viên chức quản lý của Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia Papua New Guinea nói với VOA bên lề hội thảo ở Brisbane. "Người dân bản địa nước chúng tôi lệ thuộc rất nhiều vào hải sâm và công dân Papua New Guinea tôn trọng lệnh cấm tạm thời. Sao chúng tôi lại cho phép hành vi của những người rõ ràng không tôn trọng luật pháp của chúng tôi ?"
Trong lúc nói chuyện với VOA, ông Komangin cho biết có thêm ba chiếc tàu xanh vừa được phát hiện trong vùng biển của Papua New Guinea.
Tổn thất và chi phí
"Họ cứ tới lấy như thể là của mình và chẳng màng gì tới sinh kế của người dân địa phương bỏ lại đằng sau", ông Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia của Liên bang Micronesia, nói trong một chuyến thăm hồi gần đây của VOA.
Liên bang Micronesia, một quốc đảo nhỏ bé và hẻo lánh nằm ở trung Thái Bình Dương, đã bắt giữ chín tàu đánh cá và xấp xỉ 169 ngư dân từ Việt Nam kể từ tháng 12 năm 2014, theo một bản báo cáo tóm tắt mà Bộ Tư pháp nước này cung cấp cho VOA.
Ông Pangelinan cho biết hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam không chỉ gây nên tổn thất về sinh kế cho người dân nước ông vốn lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành ngư nghiệp mà còn tạo thêm gánh nặng tài chính hết sức to lớn cho đảo quốc này, nơi có nền kinh tế nhỏ với nhiều thách thức về phát triển.
Trong những vụ việc gần đây, mỗi một tàu tuần tra tiêu tốn 30.000 tới 40.000 đôla chỉ để đi ra những đảo xa xôi thực hiện công tác giám sát, ông nói. Nếu phát hiện có tàu đánh bắt trái phép thì việc đưa những tàu này về xử lý có thể tốn thêm 15.000 đôla, tùy theo quãng đường và thời gian các tàu ở ngoài khơi. Nhưng ông Pangelinan nói chi phí lớn hơn cả là một khi ngư dân được đưa vào cảng thì nhà chức trách phải lo về an ninh và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ trong lúc chờ tòa án xét xử.
Một ngư dân Việt Nam được khám sức khỏe trước khi được hồi hương, Pohnpei, Liên bang Micronesia. (IOM Micronesia)
"Chuyện này kéo dài đã hai, ba năm nay rồi và chúng tôi tin chắc là chi phí đã vượt mức 200.000 đôla", giám đốc cơ quan ngư nghiệp của Liên bang Micronesia nói. "Số tiền 200.000 đôla đó lẽ ra có thể đã được dùng để chi trả cho thuốc men bệnh viện, trả lương cho giáo viên, thanh toán những dịch vụ chính phủ cơ bản".
Điểm nóng mới
Dù tầm hoạt động vẫn quanh khu vực tây Thái Bình Dương, nhưng dường như trọng tâm hoạt động của những tàu đánh bắt hải sản trái phép từ Việt Nam gần đây đã dịch chuyển xuống phía nam với những vụ bắt giữ mới nhất trong năm nay tập trung ở Úc, New Caledonia và Quần đảo Solomon. Số liệu mà VOA thu thập và kiểm đếm cho thấy từ đầu năm 2017 tới nay có ít nhất 18 tàu với khoảng 207 ngư dân bị bắt giữ trong khu vực này, nhiều nhất ở New Caledonia, với 11 tàu và khoảng 105 ngư dân.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp này trở thành điểm nóng mới nhất của làn sóng tàu xanh đến từ Việt Nam. Cách Úc 1210 km về hướng đông, New Caledonia có khu bảo tồn hải dương lớn thứ ba trên thế giới trải rộng trên diện tích 1,3 triệu kilômét vuông và nổi tiếng về sự đa dạng sinh học phong phú và độc đáo.
Những rạn san hô và đảo biệt lập như Chesterfield, Bellona, Astrolabe, Pétrie, và Entrecasteaux - vốn được xem là những địa điểm nguyên sơ cuối cùng của hành tinh - chính là mục tiêu nhắm tới của những tàu đánh bắt hải sâm trái phép từ Việt Nam.
Sự xuất hiện liên tục của những chiếc tàu xanh này gần một năm qua khiến nhà chức trách New Caledonia lo ngại rằng có thể còn nhiều tàu như vậy nữa đang hoạt động mà chưa bị phát hiện trong khi người dân thì bất an và phẫn nộ. Truyền thông địa phương cho hay căng thẳng đã gia tăng ở xã Bélep ở phía bắc hòn đảo này, nơi những chiếc tàu xanh thường bị phát hiện, vì ngư dân Việt Nam ẩu đả với ngư dân địa phương.
Trong thông cáo gửi tới VOA qua email, Bộ Ngoại giao Pháp nói họ "cực kỳ lo ngại" về tình trạng các tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển của New Caledonia để đánh bắt trái phép, điều mà Pháp gọi là "vấn đề đang lớn dần".
"Trong bối cảnh này, ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ những khu vực hải dương và sự đa dạng sinh học hải dương", thông cáo viết.
"Vì thế chúng tôi đang tích cực tập trung nỗ lực của mình vào vấn đề này, trong khi tôn trọng những quy định quốc tế và tham gia đối thoại thẳng thắn với Việt Nam, một đối tác trọng yếu của Pháp ở Châu Á".
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết thêm rằng đại sứ quán Pháp ở Hà Nội đã chính thức lên tiếng với giới hữu trách Việt Nam để bày tỏ lo ngại, yêu cầu tăng cường giám sát và tìm kiếm giải pháp, cũng như xác định những mạng lưới địa phương tổ chức đưa ngư dân đi đánh bắt trái phép.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp email của VOA hỏi về sự tiếp xúc này.
'Tội ác đối với đa dạng sinh học'
Manuel Ducrocq, Phó giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp và Môi trường Hải dương Caledonia, là thành viên duy nhất của phái đoàn New Caledonia đến dự hội thảo "Tàu xanh" ở Brisbane.
Cũng như những đại diện khác thuyết trình tại hội thảo, anh bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về hoạt động đánh bắt trái phép của những chiếc tàu này. Nhưng với anh vấn đề không chỉ dừng lại ở chuyện xâm phạm biên giới quốc gia và đánh bắt tài nguyên trái phép.
"Đó là tội ác đối với đa dạng sinh học", anh nói với VOA trong những phút giải lao bên lề hội nghị.
Cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh, anh Ducrocq giải thích rằng chính phủ New Caledonia đã quyết định hợp lực với toàn thể người dân bảo vệ vùng biển của họ và duy trì sự đa dạng sinh học cũng như việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển, "để con cái của chúng tôi có thể có cơ hội nhìn thấy san hô, nhìn thấy hải sâm và ăn chúng".
Chính vì vậy anh xem việc những tàu Việt Nam xâm phạm không gian bảo tồn này và lấy đi hải sâm là điều "không thể chấp nhận được".
"Vào lúc này những chiếc tàu đó vẫn tiếp tục đi vào vùng bảo tồn đa dạng sinh học, và có lẽ trong vài tháng hay một năm nữa sự đa dạng sinh học mà chúng tôi đã ra sức bảo tồn sẽ bị hủy hoại và có thể biến mất", anh lo lắng nói về viễn cảnh sắp tới.
"Chúng tôi nghĩ giải pháp duy nhất là ở Việt Nam".
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 10/06/2017
************************
Trong một hội nghị ngư nghiệp quốc tế diễn vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam gặp phải một tình thế khó xử khi đối diện những chất vấn và chỉ trích từ một số nước tham dự.
Vấn đề là những chiếc tàu có nguồn gốc từ Việt Nam thường xuyên bị những nước ở tây Thái Bình Dương bắt giữ trong những năm gần đây vì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế để đánh bắt hải sâm, và tình trạng này vẫn tiếp diễn không có dấu hiệu suy giảm.
Liên bang Micronesia hỏi Việt Nam đã có hành động gì đối với những tàu vi phạm trong tư cách một quốc gia có tàu treo cờ, lưu ý rằng một số tàu vẫn tiếp tục quay trở lại vùng biển của đảo quốc này hai hoặc ba lần, dù trước đó từng bị bắt giữ.
Việt Nam trả lời rằng năm 2015 đã gửi một quan chức sang Liên bang Micronesia tham dự những cuộc gặp gỡ cao cấp và thiết lập đường dây nóng với chính phủ Liên bang Micronesia, và rằng Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi luật để phạt nặng những công dân tham gia hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Nhưng khi trả lời câu hỏi của báo giới, Việt Nam tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của những chiếc tàu này. "Chúng tôi được một số nước thông báo rằng tàu Việt Nam tới Palau và Micronesia để đánh bắt trộm, chúng tôi không chắc lắm những tàu đó là tàu Việt Nam hoặc treo cờ Việt Nam", Vũ Duyên Hải, trưởng phái đoàn Việt Nam dự hội nghị thường niên lần thứ 13 của Ủy ban Ngư nghiệp Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) ở Fiji, phát biểu.
Một số đại biểu xem đó tiếp tục là nỗ lực phủ nhận trách nhiệm của Việt Nam, và điều này đã thôi thúc những nước như Liên bang Micronesia lên tiếng ngày càng thường xuyên hơn trên những diễn đàn quốc tế.
Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, các quan chức ngư nghiệp ở Liên bang Micronesia và những nước Thái Bình Dương khác bày tỏ sự bất mãn về điều mà họ xem là sự ứng phó thiếu thỏa đáng của Việt Nam đối với một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng đối với khu vực, khiến Việt Nam khó xử về mặt ngoại giao và khơi lên những câu hỏi về khả năng của Việt Nam quản lý tàu và ngư dân của mình.
Khi đăng đàn phát biểu tại hội nghị WCPFC, Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia của Liên bang Micronesia, tập trung sự chú ý vào vấn nạn tàu đánh bắt trái phép từ Việt Nam trong vùng biển của nước này, liệt kê những tổn hại và chi phí mà đảo quốc nhỏ bé này phải gánh chịu từ hoạt động này.
Một điểm chính mà Liên bang Micronesia nhấn mạnh là trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách một quốc gia có tàu treo cờ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Việt Nam là một thành viên.
Điều 94 của UNCLOS quy định rằng mỗi quốc gia có tàu treo cờ phải thực thi quyền tài phán và quyền kiểm soát của mình trong những vấn đề hành chính, kỹ thuật và xã hội đối với những tàu treo cờ của quốc gia đó.
"Rõ ràng, trách nhiệm đó không được thực thi ở đây", ông Pangelinan nói với chủ tọa hội nghị.
Ông cho biết Liên bang Micronesia đã vài lần gặp gỡ các giới chức của Việt Nam nhưng Việt Nam "vẫn chưa cho thấy rõ những biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do những tàu đánh bắt của nước này gây ra".
Giữa tháng 6 năm ngoái, Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thực hiện một chuyến thăm cao cấp tới Liên bang Micronesia nhằm tăng cường hợp tác thủy sản.
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ý tưởng sử dụng đường dây nóng để giúp "ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc phát sinh trong hoạt động nghề cá liên quan giữa hai nước", theo một bản tin của Tổng cục Thủy sản.
Đến cuối tháng 6, hai tàu từ Quảng Ngãi bị Liên bang Micronesia bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép. Trong số 33 ngư dân bị câu lưu có bảy người trước đây từng bị nước này bắt giữ vào năm 2015, theo Bộ Tư pháp.
"Một phản hồi nực cười mà tôi nhận được là thiết lập đường dây nóng", ông Pangelinan kể với VOA về một lần trao đổi giữa ông với đại diện Việt Nam. "Khi tôi hỏi ông ấy mục đích của đường dây nóng là gì, câu trả lời là chúng tôi sẽ gọi điện thoại cho họ và báo một chiếc tàu nữa vừa bị bắt. Rồi tôi nói, ‘Ông sẽ làm gì ?’ Câu trả lời tôi nhận được là, ‘Chúng tôi sẽ yêu cầu các ông chăm lo cho họ theo luật pháp quốc tế và trả họ về Việt Nam.’"
"Tôi thấy chuyện đó thật ngớ ngẩn", ông Pangelinan nói.
Nhưng đó là điều mà Liên bang Micronesia buộc phải làm với hơn 110 ngư dân Việt Nam bị câu lưu ở đây vào năm 2015.
Bộ Tư pháp Liên bang Micronesia, trong một bản báo cáo tóm tắt về những tàu Việt Nam bị phát hiện ở nước này từ năm 2015, nói rằng chính phủ Việt Nam chưa bao giờ hỗ trợ chính phủ Liên bang Micronesia về mặt tài chính để chu cấp cho những nhu cầu cơ bản của những ngư dân này và để đưa họ về nước.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết họ cung cấp quần áo sạch, thức ăn và đồ dùng vệ sinh cá nhân cho những công dân Việt Nam trong những ngày trước khi họ được hồi hương. Úc cũng hỗ trợ IOM với một khoản quyên góp để thuê máy bay chở họ về Việt Nam.
"Khi mọi chuyện giải quyết xong xuôi, [Việt Nam] gửi tặng chúng tôi hai bức tranh thêu đang treo đâu đó trong văn phòng như một lời cảm ơn", Craig Reffner, trợ lý công tố viên liên bang Bộ Tư pháp Liên bang Micronesia, nói trong một chuyến thăm của VOA tới văn phòng của Bộ ở thủ đô Palikir.
Liên bang Micronesia không phải là nước duy nhất nhận được phản hồi như vậy từ Việt Nam. Palau, một đảo quốc nhỏ bé khác nằm về phía tây Liên bang Micronesia và phía đông Philippines, nói họ cũng không nhận được sự hồi đáp tích cực từ Việt Nam về những vụ việc liên quan tới tàu đánh bắt trái phép từ Việt Nam bị Palau bắt giữ.
Keobel Sakuma, Giám đốc điều hành Khu bảo tồn Hải dương Quốc gia Palau, nói rằng từ năm 2014 Palau đã bắt giữ 14 tàu đánh bắt trái phép của Việt Nam và đã đốt cháy 5 tàu như một biện pháp cảnh cáo.
"Những vụ việc đầu tiên chúng tôi có liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và về cơ bản họ nói rằng họ không thể làm được gì cả, đó là hoạt động tư nhân", ông Sakuma nói. "Chính phủ họ mà nhận trách nhiệm thì là điều rất khó".
Ông Sakuma xác nhận với VOA rằng Palau có liên lạc với Đại sứ Việt Nam ở Philippines nhưng không được đề nghị cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào trong việc hồi hương công dân hay ngăn chặn những vụ việc như vậy tiếp diễn. Ông nói Palau phải bỏ tiền ra để trả những công dân này về Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp câu hỏi của VOA về những vụ việc ở Palau và Liên bang Micronesia.
"Phản hồi của Việt Nam tới nay khá thú vị", James Movick, Tổng giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương (FFA), nhận định. Ông Movick đầu tháng 5 đã chủ trì một hội thảo chuyên sâu về tình trạng tàu Việt Nam đánh bắt trái phép trong khu vực tây Thái Bình Dương, trong đó các nước thành viên chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của họ về mọi khía cạnh liên quan tới vấn đề này.
Trong cuộc họp báo sau hội thảo, ông cho biết ông nhận thấy phản hồi của Việt Nam đối với các nước bị ảnh hưởng là không đồng nhất. Ông nói với nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ như Úc thì sự giao tiếp khá cởi mở, trong khi với những đảo quốc nhỏ bé thì sự giao tiếp "khá hời hợt", theo mô tả của một số nước.
Tổng giám đốc FFA cho biết thêm ngay cả khi các nước này cử đại diện ngoại giao và ngư nghiệp sang Việt Nam để làm việc thì phản hồi của Việt Nam vẫn "chỉ trên danh nghĩa", chủ yếu là gợi ý thiết lập đường dây nóng.
"Những nước Thái Bình Dương vẫn chống đối ý tưởng thiết lập đường dây nóng, bởi vì không có cam kết từ nhà chức trách Việt Nam thực sự hành động nhiều nước này nói rằng, sao chúng chúng tôi phải làm điều đó ?" ông nói.
Trong khi các nước Thái Bình Dương liên tục bắt giữ những chiếc tàu xanh từ Việt Nam, ở bờ bên kia đại dương cách đó hàng ngàn kilômét, giới chức ngư nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, nơi xuất bến của đại đa số những chiếc tàu này, đang chật vật tìm cách ngăn chặn ngư dân của họ khỏi những chuyến hải hành săn lùng hải sâm trái phép. Họ nhận thức rõ rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới bang giao của Việt Nam với các nước.
Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, các quan chức ngư nghiệp của Quảng Ngãi khẳng định Việt Nam không hề dung túng hoạt động đánh bắt phi pháp dù họ thừa nhận những yếu kém và bất cập trong công tác quản lý, giám sát tàu và ngư dân trên những vùng biển xa.
Số liệu thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi được truyền thông trong nước trích dẫn cho biết trong năm năm qua, Quảng Ngãi có 126 lượt tàu cá với hơn 1.500 ngư dân bị cơ quan chức năng các nước bắt giữ do đánh bắt trái phép. Phân tích dữ liệu những vụ bắt giữ tàu Việt Nam những năm gần đây trong khu vực tây nam Thái Bình Dương, VOA nhận thấy phần lớn những tàu này mang ký hiệu "QNg" của tỉnh Quảng Ngãi với đại đa số ngư dân đến từ xã Bình Châu ven biển.
"Đó là một cái đau đầu của địa phương chúng tôi", ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, chia sẻ. "Đây là một vấn nạn mà chính quyền Quảng Ngãi đã nhiều lần tuyên truyền, giáo dục và đã xử phạt hết khung rồi đó…Nhưng nói thật với anh do lợi nhuận khai thác hải sâm bên đó cao quá cho nên dân tôi dân nghèo nữa nên họ liều mạng thôi".
Các quan chức ngư nghiệp ở các nước Thái Bình Dương nói với VOA rằng ngư dân Việt Nam thường nhắm mục tiêu vào những loài hải sâm có giá trị lớn nhất. Trong một phiên tòa hồi tháng 3 xét xử những ngư dân bắt trộm hải sâm ở Papua New Guinea, nhà chức trách cho biết gần ba tấn hải sâm vú trắng được tìm thấy trên hai chiếc tàu được ước tính có giá hơn 411.000 đôla.
Nghị định của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung như bị tước bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác từ ba tới sáu tháng.
Tuy nhiên, có bất cập trong những quy định này. Ông Toàn nói mức tiền phạt như vậy là chưa đủ sức răn đe vì ngư dân có thể kiếm "mấy bạc tỉ" sau một chuyến đi đánh bắt hải sâm trót lọt, trong khi việc tước bằng thuyền trưởng không có tác dụng gì mấy vì kỹ năng lái tàu của họ vẫn còn và họ vẫn lén lút đi.
Khâu quản lý và giám sát cũng có vấn đề. Những tàu có ý định đi đánh bắt trái phép có thể xin giấy phép khai thác trong vùng biển Việt Nam khi xuất bến, nhưng một khi ra khơi rồi thì các tàu tắt thiết bị liên lạc và đi tới vùng biển nước ngoài. Các quan chức ngư nghiệp Quảng Ngãi nói nhà chức trách Việt Nam khi đó không kiểm soát được nữa và không biết những tàu này đi đâu.
Đó là thách thức về công nghệ, kỹ thuật mà Việt Nam vẫn chưa giải quyết được, theo lời ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi.
"Ở Mỹ ngư dân đi đánh bắt quá sản lượng thì người ta có tàu ra, có máy bay ra giám sát, đi tới đâu họ biết tới đó hết. Nhưng mà Việt Nam làm gì có chuyện đó", ông Hoàng so sánh.
"Ngư dân có một cái tàu gỗ nhỏ nhỏ. Người ta đi người ta tắt máy liên lạc, tất cả tắt hết, tắt cả đèn luôn. Người ta lầm lũi đi như vậy thôi. Không có ai kiểm soát đâu, không có phương tiện nào kiểm soát được".
Đứng trước một vấn đề đang gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 5 ra công điện chỉ đạo giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, một diễn biến cho thấy giới lãnh đạo cao nhất đã nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề.
Công điện nêu ra hàng loạt những biện pháp cụ thể cho các bộ, ngành từ trung ương đến phương thực hiện, chẳng hạn như "rà soát, sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản lý ; bổ sung các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với chủ tàu, thuyền trưởng và tổ chức, cá nhân môi giới", theo website của Thủ tướng.
Hợp tác quốc tế có thể là một nỗ lực mà Việt Nam đang xúc tiến. Trước đó vào đầu tháng 4, Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc đã cử một phái đoàn đến Quảng Ngãi để tìm hiểu thực tế. Là một trong những điểm đến hàng đầu của những tàu Việt Nam đánh bắt hải sâm trái phép, Úc cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để xúc tiến một chiến dịch giáo dục ngư dân giống như nỗ lực mà họ nói từng thực hiện khá thành công ở Indonesia 10 năm trước.
"Chuyến đi này chủ yếu là làm việc với nhau để xác định chính xác thông điệp gì mà chúng tôi nên cung cấp cho ngư dân và cơ chế nào là tốt nhất để truyền tải những thông điệp đó và phương thức truyền thông nào nên được áp dụng", Peter Venslovas, Tổng giám đốc đặc trách Nhánh Hoạt động Ngư nghiệp của Cơ quan Quản lý Ngư nghiệp Úc nói với VOA.
Ông Venslovas cho biết nỗ lực này vẫn còn trong giai đoạn phát triển và chưa có gì được chung quyết. Ông cũng nói phái đoàn của ông nhận được sự hợp tác tích cực từ nhà chức trách Việt Nam.
Ông Phan Huy Hoàng cho biết ông là người trực tiếp dẫn những viên chức của Úc xuống tàu xem ngư dân đi đánh bắt về và cũng trao đổi với họ về tình hình thực tế ở đây. "Nói chung họ trao đổi mình cũng nói thật như thế thôi, người ta sẽ có hướng để giúp mình tuyên truyền giáo dục", ông chia sẻ với VOA.
Một biện pháp giải quyết khác là hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế từ nghề lặn sang những nghề đánh bắt các dòng cá khác vẫn còn dồi dào trong vùng biển của Việt Nam. Ông Phùng Đình Toàn cho biết chính phủ Việt Nam có những chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới, mua ngư cụ mới để chuyển nghề, tuy nhiên số người chuyển nghề chưa nhiều vì họ đã quen với nghề lặn và chuyển sang nghề khác còn nhiều lúng túng.
Nhưng nguyên nhân căn cơ, theo ông Toàn, vẫn là lợi nhuận. Và đó cũng là lý do vì sao đây vẫn là một vấn đề nan giải đối với nhà chức trách Việt Nam.
"Lợi nhuận 300 lần thì người ta cũng sẵn sàng lên giá treo cổ", ông Hoàng nói. "Giống như buôn bán ma túy, heroin vậy thôi".
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 11/06/2017
***************************
Bài 3
Dân Pohnpei lo lắng, bất bình tàu Việt Nam đến 'ăn cắp'
Peter Immanuel tắt máy thuyền và thả neo. Gần 30 phút sau khi rời khỏi miệng kênh và hướng ra biển, ông quyết định bắt đầu cuộc tìm kiếm ngay tại chỗ này. Một vùng biển nông gần bờ phía nam của đảo Pohnpei thuộc Liên bang Micronesia. Ánh nắng loang loáng trên mặt nước trong vắt soi rõ những bãi san hô phủ rộng gần như kín mặt cát bên dưới.
Peter Immanuel, một người dân địa phương, kéo thuyền ra khỏi vùng nước nông để chuẩn bị đi câu cá, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 27 tháng 4, 2017.
Ngư dân 61 tuổi này biết mình sẽ làm gì. Ông cởi áo, đeo kính lặn và ống thở và nhảy ùm xuống nước sâu chỉ tới nửa thân người. Sau vài phút lùng sục giữa những bãi san hô lởm chởm, ông ngoi lên với thứ gì đó cầm trong tay.
"Đây nè", Peter la lớn về phía chiếc thuyền tròng trành theo từng đợt sóng. "Tôi nghĩ chắc họ bắt loại này".
Một con hải sâm báo. Loài này khá dễ nhận dạng với những đốm da cam phủ khắp thân mình tròn căng mềm mại. Nó phun ra những sợi màu trắng dính chắc như keo, một cơ chế phòng vệ được kích hoạt khi nó bị quấy nhiễu.
Peter Immanuel cầm một con hải sâm báo mà ông vừa mới bắt lên, ở Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 27 tháng 4, 2017.
Cầm nắm sinh vật vô hại này có thể khiến người ta cảm thấy khó chịu mà buông nó xuống vì chất dính cứng đầu, nhưng điều này không làm nản lòng những người mà Peter vừa nhắc tới - những ngư dân Việt Nam vượt hàng ngàn cây số để tới đây bắt trộm các loài hải sâm cao giá.
Tình trạng này gia tăng cường độ trong những năm gần đây, với hơn 100 người Việt Nam, đại đa số đến từ tỉnh Quảng Ngãi, bị đảo quốc nhỏ bé và biệt lập ở tây Thái Bình Dương này bắt giữ và kết tội.
Dù nhà chức trách chưa bắt giữ tàu cá nào từ Việt Nam bắt trộm hải sâm trong vùng biển nơi mà VOA tới, nhưng ở đây trên đảo Pohnpei, cái tên Việt Nam giờ được nhắc tới bằng nỗi lo ngại và bất an.
"Tôi nghĩ chuyện này gây ra vấn đề cho nước của tôi", Peter nói trong khi ông kể về gia đình và cuộc mưu sinh của ông ở Pohnpei.
Gắn bó với biển hàng chục năm qua, ông nói nghề đánh cá giờ không mang về cho ông nhiều thu nhập nữa và ông đã chuyển sang làm nông, trồng chuối và khoai môn. Ông nói giờ ông ra biển câu cá một, hai ngày mỗi tuần.
Đối với ông, những người Việt Nam này đơn giản là những kẻ trộm đến nhà ông lấy những thứ vốn không thuộc về họ. "Tôi nghĩ chuyện này không đúng vì tôi không muốn ai ăn cắp thứ gì đó", ông nhấn mạnh. "Họ cần có giấy phép đánh bắt hoặc xin phép nước của chúng tôi".
Họ không được phép đụng tới hải sâm, đó là tiền của chúng tôi.
Mariana, người chuyên bắt hải sâm
Liên bang Micronesia không có thỏa thuận song phương nào với Việt Nam cho phép khai thác thủy sản trong vùng biển của nước này, nhưng điều đó không ngăn cản những ngư dân Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn trong những vùng biển cách rất xa ngư trường truyền thống của họ.
Những người dân địa phương mà VOA hỏi chuyện đều nói họ có biết về những vụ ngư dân Việt Nam đến bắt trộm hải sâm và đều tỏ thái độ tiêu cực về chuyện này. Và đó là một vấn đề sát sườn đối với những người như bà Mariana.
Người phụ nữ 53 tuổi này cho biết bà làm nghề bắt hải sâm từ "rất lâu rồi" và đó là công việc mưu sinh hàng ngày của bà. Hải sâm sau khi bắt về được bà sơ chế và cho vào những chai nhựa tái chế để bán cho các chợ. Mỗi chai có giá từ ba tới bốn đôla, một mức giá không phải là rẻ đối với nhiều người dân địa phương ở đây.
Ruột hải sâm ngâm với muối và nước cốt chanh đựng trong những chai như thế này được nhiều người dân địa phương mua để ăn sống, Pohnpei, Liên bang Micronesia, ngày 26 tháng 4, 2017.
Khi được hỏi bà cảm thấy như thế nào về việc những người Việt Nam đến bắt trộm hải sâm, bà thẳng thắn trả lời "Sapuwng", có nghĩa là "sai trái" trong tiếng địa phương.
"Họ không được phép đụng tới hải sâm, đó là tiền của chúng tôi", Mariana nói thông qua một người phiên dịch, gương mặt và giọng nói của bà biểu lộ sự bất bình.
Hải sâm là loài sinh vật biển thân dài hình ống sống trên đáy biển, rất được ưa chuộng ở những thị trường Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Chúng thường được phơi khô để làm thuốc hoặc được chế biến thành những món cao lương mỹ vị.
Nhu cầu tiêu thụ to lớn là động lực thúc đẩy những thị trường và hoạt động khai thác hải sâm. Có khoảng hơn 20 loài được khai thác ở các đảo Thái Bình Dương. Giá cả một kilogram dao động từ vài chục cho tới hàng trăm - thậm chí gần 2.000 đôla đôla ở Hong Kong - tùy theo loài, kích cỡ sản phẩm và chất lượng chế biến.
Các quan chức ngư nghiệp ở các đảo quốc này cho biết ngư dân Việt Nam thường nhắm vào những loài có giá trị cao nhất.
Tư liệu - Một người phơi hải sâm khô trên vỉa hè ở Hong Kong
Nhà chức trách Liên bang Micronesia nói khó mà đánh giá được đầy đủ tác động của tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của nước này nếu chỉ dựa trên những tàu bị bắt giữ. Với vùng biển rộng hàng triệu kilômét vuông trong khi chỉ có vài ba tàu tuần tra, đảo quốc này lo ngại quy mô của hoạt động này và những tổn hại kinh tế do nó gây ra có thể còn lớn hơn nữa.
"Chúng tôi không biết có bao nhiêu người ở ngoài kia. Chúng tôi không biết họ đã ở đâu, đã tới đảo nào, rạn san hô nào để lấy những tài nguyên này và đã làm chuyện này bao lâu rồi", ông Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia nói.
Nhưng ông Pangelinan nói phí tổn cụ thể nhất là khoản tiền hơn 200.000 đôla mà nước ông phải gánh chịu trong hai, ba năm qua liên quan tới hoạt động tuần tra, giám sát ngoài khơi cũng như chăm lo cho những nhu cầu cơ bản của những người Việt Nam trong lúc họ bị câu lưu.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, Liên bang Micronesia lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành ngư nghiệp và nông nghiệp để sinh tồn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, hạ tầng giao thông kém phát triển và sự cô lập giữa đại dương khiến tiềm năng du lịch bị hạn chế.
Ngân hàng Phát triển Châu Á nhận định nền kinh tế của đảo quốc này, vốn thuộc hàng nhỏ nhất trên thế giới và đối mặt với nhiều thách thức to lớn về phát triển, đang đình trệ.
Dù ngành khai thác hải sâm ở đây có quy mô rất nhỏ hơn rất nhiều so với những ngành đánh bắt thủy sản khác như cá ngừ, song hải sâm đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của những người dân xứ biển nơi đây.
Ellen Jean Ehsa hào hứng mô tả cách thức mà ngư dân trên đảo khai thác và duy trì nguồn hải sâm. Họ chỉ lấy phần ruột của loài hải sâm được gọi là "werer" trong tiếng địa phương để làm thức ăn, và vứt phần thân xuống biển. Họ nói nó sẽ tự tái tạo cơ quan nội tạng và tiếp tục sinh tồn.
Nhưng cô Ehsa, chủ một chợ có bán những chai ruột hải sâm, đưa ra một lý do khác nữa lý giải vì sao người ta không bắt sạch loài sinh vật này để tiêu thụ.
"Những người già nói rằng hải sâm giữ cho biển sạch sẽ", cô nói trong khi bận bịu ghi chép sổ sách và nhập số liệu vào máy tính. "Chúng ăn những thứ mà cá không ăn, những thứ độc hại".
Ông Eugene Joseph, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Hội Bảo tồn Pohnpei, nói chức năng làm sạch này của hải sâm còn giúp kìm hãm sự sinh sôi của tảo gây hại cho hệ sinh thái và cân bằng quá trình axít hóa đại dương. Vì thế ông nói rằng phương thức khai thác của những người Việt Nam là không bền vững, có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái.
Đó là nhận định mà ông Ricky Carl, Giám đốc Ngoại vụ Chương trình Micronesia của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy), tán đồng.
"Lợi ích thiết thân của chúng tôi trong việc khai thác hải sâm là đảm bảo rằng khi nó được thực hiện thì phải được thực hiện một cách bền vững", ông nói.
"Chúng tôi có một phần trăm đất liền và 99 phần trăm đại dương. Chỉ như thế thôi cũng khiến người ta hiểu được biển cả quan trọng với chúng tôi đến mức nào, kể cả những nguồn tài nguyên như hải sâm và những thứ khác".
Hoàng Long
Nguồn : VOA, 12/06/2017