Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/10/2019

Biển Đông : Tàu cá Việt Nam bắt sống tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ?

Tổng hợp

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc 'trồi lên giữa'tàu cá Việt Nam ở Biển Đông ? (BBC, 21/10/2019)

Ngư dân Quảng Ngãi vừa công bố video clip và một số hình ảnh của tàu ngầm Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa vào tháng 9.

sub1

Hình ảnh tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện cạnh tàu cá Việt Nam vào hồi giữa tháng 9 do Ngư dân Quảng Ngãi cung cấp

Hôm 18/10, hai ngư dân xin giấu tên gửi cho anh Nguyễn Thế Bình hơn 40 tấm hình và một video clip tại khu vực có tọa độ tương đối là 18 vĩ độ bắc, 114 kinh độ đông, ở phía bắc, đông bắc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Anh Bình sau đó đăng lên Facebook công bố các video và hình ảnh cho thấy một tàu ngầm có treo cờ Trung Quốc xuất hiện bên cạnh các tàu cá Việt Nam.

Anh Bình nói với BBC rằng ngư dân cho biết ít nhất hai tàu cá giã cào của Việt Nam có mặt chứng kiện sự xuất hiện của tàu ngầm này.

Người dân cho biết họ mất gần một tháng để công bố clip, hình ảnh này vì trên biển sóng 4G yếu và tàu chưa kịp về đất liền.

Nhà phân tích chiến tranh tàu ngầm H.I. Sutton mới đây đã đăng một bài phân tích về vụ việc này trên tờ Forbes.

Theo ông Sutton, đây là loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, loại 094 lớp Jin 11.000 tấn của Trung Quốc.

Và "đó là một sự kiện bất thường".

sub2

"Lớp tàu Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc"

'Không phải để gửi thông điệp'

"Lớp tàu Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc", ông Mr Sutton.

"Sáu chiếc tàu đã được chế tạo và là xương sống của sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc trên biển".

"Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể hoạt động chìm trong nhiều tháng liền và ẩn dưới làn sóng trong suốt nhiệm vụ tuần tra.

"Trồi lên bên cạnh tàu của nước khác là không bình thường và cho thấy có gì đó không ổn. Một cái gì đó đủ nghiêm trọng để hy sinh thế mạnh lớn nhất của nó : tàng hình.

Và ông Sutton cho rằng đây không phải là loại tàu ngầm "để gửi thông điệp".

"Trồi lên bên cạnh những tàu của một nước khác là không bình thường và cho thấy có gì đó không ổn",ông Sutton trả lời tờ News của Úc.

"Một thứ gì đó đủ nghiêm trọng để hy sinh thế mạnh lớn nhất của nó : tàng hình".

Tàu ngầm và tàu cá thường không "hợp nhau", ông Sutton viết.

Ông Sutton cho rằng có thể tàu ngầm này đã bị vướng vào lưới đánh cá, hoặc sợ rằng nó sẽ như vậy.

Việc trồi lên "có thể đã cứu mạng các ngư dân, cũng như những lính thủy trong tàu ngầm".

Ông Sutton dẫn chứng về vụ việc năm 1984, khi một chiếc tàu ngầm của Liên Xô đã vướng vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ cố gắng tự giải phóng, chiếc tàu ngầm đã phải nổi lên, bại lộ phi vụ ở ngay ngoài khơi một nước thuộc NATO.

Còn vào 1990, một chiếc tàu ngầm của Anh đã lái qua lưới của một chiếc thuyền đánh cá nhỏ ngoài khơi Scotland. Cả bốn phi hành đoàn đều chết khi thuyền của họ bị kéo xuống.

Ông Sutton lập luận có khả năng, tàu ngầm này của Trung Quốc đã bị vướng vào lưới đánh cá hoặc lo sợ sẽ bị vướng vào.

Và những rủi ro liên quan tới lưới đánh cá sẽ là một vấn đề khi tàu ngầm đem theo tên lửa của Trung Quốc tuần tra ở Biển Đông, thay vì ở Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.

'Không nhân nhượng'

Gần đây nhất, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 17/10, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Ông nói cần phải đặt vấn đề trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển.

"Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó".

"Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng", ông nhấn mạnh.

****************

Hoàng Sa : Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sợ vướng lưới ngư dân Việt Nam ? (RFI, 17/10/2019)

Báo Forbes của Mỹ hôm 17/10/2019 cho biết các ngư dân Việt đã vô cùng bất ngờ khi một tàu ngầm khổng lồ 11.000 tấn của Trung Quốc bỗng nổi lên giữa các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt ở gần Hoàng Sa. Sự cố này xảy ra từ tháng Chín, nhưng gần đây mới được mạng xã hội tiết lộ.

sub3

Chiếc tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 10, thuộc loại 094A lớp Tấn (Jin-class), tham gia cuộc duyệt binh Hải Quân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập binh chủng Hải Quân Trung Quốc ngoài khơi Thanh Đảo ngày 23/04/2019. Mark Schiefelbein / POOL / AFP

Đó là một tàu ngầm thuộc lớp Tấn (Jin-class) hay type 094, là loại tàu ngầm nguyên tử hiện đại nhất của Trung Quốc, trang bị hỏa tiễn đạn đạo. Trung Quốc hiện có 6 chiếc tại căn cứ ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa không đầy 200 hải lý.

Các tàu ngầm nguyên tử loại này có thể lặn sâu dưới lòng biển trong nhiều tháng trời, giấu mình dưới những ngọn sóng trong suốt thời gian hoạt động. Việc chiếc tàu ngầm phải nổi lên giữa những con tàu của một quốc gia khác là điều bất thường, cho thấy có một tình huống trầm trọng đã xảy ra khiến con tàu này phải "hy sinh" ưu thế nổi trội của mình là chức năng hoạt động "ngầm".

Tờ báo Mỹ nhắc lại, hồi năm 1984, một tàu ngầm Liên Xô đã bị dính vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ vùng vẫy mà không thoát, chiếc tàu ngầm đành phải trồi lên mặt nước, bị lộ tẩy là đang hoạt động ở ngoài khơi các nước NATO. Tệ hơn nữa, năm 1990, một tàu ngầm Anh bị vướng lưới đánh cá của một chiếc tàu ngoài khơi Scotland, khiến bốn thủy thủ tử nạn.

Forbes cho rằng chiếc tàu ngầm Trung Quốc có thể bị dính lưới của các tàu cá Việt Nam, hoặc nghi ngờ là bị ngăn trở bởi lưới đánh cá nên đã trồi lên để tránh bị nạn. Điều mỉa mai là nguy cơ từ lưới đánh cá có thể là yếu tố quyết định đối với các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc qua lại những vùng biển đông đúc tàu thuyền như Biển Đông và Hoàng Hải.

Thụy My

******************

Tàu ngầm Trung Quốc nổi lên giữa các tàu cá Việt Nam ở Biển Đông : hăm dọa hay tai nạn ? (VOA, 17/10/2019)

Nhiều ngư dân Việt Nam gần đây đã vô cùng kinh ngạc khi thấy một tàu ngầm khổng lồ của Trung Quốc bất thình lình nổi lên giữa các tàu đánh cá của họ, theo một bản tin của Forbes hôm 16/10. Sự cố đã xảy ra từ hồi tháng 9 nhưng chỉ được đưa ra ánh sáng mới đây qua các trang mạng truyền thông xã hội. Chiếc tàu ngầm lớp Jin của Hải quân Trung Quốc, trang bị tên lửa đạn đạo, được cho là hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Nằm ở vị trí chiến lược trên Biển Đông, Hoàng Sa đã thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam sau một trận hải chiến khốc liệt với hải quân Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo này.

sub4

Tư liệu- Một tàu ngầm Type 094A lớp Jin trang bị tên lửa đạn đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ttpmh một cuộc phô trương lực lượng ở Biển Đông, ngày 12/4/2018.

Việc chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Jin của Trung Quốc, nặng 11.000 tấn, bất ngờ nổi lên giữa các tàu đánh cá Việt Nam, là một sự cố vô cùng bất thường, theo nhận định của một nhà phân tích quốc phòng được trang mạng News.com.au của Úc trích dẫn.

Nhà phân tích H.I. Sutton, cộng tác viên của tạp chí “Không gian và Quốc phòng” nói rằng chuyện một tàu ngầm nổi lên bên cạnh tàu của một quốc gia khác là chuyện rất bất thường, cho thấy có thể có điều gì đó không ổn.

Bản tin của trang mạng News.com của Úc cho rằng tính năng quan trọng nhất của chiếc tàu ngầm là tàng hình, tức là tàu có thể hoạt động và ẩn mình dưới nước trong nhiều tháng trời, do đó phải có một lý do nào đó, đủ nghiêm trọng thì con tàu vạn bất đắc dĩ mới phải nổi lên dưới ánh mắt soi mói của tàu bè một nước khác.

Nhà phân tích Sutton nhấn mạnh rằng đây không phải là loại tàu được dùng để đánh đi một thông điệp, như để răn đe các đối thủ, bởi vì thông thường các tàu ngầm thường lánh xa tàu đánh cá, vì những mối nguy tiềm tàng.

Bản tin nhắc lại một sự cố xảy ra vào năm 1984 khi một tàu ngầm hạt nhân Nga mắc vào lưới đánh cá của một tàu cá Na-Uy. Sau nhiều giờ phấn đấu để tìm cách thoát ra khỏi lưới, chiếc tàu ngầm Nga đã bị buộc phải trồi lên mặt nước, phơi bày sứ mạng bí mật của mình ở ngoài khơi một quốc gia thuộc Liên minh NATO.

Vẫn theo nguồn tin này thì hậu quả có thể còn tệ hơn nhiều. Năm 1990, một tàu ngầm của Anh đã sa vào lưới của một tàu đánh cá nhỏ ở ngoài khơi Scotland. Tất cả 4 thủy thủ đều thiệt mạng.

Theo suy luận của nhà phân tích Sutton, việc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc nổi lên giữa các tàu đánh cá Việt Nam, do đó có thể là do tàu bị mắc phải lưới, hoặc sợ bị mắc vào lưới. Nổi lên có thể cứu mạng các thủy thủ trên tàu ngầm, hoặc các ngư dân trên tàu cá Việt Nam.

Cho tới lúc này, chi tiết của sự cố này vẫn chưa được công khai. Bản tin của News.com.au nói rằng tuy vậy sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân tối tân nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, cũng là một nhắc nhở về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông.

Theo nguồn tin này thì việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và củng cố các đảo này một cách bất hợp pháp, đã biến toàn bộ vùng biển giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Việt Nam trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Trung Quốc giờ có thể dễ dàng giám sát tàu bè tiến vào Biển Đông, trong khi các tàu ngầm hạt nhân của họ có thể ẩn mình sâu dưới biển, và cảm thấy an toàn vì biết rằng bất cứ tàu ngầm, hoặc máy bay nào sẽ khó có thể lọt khỏi lưới kiểm soát của họ.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trong cuộc được cho là đóng căn cứ tại Vịnh Tam Bình, Đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa khoảng 100 dặm về hướng tây-bắc.

Phân tích gia quốc phòng Sutton cho hay tàu ngầm lớp Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí đã được hiện đại hóa của Trung Quốc. Tính cho tới nay đã có 6 chiếc được chế tạo, và đội tàu này đã trở thành lực lượng răn đe hạt nhân chủ lực của Trung Quốc trên biển.

Trang mạng tin tức của Forbes nhắc lại rằng sự cố xảy ra vào tháng 9 năm nay, nhưng truyền thông Việt Nam chỉ vén màn bí mật mới đây.

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)