Tương lai Việt Nam tại Đại hội 14 sẽ được định hướng về đâu theo hứa hẹn của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm ?
"Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIV sẽ là mốc son mới trên con đường phát triển đất nước, có ý nghĩa định hướng tương lai, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hà Nội hôm 3/8/2024. AFP PHOTO
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết như vừa nêu khi đọc văn kiện tại cuộc họp với Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng họp hôm 13/8/2024.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 14/8/2024 nhận định với RFA liên quan phát biểu của ông Tô Lâm :
"Về hình thức, văn kiện được đọc bởi ông Tô Lâm thực chất nó không phải là một văn bản trơn tru và mạch lạc, mà nó là một mớ hổ lốn các câu chữ trộn lẫn vào nhau. Nếu viết ngắn gọn lại có lẽ cũng chỉ hơn 10 câu và đó là những câu chung chung.
Nội dung văn kiện không có gì mới. Nó là những gì xào nấu lại từ những văn kiện được trình bày bởi ông Nguyễn Phú Trọng".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, phát biểu này của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy ba điều :
Thứ nhất là người đọc và người chuẩn bị họ thấy sự không cần thiết của việc chuẩn bị một văn kiện trang trọng.
Thứ hai là họ khinh thường chính những người đồng chí của mình. Bởi vì khinh thường cho nên họ sẵn sàng đọc một văn bản nhảm nhí, có chữ mà không có nghĩa, để những đồng chí của mình ngồi nghe, mà không lo sợ bị phản bác gì cả".
Và thứ ba, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, phát biểu của ông Tô Lâm cho thấy một sự bế tắc trong lý luận chính trị. Đảng cộng sản không thể tìm cho mình một lý luận mới để thay thế. Ông Vũ cho rằng, sự bế tắc trong lý luận sẽ dẫn đến bế tắc trong đường lối và tổ chức, và nó sẽ mở đường cho một cuộc khủng hoảng ngay bên trong Đảng cộng sản.
Còn ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 14/8/2024 khi trao đổi với RFA thì cho rằng, bài phát biểu của ông Tô Lâm muốn gửi đi hai thông điệp về việc định hướng tương lai:
"Thứ nhất, đối với đảng viên đảng cộng sản thì phải thống nhất đi theo phe của Tô Lâm để có tương lai. Những người từng trung thành với ông Trọng buộc phải quay xe, nếu không thuần phục phe Tô Lâm thì sẽ bị triệt hạ. Nguyễn Phú Trọng đã thất bại trong việc thanh trừng phe phái, để cho nhiều phe đấu nhau, rồi cuối cùng chính các thân tín của ông Trọng phải vào lò, còn bản thân ông Trọng thì mất mạng giữa nhiệm kỳ. Tân tổng bí thư không muốn đi vào vết xe đổ đó, nên ông Lâm sẽ thống nhất tất cả các phe phái dưới bàn tay của công an Hưng Yên mà ông đã xây dựng nhiều năm qua".
Ông Quân cho rằng, Đại hội 14 sẽ là thời điểm ‘chốt hạ’ tương lai của các phe phái trong đảng cộng sản. Ông Quân nói tiếp :
"Thứ 2 là về tương lai của đất nước. Trong bài phát biểu này thì Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ kiên định với học thuyết Mác-Lênin. Cộng sản vẫn tiếp tục đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên tương lai dân chủ của đất nước sẽ còn rất xa. Sau đại hội 14 thì việc đàn áp những người bất đồng chính kiến sẽ càng nặng nề hơn dưới chế độ công an trị của Tô Lâm".
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức, hôm 14/8/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng, không hy vọng có sự thay đổi tốt đẹp qua phát biểu của ông Tô Lâm :
"Tôi khẳng định ngay chắc chắn là không có hy vọng gì. Bởi vì cách thức ông Tô Lâm làm không một điều gì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp có thể sinh sống và làm ăn. Chúng ta thấy trước khi ông Tô Lâm lên nắm quyền lực tuyệt đối, thì trên cương vị Bộ trưởng Công an đã đưa ra một loạt những văn bản luật đã làm cho cuộc sống người dân phức tạp hơn rất nhiều… từ thẻ bìa cứng, đến thẻ nhựa và sau cùng là căn cước công dân có gắn chíp điện tử…".
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, khi đó ông Tô Lâm đã nói căn cước công dân nhựa không gắn chíp sẽ được sử dụng cho đến khi hết hạn 15 năm, nhưng sự thật không phải vậy. Ông Đài nêu dẫn chứng :
"Hiện nay khi đã ra thẻ căn cước công dân cuối cùng, là thẻ có gắn chip điện tử thì những công dân đến làm việc ở ngân hàng mở tài khoản, hay đi công chứng, hay các dịch vụ khác… các cơ quan đó đều yêu cầu phải có thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử thì họ mới tiến hành làm. Tức là vô hình chung là họ đã loại toàn bộ chứng minh thư 12 số, loại thẻ căn cước không gắn chíp điện tử. Điều này đã làm cho người dân rất tốn kém và khó chịu trong đời sống hằng ngày. Chưa kể việc kiểm định khí thải xe gắn máy cũng làm cho khoảng hơn 70% người dân đang sử dụng xe gắn máy cũng gặp rất nhiều khó khăn".
Ông Tô Lâm nói sẽ định hình sự phát triển, sẽ có một chiến lược mới cho đất nước… Nhưng theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, những chiến lược đó sẽ không phục vụ tốt hơn cho người dân, cho đất nước… mà thậm chí sẽ thụt lùi so với những người tiền nhiệm của ông Tô Lâm.
Nguồn : RFA, 14/08/2024
Từ 2500 năm trước đã xuất hiện những nhà tư tưởng chính trị và triết gia đầu tiên của loài người mà tiêu biểu nhất là các triết gia Hy Lạp nổi tiếng như Socrates, Plato, Aristotle, Epicurus… Sau đó 500 năm, vào đầu thế kỷ thứ nhất, xuất hiện một nhà ‘tư tưởng chính trị lớn’ đó là Giêsu-Kitô, người sáng lập Kitô giáo. Dù vậy phải đợi đến cuối thế kỷ 17 và xuyên suốt thế kỷ 18 thì mới xuất hiện một trào lưu tư tưởng rộng lớn khắp Châu Âu.
Thế Kỷ Ánh Sáng là tên gọi mà thế giới đặt tên cho giai đoạn nở rộ các luồng tư tưởng chính trị này. Kết quả của giai đoạn bùng nổ về tư tưởng chính trị là hai cuộc cách mạng, Cách mạng Mỹ (1776) và Cách mạng Pháp (1789). Các chế độ thần quyền bắt đầu phải rút lui vào lịch sử, nhường chỗ cho những nhà nước dân chủ đầu tiên trên thế giới.
Xung đột giữa cái cũ và cái mới là đương nhiên, hậu quả đã rất đẫm máu bởi hai cuộc thế chiến I và II. Phải đến tận năm 1948 thì loài người mới nhìn nhận đầy đủ về các quyền căn bản của con người với việc Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Quyền Con Người. khoảng 1/3 các nước trên thế giới đã thiết lập được dân chủ nhưng chiến tranh Lạnh vẫn tiếp tục bởi cuộc đối đầu giữa các nước dân chủ non trẻ với hai cường quốc độc tài cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc.
Ngày 9/11/1989 bức tường Berlin sụp đổ và hai năm sau, ngày 26/12/1991 Liên Bang Xô Viết chính thức tan rã. Không ít các nhà tư tưởng Phương Tây hồ hởi và lạc quan khi cho rằng ‘quá trình tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của lịch sử đã kết thúc’ (Francis Fukuzama, "Sự cáo chung của lịch sử? The End of History ?"). Thực tế nước Nga đã thất bại trong việc chuyển hóa đất nước về dân chủ do thiếu vắng một tầng lớp trí thức chính trị. Kết quả là sự hình thành một nhà nước độc tài – maphia do Putin đứng đầu và hiện đang lao đầu vào một cuộc chiến hủy diệt với Ukraine.
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Mao và tổng thống Mỹ, Richard Nixon năm 1972 đã mở ra cánh cửa thế giới cho Trung Quốc.
Trung Quốc sau những đổ vỡ bởi Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt khiến hàng chục triệu người chết, Mao Trạch Đông đã lấy quyết định chung sống hòa bình và hợp tác với Mỹ và phương Tây. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Mao và tổng thống Mỹ, Richard Nixon năm 1972 đã mở ra cánh cửa thế giới cho Trung Quốc. 50 năm sau, nhờ hợp tác và giao thương với thế giới mà Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên sự phát triển của Trung Quốc đã không đi cùng với sự thay đổi về chính trị như kỳ vọng của thế giới, Trung Quốc vẫn duy trì một nhà nước độc tài cộng sản cứng rắn. Khi chính trị không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội thì khủng hoảng sẽ là tất yếu.
Năm 2022 vừa trôi qua là một năm đầy biến động cho thế giới với cuộc ‘tiểu thế chiến’ giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến này sẽ thay đổi hoàn toàn trật tự thế giới. Chưa bao giờ các nước dân chủ lại đoàn kết như vậy và chưa bao giờ họ có một thái độ rõ ràng với các chế độ độc tài như vậy. Việc cam kết ủng hộ Ukraine đến cùng trong việc đánh bại nước Nga và quyết định rời bỏ Trung Quốc là những minh chứng cho sự kết thúc ‘tuần trăng mật’ giữa các nước dân chủ và độc tài.
Có nhiều khả năng là Nga sẽ thất bại trong năm 2023 tại chiến trường Ukraine và Trung Quốc sẽ bắt đầu rơi vào khủng hoảng trên diện rộng. Làn sóng dân chủ thứ Tư tiếp tục tăng tốc. Việt Nam sẽ không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của làn sóng này vì Việt Nam vẫn là một nước độc tài và kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào thế giới.
Chỉ 5 ngày trước Tết nguyên đán 2023, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bị loại bỏ hết các chức vụ đang nắm giữ. Điều này diễn ra sau khi hai ông phó thủ tướng, trong đó có ông phó thủ tướng thường trực là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị cách chức. Các cuộc thanh trừng báo hiệu một năm mới đầy bão tố trong lòng nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này không có gì lạ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định, một tổ chức chính trị chỉ có thể duy trì và tồn tại dựa trên những đồng thuận chính trị. Khi không còn đồng thuận và lý tưởng chung thì bế tắc và khủng hoảng là tất yếu.
Việc chủ tịch nước và hai phó thủ tướng cùng bị cách chức là một việc chưa từng xảy ra trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Nó báo hiệu một tương lai đầy bất trắc và sóng gió cho Đảng cộng sản.
Đây cũng là 1 trong 4 điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ :
1. Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.
2. Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.
3. Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.
4. Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.
Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn cho Việt Nam. Các nguồn đầu tư nước ngoài sẽ giảm sút và bong bóng bất động sản có thể vỡ bất cứ lúc nào. Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc, họ không còn bất cứ giải pháp nào cho đất nước, thậm chí ngay cả cho chính họ. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng đã dần dần đi vào thực chất, những tiếng nói ồn ào nhằm mục đích gây tiếng vang của các nhân sĩ đã dần lắng xuống, nhường nhỗ cho những ý kiến đúng đắn và có chiều sâu.
Tụt hậu lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu về tư tưởng chính trị. Cho đến giờ nhiều trí thức vẫn không phân biệt được giữa ‘trí thức khoa bảng’ và ‘trí thức chính trị’. Một bác sĩ nha khoa là có toàn quyền phát biểu về chính trị và người nói quan trọng hơn lời nói. Nhiều trí thức khoa bảng vẫn còn mang nặng tinh thần Khổng Minh, họ cho rằng chính quyền và các tổ chức chính trị phải tìm đến họ, cầu cạnh họ, mời họ ra làm việc, giao cho họ những chức vụ và trọng trách quan trọng chứ tự họ không bao giờ chủ động tìm đến với các tổ chức, dấn thân phục vụ cho một lý tưởng lại càng không. Họ cho rằng xã hội cần đến họ chứ họ không có trách nhiệm và bổn phận gì với bất cứ ai, kể cả với tổ quốc.
Điều đáng mừng cho Việt Nam là ‘tư tưởng chính trị’ của người Việt đã được khai thông, trong đó có sự đóng góp đáng kể của anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong 40 năm qua. Chúng ta đã tiến những bước rất lớn về tư tưởng chính trị. Đúng như ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định trong bài viết ‘Trước thềm năm mới 2023’ :
‘Phải nói là dân trí Việt Nam và văn hóa chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn trong vài thập niên và chúng tôi đã góp phần chính cho bước tiến quyết định này, bước tiến mà trong lịch sử thế giới các dân tộc tiến bộ nhất cũng cần hàng thế kỷ. Trong lịch sử Việt Nam đã có triều đại nào, tổ chức nào tạo được một bước nhẩy vọt văn hóa lớn và lành mạnh như thế ? Chúng tôi đã đóng góp tích cực cho thành quả vĩ đại này mà không hề phản bội và lừa dối ai, không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho bất cứ ai. Chúng ta, những người dân chủ Việt Nam, đã thắng lớn về mặt tư tưởng và trong chính trị một thắng lợi về tư tưởng bao giờ cũng trở thành thắng lợi chính trị, chỉ còn vấn đề thời gian’.
Đó cũng là lý do để chúng ta có quyền và lạc quan tin vào tương lai của đất nước.
Xin chúc mừng năm mới tất cả mọi người.
Việt Hoàng
Tượng đài tưởng niệm những binh sĩ Gia Nã Đại chết trong Thế chiến 2 tại Vimy, tỉnh Pas de Calias, Pháp, năm 2013 - Ảnh minh họa
Nghĩ về một "sinh lộ cho dân tộc Việt" trong thế giới đầy cạm bẫy
"Sinh lộ cho dân tộc Việt" là một giải pháp toàn bộ, trình bầy thu gọn, dựa theo một số ý tưởng của các bậc nhân sĩ tiền bối như cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, cụ Hồ Hữu Tường, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, cụ Nguyễn Trung, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng cùng tài liệu Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (lẽ dĩ nhiên cá nhân người viết chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai lầm của mình).
"Sinh lộ cho dân tộc Việt" cũng là một đề nghị với Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường. "Sinh lộ cho dân tộc Việt" bao gồm những điểm chính như sau :
- Việt Nam là quốc gia ĐỘC LẬP
- Việt Nam là quốc gia theo chế độ TRUNG LẬP PHÁP LÝ
- Việt Nam là quốc gia theo chế độ DÂN CHỦ, TỰ DO
- Việt Nam là quốc gia theo CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
- Việt Nam là quốc gia theo CHỦ NGHĨA HÒA BÌNH
"Toàn bộ" có nghĩa tất cả những điểm trên đều liên hệ mật thiết với nhau, tạo thành "điều kiện ắt có và đủ" cho Sinh lộ.
Trước khi khai triển thêm cho rõ nội dung từng chủ điểm phải nhấn mạnh, chính người Việt Nam, chứ không phải ai khác, bằng sự khôn ngoan và quyết tâm sẽ thực hiện giải pháp "Sinh lộ cho Việt Nam".
Người Việt Nam ở đây là ai ? Xin trả lời : Là mọi người Việt Nam, có nghĩa không loại trừ ngay cả chính quyền cộng sản Việt Nam - "buông dao đồ tể xuống là thành Phật".
Thực ra, nếu chính quyền cộng sản hiện thời chấp nhận cùng với nhân dân Việt Nam làm mọi sự thay đổi cần thiết thì đó là trường hợp tối ưu, tiết kiệm được thì giờ và xương máu. Ngược lại không chịu "buông dao đồ tể", nhân dân Việt Nam bằng cách này hay cách khác phải đứng lên chấm dứt cái chính quyền phản dân, hại nước để thành lập một chế độ mới thực hiện mọi lý tưởng và chương trình đã định. Nếu tại Châu Âu, nhân dân Nga, Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Đông Đức, Romania, Bungaria, Albania, Ukraine có thể đứng lên chấm dứt các chế độ độc tài cộng sản, nếu tại Châu Á, nhân dân các nước Philippines, Indonesia có thể vùng dậy xóa bỏ chế độ độc tài hữu phái Marcos, Suharto thì tại sao nhân dân Việt Nam, một thời được ca tụng "đỉnh cao trí tuệ loài người", lại không thể làm được sự nghiệp tương tự trong những điều kiện còn thuận lợi hơn nhờ những tiến bộ vượt bực về kỹ thuật truyền thông trong thời đại mới ?
Con đường sống cổ truyền và an bình ở Việt Nam - Ảnh minh họa
Sau đây là nội dung từng chủ điểm :
1. ĐỘC LẬP có nghĩa không chấp nhận lệ thuộc, không chấp nhận sự xâm phạm chủ quyền quốc gia như chủ quyền lựa chọn thể chế, chủ quyền lựa chọn người lãnh đạo, chủ quyền lãnh thổ... Độc lập cũng có nghĩa duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh để tự vệ, một "sách lược quốc phòng toàn dân" sẵn sàng đánh bại, đẩy lui, làm sa lầy, vô hiệu hóa mọi xâm lấn và xâm lăng.
2. TRUNG LẬP PHÁP LÝ có nghĩa không những tuyên bố Trung Lập, cam kết không ngả về bên nào, cam kết đứng ngoài các tranh chấp quốc tế "gió tanh, mưa máu", không theo ai chống ai, không cho đặt căn cứ quân sự ngoại quốc trên lãnh thổ mà còn chính thức ghi chủ trương Trung Lập trong Hiến pháp mới, chấp nhận thanh sát quốc tế, chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc cũng như các cường quốc công nhận, ghi nhận và ủng hộ chính sách Trung Lập thành thực, đứng đắn của Việt Nam. Nói một cách khác Việt Nam sẽ thực hiện Trung Lập pháp lý giống như nước Thuỵ Sĩ, nước Áo.
Chủ trương Trung Lập pháp lý nhằm hóa giải mọi đe doạ nguy hiểm đối với sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ vị trí xung yếu của quốc gia Việt Nam ở Đông Nam Á, một địa điểm chiến lược quan trọng mà các đại cường quốc đều không muốn bỏ qua nên tìm cách tranh đoạt hoặc kiểm soát hoặc tìm cách lôi kéo, dẫn dụ Việt Nam đứng vào phe của họ chống lại phe khác. Chủ trương Trung Lập dựa trên kinh nghiệm xương máu của chính người Việt Nam và nhận định thiết thực là nước nhỏ liên minh với nước lớn chống lại một nước lớn khác thường "lợi bất cập hại" :
- Vì nhỏ, yếu nên hay bị nước lớn thù nghịch nắm đầu "đánh" trước, "trừng phạt" bằng mọi cách.
- Nếu các nước lớn không muốn đụng độ trực tiếp vì sợ dẫn đến chiến tranh nguyên tử tận diệt, nước nhỏ sẽ bị đẩy ra phía trước làm tốt thí và "chết như ruồi".
- Nếu "phe ta" thắng chiến lợi phẩm ngon lành nhất thuộc về đàn anh, đàn em chỉ còn phần xương xẩu.
- Nếu các nước lớn làm hoà, dàn xếp với nhau nước nhỏ sẽ bị bỏ rơi, bị làm vật đổi chác hoặc hy sinh "tế thần"...
Hiện thời Việt Nam là đối tượng tranh giành giữa Mỹ và Tầu. Mỗi nước đều có chính sách riêng đối với Việt Nam. "Thượng sách" của Tầu là duy trì nguyên trạng Việt Nam như một thuộc quốc, kiềm chế về mọi mặt, tha hồ chèn ép, thao túng. "Hạ sách"là phải bất lực ngồi nhìn Việt Nam xoay 180 độ, hoàn toàn theo Mỹ và để Mỹ sử dụng phá kế hoạch bành trướng của Tầu ở Đông Nam Á. Nếu Tầu không tiếp tục được thượng sách, không cam tâm chịu hạ sách thì phải đành chấp nhận Trung Sách là giải pháp không phải tốt nhất, nhưng cũng không phải xấu nhất (not so good but not so bad either !) : một Việt Nam Trung Lập, không theo Tầu nhưng cũng không theo Mỹ để làm hại những quyền lợi chính đáng của Tầu.
Mặt khác, thượng sách của Mỹ là Việt Nam trở thành "đồng minh chiến lược gọi dạ bảo vâng" của Mỹ, hạ sách là Việt Nam là "chư hầu gọi dạ bảo vâng" của Tầu. Mỹ không thực hiện nổi thượng sách, không thể chấp nhận hạ sách thì trung sách "Việt Nam Trung Lập" lại chính là giải pháp tốt nhất cho Mỹ trong điều kiện hiện tại. Việt Nam không theo Mỹ nhưng Việt Nam cũng không theo Tầu để làm hại những quyền lợi chính đáng của Mỹ. Nếu Mỹ có nhiều lý do hơn để chấp nhận và ủng hộ Việt Nam Trung Lập thì Tầu dù có ít lý do hơn cũng bị đặt trong vị thế khó có thể bài bác hay chống đối. Trước công luận thế giới Tầu bài bác, chống đối một nước Việt Nam Trung Lập trên căn bản gì ? Tầu hoàn toàn không có chính nghĩa nếu phủ nhận quyền sống và ý nguyện của Dân Tộc Việt Nam ! Một cường quốc có tham vọng làm bá chủ thế giới dù độc địa đến đâu cũng phải giữ gìn bộ mặt nhân nghĩa !
3. DÂN CHỦ TỰ DO có nghĩa :
- Nước Việt Nam từ bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa độc tài cộng sản, mác xít - lê nin nít.
- Chủ quyền đất nước thực sự thuộc về toàn dân.
- Chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
- Công nhận quyền tư hữu.
- Thượng tôn luật pháp.
- Tôn trọng nhân quyền.
- Mọi người bình đẳng trước luật pháp về quyền lợi và nghĩa vụ.
- Các quyền tự do căn bản được long trong công nhận và thực thi như : tự do bầu cử, ứng cử, tự do tôn giáo, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do kinh doanh và tự do làm những điều mà luật pháp không cấm.
- Chính quyền được tổ chức theo lối tam quyền phân lập (balances and checks) với nhiệm kỳ rõ rệt.
...
Cần nói thêm thể chế Dân Chủ Tự Do với nội dung như trên, đặc biệt với một nền báo chí tự do, sự hiện diện của các đảng đối lập, sự phân quyền... chính là những bảo đảm cho chính sách Trung Lập có ghi trong Hiến pháp của quốc gia Việt Nam sẽ được thi hành một cách nghiêm chỉnh trước sự phán xét của công luận quốc tế và quốc nội. Đó là lý do tại sao chính sách Trung Lập thực sự phải song hành với chế độ Dân Chủ Tự Do chứ không thể song hành với một chế độ độc tài ngồi xổm trên luật pháp của chính mình, làm quyết định trong bóng tối, nay thế này, mai thế khác, nói một đằng làm một nẻo, không ai có thể kiểm soát và không ai tin tưởng.
4. CHỦ NGHĨA XÃ HỘI là chủ nghĩa xã hội dân chủ tự do theo mẫu mực các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, không phải loại chủ nghĩa xã hội tai hại kiểu độc tài cộng sản. Chủ nghĩa xã hội áp dụng ở Việt Nam có 2 mục đích chính :
- Thực hiện một xã hội nhân bản, hướng tới sự bình đẳng một cách tích cực nhưng ôn hoà như tái phân phối lợi tức giữa các thành phần xã hội bằng các biện pháp thuế khoá, bảo đảm các an sinh xã hội, quy định mức lương và mức lợi tức tối thiểu, quốc hữu hóa các ngành hoạt động trọng yếu, giảm bớt tối đa sự phân cách giầu nghèo như tình trạng hiện tại trong đó khoảng 5% dân số có đặc quyền đặc lợi chiếm hết 90% của cải, tài sản của toàn xã hội, 95% dân số sống khốn cùng chia nhau 10% còn lại.
- Gây dựng lại tình liên đới, đoàn kết trong nhân dân cùng với lòng yêu nước, ý chí muốn bảo vệ tổ quốc thân yêu bấy lâu bị sa sút trầm trọng vì độc tài, tham nhũng, áp bức, dối trá, bóc lột, đạo đức giả ...
5. CHỦ NGHĨA HÒ BÌNH có nghĩa Việt Nam theo đuổi một chính sách thân hữu, cởi mở với mọi quốc gia trên thế giới đặc biệt là các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Nga và 3 nước láng giềng có chung biên giới là Lào, Cao Miên, Trung Quốc bất kể có hay không sự khác biệt về thể chế chính trị. Việt Nam cam kết "sống chung hoà bình", cam kết giải quyết mọi bất đồng một cách ôn hoà, công bằng và theo chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Mùa thu 2015
Cao Tuấn
Nguồn : Boxitvn, 2015
"Chết tiệt cộng sản" là cụm từ nguyền rủa mọi người đểu biết, không cần phải ba điều bốn chuyện, giải thích dài giòng, lê thê văn tự, thế nhưng "chết tiệt tương lại" thì có thể gây hiểu lầm nên cần phải nói cho rõ, bởi hai chữ "tương lai", cho dù không hề viết hoa, ngó bộ "hơi bị" giống bút hiệu hay nick name của một ông giáo sư xã hội học trong nước. Hai chữ tương lai ở đây, người viết chỉ muốn nói đến những chuyện chưa, nhưng có thể xẩy ra trong thời gian sắp tới, nôm na theo tiếng nước ngoài là phiu-chơ-rờ (future). Không hề có ý ám chỉ ai hay vật thể, sự việc nào hết.
Ảnh minh họa : Tượng Lenin bị đập đổ. Nguồn : internet
Theo sự hiểu biết hạn hẹp, đựng không đầy chai dầu xanh Con Ó (đâm), kiến văn ít ỏi như vài hạt cát trong sa mạc Sahara, chữ nghĩa viết ra không đầy cái lá mít (đặc) của người viết thì lịch sử chưa bao giờ có chữ "nếu". Mja ! Thuở còn mài đủng quần ở trung học, ông thầy Ng, dậy triết và Việt văn, mỗi khi vào lớp, bắt đầu giảng bài thường hỏi lớn : Triết học là gì ?
Lần đầu tiên hỏi, cả lớp ngồi im thin thít, mấy thằng con nít mặt búng ra sữa ngó nhau, đếch có thằng nào dám lên tiếng. Sau vài phút yên lặng, thấy không có thằng nào dám trả lời, ông thầy cầm phấn trắng viết lên bảng (đen) xì mấy chữ to đùng như voi – Triết là Biết, Triết học là Học Để Biết.
Cả lớp khoảng 40 thằng nhóc, 15-16 tuổi gật gù, rù rì trao đổi với nhau, ra điều đã thấm nhuần "Con đường Kách Mệnh". Ông thầy dùng giẻ xóa mấy chữ vừa viết, tương lên mấy chữ mới – Nhưng Biết Cái Gì mới được ? Một cái dấu hỏi to chần dần theo sau.
Đúng là tra tấn học trò không gươm, không giáo, hỏi chi mà ác đạn vậy trời ? Biết mẹ gì ? Bài vở toán, lý hóa, vạn vật, sinh ngữ Anh, Pháp, … bù đầu, bù cổ, thì giờ đâu suy nghĩ để biết cái gì là cái gì ?
Tuổi 15-16 là tuổi hồng, mới lớn, tuổi sau giờ học ựa cơm, xin (hoặc chôm) tiền ông bà già đi ăn chơi, tập tành uống cà phê, hút thuốc lá, hẹn hò, ci-nê-ma… làm sao có suy nghĩ để biết và cần biết cái gì ? Cả lớp lại ngồi im như ngậm hột thị.
Thế là thầy Ng thao thao giảng bài… Triết là biết ? Biết gì ? Biết cư xử nhân hậu, biết giữ gìn văn hóa, biết yêu nước, thương dân, biết phân biệt bạn thù, biết vận dụng lý trí, nhận định, tổng hợp sự kiện để hiểu đâu là chính, đâu là tà…
Ấy thế mà, những lời giảng sau đó của thầy Ng cũng dần dần thấm vào những cái đầu, đa số chân chất, ngây thơ, trở thành hành trang ứng xử với xã hội, với đời sau này của đám học trò. Nói là đa số vì trong đám trẻ mới lớn đó cũng có những cái đầu ngồi nghe nhưng không chịu hoặc không thể tiếp thu những lời giảng của thầy Ng. Nhưng thôi, đó là chuyện sẽ nói trong dịp khác.
Bước chân vào đời chỉ được vài năm thì miền Nam rơi vào tay cộng sản. Triết học nhân bản bị xóa xổ bởi một nền tảng triết học hoang tưởng mà căn bản lý luận ngược với thực tế xã hội và sự tiến hóa của nhân loại.
Xã hội bị đảo lộn, nền giáo dục nhân bản, văn hóa dân tộc bị xóa bỏ để thay thế bằng một loại văn hóa cuồng tín, man rợ. Chỉ cần quan sát vài sự kiện, dễ dàng nhận thấy sự tiến hóa ngược chiều trong xã hội Việt Nam hiện nay. Thế nhưng đa số người Việt Nam, dường như rất ít đọc sách, không thích triết học, nên thường không có suy nghĩ, tìm hiểu về sự kiện, dẫn tới việc không chịu suy luận để tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, cho nên thường hay hành xử tự cao, tự đại hoang tưởng hay theo tâm lý bầy đàn.
Người ta dễ dàng ồn ào, xúm xít vào chửi bới Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền về đề xuất thay đổi cách viết tiếng Việt với công trình nghiên cứu có tính "hàn the", xin lỗi nói lộn "hàn lâm", nhưng lại không hề quan tâm bàn bạc, có ý kiến để đưa tới hành động phản đối vụ bộ Tài-Môi chính thức cho công ty Formosa xả thải quá mức quy định. Nếu hỏi những người đã nhao nhao phản đối, sỉ nhục ca sĩ Mai Khôi vì cô cầm tấm biểu ngữ "Piss (Peace) on you Trump" – có biết ngày nào xử phúc thẩm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không ? Số người trả lời được chắc không nhiều.
Hơn 72 năm ở miền Bắc, 42 năm trên cả nước, chế độ cộng sản đã thuần hóa dân tộc Việt Nam thành một giống dân bạc nhược, hèn hạ. Hãy quan sát những người lái xe "tham gia giao thông" đúng luật lệ, khi bị cảnh sát giao thông chận lại vòi tiền phạt không có lý do, bao nhiêu người sẵn sàng nộp phạt một nửa số tiền quy định để được thoát đi nhanh chóng, bao nhiêu người dám phản đối ?
Tương tự như vậy, bao nhiêu người dân dám công khai phổ biến trên mạng xã hội như facebook, chuyện các cán bộ viên chức ở công an, phường, xã đòi nguyên tắc "đầu tiên" khi cấp hay thị thực một giấy tờ, văn bản hành chánh như khai sinh, khai tử, sang nhượng, buôn bán… ? Chỉ cần 5-70 người trong một phường, xã cương quyết không đút lót viên chức, cán bộ chính quyền cấp văn bản thị thực hành chánh lên tiếng thì liệu những viên chức đó có dám tiếp tục mèo nheo, đòi hỏi quà cáp, tiền bạc lót tay ?
Với suy nghĩ đơn giản xuề xòa, dễ dãi lẫn ích kỷ, dĩ hòa vi quý, miễn sao cho xong việc mình là tốt… thấm dần vào máu, tạo nên tâm lý hèn hạ, việc gì cũng phải xin xỏ, năn nỉ, đút lót, bôi trơn. Cả một đất nước vận hành theo nguyên tắc đó, từ trong nội bộ đảng, chính quyền ra đến môi trường giao dịch trong xã hội trở thành văn hóa Xin-Cho. Hiến pháp trở thành trò hề khi đảng cộng sản ngồi xổm lên trên và thoải mái ỉa, đái vào văn bản pháp lý có giá trị cao nhất nước.
Từ chuyện nhỏ dẫn tới chuyện lớn. Formosa xả thải tàn phá môi trường, gây thảm họa môi sinh kéo dài trên 240 km dọc bở biển Việt Nam, hàng trăm ngàn hộ dân mất sinh kế, hàng triệu người bị ảnh hưởng, bao nhiêu người tham gia biểu tình chống lại sự tàn phá môi trường, đòi đóng cửa Formosa ? Chỉ thấy kêu gào, than khóc thay vì tập họp lại, đứng lên áp lực, đòi hỏi quyền lợi, yêu cầu chế độ, chính quyền có bổn phận, trách nhiệm giải quyết thảm họa với những kế hoạch, chính sách an dân lâu dài.
Nếu mỗi hộ dân bị mất ngư trường hành nghề chỉ cần cử một người đi biểu tình, kiên quyết đòi đóng cửa Formosa, cộng với sự tiếp sức của những người dân quan tâm ở nơi khác, con số sẽ lên đến hàng trăm ngàn hoặc hơn. Liệu chế độ mafia cộng sản Việt Nam có dám đàn áp như Thiên An Môn năm 1989 ? Câu trả lời còn bỏ ngỏ nhưng ít nhất nó biểu lộ suy nghĩ chững chạc, trưởng thành của một dân tộc, ý thức được quyền sống, quyền được làm người của mình.
Tiếc thay ! Lịch sử không có chữ "nếu" hay "giá mà". Một ông già gần đất, xa trời mang hàm giáo sư, đọc thiên kinh, vạn quyển còn chưa thấu hiều được nguồn gốc tai họa của đất nước, vẫn ngồi mơ mộng "giá mà", thì trách chi người dân chỉ rên rỉ, khóc than cho số phận hay thờ ơ trước biến động xã hội.
"Giá mà" cái gì ? Giá mà lúc này có được bản lãnh và tầm nhìn như Sáu Dân, Võ Văn Kiệt như ông giáo sư Tương Lai mơ ước. Mja ! Có thì sao, không có thì sao ? Một đất nước với 93 triệu dân u mê, trì trệ, bạc nhược, yếu đuối sau hơn 72 năm cai trị của cộng sản thì một trăm Sáu Dân cũng chẳng làm nhúc nhích, chuyển động được đất nước theo chiều ngược lại với hiện trạng hôm nay. Làm ơn (và làm phước) nhìn lại lịch sử một chút đi. Ai dâng Hoàng Sa cho Trung Quốc ? Tài ba, thông minh, thao lược như Hồ Chí Minh còn phải bán đi hòn đảo chiến lược để đổi lấy vũ khí, quân lương đánh chiếm miền Nam thì cỡ như Sáu Dân làm được gì ?
Cũng đừng đơn giản cho rằng đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc bởi trên thực tế chế độ cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Không tin ư ? Hãy nhìn lại xem và nhìn cho kỹ. Từ kinh tế đến quân sự, văn hóa, thực phẩm…, từ mầu sắc tà áo dài trong cuộc thi hoa hậu, đến tấm bảng hiệu cho cửa tiệm, bộ quân phục của người lính Quân đội nhân dân… có y chang như Trung Quốc không ? Ngoài ra, nếu để ý sẽ thấy, mỗi lần họ Tập hắt hơi thì bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam co rúm lại vì sợ hãi. Đừng quên rằng, bất cứ một động thái nào để bắt tay với Mỹ đều phải được phép của Trung Nam Hải.
Hơn nữa, hãy so sánh tổng sản lượng quốc gia của hai nước năm 2016, GDP của Trung Quốc (11.200 tỉ USD) gấp hơn 55 lần GDP của Việt Nam (202,6 tỉ) , một sự chênh lệch quá sức lớn lao. Do đó, nhận định rằng Việt Nam đến năm 2020 sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc ngó bộ hơi xa xỉ. Dân số Trung Quốc đang gần 1,4 tỉ, nó cần gì cộng thêm 93 triệu nữa để nuôi cho thêm mệt ? Sát nhập Việt Nam vào thành một tỉnh của mình, Trung Quốc hoàn toàn không được lợi gì ngoài chuyện ôm thêm một cục nợ to tổ chảng cùng với một số dân chỉ giỏi khôn vặt, láu cá, đến cái bắt chước cũng chẳng ra hồn.
Có đi ăn cướp thì chẳng ai dại tấn công vào nhà thằng nghèo, khố rách, áo ôm, nợ như chúa chổm, phải quỵ lụy ăn xin khắp nơi. Quỷ quyệt, tinh ma như Tập Cận Bình chỉ cần giữ cho chế độ cộng sản Việt Nam đừng sụp đổ, thỉnh thoảng tiếp cho tí máu, mua chuộc đám lãnh đạo Việt Nam bằng một ít tiền đút lót, thế là dễ dàng điểu khiển, giật dây, biến Việt Nam thành cái bãi rác khổng lồ, tha hồ trút bỏ đồ phế thải như hóa chất độc hại, rác nguyên tử, rác bệnh viện… đồng thời là nơi tiêu thụ sản phẩm hạng hai như than đá, sắt thép, đầu máy xe điện… với giá trời ơi đất hỡi, chẳng nước nào dám mua. Ngoài ra Việt Nam còn là nhà máy đóng gói, thay đổi bao bì sản phẩm, để có thể dễ dàng chui lọt qua cửa khẩu hải quan của những nước mà hàng hóa mang nhãn hiệu Made in China bị cấm tuyệt. Vừa giản tiện, ít tốn kém, lại không phải lo lắng mà cũng không mang tiếng nước lớn "bá quyền" đánh chiếm nước nhỏ.
Vậy tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu ? Đi về đâu nữa ? Đó là tương lai chết tiệt chứ ở đó mà "nếu" với "giá mà".
Thạch Đạt Lang
Nguồn : Tiếng Dân, 30/11/2017
Hội nghị trung ương 6 khai mạc sáng nay, "nhiều vấn đề rộng lớn, cơ bản và cấp bách" sẽ được bàn luận.
Việt Nam hiện nay đã bị lệ thuộc quá sâu sắc về kinh tế với các nước Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc và Đài Loan - Ảnh minh họa
Nhiều vấn đề "rộng lớn, cơ bản và cấp bách" là vấn đề gì vậy ?
Theo tôi thì ngoài việc làm thế nào để "bảo vệ đảng" là là việc cơ bản, lớn lao và cấp bách nhứt thì không có việc gì khác.
Việt Nam hiện nay đã bị lệ thuộc quá sâu sắc về kinh tế với các nước Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc và Đài Loan. Cuộc chiến Nam-Bắc Hàn, bên nào thắng thì Việt Nam cũng thua sặc gạch.
Cuộc chiến xảy ra, dĩ nhiên lao động Việt Nam ở Nam Hàn sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Việt Nam sẽ mất số thu nhập khoảng 1/2 tỉ đô một tháng. Nếu tính luôn ở Đài Loan và Nhật, con số có thể lên khoảng 2 tỉ một tháng.
Nếu Nam Hàn thắng và "thống nhứt" bán đảo Triều Tiên, kinh tế Việt Nam cũng sẽ "sụp" vì nhân công Bắc Hàn quá đông và rẻ, các tập đoàn như Samsung... sẽ rút Việt Nam để chuyển về nước. Đài Loan và Nhật rồi cũng sẽ thải bớt nhân công Việt Nam, vì nhân công Bắc Hàn sẽ rẻ hơn. Hai nước này cũng sẽ rút các xí nghiệp ở Việt Nam về để đầu tư ở Bắc Hàn.
Vì vậy những vấn đề "rộng lớn, cơ bản và cấp bách" không loại trừ chiến tranh Nam-Bắc Hàn. Việt Nam sẽ có vai trò nào trong cuộc chiến này ?
Theo tôi, đảng cộng sản Việt Nam sẽ gởi "chí nguyện quân" sang Nam Hàn và Nhật để giữ "quyền lợi" của đảng.
Nhưng điều cần nhấn mạnh là, các cuộc chiến hiện đại luôn đặt vấn đề là "ai trả tiền cho cuộc chiến" ?
Các đại quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga... mặc cả, so kè với nhau để "chia miếng bánh". Ai cũng muốn miếng lớn, hay ít nhứt, là không bị thiệt thòi.
Theo tôi, chỉ bọn giàu mới có khả năng trả nợ chiến tranh. Nhứt là bọn giàu nhưng không có võ.
Chiến trường ta đã biết. Nam hoặc Bắc Hàn. Bọn giàu (không có võ) là Nhật.
Vì vậy có nhiều khả năng Nhật và Nam Hàn sẽ phải "trả nợ" cho cuộc chiến.
Việt Nam gởi "chí nguyện quân" sang giúp Nam Hàn và Nhật thì cũng không thể bảo vệ "sân sau" của mình.
Cuộc chiến này rốt cục chỉ có Trung Quốc là lợi.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 04/10/2017