Giáo sư Hoàng 'buồn nhưng chấp nhận sự thật' (BBC, 25/06/2017)
Đáp xuống sân bay Charles de Gaulle, Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói rằng ông "buồn nhưng chấp nhận sự thật vì không còn chọn lựa nào khác".
Chuyến bay chở ông Phạm Minh Hoàng (giữa) đáp tại sân bay Charles de Gaulle, Pháp sáng 25/6
Ông Hoàng bị trục xuất khỏi Việt Nam ngay trong đêm 24/6, trên chuyến bay hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Paris của Vietnam Airlines.
Giáo sư Hoàng, người mang song tịch Việt Nam và Pháp, nói rằng ông được Đại Sứ quán Pháp thông báo tin bị trục xuất vào đầu tháng 6/2017.
Tháng 3/2016, vị giáo sư từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã bị câu lưu tại Thành phố Hồ Chí Minh do tổ chức lớp học về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến pháp.
Hôm 25/6, trong số những người ra đón ông Hoàng tại sân bay ở Paris có Đặng Xuân Diệu, cựu tù nhân lương tâm, người bị Việt Nam "cho đi chữa bệnh" hồi tháng 1/2017.
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt qua điện thoại từ sân bay Charles de Gaulle, Pháp, ông Phạm Minh Hoàng nói : "Có ba nhân viên an ninh đi theo tôi từ Tân Sơn Nhất đến tận sân bay ở Paris".
"Khi về Pháp, trong người tôi không có hộ chiếu Việt Nam hay Pháp, mà chỉ có một tờ giấy mà an ninh Việt Nam gọi là "giấy quá cảnh".
'Như một con vật'
Cảm giác bây giờ của tôi là rất buồn nhưng chấp nhận sự thật vì biết mình không còn chọn lựa nào khác".
"Giờ thì những nỗ lực đấu tranh của tôi cũng như của mọi người trên mạng, của luật sư và của các tổ chức đã không thành".
"Nhưng tôi biết rằng con đường của mình còn dài, ở nơi nào thì tôi cũng có thể đấu tranh cho nhân quyền và dân tộc".
Ông Phạm Minh Hoàng (phải) và Đặng Xuân Diệu ở sân bay Charles de Gaulle
Ông cũng kể thêm : "Đêm 23/6, tôi đang ở nhà riêng, mặc quần đùi, áo lá thì bị an ninh lôi ra khỏi nhà như một con vật và tống lên xe chuyển đến một trại giam ở tỉnh Long An".
"Sau đó, người của Tổng lãnh sự quán Pháp đến gặp tôi và thông báo rằng những nỗ lực pháp lý của họ đã không thành trong việc ngăn quyết định trục xuất đối với tôi".
"Họ nói trước sau thì tôi cũng phải lên máy bay về Pháp".
"Trong trại giam, an ninh cũng đe dọa sẽ có những biện pháp gây ảnh hưởng đến đời sống của vợ con tôi ở Việt Nam".
Giáo sư nói thêm rằng trước mắt, ông sẽ về nhà chị, em ruột đang sống ở Paris.
Đề cập về mối liên hệ với đảng Việt Tân, ông Phạm Minh Hoàng nói với BBC : "Tôi bị kết án là theo Việt Tân, là thành viên của một tổ chức bị ghép tội khủng bố".
"Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mình làm gì chứ không phải mình là ai".
Trước đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người được ông Hoàng nhờ trợ giúp pháp lý trong vụ này, nói với BBC rằng "quyết định tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng là vi luật".
Hôm 15/6/2017, trả lời truyền thông quốc tế về trường hợp của ông Hoàng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói : "Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam".
Thông cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi hôm 25/6 cho biết : "Với việc tước đoạt quyền công dân của ông Phạm Minh Hoàng và buộc ông phải lên máy bay sang Pháp, Hà Nội có hành vi vi phạm công khai và đáng bị lên án trên toàn thế giới".
"Với Việt Nam, hành động chưa có tiền lệ và gây sốc này vượt qua lằn ranh đỏ về quyền tự do ngôn luận, quyền quốc tịch, và thực thi các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản".
"Không ai có thể chấp nhận việc Việt Nam có thể tước quốc tịch công dân nước họ đối với những người biểu lộ quan điểm chính trị không theo ý của đảng Cộng sản cầm quyền".
************************
Ông Phạm Minh Hoàng 'đã bay chuyến 23g30' ra khỏi Việt Nam (VOA, 25/06/2017)
Việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng là điều "không thể tránh khỏi", vợ ông cho biết như vậy sau cuộc gặp với người đứng đầu tổng lãnh sự quán Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Minh Hoàng sau phiên xử năm 2011.
Bà Lê Thị Kiều Oanh viết trên trang Facebook cá nhân hôm 24/6 rằng bà đã tới gặp "ông tổng lãnh sự" vì "quá nóng ruột".
Theo bà Oanh, quan chức ngoại giao này nói rằng việc trục xuất nhà giáo là thành viên Đảng Việt Tân "là điều không thể tránh khỏi" vì ông Hoàng "không còn quốc tịch Việt Nam và là công dân Pháp thì chính phủ Pháp có trách nhiệm phải nhận công dân của mình bị trục xuất".
Vợ của nhà bất đồng chính kiến từng có song tịch Việt Nam và Pháp hôm 23/6 cho VOA Việt Ngữ biết rằng chồng mình đã bị "lôi ra khỏi nhà" và bà được thông báo rằng ông Hoàng "sẽ bị trục xuất" vào ngày 24/6.
Tuy nhiên, tới tối ngày 24/6, chưa rõ ông Hoàng đã bị trục xuất về Pháp hay chưa. Chính quyền và báo chí Việt Nam cũng không thấy đưa thông tin về vụ này.
Bà Oanh cho hay, ông Tổng lãnh sự Pháp cũng "không biết chính xác khi nào thì anh Hoàng bị lưu đày".
Gia đình nhà giáo Phạm Minh Hoàng.
Theo vợ ông Hoàng, nhà ngoại giao này cho biết "sẽ đi thăm anh Hoàng vào đầu giờ chiều [ngày 24/6] ở nơi tạm giữ dành cho người chuẩn bị trục xuất" và ông "có thiện chí cho người đưa tôi về và lấy vài bộ đồ cho anh Hoàng".
"Ông ấy nói rằng chính phủ Pháp không có quyền phê phán hay can thiệp vào nội bộ Việt Nam nhất là về luật pháp", bà Oanh kể lại.
VOA Việt Ngữ hôm 23/6 đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Pháp cũng như Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Pháp ở Việt Nam, nhưng tới ngày 24/6 vẫn chưa nhận được phản hồi.
"Vậy là vợ chồng tôi chia cắt thật sự rồi sao ? Tôi không thể chối bỏ sự đau buồn tột độ của tôi lúc này", bà Oanh viết trên Facebook.
Trả lời báo chí về vụ tước quốc tịch ông Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nói rằng việc làm đó "hoàn toàn theo đúng pháp luật Việt Nam".
Bà Hằng nói rằng ông Hoàng đã "vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia", nhưng không nói rõ về các cáo buộc này.
Tuy nhiên, trả lời VOA Việt Ngữ trước khi bị bắt, ông Hoàng nói rằng hành động của chính quyền nhằm "trả thù" các hoạt động cổ xúy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của Đảng Việt Tân, tổ chức Hà Nội từng nhiều lần lên án.
Cập nhật :
Gần nửa đêm 24/6, bà Oanh cho biết rằng chồng bà đã "bay chuyến 23h30 tối nay của hãng hàng không Vietnam Airlines".
Đảng Việt Tân sau đó cũng ra một thông cáo, trong đó nói rằng đảng viên của họ "đang trên đường tới Pháp, và dự kiến sẽ hạ cánh tại phi trường Charles de Gaulle vào sớm Chủ Nhật, giờ địa phương".
********************
‘Pháp không thể can thiệp’ vụ trục xuất ông Hoàng ? (VOA, 24/06/2017)
Việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng là điều "không thể tránh khỏi", vợ ông cho biết như vậy sau cuộc gặp với người đứng đầu tổng lãnh sự quán Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Minh Hoàng sau phiên xử năm 2011.
Bà Lê Thị Kiều Oanh viết trên trang Facebook cá nhân hôm 24/6 rằng bà đã tới gặp "ông tổng lãnh sự" vì "quá nóng ruột".
Theo bà Oanh, quan chức ngoại giao này nói rằng việc trục xuất nhà giáo là thành viên Đảng Việt Tân "là điều không thể tránh khỏi" vì ông Hoàng "không còn quốc tịch Việt Nam và là công dân Pháp thì chính phủ Pháp có trách nhiệm phải nhận công dân của mình bị trục xuất".
Vợ của nhà bất đồng chính kiến từng có song tịch Việt Nam và Pháp hôm 23/6 cho VOA Việt Ngữ biết rằng chồng mình đã bị "lôi ra khỏi nhà" và bà được thông báo rằng ông Hoàng "sẽ bị trục xuất" vào ngày 24/6.
Tuy nhiên, tới tối ngày 24/6, chưa rõ ông Hoàng đã bị trục xuất về Pháp hay chưa. Chính quyền và báo chí Việt Nam cũng không thấy đưa thông tin về vụ này.
Bà Oanh cho hay, ông Tổng lãnh sự Pháp cũng "không biết chính xác khi nào thì anh Hoàng bị lưu đày".
Gia đình nhà giáo Phạm Minh Hoàng.
Theo vợ ông Hoàng, nhà ngoại giao này cho biết "sẽ đi thăm anh Hoàng vào đầu giờ chiều [ngày 24/6] ở nơi tạm giữ dành cho người chuẩn bị trục xuất" và ông "có thiện chí cho người đưa tôi về và lấy vài bộ đồ cho anh Hoàng".
"Ông ấy nói rằng chính phủ Pháp không có quyền phê phán hay can thiệp vào nội bộ Việt Nam nhất là về luật pháp", bà Oanh kể lại.
VOA Việt Ngữ hôm 23/6 đã gửi email tới Bộ Ngoại giao Pháp cũng như Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Pháp ở Việt Nam, nhưng tới ngày 24/6 vẫn chưa nhận được phản hồi.
"Vậy là vợ chồng tôi chia cắt thật sự rồi sao ? Tôi không thể chối bỏ sự đau buồn tột độ của tôi lúc này", bà Oanh viết trên Facebook.
Trả lời báo chí về vụ tước quốc tịch ông Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 15/6 nói rằng việc làm đó "hoàn toàn theo đúng pháp luật Việt Nam".
Bà Hằng nói rằng ông Hoàng đã "vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia", nhưng không nói rõ về các cáo buộc này.
Tuy nhiên, trả lời VOA Việt Ngữ trước khi bị bắt, ông Hoàng nói rằng hành động của chính quyền nhằm "trả thù" các hoạt động cổ xúy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của Đảng Việt Tân, tổ chức Hà Nội từng nhiều lần lên án.
*******************
Cựu tù chính trị Phạm Minh Hoàng bị trục xuất (RFA, 24/06/2017)
Cựu tù chính trị, giảng viên Phạm Minh Hoàng bị cưỡng bức đi Pháp vào khuya ngày thứ bảy 24 tháng 6 ; trên chuyến bay VN011 của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Cựu tù chính trị, giảng viên Phạm Minh Hoàng. Courtesy photo
Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ của ông Phạm Minh Hoàng xác nhận tin vừa nêu với Đài Á Châu Tự Do lúc 0 giờ 30 ngày 25 tháng 6, giờ Việt Nam. Theo đó thì chuyến bay đưa ông Phạm Minh Hoàng đi Pháp cất cánh lúc khoảng 23 :30 ngày 24 tháng sáu.
Gia đình được biết tin vào giờ phút chót nên không thể gặp được ; mặc dù từ buổi chiều ông tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn có cho gia đình biết là ông Phạm Minh Hoàng cần một số vật dụng cá nhân như laptop, cặp táp, sách, áo quần và gia đình cung cấp đầy đủ những vật dụng theo yêu cầu thông qua Tổng Lãnh Sự Pháp.
Bà Lê thị Kiều Oanh còn cho biết thêm thông tin là ông Phạm Minh Hoàng được gặp luật sư đại diện cho ông là luật sư Đặng Đình Mạnh vào lúc 22 giờ ngày 24 tháng sáu ; ngay trước chuyến bay nhờ sự can thiệp từ phiá Pháp.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói lại với bà Lê thị Kiều Oanh là ông Phạm Minh Hoàng nhắn sẽ sớm gặp lại luật sư đại diện cho ông trong vụ việc bị Hà Nội tước quốc tịch Việt Nam và cưỡng bức, trục xuất ông sang Pháp.
Bà Lê Thị Kiều Oanh cho rằng biện pháp cưỡng bức , trục xuất chồng bà sang Pháp là hành vi phạm pháp và vô nhân đạo.
Đảng Việt Tân, trụ sở chính tại Hoa Kỳ, mà ông Phạm Minh Hoàng là một thành viên tham gia, ngay sau khi ông này bị trục xuất đi Pháp ra thông cáo báo chí lên án biện pháp mà nhà cầm quyền Hà Nội ra tay với ông Pham Minh Hoàng.
Theo thông cáo của Đảng Việt Tân thì dự kiến chuyến bay đưa ông Phạm Minh Hoàng đi Pháp sẽ đáp xuống sân bay Charles de Gaulle vào sáng chủ nhật 25 tháng 6, theo giờ địa phương.
Cựu tù chính trị, giảng viên Phạm Minh Hoàng bị cưỡng bức, trục xuất sang Pháp khi ở nhà tại Sài Gòn ông còn vợ là bà Lê Thị Kiều Oanh, đứa con gái, và một người anh bị thương tật.
Vừa qua khi bị báo giới chất vấn về biện pháp tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời là vì ông này vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó thì bản thân ông Phạm Minh Hoàng, gia đình, thân hữu đều cho rằng ông không có làm điều gì trái với Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.
Quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng do ông chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ký hồi ngày 17 /5 vừa qua. Đến đầu tháng sáu ông Phạm Minh Hoàng mới được Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn thông báo về quyết định đó.
Ngay sau khi biết được tin, ông Phạm Minh Hoàng có phản ứng và làm đơn khiếu nại ; nhưng đơn chưa được giải quyết thì vào ngày 23 tháng 6, công an đến cưỡng bức ông về cơ quan chức năng và đến đêm 24 tháng 6 ông bị đưa lên máy bay đi Pháp.
*********************
Tổng Lãnh sự Pháp 'gặp' ông Phạm Minh Hoàng (BBC, 24/06/2017)
Ông Phạm Minh Hoàng đã được Tổng Lãnh sự Pháp thăm gặp hôm 24/6/2017, theo vợ ông, bà Lê Thị Kiều Oanh.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng, cựu tù nhân chính trị, người bị chính quyền Việt Nam bắt đi tại nhà riêng hôm thứ Sáu để trục xuất đã được Tổng lãnh sự Pháp thăm gặp hôm thứ Bảy, theo vợ của ông.
Trao đổi với BBC hôm 24/6/2017, bà Lê Thị Kiều Oanh cho hay quan chức ngoại giao cao nhất của Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng ngày đã được phía Việt Nam cho phép gặp để tiếp xúc lãnh sự với ông Hoàng tại một địa điểm không tiết lộ trước, dành cho người nước ngoài bị tạm giam giữ trước khi bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Vợ của nhà hoạt động, cựu giảng viên toán ở đại học tại Sài Gòn, cũng cho biết bà đã gặp trực tiếp ông Tổng Lãnh sự và nhờ ông gửi vài bộ quần áo cho chồng, do khi bị bắt đi từ tư gia, trước sự hiện diện của vợ con, ông Hoàng chỉ mặc trên người một bộ đồ quần soóc và áo thun, mặc dù ông đã đề nghị được thay đồ.
"Tôi tự ý đến tòa Tổng Lãnh sự, đây là một việc làm hơi đường đột là vì hôm nay thứ nhất là ngày thứ Bảy, là ngày cuối tuần và tôi không hề có hẹn trước. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ông (Tổng Lãnh sự) cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của tôi", bà Kiều Oanh nói với BBC từ Sài Gòn.
"Và khi tôi tới, ông rất là bận việc, hình như ông đang làm công văn nào đó, cho nên ông đề nghị tôi chờ... Tới gần hơn 12h30 thì ông tiếp tôi, điều đầu tiên ông báo cho tôi một tin vui là đầu giờ chiều ông sẽ được vào thăm ông xã tôi.
"Ông nói rằng họ đang giữ chồng tôi ở một nơi gọi là tạm giam những người mà sắp bị trục xuất, tuy nhiên họ cũng không nói rõ cho ông Tổng Lãnh sự địa chỉ, chỉ nói là đầu giờ chiều, khi ông Tổng Lãnh sự đi thì họ sẽ thông báo.
'Điều buồn nhất'
Vợ cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng nói về việc ông bị chính quyền bắt để trục xuất.
Bà Kiều Oanh nói với BBC điều làm bà buồn nhất là khi được nghe ông Tổng Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn nói việc chồng bà bị trục xuất là 'không thể tránh khỏi'.
"Sau đó ông lại cho tôi biết một cái tin phải nói là rất đau buồn, ông nói việc trục xuất chồng tôi thì không thể nào tránh khỏi", vợ ông Phạm Minh Hoàng nói tiếp.
"Là vì theo lời ông, chồng tôi đã bị nhà nước Việt Nam tước quốc tịch. Bây giờ chồng tôi chỉ còn là một công dân Pháp. Và khi nhà nước Việt Nam đề nghị trục xuất đề nghị trục xuất công dân của nước mình (Pháp), thì chúng tôi có bổn phận là phải nhận, về phương diện ngại giao thì không thể là không chấp nhận.
"Công dân của mình mà người ta trục xuất về mà không nhận thì về phương diện ngoại giao, nó không đúng nguyên tắc".
Và bà Kiều Oanh thuật tiếp cuộc gặp của bà với Tổng Lãnh sự Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh :
"Sau khi tôi cũng đem hết mọi lý do, mọi hoàn cảnh của gia đình tôi như thế nào để thuyết phục ông nghĩ lại, trao đổi lại với Bộ Ngoại giao Pháp về trường hợp của chồng tôi để xin là đừng trục xuất, tuy nhiên ông nói là ông không thể làm gì hơn vì đây là quyết định từ phía nhà nước Pháp gửi về cho ông.
"Cuối cùng..., ông nói là chiều nay ông đi thăm chồng tôi, nếu được, tôi gửi cho chồng tôi vài bộ đồ để chồng tôi không còn trong cảnh là mặc đồ ngắn như vậy, và lúc nãy tôi có nhận được một thông tin là sau khi ông đi thăm chồng tôi về, ông nói rằng là dù rằng biết là trục xuất, tuy nhiên không biết là lúc nào, mấy giờ, và ông nói là thấy rằng chồng tôi khỏe, tinh thần tốt".
Ông Phạm Minh Hoàng nói Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền nói ông có tội.
'Đúng pháp luật' ?
Thứ Năm tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời AFP, nói rằng việc tước quốc tịch Việt Nam đối với nhà giáo Phạm Minh Hoàng, người có song tịch Việt - Pháp, là 'đúng pháp luật'
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/6/2017, người phát ngôn Bộ này cũng nói với hãng tin Pháp rằng ông Hoàng đã 'phạm pháp' và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam.
"Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn nói.
Ông Phạm Minh Hoàng đã đưa ra bình luận với BBC hôm 16/6 :
"Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi rất ngạc nhiên bởi vì bà ta nói là tôi đã vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi phạm an ninh quốc gia, thì theo tôi được biết, bà Hằng là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, nghĩa là một cơ quan hành pháp.
"Bà ta không có thẩm quyền để kết tội tôi, kết tội tôi chỉ có tòa án và chỉ có tòa án có thể nói tôi có tội, hay không có tội mà thôi. Thứ hai nữa mà bảo là các trình tự tước quốc tịch của tôi là đúng pháp luật, tôi không hiểu bà căn cứ vào cái gì để nói đúng pháp luật".
Bà Lê Thị Kiều Oanh (hai, trái sang) cho hay gia cảnh của bà rất khó khăn, neo đơn, vào thời điểm ông Phạm Minh Hoàng (đầu tiên, phải) bị Việt Nam trục xuất.
Năm 2010, ông Phạm Minh Hoàng bị bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh và bị đưa ra xử tháng 8/2011 về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự. Ông bị tuyên án 3 năm tù giam, sau đó được giảm còn 17 tháng tù. Ông ra tù ngày 13/1/2012.
Trong một clip video được truyền thông Việt Nam công bố trước khi bị kết án, ông Phạm Minh Hoàng đã 'nhận tội' và nói rằng ông đã vi phạm pháp luật của Việt Nam và 'tự nhận' rằng ông là thành viên của Đảng Việt Tân, được tổ chức này mời dự một số khóa huấn luyện ở hải ngoại về đấu tranh 'bất bạo động'...
Phản ứng trước sự kiện ông Hoàng bị chính quyền Việt Nam bắt đi để trục xuất, hôm 23/6/2017, một 'Bản lên tiếng' của Đảng Việt Tân gửi cho các cơ quan truyền thông viết :
"Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn trục xuất anh Phạm Minh Hoàng về lại Pháp. Do đó, chính quyền Pháp không thể thỏa hiệp với chế độ Hà Nội để đẩy một nhà hoạt động nhân quyền đi lưu vong.
"Đây là trường hợp đầu tiên mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tước quốc tịch của một người có quan điểm chính trị khác với chế độ. Điều 15 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khẳng định rằng không ai có thể bị tước quốc tịch của họ một cách tùy tiện.
"Đảng Việt Tân lên án hành động tước quốc tịch của anh Phạm Minh Hoàng và toan tính trục xuất anh Hoàng về Pháp là hành vi bất hợp pháp của chế độ cộng sản Việt Nam đối với một người công dân Việt Nam. Là người Việt Nam, anh Phạm Minh Hoàng có quyền cư ngụ, sống và chết trên quê hương mình để phục vụ đất nước và dân tộc", đảng Việt Tân tuyên bố.
Tình hình là sắp tới, sẽ có một số lượng lớn người Việt sinh sống ở nước ngoài sẽ bị "tước quốc tịch".
Luật quốc tịch 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014
Thật ra điều 13 Luật quốc tịch 2008 qui định những công dân Việt Nam nào (sinh sống ở nước ngoài) không đăng ký để lấy lại quốc tịch Việt trong 5 năm (từ ngày luật này có hiệu lực) thì sẽ mất quốc tịch.
Điều 13 luật này được sửa đổi (2014), theo đó, những người Việt sinh sống ở nước ngoài, nếu chưa bị mất quốc tịch (vào thời điểm luật này có hiệu lực) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Lý do điều 13 thay đổi, là đến cận ngày hết hạn mà không có bao nhiêu người đến đăng ký giữ quốc tịch Việt. Không thay đổi luật thì sẽ có vài triệu người Việt Nam mất quốc tịch.
Nhưng luật Việt Nam lại "mở cửa rộng" cho việc nhà nước tước quốc tịch của công dân mình.
Điều 31 Luật quốc tịch qui định :
"Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Vấn đề là các việc "gây phương hại đến độc lập dân tộc, xây dựng bảo vê tổ quốc, uy tín nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam " là không có gì xác định"cụ thể".
Không có một cơ quan pháp lý độc lập nào được đặt ra để thẩm định các "hành vi" như thế nào là phạm tội. Chỉ cần một lá đơn "tố cáo" thì tiến trình "truất quốc tịch" được khởi động. Chủ tịch nước ký tên vào là xong.
Như vậy tất cả những người Việt Nam (tị nạn cộng sản hay không tị nạn) đều có thể bị truất quốc tịch, đơn giản chỉ vì một thái độ, một lời nói... được xem là "chống chế độ".
Bà Lê Thị Thu Hằng, cái loa rè của Việt Nam vừa lên tiếng rằng việc tước quốc tịch Giáo sư Phạm Minh Hoàng là đúng luật Việt Nam.
Vấn đề là luật Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký đồng thời đi ngược lại nền tảng kiến tạo nên quốc gia.
Dĩ nhiên những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có cha mẹ tiên tổ là người Việt Nam, dầu họ có lưu lạc sống ở nước ngoài hay ở Việt Nam, họ đều là người Việt.
Trong số hàng triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài, có vô số người là hậu duệ của các bậc tiên liệt đã dựng nước và mở rộng đất nước này. Hậu duệ nhà Nguyễn có rất nhiều người sống ở nước ngoài. Hậu duệ nhà Lê, nhà Ngô, nhà Lý... cũng vậy.
Cái gọi là "nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của ông Hồ dựng lên, thực ra là "con hoang" của chủ nghĩa cộng sản quốc tế với thực dân. Thời gian tồn tại chủ nhà nước này chỉ là con số lẻ so với chiều dài lịch sử.
Thực tế cho thấy nhà nước này bản chất là một nhà nước "thực dân" do "nội xâm". "Chúng ăn của dân không từ một thứ gì".
Nhà nước này có tư cách gì để tước quốc tịch Việt Nam của những công dân Việt ?
Cái loa rè Việt Nam cho rằng việc tước quốc tịch công dân là "đúng pháp luật".
Rõ ràng là "luật rừng". Xử sao cũng được.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 17/06/2017
Hội cựu giáo chức lên tiếng vụ tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng (RFA, 14/06/2017)
Theo Hội Cựu giáo chức Chu Văn An thì quyết định do chủ tịch nước Trần Đại Quang ký về việc tước quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng là ngược lại với Bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền ; theo đó mọi người đều có quyền có quốc tịch.
Giáo Sư Phạm Minh Hoàng giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn năm 2006. Courtesy FB Lê Nguyễn Hương Trà
Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An nói rằng giảng viên Phạm Minh Hoàng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và đương nhiên ông có quốc tịch Việt Nam mà không có một điều khoản luật pháp nào cho phép nhà nước Việt Nam tước quốc tịch của ông.
Giảng viên – cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng cũng là một trong những người sáng lập Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An.
Chúng tôi đã liên lạc được với thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, thuộc Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An, nguyên giảng viên trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thương mại tại Hà Nội, hiện sống ở Hà Nội, và ông cho biết về bản lên tiếng của hội về trường hợp thành viên Phạm Minh Hoàng :
"Chúng tôi thấy những điều bất công trong xã hội thì chúng tôi lên tiếng. Để bảo vệ những quyền lợi chính đáng, trước hết là công lý và lẽ phải cho những người thầy giáo dám dấn thân nói lên những lẽ phải và công lý, nói lên sự thật, giúp cho xã hội thay đổi và tiến bộ. Đối với trường hợp thầy giáo Phạm Minh Hoàng thì tôi thấy là việc Chủ tịch nước ông Trần Đại Quang ra cái quyết định đó là trái với luật pháp và đạo lý của dân tộc".
******************
Nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, đánh đập (RFA, 14/06/2017)
Tổ chức theo dõi quyền con người Front Line Defenders - Người Bảo vệ Tuyến đầu - vào hôm 13 tháng 6 lên tiếng về trường hợp Nguyễn Đăng Vũ, một thanh niên hoạt động nhân quyền bị công an tỉnh Đak Lak bắt giữ và đánh đập hồi ngày 8/6/2017.
Anh Nguyễn Đăng Vũ (Ảnh minh họa chụp trước đây). Courtesy FB Nguyễn Peng
Theo đó trong chuyến đi làm thiện nguyện ở thành phố Buôn Ma Thuộc, anh Nguyễn Đăng Vũ bị những người mặc thường phục lẫn sắc phục đưa về đồn Công an Tân Lập để kiểm tra hành chính. Anh Vũ đã bị đánh và đạp vào bụng trong thời gian bị tạm giữ 31 giờ đồng hồ và sau đó bị ép buộc đưa lên xe đò về lại thành phố Hồ Chính Minh.
Anh Nguyễn Đăng Vũ kể lại diễn tiến ở đồn Công an Tân Lập với RFA ngay sau khi về đến nhà ở Sài Gòn vào tối ngày 9 tháng 6.
Front Line Defenders kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức chấm dứt hành động sách nhiễu đối với Nguyễn Đăng Vũ, trả lại điện thoại cá nhân cho anh Vũ cũng như phải điều tra vụ việc và công khai kết quả điều tra theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời chấm dứt mọi động thái cản trở nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, kể cả sách nhiễu về mặt luật pháp.
**********************
Các linh mục giáo hạt Thuận Nghĩa lên tiếng về bất ổn ở Song Ngọc (RFA, 14/06/2017)
Các linh mục thuộc Hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh vào hôm 13/6/2017 đồng ký tên trong bản tuyên bố khẳng định tình hình bất ổn gần đây tại giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là do chính quyền gây nên.
Lễ rước thánh giá tại hạt Thuận Nghĩa. (Ảnh minh họa) - RFA
Trong bản tuyên bố Linh mục đoàn Giáo hạt Thuận Nghĩa nêu rõ sự nghi ngờ của họ về thiện chí của chính quyền địa phương trong việc được gọi là "đảm bảo ổn định trật tự" nhưng thực tế chính quyền đã dung túng những người cố tình gây phạm pháp, kích động thù hằn và chia rẽ lương giáo.
Các linh mục trưng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy việc làm của những người này có tổ chức dưới sự chứng kiến của công an và chính quyền, điển hình như dùng bạo lực quấy rối đời sống của giáo dân giáo xứ Song Ngọc, ném đá vào nhà thờ, đe dọa không cho dân chúng địa phương giao thương làm ăn với những gia đình công giáo và dùng sức ép để lấy chữ ký với mục đích trục xuất hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục khỏi huyện Quỳnh Lưu.
Trong bản tuyên bố, chín vị linh mục và giáo dân Hạt Thuận Nghĩa yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu cần tức khắc chấm dứt những hành động khủng bố tinh thần lẫn thể chất đối với giáo dân Song Ngọc, tiến hành điều tra thủ phạm tấn công giáo dân và phải kiến nghị với Chính phủ để bôi thường thỏa đáng cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.
*********************
Hạn chót mới cho bồi thường thảm họa Formosa (RFA, 14/06/2017)
Công tác bồi thường cho các đối tượng mà chính phủ Hà Nội qui định chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa gây nên đến cuối tháng 6 này phải hoàn tất.
Ngư dân tại cảng cá Hà Tĩnh. RFA
Đó là chỉ thị mới nhất do phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đưa ra với các địa phương và được truyền thông trong nước nhắc lại vào ngày 14 tháng 6.
Theo yêu cầu của ông phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thì các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại theo hai quyết định 1880 và 309 do thủ tướng ký, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 tới đây.
Vị phó thủ tướng kiêm trưởng ban chỉ đạo khắc phục thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên còn yêu cầu không được mở rộng đối tượng, phạm vi ra.
Theo qui định của chính phủ Hà Nội thì chỉ có 4 tỉnh nằm trong diện bị tác động bởi hóa chất độc hại do nhà máy thép Formosa thải ra biển là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế.
Trong khi đó nhiều ngư dân cùng những người thuộc ngành nghề liên quan đến biển tại địa phương lân cận là Nghệ An cho biết họ cũng chịu tác động nặng nề bởi thảm họa môi trường Formosa.
Trong chỉ thị đưa ra, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giám sát, công bố chất lượng, an toàn thực phẩm hải sản tầng đáy ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung như vừa nêu.
Đối với số lượng hải sản đang còn tồn kho, phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thống kê một cách chính xác, xác minh, kiểm tra, đánh giá hồ sơ, chứng cứ, chứng minh rõ nguồn gốc số hải sản được mua tạm trữ trong thời gian xảy ra thảm họa môi trường biển. Tất cả tổng hợp lại gửi cho Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với hai bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Tài chính thẩm tra kết quả thống kê, xác minh hồ sơ, chứng cứ.
Theo anh Phạm Minh Hoàng tường thuật, ông Tổng Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn gọi anh đến gặp và thông báo rằng vào ngày 17/5/2017 Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng.
Ông Phạm Minh Hoàng.
Sự việc
Khi anh Hoàng yêu cầu xem bản quyết định đó, ông Tổng Lãnh sự Pháp cho biết cơ quan công an của Việt Nam chỉ thông báo miệng, nên chính ông cũng chưa nhìn thấy bản quyết định đó, dù chi tiết về người ký và ngày ký quyết định đã được phía Việt Nam xác nhận.
Sau khi nhận tin như trên, anh Phạm Minh Hoàng đã tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý từ bỏ quốc tịch Pháp của anh chưa được khởi động theo luật hiện hành của nước Cộng hòa Pháp.
Quy định hiện hành về quốc tịch Việt Nam
Quốc tịch là một vấn đề pháp lý được quy định chủ yếu tại Hiến pháp năm 2013 (Hiến pháp) và Luật quốc tịch số 24/2008/QH12 ngày 13/11/2008 (Luật quốc tịch).
Hiến pháp quy định tại Khoản 1 của Điều 17 như sau : "Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam".
Tương tự, Luật quốc tịch quy định tại Khoản 1 của Điều 5 như sau : "Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam".
Ngoài ra, Điều 4 của Luật quốc tịch còn khẳng định một nguyên tắc quốc tịch quan trọng : "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".
Quy định hiện hành về tước quốc tịch
Theo quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch, hai nhóm chủ thể sau đây có thể bị tước quốc tịch :
"1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này".
Phân tích pháp lý
Giả định rằng quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành vào ngày 17/5/2017 như thông báo của ông Tổng Lãnh sự Pháp. Tuy chưa ai trực tiếp nhìn thấy bản quyết định đó, một điều chắc chắn rằng mọi quyết định tước quốc tịch Việt Nam đều phải dựa vào các căn cứ pháp lý quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch.
Do đó, vấn đề pháp lý chính trong trường hợp anh Phạm Minh Hoàng là anh thuộc diện nào trong hai nhóm chủ thể có thể bị tước quốc tịch nêu trên. Hãy phân tích từng nhóm chủ thể đó để xác định sinh mệnh pháp lý của anh Hoàng ra sao.
Thứ nhất, nhóm chủ thể theo Khoản 1 của Điều 31
Đây là nhóm các "công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài". Như vậy, nhóm này có hai yếu tố nhận diện bắt buộc : (1) [là] công dân Việt Nam ; và (2) [phải] "cư trú ở nước ngoài".
Công dân Việt Nam được xác định là người có quốc tịch Việt Nam, như Điều 17 Hiến pháp và Điều 5 Luật quốc tịch quy định. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 3 của Luật quốc tịch giải thích cụ thể như sau : "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Như vậy, yếu tố cư trú "lâu dài" ở nước ngoài rất quan trọng.
Anh Phạm Minh Hoàng là công dân Việt Nam, từng có thời gian sinh sống và làm việc lâu dài ở Pháp. Tuy nhiên, từ 10 năm nay, anh đã hồi hương theo luật định và được nhà nước Việt Nam chấp thuận cho giữ quốc tịch Việt Nam, cấp giấy Chứng minh Nhân dân dành cho người cư trú tại Việt Nam và, quan trọng nhất, cho anh nhập hộ khẩu thường trú tại nhà riêng anh ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nói cách khác, anh Phạm Minh Hoàng là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, chứ không thuộc nhóm chủ thể "công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài". Một khi đã xác định anh Hoàng không thuộc nhóm chủ thể này về hình thức, thì không cần xét tiếp đến việc anh "có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay không.
Thứ hai, nhóm chủ thể theo Khoản 2 của Điều 31
Đây là nhóm "người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật [quốc tịch] này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam".
Khoản 1, Điều 19 của Luật quốc tịch quy định như sau : "Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây […]".
Như vậy, người xin nhập quốc tịch Việt Nam chỉ có thể là công dân nước ngoài và người không quốc tịch. Sinh ra đã là người Việt Nam, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (dù có thêm quốc tịch nước ngoài), chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam, thì không cần phải xin nhập tịch Việt Nam. Trên thực tế, anh Phạm Minh Hoàng chưa từng xin nhập tịch Việt Nam theo Điều 19 của Luật quốc tịch, trái lại anh chỉ xin hồi hương và được nhà nước Việt Nam chính thức xác nhận rằng anh vẫn giữ (chứ không phải được nhập) quốc tịch Việt Nam.
Nói cách khác, anh Phạm Minh Hoàng đang là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, chứ không thuộc nhóm chủ thể "người đã nhập quốc tịch Việt Nam". Cũng như trên, một khi đã xác định anh Hoàng không thuộc nhóm chủ thể này về hình thức, thì không cần xét tiếp đến việc anh "có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay không.
Nhà nước Việt Nam có thể trục xuất công dân Việt Nam khỏi lãnh thổ Việt Nam ?
Hiến pháp quy định tại Khoản 2 của Điều 17 như sau : "Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác".
Như vậy, bất kể việc công dân Việt Nam (dù đang thường trú tại Việt Nam hay định cư ở nước ngoài) đã hoặc đang "có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có quyền trục xuất công dân mình sang nước khác, hoặc không cho họ nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật, nếu có, của công dân phải được xử lý theo quy định luật pháp có liên quan, chứ không bằng giải pháp trục xuất. Cần lưu ý rằng, kể cả trong trường hợp tước quốc tịch đúng luật theo Điều 31 của Luật quốc tịch, thì hệ quả pháp lý đương nhiên theo đó cũng không phải là trục xuất đương sự khỏi Việt Nam.
Có cần thiết từ bỏ quốc tịch Pháp để giữ quốc tịch Việt Nam hay không ?
Như đã nêu trên, Điều 4 của Luật quốc tịch khẳng định một nguyên tắc quốc tịch quan trọng : "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".
Như vậy, bất kể công dân Việt Nam có bao nhiêu quốc tịch nước ngoài, nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam mà thôi. Chính vì nguyên tắc này nên nhà nước Việt Nam không có quyền gán cho công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam hành vi xâm phạm an ninh quốc gia để rồi đương nhiên tước quốc tịch và trục xuất họ sang nước khác.
Do đó, việc anh Phạm Minh Hoàng tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp nhằm đặt nhà nước Việt Nam vào tình huống pháp lý không thể tước quốc tịch Việt Nam của anh có thể khẳng định là không cần thiết, bởi lẽ dù công dân Việt Nam có hai quốc tịch trở lên, đối với nhà nước Việt Nam người ấy vẫn chỉ có một quốc tịch duy nhất, đó là quốc tịch Việt Nam.
Anh Phạm Minh Hoàng không thuộc hai nhóm chủ thể có thể bị tước quốc tịch Việt Nam như quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch, thì dù anh muốn tiếp tục duy trì quốc tịch Pháp hay nhận thêm nhiều quốc tịch khác nữa, nhà nước Việt Nam cũng không có quyền tước quốc tịch Việt Nam của anh trong mọi trường hợp, trừ phi họ hành động bất chấp luật pháp.
Kết luận
Vì thông tin về quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành vào ngày 17/5/2017 vẫn chỉ là giả định do chưa ai nhìn thấy, nên từ những phân tích pháp lý trên đây, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng thông tin đó là xác thực.
Trong tư cách là Chủ tịch nước kiêm Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương, ông Trần Đại Quang chắc chắn không thể hành động sơ suất như thế khi ban hành một quyết định vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và luật pháp về quốc tịch.
Nếu quả thật ông đã lỡ ký ban hành quyết định vi hiến và vi luật đó, thì trong lúc chưa ai kịp thấy mặt mũi của nó, ông nên lặng lẽ hủy ngay và cho thi hành kỷ luật đối với kẻ đã tư vấn hoặc yêu cầu ông làm như vậy.
Quốc tịch là một vấn đề hệ trọng vì nó thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân. Vi phạm các nguyên tắc pháp lý cơ bản về quốc tịch và xâm phạm quyền công dân hợp pháp của người mang quốc tịch Việt Nam có thể khiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh mất uy tín chính trị và hình ảnh của một nhà cai trị công minh, mà ông đang gầy dựng và đã đạt nhiều ưu thế vượt trội so với các đối thủ của mình.
Tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam sẽ tạo nên một tiền lệ pháp lý nguy hiểm, đó là 91 triệu công dân Việt Nam đều cùng ở trong tình huống có thể bị tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam bất cứ lúc nào. Tiền lệ này tuy bất khả thi, nhưng chắc chắn sẽ gây thêm nhiều bất ổn xã hội, vì tính tùy tiện trong việc áp dụng luật và thiếu thượng tôn pháp luật trong hoạt động cai trị của nhà cầm quyền.
Lê Công Định
Nguồn : VOA, 09/06/2017